Phạm Ngọc Trâm@Viện Sách - Bookademy
4 năm trước
[Review Sách] “Quái Kiệt Làm Điều Khác Biệt”: Tầm Nhìn Của Những Vĩ Nhân Triệu Người Có Một
Con người vốn khao khát thành công và được ghi nhận. Có lẽ vì thế mà đã có vô số quyển cẩm nang viết về những bí quyết thành công. Những bài học được đúc rút đủ nhiều, đa dạng, đôi khi giống nhau đến mức chúng có thể gây cảm giác bão hòa, không còn gây được cảm hứng cho độc giả nữa. Vậy cuốn Quái kiệt làm điều khác biệt của Rainer Zitelmann - một vị tiến sĩ lịch sử đồng thời là một doanh nhân, nhà bất động sản có gì khác biệt, độc đáo hơn so với những cuốn sách cùng loại khác? Chúng ta đều có thể tin rằng niềm cảm hứng và bài học quý giá cho những người đang làm trong các lĩnh vực lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là những bạn trẻ giàu khát vọng ở những lĩnh vực khác nhau.
/Chủ đề của cuốn sách/
Howard Schultz sinh năm 1953 trong một gia đình lao động phổ thông ở khu phố nghèo tại Brooklyn. Tuy vậy, ông đã biến công ty Starbucks của mình thành một thương hiệu hàng đầu với hơn 27,000 chi nhánh trên toàn thế giới. Ông mở đầu cuốn tự truyện ra mắt năm 1997 bằng cách khuyên độc giả: “Hãy ước mơ, hãy kỳ vọng nhiều hơn người khác”. Larry Page, đồng sáng lập của Google, ủng hộ mạnh mẽ cho điều ông gọi là “sự coi thường lành mạnh với những điều không thể”. Ông sống theo câu châm ngôn: “Bạn nên cố gắng làm những việc mà hầu hết mọi người không làm”. Sam Walton, người sáng lập Walmart, từng có thời gian là tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới, khái quát bí quyết thành công của ông bằng một câu nói: “Tôi đặt mục tiêu cá nhân cực kỳ cao”.
Một doanh nhân và tỷ phú huyền thoại khác, Richard Branson, từng tuyên bố dứt khoát: “Bài học của tôi là không có mục tiêu nào nằm ngoài tầm với hay thậm chí là không thể đối với những người có tầm nhìn và niềm tin vào chính họ.”
Đó là chủ đề của cuốn sách này. Rainer Zitelmann đã nghiên cứu sự nghiệp của một số người cực kỳ thành công - hầu hết đều là doanh nhân, nhưng cũng có các nhà quản lý, vận động viên hành đầu và những người thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bằng cách phân tích câu chuyện cuộc đời họ, tác giả nhận ra điều khiến họ khác biệt chính là sự can đảm vượt trội so với phần lớn những người xung quanh và cách họ thách thức lối suy nghĩ truyền thống. Họ cũng đặt mục tiêu và tham vọng cao hơn đáng kể so với hầu hết mọi người. Cuốn sách này đưa ra các ví dụ về những người như Arnold Schwarzenegger và Madonna, Steve Jobs và Bill Gates, Jack Ma và Warren Buffett để gợi mở những bí mật quan trọng đem tới thành công cho họ. Câu chuyện của họ sẽ chỉ dẫn cho bạn cách nhắm mục tiêu cao hơn và đặt được nhiều hơn những gì mà bạn từng nghĩ là có thể.
/Đặt mục tiêu cao hơn/
Năm 1966, khi mới 19 tuổi, Arnold Schwarzenegger từng chuyện trò với Rich Wayne trong giải vô địch thể hình Mr. Universe ở London. Nhà báo kiêm vận động viên thể hình sau này nhớ lại câu hỏi của Schwarzenegger: “Anh có nghĩ người ta có thể có bất cứ điều gì mà mình muốn không?” Câu hỏi khiến Wayne lúng túng: “Mỗi người nên biết những hạn chế của mình”.
