Anh Duong@Viện Sách - Bookademy
6 năm trước
[Review Sách] “Phương Pháp Nuôi Dạy Con Thời 4.0”: Đồng Hành Cùng Con Trong Thời Đại Số
Đứng trước cơn bão công nghệ của thời đại mới, có lẽ không dưới một lần, các bố mẹ phải băn khoăn suy nghĩ về cách dạy con với những chiếc điện thoại thông minh, chiếc máy tính bảng, youtube hay facebook… Nếu bạn là một bậc phụ huynh đang loay hoay tìm cách giằng chiếc điện thoại ra khỏi tay con, thấp thỏm lo âu về một đời sống khác, ảo mà thật, của những đứa trẻ còn bốc đồng, khờ dại trên một nền tảng mạng xã hội xa lạ nào đó hay bối rối trước hai ngã rẽ: dạy con những kĩ năng công nghệ hay cấm con sử dụng những thiết bị điện tử?... hãy thử tìm đọc cuốn sách này. Hãy đọc nó với một cuốn sổ một cây bút và thực hành với con bạn ngay thôi.
Dù là trên mạng hay ngoài đời vẫn còn đấy những giá trị cốt lõi của việc làm người:
Một trong những ưu điểm của cuốn sách này đối với tôi, đó là phương pháp dạy con thời 4.0 dù có nhiều thay đổi để thích nghi thời đại mới nhưng vẫn xoay quanh những giá trị cốt lõi có ý nghĩa với mọi con người, ở mọi thời đại. Đây là một trong những điều giúp cho mọi ông bố, bà mẹ đều có thể yên tâm khi bạn quyết định thực hành phương pháp này bởi lẽ xã hội, công nghệ luôn thay đổi mỗi ngày, bạn chẳng thể đuổi theo đứa con mình và nắm tay chỉ dẫn được mãi. Cách vững bền nhất để ở bên con, đó là trao cho con những phẩm chất và kĩ năng giúp con tự xử lí được mọi tình huống đặt ra trong cuộc sống này.
Cuốn sách mở đầu với chương Giới thiệu, nói lên một hiện trạng toàn cầu “Bỏ mặc con với thiết bị”. Bạn đã bao giờ cùng con ngồi xuống nói về sự an toàn trên các trang mạng xã hội hay cùng con suy nghĩ cách tận dụng các phương tiện truyền thông? Nếu bạn vẫn chưa thể liệt kê được những kĩ năng truyền thông mà con bạn đã được trang bị có nghĩa là con của bạn đang bị bỏ mặc vẫy vùng trong thế giới hấp dẫn mà cũng nhiều cạm bẫy của công nghệ.
Một sự thật thú vị mà tác giả đã nhắc đến là công nghệ mới vốn đã hiện hữu từ rất lâu rồi và những bối rối đầu tiên của nhân loại thời nào cũng có. Chiếc bút, một vật đã quá quen thuộc cũng đã khiến loài người phải thích nghi và thay đổi, thậm chí triết gia Socrates vĩ đại còn từng nhận định rằng: “nó sẽ khiến người học dễ quên, vì họ sẽ không thuộc”. Những lợi ích của chiếc bút là thành quả của việc loài người đã bỏ qua những sợ hãi ban đầu để tận dụng nó, công nghệ số cũng vậy, tiềm năng vô tận của chúng đang chờ đợi ta chiếm lĩnh. Việc cấm cản thế hệ trẻ tiếp cận những thiết bị điện tử đã thể hiện rõ những mặt bất lợi, thứ nhất, người trẻ sau này sẽ là những người làm việc với công nghệ, thứ hai, nó sẽ là một sự thất bại to lớn của loài người khi chúng ta bỏ lỡ cơ hội tận dụng sức mạnh của công nghệ số.
Thay vì cấm cản, phương pháp được truyền tải trong cuốn sách này nghiêng về việc để trẻ chiếm lĩnh công nghệ và tự mình quản lí bản thân. Bắt đầu với những bước giúp trẻ nhận ra tác động của công nghệ, tác giả gợi ý cho bố mẹ nhiều hoạt động thực hành với con:
Hoạt động “Trở thành một thám tử công nghệ” (hoạt động khám phá tác động của công nghệ trong suốt chiều dài lịch sử)
Thực hành kĩ năng “điều tra công nghệ” (cuộc sống thế nào trước khi có công nghệ)
Giúp trẻ hiểu được “năm đức tính công dân” cần được thực hiện cả trên mạng lẫn ngoài đời
Điểm tốt của những hoạt động trong cuốn sách này là đều dễ thực hiện, có tính tương tác cao, không tốn thời gian dài hướng dẫn và được liệt kê các bước rất chi tiết. Hãy tìm đọc ngay cuốn sách và ghi lại những bước làm để thực hành với những “thiên thần nhỏ” của bạn ngay nhé.
