Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] “Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can”: Thay Chữ “Nhẫn” Bằng “Keep Calm” – Tiến Bộ Hay Tụt Hậu?

“Từ chỗ vô danh cách đây cách đây bảy, tám năm, bây giờ, nếu gõ ‘bức xúc’ vào Google, ta sẽ được 29 triệu kết quả, gấp 10 lần ‘Ngọc Trinh’, một con số ấn tượng cho một từ có làn da xấu xí như vậy”. Quan sát thú vị, hóm hỉnh mà vô cùng sâu sắc này của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã nêu lên rất rõ thực trạng xã hội đáng báo động hiện nay! Đi đến đâu, người ta cũng nghe thấy những lời ca thán, bức xúc của người này, người kia về việc này, việc nọ. Vậy những bức xúc ấy có thể được lí giải như thế nào? Cùng lắng nghe những chia sẻ của chính tiến sĩ Đặng Hoàng Giang trong cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can.

 

26 bài viết trong sách là 26 mẩu chuyện từ quen thuộc đến xa lạ xoay xung quanh đời sống con người, ảnh hưởng đến suy nghĩ, tâm lí thái độ cũng như cách nhìn của họ trước hiện thực đang diễn ra. Với cái nhìn khách quan, phân tích sắc sảo, tác giả giúp chúng ta có một tư duy mới trước những vấn đề tưởng chừng như gần gũi, vô hại trong cuộc sống hiện đại vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ.


Chương 1: Tâm lí đám đông.

- Vẻ đẹp của người chạy marathon về chót.

Khi theo dõi một cuộc chạy đua, chúng ta có xu hướng bám lấy, dõi theo những người dẫn đầu, xem liệu anh ta có phá kỉ lục không. Nhưng hãy để ý mà xem, những người về chót cũng thú vị lắm chứ. Thường thì khi họ rẽ vào khúc ngoặt cuối cùng dẫn tới đích thì băng rôn đã được tháo xuống từ lâu, mọi người về hết, khán giả cũng chẳng còn. Ta thấy ở họ sự quyết tâm đầy đau đớn. Họ tự ý thức rằng, họ chẳng đem lại vinh quang cho ai, thất bại của họ cũng chẳng làm ai quan tâm. Động cơ để họ tiếp tục đơn giản chỉ vì bỏ cuộc không phải là lựa chọn của họ.

Chúng ta có xu hướng bám lấy những người siêu phàm, những người được cho là có thể một tay thay đổi thế giới mà bỏ qua câu chuyện của những người trần mắt thịt như chính bản thân chúng ta - những người lê lết đau đớn ở cuối đoàn marathon. Đây đúng là một điều đáng tiếc! Bởi vì khi ta bị thu hút bởi những người xuất chúng và nổi tiếng, chúng ta dễ rơi vào tâm lí chờ đợi, phó thác. Chúng ta mặc định “Nó vốn thế này, nó vốn thế kia” và khoanh tay chờ đợi. Điểm chung của những người quyết tâm trong cuộc vật lộn này là vì họ cho rằng họ cần làm như vậy. Họ không đại diện cho ai cả, sự kiên cường của họ đến từ điểm này. Hành động của họ sẽ chẳng được ai để ý tới, nếu có biết đến cũng chỉ là một chú thích bé tí trong lịch sử. Nhưng hãy tin rằng, không có họ cũng sẽ không có thay đổi trong xã hội.

 

- Họ phá phách vô phương hướng và vô nghĩa.

“Hôi của”, “Đánh hội đồng”, “Biểu tình, đập phá, bãi công tập thể” - những thuật ngữ chẳng còn gì xa lạ với chúng ta nữa. Nhưng nguyên nhân của những hành vi thiếu văn hoá này là do đâu? Nhìn sâu hơn vào tâm lí đám đông sẽ giúp chúng ta lí giải điều đó. Một đám đông có những yếu tố đặc biệt:

• Thứ nhất: Thành viên của nó vô danh, tạo cho người ta sự an toàn và cảm giác được bảo vệ.

