Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Tóm Tắt & Review Sách] “Bí Mật Tư Duy Triệu Phú": Thay Đổi Tư Duy Và Tạo Ra Hạnh Phúc Trong Cuộc Sống

    "Ai cũng có một cuộc sống, ai cũng làm việc cần cù, ai cũng ước mơ được thành công, nhưng không mấy ai may mắn học được cách tư duy độc đáo và tầm nhìn của những tỷ phú lừng danh đã tiết lộ trong cuốn sách giá trị này" - Wall Street Journal.

    Trong cuốn sách này T. Harv Eker sẽ tiết lộ những bí mật tại sao một số người lại đạt được những thành công vượt bậc, được số phận ban cho cuộc sống sung túc, giàu có, trong khi một số người khác phải chật vật, vất vả mới có một cuộc sống qua ngày. Bạn sẽ hiểu được nguồn gốc sự thật và những yếu tố quyết định thành công, thất bại để rồi áp dụng, thay đổi cách suy nghĩ, lên kế hoạch rồi tìm ra cách làm việc, đầu tư, sử dụng nguồn tài chính của bạn theo hướng hiệu quả nhất.


I, Vài nét về tác giả

     T. Harv Eker là một tác giả, diễn giả và nhà tư duy về tài chính cá nhân hàng đầu thế giới. “Harv Eker là một trong những diễn giả và nhà đào tạo tuyệt vời nhất trên thế giới hiện nay! Các phương pháp dựa trên trải nghiệm của Harv đã tạo ra sự thay đổi và ông đã tạo ra những kết quả tuyệt vời trong từng phút ông nói!” - Mark Victor Hansen, tác giả bộ sách Chicken Soup for the Soul


     Sinh ra ở Toronto, Canada, Eker đã trải qua nhiều khó khăn và thất bại trước khi đạt được thành công. Ông trải qua một tuổi thơ khốn khó khi gia đình quá nghèo và có lúc tài sản chỉ vỏn vẹn 30 USD khi vừa đặt chân đến Bắc Mỹ. Khi 13 tuổi ông đã làm nhiều nghề từ giao báo, bán kem, bán hàng hội chợ. Sau khi học hết trung học, T.Harv Eker học 1 năm tại Đại học New York sau đó nghỉ giữa chừng.

    Những năm đầu đời thanh niên, T.Harv Eker làm đến 12 ngành nghề khác nhau và sống ở 5 thành phố. Ông đã chứng tỏ mình là một thanh niên thông minh và tham vọng với mong muốn thành công với công ty do mình thành lập và trở thành triệu phú.

    Sau thất bại trong một dự án đầu tiên, ông về sống cùng cha mẹ. Tại nhà, ông được một người bạn giàu có của cha mình chỉ đường dẫn lối để thay đổi suy nghĩ, chiến lược và hành động.

    “Eker, khi bằng tuổi cháu, bác còn không làm được nhiều thứ như cháu. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi kể từ khi bác biết về những bí mật của người giàu. Và bây giờ, bác muốn kể lại cho cháu”.

    Ông bắt đầu suy nghĩ và làm theo cách mà người giàu nghĩ về tiền bạc, kinh doanh hay các chiến dịch bán sản phẩm. Ông vay 2.000 đô la Mỹ và mở cửa hàng bán đồ thể thao, T.Harv Eker điều hành nó theo cách của người giàu.

    Chỉ ngắn ngủi 2 năm ông đã phát triển cửa hàng của mình thêm 10 chi nhánh, đồng thời bán 1/2 cổ phần của mình cho Tập đoàn H. J. Heinz với giá 1,6 triệu đô, và chính thức trở thành triệu phú.

    Hiện tại, ông sáng lập và điều hành công ty Công ty Peak Potential Trainning – chuyên nghiên cứu phát triển nhanh và mạnh nhất thế giới. Đồng thời, T.Harv Eker cũng sáng lập và trực tiếp giảng dạy nhiều khóa học nổi tiếng như Tư duy Triệu Phú (Millionaire Mind Intensive), Tư duy đột phá của Doanh nhân Thành Công (Guerilla Business Man), Làm Chủ Tư Duy (Master Your Mind) và Huấn Luyện Nhà Huấn luyện (Train The Trainer), Đào tạo Chiến binh khai sáng (Enlightened Warrior) … đem lại thành công tài chính cho hàng trăm ngàn người trên khắp thế giới.

    Ứng dụng những nguyên tắc mà ông đang giảng dạy, T. Harv Eker đã từ tay trắng trở thành triệu phú chỉ trong hai năm rưỡi. Eker là chủ tịch tổ chức giáo dục Peak Potentials Training, một trong những công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Bắc Mỹ trong lĩnh vực phát triển cá nhân hướng đến thành công. Với thương hiệu độc đáo “street smarts with heart” ( tạm dịch “Trí thông minh đường phố cùng trái tim nhân hậu”), sự hài hước và phong cách “đi thẳng vào trọng tâm” của mình, Eker đã khiến khán giả thật sự say mê. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đổ về tham gia những khóa học của ông, thường lúc nào cũng vượt quá 2.000 người trong các chương trình cuối tuần. Đến nay, những chương trình đào tạo của T. Harv Eker đã thay đổi cuộc sống của hơn nửa triệu người. Trong những khóa học đó, ông chia sẻ những bí mật thành công đã được chứng minh trong quyển sách mang tính cách mạng Bí mật Tư Duy Triệu Phú.


II, Tóm tắt cuốn sách

     Trong cuốn sách này, T. Harv Eker  sẽ tiết lộ những bí mật tại sao một số người lại đạt được những thành công vượt bậc, được số phận ban cho cuộc sống sung túc, giàu có, trong khi một số người khác phải chật vật, vất vả mới có một cuộc sống qua ngày. Bạn bè sẽ hiểu được nguồn gốc sự thật và những yếu tố quyết định thành công, thất bại để rồi áp dụng, thay đổi cách suy nghĩ, lên kế hoạch rồi tìm ra cách làm việc, đầu tư, sử dụng nguồn tài chính của bạn theo hướng hiệu quả nhất.

Sách gồm 2 phần

     Trong phần đầu cuốn sách, tác giả đưa ra khái niệm về kế hoạch tài chính trong tâm thức của chúng ta và giải thích những tác nhân hình thành nên kế hoạch trong tâm thức ấy. Tác giả đưa ra những dẫn chứng cụ thể và dễ hiểu để chứng minh tại sao kế hoạch tài chính này lại ảnh hưởng tới tình trạng tài chính của chúng ta như hiện tại. Tác giả đồng thời cũng đưa ra những giải pháp và hành động thiết thực để mọi người có thể thiết lập lại kế hoạch tài chính trong tâm thức này.

     “Chìa khóa của sự thành công là phải biết huy động tất cả những nỗ lực của bạn; khi bạn thể hiện năng lực của mình thì tự nhiên mọi người sẽ bị bạn thu hút. Và khi họ xuất hiện, hãy kiếm tiền từ họ!”.

    Sang tới phần thứ hai : “Suy Nghĩ Thịnh Vượng” tác giả Harv Eker đưa ra 17 Tư Duy Triệu Phú giúp chúng ta phân biệt cách suy nghĩ của người giàu và người nghèo. Với mỗi tư duy đưa ra, tác giả đều kể những ví dụ thực tế của những học viên mà ông đã hướng dẫn tại khóa học “Tư Duy Triệu Phú”. Bên cạnh đó, tác giả còn thêm vào những bài tập để mọi người có thể rèn luyện hàng ngày và cài đặt lại kế hoạch tài chính trong tâm thức của mình. Như Harv Eker khẳng định một cách tâm đắc: “ Nếu kế hoạch tài chính trong tiềm thức bạn không được “cài đặt” để hướng đến sự thành công, thì tất cả những gì bạn đọc được, những gì bạn biết, và cả những gì bạn làm đều không giúp được gì cho bạn!”


PHẦN I - KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH TRONG TÂM THỨC BẠN 


     Tôi vẫn cho rằng: “Cho dù bạn đã vào đúng vị trí thuận lợi và đúng thời điểm, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Bạn còn phải là người hội tụ những yếu tố cần thiết, ở đúng vị trí thuận lợi và đúng thời điểm”.

Quy Tắc Thịnh Vượng số 1: Thu nhập của bạn chỉ có thể tăng lên theo mức độ mà bạn mong đợi!

    Vậy bạn là ai? Bạn suy nghĩ như thế nào? Niềm tin của bạn là gì? Thói quen và cá tính của bạn ra sao? Bạn thật sự cảm nhận như thế nào về bản thân? Bạn tự tin đến mức nào? Bạn có hòa hợp với những người xung quanh hay không? Bạn tin tưởng vào người khác ở mức độ nào? Bạn có thực sự cảm thấy mình xứng đáng giàu có? Bạn có khả năng hành động bất chấp nỗi sợ hãi, lo lắng, bất tiện không? Bạn có thể hành động ngay cả khi tâm trạng không được thoải mái lắm?

Sự thật là tính cách, cách tư duy và những niềm tin của bạn là một trong những yếu tố cơ bản quyết định mức độ thành công của bạn.


Tại sao Kế Hoạch Tài Chính trong tiềm thức lại đóng vai trò quan trọng?

