Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] “Người Đi Tìm Bão”: Tỷ Phú Nổi Loạn

Chúng ta luôn nghĩ rằng tỷ phú phải là một người lúc nào cũng chỉn chu, quần áo gọn gàng, cẩn trọng trong hành động, nghiêm túc trong công việc, luôn luôn bận rộn với những bộ não siêu việt? Đúng, đa phần họ là những người như vậy, nhưng cũng có những con người mà chúng ta hay chính họ cũng không nghĩ rằng, có một ngày họ lại trở thành người như vậy. Và vị tỷ phú đó chính là Richard Branson – tỷ phú nổi loạn. Để tìm hiểu cụ thể hơn, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua tác phẩm tự truyện của ông Người Đi Tìm Bão.

Nội dung cuốn sách

Người đi tìm bão tiếp nối những gì còn đang dang dở trong cuốn Đường Ra Biển Lớn. Xuyên suốt cuốn sách, chúng ta sẽ thấy được quá trình hình thành và phát triển của tập đoàn Virgin, những khó khăn cũng như khủng hoảng, thảm họa khủng khiếp tưởng chừng như sẽ phá hủy cả sự nghiệp của Richard mà ông từng phải đối mặt và cách ông xử lý chúng, thậm chí tận dụng chúng để nâng cao danh tiếng và thành công của mình.

Không chỉ vậy, trong cuốn sách này, chúng ta còn biết được về cuộc sống đời thường của “tỷ phú nổi loạn” Richard Branson, về những thành viên trong gia đình ông, về cách ông trở thành một người ông, một người cha và một người chồng tốt hơn như thế nào.

Tác giả

Richard Branson được biết đến là một ông trùm kinh doanh người Anh, nổi tiếng với thương hiệu Virgin gồm hơn 360 công ty trong mọi lĩnh vực. Ông đã viết nhiều cuốn sách về sự nghiệp và cuộc đời của chính mình. Bản thân Richard Branson cũng là người đàn ông được ngưỡng mộ nhất Châu Âu và được đề cử vào chức thị trưởng Luân Đôn.


 

Ông là người như thế nào?

Cũng giống như những tỷ phú khác, Richard Branson bắt đầu kinh doanh từ thời niên thiếu, giờ đây ở tuổi 68, ông là một trong những tỷ phú cực kỳ thành công, nắm trong tay hàng loạt những tập đoàn trên nhiều lĩnh vực như Virgin Records, Virgin Airlines, Virgin Express, Virgin Mobile,... Tuy nhiên, điều khiến cho Richard Branson khác với các doanh nhân khác là tâm trạng lúc nào cũng vui vẻ của ông. Khi không chơi thể thao ngoài trời, ông sẽ dành thời gian bên gia đình và bạn bè.

Richard Branson nghĩ rằng mình chỉ nên tiến vào các lĩnh vực mà ông thực sự đam mê và quan tâm. Đó là lý do tại sao ông bắt đầu với tạp chí, sau đó lấn sang âm nhạc khi còn trẻ. Khi ông bắt đầu đi du lịch nhiều hơn, thì ý tưởng tiếp cận dịch vụ hàng không, dịch vụ nghỉ dưỡng và khách sạn lại đến. Khi ai đó thường xuyên di chuyển, điện thoại di động và sự kết nối là vấn đề quan trọng tiếp theo. Khi lớn tuổi hơn một chút, ông trở nên có ý thức về sức khỏe hơn và vì thế các công ty chăm sóc sức khỏe của ông ra đời. Còn bây giờ, ông đang điều hành các ngân hàng và thậm chí, ở Nam Phi – gần đây ông đã học được – về bảo hiểm tang lễ. Nói về một thương hiệu phải gắn liền với cuộc sống và phong cách sống! Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thương hiệu Virgin được yêu thích suốt ba thế hệ. Nếu Virgin không phát triển và biến nó thành một thương hiệu theo phong cách sống, điều đó đã không thể xảy ra.