• Thứ hai: Đám đông gây phấn khích. Minh chứng dễ hiểu khi ai cũng nhận thấy rằng, đứng trên sân vận động bao giờ cũng thú vị hơn so với xem bóng đá qua màn hình tivi nhiều.

• Thứ ba: Đám đông tạo cho người ta cảm giác quyền lực.

• Thứ tư: Đám đông sẽ rùng rùng chuyển động khi có một sự việc nào đó châm ngòi. Trong đám đông người ta dễ đánh mất chính mình.

Thực tế mà ai cũng nhận thấy là, khi một người nhập vào đám đông, họ dễ đánh mất tính cá nhân, tính độc lập, khả năng đánh giá, họ bị cuốn vào ảnh hưởng phi lí của tập thể xung quanh. Ít nhất là trong khoảnh khắc đó, những người nghèo khổ, bị coi là dưới đáy xã hội, cảm thấy vui vẻ, cảm thấy mình là người thắng cuộc. Đám đông cho họ một nơi để thuộc về!


Chúng ta, những con người may mắn hơn, hãy dành cho những người nghèo đô thị, những công nhân một phần tử tế của miếng bánh, một cảm giác xã hội là của họ, cảm giác thật chứ không phải là hô hào khẩu hiệu.

 

- Sống chung với lũ và chủ nghĩa anh hùng thường nhật.

Cưới xin - phong bì, hiếu hỉ, ma chay - phong bì, sinh nhật ốm đau lại phong bì?! Dường như phong bì đã trở thành một phần không thể thiếu trong giỏ quà mỗi người khi được mời đến tham dự một chương trình nào đó. Nhưng có thực là trong thâm tâm, họ muốn điều đó không? Câu trả lời là KHÔNG! Theo tiến sĩ Giang Đặng: “Người ta tuân theo nó vì ai cũng làm như vậy”. Đúng thế, điều chúng ta nhìn thấy là những chiếc phong bì ấy lại mang sức mạnh vô biên, đó là quyền lực độc tôn, quyền lực của một bộ máy thống trị mà những người nhận tiền là đại diện trực tiếp. Trong thâm tâm, người ta lên án nhưng bề ngoài họ im lặng và làm theo những gì mà hệ thống yêu cầu. Họ sống trong sự dối trá, chấp nhận “sống chung với lũ”. Trá hình dưới những chiếc phong bì xinh xắn ấy, mục đích thực chất là một bên luôn tái khẳng định sự phục tùng, một bên tái khẳng định quyền lực. Họ tự ru ngủ chính mình, họ không muốn mất chức, mất quyền. Nói như vậy không phải tất cả mọi người đều sống giả dối. Vẫn còn đó, dù chỉ ít thôi, những người vẫn dùng la bàn đạo đức riêng để định hướng. Họ vẫn giữ sự cương trực, thiên lương trong sáng, họ chính là “những anh hùng thường nhật”.

 

- Bức xúc không làm ta vô can.

 Thực tế cho thấy, chúng ta ưu tiên tin xấu, đắm đuối với chúng thay vì chú ý đến những điều tốt lành. Tin tức về những “tệ nạn” hay “bất cập” trong xã hội cung cấp cho chúng ta những cái cớ để than phiền. Vì vậy mà kêu ca, phàn nàn, bực dọc, cáu kỉnh, chê bai trở thành những trạng thái thường trực trong dư luận. Tất cả đều được gói ghém tài tình trong từ “bức xúc”. Vì sao vậy? Dưới góc nhìn của một nhà phê bình xã hội, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang giải thích rằng: sở dĩ chúng ta phê bình hay than phiền thứ nhất là để chứng tỏ rằng chúng ta không thờ ơ, vô cảm, chúng ta “ưu tú” hơn những người làm thói xấu xa ấy nhiều. Thứ hai, bức xúc chứng tỏ chúng ta vô tội, chúng ta cũng là nạn nhân. Nhưng đừng nghĩ rằng chúng ta vô can! Không hề! Cuộc sống của chúng ta đang đặt trên nền gạch của bao bất công và phi lí. Chúng ta vẫn phải sống, chứng kiến sự bất công ấy mỗi ngày. Có thể chúng ta không phải là kẻ trực tiếp gây ra bất công nhưng chúng ta phụ thuộc vào những kẻ đó, chúng ta ngồi cùng bàn tiệc với họ. Vậy nên, hãy luôn có ý thức về điều đó.