    Bạn đã bao giờ nghe chuyện về những người phát tài nhanh chóng chưa? Bạn có để ý một số người từng sở hữu rất nhiều tiền của nhưng rồi lại trở nên trắng tay, hay có người dường như đã có những cơ hội tuyệt vời nhưng chính họ đã để cho các cơ hội đó tuột khỏi kẽ tay? Nếu chỉ quan sát từ bên ngoài thì những thất bại ấy có vẻ như chỉ là điều không may vì sự thoái trào của kinh tế hay do một đối tác không nghiêm chỉnh, đại loại thế. Tuy nhiên, khi phân tích vấn đề từ bên trong, bạn sẽ nhận ra một điều hoàn toàn khác. Nguyên nhân sâu xa ở đây là nếu bạn chợt có trong tay một khoản tiền lớn khi trong thâm tâm bạn chưa sẵn sàng đón nhận nó, thì tài sản của bạn có nguy cơ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi.

    Phần lớn chúng ta không có đủ “năng lực bên trong” để tạo ra và giữ gìn những khoản tài sản khổng lồ trước những thách thức luôn song hành với sự thành công và giàu có. Đó chính là nguyên nhân chính làm cho nhiều người không có được sự giàu có vững bền.


Gốc rễ tạo nên hoa trái

    Quy Tắc Thịnh Vượng số 2: Nếu bạn muốn thay đổi hoa trái, bạn phải thay đổi gốc rễ trước đã. Nếu bạn muốn thay đổi cái hữu hình, trước hết bạn phải thay đổi cái vô hình.

    Hãy tưởng tượng một cái cây tượng trưng cho cuộc sống của chúng ta. Trên cây có hoa trái. Hoa trái đó chính là thành quả mà chúng ta đạt được trong cuộc sống. Chúng ta nhìn vào giỏ trái cây mình thu hoạch được và cảm thấy không hài lòng: số quả ấy còn quá ít, chúng quá nhỏ bé hoặc hương vị không thơm ngon.

   Con người là một phần của tự nhiên, chứ không phải là người điều khiển nó. Vì vậy, khi chúng ta tuân theo quy luật của tự nhiên và tập trung vào gốc rễ – thế giới tinh thần bên trong chúng ta – cuộc sống của chúng ta sẽ trôi chảy, thuận hòa. Còn khi chúng ta không tuân theo quy luật tự nhiên, cuộc sống ắt sẽ có lắm thác ghềnh. 

    Trong mỗi cánh rừng, mỗi trang trại, mỗi khu vườn, cái nằm bên dưới mặt đất luôn là cái tạo ra những thứ bên trên. Đó là lý do tại sao nếu bạn tập trung sự chú ý vào hoa trái thì đó chỉ là việc làm vô ích. Bạn không thể thay đổi hoa trái đã đơm kết trên cây. Tuy nhiên, bạn có thể cải thiện hoa trái của mùa sau. Nhưng để làm được điều đó, bạn sẽ phải đào xới bên dưới lòng đất giúp cho rễ cây phát triển tốt hơn.


Thế giới thứ tư

    Quy Tắc Thịnh Vượng số 3: Tiền bạc, của cải, sức khỏe, bệnh tật đến cân nặng cũng là kết quả của chế độ dinh dưỡng và lối sống của bạn. Chúng ta sống trong một thế giới nhân quả.

    Tiền bạc là kết quả, của cải là kết quả, sức khỏe là kết quả, bệnh tật là kết quả, đến cân nặng cũng là kết quả của chế độ dinh dưỡng và lối sống của bạn. Đó là bởi vì chúng ta sống trong một thế giới nhân quả.

    Bạn đã từng nghe ai đó khẳng định rằng thiếu tiền chỉ là chuyện nhỏ chưa? Vậy thì bây giờ hãy nghe tiếp một câu khẳng định nữa thế này: thiếu tiền không phải, và không bao giờ là một vấn đề cả, bởi vì thiếu tiền chỉ là một dấu hiệu của những gì đang diễn ra bên trong. Biểu hiện bên ngoài đó (thiếu tiền) chỉ là một hệ quả, và nó luôn có những nguyên nhân sâu xa mà chúng ta đôi khi ít để mắt đến. Vậy thì cách duy nhất để thay đổi thế giới “bên ngoài” là trước tiên hãy thay đổi thế giới “bên trong”. Dù những thành quả mà bạn gặt hái được có thế nào đi chăng nữa, dù nhiều hay ít, tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực, thì bạn hãy luôn nhớ rằng thế giới bên ngoài chỉ là một hình ảnh phản chiếu của thế giới bên trong: Nếu cuộc sống bên ngoài của bạn không suôn sẻ thì đó chính là do cuộc sống nội tâm của bạn chưa được suôn sẻ. Chỉ đơn giản vậy thôi.


Những lời tuyên bố: bí quyết đầy sức mạnh cho sự thay đổi

    “Lời tuyên bố” là gì? Đó là một câu khẳng định tích cực về một việc mà bạn sẽ thực hiện, được nói một cách mạnh mẽ, rõ ràng và kiên quyết. Tại sao những lời tuyên bố như vậy lại là công cụ hữu ích trong việc giúp bạn làm giàu? Vì mọi thứ đều được tạo nên từ một dạng vật chất là năng lượng. Tất cả năng lượng luôn chuyển động theo những tần số và dao động nhất định. Và mỗi lời tuyên bố của bạn cũng có tần số dao động của nó. Khi bạn nói to lên một lời tuyên bố nào đó thì năng lượng của nó sẽ truyền qua từng tế bào trong cơ thể, và bạn có thể cảm nhận sự cộng hưởng độc đáo này bằng cách chạm vào cơ thể mình ngay tại thời điểm đó. Những lời tuyên bố không chỉ gửi những thông điệp đặc biệt vào vũ trụ, chúng còn gửi một thông điệp mạnh mẽ vào tiềm thức của bạn.

    Sự khác biệt giữa lời tuyên bố với lời khẳng định là không lớn, nhưng theo tôi là rất mạnh. Lời khẳng định là “một câu nói tích cực khẳng định rằng mục tiêu mà bạn muốn đạt được đã và đang xảy ra”. Còn lời tuyên bố là “một sự khẳng định chính thức về quyết tâm thực hiện một hay hàng loạt hành động để đạt được một tình trạng thay đổi nào đó”.

LỜI TUYÊN BỐ:

“Thế giới nội tâm của tôi tạo nên thế giới bên ngoài của tôi.” 

Rồi bạn đặt tay lên trán và nói... 

“Tôi có Tư Duy Triệu Phú.”


Kế Hoạch Tài Chính trong tâm thức bạn là gì và kế hoạch đó đã hình thành như thế nào?

    Kế hoạch tài chính và thành công trong tâm thức là gì? Tương tự như đối với một ngôi nhà, bản thiết kế của ngôi nhà chính là kế hoạch thành công của ngôi nhà đó. Theo đó, “kế hoạch tài chính trong tâm thức” đơn giản là chương trình được cài đặt trước về cách sống liên quan đến tiền bạc của bạn. 

    Tôi muốn giới thiệu với bạn một công thức tối quan trọng. Công thức này quyết định cách bạn biến ý muốn thành hiện thực và tạo ra sự thành công về tài chính. Nhiều vị giáo sư đáng kính trong lĩnh vực nghiên cứu tiềm năng con người đã và đang sử dụng công thức này làm nền tảng cho những bài giảng của họ. Được gọi là Quá trình Hiển hiện, công thức đó có dạng như sau:

T F A = R

Nghĩa là:

Suy nghĩ ---> Cảm xúc ---> Hành động ---> Kết quả 

Thoughts ---> Feelings ---> Actions ---> Results


Quy Tắc Thịnh Vượng số 4: Suy nghĩ sinh ra Cảm xúc, Cảm xúc đưa đến Hành động, Hành động tạo ra Kết quả.

    Kế hoạch tài chính trong tâm thức bạn là sự kết hợp giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành động của bạn trong lĩnh vực tiền bạc.

Vậy Kế hoạch tài chính trong tâm thức bạn hình thành như thế nào? Câu trả lời rất đơn giản. Kế hoạch tài chính trong tâm thức của bạn bao gồm chủ yếu là những thông tin và lập trình bạn nhận được trong quá khứ, đặc biệt là ở thời thơ ấu.

Suy nghĩ của bạn bắt nguồn từ “hồ sơ thông tin” bạn có trong những ngăn lưu trữ của trí não bạn. Vậy những thông tin này đến từ đâu? Thông tin này xuất phát từ những lập trình của bạn đã được định hình trong quá khứ. Đúng thế, những khuôn mẫu quá khứ quyết định từng suy nghĩ lóe lên trong trí óc bạn. Do đó, nó thường được nhắc đến như là những suy nghĩ có điều kiện.

Để thể hiện điều này, chúng ta có thể bổ sung “Quá trình Hiển hiện” trên như sau: 

P ---> T ---> F ---> A ---> R

Thế giới quan trong quá khứ ---> Suy nghĩ ---> Cảm xúc ---> Hành động --->Kết quả

(Programming ---> Thoughts ---> Feelings ---> Actions ---> Results)


    Thế giới quan của chúng ta được tạo ra như thế nào? Cách thức tư duy của chúng ta về mọi lĩnh vực trong cuộc sống, kể cả về tiền bạc, được định hình một cách áp đặt trong quá khứ theo ba cách chính sau đây:

Thông qua lời nói: Bạn đã nghe được những gì khi còn nhỏ?

Làm theo khuôn mẫu: Bạn đã nhìn thấy những gì khi còn nhỏ?

Sự kiện cá nhân cụ thể: Bạn đã trải nghiệm những gì khi còn nhỏ?

