Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] "Đừng Để Mất Bò": Một Tấm Gương Chuẩn Chiếu Cho Những Bạn Trẻ Đam Mê Kinh Doanh.


Tuyển tập những câu chuyện rất bi hài và rất thực đằng sau vẻ ngoài lấp lánh của những cửa hàng.

Một lần, bạn tôi vừa uống trà đá vừa nói bằng giọng đầy chán nản: “Một người khởi nghiệp thành công thì điều trong sách là dưới góc nhìn của người thành công, vì ai mà nhớ được hành trình dài đằng đẵng ấy mà truyền lại.” Ngày đó tôi gật gù tán thành ghê lắm. Lúc gấp cuốn sách này lại, tôi chỉ muốn nhanh chóng tặng nó ngay cho cậu ta. Một quyển sách khiến tôi ngạc nhiên khi sách mới ra vào đầu tháng 9 mà đã lọt Top 100 sách bài học kinh doanh bán chạy. Hai mươi câu chuyện trong Đừng để mất bò – Trần Thanh Phong chính là hai mươi bài học vô cùng giá trị, khai phóng cho não bộ tôi rất nhiều rằng: Thất bại nằm ở những điều chẳng ngờ tới. Cuốn sách như vẽ một chuyến phiêu lưu, bạn đang cùng tác giả “chăm bò”, “giữ bò” và đừng để ai có thể đến “dắt bò” của bạn.

Tôi rất mê Lego – những mảnh ghép trong kinh doanh


Tôi mê lego từ khi còn rất nhỏ, từ những ngôi nhà, chiếc xe tăng, sau này trở thành phi thuyền, chiến hạm tàu bay,... Bạn biết đó, lego là những mảnh ghép khá nhỏ, nên để chúng khớp với nhau, đòi hỏi quá trình gia công các chi tiết phải thật chuẩn xác, chỉ cần có một mảnh kém chất lượng là toàn bộ khối ghép của bạn bị lung lay. Không chỉ vậy, trò chơi này bắt bạn phải luôn suy nghĩ thật kỹ để đặt các mảnh lego vào ngõ cụt và bạn phải tháo ra để làm lại từ đầu. Đặc biệt hơn là những mảnh ghép phụ, nhỏ xíu, nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thiếu mấy mảnh nhỏ xíu này thì bạn không tài nào gắn được những mảnh chính lại với nhau để làm nên một mô hình vững chắc. 

Mở đầu tác phẩm chính là cuộc điện thoại báo mất hàng hóa, kéo tác giả từ mây xanh quay lại thực tại, một kết cục thất bại với việc ngồi chơi lego trong chính cửa hàng đồ chơi chuẩn bị dẹp gọn của mình. Với hàng trăm mảnh ghép lộn xộn trên nền đất, hàng giờ bứt dứt giết thời gian để tạo ra một mô hình vừa chuẩn xác vừa bền đẹp. Trần Thanh Phong đã kể với tôi về lỗi sai trong lần thất bại qua những trang sách đầu tiên.

 Hóa ra, trước đây tôi chỉ quan tâm đến những sự vụ bề nổi mà không hề nhận ra rằng nguyên nhân cốt lõi bên trong chính là con người - những mảnh ghép lego trong con thuyền kinh doanh của tôi. 

Tạm gác kinh doanh để đi học, sau đó tác giả trở lại để kể cho chúng ta những bài học thực tế đắt giá, chắt lọc và cô đọng. Cũng bởi hiểu rõ tầm quan trọng của con người đối với sự thành công của tổ chức, tác giả tập trung vào việc phát triển nhân sự. Nhờ đó, Trần Thanh Phong có được đội ngũ nhân viên vừa trung thực, vừa gắn bó, vừa có đủ kỹ năng trong công việc.

 Muốn vậy, bạn cần có trong tay một đôi nhóm làm việc tin cậy, hiệu quả để thay bạn quán xuyến mọi thứ. Nếu không, suốt ngày bạn sẽ phải  chiến đấu với chuyện thất thoát, nhân viên thôi việc hay đùn đẩy trách nhiệm. Và dù nếu bạn có đủ tiền để du lịch dài ngày ở Bali hay Maldives thì tâm trí của bạn cũng không thể thoải mái.

Vậy ai đã dắt mất bò của tôi?

Những người phải làm việc xuyên suốt 16 tiếng một ngày tại cửa hàng không phải là người làm chủ. Thực chất họ đang làm thuê cho chính mình. Và tất nhiên, ngoài kia đang có rất nhiều người mắc kẹt trong tình trạng tương tự. Bởi họ luôn sợ khâu này, khâu kia sẽ có vấn đề. Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa của thực trạng này?

