Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] "Đọc Vị Bất Kì Ai": Hiểu Được Suy Nghĩ Của Người Khác - Liệu Có Khó?

Chúng ta vẫn thường nói vui với nhau rằng:

"Vẽ người vẽ mặt, khó vẽ xương

Biết người biết mặt khó biết lòng.

Chân thành quá mức là cái tội,

Tin người quá vội là cái ngu."

Chỉ là một câu nói vui thôi nhưng lại nhắc nhở ta rằng: Lòng người khó đoán! Xã hội ngày càng phát triển, con người dần trở nên lạnh nhạt, vô tâm. Đôi khi một người bên ngoài luôn đối tốt với bạn nhưng ai biết được rằng phía sau họ đang nghĩ gì. Nhân gian quả là sâu sắc khi dạy ta rằng: "Sông sâu còn có kẻ dò - Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng". Lòng người khó đoán là thế, nhưng giữa cuộc sống bộn bề tấp nập làm sao biết được ai tốt ai xấu, ai hiền lành, ai nham hiểm, hai mặt. Đừng lo lắng, cuốn sách Đọc vị bất kì ai sẽ giúp bạn lí giải được phần nào những thắc mắc đó. Giờ bạn không chỉ còn là võ đoán suy nghĩ của đối phương mà chính xác hơn, bạn sẽ đọc được cảm xúc của họ!

Tác giả của cuốn sách - tiến sĩ David J. Lieberman là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu hành vi và các mối quan hệ con người. Ông đã xuất bản sáu cuốn sách - số lượng không nhiều nhưng giá trị và sức ảnh hưởng của nó lại vô cùng lớn! Tất cả được dịch ra 18 ngôn ngữ khác nhau và hai cuốn lọt top những cuốn sách bán chạy nhất của tờ New York Times. Ông còn là khách mời của hơn 200 chương trình truyền hình như The Today Show, Fox News, PBS, The View,... Như vậy hà cớ gì mà không tìm đến những cuốn sách của ông mà đọc một lần nhỉ?

Đọc vị bất kì ai sẽ chỉ ta từng bước rõ ràng để bạn nhận biết ai đó đang nghĩ gì và cảm thấy thế nào trong những tình huống thực tế cuộc sống, hơn nữa nó giúp bạn nhận biết chân tướng sự việc, tránh bị lợi dụng và duy trì thế thượng phong với bất kì ai, bất kì thời điểm nào, chỉ trong vòng 5 phút hoặc có thể ngắn hơn! Ví dụ: Nhà tuyển dụng có thực sự hài lòng về lời giới thiệu của bạn? Khách hàng có chắc là quan tâm đến mặt hàng đó không? Hay buổi hẹn hò đầu tiên liệu có đúng như mong muốn của bạn không hay đi theo hướng khác? Và trong những cuộc thương thuyết, thẩm vấn, tranh luận,... bạn có thể dễ dàng nhận ra ai đang ủng hộ bạn. Điều này giúp bạn tiết kiệm thời gian, tiền bạc, sức lực và thậm chí tránh được những cơn đau tim không đáng có!

Bảy câu hỏi cơ bản Học cách phát hiện ra điều người khác nghĩ hay cảm nhận một cách dễ dàng và nhanh chóng trong bất kì hoàn cảnh nào.

Thông thường, để đoán được suy nghĩ người khác, đa số chúng ta chọn cách hỏi trực tiếp: “Quý khách thật sự hài lòng về vấn đề được nêu ra?”, “Cậu thích chiếc áo mình đang mặc chứ?”, “Con đã lén chơi điện tử phải không?”. Lẽ tất nhiên, bạn sẽ nhận được câu trả lời. Nhưng liệu câu trả lời ấy có phải là sự thật hay chỉ là lời nói dối, sự bao biện? Khi nghi ngờ ai đó nghĩ không tốt về mình, có những người chọn cách lờ đi! Không sao hết nhưng bạn liệu có an tâm hay luôn nghi ngờ, bất an và càng thêm phiền muộn về chính người bạn thân của mình. Cũng có những người chọn cho mình cách giải quyết thích đáng hơn là bí mật điều tra. Nhưng sẽ thế nào khi sự việc bại lộ? Tất cả những cách đó đều không phải là cách ứng xử của một người thông minh đâu!

 “Thế thì tôi phải làm như thế nào?” - Câu trả lời là: Hãy nhớ bảy câu hỏi cơ bản - đó không phải là điều bạn có thể dễ dàng thực hiện nhưng một khi đã nắm vững, đó sẽ là cách nhanh nhất và tốt nhất để bạn đọc vị được đối phương!

