Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] “Kế Hoạch Bí Ngô”: Học Cách Gieo Hạt


Mỗi năm có rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp xuất hiện. Mỗi ý tưởng đều chứa đựng sự nhiệt huyết, lòng can đảm và lời hứa về một tương lai tươi sáng. Để sự nhiết huyết không hao phí, lòng can đảm không bốc hơi và tương lai tươi sáng ấy trở thành sự thật, hãy cùng gặp gỡ tác giả Mike Michalowicz trong cuốn sách Kế hoạch Bí Ngô (The Pumpkin Plan- Thạc Bách dịch) và lắng nghe trước khi hành động.

 

Khởi nghiệp

Khởi nghiệp là sự tích, là huyền thoại và cũng có thể chỉ là giấc mơ. Sau một ngày làm việc mệt mỏi công thêm có chút hiểu lầm với sếp, vài mâu thuẫn với đồng nghiệp, chúng ta quay số của tay bạn thân và bắt đầu nhậu nhẹt. Khi đã ngà ngà say, bất chợt ý tưởng hay ho ùa đến, để rồi, bằng sự khích lệ của tình bạn và hơi men, xuất hiện một quyết định táo bạo: Hãy làm gì đó cùng nhau và cùng trở thành ông chủ.


Dĩ nhiên đó không phải là sự tích khởi nghiệp duy nhất, nó có thể ra đời ở thư viện, ở quán café, trong một chuyến du lịch v.v… Thời điểm đó, ít nhất những người tạo ra nó có vốn là lòng tin kế hoạch này sẽ cứu rỗi cuộc đời họ. Thế nhưng, chừng đó niềm tin và nhiệt huyết là chưa đủ để khởi nghiệp. Ai đã từng trải qua tình trạng cháy túi vì trả lương cho nhân viên, làm việc trên mười hai tiếng một ngày, cố gắng ôm đồm mọi khách hàng hay lăn xả trên bàn nhậu vì hợp đồng nào đó để sáng hôm sau tiếp tục đeo chiếc kính đen che đi đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ gắng lượn lờ trên chiếc xe hàng hiệu mới thuê để đến gặp đối tác, sẽ hiểu điều này. Để khởi nghiệp thành công, thì bạn cần phải là một doanh nhân thực thụ và biết được doanh nhân thực thụ là người làm công việc gì. 


Doanh nhân là những người tìm ra vướng mắc, phát hiện thời cơ, rồi xây dựng các quy trình để người khác và những thứ khác làm việc cho họ.


Nhìn lại thực tế, rất hiếm doanh nhân làm được điều này. Có người thì luôn lăng xăng cáng đáng hết việc của nhân viên rồi chỉ trích họ kém cỏi, có người thì lo ngại việc đào tạo sẽ khiến nhân viên vượt qua mình dẫn đến âm thầm tự làm lấy mọi thứ, có người thì luôn nhặt nhạnh và so đo, có người thì kinh doanh để kiếm thật nhiều tiền mà chẳng buồn quan tâm đến ai khác. Vậy ý nghĩa thực sự của khởi nghiệp là gì?



Là làm điều gì đó tốt đẹp cho bản thân bạn, gia đình bạn và xã hội thông qua con đường kinh doanh. Nghe thì đơn giản nhưng làm thì không hề dễ. Nếu sai phương pháp, rất có thể hình ảnh khi về già của bạn sẽ là một ông lão kiệt sức ngồi trên chiếc ghế sắt hoen gỉ với cặp mắt thất thần và nước dãi lòng thòng mà không có ai bên cạnh.


Cuộc thi cây cảnh kì lạ


Bí Ngô là một thực phẩm quen thuộc với chúng ta. Bí ngô có hàm lượng dinh dưỡng cao và xuất hiện khá nhiều trong dịp lễ Hallowen. Thế nhưng với tác giả của Kế hoạch Bí Ngô thì nó còn xứng với cả một gia tài đồ sộ.


