Kim Chi@Viện Sách - Bookademy
4 năm trước
[Review Sách] “Hoàng Tử Bé”: Cuốn Sách Kì Lạ Được Viết Bởi Một Tác Giả Kì Lạ
“Bạn có thích trẻ con không?” – Nếu cách đây nhiều năm, tôi dám cá câu trả lời của hơn 90% người được hỏi sẽ nói: “Có! Trẻ con dễ thương lắm, đáng yêu lại thơm tho nữa”. Nhưng ở hiện tại, dường như con số trên đã thay đổi. Nhiều người sẽ suy nghĩ rất lâu để có một câu trả lời khá nước đôi rằng: “Tôi thật sự không biết nữa. Tôi không nghĩ mình có thể chịu đựng được đám trẻ con”. Hoặc thẳng thừng: “Không, tôi thà sống cô đơn cả đời còn hơn bị vây quanh bởi một đứa trẻ”. Nhưng chính chúng ta cũng từng là những đứa trẻ con, vậy tại sao chúng ta lại ghét chính mình trước kia nhỉ? Vì trẻ con nghịch ngợm chăng, vì chúng luôn làm đủ trò khiến ta cảm thấy phiền phức hay sao, hay vì chúng luôn đặt ra hàng tá câu hỏi bắt ta phải trả lời bằng được mới thôi? Mỗi người sẽ tìm ra những lí do khác nhau để thanh minh cho suy nghĩ của mình! Trong con mắt của phần lớn người lớn, trẻ con là như vậy! Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi nếu vậy thì trẻ con nghĩ gì về người lớn chưa, với những đứa trẻ, chúng ta là người như thế nào nhỉ? Những khúc mắc ấy sẽ được lí giải phần nào qua cuốn sách Hoàng tử bé của Antoine de Saint Exupéry, tác phẩm viết cho trẻ con và cho cả những ai đã từng là trẻ con!
Nhà văn Antoine de Saint Exupéry sinh năm 1900 tại Lyon, Pháp. Chiến
tranh thế giới thứ nhất, ông theo mẹ sang Thuỵ Sĩ. Năm 1917, ông trở về Pháp,
học trung học tại Paris, sau đó ông vào trường Mĩ thuật. Trong chiến tranh thế
giới thứ hai, ông tham gia không quân. Năm 1944, máy bay của ông mất tích trên
bầu trời Địa Trung Hải. Do mất tích khi mới 44 tuổi và cũng dành rất nhiều thời
gian để thực hiện các chuyến bay, số lượng tác phẩm của Saint Exupéry để lại
không nhiều, nhưng hầu hết đó là những tác phẩm đặc sắc. Người đọc có lẽ biết
đến ông nhiều nhất với tác phẩm Hoàng tử
bé – một câu chuyện ngắn nhưng để
lại cho chúng ta bao dư âm sâu sắc.
“Hoàng tử bé” ngắn mà mãnh liệt… biểu hiện nỗi đau của nhà văn và tư tưởng triết học của ông về ý nghĩa của sự có mặt ở trên đời, nỗi khát khao không thể nào vơi được về lòng nhân ái, về sự cảm thông giữa con người.”
Dịch giả Nguyễn Thành Long
Hoàng tử bé là một cuốn sách kì lạ được viết bởi một tác giả kì lạ. Saint Exupéry
đâu phải là một nhà văn thường, mà là một nhà văn phi công! Ông sáng tác Hoàng tử bé trong thời kì lưu vong khi
nước Pháp bị chiếm đóng, ông không được bay theo đúng nghĩa. Nỗi đau ấy đã được
thể hiện thoáng qua lời đề tặng của cuốn sách: “Gửi
Léon Werth khi ông ấy còn là một cậu bé”.
Tại ngôi nhà The Bevin House ở Long Island, New York, ông đã ngày đêm viết và
minh họa cho cuốn truyện, với sự giúp đỡ của bánh kẹp và trứng trộn, gin và tonic,
Coca Cola và thuốc lá. Ngôi nhà rộng lớn ấy cũng là nơi ông dễ dàng di chuyển
để đuổi theo ánh sáng cuối ngày. Chính cái nhìn trầm tư mặc tưởng của ông trước
những cảnh hoàng hôn ở nơi đây, đã trở thành phần không thể thiếu của Hoàng tử bé, với buổi chiều 44 lần ngắm
mặt trời lặn trứ danh của cậu hoàng tử.