Thất thoát – Một chỉ số kinh tế của khởi nghiệp bán lẻ

Trước khi bước chân vào đại học, tôi luôn cảm thấy lo lắng khi nghe về việc tỷ lệ lạm phát tăng, nhưng sau này tôi mới hiểu: Càng quốc gia lớn thì chỉ số lạm phát càng cao, và nếu nó đạt mức cho phép thì vẫn chấp nhận được. Thất thoát cũng vậy, suy cho cùng “có lợi nhuận phù hợp với đồng vốn bỏ ra” là mục tiêu quan trọng nhất của kinh doanh. Nếu ta đạt được mục tiêu này thì hà cớ gì không thể thoải mái với thất thoát và xem nó như một điều tất yếu. Thay vì luôn nhìn nhận thất thoát như một thất bại để rồi lúc nào cũng lo lắng, hãy xem nó như một khoản buộc phải bỏ ra để phục vụ cho việc kinh doanh của mình. Như vậy, bạn mới dẹp bỏ được tâm lý lo sợ mà tập trung tâm trí để tìm ra cách tiết giảm khoản chi nào, hệ như cách mà bạn đã tiết kiệm tiền điện, tiền nước hàng tháng vậy. Chỉ cần so sánh chi phí thất thoát với các dạng doanh thu, lợi nhuận, các dạng chi phí,... nếu những loại chi phí khi so sánh đạt một tỷ lệ phù hợp thì hoàn toàn chấp nhận được. Tác giả đã đưa ra cách tính và so sánh về tỷ lệ thất thoát cho phép của từng ngành hàng sao cho phù hợp.

 Thất thoát là điều tất yếu trong kinh doanh. Nó chỉ là một dạng chi phí và việc của chúng ta là tìm cách đo lường và tối thiểu chi phí này.

Nếu bạn đã từng tập tành kinh doanh, chắc hẳn chúng ta đều nhận thấy có quá nhiều điểm để xảy ra thất thoát - bị trộm cắp - lên đơn sai giá - hư hỏng do vận chuyển,... chắc hẳn ai cũng đều lo lắng. Nhưng sự thật là tiền mặt hay hàng hóa đều “không có chân”. Mọi người hay nói đùa với nhau rằng “tiền không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển từ tay người này sang tay người khác”. Vậy vấn đề chúng ta nên quan tâm là tác nhân hơn là những vị trí có thể xảy ra thất thoát. Và tất nhiên, nếu chúng ta biết rõ thất thoát ra sao rồi thì không phải sợ nữa.

Truy tìm nguyên nhân thất thoát - Những “kẻ trộm” tinh vi và xảo trá

Những tác nhân chính khiến thất thoát xảy ra lại là nhân viên, khách hàng và quy trình quản lý. Như vậy, nó đến từ chính nội tại doanh nghiệp và cả các tác nhân bên ngoài. Nhưng lý thuyết thì chỉ là lý thuyết. Kẻ gian không chỉ “tiện tay dắt bò”. Nếu bạn không phát hiện ra hành vi gian lận, họ sẽ còn vạch ra nhiều kế hoạch tinh vi để qua mặt bạn hết lần này đến lần khác. Ngày qua ngày, như những con mối, họ âm thầm đục khoét cho đến khi bạn phát hiện được thì ngôi nhà đã mấp mé sụp đổ. Muốn chủ động phòng bị và kiểm soát thất thoát hiệu quả, bạn bắt buộc phải nắm rõ các chiêu trò này. Và đây cũng chính là những trang sách tôi thích nhất, hai mươi bài học “vạch lá tìm sâu” rất thực tế mà tác giả đã đúc kết ra được, hữu ích, đầy bất ngờ, đôi lúc khiến tôi chỉ biết ngỡ ngàng: Có những điều như vậy nữa sao?

Một ván game căng não giữa người và người. Cân bằng giữa không mất uy tín của cửa hàng và không đặt áp lực kìm kẹp các nhân viên khác. Dưới đây là một câu chuyện tôi thích nhất, bởi chính mình cũng đã từng bị trộm mất voucher , sau đó tuyên bố rằng sẽ không đến nhà hàng đó thêm một lần nào nữa, sau khi xảy ra xích mích với nhân viên bán hàng.