Lúc ấy đang là tháng Mười, và tờ báo địa phương đã đưa tin về người nông dân trồng được quả bí ngô khổng lồ đoạt giải thưởng. Người nông dân này không phải dạng thường. Anh ta là một nông dân mọt sách, đam mê trồng những quả ngô siêu khủng. Anh ta đã dồn tâm huyết cả đời để phá cho được kỷ lục của bang.


Đó là cách mà kế hoạch Bí Ngô chính thức ra đời. Tác giả đã tìm thấy được điều bản thân cũng như các doanh nhân trẻ tuổi khác đang còn thiếu: Một chiến lược phát triển đúng đắn cho hạt giống tốt nhất. Việc tạo nên được trái bí ngô khổng lồ kia có liên quan vô cùng mật thiết đến gây dựng một doanh nghiệp vững vàng.


Kế hoạch bí ngô được khởi động với việc lựa chọn hạt giống: Đó phải là thứ bạn giỏi nhất và gắn bó nhất. Khi nắm chắc được thế mạnh của mình là gì cũng như tìm ra cách để có thể sống lâu dài với nó thì bạn đang có trong tay hạt giống tuyệt hảo. Hạt giống này đủ khả năng cho ra loại quả lớn nhất, là thứ bạn mong đợi. Để lựa chọn nó, bạn cần kiên nhẫn tìm ra nó. Nếu chọn sai điểm để xuất phát thì bạn sẽ không bao giờ đến đích. Quả bí ngô to nhất được quy định ngay từ trong từng tế bào nhỏ nhất của hạt giống đặc biệt ấy. Tiếp đó nếu nhà nông chăm chỉ tưới nước, thì bạn cần chăm chỉ làm công việc của mình. Làm việc đều đặn, cần mẫn và có uy tín chính là thương hiệu và cũng là nhân hiệu của bạn.


Phần tiếp theo, cần thiết nhất, song cũng khó khăn nhất: Cắt bỏ những khách hàng nhỏ nhặt và tồi tệ khi công việc kinh doanh phát triển. Mặc dù ai cũng thích số lượng (với đa số mọi người thì nhiều đơn hàng hơn là cách giải thích dễ hiểu cho sự đi lên của doanh nghiệp) song đó không phải là đích đến của doanh nghiệp. Khi phải phục vụ tất cả mọi khách hàng, bạn sẽ buộc phải chạy đua với thời gian. Niềm tin “Khách hàng là Thượng Đế” càng khiến cho doanh nghiệp của bạn quay cuồng. Sự thực là bạn sẽ làm nhiều hơn và không còn thời gian cho quản lý và đánh giá lại tình hình nữa.


Tôi biết mình giỏi tìm ra cách tốt hơn để phục vụ khách hàng, và phát triển hệ thống để nhân rộng dịch vụ đó- nhưng sao tôi có thể làm việc đó cho những khách hàng tốt nhất của mình đây, nếu tôi còn đang đôn đáo lo làm hài lòng các khách hàng tồi tệ khó chiều, mỗi người một ý ?


Nếu muốn nuôi dưỡng trái bí ngô to nhất, người làm vườn cất kịp thời phát hiện và cắt bỏ những trái bị sâu bệnh, khô héo và còi cọc. Dinh dưỡng của cây vì thế sẽ đủ để cung cấp cho thứ mà bạn thực sự mong đợi. Nếu làm tốt công việc này, thì nhiệm vụ của bạn vẫn chưa phải kết thúc. Nên bắt tay ngay vào việc nhổ cỏ dại hoặc bất kì cây lá nào không phải thuộc về bí ngô. Vấn đề là trong kinh doanh, khóm cỏ dại hay cành lá rườm rà ấy thường núp bóng dưới dạng các “cơ hội”. Chúng có sức hút rất lớn và thường khiến cho bạn ảo tưởng về bản thân cũng như doanh nghiệp của bạn. Đa dạng hóa các sản phẩm, dần xa rời mục tiêu cốt lõi ban đầu và đầu tư tràn lan là cách nhanh nhất bạn tự đào hố chôn mình. Trong trường hợp bạn coi kinh doanh là lẽ sống của mình thì đừng ngần ngại tạo thói quen “lùi để tiến”. Doanh nhân không phải là những chiến binh cảm tử. Doanh nhân thực thụ cũng giống với quân nhân, có tính kỷ luật, thận trọng và can đảm thay vì liều lĩnh.


