Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách]: “Những Gã Khổng Lồ Công Nghệ Trung Quốc”: Câu Chuyện Về Sự Chuyển Mình Của Con Rồng Công Nghệ Trung Quốc

Hơn 10 năm trước, Trung Quốc được xem là cả công xưởng của thế giới, là bậc thầy của sao chép với các sản phẩm, ý tưởng, quy trình đều được Trung Quốc học hỏi và sao chép gần như nguyên vẹn. Nhưng liệu, quan điểm này có còn đúng khi Trung Quốc ngày càng chứng tỏ cho thế giới thấy rằng họ đang tiên phong trong các xu hướng công nghệ tương lai. Khi mà Mỹ, cái nôi của công nghệ đang càng ngày phải từng bước dè chừng, và bám sát từng nước đi của Trung Quốc để không bị đối mặt với cuộc soán ngôi đã được dự báo trong vũ trụ công nghệ. Vậy điều gì đã làm nên sự chuyển mình mạnh mẽ trong cuộc đua làm “bá chủ công nghệ” của Trung Quốc? “Tech Titans Of China sẽ cho người đọc thấy được bài học rõ ràng và súc tích về đổi mới sáng tạo của Trung Quốc cũng như cách các công ty công nghệ khổng lồ tại đây tạo ra vũ trụ công nghệ cho riêng mình”. Đó chính là lời của Edith Yeung, người sáng lập của Báo cáo Internet Trung Quốc nhận xét về cuốn sách này. 


Tổng quan về cuốn sách 

Về tác giả

Cuốn sách được viết bởi Rebecca A. Fannin, một chuyên gia hàng đầu về đổi mới toàn cầu kiêm tác giả, diễn giả và doanh nhân truyền thông được quốc tế công nhận. Năm 2010, cô thành lập nền tảng truyền thông và sự kiện Silicon Dragon Ventures, nơi xuất bản bản tin điện tử hàng tuần, sản xuất video và podcast, cũng như các chương trình tổ chức sự kiện tại nhiều trung tâm đổi mới trên toàn cầu. 


Tác giả viết cuốn sách bằng chính những gì mà bà đã chứng kiến, nghiên cứu và phân tích trước những thực tế mà Trung Quốc đã và đang làm không chỉ trên sân nhà mà còn trên toàn thế giới. Với những thành công ngoạn mục từ các nhà công nghệ Trung Quốc, cũng như những tiềm năng mà Trung Quốc có thể phát triển hơn nữa trong tương lai, tác giả tổng hợp, phân tích cho người đọc thấy sức mạnh của đất nước tỷ dân này với nền công nghệ của thế giới. 


Với góc nhìn của một nhà nghiên cứu về những đổi mới của thế giới, mình nhận thấy rằng, ngôn ngữ trong cuốn sách này vô cùng ngắn gọn, rõ ràng, tập trung đi sâu vào chứng minh những chủ đề mà tác giả đề cập. Người đọc thực sự sẽ cảm nhận được bản thân mình sẽ hiểu thêm về Trung Quốc, hiểu thêm về thế giới công nghệ mà Trung Quốc đang điều hành. Đương nhiên, sẽ hiểu thêm về những siêu ứng dụng vô cùng phổ biến mà chính người đọc có khi đang sử dụng nó hàng ngày. 

Về cuốn sách

Cuốn sách được thiết kế bìa với nền màu đỏ, sắc màu tượng trưng cho lửa, đại diện cho vẻ  đẹp huyền ảo của cuộc sống hạnh phúc, thành công và sức sống mãnh liệt. Vô cùng phổ biến tại Trung Quốc. Chính vì thế, cùng với chủ đề về sự trỗi dậy mạnh mẽ của những gã khổng lồ công nghệ tại Trung Quốc, cuốn sách càng trở nên thu hút với người đọc hơn bao giờ hết. 


