Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] “Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc “Đếch” Quan Tâm”: Dành Sự Quan Tâm Cho Những Điều Xứng Đáng

Thông qua Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm (The subtle art of not giving a f*ck), Mark Manson sẽ không dạy chúng ta cách để đạt tới điều này hay điều nọ, mà là làm thế nào để vứt bớt và buông bỏ. Cuốn sách sẽ hướng dẫn bạn cách nhắm mắt lại và tin rằng bạn có thể ngã ngửa ra đằng sau mà vẫn ổn. Nó sẽ dạy bạn: Đừng cố! Tại sao lại như vậy? Bởi vì chìa khóa của một cuộc sống tốt đẹp không phải là quan tâm nhiều hơn mà là quan tâm ít đi, chỉ quan tâm tới điều gì là thật, gần gũi và thực sự quan trọng.

Văn hóa của chúng ta ngày nay thường tập trung một cách ám ảnh vào những kỳ vọng tích cực phi thực tế. Chúng ta muốn mình được sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn. Chúng ta muốn trở thành người tốt nhất, tốt hơn những người khác, trở nên thông minh hơn, nhanh nhạy hơn, giàu có hơn, gợi cảm hơn, nổi trội hơn, năng suất hơn, đáng được ngưỡng mộ và ganh tị hơn. Và không chỉ dừng lại ở đó! Còn vô số những cái “hơn” không tên khác mà chúng ta vẫn luôn mong muốn trong cuộc sống hàng ngày của mình.

Nhưng khi bạn dừng lại và thực sự suy nghĩ về điều đó, tất cả những thứ mang tính tích cực và hạnh phúc về việc tự hoàn thiện bản thân mà chúng ta thường được nghe thực sự đều gắn liền với những thứ mà bạn còn thiếu. Nó gói gọn trong những gì bạn nhận thức được về sự thiếu sót của bản thân và những thất bại hiển nhiên, và rồi nhấn mạnh chúng với bạn.

Bạn học cách kiếm tiền tốt nhất bởi vì bạn cảm thấy bản thân mình chưa làm ra đủ tiền. Bạn đứng trước gương và nhắc đi nhắc lại những câu khẳng định rằng mình xinh đẹp bởi vì bạn cảm thấy bản thân mình chưa đủ xinh đẹp. Bạn làm theo những lời khuyên về hẹn hò và duy trì mối quan hệ bởi vì bạn cảm thấy bản thân mình chưa đủ đáng yêu và được yêu. Bạn cố gắng thực hiện các bài tập tưởng tượng vớ vẩn về việc trở nên thành công hơn bởi vì bạn cảm thấy mình chưa đủ thành công.

Chìa khóa để có một cuộc sống tốt đẹp hơn

Sự ấn định tích cực về việc trở nên tốt hơn, xuất sắc hơn chỉ nhằm nhắc đi nhắc lại với chúng ta về những điều mà chúng ta không phải là, về những thứ mà chúng ta còn thiếu và về những điều chúng ta phải trở thành nhưng hoàn toàn thất bại. Sau tất cả, không một con người thực sự hạnh phúc nào lại cảm thấy cần thiết phải đứng trước gương và lảm nhảm rằng mình hạnh phúc.

Những nhà làm quảng cáo trên TV muốn bạn tin rằng chìa khóa dẫn tới cuộc sống tốt đẹp hơn là một công việc tốt hơn, một chiếc xe sành điệu hơn, một cô bồ nóng bỏng hơn, hay đơn giản chỉ là một đôi giày hàng hiệu. Thế giới này cứ liên tục nói với bạn rằng con đường dẫn tới một cuộc sống tốt hơn là nhiều, nhiều và nhiều hơn nữa. Hãy mua nhiều hơn, hãy sở hữu nhiều hơn, hãy làm ra nhiều của cải hơn,.... Bạn thường bị oanh tạc với những thông điệp về việc bận tâm đến mọi thứ, mọi lúc. Tại sao lại như vậy?

Bởi vì khi bạn bận tâm đến nhiều thứ hơn thì các công ty mới kiếm được tiền.

Và trong khi chẳng có gì sai trái với kết quả kinh doanh tốt đẹp của các doanh nghiệp, vấn đề nằm ở chỗ quá nhiều mối bận tâm sẽ có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tinh thần của bạn. Nó khiến cho bạn trở nên hời hợt và giả tạo. Bạn sẽ dành cả đời mình vào việc chạy theo ảo tưởng về hạnh phúc và sự mãn nguyện.

