Hoang Anh Pham@Viện Sách - Bookademy
4 năm trước
[Review Sách] "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc": Yêu Kiều Tiếng Nói Nước Tôi
Tác phẩm diễn Nôm Chinh phụ ngâm vốn được biết đến như một trong những đỉnh cao trên văn đàn Việt. Không chỉ đưa những “phát minh” về ngôn ngữ của người Việt (như chữ Nôm, thể thơ song thất lục bát, từ láy, từ thuần Việt...) lên một đỉnh cao chói lọi, tác phẩm còn là một khúc ca mang chứa những nỗi niềm tâm sự đậm chất Việt Nam. Đó là nỗi niềm dùng cả ngàn năm văn hiến để thành hình, để lớn lên. Nó sinh ra từ đất và nước của người Việt, được nuôi dưỡng bằng tấm lòng mộc mạc nghĩa tình đặc trưng của dân tộc và được truyền thừa từ đời này sang đời khác. Thứ tâm sự như dòng suối ngọt lành chảy không ngừng suốt cả ngàn năm, được người Việt nuôi dưỡng và cũng quay trở lại nuôi lớn những tâm hồn Việt ấy đã được thể hiện rất rõ trong tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, cũng như bản dịch Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc của Phan Huy Ích.
Hoàn cảnh lịch sử
Thời đại Lê - Nguyễn là khái niệm kép dùng để chỉ giai đoạn lịch sử dài hơn 500 năm từ năm 1427 khi nghĩa quân Lam Sơn triển khai thành công chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang, đánh tan quân Minh, nước Đại Việt được khôi phục, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, đến giai đoạn Nam Bắc phân tranh (1528-1802), giai đoạn nhà Nguyễn Gia Long (1802-1945), kết thúc bằng sự kiện vua Bảo Đại thoái vị.
Lịch sử Việt Nam trong giai đoạn này có thể chia làm 3 giai đọan :
- Giai đoạn nhà Lê trị vì từ 1427 – 1527: Kéo dài 10 đời từ triều đại vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đến vua Lê Chiêu Thống.
- Giai đoạn Nam Bắc phân tranh từ 1528 -1802 (hoặc thời kỳ Vua Lê và chúa Trịnh phía Bắc – Chúa Nguyễn Hoàng ở phương Nam)
- Giai đoạn nhà Nguyễn Gia Long (1802-1945): Từ khi đánh thắng nhà Tây Sơn, vua Gia long thành lập triều đại kéo dài 143 năm và chấm dứt vào thời kỳ vua Bảo Đại.
Chinh phụ ngâm đã ra đời trong giai đoạn lịch sử vô cùng đặc biệt ấy của dân tộc (khoảng năm 1741). Khi đó, mảnh đất Đại Việt bị tranh chấp bởi rất nhiều tập đoàn phong kiến. Các phe phái gây chiến liên miên để tranh giành quyền cát cứ, đẩy đất nước vào thời kỳ nội chiến kéo dài. Cơn binh lửa nồi da nấu thịt này không bảo vệ nhân dân Việt Nam khỏi ngoại xâm, không giúp nhân dân ấm no thịnh vượng mà chỉ để lại những mất mát, đau thương. Nếu như trong những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, dân tộc ta luôn tỏ ra can trường và bất khuất, luôn sẵn sàng hy sinh máu xương để bảo vệ độc lập dân tộc thì lúc bấy giờ, khi đối diện với thảm cảnh “người Việt đánh người Việt”, dân tộc ta lại bày tỏ thái độ chán ghét cảnh chinh chiến sa trường đến cùng cực. Lịch sử Việt Nam thời bấy giờ đã đi qua rất nhiều cuộc chiến tranh hào hùng, đáng tự hào. Tuy nhiên, hầu hết đều là chiến tranh chống ngoại xâm (có cuộc nội chiến “loạn 12 sứ quân” nhưng diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn, từ năm 944 đến 968). Các tác phẩm văn học ca ngợi chiến tranh gần như không xuất hiện. Vào thời Lê - Nguyễn ta khó lòng bắt gặp cái khí thế hào hùng, bi tráng của Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu hay Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Không còn nữa cái hào khí Đông A mà Trần Quang Khải đã tạc vào đá, vào đồng:
Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san.