Tech Titans Of China tập trung đi sâu bàn về thực tế hiện tại của những con rồng công nghệ tại quốc gia tỷ dân này. Từ những bước đi khiến cả thế giới coi Trung Quốc là công xưởng lớn nhất của thế giới, là một bậc thầy về sao chép đến những chiến lược trở thành người tiên phong về công nghệ tương lai. Tất cả sẽ được đưa ra bình luận, phân tích vô cùng chi tiết đến từng con số của những công ty công nghệ hiện tại và tiếp tới của Trung Quốc. 


Trung Quốc đã và đang chiến thắng như thế nào?


Trong phần một này, người đọc sẽ gần như gác bỏ định kiến vốn có với Trung Quốc sang một bên và bất ngờ trước những gì mà quốc gia này đã làm về công nghệ. Có rất nhiều sự đổi mới sáng tạo của Trung Quốc đang cách mạng hóa tương lai với những tiến bộ vẫn khá hiếm hoi tại phương Tây. Đại lục đang tạo ra một vũ trụ công nghệ đối trọng với vị trí thống trị đã có từ rất lâu của Mỹ. 


Nếu thử hỏi người xung quanh rằng Trung Quốc đã làm được những gì trong ngành công nghệ trong nước, tôi tin họ có thể trả lời cho bạn không dưới 10 cái tên vô cùng nổi bật trong cuộc cách mạng công nghệ không chỉ phạm vi trong nước mà phải là toàn thế giới. Wechat là một ví dụ, một siêu ứng dụng có trên 1 tỷ người dùng trên khắp thế giới với sự tích hơp các tính năng của Facebook, Twitter, Skype, Whatsapp, Amazone và Instagram. Nó là mạng xã hội của Trung Quốc cũng giống như Facebook của Mỹ. Tik Tok, ứng dụng phát trực tuyến video kéo dài 15 giây đã thực sự gây ấn tượng mạnh với thế hệ thanh thiếu niên và có thể giúp những người làm ra các video đó trở thành ngôi sao giàu có. 


Sự đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đã tiến bộ và trải qua 3 giai đoạn phát triển: từ sao chép để áp dụng tại Trung Quốc, cho tới được phát minh tại Trung Quốc, và ngày nay, xu hướng chủ đạo chúng ta thấy là các quốc gia khác đang sao chép chính những ý tưởng nảy sinh tại quốc gia này, nghĩa là các công ty Mỹ cũng đang sao chép những đổi mới cùng sáng tạo của Trung Quốc. 


Sự bùng nổ sáng tạo, đổi mới về công nghệ tại quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ở trong những lĩnh vực đang trở thành xu hướng tất yếu của tương lai. Trí thông minh nhân tạo đang được Baidu lãnh đạo đi đầu với công nghệ xe thông minh tự lái và các thiết bị nhận diện giọng nói dùng trong nhà thông minh. Ngành thương mại bán lẻ mới được tiên phong bởi Alibaba và JD.com của tỷ phú Jack Ma khi đẩy mạnh quá trình số hóa đến mọi công đoạn trong hoạt động tiêu dùng của người dân. Thanh toán qua di động đang vô cùng phổ biến tại Trung Quốc khi dần mất đi sự xuất hiện của tiền mặt, với sự dẫn dắt của WeChat Pay và Alipay. Lĩnh vực Fintech cũng được chú trọng không kém khi cung cấp các dịch vụ tài chính một của sử dụng dữ liệu lớn, cấp bốn, cho vay, bảo hiểm, thanh toán qua điện thoại. Hệ thống tín nhiệm xã hội được đánh giá thông qua giám sát bằng công nghệ và khuyến khích sự tuân thủ bằng cho điểm làm cơ sở để được tiếp cận đến những dịch vụ lợi ích cho chính họ…


