Trang Nguyễn@Viện Sách - Bookademy
5 năm trước
[Review Sách] “Thoát Khỏi Bẫy Cảm Xúc Hay Trò Lừa Đảo Của Tâm Trí”: Bức Tranh Cảm Xúc Liệu Có Nên Bị Xóa Bỏ?
Con người mà không có cảm xúc thì chỉ là một khúc gỗ mà thôi. Thế nhưng, những người có cảm xúc nhiều quá cũng không thể tránh khỏi việc tự chuốc cho mình những khó khăn, trở ngại. Chính vì vậy, việc tách hay chuyển hóa cảm xúc, để làm chủ chính mình và có năng lượng cho cuộc sống hơn là một điều vô cùng quan trọng. Cuốn sách Thoát khỏi bẫy cảm xúc hay trò lừa đảo của tâm trí của tác giả Thiện Từ sẽ giúp chúng ta tìm hiểu về những bí mật của cảm xúc hay việc làm sao để biến những cảm xúc tiêu cực trở thành tích cực.
Trước khi nói về việc làm sao có thể chuyển hóa cảm xúc và tại sao phải chuyển hóa cảm xúc, chúng ta cần hiểu xem cảm xúc là gì. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương từng nói rằng: Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công. Vậy cảm xúc là như thế nào và tại sao nó lại đóng vai trò quan trọng đến vậy?
Cảm xúc, theo tác giả, là cái “cảm” của bản thân khi được tiếp ‘xúc’ với một đối tượng, sự vật, sự việc nào đó thông qua năm giác quan của cơ thể bao gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và yếu tố thứ sáu chính là ý thức. Và cảm xúc được hình thành phụ thuộc phần lớn vào tính cách của mỗi người.
Trong một bức tranh, chúng ta không thể chỉ có những nét vẽ mà bỏ quên những gam màu giúp cho bức tranh thêm phần sinh động, đặc sắc. Cảm xúc của chúng ta không chỉ là những nét vẽ đơn điệu, nó cũng có những gam màu của riêng nó, giúp cho bức tranh ‘cảm xúc’ của chúng ta hoàn thiện hơn.
Và bởi vì có những gam màu sáng – tượng trưng cho niềm vui thì cũng sẽ có những gam màu tối – đại diện cho sự buồn khổ trong cảm xúc của con người, và cũng có cả những màu trung tính – thể hiện sắc thái không vui cũng không buồn.
Nghĩ khác, sống khác
Theo bạn, cuộc sống có công bằng không? Đây có lẽ là một câu hỏi mà không có một đáp án chính xác nào. Có lẽ, khi chúng ta nhìn thấy một người có được một điều gì mà mình không có, chúng ta sẽ cảm thấy sự bất công cho bản thân. Nhưng chúng ta đâu biết rằng, họ đã phải đánh đổi rất nhiều mới có được những thành quả như vậy. Bill Gates là một ví dụ điển hình, tác giả đã đưa ví dụ này cùng với những câu chuyện khác để chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống.
Trong chương này, tác giả đã chỉ cho chúng ta biết rằng khi ta có cái nhìn khác về cuộc sống, về bản thân ta; thì chúng ta cũng sẽ sống khác đi, hành động khác đi. Và điều chúng ta nghĩ như thế nào, đôi khi phần lớn phụ thuộc vào cảm xúc của bản thân. Ví dụ như khi bạn nghĩ rằng “Tôi không làm được gì”, đó là khi bạn cảm thấy tự ti về bản thân, và sau đó bạn sẽ luôn thu mình vào trong “vỏ ốc” và lập ra những rào chắn mà bạn nghĩ nó sẽ giúp được mình an toàn. Thế nhưng, chính điều này lại mang lại những trở ngại cho bạn, bởi khi bạn tự ti, bạn cũng sẽ tạo ra những cảm giác không an tâm cho người đối diện.
Nếu bạn tự ti nghĩ rằng bản thân chẳng giúp ích gì được cho cộng đồng, cho đoàn thể thì bạn đã sai lầm rồi đó! Dù cho công lao bạn nhỏ đến nhường nào đi chăng nữa, thì nó vẫn lớn hơn cú đập cánh của con bươm bướm rất nhiều lần phải không? Loài bướm còn tạo nên cả một cơn bão, thì huống gì bạn lại không thể?