Trong một chương trình tặng voucher diễn ra 2 tuần, tác giả nhận ra lượng khách diễn ra không nhiều. Sau đó anh đã gọi điện cho một vài người quen và nhờ cả người đến đóng giả khách hàng nhưng vô cùng ngạc nhiên và bối rối khi không ai được nhân viên tặng voucher này. Tất nhiên, điều này đã xác định được hành vi ăn cắp khuyến mãi của khách hàng. Hoặc một câu chuyện khác về việc đi siêu thị, nhân viên đã dùng thủ đoạn “mua tám tính tiền mười hai”, dựa vào thói quen không kiểm tra hóa đơn của khách hàng. Điều này không gây ảnh hưởng đến khối lượng sản phẩm nhưng cực kì ảnh hưởng đến uy tín cửa hàng. Những chiêu trò có thật này sẽ đẩy việc kinh doanh của bạn đến bờ vực phá sản.

 Nếu không biết rõ các chiêu trò trộm cắp thực tế thì liệu chúng ta có trở thành “thằng bờm ngơ ngác” bên trong cửa hàng của mình? Như một câu nói mà tôi rất thích rằng “Sau 10 phút tham gia một ván bài, nếu bạn vẫn chưa tìm ra ai là kẻ ngốc thì người đó không ai khác ngoài bạn”.

Việc xác định được những nguyên nhân gây ra việc “mất bò” được tác giả kể đầy đủ và giới thiệu cả những phương hướng giải quyết như tổ chức có trình tự, ghi âm tại quầy, thưởng phạt phân minh và khéo léo,... Trong đó huấn luyện và sử dụng nhân sự vẫn là phương pháp hiệu quả nhất. Chính nhóm người trung thành, nhanh nhạy này sẽ phần nào giúp bạn tránh được cả thất thoát do khách hàng và quy trình quản lý. 

Người chăn bò giỏi – Quản lý nhân sự là điều quan trọng

Để chống được thất thoát, vấn đề nhân sự là chìa khóa vàng nắm vai trò chủ chốt, nhất là khi bạn đã đứng lên làm một người chủ đúng nghĩa. Nhưng không ít người phải công nhận rằng, quản lý nhân viên còn khó hơn quản lý một cửa hàng, đây là điều chưa bao giờ dễ dàng. Đặc biệt là khi con người có cảm xúc, ham muốn và những biến cố. Chưa kể, ít có nhân viên nào lại xem bán hàng như một công việc hay nghề nghiệp có thể gắn bó lâu dài. Vì thế khó khăn lại thêm phần khó khăn. 

Một phần ba cuốn sách, tác giả đưa ra đầy đủ một chương trình để tạo ra một đội ngũ nhân sự hết lòng, từ bước nhỏ nhất như tạo hồ sơ tuyển dụng, cách trả lương thưởng, các tiêu chí đánh giá ứng viên, các nội dung huấn luyện nhân viên bán hàng sao cho vừa hiệu quả nhất và giảm thiểu chi phí tối đa, hơn hết vẫn nhận được người phù hợp cho lĩnh vực kinh doanh. Đây không chỉ là phần dành cho một nhà quản lý mà còn hữu ích dành cho một ứng viên, bạn sẽ biết được mình cần gì và có đủ các tư chất phù hợp ra sao cho công việc bán hàng.

Tuyển người phù hợp – Người tốt chỉ có thể tìm thấy, không thể thay đổi

Một “người giỏi chỉ có thể tìm thấy, không thể thay đổi”. Ta chỉ có thể mài một viên ngọc chưa sáng để nó sáng hơn chứ không thể biến viên đá thành ngọc. Vì thế, để có được nhân viên tốt cho cửa hàng thì tuyển dụng đầu vào là khâu quyết định. Chưa kể, các rủi ro về thất thoát cũng từ những nhân tố này mà ra. Nếu mong muốn mọi thứ dễ dàng về sau, hãy bắt đầu việc tuyển cho được người tốt. Ngoài việc bày nước đi để né được những ứng viên không phù hợp, tác giả còn đưa ra những hướng giải quyết cho vấn đề lâu nay vẫn gây đau đầu cho nhà quản lý: Giữ chân nhân viên ở lại làm việc lâu dài. Bởi đôi lúc, nghề bán hàng chỉ được coi như “trạm trung chuyển” để kiếm đồng tiền duy trì cuộc sống, đợi chờ một cơ hội khác tốt hơn.