Những gã khổng lồ tiên phong trong sự bùng nổ công nghệ của Trung Quốc là Baidu, Alibaba và Tencent. Họ đã và đang đổi mới sáng tạo ở khắp ngóc ngách của nền kinh tế công nghệ. Theo sát sau họ là hàng loạt nhóm công ty tiềm năng khác của Trung Quốc như Toutiao, Tik Tok, Meituan Dianping và Didi. Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc muốn có quyền lực. Vì vậy, ở phần này, người đọc sẽ thấy được sự sôi động từ các cuộc sáp nhập cũng như mua lại rất nhiều dạng kinh doanh và củng cố chúng dưới một mái nhà chung. Những cuộc giao dịch triệu, tỷ đô dường như diễn ra hàng tháng của các công ty công nghệ nhằm mở rộng quy mô của các gã khổng lồ từ những công ty khởi nghiệp tiềm năng trong lĩnh vực AI. 


Có thể nói, hình mẫu công nghệ của bộ ba gã khổng lồ của Trung Quốc là Baidu, Alibaba và Tencent với những thành tựu đột phá trong thế giới số đang dần chấm dứt một sự mặc định kéo dài từ lâu, rằng là các công ty trong Thung lũng Silicon sẽ thống trị nền kinh tế công nghệ toàn cầu trong những thập niên tiếp theo


Và để thỏa lòng tò mò của người đọc về bộ ba đi đầu công nghệ tại Trung Quốc trong những lĩnh vực luôn đổi mới, tác giả đã đưa những phân tích không thể chi tiết hơn về sự ra đời, hành trình trên con đường chinh phục công nghệ và chiến lược mở rộng, phát triển của những gã khổng lồ trong Bộ ba BAT này. Điều thú vị rằng, với vô vàn những ứng dụng, dịch vụ tiện ích mà chúng ta có thể đã sử dụng từ Trung Quốc, người đọc sẽ biết rõ hơn gốc gác và lĩnh vực mà chúng được sử dụng. 


Không chỉ dừng lại ở bộ ba gã khổng lồ với quy mô ngày càng mở rộng, những ngôi sao đang lên của Trung Quốc như những con kỳ lân công nghệ cũng tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ. Nhóm TMD với Toutiao, Meituan và Didi đang chạy đua để tìm kiếm những thị trường tiềm năng để rực sáng. 


Khát vọng vươn ra toàn cầu của công nghệ Trung Quốc là điều nhận thấy rõ khi những nỗ lực của các ứng dụng công nghệ của Tencent, Alibaba, Baidu luôn được cải tiến để phù hợp với thị trường nước ngoài như về ngôn ngữ sử dụng, dịch vụ thanh toán đa quốc gia…Hơn nữa, có vẻ như thị trường quốc tế đang làm khó cho những ông trùm này khi doanh thu bên ngoài của các công ty còn thấp chỉ chưa đầy 11%. Do đó, những khó khăn, thách thức đối với các công ty công nghệ là có thể thấy vì chưa đánh bật được những ứng dụng lâu đời của Mỹ. 


Những khó khăn không chỉ đối mặt từ sự cạnh tranh của các nền công nghệ khác mà còn bởi những chính sách bảo mật do lo ngại về an toàn an ninh mạng của chính Chính quyền Trung Quốc. Các công ty công nghệ Trung Quốc như “tiến thoái lưỡng nan” do sức ép từ cả trong lẫn ngoài buộc những đại gia công nghệ này phải nỗ lực sáng tạo đổi mới để mở rộng sân chơi công nghệ của mình. 


Các gã khổng lồ công nghệ xây dựng sự lớn mạnh của mình 

Tâm điểm của phần này xoay quanh 3 “con rồng” đang thống trị vũ trụ công nghệ của Trung Quốc với những cuộc săn lùng miếng bánh thị phần trong thế giới số cả về phạm vi và sự đa dạng. Đến với phần này, một điều chắc chắn sẽ cảm nhận được đó chính là sự nhộn nhịp, sôi nổi và đầy quyết tâm trong các thương vụ thu mua những công ty khởi nghiệp công nghệ tân tiến. Với triết lý kinh doanh càng lớn càng tốt, các công ty này phát triển quy mô ở bất cứ lĩnh vực nào có thể, đầu tư một cách chiến lược như một nền tảng để xây dựng và duy trì quyền lực. 


