Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Đọc Ngược] Hành Trình Đọc Ngược Của Tôi

Đọc là cả một sự kỳ diệu, đọc sách văn học thì càng rối rắm tợn. Khi đọc, mọi giác quan được tăng cường hết mức: mắt phải lướt những dòng chữ theo cùng tốc độ chữ tuột vào não, tai đạt tới cảnh giới thính giác tối thượng - là cố sao cho chẳng nghe gì cả, mũi không ngừng hít hà mùi của sách, da im thin thít chẳng chịu nhả giọt mồ hôi nào, còn lưỡi ấy à, lưỡi ấy à, để thấm nước..., để đánh ực từng tình tiết câu chuyện. Nhưng dường như vẫn chưa đủ, các nhà văn không ngừng thách thức trí tưởng tượng của tôi, lắm khi, họ còn nhẫn tâm lừa phỉnh nó, phải, lừa trí óc của tôi ấy. Thế nên tôi luôn phải vừa thả cho hồn tôi bay xa theo quyển sách, vừa phải giữ lý trí tỉnh táo để không bị cuốn đi quá xa. Tôi không thể chịu đựng lâu hơn nữa, tôi phải nói toẹt ra. Tôi bèn đọc ngược.

Italo Calvino, phải, đầu tiên là ông ấy đấy. Ông ấy dắt tôi đi vòng quanh qua những mê cung của trí tưởng tượng chỉ để đưa tôi về điểm khởi đầu. Từ người lữ khách đêm đông đến thành phố vô hình, từ nam tước trên cây đến tử tước chẻ đôi, tất cả làm nên vòng lặp gần như vô hạn mà tôi chẳng may vướng vào. Tôi thấy mình cứ như cái chong chóng, quay mãi quay hoài mà chẳng đi đến đâu cả. Thật là quá đáng. Thế nhưng nó lại kích thích tôi, vì cậu bé nào mà chẳng ham mê cung, và sẽ dấn bước vào nó, chắc chắn, điều đó lại càng quá đáng hơn nữa. Tôi quyết tâm đi ngược mê cung của Calvino, hòng phá huỷ nó. Chẳng dễ như tôi tưởng, chẳng có sợi chỉ của nàng công chúa, tôi càng không phải Theseus. Cố phá huỷ mê cung này chỉ tổ tạo ra mê cung khác. Thất bại nối tiếp thất bại. Đến khi gần như bỏ cuộc thì tôi cũng kịp nhận ra mình cũng tạo được mê cung, và tôi bất ngờ thấy mình đang từ trên cao nhìn xuống. Không gì Yomost hơn.

Như vậy, bằng việc cố chống lại ý chí của Italo Calvino, hay phổ quát hơn là những nhà văn, tôi đã xác lập được ý chí của riêng mình trong chính văn chương của họ. Tới lượt mình, luồng ý chí này lại giúp tôi không bị dắt mũi dễ dàng nữa, lại càng làm tôi kích thích hơn khi đọc văn của họ. 



Thành công bước đầu tiếp thêm tự tin cho tôi. Cùng với ý chí của riêng tôi, tôi ngao du khắp các câu chuyện rất thoải mái. Tôi tiếp nhận những suy nghĩ của các nhà văn dễ dàng hơn, và chọn lọc hơn. Sự đọc tự nhiên dễ dàng lạ, tôi cứ tưởng sắp hoà làm một đến nơi thì một sự cố phát sinh làm tôi giật thót. Chẳng là lúc Milan Kundera nói cuộc sống không ở đây thì Romain Gary lại bảo cuộc sống ở trước mặt. Đáng ngạc nhiên là tôi...đồng ý với cả hai. Một lần nữa là cuộc chiến giữa lòng tin phi lý trí và suy nghĩ logic.

Tại sao họ cứ phải phức tạp mọi chuyện lên như vậy?

Cuộc sống không thể chỉ là cuộc sống hay sao, ở đâu mà chẳng được?

Tôi đồ rằng "cuộc sống" chỉ là cái cớ để họ che dấu những thứ khó hiển lộ hơn, những phần khúc không nằm ở bề mặt đòi tôi phải cúi đầu xuống giếng của họ. Tôi không biết tôi sẽ bị đưa tới nơi nảo nơi nao, là Prague hay Paris hay bất kỳ nơi nào khác nữa. Rất nhanh chóng tôi được thấy quang cảnh "cuộc sống" của các nhà văn, thông qua các nhân vật của họ. Đó là văn chương của Kundera, của Gary, tuyệt không phải của tôi. Tôi không tin, các nhà văn luôn đáng ngờ với những tư tưởng không đáng tin của họ. Nhưng họ không ngần ngại phô ra cho tôi biết, thế là tôi lại trở nên tin tưởng họ, và tôi cố tìm ra điểm hoà hợp giữa "không ở đây" và "ở trước mặt". Có thể nào "đây" và "trước mặt" đối nghịch nhau và sẽ trở nên hợp lý, hay là chúng là một rồi hoặc Kundera hoặc Gary sẽ lầm. Chẳng sao cả, ai quan tâm chứ. Cuộc sống CỦA TÔI mới là quan trọng - đó là điểm mốt chốt của vấn đề. Nếu tôi không nhìn thấy được điểm chốt ấy thì sự đọc của tôi chẳng còn ý nghĩa gì sất. Tôi đi tới kết luận, các nhà văn thường nấp dưới ngôn từ mà điều khiển người đọc, và người đọc phải không ngừng chống lại, biến chuyện chúng ta đọc thành chuyện của chúng ta, ý nghĩa của việc đọc, hay của cuốn sách, sẽ xuất hiện.