Cuộc hành trình khám phá chính mình bắt đầu…
Hoàng tử bé sống trên tiểu tinh cầu B612. Ở đó có ba ngọn núi lửa (hai ngọn đang hoạt động còn ngọn kia đã tắt) và một bông hoa hồng. Cậu chăm sóc cho tiểu hành tinh của mình hằng ngày, nhổ hết các cây bao báp định bám rễ, mọc lên tại đây. Những cái rễ đó sẽ xói đục hành tinh và làm cho thế giới cậu đang sống bị xé rách ra. Hoàng tử bé đem lòng yêu một đóa hồng ở quê nhà. Nàng tự nhận nàng là độc nhất trong giống loài mình. Bông hoa kiêu kì ấy không sợ hổ nhưng lại sợ gió, cô yêu cầu hoàng tử cho cô một chiếc lồng kính chắn gió! Nhưng chính sự kiêu ngạo ấy của cô làm chàng hoàng tử phát bực, chàng quyết định rời hành tinh của mình bỏ lại đóa hoa kia để thực hiện một chuyến đi. Nhưng trước khi đi, cậu vẫn dọn dẹp hành tinh của mình thật ngăn nắp. Em vẫn nạo vét cả ba quả núi lửa để nó không gây nên động đất, bứt những búp măng vừa nhú trên cây bao báp, tưới hoa lần cuối và sắp sửa cất kĩ nó vào lồng kính thì đóa hoa bật khóc, cậu hoàng tử lòng man mác buồn nhưng dù vậy cậu vẫn chưa thể nào hiểu được tấm lòng bông hoa…
Mỗi hành tinh - một cách nhìn nhận về thế giới người lớn.
Hoàng tử bé đã rời hành tinh của mình và tới phần còn lại của vũ
trụ xem như thế nào và cậu đến một vài tiểu tinh cầu khác (có số từ 325
đến 330), mỗi tinh cầu này có một người lớn sống ở đó và theo cách hiểu của cậu
thì họ toàn là những người kỳ quặc:
Ở thiên thạch thứ nhất là một ông vua trị vì hành tinh mà chẳng có lấy
một thần dân. Ông vui mừng khi cậu hoàng tử đến thăm. Ông phong cho cậu làm
thượng thư bộ thư pháp, ông cho cậu xử án chú chuột – sinh vật duy nhất có trên
hành tinh của ông. Ông thực lòng chẳng muốn cậu rời đi. Nhưng trước sự kiên quyết
của cậu, ông chẳng thể làm gì khác, ông để cậu làm sứ giả và cho phép cậu đến
nơi cậu muốn đến. Vị vua ấy tượng trưng cho những nguyên tắc, luật lệ mà người
lớn vẫn luôn tự áp đặt riêng cho mình cũng như với người khác.
Thiên thạch thứ hai là một kẻ khoác lác. Hắn coi cậu là một người hâm mộ
mình đến thăm. Gã khoác lác là người muốn được người khác ngưỡng mộ
mình, nhưng lại sống cô đơn trên hành tinh của chính ông ta. Gã chẳng nghe thấy
gì ngoài những câu ca ngợi. Cậu hoàng tử cũng nhận ra rằng, với gã kia, khâm
phục ai đó nghĩa là thừa nhận người đó đẹp nhất, ăn mặc sang nhất và giàu có
nhất trên hành tinh.
Thiên thạch thứ ba là một gã nát rượu, hắn uống rượu suốt ngày để quên
nỗi xấu hổ của mình về việc uống nhiều rượu. Người lớn không bao giờ thừa nhận
cái sai của mình mà chỉ muốn nhấn chìm nó thôi.
Nhà doanh nghiệp là người suốt ngày bận rộn với việc đếm các ngôi sao mà
ông ta cho rằng là của mình. Ông bận đến nỗi chẳng có thì giờ để châm lại điếu
thuốc đã tắt ngấm từ lâu.Ông cho rằng đếm được bao nhiêu ngôi sao thì có chừng
ấy, nó giúp ông giàu có và có thể mua thêm các ngôi sao khác nữa. Những ngôi
sao ấy là của ông vì ông nghĩ đến nó trước nhất. Nhà tư sản cho rằng khi tìm
thấy bất cứ thứ gì không phải là của ai thì nó là của ông. Hoàng tử bé nghĩ về
bông hoa hôm nào cậu cũng tưới, ba quả núi lửa mà tuần nào cậu cũng nạo vét để
giúp ích cho các quả núi lửa và bông hoa, nên cậu có chúng. Còn nhà doanh
nghiệp không giúp ích gì cho các ngôi sao thì có nghĩa là ông ta không thể sở
hữu những ngôi sao đó.