Các công ty công nghệ đứng đầu Trung Quốc luôn muốn “mở rộng dấu chân và tầm ảnh hưởng” bằng việc tái bơm tiền vào những khoản đầu tư và xây dựng “các chòm sao về tinh rộng lớn”.

Hàng loạt những thỏa thuận công nghệ trị giá hàng tỷ đô la, những cuộc bắt tay đầu tư mạo hiểm ra thị trường nước ngoài với những công ty công nghệ nổi tiếng và tiềm năng đều được săn lùng ráo riết để thực hiện nó. Các ví dụ cụ thể càng cho thấy những nỗ lực đẩy mạnh trong chiến lược mở rộng thị trường công nghệ của mình. Họ được ví như những người mua hào phóng khi sẵn sàng ra giá cao hơn và giúp cung cấp các thông tin cùng quyền tiếp cận những thị trường lớn của Trung Quốc. 


Các gã khổng lồ công nghệ không thể nào bỏ qua được Hollywood, biểu tượng của Mỹ. Họ tập trung đầu tư vào điện ảnh Hollywood với mọi vị trí có thể. Từ nhà đầu tư sản xuất, hợp tác kết nối, diễn xuất hay người mua… tất cả đều là mong muốn các dòng tiền đầu tư của họ liên tục chảy xuyên biên giới giữa Mỹ và Trung Quốc. 


Và đương nhiên, trước một làn sóng đầu tư lớn mạnh của Trung Quốc, buộc các nhà chức trách của Mỹ phải đặt những dấu hỏi lớn, từ đó là những cuộc kiểm soát nghiêm ngặt, những quy định hạn chế và những áp đặt nhằm giảm nguy cơ chịu chi phối nguồn lực từ Trung Quốc. Điều này cho thấy, Chính quyền Mỹ đã có những lo lắng nhất định trước những con rồng công nghệ đến từ quốc gia đại lục. 

Ngay chính tại Trung Quốc, các cuộc càn quét đối với những giao dịch có tính đòn bẩy cao giữa Mỹ và Trung Quốc đã phá bỏ biên giới trong việc thực hiện các giao dịch. Những sức ép từ phía Bắc Kinh buộc các công ty phải ưu tiên giảm nợ trong quá trình mở rộng toàn cầu. Và các động thái của Chính phủ Trung Quốc đã làm như đối với khách sạn Waldorf là minh chứng rõ nhất về lo ngại của chính quyền trong nước đối với chính những công dân khổng lồ của mình. 


Và khi Mỹ không còn là thị trường duy nhất trong chiến lược mở rộng, các gã khổng lồ công nghệ bắt đầu có những hướng chuyển đến các quốc gia tiềm năng khá như tới Israel, Đông Nam Á. 


Vẫn là những thương vụ hợp tác đầu tư về công nghệ luôn đặt lên hàng đầu trong những chuyến du hành của những người đứng đầu Alibaba, Baidu và Tencent. Phần này, những khoản đầu tư cho khu vực này được đẩy mạnh từ năm 2017 với mọi lĩnh vực từ gọi xe, thương mại điện tử. Một danh sách các công ty được ngắm đầu tư và rót vốn tại các thị trường này như Lazada của Singapore, Tiki của Việt Nam, Go-jerk của Indonesia hay Sanook của Thái Lan…


Với những thành công mà các gã khổng lồ này đạt được trong từng lĩnh vực cốt yếu của mình thì việc thành bại sẽ được quyết định bởi chính bộ ba này. Việc chạm tới các lĩnh vực thông tin và giải trí, vị trí đỉnh cao của Tencent sẽ rất khó để lật đổ. 


Còn ai khác ngoài ba kẻ đang thống trị công nghệ tại Trung Quốc


Quả thật là thiếu sót khi tập trung quá nhiều vào 3 gã khổng lồ công nghệ hiện nay mà quên đi rằng vẫn còn những kỳ lân công nghệ đáng được nhắc đến khi bàn về thị trường này. 


