Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] “Mặt Trái Của Cơ Chế Thị Trường”: Góc Khuất Của Cơ Chế Thị Trường Thời Đất Nước Ta Bắt Đầu Đổi Mới

Với những bài điều tra về kinh tế xã hội từ những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, tác giả Phạm Viết Đào đã tổng hợp lại thành cuốn sách Mặt trái của cơ chế thị trường. Thông qua cuốn sách, chúng ta có thể thấy được những “mặt tối” của bình diện kinh tế thị trường từ thời đất nước ta bắt đầu bước vào giai đoạn cải cách đổi mới, từ đó có được một cái nhìn khách quan về những hạn chế khi đất nước ta bắt đầu những bước đi chập chững trong chính sách phát triển nền kinh tế nước nhà sau khi giành lại được độc lập dân tộc.

Đã hơn 20 năm trôi qua kể từ khi cuốn sách Mặt trái của cơ chế thị trường được xuất bản. Sẽ không có gì phải bàn cãi nếu cho rằng đây là một cuốn sách cổ. 20 năm trôi qua, cục diện nền kinh tế nước nhà đã thay đổi rất nhiều. Những chuyển biến tích cực đem lại cho nền kinh tế sự tăng trưởng đáng kinh ngạc, giúp Việt Nam ngày càng gia tăng vị thế trên trường quốc tế. Nhưng sự tăng trưởng, dù là ở thời đại nào, với bất cứ nền kinh tế nào, luôn đi kèm với những hạn chế tồn đọng. “Chúng ta” cách đây 20 năm cũng vậy. Kể từ khi đất nước được giải phóng và bắt đầu công cuộc cải cách từ năm 1986, nền kinh tế bao cấp dần đi đến hồi kết. Thay vào đó, các chính sách mở cửa đón nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được ra đời. Một mặt, nó giúp cho nền kinh tế đạt được những tăng trưởng vượt mức kỳ vọng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, của cải vật chất sản xuất ra cho xã hội ngày một nhiều hơn.

Nhưng ở mặt trái, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cách đây khoảng 20 năm cũng kéo theo nhiều hệ lụy không hề nhỏ đối với kinh tế – xã hội đất nước chúng ta thời bấy giờ.

Những kẻ làm ăn theo kiểu Mafia: Nhuộm đen đồng tiền trắng

Theo cách hiểu của thông lệ quốc tế thì Mafia là lực lượng đen sống ngoài vòng phát luật, có những hành vi thu lợi nhuận bất chính như trộm cướp, kinh doanh những mặt hàng quốc cấm như heroin, buôn lậu vũ khí, kinh doanh các hắc điếm,.... Sở dĩ gọi là Mafia bởi những hoạt động này có tổ chức, và nó được một số quan chức, công chức nhà nước có thế lực che chở, giúp đỡ, tiếp tay. Ở một số nước, do giỏi tẩy rửa đồng tiền và rửa bàn tay tội lỗi của mình mà Mafia đã đưa được người của mình vào các vị trí trọng yếu của Chính phủ. Ở những nước có các tổ chức Mafia lâu đời thì cách thức của bọn chúng là đem những khoản tiền mà chúng kiếm được một cách bất chính đầu tư vào các hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu và kinh doanh bất động sản. Chỉ qua vài cuộc trao đi đổi lại là bọn chúng có thể biến những đồng tiền nhơ bẩn thành những đồng tiền sạch sẽ, biến các tay trùm Mafia thành các chủ kinh doanh lớn, từ ông chủ kinh tế này mà nhảy sang làm ông chủ chính trị cũng chỉ trong gang tấc. Và khi có được quyền lực chính trị trong tay rồi thì lại càng thuận lợi cho cung cách làm ăn theo kiểu Mafia.

