Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Nói Cho Tôi Biết Bạn Nghĩ Gì Về Tôi

Tôi biết làm thế nào những khoảnh khắc nhỏ này có thể chồng chất qua thời gian, nối lại với nhau, thay đổi cách bạn cư xử trong cuộc đời.

Tôi vừa bước ra khỏi Muni thì nghe thấy một giọng nói cao, tuyệt vọng vang lên. “Giữ tàu lại, làm ơn!” Một bà lão người da trắng, cách đó khoảng một tòa nhà, rất cố gắng để đi thật nhanh đến bến xe.

Thường ngày, các tàu điện hiếm khi chờ đợi, giúp đỡ người khác do sự quản lý tồi và sự duy trì lịch trình. Khi tôi quay ra để cảnh báo người lái xe, cánh cửa kim loại đã đóng. Tôi nhìn lại người phụ nữ. Bà ấy cách đó khoảng nửa dãy nhà và trông mệt mỏi khủng khiếp. Khi bà ấy đến gần hơn, tôi có thể nhìn thấy những vết nhăn sâu và những đốm đồi mồi.

Tôi nhận ra mình đang nhìn chằm chằm vào người khác. Một chiếc xe điện khác sẽ đến sớm thôi, tôi nghĩ. Mình đã nhìn như vậy quá lâu. Đó là một trong những sai lầm cá nhân mà tôi đã cố gắng sửa chữa. Thực ra là hai sai lầm – nhìn chằm chằm và lưu lại quá lâu. Và tất cả đến từ sai lầm tồi tệ nhất của tôi: sự do dự.

Tôi đang trên đường đi làm về, nhẩm lại trong tâm trí những gì tôi định nói vào lần tới khi tôi gặp sếp của mình. Tôi đã hiệu chỉnh rất nhiều bản tin quảng cáo ngày hôm đó, làm thêm giờ mà không được trả tiền làm thêm giờ, và sếp của tôi nói rằng tôi vẫn chưa sẵn sàng để viết bài quảng cáo. Chỉ bởi vì cô còn trẻ không có nghĩa là cô có thể làm mọi thứ, ông ấy nói trong khi đang xoay tròn trên chiếc ghế văn phòng 1500 đô của mình. Cô nghĩ cô đang làm việc chăm chỉ ư? Đợi đến khi cô thực sự làm việc đã.

Điều đó có nghĩa là gì vậy? Tôi đã cân nhắc đến ý định bỏ việc, bắt đầu một cái gì đó mới. Nhưng. Nhưng. Nhưng. Có thể nếu tôi ở lại lâu hơn một chút, ông ấy sẽ để tôi viết email quảng cáo, thứ mà 0,6 phần trăm người theo dõi của chúng tôi mở ra đọc. Và sau đó thì… Tôi biết tôi nên biết ơn vì đã có một công việc, nhưng thật buồn khi nghĩ đến những tham vọng của tôi đã trở nên nhỏ bé như thế nào.

Tôi tự hỏi sếp của tôi thực sự nghĩ gì về tôi.

Và đó là lý do tại sao tôi rời khỏi N Judah muộn vào tối hôm ấy, cũng là lý do tại sao tôi lại gặp người phụ nữ đó trên phố.  Bà ấy có mái tóc bạc trắng, rối tung theo đủ mọi hướng. Tay và chân bà di chuyển như một con rối đang được điều khiển bởi một người múa rối không có kỹ năng.

Chuyện xảy ra sau đó: Bà lão sụp xuống trên vỉa hè, như thể có ai đó đã đá vào phía sau đầu gối của bà. Vai bà ấy đập vào xi măng, cái áo bay bay như một chiếc cánh gãy. Tôi cố gắng quyết định xem có nên đến chỗ bà ấy không. Tại sao tôi không rời đi sớm hơn? Những người khác thì đang lướt qua.

Tôi nhận thấy bản thân cúi xuống bên cạnh bà ấy. “Bà có sao không?”

Mình đã nhìn như vậy quá lâu. Đó là một trong những sai lầm cá nhân mà tôi đã cố gắng sửa chữa.