Người thắp đèn là người sống trong một tiểu tinh cầu cứ 1 phút quay một vòng. Xưa kia ông ta có nhiệm vụ sáng tắt đèn và tối thì thắp. Hành tinh quay càng ngày càng nhanh hơn và đến lúc này, ông ta không còn lấy một giây để nghỉ ngơi. Mỗi phút phải thắp đèn và phải tắt đèn một lần. Hoàng tử bé cảm thấy thông cảm cho người thắp đèn vì ông là người lớn duy nhất trong số những người cậu gặp đã quan tâm cho một cái gì khác chứ không phải là bản thân ông ta.
Nhà địa lý là người đã dùng toàn bộ thời gian của mình để vẽ bản đồ,
nhưng chẳng bao giờ rời khỏi cái bàn của mình để đi thám hiểm (thậm chí chỉ
trên hành tinh của mình). Ông ta lý luận rằng nhà địa lý không thể đi lung tung
mà phải ở nhà để tiếp các nhà thám hiểm, phỏng vấn họ, và ông ta ghi chép lại
những hồi ức của họ. Nếu hồi ức đó đáng chú ý thì nhà địa lý sẽ cho điều tra về
tư cách của nhà thám hiểm ấy. Khi tư cách được chứng minh là tốt thì phát hiện
của anh ta lại cần phải được điều tra. Nhà địa lý không tin bất cứ thứ gì ông
ta không được nhìn thấy tận mắt, dù vậy, ông ta vẫn không chịu rời khỏi cái bàn
của mình. Nhà địa lý yêu cầu hoàng tử bé mô tả về tiểu tinh cầu của cậu để ông
ghi chép lại. Hoàng tử bé nhắc đến những ngọn núi lửa và bông hoa hồng. "Chúng tôi không ghi nhận hoa
hồng", nhà địa lý nói, "vì
chúng chỉ là thứ phù du". Hoàng tử bé bị sốc và nhận ra rằng một ngày
nào đó bông hoa hồng yêu quý của cậu sẽ không tồn tại nữa. Nhà địa lý sau đó đã
khuyên cậu đến thăm trái đất.
Trái đất – hành tinh của
những điều kì diệu.
Trên trái đất, hoàng tử bé nhìn thấy một khu vườn có rất nhiều hoa hồng và
cậu cảm thấy rất đau khổ. Đóa hoa hồng của cậu đã kể rằng nàng là duy nhất
trong giống nòi của nàng khắp trong vũ trụ, thế mà ở đây, chỉ trong một khu
vườn thôi đã có đến năm nghìn đóa giống như nhau. Em thấy buồn vì tài sản của
em quá ít, vì lời nói của bông hoa mà em đã dành biết bao công sức để quan tâm,
chăm sóc mỗi ngày. Lúc ấy, một con cáo xuất hiện, em dần làm quen với
chú cáo ấy. Con cáo giúp cậu hoàng tử dần hiểu ra rằng, quen nghĩa là tạo nên
những tình cảm ràng buộc, và chính bông hoa hồng của cậu đã làm cậu quen. Cáo
khuyên cậu trở về xem bọn hoa hồng kia rồi cậu sẽ rõ bông hoa của cậu là duy
nhất trên đời. Với người khác nó có thể chỉ là tầm thường, nhưng với cậu, nó
lại là duy nhất. Hoa hồng kia cũng như chú cáo làm cho cậu quen và cũng chính
bởi vậy mà nó là duy nhất, duy nhất bởi chính thời gian và tình cảm mà chàng
dành cho bông hồng đã khiến đóa hồng trở nên quan trọng đến thế.