Ở Việt Nam chưa có những tổ chức Mafia, nhưng chúng ta có những nhóm người thuộc xã hội đen chuyên lôi kéo người trong biên chế nhà nước làm ăn theo kiểu Mafia. Một trong những hành vi khá phổ biến của bọn này là tìm cách thu lợi bất chính và tìm cách tẩy rửa sạch sẽ các khoản tiền bất chính để “đầu tư chiều sâu”. Chỉ có điều, cách thức tẩy rửa những đồng tiền tội lỗi của chúng thường được thực hiện theo quy trình ngược lại với cách mà Mafia quốc tế vẫn áp dụng.

Nếu như Mafia quốc tế đem những đồng tiền lời do buôn lậu vũ khí, hêrôin, cướp nhà băng, tống tiền các quan chức nhà nước và các tỷ phú mà đầu tư cho sản xuất kinh doanh để rồi biến một trùm Mafia thành một ông chủ doanh nghiệp, thì ở Việt Nam nhóm người xã hội đen lại làm ngược lại. Nếu Mafia quốc tế biến đồng tiền đen thành đồng tiền trắng, thì ở Việt Nam bọn này lại nhiều lúc cố biến đồng tiền trắng thành đồng tiền đen.


Việc làm này xuất phát từ đặc thù của nền kinh tế và phương thức quản lý của xã hội Việt Nam. Một số doanh nghiệp nhà nước do có lãi lớn trong sản xuất kinh doanh, hoặc những cơ quan hút được nhiều vốn ngân sách luôn tìm cách nhào nặn, hạch toán khoản vốn này theo cách Mafia. Bản thân nguồn vốn này, đồng tiền này là trắng, là hợp pháp, nhưng sau khi bị “tẩy trắng”, cuối cùng những đồng tiền vốn này sẽ trở thành đồng vốn tư nhân. Cách thức nhào nặn “nhuộm trắng thành đen” này thường được thực hiện bằng cách luồn qua kinh doanh xuất nhập khẩu và đầu tư vào bất động sản.

Những đứa trẻ mục đồng của Hà Nội

Cái nghề chăn trâu hèn mọn và đôi khi cũng rất thi vị tưởng đâu chỉ tồn tại và phát triển ở các lũy tre làng, gắn với những đồng không mông quạnh có thảm cỏ xanh tốt bốn mùa. Tưởng như thời đại công nghiệp và kinh tế thị trường cách đây 20 năm, với bao phương tiện thông tin hiện đại, thì nghề chăn trâu sẽ bị mai một và không còn thi vị như xưa. Nhưng không!

Xin thưa, vài năm lại đây nghề chăn trâu, chăn bò đã chuyển vùng và không còn là độc quyền của thiếu niên nông thôn mà đã lan sang một số thành phố như Hà Nội.

Hàng ngày, thịt bò được tiêu thụ ở Hà Nội có thể nói là ê hề, phải đến hàng trăm con được giết thịt để phục vụ cho các kiểu ăn của người Hà Nội. Số thịt bò này ở đâu ra?

Xin mời bạn cứ đến vùng Mai Động, hằng ngày luôn thấy có hàng trăm con bò được buộc dọc theo dòng sông Kim Ngưu.

Những cánh đồng ở Mai Động thời bấy giờ không thể có đủ cỏ để nuôi hàng trăm con bò ngày nào cũng đưa vào lò mổ phục vụ cho nhu cầu của người dân thành phố. Tuy nhiên, người Mai Động có cách chăn bò riêng của mình và thi vị không kém cách chàng mục đồng khi xưa!

Cách chăn bò của người Mai Động ngày nay là: Hằng ngày hàng trăm đứa trẻ được tỏa ra các vùng quê lân cận như Hải Hưng, Hà Bắc, Nam Hà dắt bò được mua ở đó đem về. Bình quân mỗi chú mỗi lần đi như thế dắt bộ về dăm con. Các chú vừa ngất nghểu trên lưng trâu lưng bò, vừa cho chúng ăn, vừa dong chúng về Hà Nội, rất thú vị mà lại được trả công cao. Mỗi con bò dong được như vậy được trả 20.000 đ, dắt năm con vị chi được trả 100.000 đ. Đi chậm nhất là mất ba ngày. Đối với một đứa trẻ công bình quân 30.000 đ, trừ ăn uống còn được 15.000 - 20.000 đ như thế cũng là cao.


