Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] "Tự Lực Chưa Đủ, Còn Phải Tự Chủ" - Một Liều Thuốc Cho Căn Bệnh Trì Hoãn


“Ngày mai mình sẽ hoàn thành tất cả những việc này, bây giờ nghỉ một tý đã.”
“Mấy bài này đọc qua một chút là thuộc, sau khi đi chơi về mình sẽ học.”
“Thôi ăn nốt một bữa chắc cũng không béo lên đâu, mai mình lại quay lại chế độ tập luyện.”

Bạn có nhớ mình đã bao lần tự xoa dịu bản thân bằng những câu nói êm tai như thế?
Và bao nhiêu lần bạn thực sự hoàn thành đúng kế hoạch bạn đã đề ra như bạn “tưởng”?

Là con người, chúng ta có xu hướng tự nhiên là trì hoãn trước những công việc căng thẳng. Đặc biệt đứng trước những kế hoạch đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, ta càng dễ yếu lòng mà tìm đến những thứ đem đến cảm giác vui thú tức thì.

Nếu ví thành quả của những cố gắng dài hạn như món ăn thượng hạng đến từ nhà hàng cao cấp, thì những vui thú tức thì giống như món bánh kẹp McDonald vậy. Những món ăn thượng hạng chắc chắn sẽ đắt đỏ và rất tốn công để nấu nướng, nhưng hương vị đổi lại thì vô cùng xứng đáng. Ngược lại, những món ăn nhanh rất dễ làm và đem lại cảm giác thỏa mãn ngay lập tức, nhưng sẽ ngấm ngầm tổn hại đến bạn về sau. Cũng như việc chúng ta luôn thèm muốn những món ăn thượng hạng nhưng lại nhồi nhét đầy bụng mình bằng thức ăn nhanh, chúng ta luôn mơ tưởng về những thành quả ngọt lành nhưng lại để bản thân thỏa mãn với những thú vui tức thời.

Hiểu rõ điểm yếu chí mạng này, tác giả Hàn Xuân Trạch gửi đến các bạn cuốn sách TỰ LỰC CHƯA ĐỦ, MÀ PHẢI TỰ CHỦ. Là tập hai của cuốn KHÔNG PHẢI CHƯA ĐỦ NĂNG LỰC, MÀ LÀ CHƯA ĐỦ KIÊN ĐỊNH, cuốn sách này hứa hẹn giúp các bạn hiểu rõ hơn về “căn bệnh trì hoãn” và “phương thuốc tự chủ”.  

Dưới góc nhìn của một sinh viên trên giảng đường đại học, quyển sách này khá phù hợp khi diễn giải một số tình trạng mà mình đang gặp phải. Trước hết, phải nói về “tự lực” và “tự chủ”. Ban đầu khi cầm quyển sách này lên thì mình đã tự hỏi bản thân hai khái niệm này khác nhau ở điểm nào, và nay khi đã đặt cuốn sách xuống, mình có thể rút được vài kết luận như sau: con người sống, kiếm tiền, học tập dựa vào chính bản thân, tiềm lực của họ, thì đó gọi là “Tự lực”. Còn với “Tự chủ”, nghĩa là khả năng kiểm soát cảm xúc cũng như những tác nhân bên ngoài để bản thân đạt được những mục tiêu mà mình đã đề ra. Chính vì thế, mục đích mà tác giả viết ra cuốn sách này ở đây chính là làm sao để độc giả hiểu được cách phát triển khả năng tự chủ của bản thân, thông qua những câu chuyện cũng như những cuộc thí nghiệm tâm lý học ứng dụng được nêu ra trong từng chương của quyển sách.

Quyển sách được viết thành năm chương, và mỗi chương chứa một luận điểm của tác giả về những yếu tố sẽ tác động đến khả năng tự chủ của con người. Đối với mình, đây là một quyển sách dễ đọc, dễ cảm nhận bởi lẽ tác giả gửi gắm những bài học khá bình dị và thực tế bằng một giọng văn nhẹ nhàng và bên cạnh đó là một bố cục khá sáng tạo khi lồng ghép vào những bài học là những thí nghiệm để chính người đọc thấy được cái hay của bộ môn Tâm lý học ứng dụng, thứ vốn vẫn chưa thực sự phổ biến ngày nay.