• Liệu đối phương có đang che giấu điều gì?

 Có những lúc bạn nghĩ rằng người đối diện mình đang giữ bí mật gì đó mà không muốn nói với bạn, bạn nghi ngờ họ đã làm việc xấu,... Nhưng bạn biết chắc rằng nếu được hỏi, họ sẽ chối cãi. Với một vài mẹo cơ bản David chỉ ra, bạn có thể “dịch tâm thuật” của người khác rồi đấy! Đơn giản bởi không ai làm việc xấu mà không có sơ hở cả. Công việc của chúng ta là thấy những gì người khác không thấy! Hãy đặt câu hỏi liên quan đến điều mà bạn nghi ngờ, cho vào đó một số dữ kiện sai (chứ không đánh giá trực tiếp đối tượng bị nghi ngờ!) và chờ phản ứng của họ của họ: Dễ thấy nếu họ không phải thủ phạm họ sẽ vui vẻ và tỏ ý quan tâm đến câu nói của bạn, cũng có khi cáu gắt, thậm chí tức giận cho rằng họ bị xúc phạm, ngược lại nếu họ là hung thủ họ sẽ rơi vào trạng thái tự phòng bị hoặc hỏi vặn lại dữ kiện sai hay cố ý lảng sang chuyện khác! Ví dụ bạn là giám đốc của một công ty, bạn nghi ngờ một trong hai trưởng phòng của mình đã cố tình để lộ tài liệu mật ra bên ngoài làm công ty thiệt hại rất lớn. Hãy gọi hai người đó đến và báo với họ rằng mỗi người phải đóng một nửa số tiền bởi không biết hung thủ là ai. Ngay lập tức người không làm sẽ tỏ ý tức giận bởi không đâu mà anh ta lại phải đền khoản tiền lớn đến vậy. Còn thủ phạm thật sự sẽ dễ dàng chấp nhận điều đó (bởi anh ta chỉ phải đền một nửa thôi mà!) 

• Tán thành hay phản đối: anh ta có thích điều đó không?

 Tập trung vào ấn tượng của đối phương về sự việc đó trong quá khứ thông qua dấu hiệu trên khuôn mặt hoặc lời nói của họ, bạn có thể dễ dàng biết được anh ta có thật sự có thái độ tích cực hay không trong vấn đề xảy ra trước 

Sau khi xem qua đề án của Theresa, người giáo viên hướng dẫn của cô nhận xét: “Ý tưởng của em được đấy!”, “Suy nghĩ rất táo bạo!”, hay “Em viết tốt đấy!”, thì không cần nói gì thêm, Theresa cũng biết người giáo viên đó không thực sự thích đề án của cô.

• Liệu đối phương có thực sự tự tin?

 Tự tin là yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến thần thái của bạn. Đo mức độ tự tin của người khác sẽ giúp bạn thuận lợi hơn khi đưa ra quyết định. Người không tự tin thực sự sẽ cố tỏ ra vẻ bình thường để che giấu cảm xúc thực của họ. Họ có xu hướng chớp mắt liên tục, khó nuốt nước bọt, giọng nói run rẩy, khuôn mặt biến sắc. Họ không thực sự tập trung vào vấn đề chính, có những động tác thừa hay cố gắng điều chỉnh nhận thức dễ khiến người khác lầm tưởng mình tự tin thật sự!

 Một người cầm bài xấu luôn cố tỏ ra bài mình rất đẹp và ngược lại.

 Đôi khi có một số người thường tỏ ra vẻ cứng rắn khi họ biết mình sẽ dễ bị tác động nếu không tự bảo vệ bản thân. Thực ra những người dễ mua hàng nhất là những kẻ lúc nào cũng nói cứng rằng: “ Tôi không tiếp người bán hàng hay tiếp thị đâu nhé!”. Lí do họ làm như vậy là vì họ biết chắc chắn rằng, trong sâu thẳm suy nghĩ của mình, họ sẽ dễ dàng mua bất cứ thứ gì mà người bán hàng rao bán!

• Mọi chuyện... có thực là như vậy?



