Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] “Tôi Đã Làm Giàu Như Thế Đấy”: Làm Giàu Theo Cách Của Tỷ Phú

Tiền là gì? Các bạn có thể hiểu đơn giản thế này, người ta đo trọng lượng bằng cân (Kg), đo chiều dài bằng mét (m),… Còn để đo giá trị của một vật thì chúng ta đo bằng tiền. Bởi vậy, bản chất của đồng tiền chính là một thước đo. Có một câu nói rằng: “Nếu có thể đếm được số tiền mình có, bạn vẫn chưa phải người giàu”. Vậy làm giàu bằng cách nào? Cuốn sách Tôi đã làm giàu như thế đấy! của tác giả J. Paul Getty (Cũng chính là tác giả của câu nói đã trích ở trên) sẽ đem tới cho bạn câu trả lời cũng như phân tích về nó. Có thể trên thị trường bây giờ sẽ có hàng tá cuốn sách nói về làm giàu, khởi nghiệp,… Và có thể bạn sẽ có chút lưỡng lự với quyển sách này, vậy nên mình bật mí một chút rằng tác giả của cuốn sách này là một tỷ phú đấy nhé!

 

Một vài điều đặc biệt từ tác giả: J. Paul Getty (1892-1976) là một nhà tư bản dầu mỏ người Mỹ gốc Anh. Năm 1957, tạp chí Fortune gọi ông là người giàu có nhất nước Mỹ. Năm 1966, sách Kỷ lục Guinness ghi danh ông là người giàu có nhất thế giới với khối tài sản ước tính tới 1,2 tỷ đô-la. Mặc dù sở hữu khối tài sản khổng lồ, Getty sống vô cùng đạm bạc, thậm chí là tằn tiện. Liệu có phải biệt danh “tỷ phú keo kiệt nhất thế giới” xuất phát từ điều này hay chăng?

Về cuốn sách: Xuyên suốt cuốn sách, tác giả sẽ cho chúng ta thấy những điều khác biệt trong cách tư duy, tinh thần, cách đầu tư, các giá trị và quan trọng hơn cả là cách để kinh doanh thành công của ông. Cuốn sách bao gồm 5 phần. Chúng ta hãy cùng đi khám phá kiến thức trong cuốn sách này nào!


Tinh thần của một triệu phú

          Để thành công thì sẽ luôn có bóng dáng của sự lao động, đó đã là một cặp phạm trù luôn gắn liền với nhau, tuy nhiên không phải cứ lao động là sẽ thành công. Nó cần nhiều hơn thế - cần kiến thức, cần sự may mắn. Ngoài ra thì tác giả còn đưa ra một khái niệm mới: “Tinh thần triệu phú” - thứ mà tác giả gọi là trạng thái xuất thần thúc đẩy mọi kỹ năng và trí thông minh của một cá nhân cho các nhiệm vụ cũng như mục tiêu kinh doanh của anh ta. Còn theo cách hiểu của mình thì thứ “Tinh thần triệu phú” đó chính là cách mà chúng ta tư duy để thành công.

          Nếu bạn là một người luôn muốn thành công nhưng lại không chịu hành động, hay đơn giản là luôn nghĩ tới sự thất bại ngay khi khởi đầu, vậy thì có khác nào như ngày xưa, lúc đội tuyển bóng đá của Việt Nam đấu với Thái Lan, chưa đá mà đã nghĩ đến thua không? Vậy thì bạn có thể hiểu đơn giản rằng “Tinh thần triệu phú” này như là huấn luyện viên Park Hang-Seo đã đưa đội tuyển bóng đá của Việt Nam vươn lên một tầm cao mới, đơn giản như vậy thôi!

          Qua ví dụ đơn giản mình đã nêu trên, bạn có thể dễ dàng nhận ra lý do của sự thất bại, thực ra nó đều nằm ở tư tưởng của mỗi người. Để cho khái niệm “Tinh thần triệu phú” thêm dễ hiểu, tác giả phân chia hầu hết mọi người ra thành 4 nhóm. Nhóm đầu tiên là những người làm việc tốt nhất khi họ làm việc cho chính mình - hay nói cách khác họ sở hữu và điều hành công việc kinh doanh riêng. Nhóm 2 là những người không muốn một mình dấn thân vào thương trường. Nhóm 3 là những người chỉ muốn nhận lương cuối tháng và không muốn phải mạo hiểm. Nhóm 4 là nhóm làm việc như người khác nhưng có thái độ với ông chủ như thái độ thích “trên cơ”.

