Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] “Dấu Chân Trên Cát”: Câu Chuyện Về Vị Pharaoh Nổi Loạn Và Cái Chết Của Thần Mặt Trời

 Về tác giả 

Giáo sư John Vũ - Nguyên Phong là một người Mỹ gốc Việt có những đóng góp rất lớn về nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Ông là một giáo sư, một nhà khoa học nổi tiếng, đứng trong Top 10 người sáng tạo nhất thế giới (đứng đầu là Bill Gates và Steve Jobs). Đồng thời, ông còn là một dịch giả nổi tiếng với nhiều tác phẩm nổi tiếng.

Nguyên Phong là bút danh của ông trong bộ sách văn hóa tâm linh được dịch, viết phóng tác từ trải nghiệm, tiềm thức và quá trình nghiên cứu, khám phá các giá trị tinh thần Đông Phương. Ông viết phóng tác tác phẩm bất hủ Hành trình về Phương Đông khi mới 24 tuổi (năm 1974). Những cuốn sách khác về chủ đề tâm linh của ông cũng rất được các bạn trẻ đón nhận.

Cuốn sách Dấu chân trên cát được tác giả Nguyên Phong phóng tác theo  cuốn tiểu thuyết đầu tay và duy nhất The Egyptian của nhà soạn kịch nổi tiếng Mika Waltari.

 Nội dung truyện

Dấu chân trên cát được viết dưới ngôi thứ nhất, là góc nhìn và lời tự thuật của nhân vật chính Sinuhe – một y sĩ có biệt danh là Y sĩ cô độc sống ở Ai Cập vào thế kỷ thứ XIV trước Công Nguyên.

Tương truyền, Sinuhe là một người Ai Cập nhưng đã đến Hy Lạp mở trường dạy học. Sinuhe có rất đông học trò. Sau khi ông qua đời, học trò của ông đã góp phần xây dựng Hy Lạp trở thành một quốc gia văn minh, hùng cường mà các thế hệ sau này gọi là “thời buổi hoàng kim của các triết gia”. Học trò của ông là Plato, Aristotle, Socrates, Epictetus… 

Liên tục trong hành trình của mình, Sinuhe trải qua nhiều biến cố, thăng trầm trong cuộc đời. Cuối cùng ông chọn con đường bị lưu đày khỏi Ai Cập để hướng tới theo đuổi những giá trị lớn hơn. Nhưng dù đã “phát dương quang đại” những tư tưởng minh triết như thế nào, cuộc đời huyền thoại của Sinuhe cuối cùng giống như “dấu chân trên cát”, huy hoàng rực rỡ rồi quay trở về ẩn chứa, tiềm tàng trong lớp cát bụi của thời gian.

Bên cạnh những bài học nhân sinh hết sức quý giá mà bạn đọc rút ra cho mình qua hành trình của Sinuhe, Dấu chân trên cát đồng thời mở ra trước mắt bạn đọc bức tranh nền văn minh Ai Cập - một trong những nền văn minh cổ đại rực rỡ nhất của loài người. Trong đó, câu chuyện về vị Pharaoh Akhenaten và triều đại của ông quả thực cũng thú vị không kém hành trình của nhân vật chính. 

 Pharaoh Akhenaten - Vị vua nổi loạn trong lịch sử Ai Cập

Pharaoh Akhenaten là một vị vua đặc biệt trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Ông là người khước từ truyền thống đa thần giáo trước đó để xây dựng tôn giáo độc thần và sau đó bị xóa tên trong lịch sử Ai Cập vì bị coi là kẻ nổi loạn trong suốt mấy thiên niên kỷ.

Akhenaten hay còn được biết đến với cái tên Amenhotep IV là một trong những hoàng tử của Pharaoh Amenhotep III, lên ngôi vào những năm 1353 trước công nguyên. Trong nửa đầu thế kỷ 14 trước công nguyên, dưới sự trị vì của ông, Ai Cập đã chứng kiến một sự phát triển to lớn và xa hoa chưa từng có tiền lệ tính đến thời điểm đó, và ông cũng là người đã tạo ra những ảnh hưởng lớn lên thuyết mặt trời. 