Đừng nói là bạn chỉ làm được những điều vụn vặt, mà ngay cả những sai sót, đôi khi cũng trở thành một điều kiện thuận lợi nào đó. Đương nhiên, cũng không phải là lý do để chúng ta biện mình cho những vụng về thiếu sót, thiếu đầu tư, thiếu cẩn thận để dẫn đến những hậu quả không như ý. Đó chỉ nên là lý do để chúng ta không từ bỏ, không tự hạ thấp hay đánh giá bản thân yếu kém.
Bên cạnh đó, tác giả cũng sẽ nêu lên những gam màu ‘cảm xúc’ khác mà luôn hiện hữu trong con người chúng ta như sự kỳ vọng vào tương lai, hay Chỉ tại cái số, và Cuộc đời thật bất công,…
Tôi đi tìm tôi
Vì sao ta thấy khổ?
Đây có lẽ là câu hỏi mà chúng ta luôn mong ngóng tìm được câu trả lời, vì ta nghĩ rằng khi biết được lý do tại sao ta khổ, ta sẽ bớt cảm thấy đau buồn hơn.
Nỗi khổ, ai trong đời rồi cũng sẽ trải qua và mỗi người thì lại có những nỗi khổ riêng khác nhau. Người nghèo có nỗi khổ riêng của người nghèo, người giàu cũng có nỗi khổ riêng của người giàu…
Khổ là một sự thật, không ai có thể chối từ điều này. Chúng ta cảm thấy khổ phần lớn là do những điều bất như ý đến với chúng ta. Hoặc do chúng ta suy tưởng những điều bất như ý sẽ xảy ra với bản thân.
Sự bất như ý này nhiều hay ít là do chúng ta bỏ vào hoàn cảnh hiện tại bao nhiêu thái độ chấp nhận của chúng ta. Càng chấp nhận sự việc đang diễn ra bao nhiêu thì sự bất như ý càng thuyên giảm bấy nhiêu và chúng ta sẽ bớt khổ được bấy nhiêu
Bằng giọng văn chân thành, mộc mạc, giản dị, phải chăng tác giả đang nói hộ lòng của biết bao người? Và đâu đó trong cuốn sách này, chúng ta sẽ thấy được hình bóng của chính mình? Những cảm xúc, những suy tư, mà chính chúng ta chẳng thể nói với ai. Nhưng khi đọc cuốn sách này, tôi tin bạn sẽ được an ủi một phần nào đó, không nhiều thì ít ra chúng ta cũng sẽ hiểu hơn về mọi người xung quanh ta. Vì suy cho cùng, chúng ta cũng chỉ là con người, so sánh với vũ trụ bao la, chúng ta cũng chỉ là những hạt cát nhỏ bé, có sinh rồi sẽ có tử. Vậy nên, các bạn à, khi còn thời gian và cơ hội, hãy dành tình yêu thương tới chính mình, với mọi người xung quanh và sống đúng với giá trị của riêng mình bạn nhé!
Nỗi sợ hãi có từ đâu?
Qua rồi cái khổ đau, vậy còn sự tức giận hay nỗi sợ hãi trong chúng ta thì sao? Bạn có biết, nguyên nhân mầm mống dẫn đến giận dữ là nỗi sợ hãi? Nhưng nỗi sợ hãi này đến từ đâu? Liệu chúng ta có thể tìm thấy và loại trừ nó được không? Câu trả lời là Có. Thiện Từ cho rằng nỗi sợ được hình thành từ chính thái độ xa rời thực tại, xa rời bản chất hiện hữu của sự vật, hiện tượng đang diễn ra của chúng ta. Vậy nên khi chúng ta quay trở về với thực tại, giải quyết được vấn đề đang hiện hữu thì mọi nỗi sợ đều có thể được giải quyết. Nghe thì có vẻ mơ hồ, nhưng khi các bạn đọc được những câu chuyện được trích dẫn trong cuốn sách này, bạn sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về sự sợ hãi.
Từng bước chuyển hóa cảm xúc
Trò lừa đảo của tâm trí
Khi chúng ta trải qua một cú sốc tinh thần, phần lớn năng lượng tích cực trong ta bị tiêu hao. Thế nên khi chúng ta nhận được lời động viên từ những người thân thương, chúng ta được tiếp nạp thêm một nguồn năng lượng mới. Nguồn năng lượng này nhanh chóng lần áp, đẩy lùi dòng năng lượng tiêu cực bên trong chúng ta và khiến chúng ta lầm tưởng năng lượng sống của bản thân đã được khôi phục.
Chính sự lầm tưởng này đã khiến chúng ta phớt lờ cảm xúc thật đang tồn tại bên trong chúng ta, chúng ta vẫn ngỡ rằng dấu hiệu tiêu cực đã tan biến. Chúng ta nhanh chóng quay lại guồng làm việc hoặc lao mình vào những cuộc chiến mới. Và điều này không thể tránh là chúng ta sẽ nhanh chóng tụt nhuệ khí, thất bại lại một lần nữa kéo đến. Điều đáng nói là lần thất bại này sẽ nặng nề và gây thương tổn cho bản thân nhiều hơn so với lần trước.
Đây là một cạm bẫy của cảm xúc, hay nói cách khác là trò lừa đảo của tâm trí. Thế nhưng cái khó ở đây là chúng ta không hề nhận ra điều đó, mà cứ nghĩ rằng chúng ta đã được chữa lành và rồi lại tiếp tục quay trở lại với cuộc sống bình thường. Nhưng thật ra, chúng ta chỉ đang đeo một chiếc mặt nạ mà ta thậm chí còn không hề biết đã gắn chúng lên từ lúc nào.
Khi nghe đến đây, chắc hẳn các bạn sẽ không bao giờ muốn điều này xảy ra, hay không cam chịu với sự thật này. Nhưng chính điều này lại mang lại những hậu quả khôn lường hơn thế! Trong cuốn sách này, Thiện Từ sẽ giải thích với chúng ta tại sao chúng ta không nên làm như vậy, mà thay vào đó, hãy chấp nhận chúng như một phần tất yếu của cuộc sống, hãy chấp nhận bằng cách nhìn sâu sắc!
Cảm xúc không có lỗi
Hầu hết chúng ta đều mong muốn sự bình an, hạnh phúc, và thật hiếm có ai lại có suy nghĩ rằng muốn có nỗi sợ, sự bất an hay đau khổ. Thế nhưng, cuộc sống là sự hòa trộn giữa những gam màu, có trắng thì cũng có đen, có vui thì cũng có buồn, và sự thật là cảm xúc tiêu cực lại đóng một vai trò hữu ích trong đời sống chúng ta.
Hãy cảm ơn nỗi sợ
Nghe thì có vẻ thật nực cười phải không? Vì người ta còn đang cố để loại bỏ những nỗi sợ cơ mà? Nhưng chúng ta đừng phán xét điều đó vội nhé, hãy suy nghĩ lại nào! Nỗi sợ là cú bật để giúp chúng ta tiến lên cơ mà. Ví dụ như khi chúng ta không muốn trở nên béo phì, hay sợ bị béo phì, thì chúng ta sẽ cố ăn ít đi và điều chỉnh lại chế độ ăn uống sao cho thích hợp. Hay như việc chúng ta sợ đau nên mới không dại mà cho tay vào lửa…
Vậy đó, nỗi sợ hãi cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc đời chúng ta. Nó giúp chúng ta có những ứng xử đúng đắn, phù hợp với quy luật tự nhiên. Nó giúp ta tự ý thức bảo vệ bản thân rất nhiều.
Lời kết: Nếu chúng ta bị rơi xuống hố sâu của cảm xúc tiêu cực, chúng ta sẽ làm gì? Cuốn sách Thoát khỏi bẫy cảm xúc hay trò lừa đảo của tâm trí như một lời an ủi, đưa chúng ta thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực và chuyển hóa những cảm xúc ấy thành những cảm xúc tích cực, đồng thời, chúng ta sẽ có cái nhìn rõ nét hơn bản thân chúng ta, và những giá trị thực trong cuộc sống.
Review chi tiết bởi: Minh Trang – Bookademy
Ảnh: Minh Trang
______________
Theo
dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách
và muốn lan toả văn hoá đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành
CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về
Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ
“Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều
không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
641 lượt xem