Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “Thói Quen Làm Nên Sáng Tạo”: Để Sáng Tạo Trở Thành Một Phần Trong Bạn.

Thiên tài chỉ có 1% là may mắn, 99% còn lại là mồ hôi và nước mắt- Thomas Edison.

Trong cuộc sống, ai cũng luôn muốn hướng đến sự sáng tạo để có thể thành công hơn nữa. Song hầu như ai ai cũng nghĩ rằng sáng tạo là một khái niệm gì đó thật xa xôi mà người bình thường khó đạt tới được. Mọi người luôn tin rằng chỉ có những thiên tài như Thomas Edison hay Enstein hay Mozart mới có thể sáng tạo không ngừng nghỉ trong suốt cả cuộc đời mình. Nhưng liệu bạn có biết rằng sáng tạo chỉ đơn giản là một thứ mà ai cũng có thể đạt được một cách đơn giản, thậm chí biến nó thành thói quen hằng ngày của bản thân?

Twyla Tharp là một trong những biên đạo múa vỹ đại nhất nước Mỹ. Trong quá trình làm việc và cống hiến trước kia của mình, bà đã đạt được rất nhiều giải thưởng danh giá như những minh chứng cho khả năng sáng tạo không ngừng và tài năng của mình. Và cách mà bà làm được điều đó, như cách bà chia sẻ trong cuốn sách Thói quen làm nên sáng tạo, đó là biến sự sáng tạo trở thành một thói quen thường nhật, biến sáng tạo trở thành một hành động vô thức và thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà.

Vậy bạn thì sao? Liệu bạn có muốn khai phá tiềm năng sáng tạo của bản thân qua những thói quen mà bạn vẫn làm hằng ngày? Liệu bạn có muốn trở nên sáng tạo hơn không? Cuốn sách chắc chắn sẽ là một lựa chọn đúng đắn cho bạn đấy!

Tôi không dám cam đoan mọi thứ bạn tạo ra sẽ đều tuyệt vời- điều đó tùy thuộc vào bạn- nhưng tôi dám hứa là nếu bạn đọc hết cuốn sách và thực hiện chỉ khoảng một nửa số khuyến nghị thôi… thì sáng tạo sẽ trở thành thói quen của bạn.- Twyla Tharp.


Nghi lễ chuẩn bị

Nghe thì có vẻ gì đó mang tính chất “tôn giáo” ở đây nhưng thực sự thì không hề, cái gọi là “nghi lễ” ở đây chỉ đơn giản mà một hành động bạn chọn làm để bắt đầu một ngày làm việc, nhằm “khởi động” tinh thần làm việc của mình mà thôi. Đó có thể chỉ là một hành động đơn giản như việc bạn gọi một chiếc taxi đến phòng tập gym chẳng hạn. Điều đó tuy đơn giản nhưng nếu bạn làm nó một cách nghiêm túc thì nó sẽ giúp bạn không lười biếng mà tiếp tục thực hiện những điều bạn cần làm đó.

Đối với Twyla, bà chia sẻ rằng có rất nhiều ngày bà thức dậy và cảm thấy vô cùng chán nản khi phải đến phòng tập nhưng việc coi chuyện bắt taxi đến phòng tập là một nghi thức bắt đầu đã giúp bà có động lực phải hoàn thành việc đó. Đây cũng là một cách khá hay để thiết lập thói quen mà bạn có thể cân nhắc đấy!

Trên tất cả, các nghi lễ chuẩn bị sẽ trang bị cho ta lòng tự tin và khả năng tự lực cánh sinh.

Khai thác bộ nhớ của bạn

Nếu toàn bộ nghệ thuật là ẩn dụ, thì toàn bộ nghệ thuật bắt đầu với ký ức. Người Hy Lạp cổ đại hiểu rõ điều này: Trong những câu chuyện thần thoại gốc họ coi Mnemosyne, nữ thần ký ức là mẹ của chín Nàng Thơ( Muse).