Các chủ lò mổ tính toán rất kỹ khi quyết định sử dụng những đứa trẻ “mục đồng” thay vì các phương tiện như xe tải. Nếu chở bằng ô tô thì phí thuê không hề rẻ, chưa kể dọc đường không cẩn thận còn bị thuế má phạt vạ. Chở dăm con bò, con trâu chứ không phải là vài con gà, con vịt nên sẽ không thể giấu giếm được. Ngược lại, thuê trẻ em dong trâu về thì rẻ, trâu bò được dong về bằng đường bộ lại khỏe mạnh. Hơn nữa, nếu có ai hỏi thì các em bảo là chăn trâu bò của nhà mình. Đố ai hạch họe được các em.

Thời bấy giờ, dân Hà Nội sành ăn, vẫn được chén thịt bò tươi mà cũng không đắt lắm, chủ yếu nhờ vào cách “chăn trâu chăn bò” độc đáo và không kém phần “thi vị” của những đứa trẻ mục đồng phường Mai Động, thuộc nội thành Hà Nội.

“Điện giật” nông dân nghèo

Cách đây khoảng 20 năm, thấp thoáng sau các lũy tre làng, chúng ta bắt đầu thấy nhiều hơn những dàn ăng – ten vô tuyến. Đêm đêm, ánh đèn điện đã thay thế ánh đèn dầu leo lắt. Đổi mới, mở cửa đã làm cho bộ mặt nông thôn sáng và rạng rỡ thêm ra, đời sống vật chất, tinh thần của bà con đỡ phần tối tăm hơn xưa. Nhưng đó chỉ là một vài cảm quan của người ngoài cuộc. Đằng sau ánh hào quan của việc đón nhận ánh sáng đèn điện là biết bao nhiêu nỗi nhọc mà bà con nông dân vẫn còn phải gánh chịu. Ai cũng thừa nhận là nhờ có điện mà đời sống bà con được sung sướng thêm, nhưng bên cạnh cái sung sướng là nỗi lo dúm dó như bị “điện giật” mỗi kỳ phải nộp tiền điện.


Để có điện vào nhà, bà con phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ. Có điện rồi thì trong nhà cũng phải gắng mà mua cái ti vi để không phải chạy sang xem nhờ hàng xóm. Hơn nữa, nông thôn ở xa thành phố, xa các cơ quan Trung ương nên phải trả tiền điện theo giá cao hơn so với người dân ở thành phố.

Người ta đả thông là do điện thất thoát nên phải chịu giá cao, mỗi xã bây giờ có một ban điện đứng ra đấu thầu, họ bảo thất thoát điện là thứ vô hình thành ra bảo sao chúng tôi phải nghe vậy. Đã bỏ ra gần triệu bạc lắp điện vào nhà bây giờ chả nhẽ không dùng.

Chi phí tiền điện quy ra mỗi năm cũng ngót nghét hai tạ thóc, hay tương đương với khẩu phần ăn của một đứa bé vị thành niên trong một năm, có nghĩa là nếu dùng điện thì phải bớt khẩu phần ăn của một đứa con. Nếu quy ra tiền bán lợn, để có tiền điện, mỗi năm người nông dân phải xuất chuồng hai con lợn tạ với độ tăng trưởng mỗi tháng từ 12kg đến 15kg và trong điều kiện không phải mua rau. Bà con phải bấm bụng lại mà dùng điện. Đó là chưa kể trong một năm, có vài kỳ bà con nông thôn phải đóng góp tiền do các sự cố điện, khi thì đường dây, khi thì do biến thế,.... Rõ là đã “đâm lao thì phải theo lao”.

