Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review sách] “Tư Duy Vượt Giới Hạn Thành Công Vượt Đám Đông”: Phá Bỏ Giới Hạn Để Đến Vùng Biển Tri Thức

Học, học nữa, học mãi - từ nhỏ chúng ta đã được dạy rằng phải luôn học thật tốt, phải làm bài tập đầy đủ và đạt điểm cao như một minh chứng cho thấy ta thực sự hiểu những gì được dạy. Sự học không chỉ diễn ra trên trường lớp với những kiến thức, bài kiểm tra đã được hệ thống và chắt lọc mà quá trình này diễn ra ở mọi khía cạnh của cuộc sống không. Con người dành phần lớn thời gian học tập và thực hành vì suy cho cùng đây cũng là một mục đích sống. Nhưng cách chúng ta khai thác kiến thức để thực sự thấu hiểu và áp dụng được mới quan trọng. Vậy học thế nào để có thể đào sâu thông tin, tư duy theo lối nào để những gì học được không tê liệt trong thực tế?

Tư duy vượt giới hạn, thành công vượt đám đông là kho tàng những kiến thức mới với nhiều phương pháp phát triển khả năng bản thân mà bạn có thể chưa từng nghĩ tới. Với mong muốn giới thiệu với bạn đọc cách vận dụng tư duy ở mức cao nhất, những cách học được giới thiệu trong tựa sách được phân tích kỹ càng. Tám chương là tám kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao: cách quan sát để có được góc nhìn toàn diện, làm thế nào để khơi dậy sự sáng tạo ngay cả khi bị hạn chế bởi những giới hạn, quá trình tìm hiểu tri thức diễn ra thế nào để hiệu quả nhất?.... Xen kẽ trong các chương sách còn bao gồm những bài tập tư duy để chúng ta có thể áp dụng ngay những gì học được. 

Chương 1 Góc nhìn - nắm vững hướng quan sát của đầu sách hướng dẫn chúng ta cách quan sát sự vật nhưng không theo cách đơn thuần và đơn giản mà kết hợp cả phân tích, tư duy dựa trên những đặc điểm quan sát được. Ngay cả khi đối tượng quan sát là những vật tầm thường, bốn phương pháp được giới thiệu là cách khơi gợi ý tưởng và sự sáng tạo tiềm ẩn ở mỗi người. 

Chương 2 Cấp độ - Đi sâu vào vùng biển tri thức bao gồm nhiều khái niệm mới như tư duy theo cấp độ, tri thức ẩn, kiến thức mô tả, kiến thức quy định, module,... Trong đó, tác giả giống như một người thầy, chỉ dẫn cách độc giả đào sâu tư duy qua việc khám phá sự phân loại các thông tin khác nhau từ các mức độ khác nhau, từ tầng thấp nhất đến tầng cao. Đặc biệt, những tri thức được áp dụng trong kinh doanh và xử lý hệ thống được phân tích kỹ càng giúp chúng ta nhận ra sự đa dạng của thông tin trong cuộc sống ngày nay.

Chương 3 Kết hợp - lý giải phương thức tạo nên mọi vật: Cuộc sống bao gồm các module như module cứng (kỹ năng cứng), module mềm kỹ năng mềm)-  những đơn vị nhỏ này cấu tạo nên tổng thể nhưng làm thế nào để tối ưu hoá chúng? Các vấn đề có thể được giải quyết theo hướng module hóa không?  Các module trong cuộc sống vô cùng đa dạng và linh hoạt bởi vậy học được cách tận dụng chúng sẽ là một kỹ năng hữu ích.

Chương 4 Giới hạn - Đánh hạn sự sáng tạo tiềm ẩn: Chương sách giúp chúng ta nhận ra khả năng kỳ diệu của những giới hạn và cách vượt qua chúng. Giới hạn là động lực khơi dậy sự sáng tạo tiềm ẩn của mỗi người, đứng trước những hạn chế trong cuộc sống, chúng ta nên đón nhận chúng như những động lực thúc đẩy khả năng của mình.

