Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] “Cánh Cửa Trí Tuệ Của Người Do Thái”: Bí Mật Sức Mạnh Thần Kì Của Người Do Thái

Bạn có bao giờ nghĩ rằng, khi về già chúng ta vẫn sống như hiện giờ không? Thế giới này biến đổi hàng ngày, mỗi ngày đều có người mới bước vào xã hội và cũng có người bị loại trong các cuộc cạnh tranh khốc liệt. Bạn có bao giờ nghĩ rằng sẽ thay đổi tình trạng này hay không? Thời gian của chúng ta có giới hạn, đừng đợi đến lúc ta xuống dốc rồi mới hối hận, vì đến lúc đó thì đã quá muộn. Chúng ta còn thời gian thì ngại gì mà không tích lũy kinh nghiệm từ những người xung quanh và những người đi trước chứ. Đấu tranh sinh tồn, cách ứng xử trong cuộc sống, học tập tập, kinh doanh,… là những điều vô cùng cần thiết với chúng ta trong thập kỉ mới. Những bí quyết đưa đến thành công ấy bạn có thể tìm thấy trong cuốn sách Cánh cửa trí tuệ của người Do Thái của tác giả Lý Quế Đông. Cuốn sách chính là chiếc chìa khóa thần kì mở ra cánh cửa tri thức và niềm tin trong cuộc sống.

 

Cơ sở nền văn minh Do Thái có 3 điểm tựa lớn:

- Văn hóa truyền thống Do Thái là chủ thể dân tộc

- Đạo Do Thái là tín ngưỡng cộng đồng và là giá trị quan của các mối quan hệ.

- Lấy gia đình là cơ sở, Hội đoàn Do Thái là mạng lưới, xã đoàn là hạt nhân.

Cuốn sách này nói về các lĩnh vực như sinh tồn, cách ứng xử trong cuộc sống, sinh hoạt, học tập, kinh doanh, tài sản,… của dân tộc Do Thái và bí quyết thành công của họ thông qua các câu chuyện sinh động dễ hiểu giúp chúng ta có một cái nhìn toàn diện hơn về con đường và cách thức vươn tới thành công của dân tộc anh hùng này.


Chương I: Trí tuệ sinh tồn

Trải qua nhiều sóng gió lịch sử, người Do Thái mang trên mình trọng trách không thể để lịch sử bi thương lặp lại. Những đau khổ đã qua chính là bài học cho tương lai, vì vậy mà họ mang sứ mệnh truyền đạt lại cho đời sau, đem tất cả những trí tuệ mà họ có được truyền lại cho con cháu.

Người Do Thái cho rằng, con người nhỏ bé, dễ sai lầm và phạm tội. Tuy nhiên, việc cường điệu sự yếu đuối này cũng là ưu thế của chính họ. Trong xã hội không có kẻ yếu tuyệt đối. Bạn có thể giỏi môn này, làm tốt việc kia nhưng chỉ là trên lĩnh vực đó thôi! Chưa chắc một người giỏi điền kinh sẽ giỏi trong lĩnh vực thi cử, chưa chắc một người giỏi thi cử sẽ là một kẻ thông minh trên thương trường. Hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của bản thân sẽ giúp bạn có một chỗ đứng vững vàng trong chính cuộc đời này.

Hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của chính mình, con người cần biết tận dụng nó. Người Do Thái cho rằng, có ba thứ không thể sử dụng quá nhiều là: men làm bánh mì, muối và sự do dự. Đơn giản bởi bánh mì cho quá nhiều men sẽ bị chua, thức ăn nhiều muối quá sẽ mặn, quá do dự sẽ đánh mất nhiều cơ hội đấu tranh và dễ bị tiêu diệt. Cơ hội chỉ xuất hiện một lần, nếu con người không nắm bắt cơ hội, không có mục tiêu cho riêng mình thì ta sẽ mãi mãi không thể vươn lên được. Thiết lập một mục tiêu gần nhất cho riêng mình, bắt đầu từ những bước chân nhỏ nhất, tập trung sức mạnh và thời gian có hạn của cuộc sống để đánh hạ từng mục tiêu, không sợ thất bại – đó chính là cách mà người Do Thái vẫn làm để đạt được thành công.