Trái với tình cảnh bà con nông dân nghèo phải khổ sở vì tiền điện, đây lại là cơ hội thuận lợi để phía đơn vị thầu điện ở vùng nông thôn làm giàu theo cách bất hợp pháp.

Bà con cũng biết có chuyện nhập nhèm ăn chặn của ông xã, ông ban điện, nhưng biết là biết vậy chứ ai đi bênh vực dân nghèo. Chú tính xã tôi có 2.000 hộ mỗi tháng mỗi hộ bị họ chém cứ cho là 20.000 đ thì cả xã cũng phải lên tới 40 triệu chứ ít gì. Số 40 triệu đó giỏi lắm độ mười người được hưởng. Tính ra thu nhập của một ông xã, ông ban điện mỗi tháng không dưới 4 triệu, bằng lương những ông giám đốc làm ăn giỏi ở thành phố. Anh nào dính vào đường dây cấp điện sau một năm là có xe tốt đi, sau hai năm là có tiền xây nhà, vợ con ăn trắng mặc trơn.

Ngày trước, người ta dựa vào thóc lúa thu nhập, nhưng bây giờ thì quay ra làm ăn cái “món điện”. “Ăn cắp tiền điện” dễ dàng hơn rất nhiều, bởi lấy thóc trong kho thì còn dễ bị lộ, còn ăn cắp tiền điện thì ai mà biết được. Tệ nạn hà lãm tiền điện của bà con đúng là một mặt trái đau lòng của nền kinh tế thị trường thời bấy giờ.

Thất thoát trong xây dựng cơ bản bắt nguồn từ các văn bản phạm quy

Các văn bản phạm quy về xây dựng cơ bản của Việt Nam thời bấy giờ còn tồn tại nhiều điều khoản mâu thuẫn nhau, thậm chí loại trừ nhau. Trong nhiều trường hợp, ngôn từ chính thức lại không ghi rõ văn bản nào là văn bản được áp dụng hay loại trừ văn bản nào. Vì không ghi rõ nên phía bên B luôn tìm cách vận dụng những điều có lợi cho họ mà không ai bắt bẻ được, vì các điều khoản đó đều do Chính phủ ban hành.


Ví dụ, ở phần quy định áp dụng đơn giá của bộ đơn giá 4502 ghi như sau:

Đối với công trình cải tạo xây dựng xen trong nội thành được áp dụng hệ số tính trên chi phí trực tiếp:

- Hệ số 1,04 đối với vật liệu.

- Hệ số 1,05 đối với chi phí nhân công.

Quy định này còn quá sơ hở, người ta rất dễ lợi dụng. Có đơn vị dỡ mấy dãy nhà cấp 4 để xây nhà cao tầng, khi dỡ đã tính công, đào móng lại tính đào đất trong điều kiện khó khăn để nhân thêm hệ số. Đến khi quyết toán, người ta lại thêm đuôi 0,04 – 0,05 lấy lí do là “cải tạo” hoặc “xây xen”, nên có công trình xây dựng cách xa công trình cũ hàng chục mét nhưng người ta vẫn nhân thêm hệ số xây xen. 4 – 5% giá trị trong xây dựng cơ bản là rất lớn, vì một công trình nhỏ cỡ 3 tỷ đồng, khi nhân hệ số này cũng mang lại cho người ta trên trăm triệu đồng. Những năm 90 của thế kỷ trước, hàng năm, chỉ riêng thành phố Hà Nội đã mất hàng trăm tỷ đồng do sơ hở trong điều khoản này của bộ đơn giá 4502. Buồn thay, số tiền thất thoát này lại rơi vào túi những cá nhân biết khai thác kẽ hở trong các văn bản quy phạm.

Khi một công trình xây dựng cơ bản nào đó xảy ra tham ô, tham nhũng thì những người nhận lãnh trách nhiệm quản lý tiền trước Chính phủ phải chịu trách nhiệm đến đâu? Nếu không phải chịu trách nhiệm gì thì những nhà quản lý này nên thay bằng cái tên “nhà cấp phát” thì đúng hơn.

