Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] “Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ”: Khi Yêu Thương Trở Thành Gánh Nặng

Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ kể về những câu chuyện của người trẻ trên dưới hai mươi, cái độ tuổi chưa hẳn là người lớn nhưng đã qua cái thời ngây thơ của một đứa trẻ. Mỗi người có một câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều có một điểm chung là cảm thấy ngột ngạt, bức bách, mơ hồ với cuộc sống, với gia đình. Tất cả các câu chuyện đều được kể lại theo một cách tự nhiên nhất, không phân tích, không phán xét, một cuốn sách tâm lý không giáo điều. Cuốn sách sẽ khiến những người trẻ hiểu hơn về những tâm lý, suy nghĩ của chính mình và làm các bậc cha mẹ phải suy xét lại những hành động, tư tưởng dành cho con cái mình từ trước cho đến giờ.

Về tác giả Đặng Hoàng Giang


Tiến sỹ Đặng Hoàng Giang là tác giả của rất nhiều cuốn sách mang tính nhân văn, thời sự đang gây sự chú ý rất lớn của cộng đồng những người yêu sách. Ông thường viết về những chủ đề gần gũi, chân thực với góc nhìn trực quan, chính diện, thẳng thắn. Ông đã viết nhiều cuốn sách nổi tiếng như Bức xúc không làm ta vô can, Thiện ác và smartphone, Điểm đến của cuộc đời, Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ. Trong đó, là một người trẻ, đặc biệt là những bậc phụ huynh, cuốn Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ là tác phẩm không thể bỏ qua để chúng ta có thể thấu hiểu con người mình hơn và khoan dung hơn với những đứa trẻ “hư”, “nổi loạn”.

Về cuốn sách

“Tình yêu, nếu không đi kèm hiểu biết, như thiền sư Thích Nhất Hạnh nhấn mạnh, có thể tra tấn và gây ra sự ngạt thở… Yêu thương không bao giờ được trở thành gánh nặng cho cả người yêu thương và người được yêu thương” (Đặng Hoàng Giang, Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ). Đây có lẽ chính là thông điệp mà Đặng Hoàng Giang muốn gửi gắm tới mỗi chúng ta, những người đang quá quan tâm đến người khác mà quên đi mất chính bản thân mình. Bao trùm cuốn sách là những câu chuyện về những con người trẻ tuổi còn đang tuổi đôi mươi, đang chơi vơi giữa cuộc đời, không thể tìm được chính mình. Vì sao lại là thế giới hậu tuổi thơ? Vì những nhân vật trong cuốn sách đều là những người đã bỏ lại tuổi thơ đằng sau, nhưng lại chưa thực sự bước vào thế giới của người lớn theo định nghĩa thông thường, đó là có việc làm ổn định, lập gia đình, độc lập tài chính.

Nhân vật trong các câu chuyện không được tuyển chọn theo một tiêu chí nào cả, họ chỉ đơn giản là những người trẻ bình thường, khao khát được yêu thương và muốn yêu thương người khác.

Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ dẫn người đọc vào thế giới của người trẻ trên dưới hai mươi tuổi, lứa tuổi không còn trẻ con, nhưng cũng chưa thực sự là người lớn. Trong thế giới đó có những run rẩy va chạm thân thể lần đầu, có lấp lánh của tình yêu, có những đêm dài, những chuyến đi xa, những hoang mang và băn khoăn hiện sinh. Nhưng bao trùm lên tất cả, như một tấm màn lớn, là nỗi đau. Nỗi đau từ sự cô đơn của đứa con vẫn được xã hội khen là “trưởng thành” và “ngoan”, từ sự trống rỗng nội tâm của đứa trẻ lớn lên trong một gia đình lạnh lẽo, từ sự tuyệt vọng người trẻ bị giam cầm trong nhà tù mang tên tình yêu cha mẹ.