Bầu trời bắt đầu từ dưới chân bạn, thế giới cũng vậy. Thế giới được bắt đầu từ mỗi con người, vì vậy mà bạn tuyệt đối không nên nói: Tôi làm gì có sức mạnh thay đổi thế giới chứ? Tôi hoàn toàn không có khả năng làm điều này! Đôi khi, bạn phải đối diện với nhiều công việc phải hoàn thành, tưởng chừng như rất khó khăn, nhưng đừng sợ, chỉ cần bạn chú tâm thực hiện từng bước từ từ theo tuần tự là được.



Tâm trạng ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của con người. Trong cuộc sống hàng ngày, các nhân tố ảnh hưởng đến sinh hoạt của chúng ta là: kinh hãi, dè dặt, nhu nhược, nhát gan. Chính vì thế kẻ thù lớn nhất của đời ta là chính mình. Một vị giáo sĩ đã nói với mọi người rằng: “Chuyện có thể xảy ra hôm nay chúng ta còn chưa biết, thì vì sao chúng ta lại phải phiền não vì chuyện ngày mai?”. Quả đúng như vậy, cuộc sống có ba cánh cửa riêng biệt để ta đi qua là quá khứ, hiện tại và tương lai. Chúng ta không thể đóng bất kì một cánh cửa nào. Điều ta có thể làm là lấy kinh nghiệm của quá khứ, nắm bắt hiện tại và tạo ra tương lai của chính mình. Trước vòng xoáy đảo điên của cuộc sống trước mắt, mỗi chúng ta hãy cố gắng chế ngự tâm trạng của mình, suy nghĩ tích cực, đặt niềm tin vào cuộc đời trần thế này, ta sẽ thấy tốt hơn nhiều.

 

Chương II: Trí tuệ ứng xử trong cuộc sống.

Đa phần chúng ta đều giống nhau – có một vẻ ngoài bình thường. Nhưng tại sao lại có những con người giàu có, người có tầm ảnh hưởng lớn tới vậy? Kho báu của họ được tạo nên từ đâu? Đó chính là quan hệ giao tiếp. Trong nguồn vốn năng lực của con người, quan hệ giao tiếp chính là tài sản quan trọng nhất, là nguồn vốn quý báu nhất của sự nghiệp. Chúng ta cần nói đúng, nói đủ, nói hay, nói để người khác nghe theo, nói để người ta nể, người ta phục. Đôi khi, sự hài hước trong giao tiếp cũng sẽ tạo nên một ấn tượng tốt. Sự hài hước đem lại tiếng cười và làm cuộc sống trở nên thoải mái hơn. Chúng ta không thể nào sống thiếu tiếng cười, bởi vì cuộc sống mà không có tiếng cười là một cực hình.

Đối với người Do Thái, khiêm tốn là đức tính tốt. Một người dù có tài, đức nhưng luôn khoe khoang tri thức của mình thì cũng chỉ là ngớ ngẩn vô tri, không biết xấu hổ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nhận được những lời khen từ người khác và chúng ta có quyền nhận nó. Lúc đó tính sĩ diện của bạn sẽ tăng cao hơn một chút. Điều đó không sao cả, bởi không ai cảm thấy không vui khi được khen ngợi. Và đôi khi, tính sĩ diện cũng sẽ có những mặt tốt của nó đấy chứ! Nó khiến ta coi trọng chính mình, lòng tự trọng, tự lập, sự cầu tiến cũng xuất phát từ bản chất tự khen mình. Tự khen mình thúc đẩy con người tiến bộ nhưng cũng có thể khiến tính cách ta yếu đuối, dễ nóng nảy, thậm chí rơi vào cạm bẫy của người khác. Vì vậy, tính sĩ diện phải có mức độ, đặc biệt khi cạnh tranh với đối thủ hoặc giao hữu với kẻ địch thì phải bỏ tính sĩ diện ấy đi, nếu không sẽ bị người khác lợi dụng!

