Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] "Kỹ Năng Quản Lý Tài Chính Cá Nhân Trong 30 Ngày": Công Thức Chủ Động Tài Chính

Một người bạn của mình có kể rằng tiền của cậu ấy thật giống với mối tình cũ. Giống ở cách thoát ẩn thoát hiện, easy come - easy go. Đó là một so sánh vui,…, nhưng nhìn kỹ lại, tiền bạc khi đã có ở trong tay mà không có kế hoạch quản lý thì một ngày nào đó chúng ta sẽ nhận được cảm giác giống như khi mất một người nào đó đã từng thương vậy!

Thống kê cho thấy 8/10 người trẻ hiện nay không thích những con số hoặc chưa từng học về những khái niệm tài chính. Do đó, sự quản lý tài chính còn là một khái niệm mới và không nhiều người ý thức được nó. Các nguồn tài sản mà người trẻ kiếm được ngay lập tức “bốc hơi” không rõ lý do. Trước thực trạng đó, kỹ năng Quản lý tài chính là thực sự thiết yếu với mỗi cá thể hoặc tập thể.

Kỹ năng về tài chính được đề cập trong bí quyết thành công của các cá nhân và các tổ chức, và cuốn sách Kỹ Năng Quản Lý Tài Chính Cá Nhân Trong 30 Ngày là một trong số những bí quyết đó.  

Cuốn sách Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân trong 30 ngày là một cuốn sách dễ gây nhầm lẫn khi người đọc có thể cho rằng nó thuộc lĩnh vực kinh doanh. Thực chất nội dung cuốn sách cung cấp những bài học về quản lý tiền bạc. Cũng vì lí do đó nên cuốn sách này phù hợp với tất cả mọi người: những người có mong muốn quản lí tài sản, người mới đi làm hoặc người trong lĩnh vực tài chính tìm đọc để tham khảo…

Cuốn sách đề cập tới lộ trình 30 ngày làm chủ kỹ năng quản lí tài chính cá nhân, được tác giả chia thành 04 tuần với 04 giai đoạn khác nhau. Do đó, ở bài viết này cũng sẽ tập trung vào những bài học cốt lõi để xây dựng một thói quen quản lí và vẫn dựa trên 04 phần chính của nội dung sách: 1/Lý do cần quản lý tài chính cá nhân; 2/Bắt tay vào hành động; 3/Tư duy tài chính; 4/Sự thay thế tài chính    

1/ Lý do cần phải quản lí tài chính cá nhân

Bắt đầu bài học đầu tiên, mình trích dẫn một số câu mà bạn bè của mình 10 người thì tới 9 người đều nói:

“Ê! Mày! Tiền của tao cứ đi đâu hết ấy, trước kia tao nghĩ lương của tao là không đủ để dành tiết kiệm. Nhưng khi được tăng lương thì tao vẫn không đủ tiết kiệm.”

hoặc:

“Mày biết tính tao đấy, tao thậm chí còn không bỏ tiền cho các bữa ăn ở ngoài chứ chưa nói tới đồ hiệu, thế mà tao vẫn không có đủ tiền.”

“Đầu tháng rồi mày, làm một bữa cho ra hồn đi!” – “Mấy hôm cuối tháng, tao mua mấy gói mì đó, lấy mà ăn.”  

Trong số những người thân, bạn bè của chúng ta hoặc ngay cả chính bản thân chúng ta nhiều khi sẽ bị rơi vào hoàn cảnh ở trên. Tất nhiên đó chỉ là những câu chuyện của một bộ phận, không thể đem ra để nói toàn bộ. Nhưng có một sự thật là dù chúng ta có bao nhiêu tiền thì cũng không tránh khỏi những “khó khăn” về tài chính và quản lí tài chính.