(Tụng giá hoàn kinh sư)
Văn chương đương thời nhìn các cuộc chiến bằng những ánh mắt yếm thế, đong đầy tâm sự cá nhân. Chinh phụ ngâm được Đặng Trần Côn viết vào khoảng năm 1741, trong cảnh đất nước chứng kiến nội chiến giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn. Sau này, tác phẩm được Đoàn Thị Điểm, Phan Huy Ích và một số dịch giả khác dịch ra chữ Nôm. Bản dịch của Phan Huy Ích được xem là bản dịch phổ thông nhất, được biết đến nhiều nhất được lưu hành cho đến hiện nay.
Tác giả
Trước hết, ta cần phải xem xét Phan Huy Ích như một tác giả có sáng tác văn chương của riêng mình chứ không chỉ là một dịch giả thông thường. Bởi lẽ tác phẩm dịch của ông có những phát kiến ngôn ngữ riêng biệt so với bản gốc. Trong khi tác phẩm gốc được viết bằng chữ Hán theo lối văn vần thì bản dịch được viết bằng chữ Nôm theo thể thơ song thất lục bát. Hơn nữa, bản dịch đã gây dựng được trong lòng độc giả một chỗ đứng độc lập, có phần nổi trội hơn so với bản gốc. Bản dịch hiện hành cũng được biết đến rộng rãi hơn trong lòng độc giả trong nước, thậm chí, số bản dịch ra tiếng nước ngoài của nó cũng nhiều hơn hẳn tác phẩm gốc. Với tác phẩm dịch xuất sắc và mang nhiều thành công riêng, dấu ấn riêng như vậy, Phan Huy Ích được xem là một tác giả hẳn hoi với sáng tác cá nhân của mình là tác phẩm Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc.
Tác phẩm
Chinh phụ ngâm (Lời than vãn của người phụ nữ có chồng đi đánh trận), còn có tên khác là Chinh phụ ngâm khúc là tác phẩm văn vần của Đặng Trần Côn, ra đời trong khoảng năm 1741.
Hiện nay, Chinh phụ ngâm có 7 bản dịch và phỏng dịch bằng các thể thơ lục bát (3 bản) hoặc song thất lục bát (4 bản) của các dịch giả Đoàn Thị Điểm, Phan Huy Ích, Nguyễn Khản, Bạch Liên Am Nguyễn tiên sinh và hai tác giả khuyết danh.
Bản dịch thành công nhất và phổ biến nhất xưa nay, theo thể song thất lục bát 408 câu, có người cho là Đoàn Thị Điểm (1705–1748), có người cho là của Phan Huy Ích (1751–1822). Gần đây, nhiều công trình nghiên cứu có xu hướng cho rằng Phan Huy Ích là dịch giả đích thực của bản dịch hiện hành (như Chinh phụ ngâm bị khảo của Hoàng Xuân Hãn, Chinh phụ ngâm của Lại Ngọc Cang hay luận án tiến sĩ của Nguyễn Văn Dương). Bản của Phan Huy Ích (có tên là Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc) được viết sau bản của Đoàn Thị Điểm chừng 70 năm.
Chữ “thương” của người Việt
Có người đã từng nói với tôi: người ta nên vợ thành chồng có thể là do chữ “yêu”, nhưng ở được với nhau lâu dài thì phải là do họ đều ấp ủ, giữ gìn một chữ “thương” sâu nặng. Tiếng Việt có chữ “thương”, khác với “yêu”, “mến”, ”thích”, “quý”. Chữ “thương” của người Việt ta diễn tả thứ tình cảm khiến người ta gắn bó với nhau trong thời gian dài, khiến người ta cố gắng trở nên tốt đẹp hơn vì người khác, khiến người ta biết dẹp bỏ cái tôi của mình và tôn trọng những gì khác biệt của đối phương. Nếu chữ “yêu” ngắn như thời thanh xuân trẻ dại, chữ “thương” lại dài đến tận lúc bạc đầu. Thứ tình cảm mà người chinh phụ trao cho chồng mình chính là một chữ “thương” nghĩa tình, da diết như vậy.