Cuốn sách được chia thành ba phần chính: Thế giới vắng bóng người lớn, Những đứa trẻ nhầm vai và Trong ngục tù của tình yêu. Mỗi phần là các câu chuyện của những người trẻ, họ kể lại câu chuyện của mình một cách trần trụi, bộc lộ từng góc khuất trong tâm hồn mà họ chưa từng kể hay chia sẻ với người khác. Sau mỗi phần, Đặng Hoàng Giang đưa thêm những phân tích tâm lý dưới góc độ khoa học để người đọc hiểu hơn từng hành động và suy nghĩ của nhân vật. Mở đầu cuốn sách là câu chuyện của bạn Phương Anh, 20 tuổi, hiện giờ đã bỏ học và làm ở một tiệm bánh. Phương Anh lớn lên trong một gia đình không mấy hạnh phúc, nổi loạn và “đầu gấu”. Cô cảm thấy sợ hãi vì thấy mình bị chai lì, sợ hãi khi mình không ứa nổi một giọt nước mắt khi bố mẹ cãi vã, lần duy nhất cô khóc tức tưởi là khi bố mẹ đẩy nhau trả tiền học cho cô. Dù vậy, Phương Anh vẫn yêu thương người khác, theo cách riêng của mình. Tương lai dù sao vẫn sẽ tiếp diễn, những mẻ bánh mới vẫn được ra đời….

Phần 1: Thế giới vắng bóng người lớn

Là thế giới của Hồng Linh, Hà An, nơi những đứa trẻ lớn lên trong ngôi nhà vắng bóng tình thương của người lớn. Có thể các bậc cha mẹ vẫn cung cấp đầy đủ các nhu cầu về vật chất, nhưng đến đó là hết, không có quan tâm, không có thấu hiểu. Những đứa trẻ lớn lên đã tìm cách giấu nhẹm đi, thậm chí là giết chết cảm xúc của mình. Thật đáng sợ làm sao khi con người ta có thể không cảm thấy gì, thấy trống rỗng khi người thân nhất của mình rời bỏ mình đi đến một thế giới khác.


Chín rưỡi tối, tôi dạy xong về nhà. Mười một giờ thì tôi nhận được tin ba tôi mất. Lúc đó tôi thấy như thế nào nhỉ? Tôi chả cảm thấy gì luôn, đầu trống rỗng. Trong đám tang, có lúc tôi bật khóc rất nhiều, nhưng có lúc một tí nước mắt tôi cũng không rặn ra được.

Trong quá trình đứa trẻ lớn lên, cha mẹ, những người chăm sóc, đã chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Họ thờ ơ, lạnh lùng, cục cằn, bỏ mặc, không quan tâm đến cuộc sống của đứa trẻ, họ không dành thời gian để hiểu con cái, không phản ứng lại những nhu cầu của chúng. Chính thái độ tiêu cực đó đã đẩy mối quan hệ nhìn bề ngoài thì có vẻ bình thường này đến ngõ cụt. Và điều này có thể xảy ra với bất kỳ bậc cha mẹ nào. Rồi nó dẫn đến một hệ quả tất yếu “Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen với việc yêu thương người khác” (Hồng Linh). Chúng bắt đầu đi tìm kiếm những mối quan hệ ngắn ngủi để lấp đầy khoảng trống. Vì sao ư? Vì những đứa trẻ đó cảm thấy cha mẹ chúng thật xa lạ, muốn gần gũi mà như có cái gì đó đẩy ra xa, như hai cực cùng chiều của nam châm ấy, tưởng chừng có liên quan đến nhau nhưng không bao giờ chạm vào nhau được.

Khi tôi học lớp sáu thì ba về. Tối đầu tiên, tôi được phép ngủ với ba. Trằn trọc cả đêm, tôi tự nhủ, đây là ba mình, nhưng thấy trống rỗng bên trong. Tôi lén nhìn và thấy một người đàn ông xa lạ, một người không liên quan gì tới cái từ ba rất thân thương. Là một đứa con gái bắt đầu lớn, tôi không ôm ấp, thân thiết với ba được nữa. Ba yêu quý tôi, tôi biết, nhưng tình yêu đó không chạm được vào tôi, tôi không cảm động được. Ông không ở cùng chúng tôi, và dần dần hình ảnh người ba thân thiết mà tôi xây dựng trong đầu trong bao năm cứ nhạt nhòa đi.

Các bậc cha mẹ không chịu lắng nghe, quan sát con mình. Họ dè bỉu, cho rằng chúng chẳng có việc gì mà phải buồn mà không biết rằng con cái họ đang phải trải qua những cú sốc lớn mà thậm chí là sẽ để lại vết sẹo dài đến mãi về sau. Rồi chúng phá bỏ cái vỏ bọc hiền lành để được nổi loạn, được hư hỏng, được rẽ phải khỏi cái đường mòn mà cha mẹ bắt chúng phải đi.

