Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] “Nghiến Răng Nỗ Lực Vươn Lên Dẫn Đầu”: Cách “Sạc Pin” Mỗi Lần Mất Động Lực!

Thời gian là vô cùng đáng giá. Vậy nên đây là cuốn sách nói về cách sử dụng thời gian sao cho hiệu quả, ý nghĩa và có mục đích. Tôi viết cuốn sách này cho hai kiểu người. Kiểu thứ nhất là người vốn đang vươn lên và nỗ lực rồi. Tôi còn viết cuốn sách này cho các độc giả đã ngồi trên một vị trí lãnh đạo nào đó mà muốn truyền cảm hứng cho người khác vươn dậy và nỗ lực.


Ngay đầu cuốn sách, Daymond John đã thể hiện bản thân là người vô cùng thẳng thắn khi thể hiện mong muốn với đối tượng tiếp cận của cuốn sách, cũng như những nội dung và giá trị nó mang lại cho độc giả. Đây là cuốn sách của một trong những “cá mập” Daymond John, người đã tham gia chương trình đầu tư nổi tiếng Shark Tank Mỹ. Nhưng điều đáng chú ý hơn là những câu chuyện nhỏ bên trong, gắn liền xuyên suốt với những cá nhân mà ông cho rằng là những người truyền cảm hứng. Điều này khiến cho Nghiến răng nỗ lực, vươn lên dẫn đầu thoát khỏi khuôn phép sách self - help thông thường gạt bỏ sự sáo rỗng mà những cuốn sách cùng thể loại gặp phải. Hãy đón đọc xem điều đặc biệt này là gì nhé!



Chương 1: Gửi gắm thông điệp cùng vươn dậy

Daymond hồi tưởng lại chiến dịch quảng cáo của Dunkin’ Donuts: “It’s time to make the donuts” như một hồi chuông cho mỗi ngày mới. Đồng nghĩa, ta có câu danh ngôn nổi tiếng của cầu thủ bóng bầu dục huyền thoại Jerry Rice: Ngày hôm nay tôi sẽ làm những gì người khác không làm để sau này tôi đạt được những gì người khác không thể.

Trên thực tế, ranh giới giữa suy nghĩ và hành động không hề sát sao, chúng ta mỗi ngày đều tự cổ vũ bản thân nhưng số lần nhấc mông lên thực hiện thì chả bao nhiêu. Mọi người đều trì hoãn, biện bạch muốn tìm thời điểm thích hợp. Nhưng người trưởng thành đều hiểu rằng, thời gian sẽ không bao giờ hoàn hảo nên hãy tận dụng thời gian của mình sao cho hoàn hảo: dậy sớm, làm việc chăm chỉ, làm những gì phải làm, không than vãn và lặp lại vào những ngày tiếp theo.

Daymond đã đưa ra những dẫn chứng thú vị để cố vũ động lực tiềm ẩn trong cơ thể chúng ta. Mọi người đều có khó khăn của riêng mình, kể cả những người nhìn bề ngoài giống như chẳng có ưu phiền gì như: những chủ doanh nghiệp mắc chứng khó đọc thường thành lập nhiều doanh nghiệp và phát triển chúng nhanh hơn những chủ doanh nghiệp bình thường. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc học hành hãy nhớ rằng bạn không cô đơn: Richard Branson, Charles Schwab, Henry Ford,... đều là điển hình về các CEO thành đạt từng được chuẩn đoán mắc chứng khó đọc.

Triết lý này đúng với bất cứ công việc hay đối tượng nào, tựa như câu nói xưa cũ mà kinh điển thời gian là tiền bạc. Ngay từ khi còn nhỏ, nó đã hiển hiện trong nhận thức của Daymond bằng những sự việc đơn giản, trong khu phố của tôi, bạn phải ra khỏi nhà cực kì sớm nếu muốn kiếm chút tiền từ việc xúc tuyết.

Thật vậy, muốn thành công phải tranh thủ. Cho nên muốn bán được sách, bằng tư duy logic của một doanh nhân thành công, ông đã tóm gọn những điều hay ho mà các cuốn sách đem lại các điểm SHARK:

  • Set a goal - Đặt mục tiêu

  • Homework, do yours  - Hoàn thành phần công việc của bạn

  • Adore what you do  - Yêu những gì bạn làm

  • Remember, you’re the brand  - Hãy nhớ bản thân bạn chính là thương hiệu

  • Keep swimming - Làm việc không ngừng


Và đây là từ khóa của cuốn sách này GRIND(nỗ lực), là viết tắt bởi:

  • Get on it - Bắt tay vào việc. Bạn không thể bắt đầu dịch chuyển đến mục tiêu của mình khi và chỉ khi bước một nấc đầu tiên quan trọng kia. Nhưng còn điều này nữa,  bước đầu tiên ấy không cần phải quá lớn. Nó chỉ cần đưa bạn lên phía trước là được, dù chỉ là một chút. 1% nỗ lực không lớn, nhưng đủ để làm nên điều khác biệt.

  • Dù con đường bạn đối mặt có khó khăn thế nào, ngày mai nó cũng không dễ dàng hơn, nên hãy bắt đầu ngay hôm nay. Đừng tự kiếm cớ để trốn chạy, vì những gì bạn trốn tránh sẽ quay lại tìm bạn vào một ngày nào đó!

  • Repeat - lặp lại. Nếu bạn làm một việc gì đó một lần mà có kết quả tốt, thì có thể đó là may mắn. Nhưng nếu bạn lặp đi lặp lại một việc mà vẫn có kết quả tốt, thì có thể bạn sắp khám phá ra điều gì đó rồi đấy.

