Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] ''Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế'' : Tư Tưởng Dạy Con

“Một giọt mực có thể làm vạn người suy nghĩ. Một cuốn sách hay có thể thay đổi số phận biết bao người!” - Lord Byron (1878 – 1824).


Phương pháp Giáo dục gia đình của cuốn sách sau đây có một điều vô cùng tương đồng với những suy nghĩ của tôi. Tác giả quan điểm "Cảm xúc mới là mấu chốt quyết định sự thành công của đời người. Chỉ số cảm xúc cao có thể khiến trẻ trí lực bình thường cũng tạo được một cuộc sống huy hoàng. Chỉ số cảm xúc thấp có thể biến một đứa trẻ có trí lực siêu phàm thành một con người tầm thường. Cái gọi là cảm xúc chỉ là: tính tình vui vẻ hoạt bát, trầm tư chuyên chú, dũng cảm tự tin, chăm chỉ lương thiện, có tính độc lập và tinh thần sáng tạo." 


Bố tôi thường đem những cuốn tạp chí, những cuốn truyện ngụ ngôn về cho tôi đọc khi tôi còn bé. Từ đó, tôi có thói quen thích đọc sách. Ngày trước, hễ cứ đến giờ học bài, tôi lại lén chốt trái cửa phòng và nhâm nhi những trang sách đầy lý thú và bí ẩn đằng sau những con chữ… Tôi ngấu nghiến nó tới mức bài tập chất thành đống. Và sau đó là chuỗi ngày cật lực làm bài tập, học lại bài của tôi… Do môi trường học tập thay đổi, từ khi lên đại học, tôi đọc sách ít hơn. Lý do tôi lập ra group này là muốn tạo một môi trường để mình có thể chia sẻ những cuốn sách hay đã đọc, trao đổi và học tập từ những người khác. Tôi rất vui khi thấy group mỗi ngày đông hơn, có bài viết review. Đó chính là động lực để tôi dành thời gian viết nhiều hơn. Tôi trân trọng việc đào sâu suy nghĩ và cảm xúc...Điều này giúp tôi hiểu chính mình hơn. Thực ra ngay lúc này suy nghĩ của tôi cũng không mấy thông thoáng, chắc do cách ly khá lâu nên trong người bí bách. May chăng viết ra đôi lời, tôi lại có thể giải tỏa. 

Trở lại vấn đề trong bài viết này, có bao giờ bạn cảm thấy không theo kịp được bạn bè đồng trang lứa trong việc học tập và đổ lỗi nó cho hoàn cảnh hoặc gen di truyền. Có người chỉ cần thầy giáo dạy một lần là có thể hiểu bài nhưng có người xem đi xem lại vẫn còn mơ màng. Hay suy nghĩ rằng là nếu đã là do gen di truyền rồi thì có cố gắng cũng chỉ là con số không, năng  lực của mình đến đâu hay đến đó Thực ra, tôi đã từng nghĩ như thế, dù tôi biết có phần phiến diện, nhưng tôi vẫn đã nghĩ và nghiêng về những suy nghĩ như thế này. Cũng may nhờ việc đọc sách, tiếp nạp thêm kiến thức nên tôi cũng đào thải được phần nào những tiêu cực trong mình. Tư duy phát triển và tư duy cố định, rất rõ ràng, tôi chọn tư duy phát triển. Mọi thứ luôn thay đổi và ta có thể tác động để thay đổi chính mình. Hãy cứ có kế hoạch và hành động thôi.