Hiểu rõ ba yếu tố khuôn mẫu định hình cách tư duy trên là điều vô cùng quan trọng, vì thế bạn hãy dành thời gian để suy nghĩ và nghiên cứu chúng thật tỉ mỉ, chi tiết. (Bạn có thể đọc thêm cuốn sách Thay đổi câu hỏi thay đổi cuộc đời để hiểu hơn về nguyên tắc cũng như sức mạnh của các câu hỏi.)

PHẦN II - SUY NGHĨ THỊNH VƯỢNG

17 khác biệt trong suy nghĩ và hành động của người giàu so với người nghèo và trung lưu


    Trong Phần I cuốn sách, chúng ta đã thảo luận về Quá trình Tiến triển. “Quá trình Tiến triển” có thể tóm tắt như sau: tư duy sinh ra cảm xúc, cảm xúc chi phối hành động và hành động tạo ra kết quả. Tất cả đều bắt đầu từ những ý nghĩ được tạo ra trong trí óc chúng ta. Thật kỳ diệu khi trí não ta gần như là yếu tố nền tảng của cuộc sống, vậy mà cho tới bây giờ, đa số chúng ta vẫn hầu như không hề biết bộ máy quan trọng này hoạt động thế nào? Vì thế, chúng ta hãy quan sát xem nó hoạt động ra sao.

    Trong Phần II cuốn sách này, chúng ta sẽ cùng xem xét một số sự khác biệt đó; và như một phần của việc tái định hình suy nghĩ của bạn, chúng ta sẽ cài đặt 17 bộ hồ sơ thịnh vượng theo chọn lựa vào trong trí óc bạn. Cùng với những bộ hồ sơ mới là những sự lựa chọn mới. Nhờ đó bạn có thể nhận ra khi nào bạn đang suy nghĩ như người nghèo và như người trung lưu để có ý thức chuyển sang và tập trung suy nghĩ như người giàu.

Hãy nhớ rằng, bạn có thể chọn những cách suy nghĩ giúp bạn có được hạnh phúc và thành công thay cho những cách thức vô dụng.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 9: Bạn có thể chọn những cách suy nghĩ giúp bạn có hạnh phúc và thành công thay cho những cách thức vô dụng.

    Để bắt đầu, tôi muốn nói trước một vài điều. Trước hết, trong mọi trường hợp, tôi đều không có ý định miệt thị người nghèo hay thiếu thông cảm với hoàn cảnh của họ. Tôi cũng không cho rằng người giàu tốt hơn người nghèo. Họ chỉ giàu hơn mà thôi. Tuy nhiên, vì tôi muốn chắc chắn các bạn hiểu được thông điệp của mình, tôi sẽ phân biệt người giàu và người nghèo thành hai thái cực đối lập.

    Thứ hai, khi bàn luận về người giàu, người nghèo và những người thuộc tầng lớp trung lưu, tôi chỉ muốn đề cập đến các đặc tính tâm lý của họ, nghĩa là về cách suy nghĩ và hành xử của họ khác nhau thế nào, chứ tôi không có ý đánh giá số tiền thật sự mà họ có hay vai trò của họ trong xã hội.

    Thứ ba, tôi hiểu rằng không phải tất cả người giàu cũng như tất cả người nghèo đều giống như cách tôi mô tả. Tuy nhiên, mục đích của tôi là làm sao chắc chắn bạn hiểu được từng quy tắc để áp dụng chúng nên tôi đã phải mô tả họ một cách đặc thù như thế.

    Thứ tư, trong phần lớn trường hợp, tôi sẽ không đề cập đến tầng lớp trung lưu một cách cụ thể, bởi vì ở những người thuộc tầng lớp trung lưu thường có sự pha trộn giữa trạng thái tâm lý của người giàu và người nghèo.

    Thứ năm, nhiều nguyên tắc ở đây liên quan đến các thói quen và hành động nhiều hơn là cách suy nghĩ. Nhưng bạn đừng quên rằng hành động của chúng ta bắt nguồn từ cảm xúc, mà cảm xúc bắt nguồn từ suy nghĩ. Kết quả là mọi hành động vì thịnh vượng sẽ chỉ xuất phát từ những cách Tư Duy Triệu Phú.

    Cuối cùng, tôi khuyên các bạn chấp nhận từ bỏ khái niệm “đúng đắn”! Điều tôi muốn nói là các bạn chịu từ bỏ việc làm theo “cách của bạn”. Tại sao? Bởi vì cách của bạn đã dẫn bạn đến tình trạng của bạn hiện nay. Nếu bạn muốn giữ nguyên tình trạng của mình, hãy cứ làm theo cách lâu nay bạn làm. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn chưa giàu có thì có lẽ đã đến lúc bạn nên cân nhắc một phương cách khác, nhất là cách đó đến từ những người rất giàu có và nó đã giúp hàng nghìn người khác cùng bước lên con đường thịnh vượng. Điều đó là tùy thuộc vào bạn.


TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 1: Người giàu tin: “Tôi tạo ra cuộc đời tôi”. Người nghèo tin: “Cuộc sống toàn những điều bất ngờ xảy đến với tôi”.

   

    Nếu muốn tạo ra thịnh vượng, điều quan trọng là bạn phải tin rằng bạn là người cầm lái của cuộc đời mình, đặc biệt là cuộc sống tài chính của bạn. Nếu bạn không tin điều đó, nghĩa là bạn vốn dĩ tin rằng bạn không thể kiểm soát được hoặc kiểm soát rất ít cuộc sống của mình, và do vậy bạn không thể kiểm soát được hoặc kiểm soát rất ít khả năng thành công tài chính của bạn. Đó không phải là một thái độ để giàu có.

    Bạn phải tin rằng bạn là người tạo ra thành công của mình, rằng bạn là người tạo ra sự khốn quẫn của bạn, và rằng bạn là người tạo nên những khó khăn xung quanh tiền bạc và thành công của bạn. Dù bạn có ý thức hay không thì vẫn chỉ là bạn đã làm nên tất cả những điều đó. 

    Thay vì chịu trách nhiệm trước những gì diễn ra trong cuộc sống của mình, người nghèo thường chọn cách chơi trò đóng vai nạn nhân. Suy nghĩ chủ đạo của một nạn nhân thường là lời than thở “khốn khổ thân tôi”. Vậy là cầu được ước thấy, theo quy luật Sức mạnh của Ý định, đó là tất cả những gì nạn nhân nhận: Họ nhận được sự “khốn khổ”. Hãy để ý rằng tôi nói họ chơi trò đóng vai nạn nhân, tôi không nói họ là nạn nhân. Tôi không tin ai đó là nạn nhân. Tôi tin rằng người ta tự nguyện đóng vai nạn nhân bởi vì họ nghĩ điều đó đem lại cho họ lợi ích gì đó. Chúng ta sẽ thảo luận điều đó chi tiết hơn ngay sau đây.


Dấu hiệu Nạn nhân số 1: Đổ lỗi

    Khi tìm hiểu nguyên nhân tại sao mình không thành công về mặt tài chính, hầu hết nạn nhân đều là chuyên gia trong “trò chơi đổ lỗi.” Điều chủ yếu của trò chơi này là tìm xem có bao nhiêu người và hoàn cảnh mà bạn có thể kết tội, nhưng không bao giờ nhìn lại chính mình. Sự việc này tựa như một cơn mưa và “trút nước” lên bất cứ người nào chẳng may lại có mặt tại đấy. Thông thường, những ai gần gũi với các nạn nhân sẽ dễ trở thành mục tiêu của họ.

    Những nạn nhân thường đổ lỗi cho nền kinh tế, họ đổ lỗi cho chính phủ, đổ lỗi cho thị trường chứng khoán, đổ lỗi cho những người môi giới, đổ lỗi cho chủ, cho người làm thuê của họ, cho quản lý, cho trưởng phòng, cho người đứng trên hay dưới mạng lưới của họ, cho dịch vụ khách hàng, cho phòng vận chuyển, cho đối tác, cho bạn đời, họ đổ lỗi cả Chúa, và tất nhiên họ luôn luôn đổ lỗi cho cha mẹ mình. Bao giờ cũng là ai đó khác hay cái gì đó khác có lỗi. Thế nhưng, vấn đề lại không nằm ở bất cứ sự việc, hiện tượng hoàn cảnh hay con người nào khác, mà là ở chính họ.

Dấu hiệu Nạn nhân số 2: Bao biện

    Nếu những nạn nhân không đổ lỗi thì bạn sẽ thấy họ là người hay bao biện hoặc lý giải tình huống của mình bằng những lời như: “Với tôi, tiền không phải là thực sự quan trọng”. Tôi chỉ muốn hỏi bạn câu này: Nếu bạn nói rằng chồng bạn hay vợ bạn, bạn trai hay bạn gái của bạn, đối tác của bạn hay bạn bè bạn không quan trọng với bạn, liệu bất cứ ai trong những người đó sẽ ở được bên bạn lâu dài không? Tôi không tin là có, và với tiền bạc cũng như vậy!

    Để tôi nói toạc ra nhé: Bất kỳ ai nói tiền bạc không quan trọng đều không có xu nào! Người giàu luôn hiểu được tầm quan trọng của tiền bạc và vị trí của nó trong xã hội. Mặt khác, người nghèo lý giải cho sự bất lực trong tài chính của mình bằng những phép so sánh khập khiễng. Họ sẽ nói: “Tiền bạc không quan trọng bằng tình yêu”. Nào, sự so sánh này có mù mờ không? Cái gì quan trọng hơn, tay bạn hay chân bạn? Có lẽ cả hai đều quan trọng.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 10: Tiền bạc là thứ cực kỳ quan trọng trong những lĩnh vực mà nó phát huy tác dụng, và ngược lại nó sẽ chẳng đóng vai trò gì trong những lĩnh vực nó không có tác dụng.


