Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

“Dành Hết Cho Em”: Cách Trân Trọng Một Tình Yêu Và Trao Đi Phần Tốt Đẹp Nhất

Tình yêu luôn là cảm hứng bất tận cho văn thơ nhạc họa bởi nó đẹp đẽ và quý giá. Vâng, ai cũng biết điều ấy. Thế nhưng, mấy người hiểu được cách trân trọng tình yêu như những gì nó xứng đáng được nhận? Ở thế kỉ hai mốt, chủ nghĩa cá nhân được đề cao, chưa bao giờ ta thấy rằng việc nâng niu ai khác ngoài bản thân và hi sinh vì họ lại khó khăn đến thế. Vấn đề ấy đã trở thành nội dung cốt lõi để Nicholas Sparks viết nên Dành Hết Cho Em, một câu chuyện cũ nhưng mang theo hơi thở thời đại bất diệt.

I. Nicholas Sparks và dòng văn lãng mạn hiện đại:

Về Nicholas Sparks:

Nicholas Sparks sinh ngày 31/12/1965, là nhà văn và biên kịch người Mỹ. Ông có con đường học vấn khá xán lạn: đạt danh hiệu thủ khoa và trở thành đại diện học sinh phát biểu của trường Trung học Bella Vista, là một trong những sinh viên được vinh danh khi đang theo học khoa tài chính Đại học Notre Dame. Trước khi khám phá ra tài năng viết lách của bản thân, Nicholas Sparks đã trải qua nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau như tìm kiếm công việc trong nhà xuất bản, nộp đơn vào trường luật, tự phát triển công việc kinh doanh. Cái duyên với con chữ chỉ bắt đầu khi mẹ gợi ý rằng ông có thể thử viết một quyển sách xem sao. Bẵng đi nhiều năm, cậu sinh viên năm nhất hoang mang với cuộc đời giờ đã là một trong những cây bút nổi tiếng nhất của nền văn học Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung, được xem như người kế thừa sáng giá của những nhà văn từng theo đuổi chủ nghĩa lãng mạn.

Nicholas Sparks viết về tình yêu, song đó không phải là những tình yêu lớn lao thay đổi cả thế giới. Nhà văn người Mỹ chăm chút xoay quanh số phận nhỏ bé, tầm thường, đồng thời xen lẫn giá trị gia đình bên cạnh những thông điệp tình yêu. Dù chuyên viết thể loại văn xuôi nhưng người đọc vẫn có thể nhận thấy vần điệu mượt mà trong con chữ của ông - yếu tố quan trọng giúp tác phẩm của Nicholas Sparks luôn nên thơ, đầy chất nghệ thuật.

Phong cách hành văn đặc biệt và motip thường gặp trong tác phẩm của Nicholas Sparks:

Trong dòng chảy văn học của bất kì quốc gia nào, chủ nghĩa lãng mạn luôn bén rễ nảy mầm, phát triển và trở nên phổ thông từ rất sớm. Trước Nicholas Sparks, văn học lãng mạn của nước Mỹ sở hữu những tên tuổi lớn như Emily Bronte với kiệt tác văn học Đồi gió hú, Gabriel García Márquez và tác phẩm Trăm năm cô đơn. Thế nhưng, điều khiến Nicholas Sparks có thể vượt qua cái bóng to lớn của các bậc tiền nhân chính là nét đặc biệt trong giọng văn của ông.

Nhà văn người Mỹ luôn viết về nhân vật mình bằng tất cả sự dịu dàng, bình thản. Ông không lạm dụng quá nhiều cấu trúc phức tạp, chỉ sử dụng những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu trong tác phẩm, giống như dùng các mảnh ghép nhỏ để xây dựng nên bức tranh lớn. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa Nicholas Sparks nói không với bi kịch.