Một trong những tác động tích cực lên chính bản thân tôi là từ “Em phải đến Harvard học kinh tế”. Dù là đứa trẻ bình thường nhất, nếu biết cách giáo dục cũng có thể trở thành người xuất chúng”. Quyển sách “Em phải đến Harvard học kinh tế” như một tập hồi ký của tác giả Lưu Vệ Hoa kể về việc nuôi dạy đứa con gái duy nhất của mình - Lưu Diệc Đình – thành công trên con đường học vấn. Cô bé đã lần lượt đậu vào bốn trường Đại học hàng đầu của nước Mỹ: Đại học Harvard, Đại học Columbia, học viện Wellesley và học viện Holyoke. Với mức học bổng lên đến 30.000 USD mỗi năm, mức học bổng này đủ cho Lưu Diệc Đình học và sinh hoạt cho đến khi tốt nghiệp ra trường. Học viện Wellesley là học viện nổi tiếng, từng đào tạo những nhân vật nổi tiếng như phu nhân cựu Tổng Thống Mỹ Hillary Clinton, cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine Korbel Albright. Hai trường Đại học Columbia và Học viện Mount Holyoke cũng là những trường danh giá bậc nhất thế giới, hàng năm số học sinh dự thi vào các trường này rất đông, ngày cả học sinh Mỹ cũng khó thi đỗ. Còn vào được Harvard thì đúng là kì tích.

Tôi thầm nghĩ rằng: “Chắc cô bé Diệc Đình cũng thuộc loại có gen di truyền đây nên mới có thể làm vậy, chứ người bình thường thì việc này còn “khó hơn lên trời”…”. Nhưng càng đọc tôi càng nhận thấy suy nghĩ của mình thật phiến diện. Diệc Đình cũng như bao trẻ sơ sinh bình thường, thậm chí lúc mới sinh em còn mang nhiều bệnh tật, vậy mà nhờ cách giáo dục gần gũi, khoa học của mẹ Vệ Hoa, tư duy của em ngày một mở rộng. 

Nhiều người sẽ cho rằng: ai đã và đang và gần làm cha mẹ mới nên tìm hiểu, chiêm nghiệm về cuốn sách này. Nhưng với mình, mình mong tất cả các bạn trẻ hay những ai đang loay hoay trên con đường phấn đấu của bản thân cũng nên tham khảo. Bởi vì qua từng dòng chữ, trang sách, bạn sẽ khám phá ra những tâm tư, suy nghĩ, lý tưởng và quá trình trưởng thành của cô bé Diệc Đình. Bạn cũng sẽ hiểu hơn về tình yêu thương mà cha mẹ dành cho con cái. Quá trình người mẹ mang nặng, đẻ đau và nuôi dạy, Biết yêu thương, quý trọng công ơn cha mẹ sinh thành, chăm sóc: Dù là trẻ bình thường, nhưng nếu biết cách giáo dục, cũng có thể trở thành người xuất chúng - Claude Adrien Helvetius.


Tác giả 


“Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế” đầu tiên là tên một bài báo kể về bốn trường đại học nổi tiếng của Hoa Kỳ là Đại học Harvard, Đại học Columbia, Học viện Wellesley và Học viện Holyoke cùng tiếp nhận cô bé 18 tuổi Lưu Diệc Đình vào học, đài thọ trên 30.000 USD mỗi năm. 

Cuốn sách đã làm xôn xao dư luận toàn Trung Quốc, làm nức lòng các bậc cha mẹ đang chăm lo cho con cái học hành vì ai cũng biết ngay với một học sinh Mỹ, muốn vào Đại học Harvard là chuyện khó hơn cả lên trời. Sau khi có bài báo phát hành thì hàng trăm ngàn cú điện thoại, thư tín gửi đến nhà Lưu Diệc Đình hỏi về cách nuôi dạy con gái và cho biết tại sao Đại học Harvard lại coi trọng khả năng nổi trội và năng lực tổng hợp của Diệc Đình đến vậy. Không thể trả lời hết các câu hỏi đó, bà Lưu Vệ Hoa (mẹ Lưu Diệc Đình) đã viết cuốn sách “Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế” kể lại tỉ mỉ quá trình nuôi dạy Diệc Đình. 