Dấu hiệu Nạn nhân số 3: Oán trách

     Oán trách là một điều hết sức tồi tệ đối với sức khỏe hay sự sung túc của bạn, thậm chí là điều tồi tệ nhất! Tại sao vậy?

Tôi có lòng tin lớn lao vào quy luật vũ trụ, rằng: “Bạn tập trung vào điều gì, điều đó sẽ phát triển”. Khi bạn oán trách, bạn đang chú tâm vào cái gì, vào những cái tốt cho cuộc sống của bạn hay vào những rắc rối cho bạn? Thường là bạn tập trung vào những phiền toái trong cuộc sống của bạn, và thế là bạn chỉ nhận được ngày càng nhiều những phiền toái.

Các giảng viên trong lĩnh vực phát triển con người thường nói về Luật hấp dẫn. Luật này phát biểu rằng: “những thứ giống nhau thì hấp dẫn nhau”, nghĩa là khi bạn ca thán, bạn thực ra đang hấp dẫn những phiền toái đến với mình.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 11: Khi bạn than thở, oán trách thì bạn đang trở thành một thỏi nam châm sống hút về mình những rắc rối và phiền toái.

Quy Tắc Thịnh Vượng số 12: Không hề có một nạn nhân nào thực sự giàu có!


NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ

1. Mỗi lần bạn bắt gặp mình đang đổ lỗi, biện minh hay ca thán, hãy chĩa ngón tay trỏ lên cổ như một động tác nhắc nhở bản thân rằng bạn đang cắt cổ họng tài chính của mình. Dù hành động này có thể hơi thô thiển nhưng không có gì thô bạo hơn những gì bạn đã làm với bản thân bằng việc đổ lỗi, biện minh hay ca thán. Điều quan trọng là nó sẽ có tác dụng giảm bớt dần rồi cuối cùng là triệt tiêu hẳn những thói quen có thể hủy hoại bạn này. 

2. Hãy “tự chất vấn mình”. Cuối mỗi ngày, hãy viết ra một điều bạn đã làm tốt và một điều chưa tốt. Rồi viết câu trả lời cho câu hỏi sau: “Tôi đã tạo ra các tình huống đó như thế nào?”. Nếu có người khác cùng tham gia, hãy hỏi bản thân: “Đâu là vai trò của tôi trong việc tạo ra các tình huống đó?”. Bài tập này sẽ giúp bạn đo lường được cuộc sống của bạn và giúp bạn nhận ra được những chiến lược có hiệu quả hay không có hiệu quả.


TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 2: Người giàu tham gia cuộc chơi tiền bạc để thắng. Người nghèo tham gia cuộc chơi chỉ để không bị thua.

    Khi tham gia “cuộc chơi tiền bạc”, người nghèo thiên về phòng vệ thay vì tấn công. Tôi hỏi bạn: nếu bạn tham gia một cuộc đấu thể thao hay bất kỳ trò chơi nào mà bạn chỉ chăm chăm vào phòng thủ thì cơ hội chiến thắng của bạn là bao nhiêu? Ai cũng đồng ý là hầu như không có cơ hội nào cả. 

    Nhưng đó lại là cách mà phần lớn mọi người dùng trong cuộc chơi tiền bạc. Quan tâm hàng đầu của họ là sống sót và an toàn thay vì tạo ra thịnh vượng và sung túc. Thế mục đích của bạn là gì? Đối tượng của bạn là gì? Dự định thật sự của bạn là gì?

    Những người thuộc tầng lớp trung lưu ít nhất còn đi xa hơn một bước, song đáng buồn thay, đó chỉ là một bước nhỏ. Mục đích lớn trong cuộc đời họ lại tình cờ trùng hợp với một từ được ưa thích trên cả thế giới rộng lớn. Đó là họ chỉ muốn được cuộc sống “thoải mái”. Trên thực tế, có một sự khác biệt rất lớn giữa sống thoải mái và sống giàu có.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 13: Nếu mục đích của bạn là sống thoải mái, nhiều khả năng là bạn sẽ chẳng bao giờ giàu có được. Nhưng nếu mục đích của bạn là giàu có, nhiều khả năng là bạn sẽ có cuộc sống vô cùng thoải mái.


NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ 

1. Hãy viết ra hai vấn đề tài chính phản ánh mục tiêu của bạn là tạo ra sự sung túc, không phải hạng xoàng hay nghèo khổ. Viết ra mục tiêu “chơi để thắng” của bạn là: 

a. Thu nhập hàng năm. Ví dụ: 1 triệu đô-la 

b. Tổng tài sản. Ví dụ: 10 triệu đô-la 

Hãy đưa ra mục tiêu có thể thực hiện được trong khoảng thời gian cụ thể, nhưng đồng thời phải nhớ rằng bạn cần “ngắm bắn những ngôi sao”.

2. Đến một nhà hàng sang trọng và gọi một món ăn có “giá thị trường” mà không hỏi nó giá bao nhiêu. (Nếu tiền có hạn, bạn hãy chung với người khác cũng được). Lưu ý: Không gọi món gà!


TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 3: Người giàu quyết tâm làm giàu. Người nghèo muốn trở nên giàu có.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 14: Lý do hàng đầu khiến mọi người không có những thứ mình muốn là vì họ không biết thực sự mình muốn gì.

     Người nghèo có vô số lý do hay ho để giải thích rằng việc làm giàu và trở nên thật sự giàu có sẽ là một rắc rối. Do đó, họ không dám chắc trăm phần trăm họ có thật sự muốn giàu lên hay không. Thông điệp của họ gửi vào vũ trụ không nhất quán và không rõ ràng. Thông điệp của họ cho người khác cũng mâu thuẫn. Tại sao lại thế? Bởi vì thông điệp của họ với chính mình luôn đầy rối rắm. 

     Ở trên ta đã nói về sức mạnh của mục tiêu. Tôi biết những điều tôi nói có thể hơi khó tin, nhưng tôi đảm bảo là bạn sẽ luôn có được những điều bạn muốn – những điều bạn muốn trong tiềm thức, chứ không phải là những điều bạn nói bạn muốn. Bạn có thể dứt khoát phủ nhận điều đó: “Thật là điên rồ! Tại sao tôi lại muốn ‘chiến đấu’ để trở nên giàu có chứ?”. Và câu hỏi của tôi dành cho bạn cũng giống y như vậy: “Tôi không biết. Tại sao bạn lại muốn ‘chiến đấu’ để trở nên giàu có chứ?”.

    Tôi ghét phải là người nói với các bạn điều đó, nhưng nỗ lực để trở nên giàu có không phải là một cuộc dạo chơi trong công viên, và nếu bất cứ ai bảo bạn thế thì hoặc là vì họ không biết gì nhiều hơn hoặc đầu óc họ không được ổn cho lắm. Theo kinh nghiệm của tôi, để trở nên giàu có đòi hỏi sự tập trung, quyết tâm, lòng dũng cảm, kiến thức, sự tinh thông, toàn bộ tâm huyết của bạn, một thái độ không bao giờ bỏ cuộc, và dĩ nhiên là một đầu óc giàu có. Bạn cũng phải đinh ninh trong tim rằng bạn có thể tạo nên thịnh vượng và rằng bạn tuyệt đối xứng đáng với nó. Một lần nữa, điều đó có nghĩa là, nếu bạn không thực sự toàn tâm, toàn lực, toàn chí cam kết tạo ra thịnh vượng, nhiều khả năng là bạn sẽ không bao giờ có được nó.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 15: Nếu bạn không thực sự toàn tâm, toàn lực, toàn chí cam kết tạo ra thịnh vượng, nhiều khả năng là bạn sẽ không bao giờ có được nó.

    Một trong những đoạn văn yêu thích của tôi là bài viết của nhà thám hiểm W. H. Murray trong một trong những cuộc chinh phục đầu tiên của ông lên dãy Himalaya: “Khi một người đã quyết thì sự chần chừ, do dự và tất cả những cơ hội thoái lui đều trở nên vô hiệu. Và chính từ thời khắc mà người đó toàn tâm, toàn lực, toàn chí cam kết, mọi điều trên thế giới tự nhiên và siêu nhiên dường như cũng thay đổi theo. Cả một dòng thác những sự kiện, vấn đề, con người, cơ hội xuất hiện, xảy ra theo mong ước của người đó thông qua hàng loạt những biến cố, những cuộc gặp gỡ, những sự hỗ trợ vật chất, tinh thần rất ngẫu nhiên, bất ngờ mà không ai có thể mơ tưởng đến và lý giải được”.


NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ 

1. Hãy viết một đoạn văn ngắn nói chính xác, cụ thể tại sao việc làm giàu lại quan trọng đối với bạn. Hãy thật cụ thể. 

2. Hãy gặp bạn bè hay những thành viên gia đình sẵn sàng ủng hộ bạn. Hãy nói với họ rằng bạn muốn gợi lên sức mạnh của sự quyết tâm với mục đích tạo ra thành công rực rỡ hơn.


TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 4: Người giàu suy nghĩ lớn. Người nghèo suy nghĩ nhỏ.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 16: Định luật về Thu nhập: “Thu nhập của bạn tỷ lệ thuận với giá trị mà bạn bỏ ra, tùy theo tình trạng thị trường”.

    Từ mấu chốt ở đây là “giá trị”. Điều quan trọng là phải nhận biết bốn nhân tố quyết định giá trị của bạn trên thị trường là: cung, cầu, chất lượng và số lượng. Theo kinh nghiệm của tôi, yếu tố chứa đựng thử thách lớn nhất đối với hầu hết mọi người là số lượng. Yếu tố số lượng này thường được hiểu một cách đơn giản là, bạn đã thực sự đem lại cho thị trường bao nhiêu giá trị của bạn?

