Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] “Hãy Chăm Sóc Mẹ”: Ôi Yêu Thương, Khi Nào Còn Có Thể Yêu Thương!

Cuộc sống bận rộn với hàng tá công việc phải hoàn thành, những cuộc hẹn, cuộc lần đi công tác, vv. Cuộc sống thành thị xô bồ và phức tạp, lắm lúc chúng ta quên đi quay về mái ấm gia đình và chăm sóc bố mẹ của mình. Chúng ta ngày càng trưởng thành, đồng thời họ cũng già đi. Chúng ta chỉ sống một lần, đừng để tháng ngày rồi đi, cơ hội chăm sóc cho bố mẹ mình cũng không còn. Hãy Chăm Sóc Mẹ của Shin Kyung-Sook đã làm lay động hàng triệu trái tim người con. Hãy yêu thương khi còn có thể!

Về tác giả:

Shin Kyung-Sook sinh năm 1963 trong một gia đình nghèo sống ở miền Nam Hàn Quốc. Không có điều kiện vào trường trung học, mười sáu tuổi cô lên Seoul kiếm sống. Shin Kyung-Sook khởi nghiệp viết văn năm 1985 và gặt hái nhiều thành công. Các tác phẩm của cô luôn có lượng đọc giả lớn và nhận nhiều giải thưởng văn học lớn trong nước cũng như trong khu vực. Với Hãy chăm sóc mẹ, cô trở thành nhà văn châu Á nổi tiếng bậc nhất năm 2009.

Vì sao mình đọc quyển tiểu thuyết này?

- Tiêu đề khá thu hút, đề tài gia đình nên cảm thấy tò mò

- Mình muốn sau khi đọc xong, mình sẽ thay đổi cách suy nghĩ về vai trò của người mẹ và dành nhiều thời gian hơn cho mẹ

- Mình muốn đắm mình vào những cảm xúc thiêng liêng và hạnh phúc khi có mẹ chăm sóc hồi thời thơ ấu

- Mình muốn hiểu lý do đằng sau tiêu đề "Hãy chăm sóc mẹ" là gì.

Nội dung

Nội dung câu chuyện xoay quanh sự việc người mẹ Park So-nyo bị mất tích tại sân ga tàu Seoul trong một dịp lên thành phố cùng người chồng để tổ chức cùng các con nhân dịp sinh nhật của họ. Ngay tại sân ga ấy, người mẹ đã bị thất lạc và chính người chồng cũng đã không hề hay biết về sự mất tích này. Mãi đến khi tàu di chuyển và rời ga, ông mới bàng hoàng nhận ra bà vợ của mình đã không lên tàu.

Xuyên suốt tác phẩm, tác giả đã khắc họa rõ nét hình ảnh một người mẹ, một người vợ đảm đang, tần tảo và lúc nào cũng chịu thương chịu khó chăm sóc cho cả gia đình có 4 người con. Sau khi bà mất tích, diễn biến tâm lý của từng thành viên gia đình khá phức tạp. Tác giả phân tích chi tiết và đánh sâu vào tâm lý ăn năn, hối tiếc và xót thương của từng nhân vật, khiến cho độc giả chúng ta không giây phút nào kìm được nỗi xúc động.

Hình ảnh người mẹ có dáng người mảnh khảnh, tóc muối tiêu, gò má cao, khi đi lạc mặc áo sơ mi xanh da trời, áo khoác trắng, váy xếp nếp màu be sau khi bị mất tích khiến không khỏi chúng ta cảm thấy xót thương cho sự cố xảy ra không ý muốn này.

Cấu trúc

Tác phẩm được chia ra nhiều phần, với mỗi phần là diễn biến tâm lý của từng nhân vật. Ngôn ngữ được sử dụng nhằm khơi gợi cảm xúc trong lòng người đọc, khiến cho chúng ta không khỏi xúc động.

Lối hành văn gần gũi, khắc họa rõ nét cuộc sống thôn quê, những con người tuy bình dị, mộc mạc nhưng mang trong mình hạnh phúc và sự an nhàn.

Diễn biến tâm lý từng nhân vật

Sau khi người mẹ mất tích, tất cả những thành viên gia đình đều hết sức ngạc nhiên, bàng hoàng và tất bật tìm mọi cách để truy tìm dấu vết những nơi mà mẹ có thể sẽ đi qua. Họ in những tờ rơi có dán hình người mẹ lên, sau đó đi đến các nơi đông người ở ga tàu, khu trung tâm thương mại lớn để phân phát nhằm kêu gọi mọi người hãy để ý và quan sát xem mẹ có xuất hiện ở đâu không, đồng thời cũng không quên treo giải thưởng cho người nào tìm ra được người mẹ đã bị mất tích ở ga tàu Seoul.