Tác phẩm


Sách được ấn hành năm 2001, chỉ riêng năm này số lượng sách đã phát hành kỷ lục hơn 1 triệu bản, tái bản tới 32 lần và đã được dịch sang tiếng Việt. Cuốn cẩm nang này đã giữ ngôi vị best-seller trong suốt 16 tháng liên tục, lượng xuất bản lên tới gần 3 triệu bản tính tới nay, nhận được hưởng ứng tích cực chưa từng thấy từ các bậc phụ huynh. Những ông bố bà mẹ mong muốn con cái mình thành đạt thì lại càng xúc động, khát vọng giáo dục con cái mình trở thành một Lưu Diệc Đình thứ hai.

Cuốn sách chia làm 11 chương, thuật lại quá trình Diệc Đình 0 tháng tuổi cho đến khi vào THPT rồi vào ĐH Harvard. Ở mỗi giai đoạn, bà Lưu và chồng đã áp dụng những phương pháp ra sao, tìm trường mẫu giáo như thế nào, rèn luyện ý chí và tâm sự cùng con ra sao, nhất là thời điểm tuổi dậy thì... Lưu Vệ Hoa và Trương Hân Vũ luôn vận dụng tối đa phương châm "Lo trước 1 bước". Bản thân mình thấy quá là đúng, nên học tập! "Cái gọi là giáo dục, không phải là đi học, biết chữ, mà là bồi dưỡng nhân cách kiện toàn, kích thích niềm hăng say mọi mặt, khiến trẻ có thể phát huy đầy đủ năng lực bản thân trong tương lai". - Ibuka Masaru.


“Em phải đến Harvard học kinh tế” - Lưu vệ Hoa, Trương Hân Vũ. Cuốn sách này kể về quá trình nuôi dạy con của mẹ Lưu Vệ Hoa và Trương Hân Vũ. Người con ở đây chính là cô bé Lưu Diệc Đình - “Cô gái Harvard”,  thần tượng học tập của nhiều học sinh Trung Quốc và cả tôi bây giờ. Cô quả là xuất chúng, cùng một lúc Lưu Diệc Đình đã nhận được 4 thư trúng tuyển và nhận học bổng toàn phần của 4 trường đại học danh giá của Mỹ: Học viện Mount Holyoke, Học viện Wellesley, Đại học Columbia và Đại học Harvard. 


“Người ta đã chứng minh được rằng, nếu trong thời kỳ nhất định, ta cho ong thợ ăn một loại thức ăn nhất định, thì con ong đó sẽ biến thành ong chúa. Nhưng nếu bỏ qua giai đoạn cần thiết đó thì cho dù có nuôi con ong kia bao nhiêu lâu và cũng bằng đúng loại thức ăn ấy chăng nữa nó cũng không sao trở thành ong chúa được. Chó rừng ngay từ lúc nhỏ đã có khả năng bới đất giấu thức ăn còn thừa, nhưng đúng vào thời gian ấy, nếu ta nhốt chó rừng vào căn phòng nền tráng xi măng thì chỉ một thời gian sau đó, chó rừng mất đi khả năng bới đất giấu thức ăn. Với đứa trẻ, sự việc xảy ra cũng hệt như vậy. Người ta cứ tưởng là bắt đầu dạy con càng muộn càng tốt, vì nó sẽ được chuẩn bị chu đáo hơn. Nhưng không phải thế! Có những giai đoạn hết sức quan trọng và đặc biệt nhạy cảm đối với mỗi hình thức nuôi dạy, như thế bị bỏ qua sẽ không bao giờ bù đắp lại được. Nếu như đứa trẻ lên ba mới bập bẹ biết nói thì tưởng như chuyện đó chẳng có gì “nguy hiểm” cả. Rồi sau này bé sẽ nói sõi thôi. Song người ta thấy rằng việc học nói của em sẽ lâu hơn, khó khăn hơn và cái chính là nó không có tác dụng phát triển trí thông minh như khi biết nói đúng độ tuổi.”


