Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Đọc Ngược] Còn Lại Gì Khi Màn Hình Tắt?

Ẩn sau những avatar hào nhoáng ấy là một con người thật hay chỉ là một “anh hùng bàn phím”?

Siêu anh hùng (Superman) là một hình tượng chỉ xuất hiện trong điện ảnh. Và có lẽ trên quả địa cầu với hơn 7 tỷ người này cũng sẽ chẳng tồn tại một ai có thể đạt tới cảnh giới Siêu anh hùng theo đúng nghĩa đen. Một chàng trai lực lưỡng trong phòng gym có thể nâng được quả tạ 150 kg là chuyện không hiếm, nhưng làm gì có ai có đủ khả năng nâng nổi một tòa nhà?

Bởi vậy, sẽ không thể tồn tại một người phàm trần nào có khả năng trở thành Siêu anh hùng. Nhưng nếu chỉ để trở thành một “anh hùng” thôi thì quá đơn giản, nhất là trong kỷ nguyên số ngày nay. Không cần nắm đấm, chẳng cần áo choàng, và cũng chẳng cần tới quần sịp đỏ.

Cậu ấy chỉ cần “bàn phím”!

Chú Giang quá đỉnh!  

Trong Thiện, Ác và Smartphone, chú Đặng Hoàng Giang đã nêu bật một luận điểm sắc lẹm:

Có một điều đã rõ: chúng ta đang chứng kiến sự phục sinh đáng kinh ngạc của hiện tượng làm nhục công cộng. Những kẻ vi phạm chuẩn của cộng đồng bị đem ra bêu riếu và ném đá trước toàn dân thiên hạ, và ở thế kỷ 21, có một không gian công cộng nào thích hợp hơn, có được sự chú ý của mọi người tốt hơn, trưng bày kẻ xấu tốt hơn, là trên mạng?

Luận điểm của chú Giang đề cập đến một mặt trái vô cùng nguy hiểm của một cộng đồng rất đông đảo trong kỷ nguyên số cộng đồng mạng. Giống như các cộng đồng người bình thường, cộng đồng mạng cũng có già trẻ gái trai với đầy đủ độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn. Nó chỉ khác cộng đồng loài người ở phương thức giao tiếp. Trong cộng đồng mạng, các chủ thể giao tiếp với nhau thông qua ký tự gõ bằng bàn phím thay vì sử dụng ngôn ngữ nói.


Đã là một cộng đồng thì sẽ có luật lệ của nó, và kẻ phạm luật ắt sẽ phải chịu hình phạt. Nhưng khác với xã hội loài người, kẻ đứng trước vành móng ngựa trong phiên xét xử của cộng đồng mạng phải chịu một kết cục nghiệt ngã hơn nhiều.  

“Gạch đá” và “trứng thối”

Chúng ta đều biết một thực tế rằng Trái Đất quay quanh Mặt Trời chứ không phải là Mặt Trời quay quanh Trái Đất. Nhưng cái giá phải trả cho câu nói “Dù sao Trái Đất vẫn quay!” không hề nhỏ. Một nhà khoa học lỗi lạc bị đem ra xét xử trước bàn dân thiên hạ và sau đó phải chịu cảnh tù tội dù đã hơn 70 tuổi chỉ bởi vì con người đi trước thời đại ấy đã đi ngược với hệ thống quan điểm của Giáo hội thời bấy giờ.

Nhưng hình phạt mà cộng đồng mạng dành cho kẻ có tội” còn khắc nghiệt hơn thế. 

Một người hay một tổ chức nào đó gây ra một cú nổ trong cộng đồng và nó sẽ ngay lập tức trở thành chủ đề nóng bỏng được bàn tán trên cộng đồng mạng. Tốc độ lan truyền thông tin nhanh đến mức chóng mặt khiến cho chủ thể tạo ra cú nổ đó phải xây xẩm mặt mày. Chưa cần biết hậu quả của scandal đó như thế nào, các quan điểm trái chiều liên tục được đưa ra. Và như chúng ta thấy, nó để lại nhiều hệ lụy rất đáng tiếc dù cho người tạo ra scandal ấy đã sai hay đúng đi chăng nữa!


Chú Giang gọi đó là “Hiện tượng làm nhục công cộng”.

Một cái kết đau lòng, nạn nhân phải hứng chịu rất nhiều “gạch đá” từ dư luận, cũng như cái cách mà một chàng hề phải nhận “trứng thối” từ khán giả bởi màn trình diễn tệ hại của mình!     

Chàng hề có đáng phải nhận “Trứng thối”?

Thông qua mạng xã hội, cảm xúc được bộc lộ một cách thoải mái nhất. Sẽ chẳng có nơi nào lý tưởng hơn mạng xã hội để có thể giúp tôi “trút giận”, và nếu bạn có những hành động gây phẫn uất cộng đồng, trong đó có tôi, thì sẽ chẳng có gì ngăn cản tôi “ném gạch” vào bạn cả. Hành động của bạn khiến não bộ của tôi ức chế, và theo bản năng, tôi sẽ phải tự vệ.

