Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] “Sức Bật Tinh Thần”: Xuyên Qua Thất Bại Để Thành Công

Nỗi sợ thất bại, hoặc không có khả năng bật dậy và rút kinh nghiệm từ thất bại, chính là một trong những trở ngại lớn nhất trên con đường phát triển sự nghiệp của chúng ta. Vậy chúng ta làm thế nào để có thể đón nhận thất bại một cách tích cực và xây dựng sức bật tinh thần? Cho dù làm việc trong lĩnh vực nào, với vai trò gì, chúng ta đều có năng lực thay đổi tư duy và cách phản ứng trước thất bại. Sức bật tinh thần của tác giả Susan Kahn sẽ hỗ trợ chúng ta trên hành trình này. Bạn sẽ biết cách đầu tư sức bật và sự kiên cường của mình một cách tự chủ, cũng như được truyền động lực để đương đầu với rủi ro. Trên hết, cuốn sách này sẽ giúp bạn trở thành phiên bản mạnh mẽ hơn của chính mình và có sức bật tâm lý vững vàng hơn.

Tựa đề cuốn sách Sức bật tinh thần bắt nguồn từ resilio trong tiếng Latin, có nghĩa là sức bật - khả năng đương đầu với những tình huống khó khăn đồng thời phục hồi, phản ứng và trở lại đường đua. Cuộc sống luôn chứa đầy những thử thách, thất vọng và tổn thương mà từ đó, chúng ta cần hồi phục và quay trở lại với công việc cũng như cuộc sống. Tự vực dậy tinh thần không phải là quên đi những khó khăn mà chúng ta đã đối mặt; những trải nghiệm khó khăn đó sẽ thay đổi chúng ta và tác động đến cảm xúc cũng như phản ứng của chúng ta trước những khủng hoảng trong tương lai. 

Vì vậy, mấu chốt của thuật ngữ sức bật tinh thần là giúp chúng ta có thể suy nghĩ trong những lúc khó khăn, cân nhắc các phản ứng về mặt hành vi và cảm xúc của bản thân cho dù đang đối mặt với thử thách nào đi nữa. Với sức bật tinh thần, chúng ta có thể biến thử thách thành cơ hội, học hỏi từ nghịch cảnh và xây dựng các chiến lược để đảm bảo tình trạng thể chất và tinh thần luôn ở mức có thể kiểm soát. Hãy hình dung con lật đật - cho dù bị ngã bao nhiêu lần, nó sẽ luôn bật dậy - với một nụ cười trên môi. Con lật đật lắc lư nhưng nó sẽ không đổ.


  1. Ai cũng có một sức bật tiềm tàng

  • Điều gì đang xảy ra bên trong bộ não của chúng ta

Não bộ từng được xem là một cơ quan cố định, một bộ phận có số lượng tế bào nhất định và những tế bào đó không thể phục hồi nếu chúng bị tổn thương. Nhờ những kết quả nghiên cứu mới vẫn đang tiếp tục được tiến hành, người ta mới biết rằng não bộ con người thực sự có thể tự thay đổi; hơn nữa, những thay đổi này có thể diễn ra mà không cần đến thuốc, phẫu thuật hay sự can thiệp vật lý. Đây là một phát hiện mang tính cách mạng bởi nó cho thấy bản thân cơ thể tự nhiên của chúng ta đã sẵn có một sức bật tiềm tàng giúp phục hồi lại tinh thần sau những cơn giông bão của cuộc đời.

Để bộ não có thể điều chỉnh và giao tiếp với những cảm xúc xảy đến với chúng ta, nó cũng cần một ngôn ngữ riêng, hay còn gọi là những hormone tự nhiên. Ví dụ, trước những một kích thích bất ngờ, cơ thể sẽ trả lời lại bằng cách tiết ra adrenaline, hormone giúp cơ thể chuẩn bị cho phản ứng đánh hay chạy; đó là lý do bạn cảm thấy căng thẳng và hồi hộp trước một bài thuyết trình hay một sự kiện quan trọng. Những “hormone hạnh phúc” như dopamine, endorphin và serotonin khi được tiết ra sẽ đem lại cho chúng ta sức bật tinh thần và trạng thái lạc quan cần thiết để đối mặt với khó khăn. Hay mỗi khi lượng cortisol tăng cao do căng thẳng, lo lắng và stress, cơ thể sẽ nhận diện được tín hiệu và gửi đến oxytocin để tạo cảm giác chữa lành và hạnh phúc. 

Khi đã thấu hiểu được hệ thống chữa lành tự nhiên trong cơ thể mình, chúng ta có thể tự kích thích chúng bằng cách chăm sóc cơ thể mình, xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng, một giấc ngủ ngon và kiểm soát lượng caffeine nạp vào người cùng những chất kích thích có hại khác. Thực tế đã chỉ ra rằng: những người kiên cường có ý thức chăm sóc bộ não và cơ thể tốt hơn, bởi họ nhận ra khả năng phát triển và thay đổi nằm trong bộ não và cơ thể. Họ làm những gì để đảm bảo mình được nghỉ ngơi và khỏe mạnh. Vì vậy, hãy trở thành một người kiên cường với một bộ não kiên cường nhé.