Theo một số liệu thống kê, những vấn đề tài chính là nguyên nhân hàng đầu gây căng thẳng cho những người đi làm (62% dân số). Điều này cũng kéo theo hệ quả là tinh thần của người đi làm sẽ không ổn định và gây ảnh hưởng trực tiếp tới cá nhân và xã hội. Sự không tự chắc chắn tài chính dẫn tới buộc tinh thần phải eo hẹp và gò ép vì một mục đích miễn cưỡng khác. Do vậy, kỹ năng quản lý tài chính là thiết yếu không chỉ ở cá nhân mà còn với tất cả tổ chức, doanh nghiệp. Chúng ta sẽ có cách giải quyết riêng cho những trường hợp ở trên, nhưng để cải thiện tình hình tài chính buộc chúng ta phải hành động. Điều tốt là không cần phải là tỉ phú mới có thể quản lí tài chính mà là quản lí tài chính từ những con số nhỏ cho tới khi trở thành tỉ phú.


2/ Bắt tay vào hành động

Khi bắt đầu thực hiện một thói quen tốt nào đó, chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc chuẩn bị tư tưởng, lên kế hoạch, chuẩn bị và thực hiện. Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân cũng tương tự như vậy. Để chuẩn bị tư tưởng, chúng ta phải thật sự chắc chắn rằng bản thân cần phải thanh lọc thu - chi tài chính. Thường là sẽ nhìn lại những gì mà chúng ta đã chi ra, những thứ không cần thiết nhưng lại mua vì một lí do nhất thời nào đó. Chẳng hạn, mình thường đi tới hiệu sách để chọn một cuốn ngoại ngữ nhưng khi ra về là sẽ đem theo cả những cuốn tự truyện và kinh doanh. Điều này xuất phát từ bản năng với những chủ đề mà mình ưa thích, nhưng xét về mặt cân bằng tài chính, mình đã chi quá nhiều so với định kiến; phải thay đổi.

Ở bước lên kế hoạch và chuẩn bị, chúng ta sẽ cần những công cụ như giấy note, phần mềm điện thoại để vẽ ra mục tiêu mà mình hướng tới cho việc quản lí tài chính là gì. Đặt ra dự định thanh lọc tài chính tức là kích hoạt chức năng của não bộ nhằm đạt được những điều chúng ta mong muốn. Ví dụ, mình muốn quản lý tài chính, cắt giảm 06 bữa ăn ngoài/tuần. Mình sẽ tiết kiệm được 150.000đ/tuần (trung bình mỗi lần ăn ở ngoài 25.000đ) và 7.800.000đ/năm. Khi lên dự định tài chính, chúng ta buộc phải có những ghi chép lại những khoản thu - chi càng rõ ràng, chi tiết càng tốt. Có thể chúng ta bận, không thể điền đầy đủ mỗi ngày; chúng ta có thể ghi lại hàng tuần.  

Một lưu ý trong khi tiến hành thực hiện thanh lọc khoản tài chính đó là để ý tất cả những khoản chi nhỏ nhất; xem xét việc chi tiền vào đó là có cần thiết hay không, ý định mua món đồ đó xuất phát từ sự thu hút hay sự tìm hiểu.

Việc đặt ra càng nhiều những dự định, chúng ta sẽ càng có ý thức với việc sử dụng tiền của mình một cách minh bạch. Nắm bắt được các khoản tiêu dùng hàng ngày giúp chúng ta tiến gần hơn với thói quen quản lí tài chính. Tuy nhiên cũng không nên eo hẹp với bản thân quá mức. Tất cả chỉ nên ở chế độ phù hợp, tránh việc một lúc nào đó chính những cảm xúc khiến chúng ta quyết định chi mạnh tay cho những điều không cần thiết.


3/ Tư duy tài chính

Ở phần trên, mình đã nhắc tới tầm quan trọng của cảm xúc trong quyết định tài chính. Trên thực tế, những kìm nén cảm xúc về tài chính sẽ ảnh hưởng tới suy nghĩ của chúng ta về quyết định tài chính.

