Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Đọc Ngược] Đã Đến Lúc Đi Ăn Một Mình

Hàng ngàn năm trước đây, con người đã tồn tại thành từng nhóm. Nhân loại sống và xây dựng mối liên kết phụ thuộc, nương tựa và ràng buộc lẫn nhau. Chúng ta đã quen với việc hít thở bầu không khí của đám đông. Bởi vậy không có gì ngạc nhiên khi Keith Ferazzi, đồng tác giả cuốn sách “Never eat alone” (Đừng bao giờ đi ăn một mình) nổi tiếng từng gọi thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại kết nối. Cũng trong cuốn sách này, ông từng viết:

Tôi tin rằng mối quan hệ của bạn với mọi người chính là sự thể hiện rõ nét và đáng tin cậy nhất cho biết bạn là ai, và bạn có gì. Không gì sánh được với mối quan hệ. (Tr38, Đừng bao giờ đi ăn một mình, Keith Ferazzi và Tahl Raz , NXB Trẻ, 2014).

Đừng bao giờ đi ăn một mình là cuốn sách yêu thích của tôi. Những triết lí và bí quyết về xây dựng mối quan hệ xã hội mà tác giả viết thật tuyệt vời và dễ hiểu. Nhưng cũng có lúc tôi hoài nghi, liệu có việc xây dựng mối quan hệ có quan trọng đến vậy? Liệu rằng nó thực sự sẽ “cho biết bạn là ai và bạn có gì”? Liệu rằng tất cả điều ấy có đúng? Chúng ta thực sự là ai, con người trong những mối quan hệ mà ta xây dựng có phải là con người thật của chúng ta? Nếu mối quan hệ quan trọng đến vậy, khi tôi cô đơn, khi tôi một mình vậy chẳng phải tôi không là ai và không có gì hay sao?


Nỗi sợ phải đi ăn một mình – sự trốn chạy chính bản thân

Một ngày của tôi bắt đầu bằng việc sáng tới giảng đường học, một giảng đường rộng lớn đặt ra yêu cầu mỗi ngày tôi cần sẵn sàng tinh thần ngồi những chỗ khác nhau, làm quen và kết bạn với những người khác nhau hoặc thậm chí cùng thực hiện những bài tập nhóm. Chiều tham gia vào hoạt động của câu lạc bộ trong trường để giao lưu kết bạn. Tối sẽ vội vàng tới chỗ làm thêm, nếu không cũng là một cuộc hẹn ăn tối với bạn bè. Tối muộn trở về nhà làm bài tập, chuẩn bị một câu hỏi nào đó để gây ấn tượng với giảng viên giữa 100 sinh viên khác. Sau đó tiếp tục trả lời những email, reply những tin nhắn, lướt facebook, nắm bắt tất cả những khoảnh khắc mà người khác đã chia sẻ, “like” để chứng tỏ với bạn bè là mình đã xem.

Nhưng rồi một buổi tối, về nhà khá muộn sau khi làm thêm, tôi gọi cửa, cô bạn cùng phòng theo quán tính hỏi ai vậy rồi vui vẻ mở cửa như thường ngày. Tôi khựng lại trước câu hỏi “Ai vậy?” của cô ấy, ừ nhỉ ai vậy, tôi là ai?

Tối đó, tôi lặng lẽ ngồi trước màn hình máy tính, phản chiếu mờ ảo gương mặt mệt mỏi của bản thân, tôi tự hỏi “Thực ra mình là ai? Đâu mới thực sự là con người thật của mình?” Tôi không thể định nghĩa chính bản thân mình nếu không dựa vào một mối liên kết với người khác, tôi không thể. Tôi chỉ có thể nói, tôi là con gái của ba mẹ. Tôi là bạn của A, B hay bất kì sinh viên nào. Tôi là thành viên của câu lạc bộ Z. Tôi là nhân viên bán thời gian ở cửa hàng đồ ăn nhanh Y... Ngay cả những bài đăng trên mạng xã hội cũng chỉ là một cuộc sống để “trưng bày” với người khác. Nhìn vào dòng chữ “Bạn đang nghĩ gì?” của Facebook, tôi không viết những suy nghĩ thật của bản thân mà bắt đầu nghĩ người khác sẽ thích tôi viết gì, mong muốn gì. Nhưng khi loại bỏ hết những mối quan hệ, ngắt kết nối với thế giới thực và cả thế giới ảo, tôi không thể định nghĩa được chính mình.



Từ khi sinh ra chúng ta đã được bảo bọc trong quan hệ huyết thống từ đó mà phát triển thêm những ràng buộc xã hội khác. Thời đại và nền văn hóa của chúng ta ngày càng coi trọng những mối quan hệ. Hòa nhập được coi là một dấu hiệu của sự tự tin thành đạt. Ai quen biết càng nhiều thì càng được coi là thành công. Tôi, cũng như bao người khác, khước từ sự độc lập, cô đơn và mải miết xây đắp những mối quan hệ. Nhưng tôi biết, thực ra tôi chỉ đang trốn chạy con người thật của mình, tôi sợ hãi phải đi tìm chính mình.