Schwarzenegger không đồng ý: “Anh sai rồi”. Wayne, người lớn tuổi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn và đã đi chu du nhiều nơi, bắt đầu thấy khó chịu với gã thanh niên không biết trên dưới đến từ Áo: “Ý cậu là gì, tôi sai hả?”. Schwarzenegger tiếp tục nói: “Người ta có thể có bất cứ thứ gì mà mình muốn - miễn là sẵn sàng trả giá cho nó”.
Câu chuyện này được trích ra từ cuốn tiểu sử Fantastic: The Life of Arnold Schwarzenegger (tạm dịch: Điều diệu kỳ: Cuộc đời của Arnold Schwarzenegger) của Laurence Leamer. Khi cuốn sách được xuất bản, Schwarzenegger là thống đốc bang California. Trước khi bước chân vào chính trường, ông là một ngôi sao Hollywood kiếm được 20 triệu đô la, thậm chí còn nhiều hơn thế. Khi tham gia một bộ phim, ông là một trong những diễn viên được trả thù lao cao nhất thế giới. Schwarzenegger, người di cư đến Mỹ năm 21 tuổi, đã trở thành triệu phú bằng cách đầu tư bất động sản và kiếm được hàng trăm triệu đô la. Bản thân ông cho rằng thành công có được chủ yếu là nhờ quyết tâm và cam kết theo đuổi mục tiêu của mình. “Tôi đặt ra một mục tiêu, hình dung nó rõ ràng và tạo động lực lẫn niềm khao khát để biến nó thành hiện thực”. Ông không nói: “Ồ, thật tuyệt nếu tôi có thể làm được việc này, có lẽ tôi nên thử”. Thái độ đó sẽ không đưa bạn đến đâu cả.
Theo quan sát của Schwarzenegger, “hầu hết mọi người đều làm gì đó một cách có điều kiện… Như thế là không đủ. Bạn phải thực hiện một cam kết chặt chẽ với nó, rằng bạn rất muốn nó, rằng bạn yêu thích quá trình thực hiện và sẽ hoàn thành tất cả các bước để đạt được mục tiêu”.
Bản thân Arnold mô tả công thức thành công của mình như sau: “Tôi đặt ra một mục tiêu, hình dung nó rất rõ ràng và tạo động lực lẫn niềm khao khát để biến nó thành hiện thực. Có một thứ niềm vui ẩn trong những tham vọng bạn đặt ra, khi bạn có một tầm nhìn về phía trước. Với niềm vui đó, kỷ luật không còn là thứ khó khăn, tiêu cực hay nghiệt ngã. Bạn thích làm những gì bạn phải làm - đi đến phòng tập thể hình, làm việc chăm chỉ trên trường quay. Ngay cả khi nỗi đau là một phần trên hành trình hướng đến mục tiêu - và thông thường là như vậy - bạn cũng có thể chấp nhận nó”. Ông thậm chí còn phát triển khả năng chịu đau cực tốt, mà theo ông là khả năng tất yếu nếu bạn muốn thành công.
Ở tuổi 30, Arnold giải thích về những thành công của mình: “Điều làm tôi hạnh phúc nhất là tôi có thể hướng đến tầm nhìn về nơi mình muốn trong tương lai. Tôi thấy nó hiển hiện trước mặt; khi tôi mơ mộng, nó gần như trở thành thực tế. Thế nên tôi không phải cố gắng để đạt được điều gì đó, vì tôi đã cảm thấy mình ở đó, và mọi thứ chỉ còn là vấn đề thời gian.”
Thần tượng của ông là Red Park - diễn viên đóng vai Hercules trong một số bộ phim, cũng là một trong những vận động viên thể hình thành công nhất thời bấy giờ. Vài năm sau, Arnold đánh bại Park trong một cuộc thi, nhưng khi còn là một thiếu niên, ông vô cùng ngưỡng mộ Park. “Nếu anh ấy có thể làm điều đó, tôi cũng có thể trở thành Mr. Universe. Tôi sẽ là một ngôi sao điện ảnh. Tôi sẽ trở nên giàu có. Tôi đã tìm thấy niềm đam mê của mình. Tôi đã có một mục tiêu”, Schwarzenegger nhớ lại.