Thứ nhất, khi nói về các bước tạo ra kênh tuyển dụng, nội dung quảng cáo, nhận hồ sơ, tác giả đã vẽ ra một sơ đồ hợp lý với các lựa chọn có ưu điểm, nhược điểm để ta lựa chọn. Ví dụ một poster quảng cáo súc tích, ngắn gọn, nội dung như: ”Tuyển nhân viên bán hàng, lương 5 - 7 triệu, du lịch hàng năm, môi trường vui tươi”. Không chỉ vậy, anh còn đề cập đến một chi tiết rất hay về vấn đề deal lương sao cho chuẩn.

 Kể đến là mức lương trên quảng cáo không nên cao hơn mức lương nhân viên hiện tại. Điều này để tránh trường hợp các nhân viên cũ nhìn thấy lại bức xúc hay thắc mắc không đáng. Chuyện này tưởng đơn giản nhưng nhiều chủ cửa hàng vẫn hay quên lắm.

Ngoài ra khi hướng dẫn về các tiêu chí đánh giá một ứng viên phù hợp, tác giả cũng nêu ra năm tiêu chí đánh giá về: Ngoại hình, trình độ học vấn, gia cảnh, thái độ và cách giao tiếp. Tất nhiên một chủ cửa hàng nào cũng sử dụng chung những tiêu chí này để đánh giá. Nhưng nếu đọc chi tiết cuốn sách, bạn sẽ thấy được đôi lúc việc tuyển người thật là cảm tính, không có một quy chuẩn rõ ràng khiến cho chúng ta lại tìm được những ứng viên không phù hợp. Ví dụ tuyển một cô chân dài, xinh xắn nhìn là khách đã muốn vào mua hàng, nhưng lại không chịu tiếp thu thì cũng không thể đạt yêu cầu của một nhân viên bán hàng, phải không nào?

Huấn luyện hiệu quả - Dụng nhân như dụng mộc

Điều gì đã tạo nên sự đồng đều và đỉnh cao trong quá trình tư vấn sản phẩm của FPT Shop hay Thế giới Di động? Nhắc nhở khắt khe, nội quy nghiêm ngặt không phải vấn đề chính mà bí quyết chính là công tác huấn luyện đội ngũ nhân viên.

 Những ứng viên dù tốt đến đâu họ cũng không phải sinh ra để làm việc cho bạn. Họ không biết sản phẩm của bạn ra sao, khách hàng của bạn là ai, có mong muốn như thế nào. Họ càng không có sẵn các kỹ năng cần thiết để thực hiện các quy trình quản lý bên trong cửa hàng của bạn. Họ cần bạn huấn luyện mọi thứ. 

Ngoài ra, tác giả còn xây dựng phương pháp huấn luyện phù hợp, cực chi tiết với ngành nghề bán hàng, từ giáo trình, tổ chức huấn luyện có tự học và chính các nhà quản lý phải đứng lớp, hơn hết đó là có các bước đánh giá cá nhân ứng viên. 

Trả lương cho khéo – Của cho không bằng cách cho


Xét về tầm quan trọng của một bản hợp đồng. Nếu bạn nghĩ công việc bán hàng đơn giản, dễ đến dễ đi không cần hợp đồng với nhân viên thì có lẽ đó là một suy nghĩ sai lầm. Việc có một bản hợp đồng sẽ mang lại trách nhiệm, đôi lúc nhờ có thỏa thuận giấy trắng mực đen mà thất thoát mới dễ dàng giải quyết, không dẫn tới cơ sở hoạt động thiếu người vì nhiên viên bất ngờ nghỉ việc. Phía người lao động, họ cũng mong cầu được nhận thù lao xứng với công sức. Với họ, bản hợp đồng lao động không chỉ là thỏa thuận, nó còn là sự bảo đảm cho một tương lai ổn định về thu nhập và phát triển bản thân. Trả lương chính là một chiếc công tắc, để kích hoạt được quá trình vận hành với 100% năng lượng, bạn cần trao cho nhân viên một chế độ lương thưởng hấp dẫn.

 Hãy cho nhân viên một cơ chế lương thưởng thật khéo để kích hoạt mọi nỗ lực của họ. Hãy trả những khoản phụ cấp cần để họ thay bạn kiểm soát và giảm thất thoát. Khi họ đã bắt đầu làm việc như đang làm cho chính mình, bạn sẽ thấy tiềm năng của họ.

