Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Romain Gary Và Những Cuốn Tiểu Thuyết Đầy Tính Điện Ảnh

Nhiều tiểu thuyết của Romain Gary đã tạo nguồn cảm hứng cho các đạo diễn để mang câu chuyện lên màn ảnh. Điều gì trong tác phẩm của ông đã hấp dẫn các nhà làm phim?

Trong khuôn khổ chương trình Tuần Văn học Pháp với chủ đề “Từ trang sách đến màn ảnh”, Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace tổ chức buổi tọa đàm “Tính điện ảnh trong các tác phẩm của Romain Gary”.

Romain Gary là tác giả lớn trong nền văn học đương đại Pháp. Ông đã 2 lần nhận giải Goncourt vào năm 1956 cho tiểu thuyết Rễ trời dưới bút danh Romain Gary và năm 1975 cho tiểu thuyết Cuộc sống ở trước mặt dưới bút danh Émile Ajar.

Nhiều tiểu thuyết của Romain Gary đã được chuyển thể thành phim như Rễ trời, Lady L,  Lời hứa lúc bình minhCuộc sống ở trước mặt và Chó trắng. Đặc biệt tác phẩm Lời hứa lúc bình minh còn được đưa lên màn ảnh tới 2 lần, lần đầu vào năm 1970 và lần thứ 2 vào năm 2017.


Trong khuôn khổ của buổi tọa đàm, các diễn giả đã cùng bạn đọc khám phá tính điện ảnh trong các tiểu thuyết của Romain Gary và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: tại sao tác phẩm của ông lại có sức hấp dẫn với các nhà làm phim?.

Theo đạo diễn Đỗ Văn Hoàng, nhiều đạo diễn đam mê chuyển thể tiểu thuyết của Romain Gary một phần vì tác phẩm của ông giàu hình ảnh và tình huống. Điều này đúng nhưng chưa đủ.

Trên thực tế, tinh thần nhân văn, tính thời sự trong các sáng tác của nhà văn Pháp cũng là những yếu tố thu hút các nhà làm phim để chuyển thể sáng tác của ông lên màn ảnh rộng.

Ngay cả trên phương diện văn chương, tinh thần nhân văn, nhân bản và nỗ lực cách tân trong cách viết cũng là một trong những yếu tố để làm các tác phẩm của Romain Gary trở nên vĩ đại. Điều này được minh chứng rõ ở giai đoạn sau, khi ông sáng tác dưới bút danh Émile Ajar.

Các diễn giả cũng cho rằng khi chuyển thể một tác phẩm văn chương lên màn ảnh rộng, hai tác phẩm sẽ có những độ chênh nhất định. Không nhất thiết phải đưa toàn bộ nội dung của các tác phẩm văn học lên trên màn ảnh.

Các nhà biên kịch và đạo diễn có thể lược bỏ bớt một số tình tiết hoặc chọn một cách kể mới cho tác phẩm.

Hai phiên bản của bộ phim Lời hứa lúc bình minh được chuyển thể vào năm 1970 và năm 2017 sẽ cho chúng ta thấy rõ điều này. Tác phẩm điện ảnh chuyển thể cũng không phải là “cái bóng” của cuốn tiểu thuyết trước đó.


Nhiều tác phẩm chuyển thể thành công có những giá trị độc lập và hoàn toàn có thể tạo tiếng vang mà không cần đến danh tiếng của khuôn mẫu văn chương.

Để chuyển thể thành công các tác phẩm văn học có giá trị như những tác phẩm của Romain Gary, phải kể đến công lớn của những đạo diễn có nghề như Samuel Fuller, Éric Barbier, Jules Dassin…

Với hệ thống tình tiết đầy đặn và tinh tế cùng những hình ảnh giàu sức gợi, các tiểu thuyết của Romain Gary đã tạo nên nguồn cảm hứng bất tận cho điện ảnh. Ngược lại, tính điện ảnh trong tiểu thuyết cũng làm nên nét mới lạ trong sáng tác của Romain Gary đặc biệt trong giai đoạn cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 trên văn đàn Pháp.

Nguồn: news.zing.vn

--------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3  

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

360 lượt xem