Từ khi nghe tin mẹ bị thất lạc cho đến bây giờ, tất cả các thành viên đều không suy nghĩ được gì. Những ký ức tưởng chừng như quên lãng từ lâu bỗng chốc lại ùa về, khiến cho lòng tất cả những người con và người bố đều vô cùng khắc khoải và đau xót. Phải chăng, khi mẹ còn bên cạnh họ, họ lại xem như một điều dĩ nhiên, còn khi mẹ mất tích rồi, thì lại cảm thấy ăn năn và hối hận? Con người thường có xu hướng: Cái quý giá trước mắt thường thì sẽ không trân trọng, đợi đến khi mất đi rồi mới hối tiếc và níu giữ, nhưng trớ trêu thay, đến lúc ấy thì đã quá muộn màng.

Hyong-Chol- người anh cả trong gia đình

Hyong-Chol là anh cả trong gia đình có năm người con. Anh là người mà mẹ tự hào nhất. Từ nhỏ, anh đã có mơ ước làm công tố viên nhằm bảo vệ mẹ khỏi những đêm rời khỏi nhà vì người bố lúc nào cũng dẫn một người phụ nữ lạ vào nhà. Sau khi tốt nghiệp trung học ở thị trấn, anh đã tự ôn thi công chức trong vòng một năm, rồi thi đỗ và chuyển lên thành phố làm việc.

Có một lần, khi đã nhận được công việc đầu tiên tại thành phố, mấy tháng sau anh được biết có một trường đại học luật ở Seoul học vào buổi tối nên anh quyết định đăng ký học. Anh nhận ra rằng, anh cần bằng tốt nghiệp trung học.

Anh tính gửi thư về cho bảo bố mẹ sao y bằng tốt nghiệp cho anh, nhưng anh sợ rằng sẽ không kịp để làm hồ sơ, nên anh bảo bố anh rằng nhờ bố ra bến xe buýt đề nhờ ai đó lên Seoul mang hộ tấm bằng tốt nghiệp trung học cho anh. Sau khi xong thì nhớ bố gọi điện lên ủy ban phường cho anh (vì anh đang sống và làm việc ở ngay ủy ban luôn) nhưng rốt cuộc, anh đợi cả ngày trời mà không có ai gọi đến. Cuối cùng, người mẹ tần tảo sớm hơn lại xuất hiện ngay trước một ngày anh chuẩn bị nộp hồ sơ.

Hyong-chol à! Mẹ đây! Là mẹ đây?

Mẹ không biết là có làm lỡ việc của con không nữa?

Sau đó mẹ đưa tấm bằng tốt nghiệp cho anh. Bà đã lặn lội đường xa, vội vã bắt tàu hỏa lên Seoul trong một thời tiết vô cùng giá lạnh chỉ để mang cho anh thứ anh cần. Bàn tay bà lạnh cóng.

Có thể nói, người mẹ trong lòng Hyong-chol là một người mẹ lúc nào cũng hy sinh vì con cái, không ngại khó nhọc.

Trong mắt bà, anh luôn là người mà bà rất tự hào.

Không như những đứa trẻ khác, con không bao giờ để mẹ phải nhắc nhở điều gì. Con tự mình làm mọi việc. Con sáng ngời lại học giỏi. Mẹ rất tự hào về con, đôi khi mẹ thấy thật ngạc nhiên vì mình đã sinh ra một cậu con trai như con.

Mẹ rất chiều chuộng anh khi bố không có ở nhà. Mẹ cho anh đi chiếc xe đạp của bố.

Bát canh đầu tiên mẹ múc ra mẹ luôn đặt trước mặt anh. Nếu mấy đứa em định ăn, mẹ sẽ mắng: Anh còn chưa cầm đũa đâu đấy?

Hay có những khi anh đang học bài thì người mẹ ấy không để cho anh động tay động chân vào bất cứ việc gì. Bà luôn hạ giọng xuống mỗi khi nói chuyện với các em của anh khi có việc cần trong khi anh đang học bài,. Những lúc anh học bài, mẹ luôn đóng cửa rất nhẹ nhàng.

Mẹ lặng lẽ mang vào phòng anh mấy củ khoai lang luộc hoặc mấy quả hồng rồi lại lặng lẽ đóng cửa đi ra.