  • Insist - Kiên quyết. Nếu bạn đòi hỏi sự xuất sắc ở những gì bạn bỏ ra, thì bạn cũng có thể nhận lại sự xuất sắc. Thế nên hãy cứ kiên quyết tiến lên - vì cuộc sống không phải là những gì bạn chấp nhận, mà là những gì bạn mặc cả được.

  • Navigate - Tìm đường. Hãy nhớ rằng bạn sẽ tuyệt vọng, không lúc này thì sẽ lúc khác, Nhưng hãy nhớ là có cách duy nhất để khiến một dự án hay dự định thất bại đó là bạn từ bỏ nó.

  • Desire, Drive, Determination - Khao khát, động lực và quyết tâm. Hãy quyết tâm thổi bay mọi kì vọng, xóa sạch những “chuẩn thấp” mà người khác đặt ra cho bạn và đảm bảo bạn sẽ tiến lên thật thoải mái.

Tác giả đi vào giải thích sâu hơn về GRIND - cốt lõi của cuốn sách bằng cách đưa ra những dẫn chứng về nhân vật cụ thể. Bởi theo ông, mỗi người trong số học được chọn vì họ có điều gì đó tạo cảm hứng cho tôi- và tôi cược là họ cũng sẽ có những điều tạo cảm hứng cho bạn.


Câu chuyện đầu là về Catherine Zeta Jones với nhận thức và đam mê: hãy nhận thức từ sớm. Tìm kiếm đam mê và bước ra ánh sáng. Lần đầu lắng nghe Catherine - một nữ diễn viên hạng A Hollywood nói về ước mơ thời trang của mình, ông hết sức ngạc nhiên. Không phải vì chuyện một ngôi sao siêu giàu siêu đẹp muốn may quần áo để làm mình đẹp hơn mà vì thái độ cô ấy thể hiện khi nói về chúng, khi nghe cô ấy kể chuyện, tôi cảm thấy như thể cô ấy vừa trúng số khi được theo đuổi ước mơ của mình một cách toàn tâm toàn ý như thế. Tuy nhiên nếu chỉ bởi vì lòng nhiệt thành cô dành cho ước mơ thì câu chuyện vẫn chưa có gì đáng bàn nhưng cách cô tư duy, suy nghĩ về mọi chuyện thật sự khiến chúng ta phải ngẫm lại. Khi mọi thứ bắt đầu tốt lên, chúng ta đều có xu hướng tự mãn đôi chút. Chúng ta đánh mất điều từng thúc đẩy mình hành động ngay từ ban đầu, cái cảm giác rằng chúng ta có thể làm bất cứ điều gì.

Cô chia sẻ: Tôi đã luôn muốn làm việc này từ lâu, nhưng chưa bao giờ gặp đúng thời điểm. Tôi có sự nghiệp. Tôi có gia đình. Nhưng tôi cảm thấy mình còn cần cộng sự phù hợp nữa. Đó là lời giải thích cho việc cô tìm đến một “cá mập” như Daymond. Trở thành bạn với cô, Daymond bắt đầu hiểu hơn về thế giới dưới ánh đèn của giới giải trí. Để giữ gìn thân hình, duy trì số đo, họ phải rèn luyện cho mình đức tính kỉ luật, mà như lời tác giả nói thì, cô bám sát thói quen theo cách gần như cuồng mộ, quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình bằng một tinh thần minh mẫn và cơ thể khỏe mạnh.

Nếu Catherine Zeta Jones khiến chúng ta ngưỡng mộ về tâm thái theo đuổi đam mê thì Kyle Maynard lại dạy chúng ta bài học về sự quyết tâm. Anh nói: Cách tốt nhất để leo lên một ngọn núi là nhìn xuống chân núi thay vì nhìn lên đỉnh núi. Khi bạn muốn làm một điều gì nhiều hơn mọi thứ khác và điều đó đòi hỏi bạn vươn cao hơn một tí, bạn phải tìm cách để vươn lên.

Dù vậy, hãy sống đúng với bản thân mình. Kyle đã chống chọi với việc bị liệt tứ chi rất vất vả nhưng anh chưa bao giờ ghét bỏ nó mà học cách chấp nhận và thôi oán trách. Daymond cho biết thêm, hơn một tỉ người trên thế giới sống với một kiểu khuyết tật nào đó...Con số đó chiếm khoảng 15% dân số Trái Đất và vẫn còn tiếp tục tăng lên nhiều nữa. Tất nhiên khuyết tật của Kyle là cực kì hiếm và bạn sẽ không tìm thấy nhiều người phải đối mặt với khó khăn như anh, nhưng mỗi người đều phải đối mặt với điều gì đó, đúng không? Chìa khóa để thành công đến từ việc bạn nhận ra điều gì đó khác lạ ở mình và tìm cách khiến nó phải nâng bạn lên thay vì dìm bạn xuống.

Kyle nhấn mạnh, bạn không thể bỏ cuộc giữa chừng được. Một người với khuyết tật hiếm có như anh còn nhận thấy điều này chỉ cho thấy người khác sẽ luôn tìm lý do để chỉ trích bạn và nói bạn đang có lợi thế nào đó. Một ví dụ kinh điển là con cái nhà khá giả lại nỗ lực và mạnh mẽ hơn những đứa trẻ xuất phát từ gia đình trung lưu. Vì bên cạnh những điều kiện vật chất bên ngoài mà bọn trẻ con nhà nghèo thèm muốn, nỗ lực của chúng bị xem nhẹ và nếu không đạt được thành tích đáng thuyết phục chúng sẽ bị quy kết cho điều kiện tốt hơn của gia đình mình.