Xiaomi, “hạt gạo nhỏ” của Lei Jun.

Được ví như chiếc Apple xịn sò của Trung Quốc. Xiaomi đã mang đến thành công to lớn khi đem đến mẫu điện thoại giá rẻ tại thị trường Trung Quốc và giờ đây là rất nhiều thị trường ở Đông Nam Á. 

Xiaomi cũng gặp khó khăn trong khi tiếp cận đến thị trường Mỹ. Thật khó để kiếm được một thiết bị Xiaomi cầm tay tại gian hàng điện tử Mỹ. Xiaomi thành công khi đưa điện thoại thông minh vào thị trường Ấn Độ, nhưng phần lớn doanh thu có được lại từ nội địa Trung Quốc. 

Bột bước ngoặt nữa đó là mở rộng mô hình kinh doanh khi hãng này sản xuất các thiết bị kết nối Internet và hàng gia dụng. Kinh doanh đa ngành và liên kết được xem là lợi thế của Xiaomi. Vậy, công ty này sẽ tiếp tục làm gì? Mở rộng sang lĩnh vực fintech, tích hợp chúng với chiếc điện thoại nòng cốt của mình để cập nhật những dịch vụ tiện ích của sản phẩm. Từ đó, nâng cao vị thế của chiếc điện thoại và dần dần đưa chúng đến với thị trường Mỹ và các nơi khác. 

ByteDance, công ty sở hữu nền tảng video ngắn Tik Tok cán mốc 500 triệu người dùng trên toàn cầu. Với sự thành công này đã khiến những gã công nghệ của Mỹ chú ý. Facebook nổ phát súng đầu tiên khi tung ra video ngắn của riêng mình là Lasso, một phiên bản Tik Tok tại Mỹ. Và trước sự phát triển không ngừng của mình, ByteDance đẩy nhanh ra ngoài Trung Quốc bằng các vụ mua lại từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Đẩy mạnh phát triển các ứng dụng nhờ AI và tiện ích mua sắm. ByteDance không có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Công ty đang xây dựng một đế chế ứng dụng thế hệ mới nhằm mục đích thách thức các nhà lãnh đạo BAT truyền thống của Trung Quốc và cạnh tranh những đơn vị dẫn đầu phương Tây. 

Meituan, công ty với ứng dụng tích hợp tất cả trong một cho các dịch vụ và hệ thống giao hàng được điều khiển bởi AI nhằm tạo niềm tin đem đến dịch vụ giao đồ ăn nhanh chất lượng đến với khách hàng. Cũng giống như các nhà khởi nghiệp công nghệ khác, Meituan cũng chủ trương mở rộng phân khúc kinh doanh của mình vào bán lẻ. Nhằm chứng minh sự lớn mạnh trong thị trường của mình. 

Nhìn lại, tác giả nhận ra số lượng những công ty Mỹ thành công ở Trung Quốc không nhiều. Những cái tên như Starbucks, Airbnb, WeWork và LinkedIn đang nỗ lực nhiều hơn với những chiến lược tập trung vào số hóa mượn ý tưởng từ Trung Quốc cũng như các công ty địa phương. Nói chung, có một sự tương đồng khi các công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài với các công ty Mỹ muốn tiếp cận thị trường Đại lục. Đều gặp phải những khó khăn nhất định từ đối thủ cạnh tranh nội địa. 

Câu chuyện của Starbucks thành công trên đất nước tỷ dân với phong cách uống trà truyền thống sẽ cho thấy những khó khăn và thách thức mà công ty đã và đang phải trải qua khi muốn tiếp cận vùng đất mới. 

Silicon Dragon của Trung Quốc có gì khác biệt?