Tất cả những câu chuyện của Hoàng tử bé đầu được thuật lại qua trí nhớ của người phi công có chiếc máy bay bị hỏng giữa chừng, phải cố gắng sống sót và sửa chữa để trở về năm ấy, hay cũng chính là hiện thân của Saint-Ex. Hoàng tử bé gặp người lái máy bay và đề nghị anh ta vẽ một con cừu. Vì từ trước tới nay, anh chỉ biết vẽ con voi nằm trong bụng con trăn bổ ngang mà thôi, anh chưa từng vẽ bất cứ một con vật nào khác. Không biết vẽ con cừu như thế nào, anh ta đã vẽ theo những gì anh biết. Anh đã cố gắng vẽ một vài bức tranh khác nhưng hoàng tử bé đều không vừa lòng. Cuối cùng, anh ta vẽ một cái thùng duy nhất, và giải thích rằng, có con cừu ở trong đó. Hoàng tử bé lúc này, nhìn thấy hình con cừu trong chiếc hộp rõ ràng như nhìn thấy hình con voi trong bụng con trăn trên bức tranh tác giả từng vẽ khi còn nhỏ, đã chấp nhận bức tranh này. Thời gian ở cạnh hoàng tử bé đã giúp người phi công nhận ra nhiều điều. Ông biết được rằng có một chàng hoàng tử sống ở một tinh cầu có ngọn núi lửa, một bông hoa hồng và những cây bao báp, rằng có một cậu bé yêu bông hoa của mình đến thế nào, và còn có cả một cậu bé sâu sắc và thấu hiểu lẽ đời đến thế!
Sau một thời gian ở trái đất và chạy trốn tình cảm với hoa hồng mà không
thể, hoàng tử bé nhờ một con rắn vàng chàng gặp trong sa mạc dùng nọc
độc của nó đưa chàng về với tiểu tinh cầu với bông hoa hồng mà chàng yêu thương.
Hoàng
tử bé – bài học về việc biết thuần hóa những gì chúng ta yêu và
sẵn sàng được thuần hóa bởi những gì ta yêu.
Chuyến đi của cậu hoàng tử bắt đầu từ sự không
hài lòng với thái độ của bông hoa hồng. Chuyến đi ấy giúp cả Hoàng tử bé và bông hồng đều trở nên mạnh mẽ và sáng
suốt hơn. Đến Trái Đất, lần đầu tiên nghe thấy tiếng vọng, Hoàng tử bé nhận
xét rằng nơi đây thật nhạt nhẽo, thật khác với ngày cậu còn ở cùng một bông hoa
luôn cất tiếng trước. Cậu dần nhận ra những điều quý giá mà cậu trước đây đã bỏ
lỡ. Cậu bắt đầu biết nghĩ về sự hi sinh của người khác, biết thương một cô nàng
không sợ hổ, nhưng sợ gió lùa, một bông hoa chỉ có bốn cái gai để chống chọi
với cuộc đời dữ dội, nhưng lại là bông hoa can đảm và đẹp nhất trong tất cả
những loài hoa cậu gặp. Bông hồng, vốn là hiện thân của sự đỏng đảnh, kiêu kỳ,
cũng lớn lên từ mối quan hệ đổ vỡ này. Nàng không cần lồng kính nữa, cũng chẳng
ho sặc sụa để bắt hoàng tử phải quan tâm tới mình, nàng chấp nhận sự ra đi của
cậu bằng vẻ bình tĩnh dịu dàng, không hề trách móc. Bằng sự kiêu hãnh, và hơn
hết, nàng yêu cậu, nên nàng không muốn người mình yêu thấy nàng rơi nước mắt. Chính
bông hoa cũng dạy chúng ta cách vượt qua sự sợ hãi, tổn thương và khó khăn,
bởi: “Em muốn biết bươm bướm là thế
nào, em phải chịu đựng vài ba con sâu".
