Thu Hà (E)@Viện Sách - Bookademy
năm ngoái
[Tóm Tắt & Review Sách] " Bạn Đang Nghịch Gì Với Đời Mình?": Nghệ Thuật Khám Phá Thế Giới Bên Ngoài Và Bên Trong Mỗi Chúng Ta
1.Tác giả
Jiddu Krishnamurti ( 1895- 1986) là một triết gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần, các chủ đề bao gồm: mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người và phương cách để tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội.
Krishnamurti không lệ thuộc vào bất kỳ tôn giáo nào, giáo phái hay quốc gia nào. Ông cũng không tán thành bất kỳ trường phái tư tưởng thuộc học thuyết hay chính trị nào. Trái lại, ông quả quyết rằng những trường phái này chính là yếu tố phân chia con người với con người và tạo ra xung đột, cũng như chiến tranh. Lời dạy của ông vượt trên mọi biên giới, ranh giới do con người tạo ra.
2. Tác phẩm
Cuốn sách được chia thành 4 phần chính, mỗi phần chính là một khía cạnh quan trọng để bạn hiểu về chính bản thân mình, hiểu chính xác mình đang làm gì với chính cuộc đời mình. Khác với cách trình bày trong phần lớn cuốn sách khác đó là mỗi chương sẽ là những đoạn văn dài miên man thì những gì tác giả chia sẻ trong cuốn sách này được viết thành từng đoạn văn ngắn gọn, dễ hiểu.
Là một nhà diễn thuyết, tác giả biết cách đưa những quan điểm, kinh nghiệm của mình tới độc giả một cách khéo léo và vô cùng thông minh.
Phần 1: Bản ngã và cuộc đời của bạn
Đã bao giờ bạn tự hỏi chính mình một câu hỏi là mình là ai, mình thực sự mong muốn điều gì, mục đích sống của mình là gì chưa? Nghe thì có vẻ đó là những câu hỏi đơn giản nhưng thực chất, có lẽ ít ai trong chúng ta thực sự tìm được câu trả lời đúng. Vậy nên ở phần đầu của cuốn sách, tác giả đã phần nào giúp độc giả có thể tìm ra câu trả lời. Ông cho rằng “ Hiểu biết về chính mình là một tiến trình”.
Để khắc phục vô số vấn đề mà chúng ta gặp phải, lẽ nào việc hiểu biết chính mình lại không cần thiết hay sao? Ấy vậy mà đó lại là một trong những điều cản trở ta nhiều nhất. Việc nhận biết về bản thân không tương đồng với sự tự cách ly, ta tìm hiểu về chính mình không có nghĩa là ta rút lui khỏi các mối quan hệ. Làm sao mà bạn có thể hiểu về mình một cách sâu sắc, trọn vẹn chỉ nhờ sự ẩn mình cách biệt; hay bằng cách tìm đến các nhà tâm lý học, các vị đạo sư; hay qua việc học hành, đèn sách. Ta cần biết rằng hiểu rõ chính mình là một tiến trình chứ nào phải điểm đến; trong tiến trình đó, người ta khám phá và nhận biết về bản thân qua hành động- qua các mối tương quan với xã hội, với người khác. Hơn thế nữa, để thật sự nghiệm ra ý nghĩa đằng sau cách bạn phản ứng, cũng như những hồi đáp từ phía bạn, đòi hỏi một trí tuệ minh mẫn cùng một nhận thức sắc sảo.
Trong phần này, tác giả cũng nói về Hạnh phúc. Ai trong chúng ta mà chẳng mong muốn và theo đuổi một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng mỗi chúng ta có một tiêu chuẩn, quan niệm khác nhau về hạnh phúc.
Chúng ta định nghĩa hạnh phúc như thế nào? Hẳn sẽ có người bảo rằng hạnh phúc là đạt được thứ ta muốn. Bạn muốn một chiếc xe hơi, một bộ đồ mới, muốn du lịch châu Âu hoặc bất cứ thứ gì khác như sự thành đạt hay danh vọng; và nếu thực hiện được chúng thì bạn hoàn toàn hạnh phúc, bằng không bạn liền thấy bất hạnh. Điều này đúng với tất cả chúng ta, cả người giàu lẫn người nghèo đều mong muốn một số thứ cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội và nếu họ không hoàn thành chúng, họ sẽ không cảm thấy hạnh phúc. Nhưng khi bạn ý thức rằng mình hạnh phúc và sở hữu nhiều điều trong tay, đó có phải là hạnh phúc không? Thời điểm bạn ý thức rằng mình khiêm tốn, thì bạn cũng không thật sự khiêm tốn. Hạnh phúc cũng vậy, nó vốn là thứ không thể được theo đuổi mà chỉ đơn giản là xảy đến, hễ ta bỏ công sức tìm kiếm, nó sẽ lảng tránh.