Bạn đã nghe về Thung lũng Silicon, nơi tụ hội đỉnh cao của công nghệ thế giới và xu hướng đầu tư mạo hiểm?  Nhưng có lẽ, Trung Quốc cũng sẽ làm nên một đế chế như vậy và mọi người không cần phải dõi về Sand Hill Road xa xôi làm gì nữa. 

Quả thật là thị trường vốn đầu tư mạo hiểm nóng bỏng của Trung Quốc đang phát triển gần tới mức của Mỹ. Các quỹ đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đang rót vốn vào những đổi mới sáng tạo thay đổi cuộc chơi đầy giá trị và gặt hái thành quả rực rỡ.

Trong phần này, những số liệu thống kê cùng phân tích kỹ càng từ một chuyên gia hàng đầu về đổi mới toàn cầu công nghệ, sẽ cho thấy sự thu hút vốn đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc đang nóng đến mức nào. Một cuộc so sánh đưa ra nhằm chứng minh những điểm thu hút của Trung Quốc, khi các chỉ tiêu đánh giá của Trung Quốc không thua kém gì Mỹ, nơi dẫn đầu lâu năm về đầu tư mạo hiểm.

        Các công ty công nghệ Trung Quốc đã giành thắng lợi ở gần như mọi lĩnh vực, thị trường Internet Trung Quốc cũng trở nên độc lập và tự cung cấp trong         nội địa.

                                                                                                                                                                                              David Yuan, 

Đối tác sáng lập quỹ  Redpoint China Ventures

Khi đã xác định hay chỉ đơn giản là hướng sự chú ý bỏ tiền đầu tư vào nơi có tiềm năng phát triển, thì thật không khó để tìm ra các công ty khởi nghiệp sáng tạo tại Trung Quốc. Và có những lý do vô cùng thuyết phục và chính đáng để các nhà đầu tư bỏ tiền rót vốn. Trung Quốc như một mỏ vàng bất tận cho thế hệ những nhà đầu tư giỏi nhất hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ mới nổi. 

Sức hút là vậy, nhưng rõ ràng cơ hội phát triển tại Trung Quốc, thành công vẫn không phải điều dễ kiếm. Những thương vụ sa lầy khi đã đầu tư tại Trung Quốc và khả năng thua lỗ hay mất trắng luôn tiềm tàng xảy ra. Các ví dụ điển hình được đề cập trong cuốn sách này sẽ cho thấy, đây đúng là một nơi “đầu tư mạo hiểm”. Một khi cuộc đầu tư có hiệu quả, nó sẽ đem lại những khoản lợi khổng lồ nhưng khi đã vấp ngã trên con đường tơ lụa số, kết cục cũng đã rõ. 


Theo tác giả nhận định: Trung tâm của lực hấp dẫn cho đầu tư mạo hiểm chưa chuyển từ thung lũng Silicon sang Trung Quốc và có thể không bao giờ. Nhưng nếu và khi nó xảy ra, nhóm các nhà đầu tư mạo hiểm Trung-Mỹ được mô tả là người tiên phong… Nhiều công ty khởi nghiệp họ từng đầu tư đã trở thành ngôi sao thông qua các thương vụ mua lại và IPO có giá trị cao...Tuy vậy, vẫn còn một chặng đường rất dài. Các sáng lập viên công nghệ tại Trung Quốc đang được chuẩn bị chu đáo và rót vốn với tâm thế như những nhà lãnh đạo tương lai tại Trung tâm Công nghệ Silicon Dragon cách Thung lũng gốc nghìn dặm. 


Bức tranh về thị trường trọng yếu Trung Quốc đang chiếm thế siêu cường


Hai phần trên tác giả đi sâu phân tích về những gã khổng lồ công nghệ đang trỗi dậy mạnh mẽ tại Trung Quốc, giải thích về sự xoay chuyển xu hướng đầu tư công nghệ của các quỹ đầu tư từ Mỹ và Trung Quốc. Vậy điều gì khiến cho các nhà đầu tư có thể sẵn sàng bỏ vốn để hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo của các công ty khởi nghiệp công nghệ. Chính là những lĩnh vực công nghệ đi đầu xu hướng của tương lai. Phần ba của cuốn sách, tác giả sẽ làm rõ những lĩnh vực công nghệ trọng yếu mà có khả năng đưa Trung Quốc trở thành siêu cường về công nghệ và là lý do thuyết phục để được đầu tư phát triển. 