  • Bên dưới tảng băng chìm

Bên dưới bề nổi của những phản ứng hóa học thông thường ta là cả thế giới phong phú của cõi vô thức, nơi khởi nguồn cho những phản ứng, hành động và cảm xúc của chúng ta với mọi điều trong cuộc sống.  Theo Sigmund Freud, nội tâm của con người có thể được chia ra làm 3 tầng: Ý thức, Tiềm thức và Vô thức.


Phần Ý thức (phần nổi của tảng băng) là những gì chúng ta nhận thức được và bộc lộ một cách có ý thức trong cuộc sống hằng ngày. Tiềm thức dễ dàng tiếp cận hơn - bằng cách xem xét tỉ mỉ, chúng ta có thể tìm thấy những gì nằm ngay bên dưới phần nổi, và hiểu điều gì có thể thúc đẩy hoạt khiến chúng ta trở nên đặc biệt xúc động. Tuy nhiên, phần vô thức lại hoàn toàn khác. Phần tảng băng chìm này lớn hơn phần nổi rất nhiều, và nó chính là nền tảng của những gì chúng ta bộc lộ với thế giới. Những kí ức được đóng gói này không biến mất mà vẫn là một phần của chúng ta. Bởi vậy nếu chúng ta cảm thấy bất an, ghen tị, bị bỏ rơi hoặc ruồng bỏ trong những năm tháng đầu đời, những trải nghiệm này sẽ đi theo chúng ta rất lâu sau đó, trọng tình trạng bị chôn sâu trong vô thức. Sau này, khi những cảm xúc như bị từ chối hay bỏ rơi này xuất hiện, chúng ta sẽ gắn trải nghiệm này vào những trải nghiệm thời nhỏ và tái hiện phản ứng cảm xúc mà chúng ta chôn sâu bên trong.

Những ám ảnh tâm lý chồng chất ngày này qua tháng nọ đó tạo thành những nỗi sợ chôn sâu trong vô thức buộc cơ thể phải có những phòng thủ tâm lý khác nhau như: kìm nén - chôn vùi những cảm xúc đau đớn, phủ nhận - không thừa nhận cảm xúc, lý trí hóa - phân tích và suy nghĩ thay vì cảm nhận, thăng hoa - biến nỗi đau thành sự sáng tạo, tự trách, phân cực hay cư xử như trẻ con.

Việc khám phá và thấu hiểu động lực bên trong là rất hữu ích đối với mọi người. Khi biết mình là ai và tại sao mình phản ứng như vậy, chúng ta không chỉ tương tác hiệu quả hơn trong công việc mà còn cảm thấy bình yên hơn. Chính điều này đã giúp chúng ta xây dựng sức bật tinh thần mạnh mẽ.

  1. Hãy tận dụng sức bật để làm chủ công việc của bạn

- Mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên

Trong môi trường công việc, chắc chắn bạn sẽ phải đối mặt với không ít sức ép, dù là lãnh đạo hay nhân viên. Đối với lãnh đạo, sức bật tinh thần là một vấn đề kép: bạn sẽ vừa muốn có được sức bật tinh thần, vừa muốn hỗ trợ để người khác cũng có được điều này. Đối với nhân viên cấp dưới: Họ muốn trở nên hữu ích và tạo ra ấn tượng tốt đẹp. Họ có thể có ít kiến thức và quyền lực trong công việc. Khi ở vị trí cấp dưới, chúng ra cần sức bật tinh thần để đương đầu với những thời điểm khi sai lầm xuất hiện và những quyết định được đưa ra trong khi chúng ta không hiểu bức tranh toàn cảnh. 

Để trở thành một người lãnh đạo có sức bật tinh thần cần nhiều hơn là một bộ óc quyết đoán và kiến thức uyên thâm. Vì vậy, có một số phương pháp  người lãnh đạo có thể dùng để phát triển sức bật của mình:

  • Bắt đầu bằng những hành động nhỏ

  • Tự nhận thức và tìm ra điểm mù của mình

  • Tự cảm thông

  • Kiểm soát lời phê bình

  • Khích lệ bản thân

  • Phát triển sức bật tinh thần nơi người khác

- Giải quyết xung đột nơi công sở

Xung đột trong công việc có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Đó có thể là hai đồng nghiệp không hòa hợp, một bầu không khí căng thẳng, một cuộc trao đổi gay gắt hoặc quy trình thủ tục khắt khe, hoặc thậm chí là hành động thi hành kỷ luật. Để ứng phó với những xung đột dù cho chúng có liên quan trực tiếp đến bạn hay không. 

Một số phản ứng thường gặp khi một người đối mặt với xung đột gồm có: 

    • Chiến đấu: Phản ứng gay gắt với vấn đề.