Nhưng việc thành công cũng không khó đến thế. Bạn càng làm nhiều việc nào, thì bạn sẽ càng giỏi việc ấy - đó là chân lý đằng sau thuyết của Macolm Gladwell. Kyle nhận ra cậu chẳng cần nỗ lực quá nhiều, cậu không phải người phi thường có khả năng truyền cảm hứng như những gì người ta tung hô. Cậu chỉ đang sống cuộc đời mà bạn đang thể hiện ra. Ba từ ấy - Tớ chẳng biết - hóa ra lại là những từ mạnh mẽ nhất và có tác động nhất đến cuộc đời Kyle, và hàm tin vững chắc rằng anh sẽ tìm ra cách. Đôi lúc, chúng ta quá tập trung vào đỉnh núi nên cảm thấy nhụt chí.

Cách cậu tìm ra chính là giúp đỡ người khác, giúp đỡ người khác nhận ra khả năng quyết định vận mệnh của bản thân là món quà tuyệt vời nhất mà bạn có thể tạo ra từ cuộc đời mình. Anh bắt đầu viết sách để truyền tải những kinh nghiệm sống và những triết lí hay ho anh chiêm nghiệm ra. Anh trở thành nhà diễn thuyết để nói với chúng ta không gì là có thể, hãy là chính bản thân mình và sống hết mình. Đó là cách anh duy trì mọi thói quen tốt, là câu trả lời động lực ở đâu? mà chúng ta luôn tự hỏi bản thân.


Chương 2: Bài học về theo đuổi nỗ lực

Ở chương này, tác giả tập trung về sự khác biệt giữa thế hệ trẻ và những người đi trước, mà chúng ta gọi nôm na là 9x và 10x. Ngày nay các bạn trẻ kết nối 24/7, họ không có khái niệm ngắt kết nối, vì nếu bạn bỏ lỡ, bạn sẽ bỏ lỡ luôn. Các bạn trẻ ngày nay biết họ cần phải nắm bắt mọi triển vọng khi chúng xuất hiện, nếu không sẽ có người khác nhanh chân hơn họ.

Điều này thật tuyệt vời, Daymond cho biết nếu so sánh với thế hệ trước chỉ đi làm 7 - 8 tiếng/ngày và hoàn toàn nghỉ ngơi sau đó. Ông cho rằng: Khi nguồn cảm hứng đến - bất kì lúc nào và bất cứ nơi đâu - chúng ta luôn có công cụ ở ngay trên đầu ngón tay để hành động. Tựa như thời ông cha thiếu phương tiện và công nghệ, thế hệ trẻ cũng phải đối mặt với những thách thức khác: Vậy điều này có gì không tốt chứ? Ừ thì nếu chúng ta không tắt máy thì sẽ hết nguyên liệu. Chúng ta không thể giữ chế độ nỗ lực toàn lực suốt được. Nếu không dành thời gian nạp năng lượng và hồi phục, chúng ta sẽ chỉ giả vờ làm việc mà thôi. Đây quả là xu thế mới khi các chủ doanh nghiệp bắt đầu quan tâm tới năng suất công việc hơn là thời gian làm việc. Mọi thứ đều là tương đối, phải không? Kể cả sự nỗ lực cũng thế. Gánh nặng của người này lại là chuyện vặt với người khác. Chìa khóa để thành công là học cách mang vác gánh nặng sao cho không bị nó đè bẹp… Để nó trông như là một phước lành thay vì gánh nặng. Hãy kiên cường - hãy sống vì điều gì đó. Daymond đã gửi gắm điều này thông qua câu chuyện về Nely Galán - nhà sản xuất truyền hình cũng như một nhà hảo tâm nổi tiếng.

Nely là người da đen, lại là một người di cư, tư tưởng phân biệt chủng tộc, giai cấp cắm sâu trong tiềm thức của cha mẹ cô, rằng họ luôn sai và người nói lời xin lỗi luôn là họ. Nhưng Nely không cho là thế, cô tin rằng: Những điều tốt đẹp sẽ đến với những người kiên trì. Từ khi cô còn ít tuổi cô đã xem mình là một chú rùa - biết rằng dù  đi đến đâu thì cuối cùng cô cũng tới nơi. Cô không từ bỏ mọi việc mình bắt đầu và làm điều mà mình cho là đúng, bất kể điều ấy “có vẻ” không đúng với một cô bé da đen còn nhỏ khi Nely mới chớm 15 tuổi.

Thế kỉ XXI nhưng chúng ta vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi những định kiến khi con số chứng minh: Phụ nữ da màu chiếm khoảng 33% lực lượng lao động nữ và họ phải làm việc với mức lương chỉ bằng một nửa phụ nữ da trắng… Cô gái nhỏ quyết định làm điều gì đó và làm cho bằng được. Từ những trải nghiệm của bản thân, cô nhận ra, khi tôi đi vòng quanh đất nước và nói chuyện với những người phụ nữ da màu, đây là điều rất đáng kể với tôi, cô nói, vì những người phụ nữ trẻ không bao giờ rời bỏ gia đình. Mối liên kết gia đình quá mạnh mẽ, đặc biệt là với phụ nữ Mỹ Latinh, châu Á và Ấn Độ. Về mặt văn hóa, rời bỏ gia đình là điều không hay.