Triều đại kỳ lạ


Vua Akhenaten dường như có tư duy và niềm tin trái ngược hoàn toàn với những Pharaoh trước đó. Ngay sau khi lên ngôi, ngay lập tức ông ra lệnh xây dựng các tòa nhà cho trung tâm tôn giáo Karnak ở Thebes. Nhưng thay vì tôn vinh Amun, vị thần tối cao của Thebes, những ngôi đền của Akhenaten được dựng lên ở phía đông, đối diện với hướng mặt trời mọc, và tôn vinh một dạng thần mặt trời mới. Vị thần mới được Akhenaten mô tả là “vị thần sống, Ra-Horus của đường chân trời, người sẽ hiện ra mới đường chân trời từ ánh sáng huy hoàng của mình trong chiếc đĩa mặt trời. Không lâu sau đó, “Aten”, một từ Ai Cập dùng để chỉ “đĩa mặt trời” được sử dụng thay thế vì mục đích ngắn gọn, dễ nhớ. Như một cách để khẳng định thêm niềm tin của mình, vị Pharaoh này đổi luôn cả cái tên Amenhotep vốn gắn với vị thần cũ, sang Akhenaten - có nghĩa là thuận theo ý trời.


Quan niệm khác biệt về nghệ thuật

Dưới thời đại mới, văn hóa và nghệ thuật đại chúng cũng có sự thay đổi rõ rệt bởi các tác phẩm điêu khắc của Akhenaten hoàn toàn thoát khỏi những lề lối của nghệ thuật điêu khắc Ai Cập cổ đại tồn tại lâu đời. Trong khi tư thế của các bức tượng cũng như một số tiêu chí vẫn tương đối tuân theo chuẩn của nghệ thuật cổ đại như hai tay Akhenaten bắt chéo trước ngực, cầm hai biểu tượng hoàng gia là móc và néo, đầu đội vương miện kép, mũ trùm đầu đặc trưng và mang váy ngắn; thì hình dáng của cơ thể Akhenaten lại là một sự phá cách, thậm chí là kỳ dị theo cách nhìn của người hiện đại.

Bức tượng thể hiện Pharaoh có gương mặt dài như mặt ngựa, đôi lông mày rất rậm và hai con mắt lớn, gần như lồi ra, hông nở nang và vùng bụng chảy xệ; trái ngược hẳn với hình tượng những pharaoh khác với những đặc điểm tiêu chuẩn như khuôn mặt vuông vức, cặp mắt oai nghiêm với những đường nét hùng tráng. 

Akhenaten dường như muốn những bức điêu khắc và hình ảnh của mình được lưu lại cho hậu thế một cách chân thực nhất, không được bịa đặt hay thêm thắt gì. Ông cho rằng 

Nghệ thuật chân chính là việc nói lên sự thật vì chỉ có sự thật mới tồn tại muôn đời. 

Vì vậy thật không khó để nhận ra hình ảnh vị pharaoh đặc biệt này giữa tất cả những bức điêu khắc cổ đại.


Ông cũng đồng thời được biết đến như một vị vua với tâm hồn thi sĩ và tình yêu sâu sắc đối với gia đình mà đặc biệt là người vợ Nefertiti. 

Theo truyền thống, cửa cung điện luôn luôn đặt một tấm bia đá ghi chép công trạng của Pharaoh đương thời. Khi vua qua đời, tấm bia đá này sẽ được chôn theo mộ vua như một chứng tích về cuộc đời và công trạng hiển hách của hoàng đế đối với lịch sử Ai Cập. Vì mức quan trọng của nó, các Pharaoh đều cho khắc thêm hình ảnh của mình oai nghiêm ngồi trên ngai vàng với các thần linh bao quanh che chở và ban phép lành hoặc ngồi trên xe ngựa theo sau là đoàn xe chở chiến lợi phẩm sau trận chiến. 