Schwarzenegger cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt ra những mục tiêu rất lớn cho bản thân: “Mọi người luôn nói có rất ít người đạt đến đỉnh sự nghiệp, nhưng tôi tin luôn có chỗ cho một người nữa. Tôi nghĩ vì có quá ít chỗ trên cao nên mọi người sợ hãi và cảm thấy thoải mái hơn khi ở bậc dưới cùng. Nhưng trên thực tế, càng nhiều người nghĩ vậy thì bậc dưới càng đông. Đừng tới những nơi quá đông đúc. Hãy đi tìm chỗ trống ấy. Mặc dù con đường sẽ khó khăn hơn, nhưng đó là nơi bạn thuộc về và cũng là nơi ít cạnh tranh.”
/Làm thế nào để giành được niềm tin/
Để chứng minh vai trò quan trọng của niềm tin trong việc đạt được những mục tiêu đầy tham vọng, chẳng cần tìm kiếm đâu xa, hãy nhìn vào câu chuyện cuộc đời đáng kinh ngạc của người đàn ông giàu nhất lịch sử, John D. Rockefeller. Khi còn là một thanh niên, ngay sau khi bắt đầu nhận công việc kinh doanh đầu tiên, Rockefeller đã nhận ra việc được “những người đàn ông lớn tuổi tin tưởng ngay lập tức” là chìa khóa cho sự thành công trong tương lai. Trong suốt sự nghiệp kinh doanh phi thường, ông cho biết vấn đề lớn nhất của mình luôn là “có đủ vốn để làm tất cả những công việc tôi muốn và có thể làm”. Một trong những tài sản quý giá nhất của ông là việc giành được lòng tin của ngân hàng và các nhà đầu tư khác. “Thành công của tôi chủ yếu là nhờ niềm tin đối với con người và khả năng truyền cảm hứng để họ tin vào tôi”, Rockefeller thừa nhận.
Người viết tiểu sử của Rockefeller nhấn mạnh: “Trong suốt sự nghiệp kinh doanh, John D. Rockefeller bị cáo buộc nhiều tội lỗi, nhưng ông tự hào với việc trả các món nợ ngay lập tức và tuân thủ nghiêm ngặt các hợp đồng.”
Bằng việc coi các hợp đồng như một hiệp ước thiêng liêng, bất kể được đóng dấu trang trọng hay chỉ là viết tay, bạn sẽ chiếm được lòng tin của người khác. Trái lại, nếu cố tình diễn giải lại tinh thần cũng như văn bản hợp đồng mà mình đã ký kết, bạn sẽ bị coi là một đối tác kinh doanh không đáng tin cậy và mất đi thứ vốn quan trọng nhất - niềm tin.
Vậy làm thế nào để giành được lòng tin của người khác? Bằng hành động, và quan trọng hơn, bằng những suy nghĩ thúc đẩy niềm tin. Đừng bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của những gì bạn nghĩ và hệ thống giá trị đằng sau nó. Người khác vẫn cảm nhận được liệu bạn có chân thành với họ không. Hầu hết mọi người đều biết về các kết nối quan trọng đến thế nào với thành công. Khi được hỏi về yếu tố quan trọng nhất để trở nên giàu có, đại đa số cho biết: “Biết đúng người, có kết nối”. Song phần lớn mọi người hiểu lầm việc “biết đúng người” là năng lực bẩm sinh. Thực tế là bạn phải xây dựng các kết nối mới làm được.