Chìa khóa để có một cuộc sống tốt đẹp hơn là đếch cần quan tâm đến mọi thứ, bớt để ý đi, hãy quan tâm đến những gì là thật, cấp bách và thực sự quan trọng mà thôi!


Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm

Khi hầu hết mọi người hình dung về việc đếch quan tâm tới bất kỳ thứ gì, họ sẽ tưởng tượng ra khung cảnh thờ ơ với mọi thứ, một lòng bình thản trước mọi bão tố của cuộc đời. Họ thường mường tượng và mong mỏi trở thành một con người không bị lung lay trước bất cứ điều gì và ngả nghiêng trước bất cứ ai. Có một tên gọi riêng dành cho loại người không có bất kỳ cảm xúc hay tìm thấy ý nghĩa nào trong bất cứ việc gì, đó là: “Kẻ loạn thần kinh”.

Vậy thì tại sao chúng ta lại thích noi gương một “Kẻ loạn thần kinh” cơ chứ? Cuộc sống sẽ trở nên vô cùng nhàm chán nếu như thiếu đi các cung bậc cảm xúc. Khi đó chúng ta sẽ chẳng khác gì các cỗ máy trí tuệ, những người máy vô cảm cả. Đừng nên trở thành những “Kẻ loạn thần kinh”.

Vậy thì thực sự việc “đếch thèm quan tâm” có nghĩa là gì? Hãy xem xét 3 “điểm tinh tế” dưới đây. 

Điểm tinh tế #1

Điểm tinh tế #1: Đếch quan tâm không có nghĩa là thờ ơ mà nó có nghĩa là thoải mái với việc trở nên khác biệt.


Chẳng có gì là đáng ngưỡng mộ hay tự tin về việc thờ ơ cả. Những người thờ ơ là những người kém cỏi và đầy sợ hãi. Họ là những kẻ lười biếng và anh hùng bàn phím. Thực ra, những người thờ ơ thường cố tỏ ra thờ ơ bởi vì trong thực tế họ quan tâm tới quá nhiều thứ. Họ quan tâm tới việc người khác nghĩ gì về quần áo của mình bởi họ chẳng bao giờ là phẳng chúng cả. Họ bận tâm tới việc người khác nghĩ gì về ý kiến của mình nên họ thường ẩn mình sau những lời lẽ chế nhạo và tự cho rằng mình luôn đúng. Họ sợ hãi khi để người khác thân cận mình nên họ tự tưởng tượng ra rằng mình là một “bông tuyết độc nhất vô nhị” với những vấn đề mà không ai có thể thấu hiểu. Nói chung, chẳng hề có cái thứ gì được gọi là “Không bận tâm” trên cõi đời này. Bạn bắt buộc phải quan tâm tới một điều gì đó. Đây là một cơ chế sinh học rất tự nhiên của con người.

Bạn không thể trở thành sự hiện diện quan trọng và mang tính bước ngoặt cuộc đời của một số người mà lại không trở thành trò cười và đáng hổ thẹn với những người khác. Bởi vì ở đời chẳng tồn tại cái thứ gọi là “Không có trở ngại”. Nó không hề tồn tại. Có một câu nói như thế này: “Cho dù bạn có đi nơi đâu, thì bạn luôn hiện hữu”. Câu nói ấy đúng với cả những khó khăn và thất bại nữa. Dù bạn có đi nơi đâu, thì vẫn sẽ luôn có “hàng trăm tấn c*t” đang đón chờ bạn ở phía trước. Vấn đề là, bạn đừng quay lưng lại với “hàng trăm tấn c*t” ấy, thay vào đó, hãy tìm ra “đống c*t” mà bạn cảm thấy chấp nhận được.

Điểm tinh tế #2

Điểm tinh tế #2: Để không bận tâm tới những khó khăn, trước tiên bạn cần phải quan tâm đến thứ còn quan trọng hơn cả khó khăn.


Nếu bạn nhận thấy bản mình thường bận tâm quá nhiều đến những thứ vớ vẩn và tầm thường, ví dụ như bức hình mới đăng trên Facebook của người yêu cũ, pin điện thoại của mình sao lại nhanh cạn thế, hay một cốc trà sữa bị bỏ phí vì bạn đã bỏ lỡ sự kiện “Mua 1 tặng 1”, thì có lẽ cuộc đời của bạn sẽ chẳng có mấy sự kiện xảy ra để mà quan tâm tới một cách thích đáng. Đừng chủ quan! Đó thực sự là một vấn đề đáng lo ngại đối với bạn đấy!