Tôi chưa kịp ăn mừng mớ ý nghĩa vừa tìm ra thì một chuyện khủng khiếp khác ập tới, một cuốn sách tôi đọc phủ nhận sự đọc của tôi: Làm sao để nói về những cuốn sách chưa đọc, tâm điểm là Paul Valery. Sau khi làm tôi rối tinh rối mù với đủ thứ chuyện trên đời, nay nhà văn lại quay sang bảo tôi đừng đọc nữa. Ông ấy tuyên bố thẳng thừng: mỗi cuốn sách chỉ nên dùng 8 phút để đọc. Đọc tới đó tôi gấp ngay lại, vì đã quá 8 phút rồi!!! Paul Valery giúp tôi tiến xa trên hành trình đọc ngược: tôi đã đi từ tìm thấy ý nghĩa văn chương đến phản biện nó. Không chỉ dừng ở đồng ý hay không, giờ tôi ngược lại thuyết phục chính nhà văn, họ không những chẳng thể nghĩ hộ tôi được nữa, bây giờ tôi lại sắp...nghĩ hộ họ. Tại sao lại không nên đọc? Tôi thấy chẳng có lý do gì để không nên đọc. Việc đọc như tôi đã nói, giống một phòng gym cho tư duy, nơi mọi giác quan phát huy tột độ, tư duy ngừng tìm ra những điều mới (cái mới theo tôi rất tốt, dù không bằng cái cũ thì nó vẫn cho thấy kết quả của tìm tòi - còn hơn là chẳng làm gì), chính khi đó tôi mới đọc được những gì Paul Valery nói, không phải sao?



Trong rất nhiều thứ không biên giới: không gian, thời gian, tình hữu nghị, sự đồng cảm,...thì sự đọc ở trung tâm của tất cả, nó bao gồm mọi thứ và nằm trong mọi thứ. Ở sự đọc, mọi người được bình đẳng tuyệt đối trong bày tỏ quan điểm, như tôi đang làm đây. Nếu có gì đó giữ cho người vẫn là người ở tương lai rất xa thì đó là đọc: viễn cảnh trí thông minh nhân tạo không thể tái tạo cảm giác đọc được. Paul Valery đã không thuyết phục được tôi, còn bạn, tôi có thuyết phục được bạn không?

Phản biện vẫn chưa phải đoạn kết câu chuyện. Đối với tôi, ở cuối hành trình đọc ngược chính là quay về khởi nguyên của câu chữ: sự viết. Không thể chịu thua các nhà văn được, phải viết ra giống như họ. Tôi rất thích Tolstoy, nhưng với câu mở đầu của Anna Karenina, Tolstoy làm tôi không chịu được. 

Mọi gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh đều khổ sở theo cách riêng.



Ừ thì ông ấy nhấn mạnh nỗi bất hạnh, nhưng không thể nói hạnh phúc giống nhau được:

với kẻ xa quê, hạnh phúc là lần nữa đặt chân lên mảnh đất chôn nhau cắt rốn;

với cô bé bán diêm, hạnh phúc là tình cảm gia đình đêm Noel;

với bà lão nông dân đói khổ hơn ba tháng ăn bánh đúc, hạnh phúc đơn giản là một bữa no;

với riêng tôi, hanh phúc là mỗi ngày được cười tươi. Tôi viết ngay ra trên trang đầu quyển sách, không quên cười thật tươi. Lúc thẩn thơ lại giở đọc rồi lại cười. Tolstoy vĩ đại thật, nhưng hạnh phúc mới là điều quan trọng hơn.

Đọc ngược các nhà văn luôn thú vị, tôi cảm giác như du ký bằng trí tưởng tượng. Hành trình của tôi kết thúc bằng nụ cười, còn bạn thì sao, còn chần chừ gì nữa?


Tác giả: Tama

Nếu bạn yêu thích bài viết này, hãy ấn nút Like của bài viết trên website và chia sẻ đến cộng đồng nhé!

--------

Tham gia cuộc thi Đọc Ngược để rèn luyện khả năng phản biện và có cơ hội nhận giải thưởng tiền mặt cùng voucher mua sách hấp dẫn tại: https://goo.gl/NNcFHR

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị và các cuộc thi về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

609 lượt xem