Phần 2: Những đứa trẻ nhầm vai

Hiện tượng “đảo vai” (role reversal) dùng để chỉ trường hợp những đứa trẻ trở thành người chăm sóc cho cha mẹ thay vì ngược lại như lẽ thường. Mặc dù có thể những đứa trẻ này nhận được nhiều lời khen từ xã hội vì cho rằng chúng “trưởng thành”, “ngoan ngoãn”, song sâu bên trong là những tổn thương tâm lý mà thậm chí chính những đứa trẻ này cũng không nhận biết được. Quá trình này xảy ra khi đứa trẻ phải nhận những trách nhiệm mà đáng ra là của cha mẹ chúng. Như trong câu chuyện của Đan, cậu phải trở thành chỗ dựa, bạn đời của mẹ mình và luôn là người đứng ra giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình.

Bố và chồng thì chỉ hỗ trợ tôi về mặt vật chất, những cái bên ngoài, còn Đan mới là người đàn ông thực sự mà tôi có thể hoàn toàn dựa dẫm về mặt tinh thần. Những lúc đau buồn nhất, hoang mang nhất, tôi đều có thể tìm về với Đan để được vỗ về, an ủi.

Về lâu dài, hiện tượng đảo vai này có thể gây ra những tổn thương tâm lý nặng nề. Chúng luôn cảm thấy cô đơn, bị cô lập khỏi xã hội. “Mình không còn có nhu cầu tìm một người bên ngoài để nói chuyện, chia sẻ nữa”. Chúng đánh rơi chính bản thân mình. “Mỗi ngày tôi cố gắng nhưng tôi không biết mình đang cố gắng vì cái gì. Tôi cố gắng được qua một ngày, rồi lại qua ngày tiếp theo”. Đó chính là những lời tâm sự của Ngân, nhân vật trong cuốn sách với Vũ Đức Đam, và cũng là với chúng ta.


Rồi đến với câu chuyện của gia đình Huy, Li, mẹ Thủy và Vy (người yêu Huy), những vết thương của gia đình đổ vỡ đã bào mòn từng con người trong đó. Huy là một chàng trai nhạy cảm, không được cảm nhận tình yêu thương của cha từ khi còn nhỏ, cậu luôn sợ hãi bứt ra khỏi vùng an toàn của mình, mãi không chịu thay đổi. May mắn làm sao, sau một khóa học nhiếp ảnh, cậu đã có thể mở lòng nói chuyện với cha, bắt đầu quá trình chữa lành của mình. Li là chị cả trong gia đình, phải đứng ra gánh mọi trách nhiệm. Cô luôn bị ám ảnh phải làm mẹ hài lòng, vì sâu bên trong cô thương mẹ và em trai. Nhưng rồi lại quên mất phải chăm sóc chính bản thân mình.

Tôi sợ lắm, tôi sợ mình trở nên giống má, không có cuộc sống riêng, không biết yêu thương bản thân mà chỉ hy sinh hạnh phúc của bản thân mình cho người khác. Má luôn chọn thứ rẻ nhất cho mình, nhưng cho con thì không tiếc gì cả. Tôi căm ghét điều đó. Vì sao má không thể yêu mình như má yêu các con. Tại sao? 

Mẹ Thủy là người công giáo, và bà luôn để điều đó trói buộc cuộc hôn nhân không hạnh phúc của mình. Rồi sau những sóng gió, đổ vỡ của gia đình, giờ đây bà đang hướng tới điều tốt đẹp hơn. Còn Vy, cô có một người mẹ không hoàn hảo, không được cảm nhận tình yêu của mẹ từ nhỏ. “Tôi không biết cái cảm giác thân mật của mẹ nó ra sao, tôi đã luyện cho mình không cần tới nó rồi”. Nhưng sâu trong thâm tâm, cô biết là mẹ yêu cô. Và để giấu nhẹm cái cảm xúc vỡ vụn này đi, Vy đã tự tạo cho mình một cái vỏ bọc hài hước, bất cần đời nhưng vẫn mãi loay hoay trong cảm xúc của chính mình.