Chương 5 Tiến hoá - Hiểu quy luật thay đổi và tính bất biến: Khả năng thích ứng với thay đổi, với sự tiến hoá của cuộc sống là kỹ năng sống còn, không thể thiếu. Để thích ứng được, chúng ta phải hiểu bản chất của sự bất biến trong cuộc sống rồi mới đến cách đáp ứng những đổi thay đó. Chương 5 đưa độc giả qua quá trình tiến hoá của ý tưởng, của cuộc sống và đưa ra những lưu ý khi thích ứng với những cái mới.

Chương 6 Di chuyển - Quá trình tìm hiểu tri thức: Cùng với quy luật thay đổi, chúng ta cũng phải luôn di chuyển, tiếp cận với những điều mới bởi đó là cốt lõi của sự sáng tạo. Di chuyển tức tách khỏi nền tảng cơ bản, biến kiến thức thành hành động, chuyển dịch kiến thức giữa các ngành nghề khác nhau và tìm được các nguồn cảm hứng.

Chương 7 Tuần hoàn - Để nâng tầm năng lực: Điều quan trọng nhất của học tập đó là thực hành, rèn luyện và vòng tuần hoàn lặp lại những hành động đó. Ý nghĩa của sự tuần hoàn trong cuộc sống, trong học tập là gì? Tuần hoàn không đơn giản là sự lặp lại mà đó là sự cô đọng, đúc kết qua nhiều lần thử nghiệm để tạo thành một quy trình.

Chương 8 Hoàn hảo - Người cầu toàn là người hoàn hảo: Tính ổn định là nền tảng của sự hoàn hảo và cầu toàn còn là sự cẩn thận, nghiêm khắc với chính bản thân mình. Chương cuối cùng của đầu sách muốn nhắc nhở chúng ta rằng hãy bắt đầu từ những điều nhỏ bé với sự cầu toàn bởi đó là nền tảng cho việc tiến xa hơn trong các lĩnh vực

Trong tám chương sách, kỹ năng quan sát và cách phá vỡ giới hạn bản thân là hai kỹ năng mình thấy ấn tượng nhất. Trong khi quan sát là kỹ năng mang tính ứng dụng cao và độc đáo, cách tận dụng các tiềm năng của giới hạn có thể trở thành sức mạnh to lớn trong cuộc sống và là nguồn cảm hứng sáng tạo vô cùng mạnh mẽ trong công việc. 

1.  Góc nhìn - nắm vững hướng quan sát:

Quan sát là kỹ năng cần thiết trong cuộc sống bởi nó có mối liên kết lớn đến suy nghĩ của chúng ta. Quan sát khác nhìn ở điểm ngoài việc chỉ nhìn chúng ta còn phải tiến hành phân tích suy nghĩ, đó là kỹ năng kết hợp cả thị giác và trí óc. Bởi vậy quan sát càng nhiều khả năng tư duy, đưa ra phán đoán của bạn càng được mài giũa. 

Bốn phương pháp được đưa ra cũng như bốn góc độ đa dạng giúp bạn lạ hoá sự vật khi quan sát:

 Góc độ đầu tiên - Quan sát chất liệu: 

Khi tiến hành phân tích những thứ cấu thành nên vật, bạn có thể hiểu được tác dụng và ý nghĩa của chúng khi kết hợp với nhau. Ý nghĩa ẩn sau cần chú ý của những chất liệu đó là sự cân bằng, bổ trợ cho nhau của các thành phần. Khi bắt đầu suy nghĩ về chất liệu của vật, bạn đã dần đào sâu khả năng quan sát của mình bởi đó là điểm khởi đầu để hiểu sự vật đó. Ví dụ, khi nhìn một chiếc cốc gốm có lớp bện tre bọc bên ngoài, ta nhận ra rằng: chất liệu gốm giữ nhiệt còn tre vì dẫn nhiệt kém nên giúp việc cầm dễ dàng hơn. 

Thế nên, bạn thấy đấy, “chất liệu” là góc nhìn để ta quan sát, không có giới hạn nào về cách sử dụng và ý nghĩa của chất liệu. Chất liệu không nhất thiết phải hữu hình, mà những thứ vô hình cũng có thể trở thành chất liệu.