Một bản hợp đồng có cơ chế lương thưởng hợp lý mới là hoàn hảo. Đây là phần quan trọng nhất của bản hợp đồng. Ở đây, tác giả có lời khuyên về cách tính lương, thưởng, phụ cấp trách nhiệm hợp lý. Mức lương cứng phải đáp ứng được nhu cầu sống của người lao động. Mức lương mềm có thể trả theo phần trăm doanh số, tác giả có một cách tính rất hay thúc đẩy nhân viên làm việc bằng cách doanh thu càng cao thì mức thưởng cũng được tăng phần trăm lên theo. Ví dụ 100 triệu thì 1% thưởng và 250 triệu thì 2% thưởng. Đây là một cách làm cực kì hiệu quả, độ nhiệt huyết của nhân viên sẽ được đẩy mạnh. Ngoài ra, anh còn đề cập đến “trợ cấp trách nhiệm”, một khoản tiền giúp giảm thất thoát đáng kể cho doanh nghiệp, nếu tiết kiệm được 5 triệu tiền điện thì sẽ thêm được 100 000 đồng tiền lương. Quả là một ông chủ có tâm và có tầm, vừa thỏa lòng được nhân viên vừa kiểm soát được các loại chi phí.

Hãy lo làm chuồng – Hoạt động một bộ máy nhịp nhàng 

Ở phần này, tác giả mở màn với một ví dụ khá thú vị, đó là đội bóng U23 Việt Nam, nơi hội tụ một dàn sao: Quang Hải, Tiến Dũng, Văn Hậu,... và hơn hết có sự xuất hiện của thầy Park. Việc nhiều ngôi sao cùng đứng chung một sân cầu hoạt động ăn ý thì cần sự sát sao của vị huấn luyện viên tài ba. Để phát huy tối đa năng suất của đội hình, bạn phải xây dựng một quy trình giám sát chặt chẽ. Mỗi ngày kinh doanh là một trận cầu mà ở đó các cầu thủ của bạn phải cùng nhau phối hợp nhịp nhàng, ăn ý. Những nhân tố lỗi nhịp phải được điều chỉnh kịp thời. Và thành công chưa bao giờ chỉ cần may mắn là đủ.

Tổ chức khoa học – Ra sân với đội hình gắn kết 


Một cơ cấu tổ chức quan trọng bởi khi có tổ chức, mọi người sẽ hiểu rõ trọng trách và những công việc mình cần phải làm, dễ dàng phân công công việc và từ đó đưa đến tự động hóa quá trình bán hàng, lúc này bạn sẽ có được tự do thực sự.

Một bộ máy hoạt động tốt thì phải vận hành trơn tru và nhân tố quyết định điều này là chất lượng linh kiện và cách bố trí linh kiện. Ở phần trước, tác giả đã hướng dẫn chúng ta cách tìm ra và bảo trì “linh kiện” đó như thế nào. Ở phần cuối sách, việc  bố trí linh kiện được xem như việc sắp xếp tổ chức các nhân viên giỏi sao cho họ có thể phối hợp với nhau ăn ý, giải quyết công việc rốt ráo và tránh “giẫm lên chân nhau”. Trong trường hợp không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, những con người này sẽ là những “linh kiện” rời rạc, không thể kết hợp cùng nhau, càng không thể vận hành.

 Mọi việc đều cần một người để ra quyết định giải quyết. Nếu người đó không phải là nhân viên của bạn thì chắc hẳn người đó sẽ chính là bạn.

Sơ đồ cơ cấu, phân công công việc, thời gian mở cửa và bố trí ca làm việc

Sơ đồ cơ cấu được tác giả vẽ sơ đồ rõ ràng với từng phân cấp và thời gian bố trí mở cửa, ca làm cũng có những tiêu chí riêng cho từng loại hình kinh doanh, sắp xếp thời gian sao cho đúng với nhu cầu của bạn với ca sáng, ca chiều, ca gãy, ca hành chính.

Đây là một hình thức phân công nhân viên được tác giả đưa ra đối với cửa hàng có 2 người làm việc, một số lượng nhân viên thường thấy trong các cửa hàng bán hàng nhỏ, chủ cửa hàng mới kinh doanh.

 Bố trí song song giữa một bạn nhân viên làm ca gãy và một bạn nhân viên làm ca sáng hoặc ca chiều, tùy theo doanh số của cửa hàng chủ yếu rơi vào thời gian nào trong ngày. Khi đó, bạn vừa đảm bảo được chất lượng kinh doanh vừa hài hòa số lượng nhân viên làm việc. Một vấn đề thường gặp đối với các cửa hàng có hai nhân viên chính là một trong hai người nghỉ phép. Lúc này, bạn chỉ có cách duy nhất là áp dụng ca gãy cho nhân viên còn lại để đảm bảo cửa hàng vẫn hoạt động bình thường, chỉ đóng vào giờ nghỉ trưa.