Phần 3: Trong ngục tù của tình yêu

Những đứa trẻ phải sống dưới áp lực tình yêu và kỳ vọng quá lớn của bố mẹ chúng làm chúng ngộp thở, không thể đấu tranh để có được những thứ mình mong muốn. Cha mẹ luôn lấy cái cớ tình yêu, muốn con cái mình phải học giỏi nhất, làm được những thứ tốt nhất, như thế là thành công, như thế là hạnh phúc. Họ buông lời mắng mỏ, chì chiết. “Mệt với bay, cuối năm rồi còn không được yên”. Đối với họ, đứa con là phương tiện để thỏa mãn nhu cầu “sỹ diện” của mình. Những đứa con dưới áp lực tinh thần quá lớn, đã phải lựa chọn giấu nhẹm mình đi, hoặc chẳng thèm quan tâm đến nó nữa.


Tôi triền miên sống trong ám ảnh mình là kẻ vô dụng. Họ, bố mẹ tôi, vừa đốc thúc tôi về thành tích vừa coi con như một thằng hề, Ôi giời, thằng này làm được cái gì. Mày vô tích sự. Thằng này chẳng làm ăn được gì đâu. Mình bị xúc phạm nặng nề. Tôi mà lơi ra là cái cảm giác đó, con quái vật đen ngòm đó, lại nhảy chồm lên người tôi. Một là tôi sẽ phải rồ lên để mà cưỡi lên cái cảm giác đấy, hai là tôi sẽ đâm đầu vào gối để ngủ mê mệt. Hồi nhỏ, tôi hay sang nhà hàng xóm và khóc nức nở, cho đến một ngày tôi ngừng khóc. Đến bây giờ, nói thật, có người ngã ra chết trước mặt tôi cũng chẳng sợ. Tôi đã trở thành kẻ máu lạnh.

Chao ôi, sao mà dễ dàng để người ta không quan tâm đến những đấng sinh thành, những người đã dứt ruột đẻ ra chúng ta được. Để rồi cho dù có phải sống trong đau khổ, tự dằn vặt chính bản thân mình, họ vẫn lựa chọn yêu thương cha mẹ mình. “Bố mẹ gây cho tôi nhiều đau khổ nhưng thực ra tôi vẫn rất thương họ”.

Hành trình chữa lành

Là câu chuyện của hai bạn trẻ Xuân Dương và Lâm đã may mắn tìm được đúng con đường để chữa lành vết thương của mình. Xuân Dương đã từng mặc cảm vì cấu trúc gia đình không bình thường, bị mọi người dị nghị, dèm pha. Lâm bị trầm cảm vì những kỳ vọng quá lớn của người mẹ lớn lên trong tư tưởng “luôn phải bằng hoặc hơn người khác”, người khác ở đây có nghĩa là tất cả. Nhưng rồi cả hai đã tìm được những cách để giải tỏa chính mình, để tin tưởng và kỳ vọng hơn vào tương lai.


Bất kỳ ai đọc cuốn sách này cũng sẽ nhìn thấy bản thân mình trong đó, trong cái xã hội đầy vất vả, đau khổ, cực nhọc này. Những câu chuyện của các bạn trẻ trong sách có lẽ là không hiếm. Bọn họ thiếu thốn tình cảm, khao khát được yêu thương và sống cho chính bản thân mình. Mặc dù bao trùm nội dung cuốn sách đều là những câu chuyện buồn, nhưng nó không hề u ám mà lại gợi lên niềm hy vọng mãnh liệt vào một xã hội tràn đầy sự thấu cảm. Mặc dù đã chuẩn bị kỹ tâm lý trước khi đọc cuốn sách, nhưng mình vẫn không thể ngăn những lúc khóc rấm rứt. Vì sao ư? Mình cũng không biết nữa. Có thể là thương cảm cho nhân vật, cũng có thể là thương cảm cho chính bản thân mình, có thể là cả hai. Sau tất cả, đây chắc chắn là cuốn sách đáng đọc cho những người mong muốn được hiểu chính mình và những người xung quanh. Hãy bắt đầu hành trình chữa lành và học cách yêu thương đích thực.

Tác giả: Trần Ngân - Bookademy

 

______________

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy 

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv  

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,926 lượt xem