Không chỉ trong sinh tồn mà khi ứng xử trong cuộc sống, con người cũng cần biết kiềm chế cơn phẫn nộ của mình. Trong truyền thống người Do Thái, có khi cơn phẫn nộ không những cần thiết mà còn quan trọng. Nhưng, nếu một người không biết chế ngự cơn tức giận của mình thì thật là đáng trách. Lời nói và hành động trong cơn phẫn nộ không những không đem lại tác động tích cực, mà ngược lại còn gây ra hàng loạt hành động tiêu cực và cắt đứt các mối quan hệ bạn bè. Khi cơn phẫn nộ lên đến đỉnh điểm thì lí trí dường như đã bay hết lên chín tầng mây. Vậy khi con người muốn chế ngự cơn phẫn nộ của mình thì phải làm như thế nào? Trước khi muốn nói hết những lời tức giận, bạn nên dành chút thời gian để bình tâm lại, suy nghĩ xem còn cách giải quyết nào tốt hơn không. Chế ngự tâm trạng của mình và dùng phương pháp ôn hòa đối với người khác chính là một cách để bạn thúc đẩy mối quan hệ tiến triển tốt đẹp.



Trong giao tiếp, con người ta cũng cần tránh buông lời lăng nhục người khác. Không chỉ riêng với người Do Thái, ai trong chúng ta cũng đều nhận thấy rằng, hành động xỉ vả cũng giống như con dao đâm thẳng vào cơ thể đối phương. Cho dù bạn có xin lỗi bao nhiêu lần thì vết sẹo đó cũng không bao giờ tan biến. Lời nói tổn thương còn đau hơn những vết thương trên cơ thể bởi vì nó đâm vào trái tim. Trong cuộc sống, có người vì lời nói mà làm tổn thương người khác, cho dù là vô tình hay hữu ý. Có lúc lời nói có tính xỉ vả làm tiêu tan một tình bạn sâu đậm. Một cái nhìn khinh khi, một thái độ bất mãn, một cử chỉ bực bội cũng có thể mang đến một hậu quả đáng tiếc. Bạn nghĩ rằng như thế họ sẽ đồng ý với bạn sao? Tuyệt đối không! Bởi vì bạn đã phủ định năng lực phán đoán và trí tuệ của họ, làm tổn thương lòng tự trọng của họ.

 

Chương III: Trí tuệ cuộc sống

Sống trên cuộc đời này, giữ cho mình một cơ thể khỏe mạnh, một tâm hồn lành mạnh và một lương tâm trong sáng là điều mà mỗi chúng ta luôn hướng tới. Bảo vệ sức khỏe là điều không đơn giản. Dù trong điều kiện y học tiến bộ ngày nay, con người muốn bảo vệ sức khỏe không phải tốn nhiều công sức. Nhưng không phải ai cũng coi trọng sức khỏe của mình. Hãy coi trọng sức khỏe vì nó chính là động lực cơ bản để ta bắt tay vào thực hiện một công việc mang tính sáng tạo. Vậy cần chú ý như thế nào? Chúng ta không thể sống mà không cần lao động. Tuy nhiên, lao động cũng cần có nghỉ ngơi, nghỉ ngơi sẽ giúp ta tiếp tục công việc một cách tốt hơn! Làm 7 giờ và nghỉ 1 giờ sẽ luôn có giá trị cao hơn 8 tiếng làm việc. Đồng thời hãy biết sắp xếp công việc hợp lí, mỗi ngày đều lên kế hoạch và sau đó bắt đầu lao vào làm việc với một tâm trạng thoải mái. Như vậy, không những kết quả công việc của bạn sẽ tăng lên mà sức khỏe bạn sẽ luôn duy trì trong trạng thái tốt nhất.

Tâm thế lành mạnh được khẳng định bởi điều gì? Đó là khi chúng ta có những suy nghĩ tích cực, tránh xa những tin đồn và biết suy nghĩ kĩ trước khi nói. Sự thiện ác trên đời này bắt nguồn từ cái lưỡi. Người Do Thái tin rằng: “Nếu bạn muốn sống thật hạnh phúc và vui vẻ thì nên hít đầy không khí trong lành bằng mũi và ngậm miệng lại”. Nói như vậy không phải chúng ta không được phép nói mà chúng ta có thể nói nhưng không được nói tùy tiện, một chữ một câu cũng phải phối hợp cho đúng!