Đến thời Akhenaten, hình ảnh của ông được ghi lại khác hẳn. Thay vì cầm gươm thì nhà vua lại cầm một bó hoa và ôm hôn hoàng hậu Nefertiti một cách nồng nàn. Thay vì có các thần linh bao quanh che chở thì nhà vua cho khắc một chiếc đĩa vàng (Aten) to lớn, tượng trưng cho ngôi Thái Dương. 

Ông đồng thời khuyến khích nghệ sĩ dân gian từ khắp mọi nơi thỏa sức sáng tạo những bài thơ, bức tranh lấy chất liệu từ chính cuộc sống bình thường như cảnh dân chúng làm ruộng, cảnh những thuyền đánh cá trên sông Nile, cảnh trẻ con chơi đùa trong những ngày hội,...    

Nhà vua với tư tưởng tiến bộ vượt thời gian

Đọc Dấu chân trên cát, nhiều hẳn sẽ ngạc nhiên bởi những tư tưởng rất văn minh và tiến bộ thì ra đã có từ thời một vị vua sống cách chúng ta hàng triệu năm. 

Akhenaten là một vị vua yêu chuộng hòa bình, luôn cố gắng tránh tất cả những cuộc chiến vì không muốn người dân đổ máu vô nghĩa. Ông đã ý thức được chiến tranh không phải là thứ giúp Ai Cập thịnh vượng hơn, mà chỉ có giáo dục con trẻ một cách đúng nghĩa mới là chìa khóa cho sự phát triển bền lâu của đất nước. Thay vì bỏ tiền huấn luyện binh sĩ, chế tạo vũ khí phục vụ cho những trận chiến mở mang bờ cõi, nhà vua ôm ấp giấc mộng mở một trường học dành cho mọi đứa trẻ không phân biệt gia cảnh giàu nghèo

Giáo dục không phải là một bức rào ngăn cách con người nhưng là một cây cầu nối liền con người với nhau. Nếu một cái cây còn non phải được che chở uốn nắn để sau này có thể chịu đựng được những đổi thay về thời tiết, những cơn mưa gió phũ phàng thì con người cũng thế. Một đứa trẻ phải được giáo dục cẩn thận từ nhỏ để nó có đủ sức đương đầu với những thử thách của cuộc đời. Thiếu giáo dục thì đứa trẻ sẽ thua trước khi lâm trận, và thiếu hiểu biết thì nó sẽ bị lôi kéo vào những sa ngã vì những ảnh hưởng xấu xa mà nó không biết phân biệt.

Đây quả là một ý tưởng táo bạo ở thời bấy giờ bởi ngay trong thời đại hiện nay, ý tưởng về một nền giáo dục đúng nghĩa dành cho tất cả mọi người vẫn là cái đích mà mọi quốc gia muốn hướng đến.

Cái chết của thần mặt trời

Chính bởi những ý tưởng táo bạo và niềm tin đi trước thời đại mà tất cả những quyết định của Akhenaten đều gặp phải vô vàn chỉ trích. Người dân Ai Cập bấy giờ coi ông là kẻ quái dị khi xóa bỏ những vị thần họ vẫn tôn kính. Giới quân nhân chê ông hèn nhát, nhu nhược vì không dám xông lên chiến trường còn các giáo sĩ thì oán trách bởi Pharaoh đã lấy mất vai trò làm cầu nối từ các vị thần của họ. 