Để đạt được mục tiêu cao, bạn phải xây dựng, duy trì mạng lưới và kết nối. Bạn phải hành động và suy nghĩ theo hướng thúc đẩy người khác tin tưởng mình. Đừng quên dành một chút thời gian để xem xét lại cuộc sống. hãy tự hỏi: Tôi đã làm gì để xây dựng các kết nối mới và mở rộng mạng lưới hiện tại? Trong suốt hành trình, sẽ có những trở ngại rất lớn cần vượt qua. Càng thành công bạn sẽ càng phải đối mặt với những vấn đề lớn. Nhưng thực ra đó là điều tốt. Có công mài sắt có ngày nên kim: chỉ khi thực hành các vấn đề, bạn mới có đủ sức mạnh để đạt được mục tiêu đã đặt ra.
/Học cách nắm bắt vấn đề/
Tính đến 2019, Starbucks là một thương hiệu toàn cầu với hơn 30,000 chi nhánh trên toàn thế giới và lợi nhuận ròng 4,52 tỷ đô la năm 2018. Nhưng thành công của thương hiệu có thể nói là phổ biến nhất thế giới này lại có một khởi đầu vô cùng khiêm tốn. Howard Schultz sinh ra và lớn lên trong gia đình phổ thông ở một khu ổ chuột của Brooklyn. Khi còn trẻ Schultz luôn cảm thấy xấu hổ khi phải sống ở khu phố mang tiếng xấu đó. Mặc dù xuất thân khiêm tốn nhưng Schultz lại là một người vô cùng tham vọng. Là người đầu tiên trong gia đình đỗ đại học, ông bắt đầu làm huấn luyện viên cho Xerox sau khi tốt nghiệp, sau đó là Hammarplast, chi nhánh tại Mỹ của tập đoàn Pestorp Thụy Điển, chuyên sản xuất đồ gia dụng.
Phát hiện một đại lý bán lẻ nhỏ ở Seattle liên tục đặt hàng số lượng lớn máy pha cà phê phin, Schultz tò mò và quyết định điều tra xem điều gì đang xảy ra. Đặt chân vào cửa hàng Starbucks, Schultz cảm thấy như thể đang bước vào “ngôi đền thiêng của các tín đồ cà phê”, ông viết trong tự truyện. Đằng sau một quầy gỗ mòn vẹt là các thùng chứa cà phê hạt từ khắp nơi trên thế giới. Hương vị cà phê trong cửa hàng này khác biệt hoàn toàn so với những loại cà phê quen thuộc của người Mỹ vào thời điểm đó. Schultz lập tức say mê. Khi đó, chỉ có năm cửa hàng Starbuck cả thảy, Schultz đã nhìn thấy tiềm năng mà những người chủ cửa hàng lúc đó không nhìn thấy. Ông đã nghỉ việc và xin được đầu quân vào đội ngũ phát triển nhưng hơn một năm ông đều bị từ chối. Tuy vậy, ông vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ để ý tưởng được chấp nhận. Vào thời điểm đó, Starbucks khá khác biệt so với ngày nay. Các cửa hàng chỉ bán hạt nguyên liệu chứ không phục vụ cà phê. Trong một chuyến đi đến Ý, Schultz ghé vào các quán cà phê vỉa hè ở địa phương, trong đầu ông đã lóe lên một ý tưởng mà sau này thay đổi tương lai của Starbuck, đó là phục vụ cà phê theo phong cách Ý. Một điều dường như rất hiển nhiên trong thời điểm hiện nay lại là một ý tưởng mang tính cách mạng ở thời điểm đó. “Nó giống như một bản ca hùng ca. Nó gần gũi và rõ ràng đến nỗi khiến tôi run rẩy vì phấn khích.” Ông đã quay lại thuyết phục các ông chủ nhưng hiển nhiên họ không đồng ý. Thất vọng và chán nản, cuối cùng Schultz quyết định nghỉ việc và lên kế hoạch mở quán cà phê của riêng mình nhưng ông lại không có đủ vốn để thực hiện nó. Ông đã tìm đến rất nhiều nhà đầu tư nhưng họ đã từ chối vì họ cho rằng điều đó là bất khả thi. Việc khó khăn nhất với ông đó là giữ vững tinh thần khi có quá nhiều sự phản đối. Nhưng cho đến cuối cùng ông vẫn không hề có ý định từ bỏ.