Góc độ thứ hai- Vận dụng hình học để khơi nguồn cảm hứng: 

Mọi vật bạn nhìn thấy đều có thể được trừu tượng hoá bởi các khối hình học ngay cả một tạo hình bất quy tắc cũng vẫn phải dựa trên sự kết hợp của những hình học thông thường. Bắt đầu từ những khối hình cơ bản tạo nên vật, bạn có thể suy nghĩ sâu sắc hơn về ý nghĩa của khối hình đó, từ đó có thể liên kết khối hình với vật để hiểu tại sao nó được xây dựng với hình dạng đó. Tại sao mặt cắt của bút chì lại có hình lục giác? Liên tưởng đến tổ ong hoặc các vật khác cũng có hình lục giác, dạng hình này đem lại cảm giác gì cho bạn? Hình học là một sự liên kết đặc biệt, là nguồn cảm hứng cho nghệ thuật và vô vàn ứng dụng đa dạng khác.

 Góc độ 3- Học hỏi từ chính thiết kế của vật: 

Cầm một đồ vật trên tay, bạn có bao giờ chú ý đến thiết kế của vật không? Không chỉ là những hình trang trí thu hút con người mà đó còn là nguồn kiến thức dồi dào mà ai cũng có thể khai thác. Mọi chi tiết đều có ý nghĩa riêng của nó. Dựa vào bề ngoài của vật kết hợp với tư duy suy nghĩ của mình, bạn hoàn toàn có thể phát hiện dụng ý của của nhà thiết kế rồi học hỏi từ chính cách họ sáng tạo nên sản phẩm. Đây là một cách học thú vị và bạn có thể học ở bất kì đâu.

Thiết kế của một sản phẩm sẽ thể hiện phong cách hoặc khí chất của sản phẩm đó. Nó trầm tĩnh hay ồn ào, tiên phong hay bảo thủ, nghiêm túc hay hài hước- bạn có thể nhìn ra tất cả những điều này qua sự trang trí bên ngoài của một vật.

Góc độ 4- Công nghệ và những mắt xích:

Sau khi phân tích hình dạng của vật, chúng ta sẽ nâng cao khả năng quan sát và tư duy của mình bằng cách xác định cách sản xuất của vật. Cách tạo ra một cây bút chì, dựa trên đặc điểm hình dáng của nó, có phải là kết quả của việc ghép hai nửa với nhau không? Hay cần có một công nghệ nào đó có thể đáp ứng được tiêu chí sản xuất hàng loạt? Suy nghĩ về quy trình tạo nên đồ vật là cách đào sâu tư duy rất tốt nhưng cũng có thể dẫn đến những cách hiểu sai nếu chúng ta coi những điều quá rõ ràng và dễ dàng là đáp án chính xác. Bởi vậy, khi tìm hiểu hãy tìm hiểu thật kỹ và có sự phán đoán chính xác.

Từ góc độ quan sát mà nói, mọi thứ chúng ta thấy đều là một “ kết quả". Nhưng chúng ta không nên chỉ hài lòng với nó, chúng ta cũng nên quan tâm đến “quy trình". Điều đó cũng có nghĩa là đề cao việc suy đoán, xem xét, quá trình hiểu thế nào sẽ hình thành kết quả tương ứng như thế.


2, Thế giới rộng lớn cần một cái nhìn toàn diện:

Nếu một lối tư duy bị cố định, nó rất dễ đi vào lối mòn và theo thời gian không còn giá trị bởi vậy chúng ta luôn luôn phải đổi mới cách nhìn nhận sự việc, sự vật. Kỹ năng quan sát vì thế luôn cần sự linh hoạt và đa dạng để trở nên toàn diện và bao quát hơn.

Đừng dừng lại ở các khái niệm: 

Khi tri thức con người đang được mở rộng, các khái niệm được tạo ra để khái quát, thu gọn các quá trình thành câu chữ đơn giản hơn. Đằng sau các khái niệm ấy là vô vàn các kiến thức khác, rất đáng để chúng ta tìm hiểu và nghiên cứu. Nếu chỉ dừng lại ở sự đơn giản hoá này, không đánh giá từ nhiều góc độ khác nhau, chúng ta rất dễ có cảm nhận phiến diện. Cách tối ưu hoá các khái niệm đó là áp dụng sự quan sát nhiều lần từ nhiều góc độ khác nhau của chính bản thân mình. Trước khi đi đến khái niệm, hãy chắc chắn bạn hiểu cả những quá trình dẫn đến nó.