Người phụ nữ lầm bầm điều gì đó tôi không hiểu được. Tôi đưa mặt lại gần bà ấy hơn và ngửi thấy mùi rượu. Sau đó là lớp hương thứ hai của chất tẩy rửa, một thứ gì đó như hoa cỏ và cam quýt. Bà ấy đang say, nhưng rất sạch sẽ. Quần áo sáng sủa. Mái tóc, tuy lộn xộn, đã được gội gần đây. Nhìn gần, nó gần như trắng xóa, như bông tuyết ở dưới mặt trời. Bà ấy đi một đôi giày chỉnh hình màu nâu, loại đắt tiền mà bạn thấy trong các cửa sổ trưng bày của các cửa hàng giày bougie-hippie. Tay trái bà nắm chặt tiền, ít nhất hai hoặc ba tờ, tờ phía bên ngoài là tờ hai mươi.

“Đứng dậy nào”, tôi nói, cố gắng nâng bà dậy.

“Ôi, ôi, ôi.”

Tôi nhớ vai bà ấy, nặng hơn so với vẻ ngoài, và tôi không đủ khỏe. Tôi cảm thấy có lỗi vì dáng vẻ của mình, vì không có khả năng nâng một người phụ nữ yếu đuối. Tôi cũng yếu ớt như vậy.

Bà ấy trở nên khập khiễng, nặng nề, cả người dựa vào người tôi, và nhắm mắt như thể bà có thể ngất đi. “Bà bị thương sao? Bà bị thương chỗ nào vậy?” Tôi hỏi. “Bà có sao không?”

Đôi mắt bà mở to, rồi lại đóng lại. Tiếng ồn phát ra từ miệng bà.

“Tàu đã rời đi,” tôi nói. “Một chuyến khác sẽ đến ngay thôi, nên hãy thử đứng dậy đi, này bà? Tôi nói thẳng vào chiếc tai nhỏ của bà, tự hỏi những lời này có ý nghĩa gì với bà không. “Bà ơi? Thưa bà? Bà ơi?”

Mọi người vẫn cứ đi qua. Theo một cách nào đó, tôi ghét tất cả những người đi qua chúng tôi. Tôi tự hỏi chính xác thì cái gì ở bên trong cho phép họ tiếp tục đi, không thèm để ý, và cái gì bên trong tôi khiến tôi dừng lại. Tôi cảm thấy đã làm đúng, nhưng cũng thấy sai lầm. Thật không may mắn.

Giày của một người đàn ông giẫm lên dây váy của tôi, để lại một vết sẫm màu ở gấu váy, và tôi nhớ đến khi tôi còn nhỏ, tại hội trợ một trường học: tôi vô tình quẹt chiếc cupcake của mình vào một người đàn ông đi ngang qua, làm bẩn chỗ ngồi của quần ông ấy với lớp kem phủ màu xanh sáng. Ông ấy không để ý; ông ấy cứ thế đi khỏi với lớp kem phủ ở mông, mờ dần vào trong đám đông. Giờ tôi là người bị làm bẩn và mắc bẫy. Tôi phải dựng người phụ nữ này dậy. Tôi có thể nhìn thấy chúng tôi từ trên cao: hai con người thảm hại, mắc kẹt trên cái vỉa hè với một biển những dấu giày và những vết kẹo cao su cũ. 

“Mọi chuyện ổn chứ? Cô có cần giúp đỡ không?” một giọng nói trầm vang lên.

Đứng trên chúng tôi là một cặp trung niên, một đàn ông và một phụ nữ. Tôi không tin vào Chúa, nhưng trong khoảnh khắc đó tôi đã tin, và tôi thì thầm cảm tạ.

“Chúng ta có nên gọi 911 không?” Người đàn ông cúi xuống bên cạnh chúng tôi và nhìn người phụ nữ đã ngã xuống với vẻ quan tâm.

“Ồ, có,” tôi nói. Tôi cảm thấy nực cười vì đã không nghĩ đến điều đó.

Người phụ nữ già mở mắt, nhìn lên bầu trời, và nói chuyện mạch lạc trong một lần. Không, không, cô ấy vẫn ổn, vẫn ổn; cô ấy chỉ cần giúp đỡ để đứng dậy. Người đàn ông giúp tôi đỡ bà lên, trong khi vợ anh ấy – tôi cho là vậy, nhưng cô ấy có thể là bạn gái hoặc bạn hoặc em gái - đứng gần đó với đôi tay vươn ra, sẵn sàng để đón lấy chúng tôi, hoặc có thể là để che cho chúng tôi khỏi bất cứ ánh nhìn chằm chằm nào của người qua đường. Tôi đã yêu mến luôn cả hai người.