Không có bất cứ doanh nhân thành công nào hay bất kì một vận động viên lại chưa từng trải qua và chứng minh họ trong những tình huống mà người bình thường sẽ sớm từ bỏ và gục ngã. Nếu như Schultz từ bỏ, chúng ta sẽ không thể thưởng thức được cà phê Starbucks trên toàn thế giới như ngày hôm nay. Và bản thân Schultz vẫn sẽ là nhân viên của một công ty nhỏ thay vì trở thành một trong những doanh nhân thành đạt cũng giàu có nhất nước Mỹ.
Nếu như bạn phải đối mặt với những nguy cơ lớn, hãy tìm kiếm cơ hội bên trong nó. Bạn phải học cách chấp nhận rằng bạn càng thành công, khó khăn sẽ càng lớn. Nếu mọi thứ đều hoạt động trơn tru và không có lấy bất kỳ vấn đề nào, chúng ta khó có thể đạt được những bước tiến lớn. Chỉ trong khủng hoảng chúng ta mới có thể sửa chữa những cái cũ và đưa ra những ý tưởng sáng tạo mới.
Bạn chỉ có thể đạt được những mục tiêu lớn hơn khi sự tự tin tăng lên. Tự tin là một yêu cầu không thể thiếu để phát triển lòng can đảm, để tin tưởng vào bản thân và đặt ra cho mình những mục tiêu lớn hơn. Sự tự tin của bạn được củng cố bằng cách làm chủ những vấn đề phức tạp mỗi lúc một lớn hơn. Hãy hình dung sự tự tin của bạn như cơ bắp được huấn luyện để phát triển. Biện pháp để đạt được điều này là tăng dần trọng lượng cần thiết. Sự tự tin chỉ được nâng cao bằng cách giải quyết các vấn đề với độ khó tăng lên. Bạn có thể chắc chắn rằng cả Ingvar Feodor Kamprad, Warren Buffett và Walt Disney đều không phải là những người bẩm sinh đã tự tin - thứ được coi là thương hiệu của họ. Họ phải phát triển nó từ cách giải quyết hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, đối diện với hết khó khăn này đến khó khăn khác.
/Tập trung/
Đầu tháng 7 năm 1991, cha Bill Gates mời một số vị khách đến ăn tối. Trong số đó có con trai ông, người sáng lập Microsoft, và Warren Buffett: hai người thành công nhất trên thế giới, chiếm giữ những vị trí hàng đầu trên danh sách các tỷ phú của tạp chí Forbes suốt nhiều năm. Trước câu hỏi của chủ nhà: “Yếu tố nào là điều quan trọng nhất để đạt được mục tiêu trong cuộc đời mình?” Buffett lập tức trả lời: “Tập trung”. Bill Gates đồng ý.
Gates đã bị ám ảnh với chiếc máy tính từ năm 13 tuổi. Ông đã nói rằng không thể rời xa nó bất kể ngày đêm. Cha mẹ ông đã lo lắng rằng dù mới học lớp 9 nhưng Gates dường như bị ám ảnh với máy tính, phớt lờ mọi thứ kè kè máy tính dù ngày hay đêm. Cuối cùng, thậm chí họ phải cấm con mình động vào máy tính trong vòng chín tháng. “Bill đam mê đến mức cực đoan”, bạn cùng phòng đại học của Gates nhớ lại. “Cậu ấy sẽ tập trung vào một cái gì đó và thực sự gắn chặt với nó. Cậu ấy có một quyết tâm cao độ là phải làm chủ bất cứ điều gì mình làm.” Một người bạn gái cũ cho biết ông luôn cực kỳ tập trung và không bao giờ sao lãng. Gates không có tivi và thậm chí còn tháo radio trong ô tô để khỏi mất tập trung. “Thật khó để duy trì mối quan hệ với một người có thể tự hào về vòng quay ‘bảy giờ’ - nghĩa là từ lúc rời Microsoft cho đến khi quay lại làm việc vào sáng hôm sau chỉ có bảy tiếng đồng hồ”.