 

- Bi kịch của sự hào nhoáng.


Phải thú nhận rằng, trong chúng ta có những người không biết nhiều về sở thích, thói quen của cha mẹ mình, những khó khăn mà gia đình gặp phải. Thế nhưng, chúng ta lại biết rất rõ về những cuộc tình của Hồ Ngọc Hà, biết hôm nay Ngọc Trinh mua đồ hiệu gì nữa, đọc vanh vách tiểu sử của Sơn Tùng – MTP,… Họ là những người mẫu, những ca sĩ, những đại gia, tựu chung lại họ là những ngôi sao còn chiếm tâm trí ta hơn cả những người thân trong gia đình, dù ta chưa gặp bao giờ. Nhân vật của công chúng trở nên nổi tiếng khi truyền thông chuyển từ việc tường thuật về vai trò và hoạt động xã hội của họ sang tường thuật về đời sống cá nhân họ. Vì thế mà chúng ta bắt đầu chú ý đến họ, bên cạnh tài năng và sự giàu có. Chúng ta tâng bốc, ca ngợi họ và đưa họ lên thành trung tâm văn hóa cuộc đời. Các ngôi sao cũng là biểu tượng của văn hóa, là những chiếc loa phát thanh của những trào lưu mới. Phát ngôn “Không có tiền thì cạp đất mà ăn” của Ngọc Trinh, hay mới đây, điệu múa quạt của Khá Bảnh và những trò đùa của hắn giờ đã quá quen thuộc với người dân Việt. Chúng ta đem phát ngôn, hành động của họ ra bàn cãi, khen ngợi, đánh giá. Vì thế mà sự nổi tiếng của họ càng tăng nhanh. Có cái danh rồi, người ta sợ mất nó, vậy là họ cố gắng giữ lấy bằng được. Họ làm đủ mọi trò để níu chân các fan. Họ biết rằng khi họ “hết thời”, đám đông người hâm mộ kia sẽ vô tư quên họ đi, tìm đến những celebrity mới.

 

- Vẻ đẹp của người đứng một mình.

Chờ xe bus, giờ nghỉ giải lao, đi uống cafe, nhìn đâu ta cũng thấy những con người toàn thân bất động, trừ một ngón tay cái là đẩy lên đẩy xuống, khuôn mặt vô hồn. Nhưng, trong đầu họ đang xô đẩy đám đông nhốn nháo trên mạng. Giật status, câu view, like, share, comment,… giờ đây không thể thiếu trong thời đại mà người người, nhà nhà dùng smartphone. Smartphone trở thành một ô cửa nhỏ dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân, cái rung nhẹ báo tin có thông báo mới cũng đầy hứa hẹn. Nhưng càng kết nối, càng online, đám đông rộn ràng kia lại làm cho chúng ta càng thấy cô đơn hơn. Để rồi đêm khuya, khi cái chấm xanh dần biến mất, người ta cuộn lên cuộn xuống newsfeed để hòng tìm một status bị bỏ sót, xem còn tin nhắn nào chưa kịp reply, để làm tê liệt cảm giác trống rỗng.