Trong trường hợp này, nếu nâng cao vấn đề ta sẽ có câu hỏi “ở thành phố hay về quê?” - vấn đề nan giải đối với các bạn sinh viên mới ra trường. Ổn định là điều gì đó rất quyến rũ, nó gắn liền với an toàn, nhàn nhã và gia đình nơi quê hương. Còn thành phố là nơi của thị phi, phồn hoa, nỗ lực, trưởng thành và mệt mỏi. Vậy nên chọn gì để cân bằng? Câu trả lời là: Khi còn trẻ, sẽ chẳng có sự cân bằng nào cả và cũng chẳng nên có sự cân bằng nào. Sau này bạn có khối thời gian trong đời để cân bằng mà. Thật vậy, thay vì ngồi cân đo đong đếm, lấy lý do rằng mình phải tìm ra được đam mê, tìm được thứ mình thật sự giỏi rồi mới cố gắng thì thà rằng chọn đại một thứ gì đó và kiên trì đến cùng. Vì bạn không biết khoảng thời gian mình dành cho suy nghĩ và tư tưởng là khoảng thời gian chạy đua của người khác. Những người giỏi hơn đang nỗ lực hơn chúng ta gấp trăm nghìn lần. Vậy chúng ta có lý do gì mà lười biếng chứ? Suy cho cùng, làm một việc không ra gì vẫn còn hơn không làm việc gì mà!

Tuy vậy, ngay cả khi có mục tiêu cho riêng mình, mọi thứ vẫn thật khó khăn. Kinh nghiệm của Nyle là, hãy phân nhỏ mục tiêu. Bởi giống như việc không có một nỗ lực đúng đắn duy nhất nào. Vươn dậy nỗ lực hoàn thành mục tiêu có nghĩa lý gì nếu đó không phải là mục tiêu của bạn, phải không? Bởi nếu tuần nào bạn cũng đặt mục tiêu lớn, bạn sẽ chẳng làm được điều gì cả. Nếu bạn bắt đầu làm từng bước nhỏ để hướng đến mục đích cuối cùng, bạn sẽ hài lòng với chính mình hơn, vì bạn có thể thành công.


Chương 3: Dành thời gian. Vươn dậy. Và. Nỗ lực.

Mỗi khi chúng ta thức dậy vào buổi sáng để sẵn sàng xuất phát, quyết định là ở chúng ta. Mỗi giờ đồng hồ mà chúng ta gắng sức trước khi nghỉ ngơi và thiếp đi vào buổi tối, quyết định là ở chúng ta. Mỗi khi chúng ta đặt mục tiêu, quyết định là ở chúng ta. Mỗi khi chúng ta nhìn vào các mục tiêu của chính mình và quyết định làm lại từ đầu vì nhận thấy mình sẽ không đạt được mục tiêu, quyết định là ở chúng ta. Mỗi lượt tập thêm ở phòng tập, mỗi dặm chúng ta chạy thêm mỗi buổi sáng, quyết định là ở chúng ta. Mỗi cuộc gọi xúc tiến với một khách hàng hay đối tác tiềm năng, quyết định là của chúng ta. Mỗi quyết tâm Năm mới mà chúng ta đặt và giữ vững, quyết định là ở chúng ta. Hay như Andrew Carnegie, ông trùm ngành thép TK XIX đã nói: Một người có thể sinh ra nghèo khổ, nhưng người đó, nhưng người đó không cần phải sống nghèo khổ suốt đời

Hãy bắt đầu bằng cách lập các mục tiêu cụ thể! Như thể Daymond đã làm với cuộc đời anh ấy. Và tôi không chỉ hình dung mục tiêu của mình. Tôi còn hình dung ra nó - một điều nữa mà tôi luôn làm từ nhỏ. Tôi nhắm mắt lại và hình dung ra điều biến thành sự thật. Tuy nhiên ông luôn đề ra mốc thời gian cho mục tiêu dài hạn. Đa số mục tiêu đều có hạn trong sáu tháng, vào cùng một ngày, vì tôi nhận thấy nếu có một hạn chót gần đến trên lịch, tôi sẽ tập trung hơn. Một trong những sai lầm chúng ta thường mắc là liệt kê quá nhiều, thậm chí cả những nhiệm vụ bất khả thi. Mike Tyson cũng có lười khuyên: Ai cũng có kế hoạch của mình cho đến khi họ bị đấm vào mặt. Vì bất kể bạn đang muốn thành lập doanh nghiệp riêng, làm việc cho ai đó, ăn uống lành mạnh hơn hay tập luyện cho một cuộc chạy việt dã - bạn sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có một đích đến trong đầu mình. Tất nhiên, nếu chỉ vẽ mục tiêu một cách tùy tiện thì chúng ta dễ rơi vào trạng thái chán nản và mất động lực. Có hai loại người trên thế giới - một loại ngồi chờ mọi việc xảy ra còn loại kia khiến mọi việc xảy ra. Và tất cả chúng ta đều biết câu chuyện hài cổ về loại người thứ ba - những người cứ ngồi đấy và tự hỏi chuyện gì đang xảy ra. Suy nghĩ kĩ trước khi hành động làm một hành động tuyệt vời nhưng đừng bám lấy nó một cách thụ động và ngàn vạn lần đừng để suy nghĩ gặm nhấm hết quỹ thời gian quý giá của mình. 