Một scandal sẽ lan tỏa với tốc độ rất nhanh trong cộng đồng mạng cũng như trên các phương tiện truyền thông, ví dụ như: Bạo hành trẻ em; Bê bối tham nhũng; Đường dây cờ bạc công nghệ cao,.... Đó chính là sức mạnh của truyền miệng. Nó như lời cảnh tỉnh cho chủ thể gây ra scandal rằng hành vi xấu của họ đã bị cả cộng đồng biết, thể diện của anh ta sẽ chỉ còn là con số 0. Và những người đang có hành vi xấu tương tự hãy nhìn cứ anh ấy mà “noi gương”!

Nếu bạn có những hành động không đúng với chuẩn mực của một cộng đồng, bạn xứng đáng bị những công dân trong cộng đồng đó chỉ trích và lên án. Cũng như màn trình diễn của chàng hề vậy. Liệu anh ấy có đáng phải nhận “trứng thối” không?

Nếu đó là một màn trình diễn dở, câu trả lời: Yes!

Nhưng

Có những người có hành vi đúng đắn, phù hợp với chuẩn mực xã hội, vẫn phải nhận “gạch đá” từ một bộ phận cộng đồng mạng. Một sự thật đáng buồn!

Tựu chung lại, nguyên nhân gói gọn trong 5 từ: Hành động thiếu suy nghĩ. Họ bình luận không thương tiếc dù cho sự thật vẫn còn trắng đen lẫn lộn. Hành vi này thường sẽ để lại hậu quả là một cuộc chiến bình luận không có hồi kết. Buồn thay, kết quả, người bị thiệt vẫn sẽ chính là nhân vật có hành vi chuẩn mực, bởi anh ấy đã vô tình phải nhận những lời lẽ không đúng đắn đến từ một số người “ác mồm ác miệng ác ngón tay”.

Hành động thiếu suy nghĩ còn được thể hiện thông qua cách mà cư dân mạng truyền miệng nội dung của một câu chuyện. Sau mỗi một lần kể, câu chuyện ban đầu lại được thêu dệt thêm một vài chi tiết bởi sự sáng tạo của người kể chuyện. Và nếu những chi tiết được sáng tạo ấy không có định hướng đúng, nó hoàn toàn có thể biến một câu chuyện “đáng tuyên dương” trở thành một tình huống “chắc chắn phải phê bình”.


Một hành động thiếu suy nghĩ mà chúng ta cũng thấy khá phổ biến trên mạng xã hội chính là sự tin tưởng mù quáng của một nhóm cư dân mạng vào một thông tin nào đó không đúng với sự thật. Thông tin ấy được đưa ra bởi một người hoặc một nhóm người nào đó không đáng tin cậy, và chắc chắn nó sẽ là những thông tin có mầm mống gây hại cho cộng đồng. Họ không đủ tỉnh táo để có thể phân biệt được tính đúng – sai của thông tin, và hậu quả là nó thường sẽ gây ra một cuộc đả kích vào những tấm gương sáng của xã hội. Rapper Rhymastic đã viết một bài hát rất hay về chủ đề này, trong đó có những câu rap khiến cho người nghe phải lắng đọng suy nghĩ. Bài hát có tên Khi màn hình tắt, trong đó có đoạn:

Phải nghe ai? Nghe ai? Sự thật là đâu? 

Bị dắt mãi! Sao không chịu tự nhận là trâu? 

Bị kích dẫn đến xích mích đấu đá nhau 

Vì Internet cho ta được phép không cần giải quyết hậu quả nào! 

Hậu quả là có những người, mặc dù hành động rất chuẩn mực, vẫn phải nhận hàng tá những lời chỉ trích ác ý. Đó chính là “Mặt Ác của Smartphone”!

Tuy nhiên

Sự lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng mạng vẫn đem lại rất nhiều điều tích cực cho cuộc sống của chúng ta.

Một vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, khi một chiếc xe Innova gặp tai nạn với một chiếc container. Tài xế container bị kết án tù, và mọi người cho rằng đó là một bản án oan. Rất nhiều bài viết về chủ đề này được đăng tải và lan tỏa trên mạng xã hội với mục đích mong muốn đòi lại công lý cho anh tài xế container tội nghiệp. Đây là một điều thực sự cảm động!

Và biết bao tấm gương sáng trong học tập, lao động, trong cuộc sống hàng ngày, được cư dân mạng thay nhau chia sẻ với một thái độ đón nhận rất tích cực.

Đó chính là “Mặt Thiện của Smartphone”.

Tôi muốn nói gì thông qua bài viết này?

Lương thiện vốn dĩ khó hơn thông minh nhiều, vì thông minh là bẩm sinh, nhưng lương thiện lại là do lựa chọn. Cộng đồng mạng có văn minh hay không phụ thuộc vào cách ứng xử của những con người sống trong đó. Hãy chung tay đón nhận "Mặt Thiện" và đẩy lùi "Mặt Ác" của Smartphone. Hãy là một người sử dụng mạng xã hội thông thái.



Tác giả: DO

Nếu bạn yêu thích bài viết này, hãy ấn nút Like của bài viết trên website và chia sẻ đến cộng đồng nhé!

______________

Tham gia cuộc thi Đọc Ngược để rèn luyện khả năng phản biện và có cơ hội nhận giải thưởng tiền mặt cùng voucher mua sách hấp dẫn tại: https://goo.gl/NNcFHR

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị và các cuộc thi về sách tại link: Bookademy

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

659 lượt xem