Mạnh mẽ, sôi nổi

Dự án kinh doanh đầu tiên của Branson là một tạp chí cho giới trẻ khi ông 15 tuổi với mong muốn lan tỏa ý kiến của mình với cộng đồng. Dự án kinh doanh đầu tiên của Branson là một tạp chí cho giới trẻ mang tên "Student" khi ông 15 tuổi. Lúc ấy, ông bỏ học để trò chuyện với mọi người trên khắp thế giới và học hỏi về những điều đang xảy ra. "Tôi cảm thấy rằng mình có thể ra ngoài và bắt đầu tạo nên một thứ khác biệt trên thế giới", ông nói. Để hỗ trợ tạp chí của mình, Branson bán thêm các bản thu âm theo yêu cầu qua thư. Cuối cùng, tạp chí Student đã thất bại nhưng việc kinh doanh bản thu âm đã trở thành doanh nghiệp lớn - Virgin Records.

Sau đó, Branson thành lập một thương hiệu để hỗ trợ Mike Oldfield - nhạc sĩ mà ông tin tưởng. Ông nhớ lại: "Tôi tới bảy công ty thu âm nhưng không ai giúp Oldfield xuất bản Tubular Bells. Vậy nên, tôi đã tự thành lập một doanh nghiệp thu âm nhỏ". Nhờ sự mạo hiểm, Branson đã bán được hàng triệu album của Mike Oldfield. Sau đó, ông tiếp tục ký hợp đồng với "những đối tác mà không ai sẽ hợp tác", bao gồm The Rolling Stones, Sex Pistols và Janet Jackson. Branson thành triệu phú khi mới 23 tuổi. Khi còn là một thiếu niên non dại, công ty thu âm đặt hàng qua thư của chúng tôi đã được thành lập chỉ sau một vài ngày, và thậm chí các doanh nghiệp phức tạp hơn như Virgin Atlantic đã đi từ ý tưởng đến việc ra mắt chỉ trong vài tuần. Nói chung, chúng tôi thích làm việc nhanh: thử nghiệm các ý tưởng, xem chúng có vướng mắc không, và nếu không, nhanh chóng chuyển sang ý tưởng tiếp theo.


  

Táo bạo

Chắc chắn, nhắc tới Richard, người ta sẽ luôn nhớ tới người đàn ông táo bạo, sẵn sàng đương đầu với thử thách, hoàn thành những mục tiêu của bản thân. Năm 1984, Branson ra mắt hãng hàng không Virgin Atlantic sau hơn một thập kỷ kinh doanh trong lĩnh vực âm nhạc. "Khi ấy, không ai nghĩ chúng tôi sẽ thành công. Tuy nhiên, chúng tôi đã tạo ra một hãng bay được mọi người yêu thích trong bối cảnh thị trường hàng không rất tồi tệ. Khách hàng của các hãng khác đã chuyển sang Virgin Atlantic", tỷ phú này nói. Suốt nhiều năm qua, hãng bay của Branson đã vươn mình ra toàn cầu cùng những thương hiệu mạnh như Virgin America và Virgin Australia. Với Virgin Galactic, Branson đang đặt tham vọng vào mảng du lịch thám hiểm vũ trụ. Con người ta thể hiện bản thân qua những điều mình làm và theo đuổi, Richard Branson cũng vậy. Ông luôn luôn tìm kiếm những thử thách mới, những chân trời mới. Ông nói “Bạn chỉ có thể mất đi sự trinh nguyên một lần trong đời. Nhưng trong mọi mặt của cuộc sống – xây dựng một doanh nghiệp, chăm lo cho gia đình, dấn thân vào những cuộc phiêu lưu – tôi luôn cố gắng làm mọi thứ mỗi ngày đều là lần đầu tiên”. Khi Virgin Atlantic đã trở thành hãng hàng không tốt nhất trên bầu trời Anh Quốc, ngay lập tức ông mở rộng kinh doanh sang thị trường hàng không ở Úc và tiếp đó là Mỹ. Virgin Atlantic khi mới thành lập chỉ với một máy bay cùng đường bay duy nhất nhưng giờ đây nó đã có mọi đường bay trên toàn thế giới và trở thành hãng hàng không toàn cầu. Với bản thân ông, sau khi đã thực hiện những chuyến phiêu lưu trên khắp các vùng trời điều mà ông mong muốn hiện tại, đó là hướng tới những vì sao. Sau đó, ông kể “Năm 1999, tôi bắt đầu thực hiện những bước đầu tiên để hoàn thành giấc mơ của chính mình. Trong số tất cả các chuyến đi đáng nhớ trên khắp thế giới mà tôi đã thực hiện vào năm đó, chuyến đi thú vị nhất bắt đầu với một quãng tản bộ ngắn từ nhà của tôi, băng qua công viên Hyde Park, đến một tòa nhà hành chính ảm đạm. Tôi đã đi bộ tới Cơ quan Đăng ký kinh doanh và chính thức đăng ký một công ty mới: Virgin Galactic Airways. (Với bản tính lạc quan từ khi sinh ra, tôi cũng đã đăng ký cả công ty Virgin Intergalactic Airways). Richard là người như vậy, ông tiến lên, hướng về phía trước, tìm kiếm và thực hiện những ước mơ của riêng mình.