Warren Buffett cũng tập trung vào một mục tiêu duy nhất trong nhiều thập kỷ. Ngay từ khi còn nhỏ, ước mơ của ông là trở nên giàu có và ông đã ngấu nghiến một cuốn sách về Một nghìn cách để kiếm được một nghìn đô la. “Cơ hội đang gõ cửa. Chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ lại có một thời điểm thuận lợi đến vậy cho một người có số vốn nhỏ bắt đầu công việc kinh doanh”, đó là những dòng đầu tiên trong cuốn sách yêu thích của Buffett. Vào năm 11 tuổi, Buffett tuyên bố sẽ trở thành triệu phú ở tuổi 35. Đến tuổi 16, ông đã tiết kiệm được 5,000 đô la từ các vụ mua bán khác nhau. Tính đến thời điểm theo thời giá hiện nay, số tiền đó tương đương 60,000 đô la - không tệ đối với một cậu thiếu niên. Lời tuyên bố của ông thành hiện thực sớm năm năm: Ông kiếm được 1 triệu đô la đầu tiên khi 30 tuổi (tất nhiên, 1 triệu đô la khi đó đáng giá hơn rất nhiều so với bây giờ).
Trong cuốn Think and Grow Rich (Nghĩ giàu & Làm giàu), Napoleon Hill đã viết: “Tất cả những người hiểu được mục đích của tiền đều khao khát nó. Nhưng chỉ khao khát thì không thể trở nên giàu có. Mong muốn làm giàu đến mức ám ảnh, sau đó lên kế hoạch cho những cách thức và phương tiện nhất định để đạt được sự giàu có, đồng thời củng cố những kế hoạch đó bằng sự kiên trì, không chấp nhận thất bại mới giúp bạn trở nên giàu có.”
Điều này không có nghĩa là vận dụng thủ đoạn hay các hành vi bất hợp pháp để đạt được mục tiêu. Bất kỳ thành công nào đạt được bằng cách gây tổn hại cho người khác hoặc vi phạm pháp luật sẽ chỉ mang tính tạm thời. Về lâu dài, bạn sẽ không thành công cũng như không hạnh phúc. Công cụ để đạt được thành công lâu dài là tập trung vào một mục tiêu. Nhiều người lạc hướng với một bản CV dài dằng dặc. Họ thử công việc đầu tiên, sau đó là một công việc khác mà không bao giờ hoàn thành bất cứ việc gì, và có xu hướng trở nên chán nản ngay khi có bất kỳ khó khăn nào xuất hiện. Bạn phải tập trung hoàn toàn vào một mục tiêu duy nhất - trong ít nhất một thập kỷ. Dù bạn muốn làm gì - trở thành một vận động viên, nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà văn hay doanh nhân - thành công sẽ không đến với bạn chỉ sau một đêm, vài tuần hay vài tháng.
Trong thời đại quá tải công nghệ thông tin do điện thoại di động và email, việc tạo ra các điều kiện để có thể nắm bắt thông tin và thúc đẩy bản thân bạn là một điều quan trọng hơn bao giờ hết. Suy cho cùng, bạn có hai lựa chọn: hoặc là ông chủ của chính mình, xác định mục tiêu và ưu tiên của riêng bạn hoặc nhận lệnh từ người khác. Ngay cả khi làm nhân viên, bạn vẫn có thể xác định ưu tiên và nhịp điệu làm việc của chính mình. Cuối cùng điều quan trọng là kết quả bạn đạt được chứ không phải khả năng đa nhiệm. Những câu chuyện về những vĩ nhân mang tầm thế giới trong cuốn sách này có thể sẽ đem lại cho bạn những bài học bổ ích quý giá trên con đường chinh phục thành công.
Review bởi: Ngọc Trâm - Bookademy
Hình Ảnh: Thanh Thảo - Bookademy
______________
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
747 lượt xem