Chương 1: Ý chí – “Khả năng tự kiểm soát mạnh mẽ bắt nguồn từ một cái tôi mạnh mẽ”

Nói về chương đầu tiên: “Khả năng tự kiểm soát mạnh mẽ bắt nguồn từ một cái tôi mạnh mẽ”, theo mình đây là chương mang đậm và xoáy sâu nhất về định nghĩa của “tự chủ”, bởi lẽ trong những câu chuyện mà tác giả đưa ra, sự tự chủ đóng vai trò chủ yếu để cấu thành nên khả năng đương đầu với những khó khăn trong thực tại của các nhân vật, hay thậm chí, sự tự chủ trong việc kiểm soát những vui thích nhất thời của bản thân để vươn tới những thành tựu cao đẹp.

“Sự lột xác của loài bướm là một quá trình dài đằng đẵng. Từ trứng côn trùng biến thành sâu bướm, qua một thời gian chúng nhả tơ kết kén. Thời gian qua đi, chúng cọ rách một lỗ trên chiếc kén, vươn mình chui ra từ cái lỗ nhỏ đó một cách khó khăn. Lúc này, chúng mới có thể vỗ đôi cánh nhẹ nhàng bay lượn như khiêu vũ giữa những khóm hoa.”

Từng bước lột xác của loài bướm, từ một con sâu với “vẻ ngoài xấu xí” biến thành một con bướm lộng lẫy sặc sỡ, đều phải trải qua sự tra tấn giày vò vô cùng đau đớn. Tục ngữ có câu: “Không trải qua mưa gió, sao nhìn thấy được cầu vồng.” Nếu muốn đạt được thành công chắc chắn phải giống như loài bướm kia, nếm trải sự đau đớn và giày vò trong quá trình phá kén thành bướm mới có thể tạo ra hào quang cho chính mình.

Thành công đòi hỏi phải trả giá rất nhiều. Nó không cho phép ta chứa chấp chủ nghĩa hưởng lạc. Bất kỳ người nào muốn thành công cũng đều phải dùng ý chí ngoan cường để ràng buộc bản thân, không sợ gian khổ, kiên cường vững chí, dũng cảm tiến tới, như vậy mới có thể thực hiện quá trình lột xác của đời người.


Có lẽ có người sẽ hỏi rằng một người vừa bước vào xã hội, không có kinh nghiệm gì sao có thể lột xác hoàn hảo như loài bướm kia? Thật ra sự lột xác của người nào cũng phải trải qua trong lo lắng và bất an. Mặc dù bạn chỉ là tính lính mới tò te không nắm bắt được cơ hội nào, nhưng chỉ cần biết tìm cách và dũng cảm thử sức là rất giỏi rồi. Thử sức có thể sẽ đem đến thành công, cũng có thể mang đến thất bại. Nhưng người ta thường nói thất bại là mẹ thành công. Phải từng thất bại một lần thì con người mới rút ra được bài học kinh nghiệm và chuẩn bị thật tốt để thử sức lại lần nữa. Thất bại không hề đáng sợ, thứ đáng sợ là khi ta bị quật ngã bởi gian nan hiểm trở. Nếu như lúc đó lựa chọn từ bỏ, bạn không thể nào nhin thấy con đường thành công trải đầy hoa.

Chỉ khi không ngừng thử sức sau khi nếm trải vô số lần thất bại mới có thể đổi lấy thành công. Quá trình theo đuổi thành công này chẳng hề dễ dàng,cho nên người ta cần phải có ý chí ngoan cường để kiểm soát nội tâm của mình, tuyệt đối đừng để cám dỗ mê hoặc tâm trí, cũng đừng để bị quật ngã bởi muôn vàn gian nan cực khổ.

Paul là sinh viên của khoa âm nhạc thuộc một trường đại học. Từ khi cậu nhập học cho đến nay đã được bốn tháng. Hằng ngày việc đầu tiên cậu làm khi đi vào phòng luyện đàn chính là giở xem các bản nhạc phổ mới đặt trên giá dương cầm. Sau khi lướt xem, cảm giác thất bại ùa đến cậu. Những bản nhạc này thật sự quá khó, không phải thứ mà cậu nắm vững.

Paul luôn cảm thấy giáo sư cố ý làm khó mình, thế là cậu bắt đầu tập luyện. Do các bản nhạc đều có độ khó cao nên Paul đàn sai rất nhiều. Lúc tan học, giáo sư cố ý dặn dò Paul về nhà phải luyện tập nhiều hơn. Cậu luyện tập bản nhạc ngày hôm đó rất chăm chỉ, thế nhưng hôm sau khi Paul đang muốn trả bài, giáo sư lại đưa cho cậu một bản nhạc khó hơn và bảo cậu thử đàn. Paul dũng cảm lấy hết dũng khí để khiêu chiến với bản nhạc cực khó này. Đến lần thứ ba lên lớp, giáo sư không những không kiểm tra bài cũ, mà còn đưa cho cậu một bản nhạc khó hơn hai bản trước. Paul hoàn toàn không theo kịp được tiến độ, vậy nên cậu bắt đầu xuất hiện tâm lý muốn bỏ cuộc.