Thực lòng thì ở đoạn này, tôi không quá đồng tình với quan điểm của tác giả. Cá nhân tôi cho rằng, hạnh phúc phải là điều chính mình ý thức và cảm nhận được. Đúng là hạnh phúc không phải là thứ ta có thể theo đuổi nhưng trong một khoảnh khắc bất kì nào đó, ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc. Hạnh phúc đơn giản là vì vẫn được sống, vì vẫn có thể thực hiện những gì mình muốn, vì được yêu thương,...

Phần 2: Hiểu biết bản thân, chìa khóa của tự do
Sang đến phần 2, tác giả chia sẻ quan điểm của mình xoay quanh những cảm xúc thường trực của mỗi người. Từ nỗi sợ, sự tức giận, sự buồn chán và niềm vui, nỗi đau, sự ghen tị, ham muốn, khát vọng,... Tôi cá là bạn sẽ cảm thấy thú vị trước những suy nghĩ mới lạ của tác giả về những cảm xúc quen thuộc này.
Lấy ví dụ về nỗi buồn. Phản ứng đầu tiên khi bạn gặp chuyện gì đó khiến bạn buồn là gì? Liệu có phải là cố gắng tìm cách để có thể quên đi nỗi buồn đó không? Và khi bạn cố gắng tìm việc gì đó để làm nhằm quên đi nỗi buồn thì nỗi buồn ấy có biến mất không nhỉ?
Tác giả cho rằng:
Nếu thấy chán, sao bạn không cứ để mình chán chường đi? Nếu bạn đang buồn, hãy cứ buồn. Đừng cố tìm cách chạy trốn vì việc bạn cảm thấy buồn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, nếu bạn có thể hiểu được nó thì hãy sống với nó. Nếu bạn tự nhủ: “ Tôi thấy chán, do đó tôi sẽ tìm thứ gì đó để làm” thì tức là bạn chỉ đang cố gắng chạy thoát khỏi nỗi buồn chán; kết cuộc là như hầu hết mọi hoạt động đào thoát của chúng ta, bạn sẽ làm tổn hại thêm cho bản thân cũng như xã hội. Sự nguy hại có khuynh hướng gia tăng khi bạn cố trốn chạy hơn là khi bạn chấp nhận tĩnh tại với trạng thái của mình. Vấn đề là làm thế nào để không bỏ chạy? Sẽ vô cùng khó khăn cho bạn để dừng việc đào thoát lại và đối mặt với vấn đề. Nếu bạn thực sự cảm thấy chán chường, tôi rất sẵn lòng bảo với bạn: “ Dừng lại nào, hãy ở đó, hãy nhìn vào nó mà xem. Tại sao bạn phải làm bất cứ điều gì cơ chứ?”.
Trong chương nói về lòng tự trọng, có một đoạn trích tôi khá ấn tượng:
Cuộc sống vốn là một nguồn nước sâu. Người ta có thể đến với nó với những cái xô nhỏ và chỉ múc được một ít nước, hoặc người ta có thể đến với nó với những cái thùng lớn, múc nhiều nước để sinh hoạt và dự trữ. Thời trẻ là quãng thời gian lý tưởng để người ta tìm tòi và trải nghiệm mọi thứ. Nhà trường nên giúp học sinh phát hiện ra những thiên hướng và trách nhiệm của mình, chứ không chỉ đơn thuần nhồi nhét các dữ kiện và kiến thức kỹ thuật vào đầu các em; nhà trường nên là mảnh đất để học sinh có thể trưởng thành một cách hạnh phúc, toàn diện và không có bóng dáng của nỗi sợ hãi.
Hóa ra nền giáo dục ở khắp nơi trên thế giới đều như thế, đều chỉ tập trung truyền đạt kiến thức mà quên đi ngoài kiến thức, cảm xúc cũng là điều cần được nuôi dưỡng thật tốt. Theo quan sát cá nhân của tôi, tôi thấy nền giáo dục nước ta đang dần có những tín hiệu tốt hơn về khía cạnh nuôi dưỡng và quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của học sinh. Thế hệ mới với những tư tưởng mới, sự gan dạ và sự thấu hiểu đang dần dần kế thừa và phát huy tốt ở cương vị là người chèo lái con thuyền tri thức. Những thầy giáo, cô giáo trẻ đang cố gắng phá vỡ những quy chuẩn đã có phần lỗi thời và thay thế vào những phương pháp giảng dạy phù hợp hơn cho những học trò của mình. Điều này cũng sẽ được tác giả chia sẻ cụ thể hơn ở phần 3.
