Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Đọc Ngược] Liệu Ta Có Cần Người Khác Để Khóc Cùng

Trong những cuốn sách ta đọc, từng lời văn, từng câu chữ đều ảnh hưởng ít nhiều đến suy nghĩ của chúng ta, những quan điểm mà tác giả đưa ra sẽ luôn có mục đích nhằm hướng tới nội dung, thông điệp nên đôi khi chỉ phù hợp với hoàn cảnh trong tác phẩm. Đã bao giờ ta nghĩ đến tác giả - ngay cả những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, họ có quan điểm này, suy nghĩ này còn thiếu sót, chưa được hoàn thiện. Trong cuốn sách “Nhật ký”, Anne Frank đã bày tỏ rất nhiều quan điểm của mình, trong đó, cô đã viết “Khóc có thể nhẽ nhõm, miễn là đừng bao giờ khóc một mình.


Ở đây cô muốn nói rằng khi ta có người chia sẻ những nỗi buồn thì mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhõm hơn, nhưng trong một vài lúc khóc một mình mới thực sự là nhẹ nhõm. Đôi khi ta khóc vì một câu chuyện tình buồn nào đó thì mọi người sẽ bảo ta vớ vẩn, hay khóc vì bị điểm kém, bị phạt trong lớp trường, khóc vì sự xúc động nào đó mà lòng không thể kìm nén thì người khác lại bảo ta uỷ mị và yếu đuối,… Đúng là như vậy, không ai có thể hiểu mình nhiều hơn chính mình, khi ta buồn thì sẽ không ai có thể buồn cho nỗi buồn của ta, khi ta khóc thì không phải ai cũng có thể hiểu cho trái tim đớn đau sâu sắc của ta. Và bởi vậy, vài lúc ta phải khóc một mình thôi, bởi rằng người khác sẽ ngờ vực, đánh giá, đó như là một bản năng của con người vậy, khi thì họ không chỉ nghĩ xấu về ta mà họ còn có thể nói những điều không tốt, điều đó khiến bản thân không chỉ không thanh thản, nhẹ nhàng mà còn tác động xấu lên cơ thể và suy nghĩ của bản thân, càng nặng nề, bực bội. Có một mái ấm, một bờ vai, một bàn tay dang rộng để có thể ùa lấy mỗi lúc buồn vui mới thật là điều dễ dàng và ấm áp nhưng không phải ai cũng đủ lòng hào phóng để chia sẻ nỗi buồn cùng nên đôi khi khóc một mình mới nhẹ nhõm làm sao. Nhà văn Jasmine Warga đã bày tỏ quan điểm rằng thứ mà mọi người không hiểu không phải là thứ bên ngoài mà là điều bên trong.


Trong một vài tình huống, khi ta lại có những con người tốt bụng ở bên, họ sẻ chia kinh nghiệm, nỗi buồn vui. Nhưng cho dù vậy, chia sẻ cùng họ xong rồi thì lòng ta vẫn còn trăn trở. Như khi ta có điều gì xảy ra không như mong muốn, một thất bại hay một lỗi lầm đáng tiếc khiến bản thân trở nên dằn vặt, bối rối không yên và khi ấy ta luôn luôn mong muốn tự tìm ra con đường của mình. Tình huống như trong một câu tục ngữ: “Cầm vàng mà lội qua sông, vàng rơi không tiếc tiếc công cầm vàng”. Những lúc như vậy, cho dù có được mọi người sẻ chia an ủi thì ta vẫn đầy hoang mang cho dù bản thân vẫn cười trừ với mọi người rằng: “Tôi sẽ ổn thôi, không sao đâu”. Nếu như vậy thì khi ấy ta nên dành thời gian một mình cho bản thân, hãy chân thực với cảm xúc ấy và mọi thứ sẽ tốt lên sau khi ta khóc hết nước mắt.


Kết quả hình ảnh cho human and sadness  

(Nguồn:iStock)


Và khi ta khóc một mình, ta đã biết tự an ủi bản thân, ta đã biết chấp nhận bản thân mình, tự biết giải quyết vấn đề của bản thân. Từ đó ta sẽ trưởng thành hơn mỗi ngày, ta lại sống nhân văn hơn, mạnh mẽ hơn, tự lập hơn, quan trọng nhất là ta sẽ nhìn nhận cuộc sống và bản thân mình khác đi bởi từ đó mà ta sẽ không so sánh mình hay cuộc đời mình với người khác. Ai cũng có những nỗi lòng sâu kín mà không dám sẻ chia với ai, nếu vậy thì hãy thật lòng với chính bản thân mình. Như nhà văn người Ấn Độ Rupi Kaur cho rằng: Sự cô đơn là khao khát cho bản thân.


Nếu ta mà luôn luôn mong đợi có người để sẻ chia thông cảm thì đôi khi ta sẽ cảm thấy nặng nề hơn, ngay cả khi có người để khóc cùng thì có thể ta vẫn không thoải mái bằng việc khóc rưng rức, khóc đẫm nước mắt như ta vẫn làm khi tuyệt vọng, đau đớn. Nhưng có người chia sẻ cùng cũng thật ấm áp và tuyệt vời làm sao. Đúng là như vậy, đôi khi ta với ta ngồi khóc thì thanh thản nhưng đôi lúc điều đó lại thật cô đơn và buồn tủi. Dẫu sao thì chúng ta - con người là loài sống cộng sinh, người người gắn bó với nhau tạo nên xã hội văn minh, phát triển, ta không nên luôn luôn giữ kín tất cả mọi điều trong lòng bởi nếu vậy ta sẽ không thể hoà nhập, sống như một tập thể với quan niệm: Tương thân tương ái; thương người như thể thương thân; lá lành đùm lá rách,… Và điều đó cũng khiến cho quan điểm của Anne Frank có ý nghĩa, thật nhiều ý nghĩa về tình bạn, tình cảm gia đình và chính xác nhất là tình người với người.


Kết quả hình ảnh cho men at lunch

(Nguồn: Youtube)


Và điều đặc biệt quan trọng là ta phải luôn luôn nhớ rằng khóc lóc không khiến ta trở nên yếu mềm mà nó khiến cho ta can đảm, kiên cường. Những thời gian khó khăn là rất cần thiết cũng như suy nghĩ về việc nó sẽ trôi qua, và khi những nỗi ấy đã đi qua rồi, ta lại biết yêu cuộc sống hơn, giá trị của cuộc đời, của con người sẽ ngày càng được nâng cao. Nỗi buồn chính là nguồn cảm hứng bất tận, là động lực, là sự thúc đẩy để cho ta sống, cố gắng, làm việc mỗi ngày. Như trong câu danh ngôn phổ biến hiện nay: “Không có áp lực, không có kim cương”


Suy nghĩ của Anne Frank là hoàn toàn đúng và ý nghĩa, nhưng không nên chỉ giới hạn trong suy nghĩ của tác giả mà ta luôn phải tìm kiếm điều mới mẻ và trong trường hợp này, khóc không cần sự thương xót của một người nào khác.



Tác giả: JOUI LENDSON

Nếu bạn yêu thích bài viết này, hãy ấn nút Like của bài viết trên website và chia sẻ đến cộng đồng nhé!

--------

Tham gia cuộc thi Đọc Ngược để rèn luyện khả năng phản biện và có cơ hội nhận giải thưởng tiền mặt cùng voucher mua sách hấp dẫn tại: https://goo.gl/NNcFHR

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị và các cuộc thi về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

358 lượt xem