Những ký ức chôn sâu trong tâm trí anh tất cả lại ùa về, khi mẹ mất tích, anh mới nhận ra mẹ đã yêu thương anh như thế nào.

Chi-hon - nữ tác giả nổi tiếng

Kể từ khi mẹ mất tích, hàng loạt những kỉ niệm cũng như ký ức xa xưa trỗi dậy trong cô. Cô hối hận vì mẹ còn bên cạnh, cô đã không cư xử đúng mực và quan tâm mẹ khi còn có thể.

Cô nhớ đến thời điểm cô luôn cau có với mẹ khi nói chuyện điện thoại. Từ lúc cô lên thành phố, cô ngày càng khó chịu. Cô hay cãi mẹ: Mẹ thì biết gì chứ? hay Sao mẹ là mẹ mà đi làm như vậy chứ? Có những lúc mẹ cô thắc mắc không biết cô đang làm gì, thì cô lại trả lời rằng: Mẹ biết chuyện đó để làm gì? Cô thậm chí nói những lời khiến cho mẹ buồn kinh khủng chỉ vì câu chuyện con chó nhỏ và cọng dây xích.

Mỗi lần gọi về nhà, cô hay trách mẹ là sao nhốt con chó vào một cái chuồng chật hẹp, làm sao nó sống được. Cô nói người nhà quê thật khó chịu. Hay có những lần, cô bảo sẽ gọi điện cho mẹ nhưng bẵng đi một khoảng thời gian cũng không thấy cô gọi vì bận rộn với mớ công việc hằng ngày.

Có những lúc cô khiến mẹ thật sự đau lòng.

Cô chỉ quan tâm đến con chó chứ quan tâm gì đến mẹ cô! Cô nghĩ mẹ cô là người đối xử với con chó tệ thế à? Cô không cần dạy tôi phải làm gì?Tôi nuôi nó theo cách của tôi!

Con không phải là con của ngày xưa nữa, con đã trở thành một người quá lạnh lùng. Nếu mẹ dập điện thoại như vậy, cho dù thế nào con cũng phải gọi lại cho mẹ chứ, sao con lại cứng đầu cứng cổ như thế chứ?

Tiếp sau đó, có những lúc mẹ cô bị đau đầu, không đứng dậy được, cứ nằm lăn lóc trong bếp, lúc ấy cô chỉ nghĩ mẹ đang bị bệnh thông thường thôi, nhưng thật ra, bà đang bị tai biến mạch máu não rất nghiêm trọng. Chỉ vì không muốn cho các con và chồng lo, nên bà khăng khăng không nói và cũng không chịu đi bệnh viện để khám.

Nghĩ đến cách mà người mẹ cảm nhận đau đớn cũng đủ khiến chúng ta chạnh lòng, nhưng trong thời điểm đó, không một ai biết và cũng không ai bên cạnh để chăm sóc bà. Tất cả bà phải tự chịu đựng và vượt qua.

Mẹ đang đặt một tay lên trán, dường như đang cố hết sức để chống chọi với cơn đau. Đôi môi của mẹ hé mở, các nếp nhăn giữa các cặp lông mày cau lại trông như những sợi dây thép.

Hai mắt mẹ đỏ ngầu, vầng trán ướt đẫm mồ hôi, hình như mẹ không nhận ra cô. Vì quá đau, khuôn mặt mẹ nhăn nhó khổ sở.

Chứng đau đầu dường như đang gặm nhấm mẹ Mẹ nhanh chóng mất đi sinh khí và bản tính chan hòa. Mẹ bắt đầu phải nằm nghỉ nhiều hơn. Thêm vào đó, mẹ cô cũng mất dần cảm giác với mọi thứ. Có lần, sau khi đặt nồi giẻ lau lên bếp, mẹ ngồi phịch xuống nền bếp và không thể đứng dậy được. Nước bốc hơi khiến đống giẻ lau bốc cháy và cả gian bếp mù mịt khói, thế nhưng mẹ cô vẫn không thể tỉnh lại được.

Trong lòng mẹ, cô là người mà mẹ quan tâm và dành hết tình yêu thương. Vì cô là nhà văn nên đối với những tác phẩm của cô, bà luôn trân trọng và vô cùng tự hào.

Nếu con xuất hiện trên báo, thế nào mẹ cũng gập tờ báo đó lại cất vào trong túi xách, rối cứ lấy ra ngắm nghía suốt. Mỗi khi đi vào trong thị trấn, gặp ai mẹ con cũng lấy ra khoe khoang với người ta đấy. Mẹ còn lấy ra cả quyển sách con viết nhờ một cô ở Ngôi nhà Hy vọng của trẻ mồ côi đọc cho nghe đấy. Mỗi khi nghe đọc sách, khuôn mặt mẹ lại rạng rỡ hẳn lên, còn cười nữa.