Phần thứ nhất “Nền móng vững chắc” bao gồm hai chương.
Đầu tiên, chương thứ nhất sẽ trang bị cho các bậc phụ huynh những kiến thức cơ bản về lợi ích, tác hại của công nghệ số. Liệu rằng màn hình có khiến trẻ khó tập trung hơn ở trường không? Công nghệ có phải là lí do trẻ trầm cảm?... Một loạt những nghi ngời của cha mẹ sẽ được giải đáp bằng kết quả của các nghiên cứu khoa học.
Tác giả đưa ra những biện pháp để bố mẹ quản lí việc sử dụng các thiết bị điện tử của trẻ:
Bốn nguyên tắc “Childrens and screens”
Mười lời khuyên cho trẻ khi sử dụng công nghệ
Điều quan trọng nhất luôn được tác giả nhắc xuyên suốt chương một đó là tầm quan trọng của mối quan hệ người - người với trẻ. Cô gợi ý cách sử dụng “màn hình” có chủ đích trong việc giáo dục trẻ đế không biến thiết bị điện tử thành “trái cấm” trẻ luôn vụng trộm thèm khát mà ngược lại, trở thành vật dụng giáo dục trẻ lớn lên.
Những cách được gợi ý mà bạn có thể áp dụng theo từng bước đã được miêu tả chi tiết là:
Chat Skype với người thân.
Giải thích việc bạn làm với công nghệ mỗi lần bạn dùng chúng trước mặt con,
Hoạt động khám phá sở thích.
Chương thứ 2 của phần 1 cũng là phần rất hay ở cuốn sách này. Đây là phần tác giả sẽ giới thiệu những kĩ năng bạn cần trang bị cho con để có trưởng thành trong thời đại số một cách lành mạnh hay nói theo cách tác giả là giúp con có được “năng lực tri tạo truyền thông”. Là một bậc phụ huynh bạn có biết đâu là những phẩm chất, kĩ năng cần thiết khi con sử dụng thiết bị điện tử? Nếu câu trả lời của bạn vẫn còn mơ hồ, hãy tìm đọc cuốn sách này thôi vì con bạn có thể đang thật sự cần được giúp đỡ đấy.
Cuốn sách cũng vạch một lộ trình tiếp cận công nghệ cho các gia đình nhỏ của các bạn.
Tác giả chia tuổi trẻ em thành 4 thời điểm 0 - 2 tuổi, 3 - 6 tuổi, 7 - 9 tuổi, và 10 -12 tuổi. Mỗi thời kì, bà lại liệt kê những hoạt động bố mẹ có thể làm cùng với các em thông qua công nghệ. Ví dụ: trẻ em từ 0 - 2 tuổi hoàn toàn có thể sử dụng Skype để gọi video call cho người thân với điều kiện được bố mẹ dẫn dắt và giải thích theo cách của tác giả.
Tiếp theo, Diana Graber giúp bố mẹ hoàn thiện cho con 2 yêu cầu cốt lõi mà bà tin rằng sẽ làm nên mọi đứa trẻ thành công trong việc sử dụng công nghệ. Đó là “tư duy đạo đức” và “sự thấu cảm”. Về mặt tư duy đạo đức, tác giả giới thiệu nghiên cứu của Piaget và Kohlberg, trong đó ông nghiên cứu việc trẻ chơi game để xem xét chúng đưa ra các nhận định đúng sai. Ông đã ghi lại những sự phát triển về tư duy đạo đức của trẻ qua các giai đoạn.
Trung bình trẻ em có chiếc điện thoại đầu tiên khi 10 tuổi, nhưng trẻ từ 7 - 11 tuổi đang trong giai đoạn thao tác cụ thể của tư duy, chúng không thể hiểu hết tác động của một tin nhắn bất nhã hay một bức ảnh khó coi đối với người khác
Hãy nhớ rằng 12 năm đầu đời là dùng để sắp xếp kiến thức cho phép trẻ sau này có thể lĩnh hội các thông tin trừu tượng, ẩn dụ và tượng trưng. Và công nghệ có thay đổi đến mấy cùng chưa thể thay đổi thời gian cần để não trẻ phát triển nên đừng phá vỡ những nguyên tắc hạn chế tuổi người dùng của các trang mạng xã hội. Con bạn cần được hơn 13 tuổi khi bắt đầu với Instagram, Facebook…
Diana Graber cũng sáng tạo ra những hoạt động để giúp bố mẹ xây dựng cho con cái lòng thấu cảm. Có rất nhiều tips nhỏ để bạn học tập, đơn giản đôi khi chỉ cần một cái nhìn thật sâu vào mắt của con… Bà cũng gợi ý các hoạt động giúp hoàn thiện các kĩ năng công nghệ như: hướng dẫn con cung cách gửi email qua nền tảng dành riêng cho trẻ em, kĩ năng kể chuyện qua các nền tảng và làm việc tử tế ngẫu nhiên trên mạng.