    Trong cuốn sách “Trở lại với tình yêu” (A Return to Love), tác giả Marianne Williamson đã mô tả: “Bạn là con của Trời Đất. Nếu bạn sống hẹp hòi bạn sẽ không thể phụng sự thế giới. Không phải là sáng suốt nếu bạn co lại và làm người khác cảm thấy không yên ổn bên bạn. Tất cả chúng ta đều có sứ mệnh phải tỏa sáng, như trẻ thơ vậy. Chúng ta sinh ra để tỏa sáng. Nguồn sáng đó không chỉ tồn tại ở một số người trong chúng ta mà trong tất cả mọi người. Và khi chúng ta để cho chính mình được tỏa sáng thì trong vô thức chúng ta đã kêu gọi người khác làm điều tương tự. Khi chúng ta tự do thoát khỏi nỗi sợ của mình, sự hiện diện của chúng ta tự khắc làm người khác tự do”.


NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ 

1. Hãy viết ra những điều mà bạn tin là "tài năng bẩm sinh" của mình. Đây là những việc, những lĩnh vực mà bạn giỏi một cách tự nhiên. Ngoài ra, hãy viết cách thức và nơi chốn mà bạn có thể sử dụng tối đa những khả năng đó vào cuộc sống của bạn, đặc biệt cho công việc và cộng đồng của bạn. 

2. Hãy viết ra, hay trao đổi với bạn bè, về cách thức bạn có thể áp dụng để giải quyết vấn đề cho số người nhiều gấp mười lần số người hiện nay trong công việc của bạn. 

Hãy đưa ra ít nhất ba chiến lược khác nhau.

Hãy suy nghĩ cách dùng công cụ kiểu đòn bẩy.


TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 5: Người giàu tập trung vào các cơ hội. Người nghèo tập trung vào những khó khăn.

   

Người giàu nhìn thấy các cơ hội. Người nghèo nhìn thấy những khó khăn. Người giàu nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng. Người nghèo nhìn thấy nguy cơ mất tiền. Người giàu tập trung vào tiềm năng lợi nhuận. Người nghèo tập trung vào khả năng rủi ro.

    Điều đó dẫn đến một câu hỏi từ xa xưa như thế này: “Cái ly đang đầy một nửa hay đang vơi một nửa?”. Ở đây chúng ta không nói đến việc suy nghĩ tích cực, chúng ta chỉ bàn về quan điểm quen thuộc của bạn về thế giới. Người nghèo lựa chọn dựa trên nỗi sợ hãi. Trí óc họ liên tục “tua lại” những cảnh về những trở ngại hay những khó khăn, rủi ro đã hay có thể nảy sinh. Hướng suy nghĩ chủ yếu trong đầu họ là: “Điều gì sẽ xảy ra nếu phương án này không đem lại kết quả?” hay thường xuyên hơn: “Không làm được đâu!”.

    Những người ở tầng lớp trung lưu lạc quan hơn đôi chút. Kiểu suy nghĩ của họ là: “Tôi rất hy vọng việc này sẽ mang lại kết quả tốt đẹp”.

    Người giàu, như ta đã nói trên, nhận trách nhiệm về kết quả trong cuộc đời họ và hành động với suy nghĩ: “Việc này nhất định sẽ mang lại kết quả vì mình sẽ làm cho nó trở thành hiện thực”. Người giàu luôn sẵn sàng để hành động tiếp. Họ có sự tự tin cao độ vào khả năng và sức sáng tạo của họ. Và họ cũng tin rằng dù có chuyện gì xảy ra thì họ vẫn sẽ luôn tìm được cách khác để đi tiếp.

    Trái lại, người nghèo luôn tiên đoán thất bại. Họ thiếu tự tin về bản thân cũng như năng lực của mình. Người nghèo tin rằng, nếu sự việc không tiến triển tốt, thì đó sẽ là tai họa. Và bởi vì luôn nhìn thấy trở ngại, họ thường không sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm. Mà không có mạo hiểm thì sẽ không có tưởng thưởng.

    Nhưng hãy nhớ rằng sẵn sàng mạo hiểm không đồng nghĩa với việc bạn sẵn sàng chịu mất những gì mình có. Người giàu chấp nhận những mạo hiểm đã được tính toán. Tức là họ nghiên cứu, phân tích và cân nhắc mọi chi tiết liên quan rồi sau đó mới quyết định căn cứ vào những thông tin có kiểm chứng và những sự việc cụ thể. Người giàu có tính toán mãi không? Không. Họ làm tất cả những việc này trong khoảng thời gian ngắn nhất rồi tỉnh táo ra quyết định là có nên làm tiếp hay không.


NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ

1. Hãy nhảy vào cuộc chơi. Hãy cân nhắc tình huống hay dự án mà bạn đang muốn bắt đầu. Hãy tạm thời gạt khỏi đầu óc những gì bạn đang chờ đợi hay băn khoăn. Hãy bắt đầu ngay bây giờ, từ bất kỳ vị trí nào bạn đang đứng, với bất cứ cái gì bạn đang có trong tay. Nếu có thể, trước tiên hãy thực hiện việc ấy trong khi làm việc cho ai đó hoặc với ai đó, để học những điều cốt lõi. Khi đã học xong thì đừng viện cớ trì hoãn gì nữa, hãy xông lên!

2. Hãy thực hành thái độ lạc quan. Hôm nay, dù mọi người có nói gì về các vấn đề hay trở ngại thì bạn cũng hãy biến nó thành cơ hội.

3. Tập trung vào những gì bạn có chứ không phải những gì bạn không có. Lập danh sách mười điều bạn biết ơn trong đời và đọc to nó lên. Sau đó, hãy đọc vào mỗi buổi sáng trong suốt ba mươi ngày tiếp theo. Nếu bạn không xem trọng những gì mình đang có, bạn sẽ không có thêm bất kỳ thứ gì và cũng không cần thêm bất cứ thứ gì nữa.




TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 6: Người giàu ngưỡng mộ những người thành công và giàu có khác. Người nghèo bực tức với những ai thành công và giàu có.


    Người nghèo thường nhìn thành công của người khác bằng cặp mắt oán giận, khinh khi pha lẫn đố kỵ và ganh ghét. Thậm chí, họ còn so bì: “Sao họ lại may mắn thế”, hoặc nói thầm: “Bọn nhà giàu hợm hĩnh!”.

    Bạn phải ý thức rằng nếu bạn nhìn nhận người giàu là xấu xa, bất kể ở khía cạnh và góc độ nào, hoàn cảnh và hình thái nào, trong khi bạn muốn trở thành người tốt, thì bạn sẽ không bao giờ giàu có. Làm sao bạn có thể trở thành người mà bạn luôn xem thường hay khinh ghét được?

    Thật đáng ngạc nhiên khi chứng kiến thái độ khinh khi, thậm chí oán hận mà những người nghèo dành cho những người giàu. Cứ như thể người giàu làm cho họ nghèo vậy. Họ hay buông những lời đại loại như: “Người giàu đã lấy hết mọi của cải thì đâu còn gì cho tôi nữa”. Đó chính là cách nói của nạn nhân.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 17: “Hãy chúc phúc cho những thứ mà bạn muốn có.” – Ngạn ngữ Huna


NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ

1. Thực tập triết lý của người Huna: “Hãy chúc phúc cho những gì bạn muốn có”. Hãy chạy xe vòng quanh hay mua tạp chí để ngắm những ngôi nhà đẹp, những chiếc xe sang trọng, tìm đọc về những doanh nghiệp thành công. Hãy chúc phúc cho tất cả những gì bạn thấy và bạn thích, chúc phúc cho những người chủ đó hay những người liên quan. 

2. Hãy viết và gửi thư hoặc email cho một người thành công trong bất cứ lĩnh vực nào mà bạn biết (không nhất thiết phải là người quen), nói cho họ biết bạn ngưỡng mộ họ thế nào và hãy khen ngợi những thành tựu mà họ đạt được.


TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 7: Người giàu kết giao với những người thành công và tích cực. Người nghèo giao du với những người thất bại và tiêu cực.


    Những người thành công coi những người thành công khác là động lực khích lệ để vươn lên. Họ xem những người thành đạt khác là tấm gương để học hỏi. Họ tự nhủ: “Nếu họ có thể làm được điều đó, hẳn tôi cũng có thể làm được”. Như tôi đã nói đến ở phần trên, bắt chước là một trong những cách học hỏi chủ yếu của con người.

    Người giàu biết ơn những người đã thành công trước họ để giờ đây họ có được khuôn mẫu để bắt chước làm theo, giúp họ gặt hái thành công một cách dễ dàng hơn. Tại sao phải phát minh lại cái bánh xe chứ, một khi đã có sẵn những phương pháp thành công được kiểm chứng và đem lại hiệu quả tích cực với tất cả những người áp dụng?

    Trái ngược với người giàu, khi nghe câu chuyện thành công của người khác, người nghèo thường phán xét, phê bình, chỉ trích, nhạo báng họ, và nói chung là tìm mọi cớ để kéo họ xuống ngang mức với mình. Bao nhiêu người trong các bạn biết những người như thế? Bao nhiêu người trong các bạn biết những thành viên gia đình giống như thế? Câu hỏi đặt ra ở đây là làm sao bạn có thể học hỏi, hay được khích lệ từ những người mà bạn đánh giá thấp?


NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ 

1. Hãy đến thư viện, hiệu sách, hay vào Internet và tìm đọc tiểu sử của một người giàu có và thành công nào đó. Andrew Carnegie, John D. Rockefeller, Mary Kay, Donald Trump, Warren Buffett, Jack Welch, Bill Gates, Ted Turner… là những tấm gương xuất sắc. Hãy dùng những câu chuyện ấy làm nguồn khích lệ, qua đó học hỏi các chiến lược thành công, và quan trọng nhất là để bắt chước cách suy nghĩ của họ. 

2. Hãy tham gia một câu lạc bộ sang trọng nào đó, như tennis, golf, rèn luyện sức khỏe hay kinh doanh. Hãy hòa mình vào những người giàu trong môi trường giàu có. Hoặc nếu không có cách nào để tham gia một câu lạc bộ cao cấp, hãy đến uống trà hay cà phê ở khách sạn hạng nhất trong thành phố của bạn. Hãy cảm thấy thoải mái trong môi trường đó và quan sát những người xung quanh để thấy rằng họ không khác gì bạn cả. 

3. Hãy xác định hoàn cảnh hay một cá nhân tiêu cực trong cuộc sống của bạn để tách mình ra khỏi hoàn cảnh hay cá nhân đó. Nếu đó là gia đình hay một thành viên trong gia đình bạn, hãy chọn cách ở bên họ ít hơn. 

4. Hãy ngừng xem các chương trình ti-vi vô bổ và tránh xa các tin tức xấu.


TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 8: Người giàu sẵn sàng tôn vinh bản thân và giá trị của họ. Người nghèo suy nghĩ tiêu cực về bán hàng và quảng bá.


    Người giàu thường làm lãnh đạo, và tất cả các lãnh đạo kiệt xuất đều là những người quảng bá tuyệt vời. Là nhà lãnh đạo, bạn phải có người nghe theo và ủng hộ, có nghĩa là bạn phải lão luyện trong việc bán hàng, khích lệ và động viên mọi người hưởng ứng theo tầm nhìn của bạn. Đến Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng phải liên tục “bán” ý tưởng của mình cho mọi người, cho Thượng viện, thậm chí cho chính đảng của ông, để chúng được thi hành. Và trước khi tất cả việc ấy diễn ra, nếu tổng thống không “bán” chính bản thân mình, có lẽ ông sẽ không bao giờ trở thành tổng thống.


     Nói một cách ngắn gọn, các nhà lãnh đạo không thể hay không muốn quảng bá sẽ không làm lãnh đạo lâu được, bất kể trong lĩnh vực chính trị, kinh doanh, thể thao, hay thậm chí không thể làm cha mẹ tốt được. Tôi nhấn mạnh điều này, bởi “người lãnh đạo có thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với những người đi theo họ”.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 18: Những người lãnh đạo có thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với những người đi theo họ!

    Thường thì những người có vấn đề với việc quảng bá không hoàn toàn tin tưởng vào sản phẩm của họ hoặc họ chưa thật sự tin tưởng vào chính mình. Thế nên họ thật khó hình dung được rằng người khác lại có thể tin tưởng chắc chắn vào giá trị bản thân đến nỗi muốn chia sẻ với bất kỳ ai họ gặp và bằng bất kỳ cách nào có thể. 

    Một khi bạn tin tưởng rằng những gì bạn chào bán có thể thật sự giúp ích cho người khác, thì trách nhiệm của bạn là phải làm cho càng nhiều người biết về điều đó càng tốt. Như thế là bạn không chỉ giúp mọi người, mà chính bạn cũng trở nên giàu có!


NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ 

1. Hãy đánh giá sản phẩm hay dịch vụ bạn đang chào bán (hoặc bạn có kế hoạch chào bán) theo thang điểm từ thấp (1 điểm) đến cao (10 điểm) dựa trên mức độ tin tưởng của bạn về giá trị của nó. Nếu điểm của bạn nằm trong khoảng từ 7 đến 9, hãy cải thiện để nâng cao giá trị của sản phẩm hay dịch vụ đó. Nếu kết quả là 6 hay thấp hơn, hãy ngừng chào bán sản phẩm hay dịch vụ đó và bắt đầu bán những gì bạn thật sự tin tưởng. 

2. Hãy đọc sách, nghe đài hay băng đĩa, tham gia các khóa học về tiếp thị và bán hàng. Mục tiêu của bạn là phải trở thành chuyên gia trong cả hai lĩnh vực trên để bạn có thể tự tin quảng bá các giá trị bản thân một cách thành công.


TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 9: Người giàu đứng cao hơn những vấn đề của họ. Người nghèo đứng thấp hơn những vấn đề của họ.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 19: Bí quyết thành công không phải là lẩn tránh, chùn bước hay co rúm vì sợ hãi trước những vấn đề của bạn. Bí quyết thành công là phải phát triển bản thân bạn để bạn có thể đứng cao hơn bất kỳ vấn đề nào.

    Nếu bạn có một vấn đề lớn trước mặt, thì rõ ràng bạn đang là một người bé nhỏ! Đừng bị lừa phỉnh bởi các biểu hiện bên ngoài. Thế giới bên ngoài của bạn chỉ là hình ảnh phản chiếu của thế giới bên trong. Nếu bạn muốn tạo ra sự thay đổi lâu dài, hãy thôi chú tâm vào kích thước của vấn đề mà hãy tập trung vào tầm cỡ của chính bạn!


Quy Tắc Thịnh Vượng số 20: Nếu bạn cho rằng mình đang gặp một vấn đề lớn trong cuộc sống, điều đó chứng tỏ rằng bạn đang là một người nhỏ bé!

    Một trong những lời nhắc nhở hơi thiếu tinh tế mà tôi hay nói với học viên của mình là: Bất cứ khi nào cảm thấy như thể đang gặp phải vấn đề lớn, bạn hãy tự chỉ vào mình và nói thật lớn: “Vấn đề nằm ở bản thân tôi!”. Việc này sẽ đánh thức bạn, kéo sự chú ý của bạn về đúng nơi của nó – là chính bạn. Rồi sau đó hãy đi từ bản tính tự tôn cao nhất của bạn (chứ không phải là cái tôi nhu nhược), hít một hơi thật sâu và quyết định ngay rằng bây giờ, trong chính giây phút này, rằng bạn sẽ là người lớn hơn, cao hơn và không cho phép bất cứ vấn đề hay trở ngại nào gạt bạn ra khỏi con đường dẫn đến hạnh phúc và thành công.


NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ

1. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy lo lắng vì một vấn đề “lớn”, hãy chỉ tay lên đầu bạn và nói: “Vấn đề nằm ở bản thân tôi!”. Rồi hít một hơi thật sâu và nói: “Tôi có thể giải quyết vấn đề này. Tôi cao lớn hơn bất cứ vấn đề nào”. 

2. Hãy viết ra một vấn đề nan giải trong cuộc sống mà bạn đang phải đối mặt. Rồi viết ra mười hành động cụ thể bạn có thể thực hiện để giải quyết, hoặc ít nhất là cải thiện tình hình. Việc đó sẽ giúp bạn chuyển từ hướng suy-nghĩ-về-vấn-đề sang hướng suy-nghĩ-tìm-giải-pháp cho-vấn-đề. 

Rất có thể bạn sẽ giải quyết được vấn đề. Kể cả khi chưa giải quyết được, bạn cũng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.


TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 10: Người giàu biết đón nhận. Người nghèo không biết đón nhận.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 21: Nếu bạn nói bạn xứng đáng, nghĩa là bạn xứng đáng. Nếu bạn nói bạn không xứng đáng, bạn sẽ không xứng đáng. Dù chọn cách nào thì bạn cũng sẽ sống đúng theo câu chuyện cuộc đời mình. 


Quy Tắc Thịnh Vượng số 22: “Nếu một cây sồi cao 30 mét mang bộ óc của con người, nó sẽ chỉ phát triển đến độ cao 3 mét mà thôi!” – T. Harv Eker


Quy Tắc Thịnh Vượng số 23: Đối với mỗi người cho luôn phải có một người nhận, và với mỗi người nhận bao giờ cũng phải có một người cho đi.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 24: Tiền sẽ chỉ khẳng định thêm những tính cách mà bạn vốn có.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 25: Bạn thực hiện một hành động đơn lẻ theo cách nào thì bạn cũng thực hiện tất cả mọi việc theo cách ấy.


NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ

1. Hãy luyện tập để trở thành người biết đón nhận. Mỗi lần ai đó khen ngợi bạn, hãy nói một câu cảm ơn đơn giản. Đừng đáp lễ bằng một lời khen khác ngay lúc đó. Như vậy bạn sẽ nhận được trọn vẹn và sở hữu lời khen đó, thay vì “đẩy” nó ra như phần lớn mọi người thường làm. Cách ứng xử này cũng tạo cơ hội cho người khen tặng có niềm vui cho quà mà không bị ném trả lại.

2. Mỗi khi tìm thấy hay nhận được bất kỳ số tiền nào, bạn đều nên hân hoan chào đón. Hãy bước tới và hét lên: “Tôi là thỏi nam châm hút tiền. Cảm ơn vũ trụ, cảm ơn, cảm ơn”. Câu nói này cần được thốt lên với số tiền bạn nhặt được, bạn được cho hay tặng, bạn nhận từ chính phủ, tiền lương của bạn và số tiền bạn nhận từ các công việc kinh doanh. Vũ trụ hình thành là để hỗ trợ bạn. Nếu bạn luôn tuyên bố rằng bạn là “thỏi nam châm hút tiền”, và đặc biệt là khi bạn chứng minh được điều đó, vũ trụ sẽ chỉ còn biết nói: “Tốt!” và gửi nhiều tiền hơn nữa cho bạn. 