Mọi vật đều phức tạp hơn so với những gì chúng ta tưởng tượng, Nhưng những sự phức tạp này đã bị chúng ta bỏ qua, dù là vô tình hay cố ý. Vì vậy, chúng ta đã quen dùng “khái niệm" để lý giải thay vì dùng đôi mắt của chính mình để đánh giá thế giới.

Tập trung vào một khía cạnh:

Để có sự chuyên sâu, chúng ta phải học cách tập trung vào một góc nhìn, vào một số thông tin đã được lựa chọn. Chọn góc nhìn để quan sát là chọn một phương pháp lọc thông tin hữu dụng. Chỉ khi tập trung quan sát một lượng thông tin nhất định trong khả năng phân tích của con người, hiệu quả khi tư duy mới được phát huy. Khi gặp phải một vấn đề lớn, cách giải quyết tốt nhất sẽ là chia nhỏ thành các phần và tập trung. 

Tuy vậy để có được cái nhìn toàn diện, nguồn thông tin của bạn cũng phải đa dạng, đến từ nhiều góc độ khác nhau. Thông tin được thu thập một cách đa dạng không chỉ làm giảm định kiến vốn có mà còn mở rộng hiểu biết, giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều hơn. Những định kiến là những ý kiến chủ quan được đánh giá từ một góc nhìn bởi vậy khi đọc con người, chúng ta phải thoát khỏi lối tư duy thông thường và đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của người khác. Đối với các sự vật, quan sát chúng từ mọi góc độ được xem là điểm giao thoa giữa tư duy và hành động. Đó là bởi sau khi đã thấu hiểu mọi đặc tính của sự vật, chúng ta có thể liên kết với một chức năng nhất định nào đó.


3, Giới hạn- Đánh thức sự sáng tạo tiềm ẩn:

Sự vật càng bị hạn chế, chúng ta càng biết nên dùng nó thế nào

Giới hạn được đặt ra không phải để làm khó con người mà đó là một thử thách khả năng sáng tạo và đổi mới của mỗi người. Giới hạn thực chất là một cơ hội thúc đẩy tư duy mà ở đó chúng ta phải động não, suy nghĩ để có thể ứng biến, kết hợp những gì đang có để tạo nên sản phẩm. Trong sự hạn chế ấy là vô vàn khả năng khác nhau, một khi khai phá được giá trị của chúng, khả năng của chúng ta mới được kích hoạt.

Khi những vật liệu chúng ta có trong tay bị giới hạn, ta bắt buộc phải tìm hiểu về những vật ấy để tìm được tiềm năng của mỗi vật. Rồi khi có kiến thức, ta buộc phải thử nghiệm các cách khác nhau để tận dụng những gì đang có. Sau mỗi lần đào sâu nghiên cứu, tìm hiểu đến tận cùng, thu được vô vàn tri thức mới, khả năng ứng biến của con người càng được nâng cao. Giới hạn thúc đẩy tiềm năng ẩn giấu của mỗi người, là chìa khóa của sự sáng tạo.

Nếu như cuộc sống chỉ cần ứng phó với những việc bình thường và dễ dàng thì chúng ta chẳng cần nỗ lực làm gì. Chỉ khi xuất hiện vật cản, chúng ta mới biết đau, mới biết vươn lên, mới nghĩ đến những khả năng trước đó chưa nhận ra và đi chệch ra khỏi quỹ đạo thông thường. 

Giới hạn có hai mặt nhưng bạn có nhận ra rằng số lượng hạn chế giúp chúng ta đánh giá chính xác hơn các lựa chọn đang có? Nếu như số lượng quá lớn, điều đó sẽ rất khó để phân tích và phán đoán. Vai trò của sự hạn chế là thiết lập các quy tắc đảm bảo tính nội tại, tức sự liên kết và cân bằng của các sự vật. Đồng thời, nó giúp ta nhận ra rằng suy nghĩ thông thường về giới hạn trong cuộc sống đã bị phá vỡ và thúc đẩy chúng ta thoát khỏi lối tư duy cố định. Ý nghĩa của giới hạn còn được mở rộng như một cách thu hẹp phạm vi lựa chọn.