Khi đứng dậy, tôi có thể thấy xe điện vừa xuống phố, dừng đèn đỏ. Tôi chạm vào vai bà lão. Nó vững chắc và nguyên vẹn. Tôi kiểm tra cánh tay và bàn tay bà ấy xem có vết trầy xước không. Bà ấy choáng váng, nhưng như tôi có thể nhìn thấy thì không bị thương. Bà vẫn đang nắm chặt tiền trong những ngón tay cong vẹo. Tôi đỡ lấy khuỷu tay bà, để bà dựa vào tôi, khi bà ấy nhìn sang và nở nụ cười. Những chiếc răng to, trắng, vuông vắn.

Bà ấy mở miệng, như thể đang định nói cảm ơn, nhưng sau đó bà nhìn về hướng ngược lại và cuối cùng nhận ra sự có mặt của người đàn ông đang nắm cánh tay mình. Bà ấy ngậm miệng và nheo mắt nhìn anh ta. Bà quay đầu về phía người phụ nữ kia, vẫn đang đưa tay ra, như thể đang chuẩn bị ôm hoặc đón lấy chúng tôi. Bà ấy tỉnh lại. Bà đứng thẳng dậy, cử động bằng một nguồn nặng lượng bí ẩn đang trỗi dậy bên trong. Bà lắc cánh tay mà người đàn ông đang nắm.

“Đừng có chạm vào tao!” bà nói.

Người đàn ông buông ra và bước lùi lại.

“Màu da của mày đang xâm chiếm khu phố! Tránh xa tao ra!” Bà lão vẫy bàn tay còn trống của mình về phía cặp đôi với cử chỉ xua đuổi. Biến đi. Biến. Biến.

Thực tế, tôi vẫn đang nắm lấy tay bà ấy - nắm chặt nó. Tại sao?

Với những lời của người phụ nữ già đâm vào không khí xung quanh chúng tôi, tôi nhìn cặp đôi kia kỹ hơn. Tôi đoán họ là người Nam Á, có lẽ là người San Francisco gốc Ấn Độ hoặc Pakistan. Người vợ/em gái/bạn gái/ bạn, với nước da nâu sẫm, mái tóc xoăn đen ngang vai, và cặp lông mày dày, hoàn hảo, lúc đó, nhíu lại trong ánh nhìn băn khoăn và khó chịu phía trên chiếc kính gọng tròn trong suốt. Người đàn ông, mặc áo sơ mi và quần lửng, có làn da sáng hơn người bạn đồng hành và mái tóc đen sát da đầu. Anh ta lùi lại, như anh ta đã được bảo phải làm thế. Họ đều nhìn vào bà lão da trắng, rồi nhìn lại vào tôi, và tôi tự hỏi họ đang nghĩ điều gì.

Chúng tôi rất tiếc, chúng tôi không biết cô hay người phụ nữ này, nhưng chúng tôi đã cố gắng giúp đỡ và không thể giúp hơn được nữa. Hoặc có lẽ, Chúng tôi nhìn thấy cô, và chúng tôi biết cô nhìn thấy chúng tôi – cô giống chúng tôi. Đừng cảm thấy có lỗi vì người phụ nữ này, bỏ lại bà ấy đi. Hoặc có thể, Tại sao cô lại ở cùng bà ấy? Chúng tôi hối hận vì đã giúp một trong hai người.

Họ đã thấy điều gì ở tôi? Dù gương mặt tôi truyền tải bất cứ điều gì, nó cũng không khiến họ ở lại. Người phụ nữ nắm tay người đàn ông và họ bỏ đi, không nhìn lại. Tôi nhìn họ thu nhỏ dần rồi biến mất khi họ di chuyển xuống phố.

Tôi biết rõ cảm giác đó. Cái cảm giác mà bạn không chỉ không còn là chính mình, bạn chẳng là gì cả.

Người phụ nữ già giật mạnh cánh tay. “Cô đang làm tôi đau,” bà nói, sức mạnh đột ngột của bà ấy biến mất. Bà lại sụp xuống, dựa vào tôi. “Ôi, cô gái, tôi mệt quá.

Tôi nhìn thấy một chiếc xe buýt đang xuống phố về hướng của chúng tôi. Không phải N Judah, mà là số 43, cách đó hai ngôi nhà. “Nhanh lên, xe buýt đang tới”, tôi nói. Bà lão để tôi kéo bà đến bến xe. Chiếc xe buýt mở cửa.