Chúng ta chẳng ai muốn bị cho là lạc hậu, là cổ hủ trước tin tức mới. Vì vậy, chúng ta dành phần lớn thời gian của mình để lướt facebook, theo dõi, kết bạn, làm những việc vô bổ. Thay vì sống trong thế giới thật, người ta bị ám ảnh bởi thế giới ảo. Mọi thứ được tung hô trên mạng thật hào nhoáng, nhưng ai dám chắc ngoài đời nó đích thị là như vậy, hay đơn thuần chỉ là một sản phẩm đã qua ngàn lần photoshop? Chúng ta coi lượng like, share, comment là tiêu chí đánh giá cho cái đẹp, cho sự hoàn hảo. Nhưng đã tới lúc, chúng ta cần tách khỏi đám đông nhốn nháo kia để lắng nghe tiếng nói bên trong mình, để phát triển bản thân và nuôi dưỡng sự sáng tạo. Đứng một mình không dễ. Chúng ta cần sự dũng cảm để đối diện với tất cả. Một mình nhưng không hề cô đơn. “Vẻ đẹp của một mình là vẻ đẹp tự tại, với một niềm vui tự thân. Một niềm vui mà như nhà tu hành David Steindl-Rast diễn tả, không phụ thuộc vào những điều xảy ra” – tiến sĩ Đặng Hoàng Giang chia sẻ.

 

Chương 2: Một số vấn đề phát triển như môi trường, công lí, sắc tộc, phân biệt giàu nghèo,…



- Văn hóa không phải là lí do khiến quốc gia thất bại.

Các nhà cách tân Việt Nam đầu thế kỉ XX đem đến cho chúng ta tư tưởng: “Đi theo phương Tây hay là chết”. Mục tiêu của họ là khắc phục tinh thần “dị ngoại”, hướng người Việt theo văn minh phương Tây, trở nên hiện đại như phương Tây. Nhưng suy cho cùng thì cái cần phải sửa là cái ruột bên trong chứ không phải hình thức bên ngoài. Các nhà cách tân muốn chúng ta chối bỏ văn hóa phương Đông, khước từ mọi thứ văn hóa Trung Quốc. Thế nhưng, người ta cấm phim Tàu thì sẽ có phim Hàn, phim Việt. Nhét rác vào đầu thì ưu tiên nhét rác Việt, rác Hàn chứ không phải rác Tàu. Người ta cấm chữ Hán! Như vậy chẳng lẽ, thay vì đến gặp ông đồ xin chữ “Nhẫn”, người ta lại thuê một designer thiết kế cho chữ “Keep Calm” cho ra dáng Tây học hay sao? Hay nếu thay Tết Nguyên đán bằng lễ Noel thì người ta có thôi biếu phong bì mà chuyển sang tặng ngỗng? Thật nực cười! Đó đồng thời cũng là bao trăn trở, băn khoăn không phải của riêng gì tiến sĩ Giang Đặng mà còn bao nhiêu người Việt khác. Nhưng hãy luôn tin rằng, sự quan trọng của văn hóa không bị đứt gãy, chỉ có thể có khi người dân đọc được những tư liệu cổ của nước mình. Mong rằng mỗi người Việt Nam chúng ta luôn có đủ hiểu biết và sự dẻo dai về văn hóa để chèo lái trên biển toàn cầu, để trở thành công dân toàn cầu mà không bị tha hương về văn hóa, bơ vơ về bản sắc dân tộc.

 

- Rồi tất cả sẽ trở thành Đồ Sơn.