Phần việc tiếp theo sẽ dễ chịu hơn, chỉ cần tinh tế lựa chọn những khách hàng đầu bảng, quan tâm chăm sóc họ cho tốt và thế là bạn đã có thể tận hưởng cả công việc lẫn cuộc sống. Điều này đơn giản, rõ ràng và dễ hiểu.


Công việc cuối cùng bạn cần nhớ là trái bí ngô lớn nhất vườn đã lộ diện, hay chăm sóc luôn tay và đáp ứng mọi điều kiện tốt nhất để nó phát triển. Hãy sáng tạo thêm nhiều cách để nuôi dưỡng trái bí ngô này hơn nữa. Đó cũng là việc một doanh nhân làm với các khách hàng trong danh sách đầu bảng của mình: Họ được quan tâm và đáp ứng để luôn được phục vụ bằng chất lượng trên mức hài lòng. Họ là khách VIP của bạn không phải bởi họ chi cho bạn nhiều tiền, mà bởi họ sẵn sàng chi nhiều tiền cho bạn chứ không phải ai đó khác trên thị trường. Họ hiểu bạn cũng như dịch vụ của bạn mang lại có giá trị ra sao (thông qua hành động đáp ứng các mức giá mà bạn đưa ra). Vì lẽ đó, hãy đồng hành cùng những vị khách quý này, biết đâu đó cũng là khởi đầu cho tình bạn tốt đẹp về sau?


Sau thời gian dài vất vả, giờ bạn chỉ đơn thuần là quan sát doanh nghiệp của mình lớn mạnh. Nó đã được nâng niu và đây là lúc bạn tự hào về nó. Nếu người nông dân có thể trồng được trái bí ngô nửa tấn thì doanh nhân cũng có thể sở hữu doanh nghiệp hàng triệu đô.



Cỗ xe ngựa bí ngô


Hẳn bạn đọc không quên cỗ xe ngựa bí ngô mà bà tiên đã hóa phép cho cô bé Lọ Lem đến dự vũ hội cùng hoàng tử. Cỗ xe rực rỡ ấy ra đời bởi phép thuật của bà tiên, tấm lòng lương thiện của Lọ Lem và trái bí ngô đơn thuần. Ví dụ ngắn này giúp chúng ta thấy được sự kết hợp mang lại hiệu quả đặc biệt (mặc dù lý do tôi chọn nó cũng đơn giản thôi: vì tôi thấy nó có liên quan đến bí ngô).

Cùng trở lại phân tích các bước trên ở một góc nhìn khác, được sơ đồ bằng ba vòng tròn: Giá trị đặc biệt, khách hàng đầu bảng, hệ thống hóa được lồng vào nhau. Kinh doanh cần nhắm đến hồng tâm là giao điểm của ba vòng tròn này. Bởi nếu có giá trị đặc biệt và hệ thống hóa song không có khách hàng, thì chẳng ai quan tâm đến bạn cả. Nếu bạn có giá trị đặc biệt, có khách hàng song không hệ thống hóa thì chủ yếu sẽ làm theo cách lấy công làm lãi (trong khi doanh nhân thực sự không làm việc như vậy).