Người bố

Diễn biến tâm lý của người bố cũng vô cùng phức tạp và hỗn loạn. Mỗi khi nghĩ đến bà, lòng ông lại đau tê tái và nước mắt lưng tròng.

Ông chẳng mất đến một phút để nhận ra rằng cuộc đời ông đã rẽ sang hướng khác bởi vì ông đã bước đi quá nhanh. Suốt năm mươi năm kể từ khi lấy vợ, ông luôn đi trước vợ từ ngày cưới, từ khi bà còn trẻ cho tới lúc bà đã già. Nếu ngay khi lên tàu điện ngầm ông cẩn thận quay lại kiểm tra xem vợ đã lên chưa thì mọi chuyện có ra cơ sự này không?

Mỗi lúc ông đi nhanh như thế, ba chỉ biết nói câu:

Ông cứ đi nhanh như thế, nếu lạc mất tôi thì ông tính sao?

Từng cử chỉ hay hành động yêu thương ông thường không chịu thể hiện khi bà còn sống bên cạnh ông. Lúc nào ông cũng vô tâm và luôn thờ ơ với những gì bà làm. Ngay cả khi bà bị ốm năng, ông cũng không nấu nổi cho bà một bát cháo hoặc một cốc nước ấm.

Thế nhưng bây giờ khi vợ ông mất tích, ông lại hồi tưởng lại những ký ức xa xưa cùng với bà, trong lòng không khỏi ăn năn và hối hận. Ông tự trách mình vì đã không chăm sóc cho bà thật tử tế, bây giờ thời gian có quay lại thì có lẽ ông sẽ trân quý và yêu thương bà nhiều hơn. Nhưng thật không may, trên đời này làm gì có nếu như.

Mỗi khi ông muốn ăn bất cứ món gì, bà luôn sẵn sàng nấu cho ông ăn mà không hề do dự có đang bận hay không.

Mỗi khi ông muốn ăn cái gì đó, thì cho dù là có đang giã hồ tiêu hay xếp lá vừng hay muối cải thảo đi chăng nữa, vợ ông đều dừng ngay lại không chút lưỡng lự, tiến đến chỗ ông mà nói: Tôi đã hái được một ít lá ba chưởng trên núi đấy, ông có muốn ăn bánh lá ba chưởng không?

Chưa bao giờ ông nấu cho vợ mình một bát canh rong biển, vậy mà tại sao ông lại nhận tất cả những gì vợ ông làm cho một cách hiển nhiên như thế?

Kể từ khi vợ bị lạc, cứ mỗi khi nghĩ đến chuyện mình luôn đi quá nhanh, ngực ông lại như muốn nổ tung.

Hình ảnh người mẹ tần tảo & vất vả

Bà ấy bị thương ở mu bàn chân. Bà ấy đi đôi dép lê màu xanh, một bên dép cứa vào bàn chân chỗ gần ngón cái sâu đến nỗi một miếng thịt long ra tạo thành vết rách sâu hoắm, có lẽ vì bà ấy đã đi bộ quá xa. Ruồi muỗi bu đầy quanh vết thương đang rỉ mủ, chắc là cảm thấy khó chịu nên bà ấy cứ đưa tay phe phẩy đuổi chúng đi.

Đối với hình ảnh một người mẹ, khi nhắc đến bạn sẽ nghĩ đến điều gì? Trong phần đông tất cả, chúng ta đều nghĩ hình ảnh của người mẹ lúc nào cũng gắn liền với gian bếp. Mẹ là bếp và bếp cũng chính là mẹ. Nhưng có một điều quan trọng là, bạn có bao giờ nghĩ rằng, mẹ thích những công việc bếp núc ấy không?

Chắc chắn, sau khi đọc xong câu chuyện về người mẹ trong quyển sách này, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên rằng, thật ra những người mẹ đều không thích quẩn quanh trong gian bếp. Có ai mà lúc nào cũng có thể xuống bếp mỗi ngày, nấu những món ăn cứ lặp đi lặp lại trong ngần ấy năm mà không cảm thấy chán nản và bức bối chứ? Nhưng điều mà một người mẹ vĩ đại trong mắt chúng ta vẫn thường hay làm là sự hy sinh cao cả.