Đi du lịch trở thành sở thành sở thành sở thích khá mới của người Việt. Có thể kể đến một địa điểm quá quen thuộc là Sapa, lượng khách du lịch mỗi năm ở đây tăng nhanh chóng. Nếu như năm 1991 là 2000 người thì năm 2002 con số này đã lên tới 60.000. Tính riêng trong đợt nghỉ tết nguyên đán 2015, con số này đã lên tới 50.000. Du lịch đại trà (mass tourism) ngày càng phát triển với mục tiêu thu hút càng nhiều khách càng tốt. Thế nhưng chúng ta đến nhiều không phải để tìm hiểu văn hóa, phong tục, tín ngưỡng của địa phương mà ta đến đó vì một lí do đơn giản chỉ là có một địa điểm check in đẹp, kiếm những bức selfie triệu like. Các địa điểm du lịch đang mất dần vẻ đẹp tự nhiên của nó khi hàng quán, biển hiệu, nhà nghỉ mọc lên chi chít. Một thiên đường tự nhiên đang dần trở thành thiên đường bê tông nhân tạo. Con người vốn chân quê cũng mất dần bản tính lương thiện vốn có, nào là thách giá du khách nước ngoài thật cao, nào là chèo kéo khách hàng, đủ thủ đoạn, mọi mánh khóe. Đâu còn những đứa trẻ trong sáng, những người dân hồn hậu, chất phác ngày nào. Nhưng cũng như mọi thứ trên đời, sự tham lam sẽ phá hủy hết. Lòng tham sẽ biến con ngỗng mang tên du lịch ấy thành một con quái vật để rồi tất cả sẽ trở thành Đồ Sơn, một sự thảm hại cho cả người ở đó lẫn cả người tới thăm.

 

- Từ thiện câu like.


“Từ thiện” từ lâu trở thành một nét văn hóa ở Việt Nam. Nhưng có thực là người ta làm từ thiện vì cái tâm, vì người ta muốn thế, hay họ làm từ thiện vì chính bản thân họ? Họ làm để câu like! Vì vậy mà chẳng có gì khó hiểu khi theo sau các nhà hảo tâm ấy là những ống kính, máy quay lúc nào cũng chĩa vào họ, nháy tanh tách. Có lẽ ai trong chúng ta cũng sẽ có chung suy nghĩ như tiến sĩ Giang Đặng: “Việt Nam không có người nghèo nữa thì các ngôi sao và hoa hậu sẽ rất buồn. Họ không còn cớ để thể hiện ‘lòng tốt’ của mình”. Giờ đây, du lịch sóng đôi với từ thiện. Người ta từ thiện để thỏa mãn, để được mọi người biết tới chứ mấy ai thật lòng muốn giúp đỡ người nghèo. Trên đất nước này vẫn còn rất nhiều người nghèo cần được hỗ trợ.

Vậy làm sao để từ thiện đúng với nghĩa thực của nó? Hãy đặt tâm điểm sự chú ý vào người nhận, suy nghĩ xem nên hướng nguồn lực của mình vào đâu để đem lại lợi ích lớn nhất cho những người hoặc cộng đồng cần trợ giúp và đặc biệt, hãy từ bỏ tâm thế của người ban phát. Nên hiểu, từ thiện là một quá trình hai chiều, cho và nhận. Nếu từ thiện chỉ là phong trào, để lấy like, xoa dịu lương tâm, để đánh bóng tên tuổi, thể hiện vị thế xã hội thì chính người cho đã khước từ khả năng nhận. Nếu như vậy, từ thiện sẽ chẳng thể gắn kết cộng đồng mà ngược lại, nó càng củng cố sự bất công trong xã hội. Chắc hẳn, không ai muốn như vậy.

 

Chương 3: Những hiện tượng xã hội và trào lưu văn hóa đương đại.

- Khi Louis XIV về làng

Kiến trúc mang phong cách châu Âu dần trở nên phổ biến và được coi là đẳng cấp của mọi công trình. Chưa bao giờ, người Việt lại có thể lựa chọn giữa nhiều phong cách kiến trúc trên thế giới như bây giờ. Điều đó thể hiện rõ nhất qua ngôi nhà của họ. Nếu như căn nhà thể hiện rõ giấc mơ của chủ nhà thì người Việt đang mơ gì?