Vào giờ phút chia ly, nàng ngậm ngùi tiễn đưa chồng ra trận. Lúc ấy, trong lòng nàng không ngăn nổi cảm giác xót xa, đau khổ. Người chồng chưa đi khuất dạng mà người vợ đã dậy lên nỗi nhớ nhung. Tháng ngày xa nhau dài đằng đẵng như hiện ra rành rành trước mắt, khiến cho người trong cuộc không khỏi bịn rịn, luyến lưu.
Xe trước đã gần ngoài doanh liễu
Kỵ sau còn khuất nẻo Tràng Dương
Quân đưa chàng ruổi lên đường,
Liễu dương thiếp biết đoạn trường này chăng.
Người chinh phụ ngóng theo dấu chồng đi đến tận khi những toán lính đã khuất xa. Người đọc như thấy được ánh mắt da diết của nàng cắt qua những rặng liễu xa xa, xuyên qua khoảng không rộng lớn để dõi theo chút thân ảnh cuối cùng của người chồng mà nàng hết mực yêu thương.
Xuyên suốt chiều dài hơn 400 câu thơ, chữ “thương” đậm chất Việt Nam ấy đã được lật đi lật lại không biết bao nhiêu lần để rồi bật lên thành một điểm sáng đầy nhân đạo, nhân văn của áng thơ văn bất hủ trên thi đàn dân tộc.
Tâm sự của ta về chiến tranh và hòa bình
Trong suốt quãng thời gian dài đằng đẵng mấy ngàn năm lịch sử, nước ta đã kinh qua không biết bao nhiêu cơn binh lửa tang thương. Từ những buổi đầu dựng nước và giữ nước, ta đã luôn phải đối mặt với nguy cơ xâm lược từ các triều đại phương bắc. Từ năm 111 TCN đến tận năm 938, dân tộc ta rơi vào ách đô hộ hơn một ngàn năm, nay gọi là thời kỳ “ngàn năm Bắc thuộc”. Trong thời kỳ đó, ta liên tục có những cuộc khởi nghĩa giành độc lập dân tộc như cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40-42), Bà Triệu (248), Lí Bí (544-548)... Sau khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ lâu dài cho dân tộc, người Việt vẫn tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt cuộc chiến tranh chống lại cả thù trong lẫn giặc ngoài. Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, nhà Tiền Lê và nhà Lý chống quân Tống, nhà Trần chống lại 3 lần quân Nguyên xâm lược, nhà Hậu Lê chống quân Minh, nội chiến Đàng Trong - Đàng Ngoài kéo dài 200 năm, dân ta hết đánh Pháp rồi đến đánh Mỹ... Đó là những cuộc chiến tiêu biểu, còn rất nhiều những cuộc xung đột quy mô nhỏ khác nhưng tôi không đủ hiểu biết để liệt kê chính xác ra ở đây nữa. Với lịch sử ngập tràn đau thương chiến loạn như vậy, người Việt có thái độ thế nào đối với chiến tranh, đối với hòa bình?
Xin trả lời rằng, dân tộc Việt là dân tộc căm thù chiến tranh đến tận xương tùy, cũng là dân tộc yêu chuộng hòa bình đến khôn cùng! Tinh thần ấy đã được Nguyễn Đình Thi ca ngợi trong bài thơ Việt Nam quê hương ta:
Đạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.
Tinh thần phản đối chiến tranh, yêu chuộng hòa bình ấy đã được thể hiện rất rõ trong tác phẩm Chinh phụ ngâm, sang đến bản diễn Nôm của Phan Huy Ích thì tinh thần ấy lại càng được diễn tả rõ nét hơn, sâu sắc và truyền cảm hơn. Tuy vậy, nếu như tinh thần phản chiến trong Nguyễn Đình Thi thể hiện tấm lòng bao dung của người Việt sau khi chiến thắng cuộc chiến chính nghĩa để bảo vệ độc lập dân tộc, thì tinh thần của Chinh phụ ngâm lại là phản đối cuộc nội chiến phi lý kéo hàng hàng trăm năm, vì để đem lại lợi ích cho các tập đoàn phong kiến mà để cho dân chúng lâm vào cảnh lầm than, ly loạn.