Phần 3: Giáo dục, công việc và tiền bạc
Tác giả đã không ngần ngại mà khẳng định rằng: “ nền giáo dục hiện nay đã hoàn toàn thất bại”. Sự thất bại mà tác giả muốn nói đến là thất bại trong việc dạy cho những đứa trẻ cách khám phá cuộc sống bên trong và bên ngoài để chúng có thể hiểu được ý nghĩa thực sự của đời sống. Liệu rằng những kỹ sư, những nhà khoa học, hay nhà toán học,... có thể hiểu được toàn bộ diễn trình của cuộc sống hay không? Loài người say mê khám phá những yếu tố cấu thành nên Trái Đất, nên môi trường sống thần kỳ nhưng dường như ít ai muốn khám phá ý nghĩa thực sự của sự sống.
Sự tiến bộ về công nghệ có thể giải quyết được một số vấn đề nào đó, cho một số cá nhân nào đó, ở mức độ nào đó, nhưng nó cũng đem đến những hệ lụy lớn hơn và khó lường hơn. Sống mà không đếm xỉa gì tới toàn bộ diễn trình cuộc sống chẳng khác nào đang mời gọi sự khốn cùng và sự hủy hoại. Nhu cầu lớn nhất và cấp bách nhất đối với mỗi cá nhân là có sự hiểu biết toàn diện về cuộc sống, điều đó cho phép anh ta đương đầu với những hoàn cảnh ngày càng diễn biến phức tạp hơn.
Kiến thức công nghệ, dù cần thiết đến đâu, sẽ không thể nào giải quyết được những áp lực và xung đột trong nội tâm con người; và cũng chính vì ta đã sở đắc kiến thức kỹ thuật mà không hiểu gì về toàn bộ diễn trình của cuộc sống nên kỹ thuật lại trở thành một phương tiện hủy hoại chính ta. Người biết cách tách một nguyên tử nhưng không có tình yêu trong tâm hồn sẽ trở thành quỷ dữ.
Chúng ta dành khoảng một phần ba, phần tư cuộc đời mình để học tập chăm chỉ với mục tiêu là sẽ tìm được một công việc với mức lương đủ để ta sống không phải lo toan. Và sau đó, gần như là suốt phần đời còn lại bạn phải làm việc thật chăm chỉ để nuôi sống chính mình, gia đình mình. Vậy bạn có tận hưởng quãng thời gian làm việc không ngừng nghỉ đó hay không, hay chỉ là làm vì trách nhiệm với cuộc sống của mình? Rõ ràng là chúng ta chỉ thực sự vui vẻ tận hưởng công việc của mình khi đó là công việc bản thân yêu thích và có đam mê. Ai mà vui vẻ làm điều mình không thích được chứ.
Khi còn trẻ, thật khó để biết mình yêu thích công việc gì bởi vì chúng ta muốn làm rất nhiều thứ. Bạn muốn trở thành một kỹ sư, một người lái tàu, một phi công mang mơ ước bay vào trời xanh; hoặc có thể bạn muốn trở thành một nhà hùng biện hay một chính sách nổi tiếng. Bạn cũng có thể trở thành một nghệ sĩ, một nhà hóa học, một nhà thơ hay một thợ mộc. Bạn có thể muốn làm việc trí óc hay làm việc chân tay. Liệu những công việc này có phải là những việc mà bạn thực sự yêu thích, hay sự hứng thú với chúng chỉ đến từ phản ứng trước áp lực của xã hội? Làm thế nào để có thể tìm thấy công việc mình yêu thích? Chức năng thực sự của giáo dục chẳng phải là nhằm giúp bạn tìm được một công việc để dành trí tuệ, tâm hồn sức lực mà hoàn thành chúng hay sao?
Để tìm được công việc yêu thích đòi hỏi ở bạn sự khôn ngoan; nếu bạn lo sợ việc thiếu ăn thiếu mặc, hay lo sợ mình đứng ngoài lề xã hội, thì bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy công việc dành riêng cho mình đâu. Nhưng nếu bạn không sợ hãi, nếu bạn từ chối bước trên lối mòn truyền thống được áp đặt bởi cha mẹ, thầy cô, bởi những đòi hỏi hời hợt của xã hội thì bạn sẽ tìm thấy điều mình yêu thích. Thế nên để khám phá được thiên hướng về nghề nghiệp, chúng ta phải ngừng lo sợ về chuyện kiếm sống, về sự sinh tồn.