Cái tâm mà người Do Thái luôn đề cao bắt nguồn ngay từ sự trân trọng, yêu quý cha mẹ mình. Họ quan niệm: “Tình yêu thuần khiết nhất trên thế giới này chính là tình yêu cha mẹ với con cái, đó là một tình yêu không hề vụ lợi”. Cha mẹ không những cho ta cuộc sống mà còn có công nuôi nấng, dạy dỗ ta. Vì vậy, là người con, việc trước hết là hiếu thảo với cha mẹ!

 

Chương IV: Trí tuệ làm giàu.

Tiền là tiêu chí đánh giá sự giàu nghèo của con người, bản thân nó không tồn tại vấn đề sang hèn. Người Do Thái luôn giữ tâm trạng bình thản trước đồng tiền, không xem nó như quỷ thần, không phân biệt nó sạch hay dơ. Đối với họ, tiền là tiền, chính vì thế mà họ cần mẫn để có được nó, nhưng khi mất nó rồi cũng không đau lòng lắm! Trong kinh doanh, người Do Thái luôn có câu cửa miệng: “Không nên hỏi xuất xứ đồng tiền”, câu nói này muốn chúng ta hiểu rằng, tạo lập và tích lũy phải suy nghĩ từng li từng tí, khéo nắm bắt cơ hội kinh doanh để thành công. Tiền thực sự rất quan trọng, rất cần thiết nhưng đồng tiền là một con dao hai lưỡi: có thể khiến con người sinh tồn và cũng có thể bào mòn tâm hồn con người. Coi đồng tiền là “thượng đế của thế tục” nhưng người Do Thái không vì tiền mà đánh mất đạo nghĩa. Với họ, quá nhiều tiền chưa bao giờ là điều tốt.



 Chương V: Trí tuệ kinh doanh

Người nghèo khó thường nghĩ rằng người giàu có là do gặp may, làm những việc không chính đáng hoặc làm nghề phạm pháp. Tuy nhiên, người ta giàu có là do họ cố gắng và cần kiệm hơn mình. Nhưng một số người không biết rằng nguyên nhân dẫn đến sự nghèo khó của họ chính là thói quen quản lý tài sản. Kiếm được một khoản tiền rồi mà người ta không biết quản lý nó thì khoản tiền ấy sẽ mãi chỉ có vậy mà thôi, chẳng bao giờ tăng lên được. Thương nhân sáng suốt là người có khả năng biến tiền người khác thành tiền của mình. Thương trường như chiến trường, cơ hội rất dễ vụt mất. Mỗi bước đều phải cẩn thận rồi mới quyết định, một khi đã quyết định thì phải bắt đầu làm ngay. Ta phải tranh thủ hành động. Người nào nắm bắt được cơ hội trước thì người đó có thể chiến thắng bất ngờ. Để có được những điều này, bạn cần có đầu óc sáng suốt. Cần sáng suốt như thế nào? Các thương nhân Do Thái đặc biệt xem trọng nguồn thông tin. Họ hiểu được rằng, mất đi cửa ngõ thông tin cũng như mất đi sự hiểu biết về khách hàng, về đối thủ cạnh tranh và cơ hội phát triển, đây là một việc không nên làm. Cho nên hãy như người Do Thái, vận dụng cửa ngõ thông tin hiện đại tốt hơn, dùng thời gian ít nhất để tạo nên nhiều lợi ích nhất.



Bên cạnh đó, người kinh doanh giỏi là người biết mượn thế mạnh của người khác để phát huy sức mạnh của mình. Không doanh nhân nào có thể một bước lên mây được, con đường lên trời có hàng vạn lối đi, biết địch biết ta, mượn tình thế và sức mạnh chính là một lối đi vừa nhanh gọn, vừa tiết kiệm thời gian.

 

Trong kinh doanh, người Do Thái làm nên thành công của mình bằng hai quy tắc:

1. Quy tắc cạnh tranh khép kín: Hợp tác doanh nghiệp, chia sẻ nguồn vốn, thúc đẩy lẫn nhau, hai bên cùng có lợi.

2. Quy tắc đảo ngược: Tuân thủ quy tắc là cần thiết. Nhưng ta có thể linh hoạt trong việc sử dụng các quy tắc dưới một tiền đề mà không làm thay đổi hình thức của quy tắc. Vua dầu mỏ Rockefeller đã thành công nhờ chính cách này.