Ngay từ đầu tác phẩm, mục đích cuộc chiến mà người chinh phu tham dự đã được nêu ra:
Thành liền mong tiến bệ rồng
Thước gươm quyết đã chẳng dong giặc trời.
Mục đích của việc ra trận là giết “giặc trời”, lập công danh với nhà vua, chứ không nhắc gì đến tội ác của “giặc trời” hay việc ra trận để bảo vệ dân lành, bảo vệ đất nước chi cả. Có thể thấy ngay từ đầu, thế lực phong kiến cầm quyền đương thời gọi những phe phái đối lập với mình là “giặc trời”, chiêu binh mãi mã để dẹp cuộc nội loạn trong nước chứ không nhằm mục đích bảo vệ đất nước khỏi ngoại xâm. Mục đích của cuộc chiến cũng chỉ gói gọn trong mấy dòng ngắn ngủi ở phần đầu bài thơ chứ không hề được đào sâu, làm rõ. Như thể người chinh phụ chỉ biết rằng chồng mình ra trận, thế là hết, còn ra trận vì cái gì thì nàng không biết được rõ ràng. Việc đưa ra mục đích chiến tranh mập mờ như vậy cũng chính là tiền đề để Chinh phụ ngâm nói lên khát khao phản đối chiến tranh phi nghĩa của mình.
Cuộc chiến mập mờ về mục đích, phi nghĩa về bản chất ấy khiến người chinh phụ không còn tự hào về việc chồng mình ra trận nữa mà ngược lại, nàng luôn ước mong chồng sớm ngày trở về, không phải ra nơi chiến trường chém chém giết giết nữa.
Nàng thương người chồng chinh chiến nơi sương gió trăm ngàn khổ cực:
Đã trắc trở đòi ngàn xà hổ
Lại lạnh lùng những chỗ sương phong
Lên cao trông thức mây lồng
Lòng nào là chẳng động lòng bi thương.
Nàng xót thương cho thân phận người chiến sĩ, không may tử trận nơi chiến trường, thi thể không được chôn cất tử tể, cái chết của họ cũng không được ai tưởng niệm, vinh danh:
Hồn tử sĩ, gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu, trăng dõi dõi soi.
Chinh phu, tử sĩ mấy người.
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn?
Tội ác của cuộc chiến phi nghĩa dần dần được khắc họa rõ nét hơn thông qua những vần thơ đong đầy nỗi lòng của người chinh phụ. Chiến tranh lúc này không khiến người ta tự hào. Chiến tranh lúc này khiến người ta thấy ghê sợ, căm ghét. Những người chồng, người con trai, người anh trai ra trận không để bảo vệ những điều tốt đẹp mà chỉ để làm đẹp thêm cho bia đá danh vọng của các võ tướng, chỉ để thỏa mãn tham vọng bá quyền của tầng lớp thống trị. Những chiến sĩ ngã xuống rồi đây sẽ bị lãng quên dù họ hy sinh cả mạng sống của mình cho chiến trận.
Tôi nhớ một chi tiết rất thú vị về cách người Hy Lạp xưa quan niệm về chiến tranh. Họ đặt Athena làm thần chiến tranh, đồng thời cũng giao cho Ares tôn xưng thần chiến tranh. Vậy hai vị thần này khác nhau chỗ nào? Người Hy Lạp cho rằng Athena đại diện cho chiến tranh chính nghĩa, còn Ares là vị thần của những cuộc chiến phi nghĩa. Athena và Ares đánh nhau rất nhiều, nhưng lần nào Athena cũng chiến thắng. Niềm tin vào “Chính nghĩa tất thắng” và quan điểm về một cuộc chiến chính nghĩa - một cuộc chiến đáng để nhân dân hy sinh máu xương - cũng chính là niềm tin và quan điểm chung của mọi dân tộc trên thế giới này. Họ không tiếc thanh xuân, không tiếc sinh mạng của mình nhưng họ chỉ hy sinh cho những gì họ cảm thấy xứng đáng. Tinh thần này không được làm rõ trong tác phẩm Chinh phụ ngâm hay Chinh phụ ngâm diễn Nôm, nhưng từ nội dung của cả hai văn bản trên, ta có thể thấy được điều đó.