Lời khuyên này đến từ câu chuyện theo đuổi âm nhạc cả Tyler - nghệ sĩ, ca sĩ nhạc rap và giờ anh ta còn là một ông bầu sảnh sỏi nữa. Khi mới lập nghiệp, không ai quan tâm cũng chẳng ai muốn nghe thứ nhạc pop điện tử mà anh ta dốc công làm ra. Vì chúng ta luôn mất một thời gian để làm quen với một điều gì đó mới xuất hiện. Nhưng bản thân Tyler thì nghĩ: Chúng không hợp bất kì khuôn khổ nào cũng chẳng sao, 99%người nghe không thèm nghe nhạc của cậu cũng chẳng sao


Từ khi chỉ còn là một cậu bé theo học trường trung học ở một thị trấn nhỏ, cậu đã bắt đầu viết nên những giai điệu của riêng mình. Cả cuộc đời cậu định sẵn sẽ gắn bó với âm nhạc. Cậu không bao giờ để những gì người khác đang làm hoặc không làm quyết định những gì mình định làm. Để rồi sau này nhìn lại quãng thời gian đó trong đời, Tyler không nghĩ rằng mình đã nhắm đến mục tiêu dài hạn nào. Cậu chỉ làm điều mình yêu thích thôi. Đó là khi nỗ lực của bạn không hề cực nhỏ, ngay cả khi nó chiếm lấy từng suy nghĩ của bạn, vì bạn chẳng nghĩ đến cách nào để đi hết một ngày nữa cả.

Nếu bạn đang đau đầu vì tìm mãi không thấy đam mê, cũng không thấy bản thân đặc biệt yêu thích công việc gì, thì không sao cả. Vì bạn giống tôi, chúng ta đều giống Tyler trong một giai đoạn cuộc đời mà cậu ấy đã trải qua. Chúng ta thường sống với suy nghĩ thứ gì đó đang nắm giữ chìa khóa mở ra thành công của mình. Vậy giải pháp cho tình trạng này là gì, hãy học theo Tyler: Cậu sống và làm những gì mình cảm thấy đúng. Nếu hiệu quả thì nghĩa là hiệu quả. Nếu không cậu vẫn tiếp tục làm, vì cậu không nhìn nhận âm nhạc, nghệ thuật hay thời trang của mình theo một mô hình kinh doanh. Tất nhiên chúng ta cần lo kiếm kế sinh nhai trước khi theo đuổi giấc mơ. Nhưng điều mà Tyler cũng như Daymond muốn nói ở đây là đừng đặt nặng chuyện tiền bạc quá. Bạn mở doanh nghiệp, tất nhiên bạn phải có lợi nhuận để duy trì nó. Đó là điều căn bản. Nhưng chúng ta chỉ kiếm được nhiều hơn hay duy trì được mô hình kinh doanh của mình khi thực sự tạo ra điều gì đó khác biệt, khi sản phẩm ta tạo ra giúp cuộc sống thuận lợi và xã hội tốt đẹp hơn. Mà để làm được điều đó thì suy nghĩ của bạn phải được mở rộng, khai sáng, vượt lên những điều bình thường để nảy ra sáng kiến. Sáng kiến không dễ phát kiến, nhất là chúng ta sẽ có khoảng thời gian sẽ thiếu hụt năng lượng và giảm trừ năng suất. Trong tiếng Anh có thuật ngữ “Early Bird” và “Night Owl”. “Early Bird” làm việc hiệu quả và tràn đầy năng lượng vào 9h sáng tới 5h chiều, nhưng khoảng thời gian tiếp theo lại giống như quá tải, năng suất công việc giảm còn một nửa. “Night Owl” thì ngược lại, là cú đêm nên màn đêm như nhung khởi động công tắc maximum trong họ, còn ban ngày thì lại vật vờ, chán chường và buồn ngủ. Bất kể bạn là “chim” hay “cú”, thì hãy giữ cho bản thân suy nghĩ: chuyện này không phải công việc, đó là chuyện cá nhân. Tinh thần được thoải mái, gánh nặng được cởi bỏ, công việc còn lại cũng sẽ nhẹ nhàng hơn.


Chương 4: Vươn dậy từ sớm

Nếu bạn hỏi 10 trong số 100 người giàu có nhất thế giới, họ sẽ đều trả lời bạn mình có thói quen dậy sớm. Bắt đầu một ngày mới với cảm giác khoan khoái và nhiều thời gian hơn thật tuyệt vời. Daymond cũng thế, nhưng ở chương này ông khai thác sâu hơn về nguyên do ông có thể trở thành 1 trong 5 shark. Vì ông bắt đầu sự nghiệp từ rất sớm. Đó là một vấn đề quan trọng, vì trước đó tôi chưa bao giờ thật sự hiểu rằng chúng ta đều có lựa chọn trong vấn đề tiền nong. Tôi nghĩ trong đầu rằng mình đang chạy đua và tôi phải làm là kiếm được nhiều tiền nhất có thể, vì tôi phải sớm tự lo cho mình. Suy nghĩ của tôi lúc ấy là cứ làm đủ mọi việc khác nhau và hy vọng sẽ bám trụ với một vài việc.