          Theo tác giả thì “tinh thần triệu phú” thường dễ được tìm thấy ở 2 nhóm đầu và tinh thần ấy dường như không xuất hiện ở 2 nhóm cuối. Ngoài ra ông còn có một quan niệm khác với những tư duy của truyền thống:

Theo tôi, đối với một người có tinh thần triệu phú thì nghĩ nhỏ quan trọng hơn nghĩ lớn - tức là người đó để ý đến những chi tiết nhỏ nhất và không bỏ lơ một cơ hội cắt giảm chi phí nào đó trong doanh nghiệp của anh ta hoặc của ông chủ anh ta.

Làm sao để thành công bằng kinh doanh?

1.Thói quen tốt

          Theo tác giả, bất kỳ ai muốn đạt đến đỉnh cao kinh doanh đều nên trân trọng sức mạnh của thói quen và hiểu rằng các hành động sẽ tạo nên thói quen. Anh ta phải nhanh chóng phá bỏ những thói quen có thể hủy hoại bản thân và cân nhắc chọn những thói quen giúp mình thành đạt được thành công như mong đợi. Một doanh nhân sáng suốt sẽ cố gắng làm cho những thói quen tốt ngày càng trở nên hữu ích và hiệu quả hơn.

          Hành động sẽ trở thành thói quen (Theo thống kê thì trung bình là sau 66 ngày) và sức mạnh của thói quen này có thể trở nên vô cùng đáng sợ. Vậy nên chúng ta cần rèn luyện cho mình những thói quen tốt cũng như phá vỡ đi những thói quen không tốt cho bản thân, bởi không ở đâu như trong kinh doanh, các thói quen lại có nhiều giá trị và sức mạnh của thói quen lại bộc lộ rõ ràng thế. Các thói quen của một doanh nhân là yếu tố quan trọng quyết định người đó thành công hay thất bại.

2. Nguời lao động và quản lý nhân sự

          Hẳn là chẳng một doanh nhân nào có thể gây dựng được một khối gia tài mà không có sự trợ giúp từ các nhân viên của mình. Vậy có thể thấy những nhân viên của ta là những trợ thủ đắc lực trong quá trình gây dựng sự nghiệp, vậy nên những kỹ năng nói chuyện, kỹ năng nghe, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng lãnh đạo đội nhóm, kỹ năng khen, kỹ năng chê, kỹ năng khích lệ người khác,…. Dường như sẽ là những kỹ năng dường như bắt buộc với mỗi người lãnh đạo!

          Và cuối cùng, người lao động không phải là động vật hay rô-bốt chỉ biết vâng lời. Người lao động, dù là trình độ thấp hay trình độ cao thì họ đều là những con người có cảm xúc, có suy nghĩ. Họ sẽ chỉ hài lòng khi biết rằng người quản lý coi trọng, ý tưởng ngang với sức lao động, cũng như để ý và cân nhắc tới cảm xúc của họ. Nắm bắt tâm lý này, chúng ta nên thường xuyên quan tâm đến các vấn đề của nhân viên, thậm chí là cả những vấn đề cá nhân (không nên can thiệp sâu vào đời tư của họ). Vậy nên chúng ta cần lắng nghe nhân viên với một đôi tai thấu cảm và hỗ trợ kịp thời vào những thời điểm nhân viên cần được giúp đỡ.

3. Sai lầm trong kinh doanh

          Mọi người sẽ luôn có những sai lầm, những người kinh doanh hay những giám đốc điều hành sẽ khó tránh khỏi điều này. Tuy nhiên mắc phải sai lầm là điều khó tránh khỏi, mà quan trọng là chúng ta học hỏi được gì từ những sai lầm đó và tránh lặp lại những sai lầm đó, cũng như triết gia Heraclitus có câu: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” vậy. Điều quan trọng nhất của những sai lầm lầm là nó đem lại cho chúng ta những bài học để đời, vậy nên chúng ta nên biết nhận lỗi rồi rút ra bài học từ nó mà, tuy nhiên cũng không nên day dứt hay cảm thấy quá có lỗi với những gì mình đã gây ra (đương nhiên là với những sai lầm có thể chấp nhận được).

          Thường thì, một người doanh nhân trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm thì thường sẽ mắc sai lầm nhiều nhất. Có thể là do họ sơ suất, nếu những lỗi phạm phải không quá nghiêm trọng nên chúng ta có thể tìm cách để thấu hiểu họ và tha thứ cho họ. Nhiều lỗi sai là kết quả của việc đào tạo thiếu bài bản hoặc hiểu sai bản chất về kinh doanh. Tuy nhiên, những sai lầm bắt nguồn từ việc thiếu năng lực hoặc kỹ năng sẽ sớm gây ra những mối nguy hại chết người cho bất kỳ sự nghiệp kinh doanh nào!