Cuối cùng, Paul không thể chịu đựng thêm được sự giày vò mệt mỏi này nữa, bèn lấy hết can đảm hỏi giáo sư tại sao ông lại làm như vậy. Giáo sư Im lặng không giải thích chỉ bảo cậu ta đàn lại bản nhạc đầu tiên. Khi khúc nhạc kết thúc, ngay cả Paul cũng rất kinh ngạc khi thấy một bản nhạc khó đến như vậy mà cậu lại có thể đàn dễ  dàng như trở bàn tay, hơn nữa giai điệu không những êm ái dễ nghe mà còn tự nhiên lưu loát. Giáo sư mừng rỡ nói với Paul rằng nếu không bắt cậu liên tục thử thách chính mình và rèn luyện ý chí, thì dù cậu có làm thế nào cũng không đạt được trình độ như bây giờ chỉ trong một thời gian ngắn như vậy.

Chúng ta thường ngưỡng mộ những người thông minh tài giỏi bởi vì họ có thể trở thành nhân vật dẫn đầu trong một lĩnh vực nào đó, còn bản thân mình thì không. Thật ra đó là ta chưa nhìn thấy những cay đắng và gian khổ mà người khác đã trải qua. Edison từng nói:” Thiên tài là một phần trăm cảm hứng cộng thêm chín mươi chín phần trăm mồ hôi”. Nếu không có ý chí ngoan cường, không có khả năng tự kiểm soát bản thân , ta không thể vượt qua mọi gian nan trên con đường nỗ lực, bởi lẽ chỉ dựa vào chút cảm hứng nho nhỏ kia thì khó có thể trở thành thiên tài.”

Chương 2: Hỉ nộ ái ố - “Điều khiển cảm xúc chính là điều khiển cuộc đời mình”

Trong mắt mọi người, mình là một hình ảnh khá muôn màu về những hỉ nộ ái ố. Chính vì thế mà đôi lúc mình không thể điều khiển được chính những xúc cảm bản thân và dẫn đến những hậu quả khó lường. Qua chương này, mình học được rằng không chỉ sự tức giận mới có khả năng điều khiển những hành động nông nổi của con người, mà thậm chí, tính bất ngờ quá đỗi cũng có khả năng tương tự. Đây là một điểm bất ngờ và khá thú vị được tác giả khai thác một cách hợp lý và đầy thuyết phục:

“Thế giới ngày nay muôn màu muôn vẻ và luôn biến hóa, khiến cho con người thường xuyên rơi vào trạng thái đấu tranh giữa chú ý có chủ định và chú ý không có chủ định. Chú ý có chủ định là việc người ta phải dùng ý thức để khống chế sự chú ý, vi dụ viết văn, học thuộc từ mới đều thuộc chú ý có chủ định. Còn chú ý không chủ định là sự chú ý không có mục đích trước đó. Nó không do ý thức kiểm soát mà được khơi gợi bởi kích thích từ các sự vật thú vị, mới mẻ, kỳ lạ của thế giới bên ngoài. Ví dụ, khi các học sinh đang lên lớp, đột nhiên có một người bước vào. Lúc này, sự chú ý của các em sẽ bị gián đoạn mà vô thức chuyển sang người vừa bước vào. Đó chính là chú ý không có chủ định.

Bất ngờ là cảm xúc ngắn ngủi mà con người trải nghiệm khi phát sinh sự việc ngoài ý muốn và được sinh cùng chú ý không có chủ định. Bất ngờ có rất nhiều kiểu. Tai vạ sắp ập đến khiến cho người ta bất ngờ, tiếng vang cực lớn hay ánh sáng chói lòa cũng khiến người ta bất ngờ. Tóm lại, cho dù cảm giác bất ngờ đến từ đâu thì bạn cũng phải thừa nhận ảnh hưởng của nó đem lại cho bạn.


Có những người ao ước cuộc sống của mình luôn tràn ngập bất ngờ, nhưng họ không biết bất ngờ cũng đem lại kết quả không tốt. Bởi vì cảm xúc bất ngờ làm cho đầu óc choáng váng, khiến người ta rất dễ đưa ra quyết định trong lúc không tỉnh táo.