Càng yêu thương, tận tình chăm sóc cho hoa bao nhiêu thì cậu càng đau khổ và cảm thấy bị lừa dối bấy nhiêu khi phát hiện ra ở trên trái đất có cả nghìn bông hoa như thế. Thế nhưng, sau cuộc trò chuyện với chú cáo có bộ lông đỏ rực, loài vật của sự im lặng, một sự im lặng không rõ là tinh ranh hay thông thái, cậu hiểu ra rằng đóa hồng của cậu là duy nhất. Sự duy nhất của đóa hồng ấy là bởi nàng là bông hoa cậu yêu. Mỗi người đều có một bông hoa của riêng mình, một ngôi sao cho riêng mình, và chẳng có ai giống ai. Người cậu yêu là độc nhất, bởi cậu yêu người ấy, vậy thôi! Người ấy quan trọng, vì người ấy là tình yêu của cậu. Giống như cuộc chiến giữa cừu và hoa, là chuyện phù phiếm với viên phi công, nhưng là điều tối quan trọng với Hoàng tử bé; giống như mọi sự trên thế gian, kể cả tính mạng của cậu (khi cậu mượn nọc độc của rắn để mong trút lại thân xác nặng nề mà trở về với bông hoa)… Tất cả, tất cả đều không quan trọng bằng sự tồn tại của một đóa hồng.
Chú cáo đã gửi đến Hoàng tử bé bí quyết của chính mình: “Người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng
trái tim mình. Cái chủ yếu thì mắt chẳng thể thấy”. Nhiều khi những quyết
định mang tính trực giác, bản năng đem tới kết quả tốt hơn sự phân tích bằng lí
tính. Cái “nhiều khi” ấy đúng trong
tình yêu. Trực giác tồn tại để giúp con người cân bằng các quyết định. “Khi một người yêu một đóa hoa, hoa ấy chỉ
có một đóa thôi, trong hàng triệu hàng triệu ngôi sao, chừng ấy đủ làm cho anh
sung sướng khi nhìn những ngôi sao”.
“Chính là cái thời gian cậu đã tiêu phí vì
bông hồng của cậu, cái thời gian ấy nó làm cho bông hồng đó trở nên quan trọng
đến như thế”. Nếu không phải ngày ngày
cậu tưới hoa, chiều chiều úp lồng kính chắn gió, cặm cụi bắt từng con sâu, kiên
nhẫn ngồi nghe than thở, tán hươu tán vượn, và đôi khi cả im lặng nữa, bởi vì
nàng là đóa hồng của cậu, thì có lẽ bông hồng ở tiểu tinh cầu B612 sẽ chẳng
khác gì những đóa hoa trống rỗng trong vườn hồng nơi Trái Đất. Hoàng tử bé đã
dành thời gian cho hoa, hoa cũng dành thời gian cho cậu vì thế mà cả cậu và hoa
trở thành những phần quan trọng không thể thiếu của nhau. Cậu nhận ra thế nào
là “thuần hoá” qua lời định nghĩa vô
cùng thấm thía của cáo: “thuần hóa”
là tạo nên những mối liên hệ để hai người cần đến nhau. Người ta chỉ hiểu những
gì người ta đã thuần hóa, và việc thuần hóa, giống như Hoàng tử bé đã thuần hóa
Cáo, là việc phải dành nhiều thời gian và công sức, làm hàng ngày, kiên nhẫn và
dịu dàng, từng chút một.
Lời kết.
Tôi đã từng nghĩ làm người lớn thì phải làm điều gì to tát
lắm, nào là phải trở thành ông này, bà nọ, nào là phải đi xe sang, ở nhà xịn.
Nhưng, trưởng thành chỉ đơn giản là biết thấu hiểu cho mọi người, cho từng khoảnh
khắc, từng tình huống, biết trân trọng, tôn trọng trách nhiệm của người khác
cũng như của bản thân trong công việc, trong các mối quan hệ xã hội, và trong
quá trình làm người. Có lẽ, khi chúng ta chợt nhận ra mình đã già dặn đi một
tí, thận trọng hơn một tí, nhận trách nhiệm nhiều hơn một tí đó là khi ta cũng
nhận ra mình không còn nhỏ nữa. Song, chính trong mỗi người lớn vẫn còn đó hình
hài của một đứa trẻ. Điều này nghe có vẻ rất
đơn giản vì cha mẹ nào cũng từng là trẻ con. Nhưng điều quan trọng là khi trở
thành người lớn, người ta dễ quên mình từng là những đứa trẻ!
“Vì mỗi người lớn đã từng là trẻ con”, cùng đón đọc Hoàng tử bé của Saint Exupéry để tìm lại chính mình và đón nhận mọi vẻ
đẹp của cuộc sống luôn ẩn giấu xung quanh!
Review chi tiết bởi Kim Chi - Bookademy
______________
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú
vị về sách tại link: Bookademy
Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
11,810 lượt xem