Vậy nên đáng tiếc thay, ngày Akhenaten bước chân sang thế giới bên kia cũng chính là ngày đánh dấu cái chết của thần mặt trời. Cuộc cách mạng mà ông tạo ra gần như sụp đổ ngay lập tức. Những năm sau khi nhà vua băng hà, những người tiền nhiệm ông đã rất tích cực trong việc xóa bỏ sự tồn tại của thần Aten, khôi phục lại đền thờ các vị thần Ai Cập truyền thống và một lần nữa đắm chìm vào những trận chiến mở rộng lãnh thổ. Akhenaten giờ đây được nhắc đến như một kẻ tội đồ. Con cháu của ông tìm và đập phá tất cả cung điện đền thờ, xóa bỏ những bức tượng nhà vua và nữ hoàng Nefertiti mà họ có thể tìm thấy. Chiếc quan tài của nhà vua bị đập vỡ, tên hoàng gia đã bị xóa sạch chữ khắc. Họ dường như muốn xóa sạch mọi hình ảnh và tên tuổi của vị vua đặc biệt cùng với mọi di sản mà ông xây dựng, như thể thời đại của ông chưa từng tồn tại trong lịch sử.

Và phải đến 31 thế kỷ sau, khi thời gian đã bào mòn những gì lịch sử che giấu, chúng ta mới được biết về một vị Pharaoh “nổi loạn” đã từng xây dựng nên một Ai Cập văn minh và rực rỡ như vậy. Tuy thời đại của ông trôi qua thật ngắn ngủi và những di sản từ cuộc cách mạng ấy chẳng còn lại bao nhiêu, nhưng ít nhất thế giới được biết thêm một con người kiệt xuất có tấm lòng bác ái.

Nhan đề tác phẩm “Dấu chân trên cát”


Cuốn sách khép lại bằng những dòng tâm sự nặng trĩu ưu tư:

Cũng như những vết chân trên cát chỉ tồn tại một thoáng giây rồi phai mờ; huyền thoại về một người Ai Cập, qua Hy Lạp mở trường dạy học, đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc chỉ còn là một câu chuyện mơ hồ trong cuộc sống ồn ào, náo nhiệt ngày nay.

Câu chuyện của Sinuhe hay triều đại của Akhenaten chẳng qua chỉ là một dấu chân trên sa mạc cát mênh mông, dù rực rỡ huy hoàng nhưng rồi cũng sẽ bị vùi lấp dưới cát bụi của thời gian. 

Đây không chỉ là triết lý đúc kết ra từ cuộc đời hai con người kiệt xuất, mà còn đúng với rất nhiều dân tộc cổ đại, trở thành quy luật tất yếu của dòng chảy lịch sử. 

Tất cả những miền nào xây dựng trên mặt cát chỉ huy hoàng trong một thời gian rất ngắn rồi tàn lụi nhưng mấy ai chịu để ý đến điều ấy. Gặp thịnh thời, con người mải miết lo toan những tham vọng viễn vông mà đâu biết rằng những gì xây dựng trên mặt cát tàn lụi rất chóng.

Một cuốn sách nhất định phải đọc một lần trong đời

Dấu chân trên cát quả thực là một cuốn sách đáng đọc ít nhất một lần trong đời và đặc biệt phù hợp với những ai mới lần đầu tìm hiểu về thế giới tâm linh. Cuốn sách sẽ giới thiệu đến bạn đọc một vài khái niệm cơ bản về khoa học của sự sống, khoa học của cái chết hay các cõi giới tồn tại song song theo cách không hề khô khan, giáo điều bởi chúng được lồng ghép trong một cốt truyện đủ hấp dẫn và lôi cuốn với những con người có thật trong lịch sử. 

Chắc chắn rằng bất cứ ai sau khi đọc xong cũng sẽ có cho mình những bài học và suy tư rất riêng. Rồi biết đâu đó, cuốn sách gợi lên niềm yêu thích và trí tò mò đối với bộ môn khoa học tâm linh hay lịch sử Ai Cập cổ đại huyền bí. Hãy cứ tìm tòi học hỏi, bởi cả một chân trời tri thức đang chờ đón các bạn.


Review chi tiết bởi: Muse - Bookademy
Hình ảnh: Muse - Bookademy    

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Muse  - Bookademy."

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

322 lượt xem