Phần hai: Một cấu trúc kiên cố
Sau khi đã xây cho con một nền móng vững chắc, giờ là lúc bạn dạy con cách đề phòng những hiểm nguy rình rập. Đây là phần tác giả sẽ giúp bạn dạy con mình cách gây dựng tiếng tăm của mình trên mạng, thiết lập thời gian sử dụng thiết bị, cách quản lí các mối quan hệ trên mạng và quyền riêng tư. Tác giả có cách tiếp cận khá giống nhau với mỗi phần, nêu hiện trạng, phân tích hiện trạng bằng các bằng chứng khoa học và cuối cùng đưa ra hướng giải quyết, kết thúc bằng các hoạt động được bà thiết kế sẵn. Tôi sẽ chỉ đi sâu vào hai phần “Tiếng tăm” để độc giả có thể hình dung được những lợi ích của cuốn sách này. Những kiến thức này với nhiều ông bố bà mẹ có lẽ vẫn còn rất mới và cần được dẫn dắt.
Đầu tiên về “Tiếng tăm”, đây là phần tác giả sẽ hướng dẫn các bậc phụ huynh quản lí danh tiếng của mình trên mạng. Có một sự thật là:
61% nhà tuyển dụng đang tìm kiếm thông tin chứng minh năng lực ứng viên (trên mạng xã hội)
Chẳng thiếu gì những vụ học sinh bị trường đại học từ chối kết quả tuyển sinh chỉ vì vài hành động thiếu ý thức trên mạng. Những lỗi lầm thời trẻ dại không nên là một vết nhơ gắn theo các em suốt cả cuộc đời. Trong đời thật thời gian có thể làm mọi người lãng quên, bao dung với những phút bốc đồng của trẻ. Nhưng mạng xã hội là mãi mãi. Nó ghi lại hết tất cả những hành động của các em đã làm và là nguồn khai thác của những nhà tuyển dụng và tuyển sinh sau này. Kĩ năng quản lí danh tiếng của mình trên mạng là kĩ năng quan trọng cho mỗi đứa trẻ để chúng thực sự cân nhắc trước mỗi cú click chuột của mình. Diana Graber đã thiết kế các hoạt động cho phụ huynh và các con thực hành cùng nhau. Ví dụ như:
Đóng vai nhà tuyển dụng, tuyển sinh
Mở tiệc Google
Kể những câu chuyện về mạng xã hội
Thiết kế bảng điện tử của bạn
…
Còn rất nhiều những bí quyết đang cần bạn khám phá nữa trong chương “Thời gian sử dụng”, “Bắt nạt qua mạng” , cách xử lí các mối quan hệ qua mạng và quyền riêng tư. Đây đều là những chương vô cùng đáng giá bởi tôi tin chắc dù đã là người lớn nhưng có thể vẫn chưa nắm rõ được những kiến thức này. Với cách diễn đạt dễ hiểu và hoạt động đã được thiết kế và kiểm nghiệm qua thực tiễn, bạn hoàn toàn có thể yên tâm áp dụng theo.
Phần 3: Một cộng đồng sôi nổi
Đây là một phần đặc biệt giúp hoàn thiện sức mạnh tri tạo truyền thông của trẻ nhỏ. Những lợi ích khổng lồ của công nghệ số ở thời điểm hiện nay đã là một điều không thể phủ nhận, và cách để không bị công nghệ chi phối không gì khác đó chính là hãy để những thiết bị điện tử phục vụ cho bản thân mình. Thay vì là một người tiêu thụ nồi lẩu thập cẩm truyền thống, cuốn sách muốn bạn đồng hành cùng con mình sản xuất những nội dung đó. Bạn hoàn toàn có thể cùng trẻ làm những việc tử tế trên mạng, cùng con lên ý tưởng về những ứng dụng tốt, chia sẻ để kết nối những niềm đam mê, nguồn sức mạnh. Tác giả sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về cách phân biệt tin thật và giả (quy tắc C.R.A.P), kĩ năng tư duy phản biện, cách tận dụng những nguồn tài nguyên Internet như Wikipedia… Kèm với đó là những hoạt động được thiết kế để bạn giúp những đứa con của mình trở thành một phần của cư dân mạng lành mạnh.
Review chi tiết bởi: Dương Phương Anh - Bookademy
------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:
https://www.facebook.com/bookademy.vn
Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/2Hxkazt
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
1,245 lượt xem