“Nó có đưa tôi đến nhà con gái tôi không?” người phụ nữ hỏi.

“Con gái bà sống ở đâu?”

“Ở Sunset.”

“Đây là Sunset,” tôi nói. “Chúng ta đang ở Inner Sunset. Chiếc xe buýt đi lên đồi. Bà có muốn đi lên đồi không?”

“Miễn là nó đưa tôi đến chỗ con gái tôi.”

“Cô có lên xe hay không?” tài xế hỏi.

“Có”, tôi nói, “bà ấy sẽ lên.”

Tài xế hạ thấp xe buýt. Tôi nói với anh ấy rằng tôi xin lỗi, tôi chỉ giúp đỡ, tôi không muốn lên xe. Xin lỗi, anh có thể đợi tôi xuống xe rồi mới đi không? Tôi dẫn người phụ nữ đến một chiếc ghế nhựa gần cửa và đặt bà xuống.

“Đây,” bà nói, dúi cái gì đó vào tay tôi. Số tiền mà bà đã giữ. “Trả cho bác tài xế tốt bụng và giữ phần còn lại, cô gái. Cho sự giúp đỡ của cô hôm nay.”

“Không, không, tôi không thể,” tôi nói, cố gắng để trả lại số tiền.

Bà ấy gạt tay tôi ra. “Đừng ngớ ngẩn thế!”

“Cô có xuống xe không, thưa cô?” Giờ thì tài xế hét lên với tôi.

Tôi cúi xuống vỗ vai người phụ nữ như một lời tạm biệt, một hành động mà tôi ngay lập tức hối hận. Tôi có thể cảm thấy cái gì đó trơn trơn. Thứ gì đó màu hồng trên lòng bàn tay của tôi: một vết nhỏ, mờ nhạt. Giống như máu. Người phụ nữ không có vẻ gì là lo lắng, bà mỉm cười, nhìn ra ngoài cửa sổ.

“Này!” tài xế nói. “Tôi không thể đợi ở đây mãi mãi đâu!”

“Được rồi, xong rồi.” Tôi bước về phía trước với số tiền trong tay. “Chuyến đi của bà ấy hết bao nhiêu?”

“Bảy lăm cent cho người cao tuổi,” ông ấy nói, chỉ vào bảng giá.

“Bà ấy không có tiền lẻ.”

“Cũng được. Cứ xuống xe đi. Ngay bây giờ.”

Tôi nhảy xuống, và cánh cửa đóng lại.

Tôi nhìn chằm chằm vào phía sau cái đầu màu trắng của người phụ nữ, giờ đang dựa vào cửa sổ khi xe buýt đi lên đồi. Tôi tự hỏi tôi có nên đuổi theo nó. Tôi lại nhìn vào lòng bàn tay. Vệt máu đã khô cong trên tay tôi. Tôi nghĩ đến việc gọi 911, như người đàn ông đã giúp đỡ chúng tôi gợi ý. Nhưng tôi không biết tôi sẽ nói gì nếu làm vậy.

Tôi nhìn xung quanh, lo lắng rằng ai đó có thể đã chứng kiến những gì đã xảy ra, nhưng không có ai đang nhìn tôi cả. Tôi đang đổ rất nhiều mồ hôi đến nỗi tôi có thể nếm vị mặn trên môi mình. Tôi quệt tay vào váy. Sau đó tôi nhớ ra số tiền ở bên tay sạch, và xòe nó ra. Bốn tờ hai mươi đô.

Tôi bắt đầu đi, đi nhanh. Xuống phố Irving, theo hướng cặp đôi kia đã đi. Mọi người, các cửa hàng, ô tô - mọi thứ trông khác trước đó, xa lạ và xiêu vẹo, như thể nó đang ở dưới một lớp bọc nhựa nhăn nheo. Và tôi không thể dừng việc phân loại và đoán lai lịch của từng người khi mắt tôi nhìn họ: Đông Á, Da Trắng, Đông Á, Da Trắng, La Tinh, Da Trắng, Da Đen, Da Trắng, Đông Á, Da Trắng, Nam Á… Tôi rẽ phải xuống đại lộ số 9.  Tôi đi vào các cửa hàng và nhìn qua cửa sổ các nhà hàng. Tôi sẽ tìm thấy cặp đôi đó và đưa họ số tiền này, tôi nghĩ.