Bởi vậy, nhược điểm là những hạn chế hoàn toàn có thể được biến thành ưu điểm. Hãy sử dụng các câu hỏi để khai phá tiềm năng của chúng chẳng hạn như: Hạn chế của việc này là gì? Giới hạn phản ánh thông tin nào? Những thông tin ấy có thể được sử dụng thế nào, có thể kết hợp lại không?... Từ các góc độ khác nhau mà có những câu hỏi khác nhau nhưng một điều chắc chắn là chúng ta sẽ phải suy nghĩ sâu sắc về các hạn chế để hiểu được ý nghĩa của chúng. 

Hạn chế chính là thông tin và manh mối. Coi những hạn chế như manh mối không chỉ giúp chúng ta có thể giải quyết các vấn đề học thuật mà còn cả các vấn đề trong cuộc sống.


Chúng ta luôn phải điều chỉnh liên tục mới trở nên vừa vặn trong không gian chật hẹp mà giới hạn đem lại. Tuy vậy, khi rơi vào trạng thái bị ràng buộc thực tế và khách quan không thể bị phá vỡ, đó là khi ta bắt buộc phải phá vỡ sự hạn chế trong lối tư duy của mình. Ngoại cảnh tuy có tác động rất lớn đến nhận thức của con người nhưng giá trị cốt lõi vẫn nằm ở chính bản thân họ. Trong tình huống ấy, bạn có thể sử dụng tính ngẫu nhiên, chọn bất kì một từ trong từ điển rồi, kết hợp với chủ đề của mình để tạo ra sản phẩm, hay áp dụng phương pháp gợi mở, tự đặt những câu hỏi để khơi gợi ý tưởng…. Nếu hai phương pháp trên chưa đủ, bạn có thể thử cách sáng tạo có hệ thống TRIZ do nhà phát minh Altshuller tạo ra- một phương pháp yêu cầu chúng ta phải xác định chính xác mâu thuẫn cốt lõi của vấn đề rồi loại bỏ các mâu thuẫn đó trước. 

Truyền cảm hứng sáng tạo, thu hẹp phạm vi lựa chọn và cung cấp manh mối là ba chức năng của giới hạn. Điều này cho thấy học được cách sống hòa hợp với các hạn chế và tìm cách sử dụng chúng là một điều khôn ngoan và giá trị. Hiểu được vai trò và ý nghĩa của các hạn chế có thể giúp quan điểm của chúng ta về thế giới trở nên thông minh và đầy đủ hơn, đồng thời khiến chúng ta hành động thoải mái hơn trong cuộc sống.


Kết:

Chúng ta luôn phải nhìn lại quá trình cũng như cách học của mình để có thể đổi mới và thử nghiệm những cách khác nhau. Tư duy vượt giới hạn, thành công vượt đám đông của tác giả Thái Đồng chính là đầu sách giúp đánh giá, cung cấp những cách tư duy mới để những gì bạn học có thể được khắc sâu và mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Tựa sách giúp chúng ta nhận ra rằng biết cách học quan trọng hơn việc học nhiều nhưng hời hợt, không có sự đầu tư suy nghĩ. Cho dù đó là điều bạn đã biết từ trước, vẫn có rất nhiều khía cạnh vẫn còn ẩn giấu, yêu cầu công cuộc đào sâu tư duy của chính bạn.  

Thái Đồng đã viết rằng một cuốn sách hay chắc chắn phải được đọc một vài lần, mỗi lần đọc hãy chỉ tập trung vào một khía cạnh của chủ đề, Tư duy vượt giới hạn thành công vượt đám đông là đầu sách rất đáng để bạn nghiền ngẫm, đọc lại nhiều lần để hiểu thật kỹ các kỹ năng tư duy được giới thiệu. Khi bạn hiểu rõ không chỉ các phương pháp học mà kết hợp cả sự phản chiếu cách học của chính bản thân mình, việc áp dụng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Thay đổi cách tư duy là bước chuyển lớn trong quá trình học của mỗi người, quá trình ấy không dễ dàng, tốn nhiều sức lực hơn cả nhưng các giới hạn luôn được phá bỏ cũng như bạn luôn có thể thay đổi được lối tư duy của bản thân vậy. 

Review chi tiết bởi: Diệp Anh

Hình ảnh: Diệp Anh

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

 Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “Tên tác giả – Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

573 lượt xem