Sống trong kỉ nguyên 4.0 yêu cầu con người ta cần có một cái nhìn đầy đủ về mọi thứ xung quanh. Nhận thức chính là quá trình phản ánh sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan vào bộ óc con người, tạo nên hiểu biết về chúng. Còn thế nào là tự nhận thức? Đã bao giờ bạn có cảm giác tự tin hay lo lắng về chính mình, thấy mọi thứ khó thể đoán định được, cũng không biết đó là may mắn hay xui xẻo chưa? Đó chính là bạn đang tự nhận thức về mình đấy. Những gì xảy ra xung quanh bạn sẽ quyết định nhận thức của chính bạn về bản thân! Nghiên cứu chỉ ra rằng, khi bắt đầu với những yêu cầu nhỏ, con người ta có xu hướng chấp nhận những yêu cầu lớn hơn. Tuy nhiên việc tự nhận thức có thể “co dãn” tuỳ vào sự việc xảy ra trong thời điểm gần đó. Cuốn sách đã chỉ ra ba kiểu tự nhận thức cơ bản của con người: Trong hoàn cảnh cụ thể - Không cần hoàn cảnh cụ thể - Trước sự việc chung chung. Thông thường những gì bạn đã trải qua, những gì bạn chứng kiến, những thông tin bạn biết được cũng có thể thay đổi cách nhìn nhận của chúng ta về thế giới. Ví dụ như: bạn từng bị tai nạn xe, do vậy mà bạn luôn có cảm giác bất an khi đi ra đường, sợ nó có thể xảy ra lần nữa; người phải nhận nhiều sự không đồng tình, hay khiển trách từ các đối tác trong cuộc họp vừa rồi sẽ có thái độ bi quan trước những việc tưởng chừng như rất bình thường mà anh ta bắt gặp; bạn tình cờ nghe được một vụ án mạng trên báo đài, điều đó cũng ảnh hưởng đến tâm lí của bạn trong vấn đề tự bảo vệ bản thân. Qua việc tìm hiểu sự tự nhận thức của một người bạn có thể biết được anh ta đang cảm thấy như thế nào ngay trong trường hợp đó. Bên cạnh đó hãy nhận ra những mâu thuẫn trong lời nói và biểu cảm của họ, có thể là đồng ý nhưng lại lắc đầu và hãy chú ý tới đôi mắt - đó như một nhân vật nói lên mọi chuyện dù chẳng bao giờ lên tiếng cả! 

• Mức độ quan tâm: Liệu anh ta có quan tâm hay bạn chỉ đang lãng phí thời gian?

 Trong các ngành nghề hot hiện nay, marketing là một trong những sự lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ. Nhưng bạn có biết rằng cách “đo mức độ quan tâm” của khách hàng hay đối tác cũng chính là một trong những nguyên tắc quan trọng giúp bạn dễ dàng đạt được thoả thuận hơn! Bất kì ai cũng đều hành động vì lợi ích của mình trước tiên. Trong phần này, cuốn sách sẽ chỉ cho bạn ba thủ thuật cơ bản để bạn dễ dàng thăm dò sự quan tâm của người khác: thứ nhất đó là tính tư lợi. Hãy để ý đến hành động của họ, đôi lúc đừng quá tập trung vào lời nói và đặc biệt vẫn thật chú tâm đến đôi mắt của họ nhé! Bởi khi ai đó quan tâm tới điều gì, họ có xu hướng dừng lại ở điều đó lâu hơn, mắt mở to, đồng tử giãn nở.

Lần tới, khi đang ở nhà hàng công viên hay bất kì nơi công cộng nào, nếu bạn muốn biết liệu một người có đang để ý đến mình hay không, hãy nhìn lên trần nhà và đột ngột đổi ánh mắt nhìn sang hướng khác. Sau đó nhanh chóng quay qua đối tượng để xem ánh mắt anh ta đang hướng vào đâu? Nếu đúng là anh ta đang để ý đến bạn, ánh mắt anh ta sẽ dừng ở đúng điểm mà lúc nãy bạn vừa mới nhìn!

Thủ thuật thứ hai là hãy để ý đến sự tò mò của đối phương. Thứ ba, hãy quan sát phản ứng của khách hàng khi bạn thay đổi thực tế. Nếu họ có động cơ, ắt hẳn họ sẽ tự tin hơn về khả năng của mình còn nếu không họ sẽ hành động ngược lại! 

Đồng minh hay kẻ phá hoại: Họ đang ở phía nào?

Trong công việc, kĩ năng làm việc nhóm (teamwork skills) cũng là một điều tất yếu bạn phải nắm vững. Nhưng liệu đồng nghiệp của bạn có đang ủng hộ hay đâm lén sau lưng bạn? Nếu bạn nghi ngờ thì những chiến lược trong phần này sẽ giúp bạn phát hiện ra chân tướng sự việc. Người có thành ý thực sự sẽ vui lòng làm điều họ cho là có ích còn nếu không họ chỉ muốn cố tình gây “ấn tượng” mà thôi, họ cũng sẽ cố tình tránh những cái bẫy bạn giăng ra. Đưa vào đó những chi tiết sai có thể gây hại cho bạn, đặt anh ta vào thế bất lợi,... rồi dò xét thái độ của anh ta. Nhưng cũng đừng để cảm xúc chi phối. Mỗi khi cảm thấy như vậy, hãy tạm nghi ngờ cảm giác của mình, nhìn thẳng vào thực tế trước mặt chứ đừng trốn tránh trong nội tâm của mình nhé! 