Một lần nọ, Phương Minh mua xổ số dạng cào và trúng được 100 tệ. Anh ta nhất thời mừng rơn, bèn bỏ tiền để mua đồ ăn, thuốc lá và rượu bia, số tiền lẻ còn lại trong tay đổ vào hết xổ số. Phương Minh còn tự đùa rằng: “Hôm nay may mắn thế này biết đâu lại trúng lớn thật cũng nên.” Đến ngày mở thưởng, anh ta ngồi cạnh bên tivi và đối chiếu với tấm vé số trong tay, không ngờ trong đó có ba dãy số thật sự giống hết với dãy số mở thưởng. Phương Minh có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ rằng mình lại có thể trúng giải lớn như thế nên anh vui mừng quá đỗi, không biết phải làm thế nào. Lúc đến trung tâm xổ số phúc lợi để đổi thưởng, anh ta hưng phấn nói với mọi người xung quanh:” Tôi trúng giải lớn cơ đấy.” Người khác còn tốt bụng khuyên anh ta đừng rêu rao, nhưng Phương Minh quả thực không kìm chế được bản thân. Anh ta đến ngân hàng gửi tiền, thấy vừa ý một dịch vụ ở đó, chưa đợi giám đốc bên đó giới thiệu kĩ càng đã mua luôn mà không cần nghĩ ngợi. Phương Minh còn mua quần áo mới cho bản thân, đổi sang điện thoại đời mới nhất, sau đó chợt nhớ đến nguyện vọng lớn nhất đời mình là mua một chiếc xe BMW để thể hiện mình là người có tiền, thế là anh quyết định đến cửa hàng bán xe ô tô. Nhân viên bán ô tô thấy dáng vẻ của Phương Minh không giống như người có thể mua được xe xịn, cho nên không nhiệt tình giới thiệu tỉ mỉ cho anh ta. Phương Minh rất bất mãn, trong cơn tức giận đã quyết định mua xe. Đến khi giao xe, anh mới nhớ ra mình chưa có bằng lái.

Phương Minh chinh là kiểu người bị niềm vui bất ngờ từ trên trời rơi xuống làm choáng váng đầu óc nên bị mất khống chế, từ đó dẫn đến một loạt các hành vi thiếu tỉnh táo. Thật ra não bộ của con người không hề thích quá nhiều bất ngờ, bởi khi bất ngờ vượt quá giới hạn sẽ làm cho khả năng tự kiểm soát giảm xuống.””

Chương 3: Trì hoãn – “Lập ra kế hoạch và từng bước tiếp mục tiêu”

Không ít bạn trẻ hiện nay đã dần quen với hai từ “trì hoãn”, có thể là trì hoãn trong học tập hay công việc, mà từ đó đã khiến ta xa dần đi những hoài bão mà chúng ta đã đề ra từ trước. Và mình cũng không phải là một trường hợp ngoại hợp lệ. Bởi lẽ đó trong chương này, tác giả đã mở ra một con đường để vực dậy sự trì trệ đang phổ biến trong giới trẻ hiện nay, chính là cách lập ra kế hoạch để từ đó để cho chúng ta, từng bước một tiến đến những thành tựu mà mình hằng ao ước:

“Trước khi làm bất cứ việc gì, ta đều phải lập kế hoạch. Kế hoạch là phương thức và sách lược được đặt ra để biến mục tiêu thành hiện thực. Ta cần phải thực hiện tốt kế hoạch, nghĩa là phải suy xét cẩn thận để từng bước hiện thực hóa mục tiêu. Để làm được như vậy, ta phải thiết lập kế hoạch một cách chu đáo, đầy đủ. Nếu kế hoạch lập ra không chu đáo thì có khả năng sẽ xảy ra sai lầm trong quá trình thực hiện, từ đó làm trì hoãn việc thực hiện mục tiêu.

Kingsley chuẩn bị cùng các bạn tham gia hoạt động cắm trại dã ngoại trong hai ngày. Trường học giới thiệu tình hình nơi cắm trại cho họ và yêu cầu họ về nhà chuẩn bị. Kingsley sau khi về nhà bất đầu sắp xếp hành lý của mình, bận bịu một hồi cũng đóng gói xong những thứ mình cần phải mang theo. Khi mẹ cậu đến kiểm tra thì phát hiện Kingsley chỉ mang theo mấy bộ quần áo hằng ngày vẫn mặc. Ngủ qua đêm ở trên nói sẽ lạnh hơn ở nhà rất nhiều, nhưng rõ ràng Kingsley không hề nghĩ tới điều đó. Bà còn phát hiện cậu quên mang theo đèn pin cầm tay, trong khi nó lại là công cụ không thể thiếu được khi đi cắm trại. Tuy nhiên để cậu nhớ kỹ bài học này, bà không hề lên tiếng nhắc nhở.