Khi một người không gặp phải vấn đề gì cả thì tâm trí của họ sẽ tự động tìm cách để kiến tạo ra chúng. Điều này sẽ dẫn tới hệ lụy là việc nhận thấy rằng điều quan trọng và có ý nghĩa thực sự trong cuộc đời của bạn có thể là việc tìm ra cách sử dụng thời gian và năng lượng của bạn một cách hiệu quả nhất. Bởi vì nếu như bạn không thể tìm thấy được thứ có ý nghĩa đó thì sự quan tâm của bạn sẽ rơi vào những mục đích vô nghĩa và phù phiếm.

Điểm tinh tế #3

Điểm tinh tế #3: Dù cho bạn có nhận ra được điều này hay không, thì bạn vẫn luôn lựa chọn quan tâm tới một điều gì đó.


Con người ta từ khi sinh ra không phải là không quan tâm tới bất kỳ thứ gì. Thực ra, kể từ khi chúng ta được sinh ra, chúng ta đã bận tâm tới quá nhiều. Khi chúng ta còn trẻ, mọi thứ đều thật mới mẻ, hấp dẫn và lớn lao, do đó chúng ta cứ bận tâm tới hàng ti tỉ thứ. Chúng ta bận tâm tới mọi thứ và mọi người, bận tâm về việc người khác nghĩ gì về mình, về việc crush có hồi âm tin nhắn của mình không, về việc đôi giày Adidas trắng có hợp với bộ đồ thể thao mà mình mới mua không, hay đơn giản chỉ là băn khoăn không biết sẽ ăn gì cho bữa trưa hôm nay. Khi chúng ta già hơn một chút, cùng với lợi thế của kinh nghiệm, chúng ta bắt đầu nhận ra rằng hầu hết những việc như thế này đều chẳng có ý nghĩa mấy trong cuộc đời ta. Những người mà ta đã từng bận tâm quá tới cảm nhận của họ trước đây thì giờ chẳng còn xuất hiện trong cuộc đời của ta nữa, những sự từ chối đầy đau đớn vào thời điểm đó hóa ra lại là những bài học đắt giá và tuyệt vời nhất. Chúng ta sẽ nhận ra rằng, thường thì người khác cũng sẽ chẳng mấy bận tâm đến những chi tiết cạn cợt về chúng ta, và ta lựa chọn không bị ám ảnh nhiều nữa về mấy cái thứ ấy.

Về cơ bản, chúng ta trở nên có chọn lựa hơn về việc mình sẵn sàng bận tâm tới thứ gì. Đây chính là cái mà chúng ta vẫn gọi là “Sự trưởng thành”. Trưởng thành là khi một ai đó học được rằng anh ta chỉ cần bận tâm tới những thứ đáng để bận tâm.

Và rồi, khi ta già hơn nữa và bước vào độ tuổi trung niên, một vài thứ trở nên thay đổi. Mức năng lượng trong ta giảm xuống, bản sắc cá nhân của chúng ta về cơ bản đã được định hình. Chúng ta biết mình là ai, và chúng ta chấp nhận con người mình, bao gồm cả những phần mà ta không ưa lắm. Và, theo một cách kỳ lạ, điều này hoàn toàn mang tính giải phóng. Chúng ta không còn phải bận tâm tới mọi thứ nữa. Chúng ta chấp nhận nó, những xấu xí và tất thảy. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Giờ chúng ta dành mối bận tâm bị thu hẹp của mình cho những phần đáng quan tâm trong đời chúng ta hơn như gia đình, những người bạn tri kỉ, chiếc xe bọ rùa cổ kính, tủ sách mà ta từng sưu tầm từ hồi trẻ,.... Với chúng ta, như thế là đủ rồi. Sự đơn giản hóa này thực sự khiến cho ta cảm thấy hạnh phúc theo một nền tảng kiên cố.