Vì lo cho những đứa con, muốn mỗi ngày trôi qua chúng đều có cơm ăn áo mặc đầy đủ, những món ăn đủ chất và lành mạnh thì tinh thần vực dậy của người mẹ lại càng mạnh mẽ vô cùng. Công việc bếp núc rất vất vả và chán chường lắm chứ, nhưng vì các con nên người mẹ cố gắng ngày quan ngày, rồi một cách vô thức, gian bếp gắn liền với hình ảnh tần tảo và đảm đang của người mẹ.

Khi cô con gái Chi-hon hỏi rằng: Mẹ có thích nấu nướng không? Người mẹ nhìn cô chằm chằm và nói:

Mẹ không nghĩ đến chuyện thích hay không thích ở dưới bếp. Mẹ nấu nướng vì đó là việc mẹ cần phải làm. Mẹ phải ở dưới bếp để nấu ăn cho các con rồi còn đi học. Làm sao mà ta chỉ có thể làm những việc mình thích được chứ? Có nhiều việc ta phải làm cho dù ta có thích hay không. Nếu chỉ làm những việc mình thích thì ai sẽ làm những việc mình không thích đây?

Nếu được nấu một nồi cơm to và một nồi canh nhỏ thì mẹ chẳng quản mệt nhọc vì mẹ thấy vững tâm khi nghĩ đây là thức ăn nuôi lớn các con.

Tình yêu thương lớn lao mà người mẹ dành cho con cái của mình là một điều hết sức thiêng liêng, nhưng đôi khi chúng ta lại xem những việc đó là vô cùng hiển nhiên. Cuộc sống xô bồ và bận rộn ngoài kia, đã bao giờ chúng ta dừng lại và dành thời gian để hỏi thăm sức khỏe của bố mẹ mình chưa? Vì bôn ba ngoài xã hội nên có lúc ta vô tình bỏ qua hay không bận tâm hỏi thăm bố mẹ của mình, nhưng đợi đến khi họ già đi, hay có mệnh hệ gì thì có hối tiếc đi chăng nữa cũng không bao giờ kịp.

Thông qua việc mẹ bị mất tích, các thành viên gia đình đều cũng rất bất ngờ vì mẹ cũng không biết chữ. Mỗi lần những người con từ thành phố gửi thư về, bà đều không thể đọc, bà chỉ biết nhờ người khác đọc to lên những dòng chữ trong bức thư. Khi nghe xong, lòng bà lại cảm thấy hân hoan và hạnh phúc biết bao. Ngoài ra, nếu không có sự cố lần này, có lẽ tất cả thành viên gia đình cũng không hề biết bà bị tai biến mạch máu não một lần rồi. Những cơn đau đầu cứ kéo đến, cơ thể mệt mỏi cùng với cảm giác đau đớn và khó chịu đang gặm nhấm mẹ từng ngày. Tuy vậy, mọi người đều thấy việc ấy chỉ là triệu chứng bình thường của một người già!

Hình ảnh người mẹ lúc nào cũng yêu thương các con và người chồng của mình. Lúc nào cũng cặm cụi sớm hôm để lo cho các thành viên gia đình từ miếng cơm đến manh áo. Tất cả những việc trong nhà bà đều một tay quán xuyến, nhưng đợi đến khi bà mất tích rồi, tất cả mới phát hiện ra tầm quan trọng của bà trong lòng mỗi người như thế nào.

Lời kết

Hy vọng sau khi đọc xong quyển sách này, những người con sẽ chăm sóc cho mẹ mình thật tốt!

  •  Hãy trân quý tính cảm gia đình & yêu thương bố mẹ nhiều hơn, vì chúng ta chỉ có một người cha và một người mẹ.

  • Tuy cuộc sống bận rộn, nhưng chúng ta nên dành nhiều thời gian để hỏi thăm sức khỏe và phụng dưỡng cho bố mẹ khi có thể. Có thể dẫn họ đi du lịch hoặc đi ăn những món ăn dân dã nhưng mộc mạc và bình dị.

  •  Trân trọng những gì trước mắt, yêu quý những người thân yêu của mình. Cuộc đời là những biến số, không ai dự đoán được ngày mai sẽ ra sao.

  •  Hãy đối xử với bố mẹ một cách tử tế, chân thành và hiếu thảo.

  • Con cái là niềm tự hào của bố mẹ. Khi bạn hạnh phúc thì họ cũng hạnh phúc.

Review chi tiết bởi: Tuyết Sơn- Bookademy

Hình ảnh: Tuyết Sơn

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,881 lượt xem