Lại nói về hạt gạo

Nhớ thời chúng ta còn đang trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, toàn dân đồng lòng chung sức vì một mục tiêu đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Mọi người dân đều tự nguyện thắt lưng buộc bụng dồn sức dồn của cho chiến tuyến. Thời đó có khẩu hiệu: “Mỗi người làm việc bằng hai, hai người ăn cơm bằng một. Tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt”. Khẩu hiệu này không chỉ càng làm vững thêm niềm tin đồng bào máu mủ trong mỗi con dân đất Việt mà còn khiến cho người dân thêm căm thù bọn cướp nước, từ đó càng thấy gắn bó hơn với chế độ, với Đảng và Nhà nước.

Cuộc chiến tranh kết thúc hùng tráng, cả dân tộc cùng rạng rỡ hân hoan đón chào ngày chiến thắng cuối cùng – ngày 30/04/1975. Nhưng rồi, sau năm 1975, các nước đồng minh đã cắt giảm viện trợ cho Việt Nam. Lại thêm thiên tai thường xuyên hoành hành, và Nhà nước cũng không có cơ chế khuyến khích người nông dân gắn bó với đồng ruộng (cơ chế bó) khiến cho người nông dân miền Bắc bao năm cắn răng thắt lưng buộc bụng đến bây giờ cũng không thể kéo dài tình cảnh này được nữa. Còn ở Nam Bộ, những người nông dân đã bao năm nay gắn bó với cách mạng đánh giặc để giành lại từng tấc đất, bây giờ lại lo lắng, đau khổ. Nhiều người đã rơi nước mắt trên thửa ruộng của mình chỉ bởi vì cơ chế bó của Nhà nước.

Dân ta có đầy đủ tiềm năng để có thể đưa đất nước đến ấm no hạnh phúc, miễn là phải có cơ chế đúng. Không phải ngẫu nhiên Nhật Bản là nước không bao giờ thiếu tiền thế nhưng vẫn luôn kiên quyết bảo trợ cho nền nông nghiệp, mặc dù đầu tư bảo trợ cho cây lúa hạt gạo được gieo trồng tại Nhật đắt gấp nhiều lần so với việc nhập khẩu. Đây không phải là nhằm giữ gìn bản sắc kinh tế. Người Nhật không bao giờ coi thường cây lúa hạt gạo mặc dù so với lợi nhuận của nhiều ngành công nghiệp khác của Nhật thì nông nghiệp lúa gạo không là gì hết. Do sự thúc bách mà có những năm Chính phủ Nhật Bản đã cho mở cửa thị trường gạo. Ngay lập tức, điều này gây ra những chấn động ghê gớm trong xã hội Nhật, uy hiếp sự tồn tại của cả một Chính phủ.


Điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam thời bấy giờ cần phải có một cơ chế thoáng hơn, nhằm khuyến khích người nông dân gắn bó với ruộng đất, khuyến khích tăng gia sản xuất nhằm tạo thêm nhiều của cải cho xã hội. Cơ chế đúng sẽ tạo ra hiệu ứng kinh tế tích cực, và đó là nhiệm vụ của Chính phủ thời bấy giờ trong việc giải quyết “bài toán hạt gạo” của đất nước.

Và không chỉ có vậy

Trên đây mới chỉ là 5 mặt trái còn nhức nhối khi Việt Nam bắt đầu mở cửa hội nhập quốc tế và đón nhận nền kinh tế thị trường cách đây khoảng hơn 20 năm. Nhưng “bản cáo trạng” Mặt trái của cơ chế thị trường của Phạm Viết Đào không chỉ có như vậy!