Trí nhớ là một công cụ đắc lực trong hành trình đi tới sáng tạo của bạn. Nó có thể không giúp bạn phát triển cảm hứng song nó lại phục vụ cho việc phát triển kỹ năng. Những nhà văn nổi tiếng thường có thói quen gõ lại tác phẩm kinh điển từ những đại văn hào trước đó. Điều này giúp họ rất nhiều trong quá trình nhận thức và hiểu được rõ tại sao những nhà văn đó lại sử dụng từ ngữ này trong các hoàn cảnh khác nhau. Đây giống như một bước tạo khung nền cho tác phẩm của mình vậy. Đầu tiên bạn phải bồi đắp kiến thức của bản thân sau đó bạn sẽ dần dần phát triển nó lên trở thành một tác phẩm hoàn hảo.

Vậy bài học rút ra từ đây là gì?

Rất đơn giản, bạn cần tích cực sao chép những gì mà người đi trước đã sáng tạo ra. Đây thực sự nghe hơi “vô lý” khi trong thời đại ngày nay, con người ai ai cũng muốn thúc đẩy tính sáng tạo và tính mới của bản thân. Nhưng việc sao chép lại những gì đã từng được làm, nó sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những cái đã có để từ đó sáng tạo hơn nữa trong tương lai sau này.

Twyla nói rằng: Đi trên con đường của sự vĩ đại, dù là theo bước chân của người khác, là một biện pháp quan trọng để rèn giũa kỹ năng.

“Tai nạn” sẽ xảy ra

Nhiếp ảnh gia Richard Avedon luôn luôn chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng mọi thứ trước buổi chụp hình của mình. Ông biết rõ rằng ông sẽ dùng máy ảnh nào, lens nào, đạo cụ ra sao,.. Tất cả mọi thứ đều đã được tính toán trước. Thậm chí ông còn yêu cầu được gặp đối tượng chụp hình trước khi buổi chụp bắt đầu.

Bạn có nghĩ rằng với một sự chuẩn bị kỹ càng như thế thì lấy đâu ra chỗ của sự sáng tạo?

Nhưng mà không hề, Richard đã rất chuyên nghiệp trong công việc của mình. Cho dù có chuẩn bị tất cả đi chăng nữa thì đến khi đối tượng bước vào studio, mọi công cuộc kế hoạch hóa đều chấm dứt. Đây là khi ông dành chỗ cho óc sáng tạo của mình làm việc.

Sáng tạo là một điều mang nghịch lý: Để sáng tạo theo thói quen, bạn phải biết cách chuẩn bị để sáng tạo, nhưng chỉ riêng việc kế hoạch hóa tốt thôi thì chưa đủ để giúp bạn thành công ; chỉ sau khi chịu từ bỏ các kế hoạch, bạn mới có thể thổi hồn vào những nỗ lực của mình.

Trong quá trình làm việc, bạn sẽ luôn phải đối mặt với những “tai nạn”, hay nói đơn giản hơn là một vài sự cố như một cộng sự của bạn không thể tham gia buổi diễn bởi họ thiếu trách nhiệm hoặc họ bị chấn thương trong quá trình diễn tập. Cho dù “ý định” của bạn có tốt đến đâu, sự chuẩn bị của bạn có hoàn hảo tới mức nào thì cũng không thể nào có thể lường trước được những tai nạn có thể bùng phát. Những lúc như vậy, bạn phải có khả năng xuôi theo sự thay đổi rồi phối hợp với nó thay vì chống đối nó.

Một điều nữa bạn cần ghi nhớ đó chính là bạn không nên theo đuổi sự cầu toàn ngay từ đầu. Mọi thứ sẽ không bao giờ trở nên hoàn hảo. Nếu bạn quá cầu toàn, bạn sẽ mãi mãi chỉ mắc kẹt ở bước đầu tiên: lên kế hoạch mà thôi. Bạn cần học cách chấp nhận những thiếu sót để tiếp tục bước đi, vượt qua những rào cản khác với những thiếu thốn mà bạn phải chịu đựng.