Không phải ngẫu nhiên mà cô có thể trở thành người xuất sắc đến như vậy được. Bên cạnh công sức và sự nỗ lực của Lưu Diệc Đình, thì sự kiên trì bền bỉ, hy sinh vì công cuộc “giáo dục từ bé” của mẹ và cha dượng, đây có lẽ là yếu tố tác động lớn nhất đến thành công của cô. Khi đang mang thai Đình Nhi (Lưu Diệc Đình), mẹ Lưu Vệ Hoa đã đọc được cách giáo dục con của Witte Cha (Phương pháp Karl Witte, Johann Heinrich Friedrich Karl Witte (1800-1883) là một học giả người Đức, được biết đến như là tiến sĩ trẻ nhất thế giới khi nhận bằng tiến sĩ tại trường Đại học Giessen tại Đức năm 13 tuổi (trong sách Kỷ lục thế giới ghi là 12 tuổi). Ông là con của một mục sư (pastor) tên là Karl Heinrich Gottfried Witte, người đã dành trọn tâm huyết giáo dục ông từ bé thơ và đã ghi chép cẩn thận lại quá trình giáo dục ông như thế nào). Vì thế, bà đã lên kế hoạch để “đào tạo” con mình theo cách tốt nhất. 


Theo từng độ tuổi, bà cùng Trương Hân Vũ có từng phương pháp dạy con phù hợp nhằm khai thác sự học hỏi, hình thành liên kết não bộ Đình Nhi theo cách thú vị và hiệu quả nhất. Vì vậy, chẳng có gì là lạ khi mà trí tuệ cô lại vượt xa nhiều bạn cùng trang lứa. Đình Nhi được mẹ rèn luyện những kỹ năng cơ bản từ việc gấp quần áo, dọn dẹp đồ chơi, tự tắm rửa, phụ mẹ vào bếp, tiết kiệm tiền tiêu vặt, kĩ năng tự tin trước đám đông, tu dưỡng đạo đức và lối sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên…


Trên phương diện khác, xuyên suốt cuốn sách này, tôi chưa từng thấy Đình Nhi có bất kì ý kiến riêng nào, cô học tập hoàn toàn dựa trên sự kiểm soát của mẹ. Điều này có lẽ không còn đúng với trẻ con ngày nay, bọn trẻ có quyền nêu ra ý kiến của bản thân mình nhiều hơn. Tôi nghĩ có thể Lưu Diệc Đình là một cô bé may mắn, nếu không có sự giáo dục từ nhỏ của mẹ và cha dượng thì cô khó có được như ngày hôm nay. Và con của chúng ta cũng vậy, chúng cũng sẽ là thiên tài nếu tôi và các bạn quan tâm, rèn luyện cháu từ sớm. “Giáo dục từ sớm” sẽ góp phần không hề nhỏ đối với sự thành công của con em bạn ngày mai.

Nhân vật chính của cuốn sách - Lưu Diệc Đình, năm 1996 thi đỗ vào trường trung học ngoại ngữ Thành Đô sau một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Sau vô số những nỗ lực tích cực và thành tích xuất sắc, đến năm 1999 đã nhận được giấy báo nhập học và học bổng toàn phần của bốn trường Đại học tại Hoa Kỳ, trong đó có Harvard. Sau đó, cô theo học chuyên ngành Kinh tế học và Toán ứng dụng tại Harvard, tháng 6 năm 2003 tốt nghiệp, vào làm việc trong tập đoàn tư vấn Boston (Boston Consulting Group) nổi tiếng. Hiện cô định cư tại Mỹ.


Giá trị 


Qua cuốn sách này thực sự mình vô cùng khâm phục ba mẹ của Đình Đình vì từ những năm 1980 mà học đã có tư tưởng dạy con vô cùng tiến bộ và nhiều phương pháp vẫn có thể áp dụng tuyệt vời trong thời đại ngày nay:


- Chân thành gốc, khôn khéo là ngọn. 


- Phải luôn giữ được trạng thái cân bằng trước những lời khen chê đủ kiểu của thiên hạ. Không được vì sự chê bai của người khác mà làm mất dũng khí vươn lên của mình, và trước sự tán dương ầm ĩ phải biết kiềm chế, không được say sưa tự mãn. 


- Không nên vì chưa thấy cá mà bỏ dở việc đan lưới, thời cơ chỉ đến với những người có đầu óc sẵn sàng đón nhận. 