Phần 4: Những mối tương quan
Một khía cạnh cực kỳ quan trọng mà chắc chắn ta phải nhắc đến đó chính là những mối quan hệ. Mỗi người đều là nhân vật chính trong cuộc đời của mình và mỗi một nhân vật xuất hiện trong câu chuyện ấy đều có vai trò riêng. Gia đình, bạn bè, người yêu, vợ chồng, đồng nghiệp, thầy cô,... tất cả đều là một mảnh ghép quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Họ có thể cho ta niềm vui, hạnh phúc, cũng có thể là nguồn cơn khiến ta đau khổ, giận dữ và thậm chí là tuyệt vọng.
Chúng ta không thể sống thiếu các mối quan hệ, nhưng đồng thời chúng ta cũng khiến cho các mối quan hệ trở nên khốn khổ và đáng khinh khi ta đặt vào đó tình yêu thương mang đậm tính cá nhân và chiếm hữu. Chẳng lẽ người ta không thể yêu thương mà không chiếm hữu sao? Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời xác đáng cho bản thân, không phải thông qua sự trốn chạy, lý tưởng hay những niềm tin mà thông qua hiểu biết về căn nguyên của sự lệ thuộc và tính chiếm hữu. Nếu người ta có thể hiểu sâu sắc về vấn đề trong mối tương quan giữa từng người với nhau, có lẽ người ta cũng sẽ hiểu và giải quyết được các vấn đề trong mối tương quan của chúng ta với xã hội vì xã hội chính là phiên bản mở rộng của tất cả chúng ta.
Ở phần cuối này, tác giả cố gắng truyền tải đến độc giả những góc nhìn khác về các mối quan hệ mà ai cũng có trong cuộc đời. Ông muốn gợi mở tư duy của độc giả để suy ngẫm về mối tương quan, sự liên kết giữa cá nhân và tập thể để từ đó tìm ra ý nghĩa thực sự của những mối quan hệ hiện tại.
Ngoài ra, ở chương cuối cùng, tác giả cũng đề cập đến một phương pháp được nhiều người biết đến để tìm về chính mình - đó là Thiền. Điểm khác biệt là tác giả không cho rằng thiền là phải ngồi theo một tư thế nhất định và thở đúng cách. Ông cho rằng, thiền nên được thực hành trong mọi hoạt động của cuộc sống thường ngày. Hiểu một cách đơn giản đó là hãy chú tâm vào những gì mình đang làm, đừng qua loa hời hợt. Đừng cố làm nhiều việc một lúc, đừng suy nghĩ quá nhiều vào những chi tiết không liên quan,...
3, Cảm nhận cá nhân
Cuốn sách Bạn đang nghịch gì với đời mình có lẽ sẽ giúp độc giả có thêm nhiều góc nhìn thú vị và mới mẻ hơn về cuộc đời của chính mình. Những gì mà trước đó bạn luôn tin biết đâu sẽ thay đổi phần nào sau khi bạn đọc xong cuốn sách này. Tác giả đặt ra nhiều câu hỏi để bạn đọc có thể tự suy ngẫm và đưa ra câu trả lời vì chính ông cũng đã nói rằng không muốn áp đặt bất cứ quan niệm, tôn giáo nào lên người khác. Những gì tác giả chia sẻ giống như là phương pháp, là nghệ thuật để tự bạn khám phá thế giới xung quanh và nội tâm của mình. Tuy vậy, việc thực sự hiểu hết những gì được chia sẻ trong cuốn sách này có vẻ không dễ dàng. Ở mỗi phần, tôi đều phải suy tư khá nhiều và tự đặt ra nhiều câu nghi vấn xoay quanh các vấn đề mà tác giả truyền tải. Tôi nghĩ cuốn sách này có thể trở thành công cụ hữu ích giúp bạn trên hành trình tìm hiểu và lí giải cuộc đời mình. Vậy nên nếu đang băn khoăn và thắc mắc rằng mình “ đang nghịch gì với đời mình” thì hãy thử đọc và chiêm nghiệm cuốn sách này nhé.Tóm tắt bởi: Thu Hà- Bookademy
Hình ảnh: Kim Phụng- Bookademy
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
489 lượt xem