• Đọc vị cảm xúc: Có phải bạn đang nói chuyện với một người ôn hoà không? 

Tất cả chúng ta đều cảm thấy không thoải mái và miễn cưỡng khi bắt buộc phải làm điều mình không thích. Cơ thể chỉ muốn làm điều nó muốn làm, bản ngã muốn làm điều sẽ làm nó nhìn nhận tốt, còn  lương tâm chỉ muốn làm điều đúng đắn. Ba nhân tố này luôn đấu tranh trong ta, đòi bạn phải chọn một? Vậy bạn sẽ chọn cái nào? Hãy xét các dấu hiệu cảnh báo này:

- Dấu hiệu chung về nguy cơ bạo lực tiềm tàng (thời thơ ấu, gia đình, cú sốc hay thói quen xấu).

- Dấu hiệu trong quan hệ tình cảm.

- Dấu hiệu tại nơi làm việc: liệu bạn có đang gặp nguy hiểm?

 Thông qua ba dấu hiệu mà cuốn sách nêu ra, bạn có thể xác định được những người nào có nguy cơ bạo lực tiềm tàng để dễ dàng chiếm thế thượng phong trong công việc, chủ động biết điều cần biết hoặc cần hỏi từ đó dễ dàng bảo vệ bản thân và ngay cả những người xung quanh!


Những kế hoạch chi tiết cho hoạt động trí óc: Quá trình đưa ra quyết định

Qua phần này, bạn sẽ có cái nhìn sâu hơn về nghệ thuật đọc vị. Vượt ra ngoài việc đọc các suy nghĩ và cảm giác đơn thuần: hãy học cách người khác suy nghĩ để có thể nắm bắt bất kì ai, phán đoán cách hành xử của họ và hiểu họ còn hơn chính bản thân họ thông qua tám chương cuối của cuốn sách.



 Chỉ cần làm thử một vài bài test MBTI (Myer Briggs Type Indicator) là bạn có thể biết được tương đối đầy đủ về loại tính cách của mình. Phân loại tính cách chính là một công cụ đắc lực giúp chúng ta đưa ra kết luận về người đối diện. Nhưng có phải lúc nào bạn cũng biết rõ suy nghĩ của họ, thậm chí ngay trong những tình huống thuận lợi nhất, bạn vẫn không thể đoán được người đó nghĩ gì trong hoàn cảnh cụ thể. Phần II này sẽ giới thiệu đến bạn phương pháp S.N.A.P. - cách thức bài bản để phân tích và tìm hiểu tính cách trong phạm vi cho phép mà không làm mếch lòng đối tượng phân tích. Phương pháp này dựa trên những phân tích về tâm lí, chứ không đơn thuần dựa trên ngôn ngữ cử chỉ, trực giác hay võ đoán.

Trí tuệ cũng có những màu sắc của nó, nếu bạn hiểu những màu sắc cơ bản của trí tuệ, tất cả những gì bạn cần là xác định xem lượng sử dụng của mỗi “màu” để miêu tả “bức tranh” về những suy nghĩ của con người trong hoàn cảnh nhất định ấy ra sao. Có bảy yếu tố chi phối suy nghĩ của chúng ta: Lòng tự trọng - Sự tự tin - Mức độ hứng thú - và bốn màu sắc thứ cấp: sự nỗ lực, bào chữa, lòng tin, tâm trạng. Trong đó lòng tự trọng là yếu tố quan trọng nhất điều khiển suy nghĩ của con người. Lòng tự trọng và “cái tôi” có mối quan hệ tỉ lệ nghịch với nhau. Người có lòng tự trọng cao sẽ có cách nhìn nhận thông tin rõ ràng hơn, cái tôi của anh ta sẽ hạ thấp xuống. Và ngược lại, người có lòng tự trọng thấp thường bị buộc phải thay đổi suy nghĩ của mình sao cho ít mâu thuẫn với diễn biến thực tại nhất, họ luôn cho bản thân mình đúng hơn là một việc làm đúng, thường thì họ sẽ có những suy nghĩ bồng bột, bốc đồng và dễ bị tác động bởi ngoại cảnh! Lòng tự trọng của một người sẽ ảnh hưởng đến sáu nhân tố còn lại. Khi một người có lòng tự trọng cao thì đồng nghĩa với việc nhu cầu bản ngã cần được thoả mãn, công sức cần bỏ ra sẽ không phải là thứ người đó để tâm bởi anh ta chẳng bao giờ cần phải bào chữa cho mình khi  có một lòng tin đúng đắn, một sự tự tin mạnh mẽ cùng với một tâm trạng tích cực!