Nếu từng đọc qua một số tiểu thuyết nổi tiếng khác của Nicholas Sparks như Nhật ký, Đoạn đường để nhớ, John yêu dấu, Lá thư trong chai…, chắc hẳn độc giả sẽ dễ dàng nhận ra được motip lặp lại trong cách xây dựng cốt truyện của ông. Đó là khoảng cách giàu - nghèo, định kiến xã hội, cách trở địa lý khiến những người trẻ tuổi vốn yêu nhau tha thiết buộc phải rời xa. Dành Hết Cho Em cũng nằm trong vòng lặp quen thuộc ấy. Nói bằng cách khác, tác phẩm là “bình mới rượu cũ”. Vậy thì, Nicholas Sparks đã cài cắm ẩn ý gì thêm để tác phẩm có một sức hút mãnh liệt đến thế?

II. Dành Hết Cho Em - Sự kết hợp giữa ngọt ngào và đau buồn:


Câu chuyện tình yêu kinh điển từ ngàn xưa:

Dawson Cole xuất thân từ một gia đình tan vỡ và nghèo khó. Mẹ bỏ đi, bố nghiện rượu, dòng họ có “truyền thống” phạm tội, bạo lực và coi thường phụ nữ. Trong khi đó, Amanda Collier thuộc một gia đình có gia giáo và giàu có. Bố cô là người trí thức, tốt nghiệp loại xuất sắc từ trường đại học danh giá và luôn mong muốn con mình có tương lai tốt đẹp. Mẹ Amanda là một quý phu nhân thích sống trong những giá trị cũ, tư tưởng có đôi chút cổ hủ và lạnh lùng. Hai con người đến từ hai thế giới hoàn toàn khác biệt, tưởng chừng chẳng bao giờ chạm đến được nhau. Thế nhưng, vào mùa xuân năm 1984, vào độ tuổi mười bảy thanh xuân tràn ngập sức sống, Amanda Collier và Dawson Cole sa vào lưới tình. Họ yêu nhau nồng nhiệt và sâu sắc. Tuy vậy, khi năm cuối cấp đến, hàng loạt biến cố ập tới buộc họ phải từ biệt.

25 năm sau, nhờ một sự việc ngỡ là đột ngột nhưng được dự tính trước từ rất lâu, Amanda và Dawson tình cờ tái ngộ. Mỗi người đều đang trong hoàn cảnh chẳng hề vui vẻ gì và rõ ràng không hề giống như cuộc sống họ từng mong muốn. Thời gian trôi qua lấy đi tuổi trẻ, niềm vui, nỗi buồn, dẫu vậy, tình yêu vẫn ở lại.

Đọc đến đây, hẳn có nhiều độc giả sẽ liên tưởng đến Romeo - Juliet kinh điển của Shakespeare hay chính cặp đôi Noah - Allie trong một tác phẩm nổi tiếng khác của Nicholas Sparks - Nhật ký. Đúng vậy, Dawson - Amanda đã rơi vào bi kịch như thế đấy. Dường như đây chính là thế mạnh của riêng Nicholas Sparks, đào sâu vào bi kịch để bật lên tình yêu mãnh liệt không điều gì suy chuyển nổi. Tuy nhiên, khác với phản ứng dữ dội của những cặp tình nhân kể trên, Dawson - Amanda bình thản hơn hẳn, không hành động thái quá, không suy nghĩ cực đoan. Cả hai vốn dự định chôn giấu tình yêu nông nổi, bồng bột tuổi trẻ vì muốn tốt cho đối phương, lặng lẽ chấp nhận số phận đẩy đưa. Nhưng dường như số phận muốn tiếp tục chơi đùa họ.

Sự tàn nhẫn của vận mệnh và cách con người chống chọi nó:


Nicholas Sparks xây dựng bi kịch theo cách từ tốn, chậm rãi. Mọi việc cứ ập đến như lẽ tự nhiên, như nước chảy xuôi nhưng vẫn đủ sức bóp nghẹt trái tim độc giả, mài mòn ngay cả những tâm hồn khô cứng như đá.