 Của cải mới kiếm được thì thường đi kèm với sự khẳng định và phô trương. Người Việt không nằm ngoài quy luật này, họ tìm cơ hội trưng bày sự sung túc ấy. Họ coi kiến trúc tân cổ điển kiểu Pháp là đỉnh cao muôn trượng. Với người dân trung lưu, nó thể hiện đẳng cấp; với quan chức, nó là sự uy nghi, tôn nghiêm; với giới trẻ, nó là biểu tượng của sự lãng mạn, tình yêu, lịch sự. Thay vì tiếp thu văn hóa phương Tây như nhạc cổ điển, văn học thì chúng ta dùng kiến trúc nhái Pháp để phát sinh ra tín hiệu là tôi có văn hóa và đẳng cấp, tầm hiểu biết của tôi có bề dày quốc tế. Trào lưu chạy “phong cách châu Âu” này sẽ kéo dài bao lâu? Chỉ là cái mốt nhất thời hay 10 năm, 20 năm, một thế kỉ, hàng triệu năm? Ai đoán trước được. Rất khó nói! Sự hấp dẫn của “phương Tây là vô tận”, phương Tây của “quý tộc”, điểm xuyết bởi những biểu tượng đương đại xa xỉ. Sự hiện đại ấy cho họ niềm tin, là ánh sáng dẫn đường cho tương lai lãng mạn đáng thèm muốn. Liệu có thực sự vinh quang như chúng ta vẫn tưởng?

 

- Quẳng gánh lo đi và đi xem truyền hình thực tế.

Các chương trình thực tế đang dần làm mưa làm gió trên thị trường giải trí Việt Nam. Từ các phiên bản có bản quyền nước ngoài: Vietnam’s Got Talent, Vietnam’s Next Top Model,… đến các chương trình thuần Việt như Điều ước thứ 7, Solo cùng bolero,… đã và đang thu hút hàng triệu người xem, cạnh tranh khốc liệt trên các khung giờ vàng trong cả tuần. Điều gì tạo nên sức hút lớn tới vậy? Đó chính là nó đánh vào lòng hiếu kì của mọi người: các thử thách quái dị, những màn trình diễn chuyên hay kém chuyên – chúng thu hút người xem như một đám ẩu đả ngoài đường. Không chỉ có vậy, truyền hình thực tế còn xây dựng quyền lực của mình bằng các thủ thuật tinh vi khác khi dưới lớp vỏ “giải trí” ấy lại là những triết lí sống và thế giới quan gây ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội. Chỉ là hành trình đi mua đồ chuẩn bị nấu ăn, một ngày ở nông thôn, một ngày sống ở rừng,… - những điều rất đỗi bình thường ấy có gì khiến chúng ta chú ý? Có lẽ, hoàn cảnh, số phận éo le mà ta thấy tạo cho ta cảm giác mùi mẫn, cho ta ảo giác quyền lực rằng ta có thể ảnh hưởng đến người khác khi bỏ phiếu cho một thí sinh bước tiếp, khiến chúng ta cảm thấy trên đời này, mọi thứ đều có thể.


Sẽ ra sao khi sự nhố nhăng, kệch cỡm, thô thiển rẻ tiền của các chương trình này, các cố gắng gây shock, gây sốt của chúng vẫn tiếp tục? Chúng khiến ta trở nên đần độn. Mục tiêu của nó là tăng trưởng vô độ và do đó, sự sản xuất ra những tiêu khiển liên miên một mặt gây cảm giác thừa mứa, mặt khác mong muốn có thêm những tiêu khiển mới, đần độn hơn nhưng mang lại nhiều tiền hơn. Nó khiến ta quên mất rằng, mình đang tự do!

 

Lời kết:

Với cái nhìn thẳng thắn và tỉnh táo, xoáy vào nhiều vấn đề bằng một con dao mổ sắc cạnh của tri thức, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã cho chúng ta thấy những mặt khuất lấp, những góc tối của xã hội ẩn sau vẻ ngoài hào nhoáng được gọt đẽo tỉ mỉ kia. Bức xúc không làm ta vô can đem đến cho chúng ta cái nhìn đời, nhìn người với một con mắt mới, rõ ràng hơn và sâu sắc hơn. Chúng ta sống có trách nhiệm hơn, sống đúng với bản thân mình hơn. Chúng ta càng nể phục và trân trọng tác giả và tác phẩm như thế!

 

Review chi tiết bởi Kim Chi - Bookademy

______________

 

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,609 lượt xem