Trí tuệ nhân tạo AI

Trung Quốc và Mỹ đang chạy đua nhằm thống trị thị trường AI béo bở. Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ với cơ sở dữ liệu dồi dào và tốc độ nhanh hơn việc tung ra các phương tiện tự lái, nhận diện khuôn mặt, fintech và chăm sóc sức khỏe…

Tại Trung Quốc, có thể rõ nhất chính là việc sử dụng camera ghi lại hình ảnh tại các khu vực công cộng. Mạng lưới 200 triệu máy quay trên khắp đất nước có thể tóm gọn những hành vi xấu của mọi người dân. Lấy đó để tính điểm cho từng cá nhân dựa trên hành vi xã hội, điều này có thể ảnh hưởng đến điểm tín nhiệm xã hội và thậm chí đến khả năng mua vé tàu của họ. Phát minh này gây sự chú ý lớn và đã đi vào hoạt động trong đời sống của người dân Trung Quốc từ nhiều năm nay. 


Hình dùng một cuộc sống với những đồ dùng gia đình, phương tiện đều được kết hợp với AI tạo nên sự hoàn mỹ trong cuộc sống của chính mình. Trung Quốc cũng đang nỗ lực để tạo nên điều đó. Các gã khổng lồ công nghệ được phân chia cho từng lĩnh vực phát triển và bắt tay vào thực hiện bằng các thương vụ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp AI. 

Và Trung Quốc có gì về AI?  LAIX trong lĩnh vực công nghệ giáo dục, WeLab trong công nghệ tài chính và Link Doc trong các chẩn đoán y khoa thành công chói sáng đem đến sự khởi sắc của giai đoạn bùng nổ AI tại quốc gia tỷ dân. 

Một nền kinh tế chia sẻ

Đây thực sự là một sự bùng nổ trong nền kinh tế này tại Trung Quốc. Bởi, nó thu hút 600 triệu người dùng vào việc chia sẻ với bên thứ ba trong việc sử dụng các sản phẩm hay dịch vụ nhất định. Các nhà đầu tư đang chạy đua thâu tóm thị phần trong lĩnh vực kinh doanh mới đầy hứa hẹn này bằng các cuộc mua lại, hay sáp nhập của Ofo và Mobike. 


Sự phát triển mạnh mẽ của Didi, dịch vụ đặt taxi, xe buýt, xe hai bánh cho người dùng và việc dễ dàng liên kết chia sẻ dịch vụ với người có cùng nhu cầu thông qua ứng dụng này. Càng có triển vọng đi xa hơn, Didi đang cập nhật vào việc mở rộng ra ngoài Trung Quốc và phát triển xe tự lái, taxi robot để làm tăng sự thoải mái cho người dùng. 

Tuy nhiên, với những sự cố tồi tệ đã xảy ra đối với ứng dụng đi xe chung này, Didi đang đẩy mạnh thắt chặt vấn đề an toàn đối với hành khách và tích hợp với AI để giúp người dùng có những trải nghiệm đảm bảo tối đa. Hiện ứng dụng này đang bị cấm hoạt động cho đến khi có những biện pháp bảo vệ chặt chẽ hơn. 

Cách mạng về thương mại điện tử

Trung Quốc đang trải qua cuộc cách mạng thương mại điện tử. Đây là một thị trường khổng lồ và tăng trưởng nhanh chóng. Trung Quốc đã dần trở thành thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, trị giá 1,1 nghìn tỷ đô vào năm 2018 và sẽ dự kiến 1,8 nghìn tỷ vào năm 2022. Tiềm năng còn rất nhiều, khi mới chỉ có 38% dân số Trung Quốc mua sắm trực tuyến. 