Dawson sống lặng lẽ tựa một bóng ma. Anh vô tình vướng vào một tai nạn, từ đó luôn mang theo cảm giác tội lỗi chất chồng. Dawson có một cuộc sống buồn tẻ đến mức lạ thường. Hiếm ai ở độ tuổi bốn mươi hai, tức hai mươi tư năm ròng kể từ khi tình đầu tan vỡ, vẫn cô độc một mình, đi đi về về và chưa từng có ý tưởng muốn hẹn hò với ai. Anh tiêu xài cần kiệm, chăm chỉ làm việc chỉ để gửi tiền về bù đắp cho gia đình nạn nhân người anh ngộ sát thuở trước. Tình yêu không có, chán ghét gia đình, bạn bè ít ỏi, vòng tròn quan hệ của Dawson rất hạn hẹp. Không ai hiểu anh đã sống thế nào, có khi chính Dawson cũng chẳng nhận ra cuộc sống của bản thân trượt dốc, thiếu thốn sự bình yên đến nhường nào.

Anh sống trong một căn nhà lưu động nhỏ ở cuối con đường đất ở ngoại ô New Orleans, và những người nhìn thấy căn nhà có lẽ sẽ cho rằng ưu điểm chính của nó là không bị ngập lụt trong cơn bão Katrina năm 2005. Với lớp ván ốp tường bằng nhựa đã bị nứt và phai màu, căn nhà lưu động nằm kê trên những khối gạch xi măng, lớp móng tạm thời bằng cách nào đó đã trở thành vĩnh viễn theo thời gian. Căn nhà có một phòng ngủ kèm nhà tắm, một phòng khách chật hẹp và nhà bếp chỉ đủ chỗ để kê một chiếc tủ lạnh mini. Khả năng cách nhiệt gần như không có, và theo năm tháng độ ẩm đã làm nền nhà bị cong vênh, khiến anh luôn có cảm giác dường như đang đi trên một mặt nghiêng. Lớp lót sàn trong bếp bị nứt ở các góc nhà, cái thảm đỏ thì cũ sờn, và anh đã bày trong không gian chật hẹp đó những đồ mua được từ các cửa hàng tiết kiệm trong những năm qua. Không hề có một bức ảnh nào tô điểm cho bức tường.

Anh ăn, ngủ, chạy bộ, nâng tạ và lái xe đi đây đó. Anh thường lái xe đi lang thang rất xa, không có đích đến cụ thể. Thỉnh thoảng anh đi câu cá. Mỗi đêm anh đều đọc sách và thỉnh thoảng có viết một lá thư cho Tuck Hostetler. Chỉ có vậy. Anh không có ti vi hay radio, và mặc dù anh có điện thoại di động, nhưng trong danh bạ chỉ có những số điện thoại công việc. Mỗi tháng một lần anh đi mua đồ ăn và nhu yếu phẩm rồi ghé qua hiệu sách nhưng ngoài những dịp đó ra anh chưa bao giờ đi lại khám phá New Orleans. Trong suốt mười bốn năm, anh chưa bao giờ tới đường Bourbon hoặc tản bộ qua khu phố Pháp; anh chưa bao giờ nhấm nháp cà phê tại quán Café Du Monde hoặc ghé qua quán bar Laffite’s Blacksmith Shop. Thay vì đến phòng tập, anh tập thể dục sau căn nhà lưu động, dưới mái che bằng vải bạt cũ sờn mà anh căng lên giữa căn nhà và những cái cây. Anh không đi xem phim hay tụ tập ở nhà bạn bè khi đội Saints chơi vào các buổi chiều Chủ nhật. Anh đã bốn mươi tuổi nhưng chưa từng hẹn hò kể từ khi còn là thanh niên.

Về phía Amanda, cô đã phải gánh chịu nhiều mất mát hơn tưởng tượng. Khác với Dawson, tổn thương của Amanda đến từ chính gia đình. Vào năm mười bảy tuổi, sự ngăn cấm của bố mẹ đã gieo vào lòng cô gái trẻ sự bất cam và chán chường. Đến khi thành gia lập thất, Amanda phải đối mặt với sự ra đi của con gái bé nhỏ vì căn bệnh u não quái ác, người bố thường đứng về phía cô trong các cuộc cãi vã đột ngột qua đời và chồng ngày càng sa đà vào rượu chè, bê tha lẫn có xu hướng trở nên bạo lực.