Nhìn vào gia cảnh là con trai trong một gia đình đơn thân, kinh tế không quá dư dả, ông dần dà hiểu ra: mỗi lần bạn cố xoay sở kiếm tiền sẽ dẫn đến những lần sau, nên theo nghĩa nào đó thì mọi thứ vẫn tuyệt. Giờ đây khi nhìn lại, tôi nghĩ trải nghiệm chính là chìa khóa hình thành nên phong cách quản lí của chính tôi. Daymond quan niệm: dù về nhà vào lúc mấy giờ hay rới nhà vào buổi sáng chăng nữa, chúng tôi luôn có việc để làm. Suy nghĩ này giúp ông tỉnh táo và tranh thủ mọi khoảng thời gian để giải quyết công việc. Nhưng nếu bạn đang đọc sách và tự hỏi, ổn thôi, anh ta là một doanh nhân thành công và giàu có. Anh ta có khối việc để làm nhưng tôi, tôi là một người bình thường lấy đâu ra nhiều việc cần giải quyết như vậy chứ? Nếu như vậy thì rất có thể bạn đã bị lây nhiễm tư tưởng lười biếng từ những người bạn của mình. Tony Robbins nói: Bạn sao mình vậy. Bạn biết đấy, nếu dành nhiều thời gian giao du với những kẻ thất bại bạn sẽ dần suy nghĩ và hành động như kẻ thất bại. Nếu bạn dành thời gian với những người chiến thắng, bạn sẽ hình thành nên tinh thần quyết thắng. Vậy tại sao không thử kết bạn Facebook với người bạn cùng khóa giỏi giang hay tham gia thêm vài câu lạc bộ, thử sức ở thêm nhiều sự kiện để gặp gỡ thêm những người thú vị chứ?

Để rồi khi đong đầy những trải nghiệm đáng giá, bạn chẳng cần tìm động lực ở đâu hay thấy nặng nề vì gánh theo áp lực trên vai. Bạn sẽ đạt được cùng tầng nhận thức với Daymond, Tyler và nhiều người khác trong cuốn sách này: Khi bạn đam mê công việc của mình, khi bạn cảm thấy thực sự mình đang thực hiện một sứ mệnh thay đổi cuộc sống của mọi người theo hướng tốt đẹp hơn thì nỗ lực sẽ diễn ra rất nhẹ nhàng. Khi bạn làm điều mình đam mê, mang những điều tốt đẹp cho thế giới và tạo cơ hội cho thế giới thì không có gì là nhàm chán cả.

Mỗi ngày học ngoại ngữ bản thân mình đều tự nhủ, đây là tương lai của mình. Mỗi ngày học ngoại ngữ đều là một ngày vui, mỗi bước đi bộ đều mang theo một thái độ vui vẻ. Một ngày qua đi chúng ta đều đang tốt hơn từng ngày. Đôi khi chúng ta thấy rõ kết quả, phần lớn thời gian lại không, tạo cho bản thân cảm giác làm không vô ích. Nhưng đổi một cách nghĩ khác, mình chỉ cố gắng nốt ngày hôm nay thôi, năng lượng sẽ quay lại và cảm xúc sẽ được điều chỉnh phù hợp. Đi chậm là điều cần thiết để đi được xa nhưng đi nhanh cũng thiết yếu để đuổi kịp cơ hội: Vật phẩm, nhãn mác, thương hiệu và lối sống. Chúng ta đều có hạn sử dụng dán sau lưng. Nếu bay gần mặt trời quá lâu, bạn sẽ bị thiêu cháy, bay thấp quá lâu thì sẽ chẳng ai thấy bạn cả; hãy tìm điểm cân bằng phù hợp ở giữa để bay vừa đủ cao, vừa đủ nhanh và bạn có thể bay mãi mãi.

Bạn có bao giờ cảm thấy lo lắng, mình thì có. Mình sợ hãi rất nhiều điều, một vị trí CTV với ở bộ phận mình chưa hề có kinh nghiệm, một chuyến đi đến một trường đại học khác hay đơn giản chỉ là lần đầu đi du lịch bụi,... Những điều ấy mình giữ trong lòng để rồi khi ngồi lại cùng bạn bè, mình thấy rất nhiều người giống mình, chúng mình đều lo lắng. Cha mẹ lo lắng cho con cái, con cái lại lo lắng cho tương lai. Nhưng hỉ nộ ái ố là cảm xúc mà Chúa trời ban tặng, mà món quà gửi cho những đứa con của ngài hiển nhiên có ý nghĩa của riêng mình. Tựa như khi mình vượt qua cảm giác bối rối, sợ hãi ban đầu để xách ba lô lên và đi, đầu óc mình giống như trống rỗng, chỉ còn lại cảm giác nhẹ nhàng, bình thản. Và mình đã bắt đầu chuyến “phượt” đầu đời như thế đấy. Cũng như mình, Daymond John cho rằng: Luôn có mặt tích cực trong những cảm xúc mà chúng ta nghĩ là tiêu cực đơn thuần - như nỗi sợ, lo lắng hay buồn rầu.

Để vượt qua những suy nghĩ tiêu cực này hãy tìm cho mình điểm cân bằng, mà theo mình thấy, đó là một lý do để bạn tiếp tục. Vì điểm cân bằng tùy biến, mang tính cá nhân. Trước tiên hãy dự tính kết quả, nhìn trước kêt quả bạn muốn, trở thành kết quả bạn muốn. Đạt được suy nghĩ này, bạn sẽ nhận ra một sự thật thú vị là, có quá nhiều việc truyền cảm hứng cho tôi hằng ngày.

Từ đó nỗ lực được gia tăng, giúp chúng ta không ngừng vươn lên dẫn đầu. Tôi biết rằng nếu kiên trì, tôi sẽ làm được một điều vĩ đại trong đời và có quyền tự do chọn lối đi cho riêng mình. Tôi có một niềm tin kì lạ và trái ngược rằng nếu bạn thích làm một điều gì đó quá tam ba bận thì nó phải có ý nghĩa gì đó.