Bạn có bao giờ mua một món đồ, vì lâu ngày rồi bản thân không đi mua gì cả? Sau đó thì lại vung tiền một cách không cần thiết.

Vì lẽ đó nên khi bạn đặt ra một mục tiêu quản lí tài chính, bạn cũng phải chắc chắn rằng mình có phương án để thích nghi với sự đổi mới. Cụ thể hơn, mình vẫn lấy trường hợp của mình muốn cắt giảm chi phí ăn ở ngoài. Mình nghĩ rằng việc tự nấu ăn sẽ giúp ích và có lợi cho bản thân của mình là trước hết. Việc này tốn thời gian nhưng lại đảm bảo chất lượng, hành động nấu ăn cũng là một hành động để mình giảm áp lực công việc sau khi tan sở. Bằng cách tư duy này thì “tài chính” không còn là hành động vì ép buộc, bản thân của mình sẽ thấy thoải mái với những mục tiêu đã lên kế hoạch.

Hướng suy nghĩ thực hiện thanh lọc tài chính vì chúng ta buộc phải như thế (còn được gọi là tư duy cố định - fixed mindset), ngược lại hướng tư duy hướng về bản thân (được gọi là tư duy phát triển - flexible mindset) được nhắc tới trong cuốn sách.

 

Tư duy tài chính thường sẽ là những vấn đề không được làm chủ đề chính của các cuộc nói chuyện. Nhưng không phải là không thể tiết lộ cho ai biết. Bởi trong quá trình hình thành thói quen quản lý tài chính, chúng ta sẽ phải cố gắng để biến tư duy thành thói quen. Nếu người thân cận nhất của chúng ta không biết rằng chúng ta đang cố gắng vì điều gì thì rất dễ gây nản chí và chúng ta sẽ tự đẩy mình vào khó khăn. Việc bày tỏ tư duy tài chính không nhất thiết phải là kể lại toàn bộ quá trình mà chỉ đơn giản là để cho người khác hiểu, để bản thân chúng ta có động lực hoàn thành thói quen kiểm soát tiền bạc. Cuốn sách hướng dẫn những bước cụ thể để xây dựng một Đội Trong Mơ về kế hoạch tài chính, gồm những người có thể ảnh hưởng tới quyết định chi tiêu của chúng ta. Cách tư duy tài chính này sẽ làm giảm bớt áp lực vốn có của tiền bạc mà vẫn đem lại hiệu quả thói quen. Một minh họa là việc cho bạn đời biết về kế hoạch tài chính của chúng ta, kết quả là một mối quan hệ khăng khít, tin tưởng tuyệt đối.

4/ Sự thay thế tài chính

Khi đã hình thành thói quen 21 ngày trong việc thắt chặt và kiểm soát thu chi, chúng ta đã quen với việc để ý từng khoản chi và thu cho những món đồ. Đây là một lối sống tài chính mới nên chúng ta cần phải duy trì và thay thế thói quen tiền bạc cũ.

Chúng ta có thói quen là ưu tiên chi trả hóa đơn và các chi tiêu hàng ngày hơn là việc chi tiêu cho mục tiêu của chính bản thân mình.

Câu hỏi thường xuyên gặp phải là: Tiền tiết kiệm của chúng ta đi đâu?

Thực chất, thói quen cũ của chúng ta là chi trả cho những khoản nợ bên ngoài trước rồi sau đó chi trả cho bản thân, và cuối cùng là tài khoản tiết kiệm. Nhưng có ai chắc rằng con số khi về tài khoản tiết kiệm là còn đủ để cảm thấy thoải mái.