    • Chạy trốn: Né tránh vấn đề.

    • Tê liệt: Không biết phải làm gì, hoàn toàn thụ động.

    • Đối mặt với xung đột: Tiếp cận vấn đề một cách lý trí, bình tính, có kế hoạch.

Và hầu như tất cả chúng ta đều biết, cách tốt nhất để giải quyết xung đột là đối mặt với nó. 

Một vài ý tưởng sau đây sẽ giúp bạn thiết lập những điều kiện phát triển sức bật tinh thần:

    • Kiểm soát

    • Lên tiếng

    • Phát triển từ nghịch cảnh

    • Trò chuyện

    • Hòa giải và xin giúp đỡ từ bên ngoài

    • Lập kế hoạch sau xung đột

    • Thiền định tập trung

  1. Mục đích là nền tảng vững chắc nhất để vượt qua mọi khó khăn

Cảm giác sống có mục đích là điều quan trọng để cảm thấy thỏa mãn và hạnh phúc. Khi mọi công việc của bạn phù hợp với các giá trị cá nhân, cảm giác làm việc có mục đích sẽ trở thành một động lực chủ chốt, giúp cải thiện sức khỏe và tăng giá trị công việc, thúc đẩy trạng thái hạnh phúc và sức bật tinh thần. Những giai đoạn khó khăn và thử thách là cơ hội để phát triển sức bật tinh thần. Một số người nhắc đến sự phát triển sau sang trấn tâm lý hoặc tôi luyện nhờ áp lực; tuy nhiên, nếu một cá nhân muốn phát triển trong nghịch cảnh, họ cần có cảm giác có mục đích. Nói cách khác, mọi người phải hiểu lý do của sự đau khổ để có thể chịu đựng nó. 


Thế nhưng việc tìm kiếm mục đích không dễ dàng như người ta vẫn nói. Trên thực tế, con người có thể mất cả đời để tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, vậy nên bất cứ lối tắt nào giúp rút ngắn cuộc hành trình này đều rất đáng để thử. Trong cuốn sách này, chúng ta được giới thiệu với Ikigai, một khái niệm của Nhật Bản mang ý nghĩa “lẽ sống”. Từ này được sử dụng để chỉ giá trị sống của một người. Nguyên tắc Ikigai gợi ý chúng ta đặt cho mình bốn câu hỏi sau:

  • Bạn yêu điều gì?

  • Bạn giỏi việc gì?

  • Thế giới cần điều gì?

  • Bạn có thể được trả lương để làm việc gì?

Việc trả lời những câu hỏi quan trọng này và lồng ghép chúng vào công việc có thể giúp đem lại cuộc sống trọn vẹn. Rõ ràng cuộc sống của bạn không chỉ có công việc; nhưng nếu hiểu được mục đích của mình ở phạm vi rộng hơn, chúng ta có thể sử dụng điều đó để soi sáng những quyết định trong suốt sự nghiệp. 

  1. Dành cho những ai đang loay hoay tìm đường bước ra khỏi bóng tối...

Nếu bạn sợ hãi và e ngại trước thất bại thì hãy nhớ rằng, không sao cả, sợ thất bại là điều bình thường. Việc bạn cần làm lúc này là bình tĩnh nhìn lại điều gì đang thực sự diễn ra với cảm xúc của mình, động lực nào có thể giúp mình tiếp tục cố gắng, để rồi… bật trở lại đương đầu với nỗi sợ ấy. Hãy tưởng tượng mình giống như một chiếc lò xo đang bị nén lại, tận dụng khoảng thời gian khó khăn này để sinh công, đợi đến một thời điểm thích hợp sẽ bật xa khỏi vạch xuất phát. Chính bởi chiếc lò xo nào cũng tiềm tàng một sức bật, nên hãy vững tin vào bản thân nhé, rồi bạn sẽ vượt qua tất cả thôi.

Có thể nói Sức bật tinh thần của Susan Kahn là một cuốn sách rất hữu ích để mỗi người ngẫm nghĩ và soi chiếu. Sau mỗi phân tích, tác giả đều đưa ra những câu hỏi, bài tập hoặc lời khuyên rất hữu ích để mang đến cho bạn đọc một cái nhìn toàn diện nhất về bản thân mình, từ đó sửa chữa, trau dồi và luyện tập. Sức bật tinh thần không phải một khả năng bẩm sinh hay một đặc điểm tính cách đơn thuần. Hãy nhớ rằng bạn có sức bật tinh thần và có thể xây dựng chúng - tất cả chúng ta đều có khả năng này. Không ai có thể tránh khỏi những thử thách, khó khăn trong cuộc sống lẫn công việc. Chúng ta đều có khả năng phát triển sức bật tinh thần và năng lực đương đầu với khó khăn, mất mát và sự thay đổi.


Review chi tiết bởi: Muse - Bookademy
Hình ảnh: Muse - Bookademy    

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Muse  - Bookademy."

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

575 lượt xem