Chương 5: Một ngày của cá mập

Nếu bạn muốn hiểu về thói quen và những điều tạo nên một trong những doanh nhân thành công, thì đây đúng là chương dành cho bạn. Trước tiên, Daymond cho chúng ta lời khuyên về vẻ bề ngoài. Ngoại hình thanh lịch và cảm giác khỏe khoắn sẽ giúp bạn suy nghĩ tinh anh. Thế nên, thời gian bạn dành cho ngoại hình (và phần ăn) của mình trong chuyến đi sẽ luôn mang đến lợi ích lớn lao cho bạn.

Về khía cạnh tâm hồn, mỗi người đều trải qua khó khăn, thậm chí là những góc tối không bao giờ muốn nhắc lại. Một vài người thoát khỏi nó, số còn lại thì không. Nhưng với kinh nghiệm của nhà khởi nghiệp FUBU đã trải qua vô số câu chuyện, Daymond muốn nhắc nhở chúng ta: Những gì đã xảy ra với tôi không làm nên con người tôi. Mình vẫn trong sạch. Mình vẫn là con người như Chúa đã tạo ra. Những gì đã xảy ra với mình không làm nên con người mình. Cách bạn vượt lên những khó khăn đó, cách bạn chiến thắng vấn đề của mình mới định hình lên con người bạn. Để làm được điều đó, hãy sống thật với bản thân làm điều bạn yêu thích. Một bài học nữa mà cô học được từ mẹ là tìm niềm hạnh phúc ở bất cứ nơi nào có thể - và đừng nghe người khác nói chuyện đó là sến sẩm. Việc biết được những giai đoạn đen tối của người khác trải qua sẽ giúp bạn xem trọng con đường họ đến với ánh hào quang. Một trong số những cám dỗ mà ta gặp phải là tiền bạc. Tiền thiết yếu và quan trọng đến nhường nào ở xã hội của chúng ta một đứa bé cũng hiểu. Nhưng hãy tỉnh táo, vì tiền chỉ giải quyết được những vấn đề do thiếu tiền gây ra. Như cách tiền không mua được sức khỏe hay thời gian, cũng chẳng mua được cảm xúc, niềm vui hay nỗi buồn. Nhưng để sống, để tồn tại và vươn tới những nhu cầu cao hơn, tiền cần thiết để trả hóa đơn, để vun vén chuyện cơm áo gạo tiền. Những lo toan tưởng như vụn vặt nhưng nếu không được giải quyết sẽ dẫn đến suy đồi đạo đức, sa đọa và tha hóa trong nhân cách con người.

Chúng ta cần nhiều hơn thế ngoài việc đối mặt và làm chính bản thân mình, hãy ra ngoài và kết bạn với mọi người để kết nối và được hòa nhập. Hãy là một thành viên nhóm, tìm kiếm những người có “siêu năng lực” mà mình không có và bắt đầu làm việc cùng nhau.


Chương 6: Nỗ lực suốt đêm

You wanna be where people are. Nói cách khác như Chris Latimer: Các công ti bắt đầu thất bại khi những người cầm trịch ra những quyết định từ tòa tháp ngà, hay từ độ cao 1000 mét.

Tới phần này, ngòi bút của Daymond hướng tới Jake Kassan và Kramer Laplante - hai nhà đồng khởi nghiệp của hãng đồng hồ MVMT với trải nghiệm của chính họ để đôi tay lấm bẩn. Trải nghiệm và ấn tượng của ai đó không thể thay thế bằng trải nghiệm và ấn tượng của bạn. Với Jake, một thanh niên trẻ giắt túi những kinh nghiệm gọi vốn và tư duy kinh tế hình thành từ ngày còn nhỏ, cậu theo đuổi lợi nhuận, tất nhiên rồi. Nhưng số tiền không khiến cậu thích thú bằng sự kịch tính của thử thách. Đó là cách để đánh giá mức độ hiệu quả của cậu, khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra của cậu. Trải nghiệm cũng là cách duy nhất để hai cậu trai trẻ kinh doanh và thị trường, cụ thể như biết cạnh tranh đúng chỗ và biết khi nào bạn sẽ tiêu tùng”. Bạn có biết: Chỉ có 8% doanh thu bán lẻ của Mỹ là từ giao dịch trên mạng?...Điều này có nghĩa là chúng ta còn rất nhiều khoảng trống để phát triển, kể cả trong môi trường nơi một gã thương mại điện tử Amazon bày ra 480 triệu mặt hàng.

Việc thành công khi còn quá trẻ khiến hai thanh niên phải đối mặt với nhiều câu hỏi. Tụi em sẽ đi đến đâu trong 20 năm tới? Em không biết nữa. Nhưng em phải nghĩ rằng tụi em sẽ tìm ra động lực trong quá trình phát triển. Vì thành thật mà nói, có rất nhiều người thành công vẫn tiếp tục nỗ lực và tất bật với công việc rất lâu sau khi đã thành công. CEO của Walmart, Apple cũng như Amazon làm cách nào để tiếp tục phát triển doanh nghiệp sau khi thành công tiến vào Fortune 500. Câu hỏi này cũng giống như việc bạn có một thân hình cường tráng, vạm vỡ và đầy quyến rũ với tụi con gái nhưng vẫn phải tìm cho mình lý do để đến phòng tập mỗi ngày vậy. Daymond đã trả lời thay bạn: tôi không cần tăng cơ bắp. Tôi chỉ cần hoạt động, cố gắng tạo ra cảm giác đang kiểm soát cơ thể mình mà thôi. Sâu xa hơn, ông khẳng định: Nếu bạn nói với ai đó rằng bạn muốn thành triệu phú, thì đó là một mục tiêu lười biếng. Nếu bạn nói với ai đó rằng bạn muốn có khối tài sản trị giá 1 triệu 184 nghìn 912 đô la bạn mới là người thực sự nghĩ thông suốt về những gì mình muốn.