Nếu tính theo công thức: Tiền tiết kiệm = Tổng thu nhập – Tổng chi tiêu, thì việc quản lý thu - chi mang lại lợi ích giúp chúng ta kiểm soát lượng chi tiêu không quá lớn. Kết quả là tiền tiết kiệm của chúng ta sẽ tăng lên. Xét về mặt lí thuyết, khẳng định trên là hợp lí, tuy nhiên, mỗi người sẽ tiêu dùng bằng đúng những gì người đó có (Quy luật Parkinson). Hệ quả là số tiền tiết kiệm sẽ không có hoặc con số là rất nhỏ.

Biện pháp để giải quyết vấn đề đặt ra ở trên là mỗi chúng ta cần thay đổi thứ tự của thói quen tài chính: Tổng tiết kiệm = Tổng thu nhập – X – Tổng chi tiêu

Trong đó, X là: Số tiền bản thân muốn tiết kiệm.

Ví dụ, Bạn A muốn có thu nhập 8.000.000đ/tháng và A muốn mỗi tháng tiết kiệm 5.000.000đ thì ngay sau khi nhận lương, A sẽ chuyển 5.000.000 vào tài khoản tiết kiệm, không dùng tới nữa. Còn lại 3.000.000đ, A mới tính tới khoản trả nợ.

Trên đây là cách để ổn định một khoản thu nhập mong muốn. Ngoài ra, số tiền tài khoản tiết kiệm cũng có thể chia thành nhiều phần theo cách sử dụng của cá nhân mỗi chúng ta. Nếu duy trì thói quen quản lý chi tiêu, thanh lọc tài chính trong một thời gian dài thì chúng ta có thể hoàn thành được dự định của mình mà không hề bị sao lãng hay gò bó bởi cảm xúc tài chính.

 

LỜI KẾT:

Đối với mình, việc hiểu biết hơn về quản lý tài chính (chứ không hẳn là kiếm được thêm nhiều tiền) khiến cuộc sống dễ dàng hơn rất nhiều. Nó giúp bản thân mình vững tâm hơn, tự tin hơn để nhìn vào những góc khuất trong cuộc sống của mình mà trước đây ta từng sợ, từng ngại chạm đến. Và chúng ta vẫn sẽ tiếp tục trên cuộc hành trình đến tự chủ tài chính, mặc dù con đường còn rất dài.

Mình thực sự tự hào khi nghĩ đến những thay đổi tích cực mình có được sau khi đọc xong cuốn sách Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân trong 30 ngày. Mình hy vọng rằng bạn cũng đã và đang đi trên con đường của riêng. Quản lý tài chính thực sự là cho TẤT CẢ MỌI NGƯỜI chứ không riêng gì những người làm kinh doanh, những người có nhiều tiền, những người ki bo, dè sẻn. Ai trong chúng ta cũng có thể học thêm điều mới mẻ khi nhìn vào sâu hơn trên khía cạnh tài chính, để kiểm soát được bản thân, kiểm soát được năng lực quản lý cá nhân, góp phần làm tăng giá trị và thúc đẩy thành công trong tương lai mỗi chúng ta.

#Cùng chia sẻ văn hóa đọc và trở thành những độc giả với những kỹ năng tuyệt vời trong tay, những cuốn sách ý nghĩa, hướng tới sự phát triển chung cho tất cả mọi người xung quanh chúng ta nhé. Một cộng đồng tốt xuất phát từ một ý tưởng tuyệt vời nhỏ bé.

#Điều quan trọng không phải là like hay chia sẻ thật nhiều, bởi vì khi có những điều chúng ta học được từ sách vở, chúng ta sẽ mang tới cho những người xung quanh của ta một giá trị, và những người xung quanh ta lại đem tới cho nhiều người khác nữa. Hãy là người đầu tiên để những bài học được lan tỏa. Bookademy cũng rất mong muốn nhận được phản hồi từ chính comment của các bạn, những điều rất quan trọng với Bookademy. 

#Bookademy cùng sứ mệnh đưa sách tới gần hơn tới hàng triệu độc giả. Cảm ơn các bạn!

______________

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,877 lượt xem