3. Hãy chiều chuộng bản thân một chút. Ít nhất mỗi tháng một lần, bạn hãy làm gì đó thật đặc biệt để chăm sóc cơ thể và tinh thần bạn, chẳng hạn đi làm đẹp, xông hơi thư giãn, đến các câu lạc bộ…, hãy thưởng thức một bữa tối sang trọng, thuê một chiếc thuyền hay ngôi nhà nghỉ ở vùng quê để cùng gia đình nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần... (Bạn có thể phải thương lượng với bạn bè hay thành viên gia đình khi làm việc này). Hãy làm tất cả những việc cho phép bạn cảm thấy mình là người giàu có và xứng đáng. Năng lượng của bạn tỏa ra từ những trải nghiệm đó sẽ gửi thông điệp tới vũ trụ rằng bạn đang sống một cách sung túc. Khi đó, vũ trụ chỉ nói: “Tốt !” rồi làm công việc của nó là mang đến cho bạn nhiều cơ hội hơn nữa.


TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 11: Người giàu muốn được trả công theo kết quả. Người nghèo muốn được trả công theo thời gian. 


Quy Tắc Thịnh Vượng số 26: Không có gì xấu nếu bạn có đồng lương ổn định, trừ khi điều đó ngăn trở bạn đến với những cơ hội mang lại thu nhập cao hơn dựa trên những gì bạn xứng đáng được hưởng. Mấu chốt vấn đề nằm ở đó. Và thường là như vậy.

    Người nghèo muốn nhận được mức lương ổn định hoặc tính tiền công theo giờ. Họ cần sự “đảm bảo” khi biết chắc một số tiền chính xác sẽ đến vào một thời điểm chính xác, mỗi tháng đều như vậy. Điều họ không nhận ra là sự đảm bảo đó có giá của nó và cái giá phải trả chính là sự giàu có, thịnh vượng của chính mình.

    Khi bạn cần sự đảm bảo nghĩa là bạn đang sống trong nỗi sợ hãi, nghĩa là bạn đang ngụ ý: “Nếu dựa trên kết quả làm việc, thì tôi e rằng mình sẽ không có khả năng kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống. Thế nên tôi sẽ chấp nhận mức thu nhập vừa đủ để tồn tại”.

    Người giàu thích được trả lương căn cứ trên toàn bộ hoặc một phần những kết quả mà họ tạo ra. Người giàu thường điều hành hoạt động kinh doanh của riêng họ dưới một hình thức nào đó. Họ tạo ra thu nhập từ lợi nhuận của mình. Người giàu làm việc vì số hoa hồng hay tỷ lệ phần trăm của doanh thu. Người giàu chọn cổ phần và phương án chia lợi nhuận, thay vì đồng ý với khoản lương cao hơn. Bạn hãy lưu ý là ở đây không có sự bảo đảm cho bất kỳ dạng thu nhập nào nêu trên, mặc dù chúng ta đều biết rằng trong thế giới tài chính, lợi nhuận luôn tỷ lệ thuận với rủi ro. 

Người giàu tin tưởng vào bản thân, vào giá trị và năng lực của mình. Người nghèo thì không. Đó là lý do họ cần có sự bảo đảm.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 27: Không bao giờ đặt giới hạn cho thu nhập của bạn.

     Người nghèo bán thời gian của họ để kiếm tiền, trong khi thời gian lại chỉ có giới hạn. Trong trường hợp này, bạn đã phá vỡ Quy Tắc Thịnh Vượng quan trọng nhất là: “Không bao giờ đặt giới hạn cho thu nhập của bạn”. Nếu bạn muốn được trả công theo thời gian, dường như bạn đã bóp nghẹt cơ hội đến với thịnh vượng của chính mình.

    Định luật này cũng áp dụng cho lĩnh vực dịch vụ cá nhân, nơi bạn thường được trả lương theo thời gian làm việc. Đó là lý do vì sao các luật sư, kế toán viên, các nhà tư vấn... – nói chung là những người còn chưa phải là đối tác của doanh nghiệp, và vì thế không được chia lợi tức – dù nỗ lực lắm cũng chỉ có mức thu nhập trung bình.


NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ

1. Nếu bạn đang có việc làm được trả lương theo giờ hoặc theo tháng, hãy đề xuất với chủ doanh nghiệp kế hoạch khoán cho bạn, sao cho bạn có thể được thanh toán tiền công dựa trên kết quả của cá nhân bạn, cũng như kết quả của công ty. 

Nếu bạn điều hành doanh nghiệp riêng, hãy lập kế hoạch khoán cho nhân viên của bạn, kể cả các nhà cung cấp chính của bạn, được trả công dựa trên hiệu quả của họ, cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp bạn.

Lập tức triển khai các kế hoạch đó. 

2. Nếu hiện nay bạn đang làm việc và bạn cho rằng mình không được trả công tương xứng với những giá trị mà bạn mang lại, hãy cân nhắc việc tổ chức công việc riêng của mình. Bạn có thể bắt đầu bằng cách làm việc bán thời gian. Bạn có thể dễ dàng tham gia vào các công ty kinh doanh theo kiểu mạng lưới hay trở thành giáo viên hướng dẫn mọi người những gì bạn biết, hoặc cung cấp dịch vụ tư vấn độc lập cho chính công ty bạn từng làm việc. Lúc này, bạn hãy đề nghị được trả công dựa trên hiệu quả và lợi nhuận thực tế, thay vì dựa trên thời gian của bạn.


TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 12: Người giàu suy nghĩ “cả hai”. Người nghèo nghĩ “một trong hai”.


    Người giàu sống trong thế giới của sự sung túc, còn người nghèo sống trong thế giới của các giới hạn. Trên thực tế, cả hai vẫn cùng sống trong cùng một thế giới vật chất, nhưng sự khác biệt nằm trong cách nhìn của mỗi người.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 28: 

Người giàu tin rằng: “Bạn có thể vừa có chiếc bánh ngọt, lại vừa được ăn chiếc bánh đó”. 

Người trung lưu nói: “Bánh ngọt quá đắt, nên tôi sẽ chỉ có một miếng nhỏ thôi”. 

Người nghèo không tin rằng họ xứng đáng có một chiếc bánh ngọt, nên họ gọi món bánh rán rỗng ruột rồi cứ nhìn vào lỗ thủng đó mà thắc mắc tại sao họ “không có gì”.

    Tôi hỏi bạn, bạn có “chiếc bánh” để làm gì nếu bạn không ăn được? Vậy bạn định làm gì với nó? Đặt lên bàn và ngồi ngắm suốt buổi tối chăng? Bánh ngọt là để ăn và thưởng thức cơ mà. Kiểu suy nghĩ quanh quẩn “chọn cái này hay cái kia” luôn tồn tại trong đầu óc những người tin rằng: “Nếu tôi có nhiều hơn, thì một người nào đó sẽ có ít đi”. Suy nghĩ này không là gì khác ngoài nỗi lo lắng và bản năng tự vệ hình thành trong tâm trí. Thật phi lý khi bạn cho rằng do người giàu trên thế giới tích cóp tất cả tiền bạc nên không còn gì để lại cho những người khác


NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ

1. Hãy tập suy nghĩ và sáng tạo ra những phương cách để có “cả hai”. Bất cứ khi nào bạn phải lựa chọn giữa hai khả năng, hãy hỏi bản thân: “Làm thế nào để có cả hai?”. 

2. Hãy nhận thức rằng tiền bạc luân chuyển sẽ làm tăng giá trị cho cuộc sống của tất cả mọi người. Mỗi khi bạn tiêu tiền, hãy tự nói với mình: “Số tiền này sẽ qua tay hàng trăm người và tạo ra giá trị cho tất cả những người đó”. 

3. Hãy nghĩ về bản thân như một mẫu người tốt bụng, hào phóng, biết yêu thương mọi người, và giàu có!


TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 13: Người giàu chú trọng vào tổng tài sản. Người nghèo chú trọng vào thu nhập từ việc làm.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 29: Thước đo chính xác của sự giàu có là tổng tài sản, chứ không phải thu nhập từ việc làm.

    Người giàu hiểu rõ sự khác biệt khổng lồ giữa thu nhập từ việc làm và tổng tài sản. Thu nhập từ việc làm là yếu tố quan trọng, nhưng chỉ là một trong bốn yếu tố làm nên tổng tài sản của bạn. Bốn yếu tố đó là: 

1. Thu nhập 

2. Tiền tiết kiệm 

3. Các khoản đầu tư 

4. Sự “đơn giản hóa”.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 30: Ở đâu có sự chú tâm và nỗ lực, ở đó sẽ có thành quả.

    Bạn theo dõi tổng tài sản của mình, nghĩa là bạn đang chú tâm vào đó, và do bạn chú tâm vào việc gì thì việc ấy sẽ mang lại kết quả, nên tổng tài sản của bạn sẽ tăng lên. Quy luật này cũng có thể áp dụng cho mọi lĩnh vực khác của cuộc sống: những gì bạn chú tâm và theo dõi ắt sẽ gia tăng.


NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ

1. Hãy tập trung vào cả bốn ẩn số của phương trình tổng tài sản là nâng cao thu nhập, tăng cường tiết kiệm, gia tăng kết quả đầu tư và cắt giảm chi phí sinh hoạt bằng cách đơn giản hóa lối sống của bạn. 