Cô không và chưa từng ảo tưởng rằng hôn nhân là một mối quan hệ chỉ tuyền những niềm hạnh phúc bất tận và sự lãng mạn. Mang hai người bất kỳ lại với nhau, thêm vào đó những thăng trầm tất yếu, rồi thổi vào đó vài cơn bão, thì những cuộc tranh luận dữ dội là không thể tránh khỏi, bất kể cặp đôi đó có yêu nhau nhiều đến đâu đi nữa. Thời gian cũng mang lại những thách thức khác… Nhưng việc mất Bea đã thay đổi họ. Với Amanda, nó đã thúc đẩy một cam kết mãnh liệt với công việc tình nguyện của cô tại bệnh viện; mặt khác, Frank đã thay đổi từ một người thỉnh thoảng mới uống rượu thành một con nghiện rượu.

Nhìn lại, đôi khi cô nghĩ đáng lẽ phải thấy trước được điều đó. Thời đại học, anh thích vừa xem các trận bóng rổ vừa uống bia cùng bạn bè; ở trường học nha khoa, anh thường thư giãn bằng một, hai hay ba lon bia sau khi học xong. Nhưng trong những thán ngày đen tối khi Bea bị ốm, hai hay ba lon bia mỗi đêm dần dần tăng lên thành sáu lon, và sau khi con bé qua đời, số lượng bia anh uống đã tăng thành mười hai lon mỗi đêm. Tới thời điểm hai năm sau ngày Bea mất và Annette chuẩn bị chào đời, anh sẵn sàng nốc một đống vào người ngay cả khi phải đi làm vào sáng hôm sau.

Mỗi năm độ một lần, Frank cũng để tâm tới lời van xin của cô và dừng lại được một thời gian. Rồi sau một vài tuần, anh lại uống một lon bia trong bữa tối. Chỉ một lon. Và nó không trở thành vấn đề ngay đêm đó. Hay đêm kế tiếp. Nhưng anh đã mở cửa và ác quỷ bước vào, và thói say xỉn sẽ lại vượt khỏi tầm kiểm soát.

Về bản thân họ đã đành, môi trường sống xung quanh cũng chẳng hề nhẹ nhàng gì với Dawson và Amanda. Bố cùng hai người anh họ Abee và Ted luôn chực chờ đón sẵn để hành hạ, đánh đập và vòi tiền bất cứ lúc nào Dawson trở về Oriental. Amanda thường xuyên phải chịu đựng bàn tán từ hàng xóm láng giềng về mâu thuẫn gia đình, rằng sao con gái không quay trở về thăm mẹ, rằng nguyên nhân gia đình Amanda hiếm đến Oriental là gì… Cuối cùng, để sống tốt hơn, cả hai dần tự học cách chống chọi với số phận.

Dawson thu mình vào trong vùng an toàn, Amanda tự nhủ bản thân gắng gượng từng ngày và nương nhờ tinh thần vào con cái. Giữa muôn trùng cách trở, trái tim của họ vẫn hướng về nhau. Dawson và Amanda luôn biết rằng họ yêu nhau, nhưng cả hai chưa nhận thức được rằng, họ đã trở thành “soulmate” tự khi nào.

Họ nói chuyện đến tận khuya, ánh sao mờ ảo xuyên thấu qua cửa sổ nhà bếp. Gió thổi xào xạc qua những tán lá trên cây như sóng biển lăn tăn. Chai rượu đã cạn sạch, Amanda cảm thấy ấm áp và thoải mái. Dawson đưa đĩa cho vào bồn rửa và họ đứng bên cạnh nhau, Dawson rửa bát còn cô lau khô. Thỉnh thoảng, khi anh đưa đĩa qua cho cô, cô bắt gặp ánh mắt anh nhìn cô đăm đắm, và nói thế nào đi nữa thì thời gian mà họ cách xa nhau cũng đã dài như một đời người, vậy mà thật kỳ lạ, cô lại cảm thấy như họ chừng từng mất liên lạc với nhau.