Hai ngày sau, Kingsley trờ về nhà từ nơi cắm trại. Khi mẹ hỏi cậu chơi thế nào, Kingsley nói cậu không biết trong núi lại lạnh như vậy. Cậu không không mang đủ quần áo, hơn nữa cũng quên mang đèn pin, vì thế lần nào cũng phải mượn bạn bè, đẩy mình vào thế xấu hổ. Mẹ cậu lúc này mớ khuyên răn rằng khi đến du ngoạn ở bất kì nơi nào, cậu cũng phải tìm hiểu đặc điểm thời tiết ở nơi đó. Kingsley gật đầu đồng ý và còn nói là muốn học theo bố vì trước khi ra ngoài, ông luôn lập danh sách những thứ cần mang theo rồi chuẩn bị từng cái một, như vậy sẽ không bỏ sót thứ gì.

Kingsley gặp khó xử ở nơi cắm trại là vì kế hoạch chưa chu đáo. Trung quá trình chuẩn bị đồ đạc, chắc chắn cậu chưa hình dung cụ thể mình cần phải chuẩn bị những đồ vật gì, vì thế mới quên trước quên sau, chuẩn bị không đầy đủ. Trước khi làm bất cứ việc gì, ta phải suy xét kỹ về mọi rủi ro hoặc yếu tố bất ngờ có khả năng xảy ra, sau đó mới có thể làm việc theo kế hoạch. Nếu kế hoạch không đủ chu đáo tỉ mỉ, trong quá trình thực hiện xuất hiện tình huống rất khó xử.”

Chương 4: Sức khỏe – “Tăng cường tự kiểm soát bản thân bằng cách cải thiện tình trạng cơ thể”

Đến với chương này mình lại càng ấn tượng với Hàn Xuân Trạch, bởi lẽ trước giờ mình chưa bao giờ nghĩ tới việc sức khỏe của bản thân cũng cấu thành nên khả năng tự chủ của con người. Tuy vậy với cách diễn giải hợp lý và dễ hiểu cùng những ví dụ minh họa cụ thể, bức tranh về mối quan hệ giữa chiếc bao tử với sự tập trung có sự gắn kết diệu kì với nhau. Không chỉ dừng lại ở việc giải thích, tác giả còn đưa ra những phương pháp rèn luyện sức khỏe hữu hiệu, mà ta có thể áp dụng để tăng cường hiệu suất làm việc mỗi ngày:

“Nhà tâm lý học Matthew Gailliot và đồng nghiệp đã cùng nhau thực hiện một cuộc thí nghiệm tìm hiểu xem liệu chúng ta có thể sử dụng cách tương tự như tiêm đường vào tĩnh mạch để cung cấp nhiên liệu cho não hay không. Đầu tiên, ông thiết kế chọn những người tham gia một loạt nhiệm vụ yêu cầu năng lực tự kiểm soát, ví dụ như khống chế cảm xúc hoặc là tập trung làm công việc nào đó. Trước và sau thí nghiệm, ông đều đo hàm lượng đường huyết của những người tham gia. Những người có hàm lượng đường huyết thấp đều có biểu hiện không tốt ở những nhiệm vụ về sau, điều này chứng tỏ khả năng tự kiểm soát bị suy giảm cũng khiến lượng đường huyết trong cơ thể giảm xuống. Sau khi đường huyết giảm, ý chí con người sẽ trở nên rất yếu đuối, rất khó để kiểm soát bản thân.

Tiếp đó nhân viên thí nghiệm sẽ cho mỗi người tham gia bị hao mòn ý chí một cốc nước chanh, trong đó nước chanh của một số người bỏ thêm đường, còn của một số khác lại chỉ có vị ngọt chứ không chứa đường. Kết quả cho thấy, những người uống cốc nước chanh có đường đều có biểu hiện rất tốt ở những nhiệm vụ phía sau, còn những người uống nước chanh không đường lại có biểu hiện kém hơn. Nói cách khác, đường có thể cung cấp năng lượng cho cơ thể, giúp cho người ta khôi phục lại ý chí. Người có lượng đường huyết thấp sẽ xuất hiện tình trạng ý chí không còn phát huy tác dụng.