Nhưng để biết ai là người có lòng tự trọng cao hay chỉ giả vờ thì đâu có dễ! Thăm dò mức độ tự trọng của một người cũng không tránh khỏi nhầm lẫn, sai lầm. Có năm sai lầm mà bạn thường mắc phải:

 - Thứ nhất bạn đánh đồng giữa tự trọng và tự cao! Nên nhớ tự trọng là người biết coi trọng và giữ gìn phẩm cách, biết điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với chuẩn mực xã hội, còn tự cao là anh ta quá đề cao bản thân mình so với những người xung quanh một cách thái quá.

- Thứ hai, đừng nhầm tưởng giữa tự trọng và tự tin.

- Thứ ba, đừng đánh giá một người có lòng tự trọng cao dựa vào mức độ thành công của anh ta, vì khái niệm “thế nào là thành công” của mỗi  người khác nhau!

- Thứ tư, thật khó để phân biệt một người nhún nhường hay đáng khinh? Trên thực tế, người có lòng tự trọng cao vì vậy mà biết khiêm nhường khác với người tự hạ thấp bản thân hòng chiếm được tình cảm của người khác! Do đó rất cần chúng ta có sự tinh tế để nhận ra những mánh khoé đó!

- Cuối cùng cũng đừng đánh đồng giữa tự trọng và tâm trạng.

Không phải dễ dàng để có thể hiểu được lòng người. Nhưng có một cách duy nhất và dễ nhất mà bạn có thể phát huy hiệu quả sau khi đọc cuốn sách này, đó là: Chúng ta sẽ nhìn nhận lòng tự trọng của một người thông qua cách anh ta đối xử với bản thân và với người khác.

Nếu bạn vẫn còn chưa chắc chắn lắm về khả năng của bản thân trong việc đọc vị người khác thì chương 14 sẽ cung cấp cho bạn ba loại tính cách cơ bản: LE-D - người tự coi mình là thấp kém, LE-A - người kiêu ngạo và loại tính cách kết hợp giữa hai loại trên, giúp bạn cụ thể hoá hơn trong việc tiếp cận đối phương!

Cuối cùng những ví dụ cụ thể của cuốn sách sẽ hệ thống lại từng chút một những thủ thuật mà bạn đã đọc được, từ đó bạn có thể áp dụng một cách khéo léo trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ của mình!

Lời kết:

Cuốn sách được đón nhận bởi chính phủ của hơn 25 quốc gia, FBI, quân đội Mỹ và các công ty thuộc Fortune 500 sử dụng. Nói như vậy đủ thấy Đọc vị bất kì ai có giá trị và sức ảnh hưởng to lớn đến chừng nào! Xã hội phát triển kéo theo lòng người thay đổi, họ trở nên ích kỷ, toan tính, hai mặt. Vì mục đích của bản thân mà một số người sẵn sàng lợi dụng, làm tổn thương người khác. Nếu chỉ nhìn bề ngoài mà biết hết được con người, thì thế giới này đã không tồn tại hai chữ “không ngờ”. Bởi lòng người thâm sâu hơn biển cả. Lòng người khó đoán và lòng người thay đổi là thứ đáng sợ nhất trong cuộc đời. Tuy nhiên, cuộc sống cũng có hai mặt, giữa những kẻ lòng dạ xấu xa, vẫn còn nhiều người đối xử thật lòng và trân quý nhau nên cũng đừng vì thế mất niềm tin vào cuộc sống nhé! Bất cứ điều gì cũng chỉ là tương đối vì vậy mà chẳng có gì có thể chắc chắn 100% hết, không phải là tất cả nhưng hi vọng rằng Đọc vị bất kì ai sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản nhất để không bị lừa dối và lợi dụng, hiểu mình hiểu người: “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”, giúp cho bạn luôn chủ động trong mọi việc và tránh những tổn thương không đáng có!

Review chi tiết bởi: Kim Chi  -  Bookademy

------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:

https://www.facebook.com/bookademy.vn

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/2Hxkazt  

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

978 lượt xem

lh-fulllh-x