4. Tầm nhìn

          Khả năng đánh giá hoàn cảnh và biết nhìn xa trông rộng là hai phẩm chất mà nếu song hành có thể biến điều “không thể” thành những điều có thể. Thói quen hoài nghi đúng mức và sự tự tin vào bản thân thường giúp một người quyết tâm gạt bỏ sự ngăn cản của đám đông. Người giám đốc điều hành phải hình thành năng lực đưa ra quyết định độc lập và lý trí, sau đó là quyết tâm tới cùng, bất chấp tính “bất khả thi” của mục tiêu mà anh ta đề ra.



Nghệ thuật đầu tư

          Nếu tính theo thu nhập thì chúng ta có thể chia ra 3 nhóm: Người nghèo, người trung lưu và cuối cùng là người giàu, vậy chúng ta hãy cùng xem cách quản lý tiền bạc của từng nhóm người nhé:

          1. Người nghèo: Họ thường là những người công nhân hay là những nhân viên mới đi làm. Họ có xu hướng tiêu tất cả số tiền kiếm được. Nhiều người phải tiếp tục những công việc mà họ chán ghét chỉ vì để trang trải tiền sinh hoạt hàng ngày.

          2. Người trung lưu: Họ thường là những chuyên gia, nhân viên lâu năm với mức lương khá cao. Sau khi thanh toán tất cả những khoản phí hao tổn, họ cũng để dành được đôi chút. Nhưng vấn đề ở chỗ họ thường dùng khoản tiền dư ra mua Tài sản hao mòn hơn là Tài sản gia tăng. Vậy nên, dù nhìn bề ngoài phần lớn các gia đình trung lưu có vẻ khá giả nhưng tổng giá trị tài sản của họ rất thấp, thậm chí có thể âm!

          3. Người giàu: Họ đề ra mục tiêu phải để dành được bao nhiêu một tháng, thường là 15-20% rồi họ trừ khoản này vào phần thu nhập và phần tiêu còn lại. Họ luôn muốn để dành nhiều hơn và dùng tiền đó đầu tư vào các tài sản sinh lợi và tăng giá trị. Và thành quả của những việc đó là họ dần có những khoản thu nhập thụ động và dần tiến tới thứ gọi là Tự do tài chính!

          Sau loạt so sánh như vậy, hẳn là các bạn cũng hiểu rằng những người giàu họ có tư duy tiêu tiền khác với những tầng lớp người nghèo và trung lưu thế nào rồi chứ? Quan trọng nhất là họ biết đầu tư vào những mục hợp lý! Chính tác giả của cuốn sách này là một tỷ phú nên cách tiêu tiền của ông giống hệt như vậy. Trong cuốn sách này tác giả có nêu ra 3 mục đầu tư là: Chứng khoán, Bất động sản, Nghệ thuật (Theo ông là khoản đầu tư có lời nhất) cùng với rất nhiều những kinh nghiệm xương máu của ông nhưng do tính chuyên môn khá cao nên mình sẽ không đề cập ở đây và mong các bạn tìm đọc!

Đạo đức của đồng tiền

          Nếu như bạn là một doanh nhân, điều quan trọng nhất là bạn làm gì với tiền của mình. Theo tác giả thì cách xài tiền tốt nhất là đầu tư vào các công ty để sản xuất nhiều sản phẩm, dịch vụ cho nhiều người hơn với mức giá thấp hơn. Bạn nên nhắm tới mục tiêu xây dựng và vận hành nhiều công ty, góp phần vào sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và từ đó giúp cuộc sống của mọi người trở nên tốt đẹp hơn. Chỉ có như vậy sự giàu có của anh ta mới trở nên chính đáng và đem lại cảm xúc thỏa mãn. Đó chính là – và nên là đạo đức của đồng tiền mà một doanh nhân thành công tạo ra.

 Kết:

          Qua bài viết trên trên, mình và các bạn đã tìm hiểu qua những vấn đề lớn và trọng tâm nhất của cuốn sách Tôi đã làm giàu như thế đấy! của tác giả J. Paul Getty. Theo cá nhân mình thấy thì cuốn sách này là một cuốn sách thú vị, nó mang lại những điều mới lạ trong tư duy, kèm theo đó là những kinh nghiệm xương máu của tác giả trong quá trình làm giàu. Qua cuốn sách trên mình mong các bạn có thể thấm nhuần những phương thức mà tác giả đã làm giàu, hiểu được những tư duy khác biệt của ông rồi áp dụng trong cuộc sống! Chúc các bạn sẽ thành công trong cuộc sống và cảm ơn đã theo dõi bài viết của mình!


Review chi tiết bởi Phạm Hồng Đức- Bookademy

Hình ảnh: Phạm Hồng Đức 

--------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy 
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

700 lượt xem