Suốt một lúc lâu không ai nói gì, chỉ có tiếng nước chảy cuồn cuộn và tiếng lá xào xạc trên đầu. Amanda cảm thấy cô không cần phải nói gì thêm, và Dawson cũng không mong chờ cô nói. Cô biết anh hiểu chính xác cô đang cảm thấy thế nào, và cô có cảm giác anh cũng đang đau đớn, chỉ bởi vì anh không thể giúp gì được cho cô.

Mối liên kết giữa Dawson và Amanda bền vững đến mức dù đã xa rời nhau rất nhiều năm, chỉ cần một bữa tối giản đơn, cả hai liền trở nên quen thuộc và bớt gượng gạo đi hẳn. Nghe qua thì đơn giản nhưng thực chất rất khó thực hiện, bởi chưa chắc họ hàng lâu ngày không gặp có thể mau chóng thân thiết được như thế. Một mối tình đẹp như mơ, hẳn là thế, nhưng thật tiếc làm sao, “hạnh phúc mãi mãi” là chuyện không thể nào.

“Hạnh phúc mãi mãi” chỉ là cái kết trong mơ:


Thay vì bàn luận nhiều hơn về kết cục, chúng ta hãy nói về những yếu tố hiện thực tác động biến “hạnh phúc mãi mãi” trở thành mơ tưởng. Đầu tiên, Amanda đã kết hôn. Cô không còn là người thiếu nữ sẵn sàng ngồi lên xe, vòi vĩnh được chở ra biển ngắm cảnh, buông thả theo những cuộc vui. Amanda yêu Dawson, nhưng cô còn một tình yêu khác san sẻ cho Frank - người chồng hiện tại - và ba đứa con - Jared, Lynn và Annette.

Tiếp theo là thời gian. Dẫu Amanda và Dawson luôn yêu nhau sau từng ấy năm, không thể phủ nhận rằng thời gian đã khiến họ bỏ lỡ nhiều điều. Amanda chưa từng có ý định đến thăm Dawson dù vẫn thi thoảng nhớ về anh, Dawson không hề cố gắng tìm kiếm thông tin về Amanda trong khi dành trọn trái tim cho cô. Cả hai đang sống cuộc đời của riêng họ, kể cả khi đã gặp nhau, vòng quay tàn nhẫn ấy vẫn sẽ tiếp tục lăn theo lộ trình vốn có mà chẳng thể chệch đi.

Nicholas Sparks đã giáng một đòn mạnh mẽ vào những trái tim mơ mộng. Đúng là có tình yêu vĩnh cửu, nhưng việc ở bên nhau được hay không phải phụ thuộc vào cả hai và duyên phận nữa. Sự cách trở một lần nữa dấy lên một nỗi đau âm ỉ, khiến độc giả đi từ kinh ngạc đến hụt hẫng, cuối cùng tiếc thương cho mối tình chết yểu. Dành Hết Cho Em vì thế mà lưu lại dấu ấn dài lâu hơn hẳn các tác phẩm có kết cục viên mãn của Nicholas Sparks, bởi suy cho cùng, người ta thường hoài niệm nỗi đau nhiều hơn là nhung nhớ niềm vui.

III. Liên hệ hiện thực và bài học quý giá:

Đừng bao giờ vội vã đánh giá một người:

Nicholas Sparks đã nhấn mạnh điều này hơn bao giờ hết bằng cách xây dựng nhân vật đối lập hoàn toàn với bối cảnh vốn cảnh vốn có.

Gia đình Cole, như đã đề cập ở trên, thường xuyên phạm tội, sử dụng súng bừa bãi. Việc vào tù ra khám đối với những người đàn ông họ Cole là chuyện rất đỗi bình thường, có khi được xem như chiến tích đáng tự hào trong hồ sơ. Nhưng Dawson không giống họ. Ngay từ nhỏ, chứng kiến mẹ chịu nhiều bất hạnh đến thế nào vì bố, chàng thiếu niên đã tự nhủ rằng bản thân sẽ không bao giờ giống ông. Vì thế, anh quyết định mình sẽ sống tốt hơn. Dawson chăm chỉ, cần cù và đầy kiên nhẫn, cố gắng học tập suốt quãng thời gian niên thiếu, giành được cả học bổng. 