Chương 7: Tạm dừng

Dường như đặt nội dung sống chậm lại, suy nghĩ khác đi ở một cuốn sách self-help bừng bừng nhiệt thành thế này là không ổn, nhưng tác giả đã đưa ra lý do rất hợp lý. Chúng ta nỗ lực nhưng cũng giống như pin điện thoại, chúng ta không thể hoạt động với 200% công suất trong suốt cuộc đời. Mọi người đều hiểu nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới tôn vinh và kì vọng sự châm chỉ nỗ lực. Khoảng cách giữa những gì chúng ta biết và những gì chúng ta làm đôi khi rất khó để nhận ra, đặc biệt ở khía cạnh này. Một người bạn tâm sự với shark, nỗ lực đã vắt kiệt sức anh. Tôi hiếm khi suy nghĩ hay dành thời gian cho bất kì điều gì khác. Nỗ lực là khoản đầu tư để ta đến được vị trí mà không cần phải nỗ lực nữa, khi những mục tiêu ta nhắm đến đã bền vững.


Đừng nghĩ rằng bản thân có thể giống bò mộng trong trận đấu mà lao không ngừng về phía trước. Theo chính sách văn hóa doanh nghiệp của các ông ty hàng đầu như Google, họ cho phép nhân viên nghỉ 1 ngày/tuần và 20% thời gian làm việc để tham gia các hoạt động không hề liên quan đến công việc. Kết quả họ thu được là năng suất cao lên 200% và một loạt các phát minh như Gmail, Drive,... Phải công nhận rằng, tình trạng thảnh thơi không chỉ là một kì nghỉ, một sự nuông chiều hay một giọng nói, đó là điều thiết yếu với não bộ cũng như vitamin D đối với cơ thể vậy. Nếu không có nhiều thời gian, chúng ta phải tìm ra một tài nguyên khác để thay thế đó và tài nguyên đó chính là năng lượng. Có thế nói, tài nguyên lớn nhất chưa được khai phá trong tổ chức của bạn chính là những gì đang diễn ra trong tâm hồn mỗi nhân viên của bạn.

Đồng thời, Daymond cũng không quên ghi nhận một số cách nâng cao hiệu suất làm việc bên cạnh những khoảng “tạm dừng”:

  • Đừng bận tâm đến thời gian

  • Liên tục hoạt động

  • Cố đừng nghĩ đến điều gì khác ngoài bạn đang làm

  • Cố đừng nghĩ đến bản thân

  • Gắn bó với những điều hiệu quả

Nghỉ ngơi xong, chuẩn bị một tinh thần khỏe khoắn và cơ thể tràn đầy nhiệt huyết, tác giả kêu gọi, hãy khao khát, quay lại với những gì bạn biết. Tôi sẽ kiên trì đến khi thành công - Og Mandino, đồng chủ nhân sáng tạo món Sườn nướng rút xương Bubbba’s Q.  Là một cầu thủ chuyên nghiệp với niềm đam mê thịt nướng từ lâu, anh cũng không nghĩ tới mình sẽ mở một nhà hàng BBQ và sáng tạo ra món sốt bán chạy nhất nhì ngày nay. Nhưng anh nhận ra: Cơ hội đến khi anh ít ngờ đến nó nhất và anh phải xông vào để nắm lấy nó.


Chương 8: Sức mạnh của nỗ lực

Cuối sách, nhà đồng sáng lập của FUBU cho rằng chẳng có bí quyết nào để vươn tới thành công hay loại trừ bất cứ ai khỏi hai từ “thành công” này. Mỗi chúng ta đều góp phần của mình vào món súp thành công, tùy thuộc những nguyên liệu mà chúng ta có trong bếp. Đúc kết lại từ vô số cá nhân được nhắc đến trong cuốn sách của mình, D.John cho rằng họ đều gây dựng sự nghiệp từ một số điều căn bản như:

  • Nguyên tắc cơ bản

  • Họ tin vào những gì họ làm là có ý nghĩa

  • Họ chỉ mạo hiểm ở mức chấp nhận được

  • Họ tập trung vào những gì mình có thay vì những gì mình không có

  • Thành công không phải cái đích để bạn tìm ra, nó là kết quả bạn phải tạo dựng


Thay lời Kết:

Có thể nói, đây không phải là một cuốn sách ngắn nhưng đủ thu hút để khi cầm nó lên bạn không phải bỏ dở giữa chừng. Việc cuốn sách được chắp bút bởi D.J một trong những “cá mập” của Shark Tank khiến chúng ta thêm phần tin tưởng và hứng thú. Nhưng chỉ cần đọc những dòng đầu tiên bạn sẽ nhận ra cuốn sách không hề nói những điều sáo rỗng. Nó là tấm gương phản ánh chúng ta trong cuộc sống hằng ngày và Daymond không “dạy đời” ai cả, ông dành những kinh nghiệm của mình phân tích sai lầm và đưa ra khuyên đủ chân thành. Ông không nhấn mạnh chúng ta và ông, ngược lại đề cao những điểm chung để hòa nhập, để Nghiến răng nỗ lực vươn lên dẫn đầu.


Review chi tiết: Ngọc Anh- Bookademy


--------------------------------------------------                                                                     

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

307 lượt xem