Jorge Morales và Jose Pain đã phải rất chật vật để rút ra bài học này. Năm 2007, khi họ bắt đầu mở Specialized ECU Repair – một công ty chuyên sửa chữa bộ điều khiển trung tâm ECU cho các loại xe ôtô hạng sang thì mục tiêu đặt ra là giúp được càng nhiều khách hàng càng tốt. Sau một thời gian, Jorge giải thích “Chúng tôi đã phải rút lui và hoàn lại số tiền mà khách hàng chi ra để sửa chữa. Chúng tôi đã phải từ bỏ những trường hợp mà mình không thành thạo cho lắm- như những chiếc xe Jaguar đời cũ – vì chúng tôi đang thực sự gây hại đến những khách hàng tin tưởng giao phó công việc cho mình”. Vì vậy họ đã thu hẹp phạm vi tập trung trong công việc và chỉ nhận sửa những trường hợp mà họ biết là có thể xử lý ngon lành.


Việc cố gắng làm nhiều hơn khiến cho hình ảnh ông già thất thần ngồi trên chiếc ghế han gỉ với dãi dớt lòng thòng không ai bên cạnh lại càng trở nên rõ ràng hơn trong tương lai. Bởi nếu vùi mình vào công việc hay mắc chứng nghiện việc thì cũng không khiến cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Bạn sẽ hủy hoại các mối quan hệ cá nhân và dĩ nhiên không có thời gian cho bạn bè, gia đình và các cuộc thư giãn.  Cuộc đời làm việc 12 tiếng một ngày của bạn trở thành cằn cỗi với 12 tiếng còn lại trong cô đơn hay say xỉn.



Bạn chẳng thể thành công với tâm trạng như vậy. Nếu độc giả từng đọc qua cuốn Trước khi tôi là CEO của tác giả Peter Vanham sẽ thấy chi tiết rất thú vị có liên quan ở đây: Các CEO thành công là người có mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh và liên hệ mật thiết với gia đình. Đầu tư nhiều thời gian cho công việc hơn không đồng nghĩa với việc bạn đang tự tạo ra tương lai tốt đẹp hơn cho gia đình của bạn. Cuộc sống của bạn luôn là tổng hòa của nhiều thứ và thật hạnh phúc nếu bạn trân trọng hạt giống tiềm năng của mình trong công việc một cách thỏa đáng và dành thời gian còn lại bên người thân.


Thay cho lời kết


Kế hoạch Bí ngô là một cuốn sách thú vị với cá nhân tôi. Bởi ngoài lối viết hóm hỉnh, tác giả còn mang đến bài học lớn từ những điều nhỏ. Bạn sẽ thành công nếu bạn biết tập trung vào đúng nơi, đúng lúc và đúng người. Trái bí ngô lớn nhất không những là hình ảnh ẩn dụ về thành công trong sự nghiệp kinh doanh mà còn là khát vọng được sống một cuộc sống có ý nghĩa.


Ý nghĩa về cuộc sống trong mỗi chúng ta là khác nhau: có thể là bí ngô, có thể là cổ phiếu, có thể là cây cảnh, có thể là bất động sản, có thể là nghệ thuật, có thể là marketing v.v… Nhưng người trồng bí ngô khổng lồ không phải là để được ăn nhiều bí ngô hơn, thành quả không phải lúc nào cũng là thứ dễ hiểu và mỗi cá nhân lại có quan niệm riêng.


Sự biến đổi về nhận thức tôi sẽ dành tặng cho độc giả tự khám phá ra sau khi đọc cuốn hết cuốn sách này. Kế hoạch Bí ngô là bản kế hoạch không bao giờ khiến cho bạn phải cảm thấy nhàm chán. Chắc chắn bạn sẽ áp dụng được nó, dù ở trong bất kì lĩnh vực nào.

 

 

Review chi tiết bởi Nguyễn Phú Hoàng Nam – Bookademy

Link đặt sách: https://alphabooks.vn/ke-hoach-bi-ngo

----------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/2Hxkazt

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,651 lượt xem