Nhiều thành viên trong gia đình từng bị kết án vì những tội như hành hung, ẩu đả, phóng hỏa, mưu đồ giết người, giết người; nơi cư ngụ của đại gia đình nhà Cole - khu nhà được xây ở vùng đất có núi đá và rừng cây - giống như một chốn biệt lập với luật lệ riêng của nó. Có vài căn nhà nhỏ xiêu vẹo, các căn nhà lưu động, và các nhà kho bỏ đi lác đác trên khu đất mà gia đình anh gọi là nhà, và trừ phi không còn lựa chọn nào khác, ngay cả cảnh sát trưởng cũng tránh lui tới nơi đó. Các thợ săn cũng tránh xa khu đất, họ đã đúng khi đoán rằng tấm biển KẺ XÂM NHẬP SẼ LẬP TỨC BỊ BẮN BỎ không đơn giản chỉ là một lời cảnh báo suông. Gia đình Cole toàn những kẻ buôn rượu lậu, buôn bán ma túy, nghiện rượu, những kẻ vũ phu, những ông bố bà mẹ thích hành hạ con cái, những kẻ trộm, chủ chứa, và trên hết, là những kẻ bạo lực một cách bệnh hoạn. Theo một bài báo đã được đăng trên một tờ tạp chí hiện đã giải thể, họ từng được coi là gia đình nguy hiểm nhất, nuôi thù chuốc oán nhiều nhất ở phía Đông Raleigh.

Trong số cái đám ấy, chỉ có mình anh là không bao giờ đánh lộn ở trường, và điểm số của anh cũng khá. Anh tránh xa ma túy và rượu, và khi còn là thiếu niên, anh cũng không đi cùng các anh chị em họ của mình khi họ vào thành phố để kiếm chuyện, anh thường nói với họ rằng anh phải kiểm tra thiết bị chưng cất rượu hoặc giúp tháo rời một chiếc xe mà ai đó trong gia đình đã đánh cắp được. Anh ít nói và cố hết sức để càng ít gây chú ý càng tốt.

Anh có lẽ là học sinh duy nhất trong lịch sử của trường đã học hành chăm chỉ nhưng lại cố tình trượt một bài kiểm tra, và anh đã tự học cách làm giả phiếu điểm để cho điểm số trông có vẻ kém hơn thực tế. Anh đã học cách bí mật đổ hết bia trong lon khi người khác quay lưng đi bằng cách dùng dao chọc vào lon… Trong một gia đình đánh giá cao lòng trung thành và sự tuân thủ hơn hết thảy, anh lại khác biệt, và không có tội lỗi nào tồi tệ hơn thế.

Sự khác biệt với gia đình hóa ra lại là điểm tương đồng giữa Dawson và Amanda. Khác với bố mẹ tuân thủ nghiêm ngặt theo những tư tưởng cũ kĩ về tầng lớp, đòi hỏi nhiều về trình độ trí thức, cô gái trẻ hoang dại chấp nhận mọi người. Amanda khao khát được chứng tỏ bản thân, được tự do để làm điều cô muốn, tựa chú chim khao khát bầu trời cao rộng. Cô không chần chừ giống mẹ hay dễ khoan nhượng như ba. Amanda kiên quyết và táo bạo, sẵn sàng đứng lên đấu tranh nhưng đủ thông minh để dừng lại đúng lúc.

Ban đầu, bố mẹ Amanda bám vào niềm hy vọng rằng cô chỉ đơn giản là đang trải qua giai đoạn nổi loạn, và họ cố lờ nó đi. Khi việc đó không có hiệu quả, mọi chuyện trở nên khó khăn hơn với Amanda. Họ tịch thu bằng lái của cô và cấm cô dùng điện thoại. Vào mùa thu, cô bị cấm túc hàng tuần trời và bị cấm ra ngoài vào cuối tuần. Không một lần nào Dawson được phép bước vào nhà họ, và lần duy nhất bố cô nói chuyện với anh là khi ông gọi anh là “một thứ da trắng rác rưởi”. Mẹ Amanda van xin cô chấm dứt mối quan hệ với anh, và đến tháng Mười hai thì bố cô hoàn toàn không nói chuyện với cô nữa.