Điều quan trọng hơn hết, khi chúng ta yêu công việc mình làm, chúng ta mới có được thành công vang dội nhất. Đặc biệt với những người tự lập hành nghề thì phải làm hết mình, cho dù đó là nghề gì đi chăng nữa. Không có lí do gì phải xấu hổ về công việc của mình khi đó là một công việc chân chính. Tài sản mà chúng ta kiếm được là do sự cố gắng của bản thân, chứ không lệ thuộc vào xuất thân cao quý hay thấp hèn.

 

Chương VI: Trí tuệ học tập



Có tri thức là có tất cả - dân tộc Do Thái nổi bật trong tất cả các lĩnh vực trên thế giới, nơi đâu cũng được đóng góp bởi trí tuệ của họ. Họ có được điều này là nhờ tinh thần ham học hỏi. Xã hội ngày nay không còn dung nạp những người thiếu hiểu biết khi tri thức chính là giá trị hạt nhân của con người. Nhận thức và hiểu biết về thế giới này, phải có tầm nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, suy nghĩ cẩn thận để đưa ra quyết định sáng suốt, khách quan và những luận cứ logic, đó chính là phương pháp dẫn tới thành công. Để làm được điều này, chúng ta cần phải học tập. Hãy nhớ rằng, học tập không bao giờ có giới hạn của nó cả!

 

Chương VII: Trí tuệ đàm phán

Người Do Thái cho rằng, lời nói là chiến tranh không thuốc súng. “Biết giao tiếp thì sẽ có được thiên hạ, không biết giao tiếp có thể dẫn tới tai họa chết người”. Do đó khi nói chuyện nhất định phải thận trọng. Trong các trường hợp xã giao hay trên bàn đàm phán, đặc biệt phải chú ý điểm này. Một câu nói chính đáng có thể nâng cao vị thế của bạn, nhưng một khi bạn nói sai dù chỉ là một lời trong trường hợp quan trọng thì bạn sẽ không có cơ hội nói chuyện lần thứ hai nữa đâu! Để đàm phán tốt, người ta phải luyện tập rất nhiều. Bí quyết trong đàm phán là biết hết mọi thứ và trả lời được tất cả.

Đàm phán không chỉ đơn giản là đôi bên ngồi trên bàn đàm phán đối diện nhau mà trao đổi ý kiến, nó còn hơn cả một màn kịch được sắp xếp tinh tế, không có sự chuẩn bị là không thể nào thắng lợi được. Do đó, trong lúc đàm phán, bạn phải có mục đích rõ ràng và vì thực hiện mục đích này mà hoàn thành nó một cách chu toàn.

Trong nghệ thuật đàm phán, lo sợ và yếu tố tình cảm là thứ có thể phá hủy tất cả những điều có thể được thỏa thuận sau đó. Bạn nên biết rằng, dù đối thủ có lớn mạnh như thế nào, khi họ đã ngồi vào bàn đàm phán thì tất nhiên là có một điều gì đó muốn thương lượng với bạn. Vậy nên, chẳng có gì phải lo sợ cả! Khi bạn chưa buột miệng thì người đó vẫn chưa thể giành được phần thắng! Tương lai không thể đoán định được, trong đàm phán hãy luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, đó là phải chuẩn bị tâm lí cho thất bại. Có sự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, không những làm bạn có thể đàm phán dễ dàng, mà còn có thể giảm thiểu hậu quả do sự thất bại gây nên.

 

Lời kết:

Với phẩm chất kiên cường, bất khuất và tinh thần vượt khó, dù chịu nhiều áp bức, mâu thuẫn dân tộc, người Do Thái vẫn luôn dũng cảm tiến lên, học được cách sinh tồn trong bao khó khăn, gian khổ và giành được thắng lợi trong mọi lĩnh vực. Trí tuệ của họ khiến cả thế giới phải thán phục. Mong rằng Cánh cửa trí tuệ của người Do Thái sẽ là một cuốn cẩm nang hữu ích đối với mỗi người trên bước đường đi tới thành công của chính mình.

 

 

Review chi tiết bởi Kim Chi - Bookademy

______________

 

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

 

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

 

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,219 lượt xem