Tôi không tìm thấy họ. Tôi đáng ra có thể đi vào công viên, nơi họ có lẽ đang tản bộ qua một vườn hoa hồng, cần được bao quanh bởi sự vô hại và xinh đẹp. Tôi đáng ra có thể đi xa hơn theo phố Irving, tiếp tục nhìn qua từng ô cửa sổ. Tôi đáng ra có thể đợi ở một góc, nhìn xem liệu họ có đi qua không. Nhưng họ có thể đã ở nhà. Họ có lẽ đang xem Netflix, vuốt ve con mèo, gọi cho bạn bè, xả giận với nhau về tất cả những lần điều tương tự xảy ra với họ.

Tôi biết rõ cảm giác đó - cảm giác chóng mặt khiến bạn phát ốm. Bên trong bạn đang tự dày vò chính mình. Tình trạng tê liệt thỉnh thoảng xảy ra tiếp theo - trừ khi đó là sự giận giữ, hoặc sự bối rối, hoặc nỗi sợ hãi. Cái cảm giác mà bạn không chỉ không còn là chính mình, bạn chẳng là gì cả. Tôi biết làm thế nào những khoảnh khắc nhỏ này có thể chồng chất qua thời gian, nối lại với nhau, thay đổi cách bạn cư xử trong cuộc đời.

Có thể cặp đôi đó đã quên đi mọi thứ sau đó. Có thể họ đã quen với điều này. Có thể họ mạnh mẽ hơn tôi. Có thể họ đã phát triển một chiếc khiên qua nhiều năm, thứ gì đó để bảo vệ họ, như cánh tay của người phụ nữ đã cố để bảo vệ chúng tôi khỏi những người qua đường.

Và tôi sẽ nói điều gì nếu tôi tìm thấy họ? Tôi có thể nói gì? Cảm ơn vì sự giúp đỡ của bạn? Xin lỗi vì người phụ nữ phân biệt chủng tộc? Nhân tiện, bà ấy đưa tôi một ít tiền – Tôi không biết tại sao – và tôi muốn bạn nhận nó. Bởi vì làm thế nào cô ấy lại không nhận ra tôi? Có phải cô ấy không nhận ra tôi? Dân tộc của tôi, nếu có, chính là người đã chiếm lấy khu phố này - người Trung Quốc, kể từ khi trở lại.

Không phải hai người đâu. Đó là tôi.

Bởi vì làm thế nào cô ấy lại không nhận ra tôi? Dân tộc của tôi, nếu có, chính là người đã chiếm lấy khu phố này - người Trung Quốc, kể từ khi trở lại. 

Tôi quay đi và đi lại về phía đại lộ số 9, quay lại bến xe buýt. Có một nơi bán gelato chỉ cách đó vài cánh cửa. Tôi đi vào và gọi cỡ lớn nhất mà họ có - một muỗng hồ trăn, một muỗng sô cô la và một muỗng caramel muối mặn – trong một chiếc cốc hình bông hoa màu hồng sáng. Tôi thanh toán với số tiền của bà lão kia, sau đó ăn tất cả với một chiếc thìa màu hồng sáng trong khi đi bộ lên đồi. Tôi muốn biết nếu tôi làm điều gì đó tồi tệ, ít nhất là điều gì đó không đúng – như khi làm với chiếc cupcake. Lẽ ra tôi nên nói với người đàn ông về điều tôi đã làm, chạy theo để chỉ ra lớp kem phủ trên mông anh ta, nhưng tôi đã không làm thế. Tôi biết nó khá khác nhau, nhưng nó cũng khá giống nhau. Đó là một tai nạn, phải không? Tôi nên làm gì đây?

Tôi có nên bỏ rơi người phụ nữ ấy? Có phải bà ấy làm thế cho con gái mình? Có phải bà ấy nghĩ tôi là người da trắng? Có phải cặp đôi đó nghĩ tôi là bạn bà ấy? Họ có ổn không? Có phải bà lão chỉ bị trầy xước, hay còn điều gì tồi tệ hơn? Tôi có nên quyên góp số tiền còn lại của bà ấy? Đến đâu? Hay tôi xứng đáng bằng cách nào đó? Chỉ cần cho tôi biết những gì bạn thực sự nghĩ về tôi. Làm ơn.


Dịch: Khánh Huyền - Bookademy

Bài viết gốc: https://bit.ly/31xrOk8 

Ảnh bìa: Minh họa bởi Ellen Weinstein

______________

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/2Hxkazt



----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,526 lượt xem