Người chinh phụ cũng từng có niềm tin rất lớn vào cuộc chiến mà chồng nàng phải tham gia. Nàng cho rằng đây là việc quốc gia đại sự, được tham gia vào cuộc chiến là một niềm vinh dự lớn lao của đấng nam nhi. Nàng cũng từng nuôi hy vọng rằng chồng nàng sẽ lập công ngoài chiến trận, trở về trong niềm vinh quang để cả nhà được chung sống cảnh phú quý. Tuy nhiên, sau những ngày tháng chờ đợi tin chồng trong vô vọng, nỗi cô đơn cùng nỗi lo chồng sẽ tử trận đã xóa sạch những mơ ước về danh vọng, công hầu của người chinh phụ. Nàng thở than:
Bỗng ngoảnh lại trông màu dương liễu,
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong.
Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu
Xuân nhật ngưng trang thượng thúy lâu
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu.
(Dịch nghĩa: Người thiếu phụ nơi phòng khuê không biết buồn,
Ngày xuân trang điểm đẹp đẽ bước lên lầu biếc.
Chợt thấy màu dương liễu tốt tươi ở đầu đường,
Bỗng hối hận đã để chồng đi tòng quân để kiếm phong hầu)
Người thiếu phụ trong bài Khuê oán hối hận vì đã giục chồng ra trận lập công, mang vinh hoa phú quý về cho cả nhà để rồi giờ đây nàng phải vò võ một mình nơi khuê phòng lạnh lẽo. Khi đưa mắt ngắm nhìn nhành liễu xanh tươi trong buổi xuân rạo rực, nàng chạnh nghĩ về tình cảnh lẻ loi của mình. Nàng cũng đương độ xuân sắc, nàng cũng muốn được vỗ về yêu thương nhưng giờ không còn ai có thể cho nàng điều đó nữa. Nhành liễu tươi tốt còn được gió xuân vỗ về, còn nàng dẫu xinh đẹp đến mấy cũng chẳng còn người đoái hoài. Người chinh phụ của Chinh phụ ngâm cũng có chung tâm trạng như vậy. Nàng cũng từng nuôi mộng trở thành quý phu nhân vì chồng mình lập công nơi sa trường, nhưng giờ giấc mộng ấy đã tan thành trăm mảnh. Thứ nàng thực sự khao khát cuộc sống yên bình bên người mình thương chứ không phải những tước phong phù phiếm.
Kết
Phần kết của tác phẩm là một chuỗi dài những nỗi niềm đau xót, nhớ thương. Người chinh phụ vẫn tiếp tục chờ đợi, mong mỏi chồng mình trở về dẫu đã qua nhiều năm “bặt tin nhạn cá”. Nàng vẫn son sắt thủy chung, vẫn không nguôi nỗi ước ao về một gia đình ấm êm, đoàn tụ. Những dòng thơ cuối ấy có nỗi hy vọng lóe lên giữa muôn nghìn niềm tuyệt vọng. Chính tia hy vọng ấy đã khiến tác phẩm bớt đi nhiều phần bi thương, nhiều phần buồn thảm. Đôi khi, niềm tin vào điều tốt đẹp chính là thứ giúp con người ta vực dậy từ vực sâu buồn bã, giúp người ta sống tiếp và sống tốt. Dẫu tia hy vọng ấy mỏng manh đến nỗi có thể vỡ tan bất cứ lúc nào thì nó vẫn là một tia sáng tuyệt đẹp, một tia sáng đáng để mong mỏi, nâng niu.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
639 lượt xem