Sự thù địch xung quanh họ chỉ khiến Amanda và Dawson tiến lại gần nhau hơn, và khi Dawson bắt đầu công khai nắm tay cô ở nơi công cộng, Amanda siết chặt tay anh như thể thách thức bất cứ ai dám bảo cô buông ra.

Cuối cùng là Tuck Hostetler, người đàn ông đóng vai trò như sợi chỉ đỏ nối duyên cho Dawson và Amanda. Dawson gặp ông lúc Tuck đã ở tuổi xế chiều, già cả và gần nghiện rượu. Amanda cũng biết đến Tuck ngay sau đó. Nhưng không một ai, bao gồm hai người họ và hàng xóm xung quanh, biết được Tuck đã cô đơn đến nhường nào. Mọi người hay nghĩ ông là kẻ lặng lẽ, đôi khi gàn dở, khó hiểu và không phải đối tượng thích hợp để sẻ chia. Thế nhưng thực chất, hơn ai hết Tuck là người hiểu rõ về tình yêu nhất. Ông chưa từng ngừng tương tư người vợ đã mất, tự ôm lấy một mối tình câm lặng. Tuck thấu rõ những tâm tư rối bời và sự tổn thương Amanda phải gánh chịu, cũng thông cảm cho cách hành xử của Dawson khi anh đuổi Amanda đi. Tuck giống như một người từng trải chứng kiến người trẻ tuổi vật lộn với nỗi đau cá nhân, để rồi dang rộng vòng tay đón họ trở về.

Không phải ai lớn tuổi cũng trưởng thành:

Trưởng thành vốn được cho rằng là sự lớn lên về mặt thể chất và tinh thần, diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Thế nhưng, trong Dành Hết Cho Em, những nhân vật trưởng thành theo rất nhiều cách khác nhau, có thể chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, mất hơn hai thập kỷ dài đằng đẵng hoặc không bao giờ.

Dawson đã trường thành ngay khi anh nhận ra rằng mình và Amanda sẽ chẳng bao giờ có thể ở bên nhau yên lành. Anh lựa chọn một điều hiếm ai có thể làm được trong thực tế, rằng để Amanda đi, hi sinh tình yêu đời mình, chỉ vì mong muốn điều tốt đẹp nhất cho cô.

Về phía Amanda, tâm hồn cô hẵng còn tràn trề mơ mộng khi mong muốn Dawson dẫn mình bỏ trốn khỏi gia đình. Amanda mười tám tuổi đã chỉ biết sống cho tình yêu, cho hạnh phúc cá nhân. Nhưng trong suốt tháng ngày chia xa, trải qua biến cố liên tiếp, Amanda hai mươi lăm tuổi đã khác hẳn. Cô biết lo toan cho chồng con, nghĩ về hậu quả của việc lén lút gặp gỡ Dawson. Có lẽ, Amanda là hiện thân cho tất cả chúng ta, cố gắng vật lộn, đứng lên từ những nỗi đau và trưởng thành lúc nào không hay biết.

Hay có những kẻ như Ted, giữ mãi ngọn lửa hận thù, buông thả như con ngựa bất kham và chẳng bao giờ tính toán đến việc phải sống cho đàng hoàng tử tế. Hắn điên cuồng lùng sục tung tích của Dawson suốt nhiều năm trời chỉ để ăn miếng trả miếng cho cái mũi bị vẹo. Hắn xách súng săn, lái xe tải trong tình trạng say xỉn lờ đờ mà chẳng thèm nghĩ về hậu quả. Ted thậm chí còn lớn tuổi hơn Dawson nhiều! Điều ấy khiến ta không khỏi đặt ra câu hỏi rằng, phải chăng tuổi tác đã, đang và sẽ không bao giờ là thước đo cho sự trưởng thành của một người?