“Bản cáo trạng” của Phạm Viết Đào chỉ dài khoảng 350 trang nhưng đã vạch ra tổng cộng 39 mặt trái còn tồn đọng khi chúng ta chấp nhận mở cửa đón nhận làn sóng quốc tế từ những năm 80 – 90 của thế kỷ trước. Mặc dù cuốn sách đã được xuất bản cách đây hơn hai thập kỷ, nhưng giá trị tham khảo của nó chưa bao giờ bị mai một. Bối cảnh kinh tế – xã hội Việt Nam hiện nay rất khác biệt so với thời bấy giờ, và các mặt trái của thời bấy giờ cũng phần nào đã được hạn chế, thậm chí bị “tiêu diệt” ở thời điểm hiện tại. Vậy giá trị của cuốn sách này nằm ở đâu?

Thứ nhất, nó đã vẽ ra một bức tranh toàn cảnh rất chi tiết về các góc khuất của nền kinh tế thị trường thời bước đi chập chững của Việt Nam. Nó cho chúng ta thấy rằng kinh tế – xã hội Việt Nam đã từng khó khăn như thế nào.

Thứ hai, thông qua việc nhìn nhận những khó khăn thời bấy giờ, và làm phép so sánh với bối cảnh tươi sáng của hiện tại, chúng ta có thể thấy được sự hiệu quả của những nỗ lực từ Đảng và Nhà nước Việt Nam trong tiến trình quá độ lên xã hội chủ nghĩa và đón nhận nền kinh tế thị trường. Rõ ràng, trong tiến trình đổi mới của đất nước ta từ sau chiến tranh và bao cấp, vai trò của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong việc dìu dắt nền kinh tế nước nhà là không thể phủ nhận.

Cuối cùng, giá trị của cuốn sách đã ra đời cách đây hơn hai thập kỷ nằm ở những câu chữ tâm huyết của tác giả Phạm Viết Đào. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, để có thể viết ra được “bản cáo trạng” Mặt trái của cơ chế thị trường thì chúng ta đã đủ để biết được tầm cỡ tri thức của Phạm Viết Đào đạt mức uyên thâm như thế nào. Không sai khi nói rằng Phạm Viết Đào là một tri thức tiến bộ của Việt Nam trong thời quá độ lên Xã hội chủ nghĩa.

Kết

Cao hứng và say sưa viết cuốn sách Mặt trái của cơ chế thị trường, tác giả Phạm Viết Đào không hề có ý bài xích một tiến trình không thể đảo ngược trong đời sống kinh tế – xã hội đã từng tạo ra trên đất nước và cho nhân dân những biến đổi, biến động sâu sắc trong bối cảnh xã hội Việt Nam cách đây 20 năm – tiến trình bước tới nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thông qua cuốn sách, Phạm Viết Đào mong muốn đóng góp những suy nghĩ và nhận thức của mình vào sự nghiệp hoàn thiện và hoàn chỉnh tiến trình này. Ông mạnh dạn tập hợp và công bố những suy nghĩ tản mạn về nhiều khía cạnh của cái gọi là “mặt trái của cơ chế thị trường”. Sau khi quyết định mở cửa đổi mới vào năm 1986, chúng ta chấp nhận con đường cơ chế thị trường để phát triển kinh tế đất nước, thay cho nền kinh tế bao cấp với quá nhiều hạn chế tồn đọng. Và để đạt được mục tiêu đó, tiến trình này phải được bảo hiểm, phải được thế chấp bởi các thiết chế văn hóa và pháp chế Xã hội chủ nghĩa. Nhưng làm sao Chính phủ có thể xây dựng được một hệ thống thiết chế và pháp chế hoàn chỉnh, nếu như không biết được bên ngoài xã hội thực tế đang tồn tại những “hạt sạn” nào cần phải khắc phục? Sẽ có rất nhiều cách để các nhà làm luật Việt Nam thời bấy giờ tìm ra những hạn chế đó, và một trong những cách hữu hiệu nhất chính là đọc và nghiền ngẫm “bản cáo trạng” Mặt trái của cơ chế thị trường của Phạm Viết Đào.

Tác giả: DO

______________

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,064 lượt xem