Phiêu lưu

Không phải vô cớ, Richard Branson có rất nhiều công ty trong lĩnh vực du lịch lữ hành và công ty, ông coi trọng nhất là hãng hàng không Virgin Atlantic. Suốt cuộc đời, ông đã trải qua những cuộc phiêu lưu bất tận và những kỷ lục. Ông lập kỷ lục thế giới khi vượt qua eo biển Manche, người đầu tiên bay vòng quanh thế giới bằng khinh khí cầu và nhiều lần khác nữa,… Trong mọi hành trình, với vô vàn khó khăn, nhưng ông vẫn vượt qua để đạt được đích đến của mình. Không phải là một người có ý chí thép thì chắc chắn không thể vượt qua những khó khăn đó. Ông đối mặt với mọi khó khăn trong cuộc phiêu lưu và cả trong cuộc sống lẫn kinh doanh để xây dựng nên tập đoàn mà hàng triệu triệu người đang dõi theo Virgin.


 

Bản lĩnh

Gặp vô vàn khó khăn trong mọi việc, nhưng ông đều vượt qua. 68 tuổi là số tuổi của ông thì 76 là số lần mà ông suýt chết chỉ điều đó thôi cũng đủ chứng tỏ bản lĩnh của tỷ phú nổi loạn. Mỗi lần những đứa con – công ty Virgin – gặp thách thức, ông đều là người đứng mũi chịu sào, lèo lái con thuyền ra khỏi chỗ nguy nan.

“Tháng 9 năm 2001, công ty hàng không non trẻ Virgin Blue được đề xuất mua lại. Khi tôi chuẩn bị rời văn phòng. Tôi đã ngồi lại bởi tôi nhận ra người phía đầu dây bên kia là CEO của hãng Singapore Airlines, Tiến sĩ C. K. Cheong. Khi ông Cheong nói, mọi thứ bắt đầu trở nên rõ ràng. Singapore đã là đối tác của Virgin từ năm 1999, khi họ trả 600 triệu bảng Anh để sở hữu 49% cổ phần ở Virgin Atlantic. Trớ trêu thay, chúng tôi đã tái đầu tư một phần số tiền đó để gây dựng Virgin Blue – chúng tôi thậm chí cho Singapore cơ hội trở thành đối tác tại Virgin Blue với số tiền 10 triệu đô-la Úc, nhưng họ đã từ chối. Tuy nhiên, Virgin Atlantic không phải là hãng hàng không duy nhất mà Singapore có cổ phần: họ cũng sở hữu 20% cổ phần của Ansett và cần bảo vệ khoản đầu tư này. Tiến sĩ Cheong đã thẳng thắn đề nghị rằng họ muốn mua Virgin Blue ngay lập tức với số tiền lớn hơn 10 triệu đô-la Úc rất nhiều là 250 triệu đô-la Úc. Số tiền đó thực sự lớn hơn cả những gì tôi tưởng tượng. Nhưng đồng thời, nó cũng đi kèm với một thời hạn, và cả một lời cảnh báo “Anh có 24 giờ để ra quyết định. Nếu anh từ chối, tôi hứa rằng Chính phủ Singapore sẽ tung ra khoản đầu tư khổng lồ vào Ansett và phá hủy Virgin Blue chỉ trong vòng 6 tháng”. Suốt chuyến bay tới Úc, tôi đã không ngủ để suy nghĩ tường tận về nó. Nhưng quyết định này không hề đơn giản, tôi phải nghĩ không chỉ cho Virgin Blue mà còn cả tập đoàn Virgin Group. Tôi dành cả đêm đứng ngồi không yên trong phòng khách sạn, vạch ra những lựa chọn trong đầu. Tập đoàn Virgin Group chắc chắn có thể dùng số tiền này để tái đầu tư, và tôi không thể bàn cãi khi có lập luận rằng chúng tôi sẽ thu về được 250 triệu đô-la Úc gấp 25 lần số tiền đầu tư ban đầu. Nhưng tôi không muốn bị đe dọa, đặc biệt với một đối tác của Virgin Atlantic. Ngoài ra, có điều gì đó về lời đề nghị này chưa thỏa đáng. Vì sao Singapore Airlines, một công ty mẹ của Ansett, lại tha thiết đề nghị với Virgin Blue – một đối thủ khá nhỏ - một khoản tiền lớn như vậy để biến mất khỏi thị trường? Liệu họ có thực sự sẽ sử dụng quyền lực của chính phủ Singapore để loại chúng tôi ra khỏi cuộc chơi? Nếu vậy việc kháng cự sẽ châm ngòi cho một cuộc cạnh tranh khốc liệt mà chắc chắn chúng tôi sẽ thua. Nhưng mức giá đề nghị rất lớn này của họ phảng phất một chút tuyệt vọng. Phải chăng Ansett đang gặp vấn đề nghiêm trọng hơn những gì chúng tôi biết? Thậm chí, có thể họ đang trên bờ vực phá sản? Với họ, lời đề nghị 250 triệu đô-la Úc này khiến chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có đầy đủ các quân bài trên tay. Sau đó, Singapore Airlines nhanh chóng bị lật tẩy. Họ chẳng còn con bài nào trong tay, huống chi lấy chính phủ Singapore để đe dọa. Ngay sau đó, họ từ chối đề nghị mua lại toàn bộ Ansett với giá 1 đô-la và thu hồi toàn bộ sự hỗ trợ.”