Yêu như thế nào cho đúng?


Bàn về triết lý cuộc đời đủ rồi, hãy nói về một vấn đề cảm tính hơn: Tình yêu. Ta biết đó là tình yêu khi trái tim loạn nhịp bởi một người hoàn toàn xa lạ không chung dòng máu. Ta biết mình tìm ra nửa kia khi họ hiểu ta tường tận chỉ bằng một ánh mắt. Có rất nhiều cách để biết, nhưng hiếm ai tìm ra được đường lối đúng đắn. Ta vui vẻ, điên cuồng, buồn bã, trải qua hàng vạn cung bậc cảm xúc chỉ để đi tìm đáp án cho câu hỏi: Yêu như thế nào cho đúng?

Yêu như Dawson, dành trọn vẹn hết những gì đẹp đẽ nhất cho Amanda, từ tuổi xuân, tiền bạc, danh dự, niềm tin đến cả trái tim nóng bỏng. Yêu như Amanda, thầm lặng chẳng nói thành câu, cam tâm tình nguyện đứng sau ngắm nhìn. Yêu như Tuck, chung thủy trọn đời, vấn vương mãi mãi. Bạn thấy đó, họ đối đãi với tình yêu rất khác nhau nhưng ta chẳng thể phán xét nổi ai đúng, ai sai. Suy cho cùng, tình yêu ban đầu vốn dĩ chẳng thuộc về lí trí nên không thể rạch ròi trái phải, càng không thể bắt ép người ta hành động theo đúng khuôn mẫu.

Vậy thì một lần nữa, yêu như thế nào cho đúng đây? Nicholas Sparks dùng gần 400 trang Dành Hết Cho Em để nhắn nhủ với người đọc rằng, hãy yêu như những gì con tim mách bảo. Hành động theo cái cách bạn cho là tốt nhất thì sẽ đúng. Sau này chúng ta có thể hối hận, ăn năn nhưng trong khoảnh khắc đó, bạn đã yêu đúng cách.

Dawson chia tay Amanda, Amanda không đến thăm Dawson, Tuck giữ lấy kỉ vật của vợ đến bạc màu, họ đều có lý do cho việc làm của mình. Để rồi thời gian trôi đi, những ngoại tác xung quanh dần biến mất, cốt lỗi lưu lại của những hành động ấy sẽ chỉ còn yêu thương đong đầy mà thôi.

IV. Lời kết:

Nicholas Sparks đã viết nên một quyển sách mà dường như vai trò duy nhất của ông chỉ là điểm mặt đặt tên. Nhân vật dưới ngòi bút nhà văn người Mỹ chân thực đến mức như có linh hồn riêng, tự sống phần đời mình, chẳng cần nghe theo sự sai khiến, điều khiển của bất cứ ai. Chính vì chân thực như thế nên Dành Hết Cho Em là một áng văn đau đớn đến tột cùng, khiến tác phẩm khó cảm thụ hơn đôi chút. Dành Hết Cho Em sẽ không hợp lắm với những ngày nắng đẹp trời và trái tim tan vỡ, thay vào đó, quyển sách hợp với cơn mưa rả rích và tâm hồn cần tìm về hiện thực.

Ẩn dưới câu chữ đơn giản, tác phẩm đã truyền tải nhiều triết lý sâu sắc về nhân sinh lẫn tình yêu. Dành Hết Cho Em thực sự muốn nhắn gửi điều gì, từng cá nhân đọc rồi mới tự hiểu rõ ràng chứ không thể tóm tắt qua đôi ba dòng chữ. Tuy nhiên, có lẽ độc giả đều sẽ đồng ý rằng, quyển sách là một bản tình ca du dương đầy xót xa cho số phận con người giữa xã hội nhiều định kiến và tàn nhẫn. Và trên hết, chỉ cần đủ mãnh liệt, tình yêu luôn đẹp đẽ vô cùng.

Tác giả: Quỳnh Giao - Bookademy

------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan toả văn hoá đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

954 lượt xem