Bạn luôn luôn lựa chọn

Hãy thử tưởng tượng rằng, vào một ngày xấu trời, cô bạn gái “yêu quái” của bạn đột nhiên gửi cho bạn một tin nhắn trên Facebook và nói rằng trong kỳ thi sắp tới bạn phải đạt được điểm A+ học phần Toán cao cấp bằng mọi giá, nếu không thì cô ấy sẽ chia tay bạn và cắt đứt mọi liên lạc vĩnh viễn. Dở hơi thay, cuộc sống này đâu có giống như trong một cuốn truyện ngôn tình. Cô bạn gái dọa chia tay nếu bạn không được điểm cao không phải là vì cô ấy muốn bạn lấy nó làm động lực học tập mà chỉ đơn giản bởi vì bạn trai của con bé hàng xóm của người yêu bạn mới được A+ học phần Toán cao cấp, và con bé hàng xóm đó có cơ hội để rêu rao về bạn trai của mình khắp cả khu xóm trọ với một niềm tự hào vô đối. Bạn gái của bạn cảm thấy khó chịu vì điều đó, và việc “giận cá chém thớt” là chuyện rất chi là bình thường!

Nghe có vẻ khó chịu đúng không? Chắc chắn sẽ rất tệ nếu như phải rơi vào hoàn cảnh đó! Bạn rất yêu cô ấy! Cô ấy rất xinh đẹp, bố cô ấy rất giàu, nhà cô ấy rất to! Vì tất cả những điều này, bạn không thể để cô ấy bỏ mình được. Bạn đành phải được A+ học phần Toán cao cấp thôi!

Giờ thì hãy tưởng tượng rằng, bạn chỉ cần đạt được điểm A+ học phần Toán cao cấp là sẽ đủ điều kiện để được xét học bổng loại Giỏi trong kỳ học ấy. Bạn nghiêm túc ôn tập. Bạn mua cả đống đề cương về và luyện tập giải đề suốt mấy tuần trời. Kết quả là, ở phía cuối con đường ấy, số tiền thưởng cho gói học bổng đang chờ bạn ở đó trong sự hân hoan của bố mẹ, anh em bạn bè, và cả sự ganh tị của những sinh viên “suýt thì được học bổng” nữa! Thật đáng tự hào!

Có lẽ đó sẽ là một trong những khoảnh khắc khó quên nhất trong cuộc đời sinh viên của bạn!

Cũng cùng là điểm A+ học phần Toán cao cấp, cũng vẫn chỉ là bạn đã đạt được điểm số đó, cũng cùng thời gian ôn tập, cũng cùng lượng chất xám mà bạn phải bỏ ra cho bài thi, cũng tưng ấy nỗ lực, nhưng khi bạn được tự do lựa chọn và chuẩn bị sẵn sàng vì nó, nó sẽ trở thành niềm vui chiến thắng và sẽ là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời bạn. Ngược lại, khi bị ép buộc, cưỡng chế, nó sẽ trở thành một trải nghiệm tồi tệ và đau đớn nhất đời bạn.

Thường thì sự khác biệt duy nhất giữa một vấn đề gây đau đớn và một chiến tích thắng lợi có ý nghĩa tốt đẹp chỉ là cảm giác về việc ta lựa chọn nó, và do đó ta phải chịu trách nhiệm trước nó. Nếu như bạn thấy khổ sở trong tình cảnh hiện tại, rất có khả năng đó là bởi vì bạn cảm thấy có vài phần trong đó nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, rằng đó là một vấn đề mà bạn không có khả năng giải quyết, một vấn đề mà theo cách nào đó, nó rơi xuống đầu của bạn mà bạn không hề biết trước để chọn lựa.

Khi mà chúng ta cảm thấy rằng ta đang lựa chọn vấn đề của mình, chúng ta thấy mình có được sức mạnh. Khi chúng ta cho rằng các vấn đề xảy đến không như ta mong muốn, ta cảm thấy mình là nạn nhân và đau khổ.

Chúng ta thường không thể kiểm soát những gì xảy ra đến với mình, nhưng ta luôn kiểm soát được cách thức mà chúng ta lý giải những gì xảy đến với ta cũng như cách thức mà ta phản ứng lại trước chúng. Dù ta có ý thức về việc nhận biết nó hay không, chúng ta luôn chịu trách nhiệm đối với những trải nghiệm của mình. Việc lựa chọn không diễn giải các sự kiện trong đời ta thì vẫn là một cách để lý giải các sự kiện trong đời ta. Việc lựa chọn không phản ứng lại các sự kiện trong đời mình thì vẫn là một cách phản ứng lại các sự kiện trong đời. Dù ta có thích như thế hay không, chúng ta vẫn luôn đóng vai trò chủ động trước những gì diễn ra đối với chúng ta và bên trong chúng ta. Chúng ta luôn diễn giải ý nghĩa của mọi thời khắc và mọi sự kiện. Chúng ta luôn luôn lựa chọn các giá trị mà ta dựa vào để sống và các thước đo mà ta dùng để đánh giá mọi điều xảy đến với mình. Thường thì, cùng một sự kiện, nó có thể là tốt hoặc xấu phụ thuộc vào cái thước đo mà chúng ta sử dụng.

Vấn đề là chúng ta luôn luôn lựa chọn, dù ta có nhận ra điều đó hay không.

Điều này lại quay trở về với vấn đề là làm sao mà, trong thực tế, lại có chuyện không bận tâm tới bất cứ điều gì hết. Điều đó là không thể.

Tất cả chúng ta đều phải bận tâm tới một thứ gì đó. Không quan tâm tới gì cả thì vẫn có nghĩa là quan tâm tới một thứ nào đấy.

Câu hỏi thật sự ở đây là: Chúng ta lựa chọn quan tâm tới vấn đề gì? Bạn lựa chọn dựa những giá trị nào để đưa ra hành động? Chúng ta lựa chọn thước đo nào để đánh giá cuộc đời mình? Và liệu đó có phải là những lựa chọn tốt – những giá trị đúng đắn và những thước đo đúng đắn?


Kết

Xã hội của chúng ta ngày nay còn được gọi là “Social Media 4.0” (Xã hội số). Nhờ vào những tiến bộ công nghệ, nhờ vào các tuyệt tác của nền văn hóa tiêu dùng và sự xuất hiện của mạng xã hội “Ê-cuộc-đời-của-tui-hoành-tráng-hơn-các-chế” đã tạo ra cả một thế hệ loài người tin vào việc có những trải nghiệm tiêu cực này (lo lắng, sợ hãi, tội lỗi,...) là không bình thường. Đây là một trong những luận điểm lớn mà Mark Manson đã đề cập thông qua Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm. Nghe có vẻ hơi khó hiểu một chút, nhưng ý của Manson là, nếu như bạn nhìn vào Facebook của mình, mọi người ở đó đều đã từng có một quãng thời gian đã qua đỉnh vãi cả chưởng ra ấy. Ôi, tay lớp trưởng lớp bạn mới đoạt Giải Nhất trong cuộc thi “Kỹ năng Diễn thuyết” toàn Thành phố Hà Nội! Rồi thì trong tuần vừa rồi có tận 5 đứa lên xe dâu! Còn thằng nhóc chết tiệt kia thì bày tỏ nỗi thất vọng của nó vì nó chỉ được nhận một chiếc Lexus “có mỗi 3 tỷ rưỡi bọ” trong ngày mà nó đỗ Đại học. Còn bạn thì sao? Bạn chỉ biết luẩn quẩn suốt ngày ở nhà mà vuốt ve mấy con mèo mướp. Và kết cục, bạn chẳng thể làm gì ngoài việc cho rằng cuộc đời mình tệ hại hơn bạn tưởng. Bạn sẽ thấy cuộc đời như c*t sau khi vừa bị oanh tạc bởi những tấm hình của những người “hoàn toàn hạnh phúc và có cuộc sống đỉnh đếch đỡ được”, và như thế thì thật khó để không khỏi cảm thấy rằng hình như có điều gì đó sai sai với chính bản thân mình. Đó chính là vấn đề mà bạn đang gặp phải.

Chúng ta thấy tồi tệ vì đã cảm thấy tồi tệ. Chúng ta thấy tội lỗi vì cảm thấy tội lỗi. Chúng ta tức giận vì đã cáu giận. Chúng ta lo lắng vì cảm thấy lo lắng: Cái quái gì đang xảy ra với tôi thế?


Chính vì vậy mà việc “đếch thèm quan tâm” mới trở thành chiếc chìa khóa cho những vấn đề mà bạn đang gặp phải. Chính vậy mà nó mới có thể cứu rỗi được thế giới này. Và nó giúp cho mọi chuyện trở nên đơn giản hơn bằng việc chấp nhận rằng thế giới này “lởm” vãi, và như thế thì cũng chẳng hề gì bởi vì nó vốn dĩ là như vậy, vẫn như vậy và sẽ vẫn luôn như vậy. Bằng việc chẳng thèm bận tâm tới việc bạn cảm thấy tồi tệ ra sao, cảm xúc của bạn sẽ giống như được rắc lên đầy thứ “bột tiên đếch-quan-tâm” đầy ma thuật. Bạn sẽ dừng chán ghét bản thân mình chỉ bởi vì những cảm xúc tiêu cực.

Tác giả: DO

Hình ảnh: DO

______________

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan toả văn hoá đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,358 lượt xem