2. Hãy lập bảng cân đối tổng tài sản bằng cách lấy tài sản (tổng giá trị hiện tại của tất cả mọi thứ bạn sở hữu) trừ tiêu sản (tổng giá trị tất cả các món nợ của bạn). Hãy đều đặn theo dõi và điều chỉnh bảng cân đối này mỗi quý. Bạn đừng quên: Những gì bạn chú tâm và theo dõi ắt sẽ gia tăng. 

3. Hãy thuê một nhà hoạch định tài chính thành công từng có kinh nghiệm làm việc với nhiều công ty nổi tiếng và uy tín. Cách tốt nhất để tìm ra một nhà hoạch định tài chính giỏi là hỏi bạn bè hoặc các tổ chức đã biết họ và nhờ giới thiệu.


TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 14: Người giàu quản lý tiền của họ rất giỏi. Người nghèo không biết quản lý tiền của họ.


    Trong cuốn sách bán chạy nhất của mình có tên “Triệu Phú bên cạnh nhà”, tác giả Thomas Stanley đã khảo sát các triệu phú ở khắp nơi thuộc khu vực Bắc Mỹ, sau đó công bố họ là ai và họ đã làm giàu như thế nào. Toàn bộ kết quả có thể được tóm tắt trong một câu ngắn gọn: “Người giàu quản lý tiền bạc của họ rất giỏi”.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 31: Chỉ trừ khi bạn chứng tỏ mình có thể quản lý những gì đang có, bằng không bạn sẽ chẳng có thêm chút gì!

    Bạn phải tập thói quen và kỹ năng quản lý số tiền nhỏ trước khi bạn có thể nhận được số tiền lớn. Hãy nhớ, chúng ta là những sinh vật có thói quen, và vì thế thói quen quản lý tiền bạc của bạn quan trọng hơn số tiền bạn đang có.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 32: Thói quen quản lý tiền bạc của bạn quan trọng hơn số tiền bạn đang có.

Quy Tắc Thịnh Vượng số 33: Hoặc bạn kiểm soát tiền, hoặc tiền kiểm soát bạn. 


     Tiền bạc là phần quan trọng trong cuộc sống của bạn, và khi bạn học được cách kiểm soát tài chính, tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống của bạn cũng sẽ được nâng cao.


NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ 

1. Hãy mở một tài khoản Tự do Tài chính ở ngân hàng và bỏ 10% thu nhập (sau thuế) của bạn vào đó. Số tiền này bạn sẽ không bao giờ được sử dụng để chi tiêu, mà chỉ dùng để đầu tư nhằm đem lại nguồn thu nhập thụ động cho bạn. 

2. Hãy có một ống tiết kiệm ở nhà bạn và bỏ tiền vào đó hàng ngày, có thể là 10 đô-la, 5 đô-la, 1 đô-la, thậm chí 1 xu, hay cũng có thể là toàn bộ số tiền tiêu vặt của bạn. Điều đó sẽ hướng sự chú ý của bạn vào mục tiêu tự do tài chính, và ở đâu có sự chú tâm, ở đó sẽ có kết quả. 

3. Hãy mở Tài khoản Hưởng thụ hay ống tiền dành cho quỹ Vui chơi ở nhà bạn rồi bỏ vào đó 10% thu nhập. Bên cạnh Tài khoản Hưởng thụ và Tài khoản Tự do Tài chính của bạn, hãy mở thêm bốn tài khoản khác và gửi vào đó những số tiền được phân chia dựa trên phần trăm tổng thu nhập của bạn như sau:

10% cho các khoản Tiết kiệm dài hạn dành để chi tiêu 

10% cho tài khoản Giáo dục, học hành 

50% cho tài khoản Nhu yếu phẩm 

10% cho tài khoản phụ 

4. Bất kể bạn đang có bao nhiêu tiền, hãy bắt đầu quản lý chúng ngay từ bây giờ, đừng nên trì hoãn. Ngay cả khi chỉ có một đô-la, bạn cũng phải quản lý một đô-la đó. Hãy bỏ 10 xu vào tài khoản Tự do Tài chính và 10 xu khác vào Tài khoản Hưởng thụ.

Chỉ với một hành động đơn giản này thôi, bạn đã gửi vào vũ trụ thông điệp rằng bạn đã sẵn sàng để đón nhận và quản lý nhiều tiền hơn.


TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 15: Người giàu bắt tiền phải phục vụ mình. Người nghèo làm việc vất vả để kiếm tiền.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 34: Người giàu coi mỗi đô-la như một “hạt giống” có thể gieo trồng để thu hoạch hàng trăm đô-la khác, rồi chúng có thể được gieo trồng tiếp nhằm cho thu hoạch hàng nghìn đô-la khác nữa.


     Bí quyết ở đây là bạn phải có kiến thức về lĩnh vực đầu tư. Hãy làm quen với hàng loạt công cụ đầu tư và công cụ tài chính khác nhau như bất động sản, thế chấp, chứng khoán, trái phiếu, quỹ đầu tư, tỷ giá tiền tệ… cùng hàng loạt khái niệm khác. Sau đó, hãy chọn một lĩnh vực và tìm hiểu thật kỹ lưỡng để nắm vững mọi chi tiết như một chuyên gia thực thụ. Hãy bắt đầu từ lĩnh vực đó và rồi từng bước mở rộng ra các lĩnh vực khác. 


 NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ 

1. Hãy tìm hiểu về hoạt động đầu tư bằng cách tham gia các khóa học về đầu tư, mỗi tháng đọc ít nhất một cuốn sách về đầu tư và các tạp chí về đầu tư, tài chính. Tôi không đề nghị bạn răm rắp tuân theo những lời khuyên của họ, mà tôi khuyến cáo bạn làm quen với các phương án tài chính khác nhau. Sau đó, hãy chọn một lĩnh vực để nghiên cứu thật kỹ càng và bắt đầu đầu tư trong lĩnh vực đó. 

2. Hãy chuyển mối quan tâm của bạn từ các thu nhập “chủ động” sang thu nhập “thụ động”. Tìm kiếm và đề ra ít nhất ba chiến lược nhằm tạo ra nguồn thu mà không cần bạn làm việc, trong cả lĩnh vực đầu tư lẫn kinh doanh. Lập tức nghiên cứu và thực hiện những chiến lược đó. 

3. Đừng chờ đợi để mua bất động sản. Hãy mua bất động sản rồi chờ đợi.


TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 16: Người giàu hành động bất chấp nỗi sợ hãi. Người nghèo để nỗi sợ hãi ngăn cản họ.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 35: Hành động là chiếc cầu nối giữa thế giới bên trong và bên ngoài.

    Tác giả Susan Jeffers đã viết một cuốn sách rất hay về vấn đề này với tựa đề “Cảm nhận nỗi sợ hãi và hành động bằng mọi giá”. Sai lầm lớn nhất mà đa số mọi người thường mắc phải là chờ đợi. Họ hy vọng cảm giác sợ hãi sẽ dần lắng xuống hay biến mất trước khi họ sẵn sàng hành động. Trên thực tế, những người như vậy sẽ phải chờ đợi mãi mãi.

    Một trong các chương trình được biết đến nhiều nhất của chúng tôi là Enlightened Warrior Training Camp (Tạm dịch: Trại Huấn luyện Chiến binh Khai sáng). Trong chương trình đào tạo đó, chúng tôi dạy rằng một chiến binh thực thụ có thể “thuần hóa con rắn hổ mang chúa có tên là Nỗi sợ hãi”, tức là bạn không cần phải giết chết nó, cũng không nên bỏ chạy, mà sẽ “thuần hóa” con rắn hổ mang đó.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 36: Một chiến binh thực thụ có thể “thuần hóa con rắn hổ mang có tên là Nỗi sợ hãi”.

    Trước hết bạn phải ý thức được rằng chúng ta không cần cố gắng thoát khỏi nỗi sợ hãi của mình. Người giàu có và thành đạt cũng có nhiều nỗi sợ hãi, sự nghi ngờ và cảm giác lo lắng, nhưng họ không cho phép những cảm xúc này khiến họ chùn bước. Ngược lại, những người không thành công thường để cho nỗi sợ hãi, sự hoài nghi và cảm giác lo lắng khiến họ dừng chân.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 37: Không nhất thiết phải cố thoát khỏi nỗi sợ hãi mới thành công.

    Việc làm giàu không phải lúc nào cũng thuận lợi, suôn sẻ hay nhanh chóng, dễ dàng. Trên thực tế, đôi khi việc làm giàu là vô cùng vất vả. Nhưng vậy thì sao chứ? Một trong những nguyên tắc sống của người chiến binh đã được khai sáng là: “Nếu bạn chỉ sẵn sàng làm những việc đơn giản, thì cuộc sống của bạn sẽ đầy rẫy khó khăn. Nhưng nếu bạn quyết tâm làm những việc khó khăn, cuộc sống của bạn sẽ đơn giản”. Người giàu không né tránh khó khăn và chọn những công việc dễ làm. Lối sống ấy là lựa chọn của người nghèo và của hầu hết những người thuộc tầng lớp trung lưu.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 38: Nếu bạn chỉ sẵn sàng làm những việc đơn giản, thì cuộc sống của bạn sẽ đầy rẫy khó khăn. Nhưng nếu bạn quyết tâm làm những việc khó khăn, cuộc sống của bạn sẽ đơn giản.

Quy Tắc Thịnh Vượng số 39: Thời điểm duy nhất mà bạn đang thật sự lớn lên là lúc bạn không cảm thấy thoải mái.

Quy Tắc Thịnh Vượng số 40: Rèn luyện và điều khiển trí óc là kