Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] "Tiếc Thương Những Ngày Đã Mất": Gợi Nhớ Thuở Hàn Vi

Câu chuyện hết sức ám ảnh trong tác phẩm này, dành cho những ai đang loay hoay, mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn giữa tình yêu và lý tưởng. Tôi cũng hy vọng "Trong một tương lai không xa nữa, ánh sáng ban mai sẽ rực rỡ lên cho mà xem!"

1. Có thể bạn biết rồi

Lỗ Tấn, một vĩ nhân của thế kỷ hai mươi, được bạn đọc Việt Nam biết đến qua truyện ngắn “Cố hương” trong chương trình trung học cơ sở. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là một tấm gương sáng để thanh niên học tập và phấn đấu. Sinh ra và trải qua thời thơ ấu trong một gia đình vốn là tầng lớp phong kiến của xã hội, song do cảnh nhà sa sút, ông cũng trải nhiều khổ cực, bôn tẩu nhiều nơi, trăn trở đủ điều. Chính vì lý do đó, trong con người ông luôn dành chỗ đồng cảm cho người nông dân lao động, người trí thức trẻ và luôn tận mắt chứng kiến những hủ tục, thói hư tật xấu của xã hội rối ren đương thời đang đày đọa con người đến mức đường cùng. Ông “ghi lại những năm tháng chứa chan ý vị làm cho người ta không sao quên cho đành…” Chắc hẳn bạn đọc sẽ khó mà quên hình ảnh Nhuận Thổ trong ký ức dạy nhân vật tôi bẫy chim sẻ, canh dưa, về vỏ sò, con tra… Người anh em hiền lành, chất phác ấy, vì cảnh nhà “con đông, mùa mất, thuế nặng, lính tráng, trộm cướp, quan lại, thân hào” đã bị “đày đọa” khiến cho anh “trở thành đần độn, mụ mẫm đi”. Nghĩ mà thấy xót xa… Bạn bè từ thuở chăn trâu cắt cỏ, lớn lên mỗi người mỗi ngả, lệch nhau một bước đi, khác nhau cả ngàn dặm đến… Lỗ Tấn thì đang “đi theo con đường của tôi” và mong ước “chúng nó”  - chính đứa cháu Thủy Sinh, đứa cháu Hoằng, là lớp trẻ, đội ngũ kế cận- “không bao giờ phải cách bức nhau cả”; cũng "không muốn chúng nó vì thân thiết với nhau mà phải vất vả, chạy vạy như muốn tôi, cũng không muốn chúng nó phải khốn khổ mà đần độn như Nhuận Thổ; cũng không muốn chúng nó phải sống khốn khổ mà tàn nhẫn như bao nhiêu người khác. Chúng nó cần phải sống một cuộc đời mới, một cuộc đời mà chúng tôi chưa từng được sống”.


Bên cạnh hình ảnh người nông dân cần cù lao động, truyện ngắn Lỗ Tấn còn đề cập đến một tuyến nhân vật khác, cũng có nhiều điều đáng ngẫm, đáng bàn. Đó là những trí thức trẻ, có học vấn, có lý tưởng, ôm ấp mộng đẹp mà tôi thấy là có nhiều điểm tương đồng với một số thanh niên hiện nay. Xin được giới thiệu với các bạn về những chàng, những nàng đó qua truyện ngắn “Tiếc thương những ngày đã mất” của vị đại văn hào này.

2.Có thể bạn chưa biết

Bằng lối viết tự sự, tự kể của nhân vật tôi- Quyên Sinh, câu chuyện của chàng dần dần mở ra và đi vào tâm trí tôi bằng những ngôn từ giản dị, đầy chiêm nghiệm. Mở đầu là khung cảnh trống trải, cô liêu của Quyên Sinh trong một gian phòng được tác giả gọi là “hội quán”. Chàng đang ôn lại chuyện cũ, nhớ lại những ký ức thuở hàn vi về một người “không đến nữa, vĩnh viễn không bao giờ đến nữa”. Đó là Tử Quân, một nữ trí thức trẻ, “vốn” là người yêu của Quyên Sinh, hai người cùng nhau hít thở và tiếp nhận một làn gió thời đại của cuộc sống mới, tự do không theo một khuôn mẫu khắc nghiệt, cổ hủ nào. Người phụ nữ can đảm này từng tuyên bố với Quyên Sinh “người em là của em, không ai có quyền can thiệp vào đời em cả”. Họ mưu cầu hạnh phúc lứa đôi, sống vì nhau, cùng nhau chống chọi với những định kiến thô bỉ, “những con mắt nhìn chúng tôi tò mò, chế nhạo, đểu cáng, khinh bỉ, nếu không giữ gìn cẩn thận, thì cả con người tôi đều phải co rúm lại”. Cuộc sống của họ, đầu tiên đã được thỏa mãn phần nào. Họ được sống cùng nhau sau khi bỏ lại tất cả, họ hàng, định kiến lại đằng sau. Hy sinh và san sẻ nỗi buồn, cùng vui cười có nhau. Ôi, tình yêu đôi lứa hiện lên sao mà đẹp đẽ, bình dị mà dễ thương đến vậy. Tôi rưng rưng vì câu chuyện tỏ tình, thỏ thẻ tình cảm mộc mạc của hai người. Xúc động mạnh mẽ trước hình ảnh người con gái có đôi mắt “ngây thơ như mắt trẻ, ánh lên một niềm vui mừng lẫn lộn buồn thương, trong đó lại có sự ngạc nhiên, sự nghi hoặc nữa”; vì "những khi đêm khuya thanh vắng, mặt nhìn mặt, ôn lại chuyện cũ”; vì “điều đó tôi biết rất rõ, bởi vì nàng yêu tôi, yêu tôi tha thiết như thế, trong trắng như thế”; vì “tôi đã tìm ra được cả những điều làm cho chúng tôi không gần nhau, trước kia tưởng không có, nhưng bây giờ thì vẫn thấy cách bực, tức là những cái cách bức thực sự”; vì những lần “thưởng thức lại nỗi vui sướng làm lành với nhau sau những cuộc xung đột, vui sướng như chết đi mà được sống lại”... Hai người “gọi là vui buồn có nhau”... Rồi chuyện nuôi con Tùy, con gà, chuyện với làng với xóm, những chuyện hết sức bình dị được nhân vật tôi trần thuật một cách tinh tế, trầm mặc… Cuộc sống vất vả lam lũ nhưng hạnh phúc có nhau của hai người trôi qua lặng lẽ…


Nhưng rồi như “tôi” đã dự đoán trước, Quyên Sinh mất việc ở cơ quan, mà theo anh này là do “cái thằng mặt bự kem kia là bạn cờ bạc với thằng con ông thủ trưởng. Nhất định hắn đã đặt điều xuyên tạc mối quan hệ giữa tôi và Tử Quân, rồi tìm cách nói đến tai cấp trên của tôi”. Tai họa tưởng đâu đã được chuẩn bị tinh thần sẵn rồi khiến cho người con gái kia “ xưa nay vốn không sợ cái gì, bỗng cũng biến sắc đi” . Thế rồi với người trẻ mà nói, vẫn “như thấy được mầm hy vọng tương lai đang chớm nở”. Vết rạn tình cảm từ đó nảy sinh. Tình yêu mong manh chẳng thể chống chịu nổi những điều vốn “hết sức nhỏ mọn” của nhịp sống đều đặn, đã thành nếp này. Ngay cả những chi tiết vụn vặt, hai người cũng chẳng còn nhẫn nhịn, suy nghĩ cho nhau: “Bao nhiêu điều trước kia nàng đã biết rồi bây giờ hình như quên đi cả. Và nàng cũng không hề nghĩ rằng mỗi khi thúc giục tôi đi ăn cơm là thường làm cho tứ văn của tôi phải đứt đoạn. Dù trong bữa cơm tôi có làm mặt giận, nàng cũng không hề sửa đổi. Như không cảm thấy gì hết, nàng cứ ngồi ăn ngon lành”. Kinh tế khó khăn khiến Quyên Sinh cảm thấy người yêu mình trở thành một gánh nặng. “Công việc của Tử Quân hoàn toàn hình như ở chỗ cơm nước. Ăn xong lại chạy tiền, chạy tiền được rồi thì lại ăn”. Cứ như vậy những suy nghĩ cay độc dần dần hình thành và lớn dần lên trong đầu óc người trí thức trẻ này: “Tôi bỗng nghĩ nàng có thể chết đi cho rảnh, nhưng tôi liền tự trách mình và lấy làm hối hận”.

Thế rồi vì tiếc thương cho những kỷ niệm ngày xưa, hai người “thoáng hiện lên một chút tình đầm ấm, nhưng như thế lại càng làm cho tôi thêm đau khổ” Quyên Sinh đành phải “gượng nói, gượng cười để an ủi nàng chút ít; bịa ra những câu trả lời yêu thương giả dối. Cái yêu thương thì tỏ cho nàng thấy, còn cái giả dối thì giữ lại trong lòng. Ngày lại ngày cái giả dối chất chứa, tràn ứ lên, làm cho tôi tắc thở”. Còn Tử Quân thì lẳng lặng, hình như sự tinh tế của người phụ nữ đã nhìn thấu tất cả: “nàng mất hẳn cái trầm tĩnh đến như tê dại trước kia. Mặc dù hết sức che giấu đi, nàng cũng thường thường để lộ sự lo ngại trên thần sắc. Nhưng đối với tôi nàng lại ôn tồn hơn trước nhiều”. Vốn ưa yên bình, người phụ nữ cam phận như vậy, thế nhưng ở phía bên kia, Quyên Sinh chẳng thể chịu đựng được lâu. Chàng buông những lời bóng gió, về “văn chương và do đó đề cập đến tác phẩm của họ như Nora, Người đàn bà của biển cả. Tôi ca tụng đức tính quả quyết của Nora”( ở trong gia đình thấy mình chỉ là con Bu-bê của chồng và con cái chỉ là Bu-bê chính mình, nên bỏ nhà ra đi)... Tử Quân “vẫn cứ vừa lắng nghe vừa gật đầu, sau thì trở nên trầm mặc”. “Anh… anh cứ nói thật với em!”- câu nói đó của Tử Quân khiến cho Quyên Sinh quả quyết: “Huống chi em đã có thể không cần phải đắn đo, cứ dũng cảm mà bước tới. Em muốn anh phải nói thật. Đúng thế. Người ta không nên giả dối. Anh cứ nói thật ra, bởi vì… bởi vì anh không yêu em nữa. Nhưng như thế càng hay cho em, bởi vì như thế em có thể đi tìm việc mà làm, không phải bận lòng gì cả”. Khe nứt chẳng được chắp vá mà cứ thế to dần, tình yêu nồng nàn thuở ban đầu giờ đây đi đến kết cục đổ vỡ, khiến tôi se lòng lại. Ban ngày “tôi” chạy ra Thư viện, nơi chàng ấp ủ, “lâu lâu tôi lại nhìn thấy con đường sống mới lóe lên, thoáng qua trước mắt. Tôi tưởng tượng thấy Tử Quân đã nhìn thẳng vào sự thật một cách can đảm, kiên quyết đi ra khỏi cản nhà giá lạnh này, và không có vẻ oán giận chút nào cả. Còn tôi thì nhẹ như một đám mây bay bồng bềnh giữa không trung, trên nền trời xanh biếc, dưới là núi thẳm biển lớn, nhà rộng lầu cao, chiến trường, xe ô-tô, giao dịch, biệt thự, thành phố náo nhiệt, sáng trưng, đêm tối mịt mùng…” Điều mà Quyên Sinh mong mỏi cũng trở thành hiện thực vào một ngày định mệnh, Quyên Sinh trở về trong căn gác đìu hiu, rồi tin Tử Quân đã về ngoại, để “chịu đựng cái uy nghiêm gay gắt như mặt trời của bố- người chủ nợ của con cái- và cái khinh bỉ lạnh lùng hơn cả băng giá, của người xung quanh”, khiến chàng chỉ còn lai với quang cảnh vắng tanh văng ngắt, cùng nỗi niềm tưởng như không ai có thể hiểu được. Quyên Sinh đi tìm chỗ ở mới, tìm đến “một bậc thế giao mà lâu nay tôi không hề lai vãng”.


Tai họa chẳng thể dừng đổ xuống đầu Quyên Sinh. Ông này cho biết : "À,... gì đây!... Cứ gọi là bạn đi… người bạn của anh, cô Tử Quân ấy mà? Chết rồi, anh biết rồi chứ!”.

Kết thúc chuyện là hình ảnh nhân vật tôi với cảm xúc lẫn lộn, hối hận khôn nguôi: "Tôi không hay đi lang thang như trước nữa, hết ngồi lại nằm trong cái hư không rộng lớn, mặc cho sự quạnh hiu của cái chết đục khoét tâm hồn tôi. Nhưng chính sự quạnh hiu của cái chết cũng có khi run sợ thụt lùi và ẩn náu đi, và trong khoảnh khắc đó thì thoáng hiện lên mối kì vọng mới, không có tên và không ngờ trước được”.

Tôi muốn có cái gọi là linh hồn và có cái gọi là địa ngục thật sự. Lúc đó dù phải đi giữa ngọn gió dữ gầm vang, tôi cũng quyết tìm cho được Tử Quân, nói cho nàng tha thứ cho tôi. Không nữa thì tôi sẽ cầu ngọn lửa độc của địa ngục bao vây lấy tôi thiêu cho hết lòng hối hận, nỗi đau thương của tôi đi.

Trong cơn gió giữ, lửa độc, tôi sẽ ôm lấy nàng, van lạy nàng khoan dung cho tôi, hoặc làm cho nàng được toại nguyện…

Tôi cần phải bước cái bước thứ nhất vào con đường sống. Tôi cần phải đem sự thật giấu kín trong vết thương lòng, lặng lẽ mà tiếng lên, lấy sự dối trá và sự lãng quên làm kẻ đưa đường chỉ lối.

3. Cảm xúc cá nhân...

Tôi thấy một người phụ nữ kham khổ, biết vun vén hạnh phúc lứa đôi, tinh tế và đầy cảm tính cùng sự thấu hiểu ở Tử Quân. Khi nhắc đến hai chữ “chúng ta”, nàng nói giọng thoang thoảng, mọi thứ trở nên ảm đạm khác thường. Có lẽ nàng thấu hiểu hết những suy nghĩ của người yêu, nhưng rồi cũng chỉ biết nhắm mắt cho qua mà cam phận. Ở Tử Quân, chúng ta dễ thấy hình ảnh những người thanh niên vốn ôm mộng đẹp, lý tưởng cao cả, bước đi đầy hào sảng… Gặp một thất bại đã gục ngã, hay chỉ còn biết chấp nhận hiện thực… Nàng hy vọng cho mình một cuộc sống tự do lứa đôi, một khái niệm mới của xã hội lúc bấy giờ, song lại mắc kẹt trong chính cái định kiến “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Hai người không vị trí đứng trong xã hội, không nghề nghiệp ổn định, bị nhịp sống vụn vặt quật ngã, khiến cho tình yêu đẹp đẽ kia không thể sống và tồn tại. Bao nhiêu lý tưởng, khát khao tưởng như bị lãng quên hết, bị chôn vùi không thương tiếc trong một đống hỗn độn của mưu sinh, của các mối quan hệ… Hình ảnh nàng cùng người bố trở về quê, chính là hành động cao thượng mang đi cái "gánh nặng hư không” trên vai, đỡ hộ Quyên Sinh, và cuối cùng vẫn là nghĩ cho người yêu…

Tôi thấy một nạn nhân đáng thương ở Quyên Sinh- nhân việt tiêu biểu cho một số cá nhân “cũng ôm ấp những mộng đẹp, nhưng gặp thất bại, họ dễ bi quan, chán nản, dao động, cuối cùng có thể trở nên cô độc, lạnh lùng. Phản lại ý tưởng của mình” (theo Lỗ Tấn). Họ luôn tự tìm cho mình được lối thoát, đó là mơ về tương lai, điểm qua sự thành công đang mong chờ mình, rồi lạc quan khi thấy những hy vọng ẩn nấp đằng sau những tai họa. Họ thấy con đường, nhưng lúc có, lúc không thấy cách bước những bước đầu tiên trên con đường đó. Người đàn ông lập thân lập nghiệp lắm lúc không biết đã đánh mất tính cách vốn có của chính mình, lắm lúc đối xử với người thân yêu lạnh nhạt, ích kỷ mà không hề hay biết, để khi hôn nhân đổ vỡ, nửa kia như chết dần, chết mòn, và chết thật, còn bản thân quay ra ân hận không nguôi.

Thế rồi vẫn có con đường cho Quyên Sinh,... Phải lấy sự hối hận và lãng quên làm con đường, kim chỉ nam cho những chặng đường tiếp theo, những bước đi chắc hẳn sẽ khó khăn mà chẳng dám nhìn lại mà đối mặt quá khứ…

Ước mơ vốn dĩ phải thực tế để khi thực hiện dễ bề mà trăn trở, để đến lúc ôm mộng rồi vỡ mộng, kẻ đáng thương nhất chính là kẻ đã hạnh phúc với những giấc mơ…

Xã hội phải tiến hóa, con người không thể sống tách biệt mà giải phóng hoàn toàn khỏi nó. Muốn tách biệt ư, đó chính là giấc mơ đó… Sống và đóng góp cho xã hội để chính bản thân mình được bảo vệ và phát triển, hưởng thụ một hạnh phúc vững bền...

Với một người không chuyên về văn phạm như tôi, chỉ dám nêu những ý kiến chủ quan của mình về một số cảm nhận liên quan đến tác phẩm. Mỗi người một tâm hồn, tiếp cận khác nhau, suy nghĩ cũng khác nhau. Bạn đọc hãy thử tìm đọc truyện ngắn này trong quyển Truyện ngắn Lỗ Tấn do tác giả Trương Chính dịch, và để trí tưởng tượng cùng những rung cảm tạo nên những giá trị riêng của tác phẩm đối với mình.

 Review chi tiết bởi Dương Văn Tâm – Bookademy

______________

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:

https://www.facebook.com/bookademy.vn

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/2Hxkazt

                                                                                                    


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,993 lượt xem