 


Nhân văn

Richard Branson từng nói “Kinh doanh đơn giản là ý tưởng giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”. Đúng vậy, nhân quyền, bình đẳng giới, bỏ án tử hình, biến đổi khí hậu,… ông đều tham gia vận động cũng như đóng góp thông qua công việc kinh doanh của mình. Các hãng hàng không của Virgin là những chiếc máy bay nhẹ nhất và tốn ít nhiên liệu vận hành nhất thế giới. Bên cạnh, biết được rằng đối với những người mới khởi nghiệp rất cần một khoản vốn nhỏ để khởi sự. Bằng sự vận động tích cực của ông, chính phủ Anh quyết định thành lập quỹ hỗ trợ cho những doanh nhân mới khởi nghiệp và riêng bản thân Virgin cũng có công ty đầu tư của riêng mình, và còn vô vàn điều khác nữa… Không chỉ nói, ông cố gắng đóng góp, khiến thế giới một ngày tích cực hơn từng chút từng chút một thông qua công việc kinh doanh của mình.

Yêu thương gia đình

Gia đình đối với vị tỷ phú luôn là ưu tiên hàng đầu. Ở tuổi 68, Richard đã là một người chồng, người cha và người ông. Dù bận rộn thế nào, ông luôn dành những điều tốt nhất cho gia đình. Tập đoàn Virgin là sự nghiệp, công sức cả đời của ông với mong muốn nó sẽ tiếp tục được các con, cháu tiếp tục tiếp quản, phát triển hơn nữa hoàn thành những tâm nguyện mà ông vẫn đang theo đuổi.

Tại Necker, gia đình ông chung sống trong khu nghỉ dưỡng của Virgin giữa thiên nhiên, khí hậu tuyệt vời của vùng biển Caribe. Ở nơi này, ông đã xây dựng hòn đảo của riêng mình. Đây là nơi mà ông gặp gỡ, tổ chức các bữa tiệc và luôn luôn chào đón những người bạn của ông, cũng tại nơi này ông cùng gia đình đã lưu giữ vô vàn kỷ niệm mà ông luôn coi nó là những điều quý giá nhất của mình.

Lời kết

Người đi tìm bão không chỉ là một cuốn tự truyện về một vị tỷ phú mà nó còn khẳng định rằng bất cứ ai cũng có thể thành công, hạnh phúc như họ. Qua những câu chuyện của Richard Branson – tỷ phú nổi loạn, mỗi người sẽ có những bài học của riêng mình để áp dụng vào cuộc sống của bản thân và có những thành công theo cách của riêng bạn.

Review chi tiết: Bá Minh - Bookademy

______________

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

225 lượt xem