- Bồi dưỡng cho con từ bé: Hãy luôn khuyến khích sự suy nghĩ, giải quyết vấn đề của trẻ, tôn trọng ý kiến của trẻ, đặt mình vào vị trí của trẻ để thấu cảm, rồi mới định hướng cho trẻ.


- Luyện cho con thói quen viết nhật ký: Nếu con chưa biết viết, hướng dẫn con làm văn miệng, có thể mô tả lại những sự vật sự việc xung quanh, đặt cho con những câu hỏi mở. 


- Làm việc có thời gian biểu, việc nào ra việc đó là quan trọng.


- Lớn hơn một chút khi đi du lịch tham quan nhất định lúc về phải viết bài thu hoạch về những điều đã trải nghiệm hay học tập được vừa qua. Từ trước đến giờ mình luôn nghĩ nhật ký là việc ghi lại những việc "vô thưởng vô phạt" của một ngày, chú trọng vào việc thể hiện cảm xúc cá nhân. Tuy nhiên, nhật ký trong cuốn sách này là cách để tạo thói quen viết, cũng như viết có câu chủ đề, sau đó là phân tích ý, sao cho có trọng điểm.


- Rèn luyện trí não phải đi đôi với rèn luyện thân thể: Sức khỏe vô cùng quan trọng nên mình sẽ cho con học một môn thể thao nào đó con thích để sau này vừa rèn luyện sức khỏe lại vừa có một hình thức giải trí lành mạnh sau giờ học giờ làm. Ngoài ra giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà cũng là một hình thức rèn luyện vừa bồi dưỡng sự tự lập, biết chia sẻ công việc trong gia đình cũng vừa giúp bé có thể rèn luyện thân thể.


- Bố mẹ cần tìm hiểu về các thứ xung quanh con, trước khi có thể đưa ra lời khuyên hay kịp thời có hướng xử lý cho hành động của con, cũng như những hỗ trợ cần thiết. Ví dụ khi con ở thời kỳ chống đối, để phản đối việc con say mê yêu thích cái gì mà bố mẹ nghĩ sẽ ảnh hưởng xấu đến con, không chỉ là mắng mỏ ngăn cấm mà cần tìm hiểu về thứ con yêu thích trước, trên cơ sở lý giải mặt lợi và hại mới cùng nói chuyện với con. Trước những thử thách về mặt học tập con phải đối mặt, tìm hiểu về trường, quy trình apply học bổng. 


Tuy nhiên, cũng phải nói đến những điểm cuốn sách không nêu bật lên nhưng làm mình rất bận tâm, ví dụ như các hành động bạo lực (đánh bạn) của cô bé trong truyện khi vào tuổi mới lớn. Hành động này có lẽ là có một phần nguyên nhân từ việc người mẹ cũng khá nóng vội, dễ mắng mỏ quát tháo trong quá trình nuôi con lớn


Kết luận 


Chung quy, thành tích học tập của Diệc Đình cũng do chính bản thân cô bé cố gắng mà nên. Nhưng để có được quyết tâm và động lực thực hiện. Đó là cả quá trình tự rèn luyện và được dạy dỗ bởi vợ chồng bà Lưu. 

Mình cũng muốn nhắc lại, việc bà Lưu đã áp đặt ý kiến của mình vào những sự kiện sẽ ảnh hưởng tới học tập của Diệc Đình như yêu sớm, đọc truyện tranh, múa ba lê... Không biết khi trưởng thành hơn, Diệc Đình có cảm thấy hối tiếc một xíu cho tuổi thơ của mình không? Đó cũng chỉ là những thắc mắc đơn thuần của người đọc. Nhưng khi chúng ta biết được câu chuyện truyền cảm hứng về cách nuôi dạy con và sự nỗ lực không ngừng của Diệc Đình, điều này tiếp thêm động lực cho chúng ta phải nỗ lực phấn đấu cho những kế hoạch, ước mơ riêng của mình!.




--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,923 lượt xem