Twyla, để chạm được vào thành công như ngày hôm nay, đã phải vượt qua rất nhiều những thiếu thốn, khổ cực để tới bây giờ, bà luôn  tự nhủ mình rằng:

Không có thiếu thốn, không có cảm hứng. Không có khó khăn, không có hôm nay.

Ngoài ra, “tai nạn” trong quá trình sáng tạo còn tồn tại ở muôn hình vạn trạng và trong rất nhiều tình huống khác nhau. Twyla đã liệt kê ra tất cả những “tai nạn” đó để giúp độc giả của bà có thể biết được điều đó mà tự tạo cho mình một thói quen sáng tạo.


Kỹ năng

Kỹ năng luôn là một nguyên liệu quan trọng trong công thức của sáng tạo. Bạn có biết rằng bất cứ nhà thiết kế thời trang số một nào cũng là một bậc thầy khi động đến kim chỉ không? Họ có hàng tá những người phụ giúp cho mình song chẳng ai trong số những người phụ tá đó có thể qua mặt họ trong kỹ năng may hết. Một bếp trưởng là người giỏi hơn tất cả những người làm việc trong căn bếp của anh ta, từ việc chuẩn bị nguyên liệu đến toàn bộ khâu nấu nướng và bày biện. Thuần thục các kỹ năng từ kỹ năng nhỏ nhặt nhất là cách mà những người này có thể thành công trong sự nghiệp sáng tạo không ngừng nghỉ của mình.

Một thứ khác không kém phần quan trọng trong các nhân tố để hình thành nên sự sáng tạo chính là đam mê.

Thiếu đi niềm đam mê, tất cả mọi kỹ năng trên đời cũng không thể kéo bạn lên khỏi tầm kỹ xảo.Thiếu kỹ năng, tất cả mọi đam mê trên đời chỉ khiến bạn hăm hở nhưng lúng túng. Việc kết hợp cả hai yếu tố là tinh cốt của đời sống sáng tạo.

Điểm A cho thất bại

Bạn đã nghe thấy thuật ngữ “thất bại riêng tư” bao giờ chưa? Hẳn là chưa phải không? Trong suốt thời gian làm việc của mình, Twyla chia sẻ rằng bà rất thích thất bại riêng tư. Đó đơn giản là thất bại khi không có ai biết mà chỉ có bản thân bạn biết điều đó. Bạn có thể thất bại hàng trăm hàng nghìn thậm chí hàng vạn lần khi bạn ở một mình. Điều đó tuy rất tốn thời gian, thậm chí nó còn làm cho tiến độ công việc của bạn chậm đi. Song nó lại tăng cao khả năng bạn sẽ không thất bại trước công chúng đâu.

Twyla nói rằng trong khi biên đạo múa, bà thích nhất những vũ công ngã nhiều nhất, thất bại nhiều nhất. Bởi họ là những người dám thử thách bản thân làm những điều mới, và quan trọng hơn, họ dám thất bại. Họ ngã hết lần này đến lần khác, rồi lại tiếp tục đứng lên như không có chuyện gì xảy ra và vẫn tiếp tục tập luyện. Họ cũng sẽ là những người học được nhiều thứ nhất trong quá trình tập luyện của mình và chắc chắn rằng họ sẽ tiến bộ rất nhanh chóng để trở thành những vũ công tuyệt vời!


Lời kết

Thói quen làm nên sáng tạo giống như một câu chuyện về Twyla Tharp- một biên đạo múa vĩ đại của Mỹ. Qua cuốn sách, bà chia sẻ cho độc giả của mình về bí quyết để biến sáng tạo trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Bà chỉ ra tất cả những yếu tố có thể tác động đến thói quen sáng tạo của bạn: Từ cách suy nghĩ cho đến hành động và những rào cản cản trở thói quen sáng tạo.

Cách viết của Twyla Tharp giống như đang kể một câu chuyện, nó rất lôi cuốn và tạo hứng thú cho người đọc. Bởi vậy, đây chắc chắn sẽ là một lựa chọn không tồi cho bạn nếu muốn thúc đẩy sự sáng tạo của bản thân đấy!

Tác giả: Lệ DuyênBookademy

--------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3  

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,154 lượt xem