Như vậy có thể thấy, lượng đường có vai trò then chốt trong việc khôi phục ý chí của con người. Khi chỉ số đường huyết của một người ở trạng thái bình thường, khả năng tự kiểm soát của người đó cũng sẽ ổn định, còn khi chỉ số đường huyết thấp, con người sẽ có xu hướng cố chấp, dễ sinh ra hành vi bồng bột và tỏ thái độ lạnh lùng với người khác. Nếu như cho họ ăn một viên đường, tình trạng tồi tệ của họ lúc trước sẽ được cải thiện. Họ sẽ trở nên tích cực hơn và muốn quan tâm giúp đỡ người khác.””

Chương 5: Giới hạn – “Tự kiểm soát không nên vượt quá giới hạn chịu đựng của bản thân”

Cớ sự nào trên thế gian cũng có những điểm giới hạn của nó và khả năng tự chủ của bản thân cũng không phải là một ngoại lệ. Bởi lẽ để đạt tới một trình độ kiểm soát bản thân hoàn hảo, là sự tập trung cao độ và khả năng huy động ý chí không ngừng. Nhưng dĩ nhiên sẽ đến lúc nó tạo ra những tiêu cực cho chính bản thân chúng ta. Vì vậy để khép lại chương cuối cùng của quyển sách, chính là một lời tâm tình của tác giả: con người có tự chủ cao là tốt, nhưng đừng vì thế mà không cho phép mình được nghỉ ngơi và thư giãn. Quả thực chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên với cái tấp nập, bộn bề lo toang của công việc, nhưng cũng đừng quên yêu thương chăm sóc bản thân mình, vì biết đâu một bước dừng chân trên con đường vội vã sẽ giúp ta tiến xa hơn nữa vào ngày mai:

“Những năm gần đây, áp lực xã hội ngày càng lớn, khiến ngày càng nhiều người sống trong cuộc sống áp lực nặng nề. Từ bệnh tật hoàn hành đến tai nạn nghiêm trọng, điều này là cho mọi người mất ý thức tập thể, gây hoang mang và khủng hoảng. Mỗi lần trải qua một biến cố nghiêm trọng, ta sẽ cảm thấy bị áp lực đánh úp. Vì thế, số người hút thuốc, chè chén, ăn uống quá độ tăng lên rất nhiều so với các thời kỳ khác.

Nếu muốn tự kiểm soát hiệu quả, chúng ta nên quản lý áp lực hiệu quả. Cách hiệu quả nhất để ta phục hồi khủng hoảng tài chính chính là thả lòng. Thả lỏng giúp thư giãn thần kinh giao cảm, điều hòa nhịp tim, giúp bạn khôi phục cơ thể về trạng thái khỏe mạnh. Cho dù chỉ có vài phút rảnh rỗi, bạn cũng có thể tranh thủ thả lỏng. Thả lỏng không phải là để cho bạn ăn uống no nê, cũng không phải là trò chơi điện tử. Thả lỏng thực sự là nâng cao khả năng tự kiểm soát một cách đúng đắn nghĩa là có thể thực sự thư giãn cơ thể và tinh thần. Ví dụ, tìm một nơi để nằm xuống, tìm một tư thế thoải mái, nhắm mắt và hít thở thật sâu vài lần, hoặc là chớp chớp mắt, nhíu nhíu mày, há to mồm, làm một vài động tác thả lỏng cơ mặt, đây đều là cách luyện tập giúp khôi phục từ trong trạng thái ý chí bị tiêu hao quá nhiều hoặc bị áp lực nặng nề.”


Lời kết

Mặc dù khai thác những vấn đề không quá mới mẻ trong việc phát triển bản thân vốn đã khá quen thuộc, tuy nhiên điều mình vẫn ấn tượng ở đây chính là giọng văn ân cần của tác giả đối với đứa con tinh thần của mình. Quả nhiên việc kiểm soát không phải là chuyện dễ dàng, nhưng nếu áp dụng được những bước tác giả đã đề xuất trong cuốn sách, có lẽ không chỉ riêng mình, mà các bạn độc giả khác cũng có thể phát triển bản thân mình hơn nữa trong tương lai.

Tác giả: Trọng Kiên - Bookademy

Hình ảnh: Trọng Kiên - Bookademy


______________

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan toả văn hoá đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,080 lượt xem