Trong thế giới thương mại điện tử, những kẻ thống lĩnh thị trường như Taobao của Alibaba và JD.com đang đấu tranh để giữ vị thế, trước những tay chơi mới cố giành lấy một lĩnh vực đặc biệt trong thương mại điện tử. Pinduoduo và Meituan là hai cái tên nổi bật đã lên sàn và đang gây sóng gió cho các gã khổng lồ. Sẽ lại là các cuộc cạnh tranh trong việc cải thiện những tính năng, các cuộc hợp tác diễn ra nhằm đẩy mạnh sự chi phối trong ngành thương mại điện tử. 

Sự tăng trưởng nhanh chóng của các doanh nghiệp trẻ sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh trong lĩnh vực mua sắm di động và đưa người dùng đến những trải nghiệm mua sắm tuyệt vời chưa từng có. 

Do vậy, việc không ngừng đổi mới và tạo sự khác biệt trong thị trường này sẽ trở thành phương châm của các khởi nghiệp trẻ như Pinduoduo nếu không muốn khách hàng rời đi. 

Kinh đô xe điện

Lĩnh vực phải nhắc đến khi nói về công nghệ Trung Quốc. Những chiếc ô tô điện với giấy phép miễn phí, trợ cấp giá cực ưu đãi, hệ thống trạm sác mọi nơi, công nghệ tự lái đang dần thịnh hành tại Trung Quốc. Tesla, Detroit ư? Hãy coi chừng. Hiện nay, NIO, Xpeng Motors là hai đối thủ chính của các hãng xe công nghệ của Mỹ. 

Công cuộc “điện hóa” ngành xe hơi của Trung Quốc sẽ tạo ra một đế chế sản xuất xe điện tự động thông minh, những chiếc ô tô sử dụng năng lượng mới, liên kết với điện thoại thông minh...cùng với chi phí rẻ hơn nhiều lần so với các dòng xe tương tự nếu mua từ doanh nghiệp Mỹ. 

Một phân khúc hoàn toàn mới của công nghiệp ô tô, Chính phủ Trung Quốc đã nhiệt tình hỗ trợ về giấy phép, cung cấp trạm sạc 12.000 chiếc. Quỹ đầu tư 47 tỷ đô của Chính phủ nêu rõ lĩnh vực xe điện là phân khúc cần phát triển. Kế hoạch “Made in China 2025” của Chủ tịch Tập Cận Bình đã nêu rõ quyết tâm trở thành cường quốc về xe điện. 

Trong tương lai gần, hình ảnh ô tô chạy bằng xăng có thể biến mất, xe buýt công cộng chạy bằng điện, không người lái sẽ thịnh hành tại Trung Quốc. 

Với tương lai sáng lạng cùng sự hỗ trợ nhiệt tình từ Bắc Kinh, các gã khổng lồ đều tham gia cuộc cách mạng này với nguồn lực mạnh mẽ. Cùng đón chờ về một hình ảnh Trung Quốc không có khói bụi giao thông và giao thông tự động. 


Lời kết của tác giả


Với những công nghệ thay đổi cuộc chơi đang được phát minh ở Trung Quốc với tốc độ chóng mặt hiện nay, tác giả đưa ra dự đoán về tương lai công nghệ Trung Quốc rằng: Hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh cho vị thế thống lĩnh toàn cầu trong những ngành công nghệ mới thay đổi thế giới. Trung Quốc với những mảng công nghệ đột phá vùng những lợi ích có được từ Chính phủ, các cuộc giao dịch hay niêm yết cổ phiếu trên chứng khoán quốc tế đang cho thấy sự bùng nổ về công nghệ. Dòng chảy sẽ còn tiếp tục chuyển hướng nếu các nhà hoạch định chính sách Mỹ và công nghệ tại Thung lũng Silicon không hành động. 

Review chi tiết bởi: Thủy Hoàng - Bookademy

 --------------------------------------------------                                                                     

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

850 lượt xem