Phân công công việc cho từng nhân viên trong mỗi mô hình kinh doanh là hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, tác giả đã đưa ra một mẫu phân công dành cho cửa hàng trưởng, nhân viên bán hàng, nhân viên kho,.. Tác giả đưa ra một loạt những công việc phân công chi tiết cho từng vị trí, để ngay cả những bạn mới chập chững bước vào kinh doanh cũng có thể hiểu đầy đủ, rõ ràng nhất về: Ai cần làm gì? Và làm như thế nào?

Giám sát thông minh – Lạt mềm buộc chặt

Giám sát là hoạt động điển hình mà bất kì một ông/bà chủ đều phải thực hiện. Bởi lợi ích của việc giám sát là vô cùng to lớn: Giúp bộ máy luôn hoạt động tốt, chấm thưởng phạt phân minh, hạn chế thất thoát. Và khi nghĩ đến giám sát, ta thường nghĩ tới đôi mắt, một đôi mắt trực tiếp của chính ta hoặc nhờ camera, mic thu âm,... Nhưng những thứ đó hoàn toàn chỉ là công cụ, mà con người thì thông minh hơn công cụ. Vì vậy, với tác giả phải có 4 yếu tố cần thiết để thực hiện giám sát, đó là: Con người, công cụ, quy trình và quy định.

Giám sát thụ động – Quan trọng nó là cái ý thức

Một cách giám sát mà tác giả giới thiệu đến qua các bảng báo cáo tuần/tháng/năm được xây dựng chi tiết tới từng ngày. Đây là hình thức đánh mạnh và ý thức của nhân viên, khiến họ biết được rõ việc mình cần làm và không trở thành những chú robot. Bởi hoạt động bắt lỗi nào cũng chỉ giúp bạn phát hiện vấn đề tại một thời điểm nhất định. Bạn không thể canh chừng nhân viên từng giây, từng phút được. 

Giám sát chủ động – Tướng quân ra trận

Tướng quân vẫn cần cầm gươm ra trận, bạn cũng cần phải tự mình kiểm tra và không thể chờ nhân viên luôn chủ động nhận lỗi. Đây là lúc bạn phải nhờ đến các công cụ, ví dụ điển hình là chiếc camera có mặt ở gần như hầu hết mọi cửa hàng. Tác giả có gửi đến bạn đọc hai phương pháp để giám sát chủ động:

1/ Kiểm tra vào khung giờ nhạy cảm – Những khoảng thời gian mở đầu, kết thúc, và giờ cao điểm của một ngày

2/ Kiểm tra vào khung  giờ phát sinh đơn hàng - Đây là lúc kiểm tra những đơn hàng có nghi vấn, trong các trường trình giảm giá, có voucher hay quà tặng.

Xử lý kỷ luật – Nước đi cuối cùng

Tất cả những phương thức giám sát kể trên cũng để tạo đến kết quả khen thưởng hoặc xử lý kỷ luật nếu vi phạm. Tác giả có đưa ra các cách xử phạt khác nhau, xử phạt do lỗi của một nhân viên hay xử phát cả cửa hàng. Tuy nhiên, xử phạt là nước đi tệ nhất, bởi bạn sẽ mất nhân viên, việc bán hàng cũng bị xáo trộn. Như vậy, hãy thử xem lại cách “chăm bò” của chính mình.

Thay lời kết

Một quyển sách với nhiều chi tiết đắt giá, nội dung được trình bày theo hệ thống sơ đồ nên tôi chỉ có thể giới thiệu cái mà bản thân thấy hay nhất trong bài viết này. Tác giả còn gửi tặng đến chúng ta những Cặp táp hồ sơ: bản mẫu tuyển dụng Google Forms hay sơ đồ cơ cấu cửa hàng,... Quả là để được nằm chill sáng Đà Lạt tối Vũng Tàu như Trần Thanh Phong không hề dễ chút nào. Nhưng nhờ có quyền bí kíp Đừng để mất bò như một sợi dây kéo, sẽ phản chiếu cho bạn và chính tôi những nước đi đúng hơn, ngắn hơn và rõ ràng hơn trên con đường khởi nghiệp của chính mình. 

Review bởi: Nguyễn Bích Ngọc – Bookademy 

Design bởi: Nguyễn Thị Thanh Thảo - Bookademy


----------------------------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

790 lượt xem

lh-fulllh-x