Đã đến lúc đi ăn một mình.

Tôi tin rằng mối quan hệ của bạn với mọi người chính là sự thể hiện rõ nét và đáng tin cậy nhất cho biết bạn là ai, và bạn có gì.

Tôi lại không nghĩ như Keith Ferazzi. Rõ ràng, trước khi kết nối với một ai đó, chúng ta cần phải kết nối với chính mình, không mọi sự kết nối đều là vô nghĩa. Trước khi xây dựng bất kì mối quan hệ với ai đó, chúng ta phải hiểu rõ chính bản thân mình.

Ai đó từng tâm niệm rằng “Khi đi ở trong bóng tối, đến cái bóng cũng rời bỏ bạn”, vậy nếu những mối quan hệ cho biết bạn là ai và bạn có gì thì sẽ ra sao? Khi cô đơn, khi ở một mình bạn vô nghĩa hay sao? Không, không phải như vậy.

Mỗi người cần là một giá trị sẵn có, có chính kiến, suy nghĩ, tình cảm và hành động độc lập. Sự kết nối với người khác không quyết định bạn là ai và bạn có gì mà chỉ bổ sung thêm về con người bạn. Hãy tưởng tượng nếu bạn không yêu thích ca hát, không mong muốn được ca hát vậy bạn đăng kí tham gia câu lạc bộ nghệ thuật chỉ để thuộc vào một nhóm người nào đó chẳng phải vô nghĩa hay sao? Nếu bạn không có tài năng trong một lĩnh vực  mà chỉ nhờ vào những mối quan hệ và sự quen biết để thành công thì liệu đó có phải là điều sâu thẳm con người bạn vẫn hướng tới không?

Trước khi đóng “vai” nào đó trong một mối quan hệ chúng ta cần lắng nghe tiếng nói từ bên trong, tự xây dựng con người mình, và không để ai quyết định thay ta điều đó.

Nhà thơ lớn của Mỹ thế kỉ 19, Ralph Waldo Emerson viết:

Người gây cảm hứng và dẫn đường cần tách khỏi những người khác, để không phải sống, thở, đọc và viết hàng ngày dưới gông cùm của những ý kiến của họ.

Sự quen biết, mối quan hệ và những người xung quanh chỉ là nhân tố bên ngoài, tác động một phần nào đó đến bạn còn mọi quyết định bạn vẫn phải tự làm lấy. Một vận động viên có được sự ủng hộ của người thân, sự huấn luyện tận tình của người thầy, có được những đôi giày tốt,... nhưng vận động viên chạy cũng không thể giành chiến thắng nếu thiếu đi năng lực thực sự, niềm đam mê và khao khát về đích sớm nhất. Mỗi chúng ta đều có sứ mệnh của riêng mình, không ai có thể thay thế ai cả, bởi vậy sự trông mong vào người khác là việc tồi tệ nhất bạn có thể nghĩ đến.

Trong học thuyết Nho giáo có chỉ ra phương pháp cơ bản của “tu thân” là “thận độc”. Thận độc nghĩa là cẩn trọng, nghiêm chỉnh với mình ngay khi chỉ có một mình. Người ta thường vì sợ người khác đánh giá mà mới làm việc ngay thẳng. Còn khi ở một mình, tâm hay nảy sinh ý xấu. Nếu không nghiêm cẩn với chính mình thì cũng khó có thể nghiêm cẩn với người.


Bởi vậy, muốn tu thân, muốn trở nên hoàn thiện, trước hết cần thận trọng, ngay thẳng dù chỉ có một mình. Mối quan hệ không phải là điều kiện để chúng ta làm việc tốt mà chúng ta cần nghĩ tốt, làm tốt ngay khi chỉ có một mình.

Có một câu thoại của nhân vật Road trong tiểu thuyết “Suối nguồn” của nhà văn Ayn Rand mà tôi chép trong sổ tay của mình rằng: “Trước khi nói câu “Tôi yêu em” phải nói từ “tôi” trước đã.” Tôi yêu thích câu thoại ấy! Hôm nay, có thể bạn vẫn đang mải miết hòa nhập trong một thế giới mà sự kết nối mở rộng không biên giới, nhưng đừng quên kết nối với chính mình. 

Trước hết, hãy thử đi ăn một mình!


Tác giả: T.

Nguồn ảnh: Freepik

Nếu bạn yêu thích bài viết này, hãy ấn nút Like của bài viết trên website và chia sẻ đến cộng đồng nhé!

--------

Tham gia cuộc thi Đọc Ngược để rèn luyện khả năng phản biện và có cơ hội nhận giải thưởng tiền mặt cùng voucher mua sách hấp dẫn tại: https://goo.gl/NNcFHR

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị và các cuộc thi về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

558 lượt xem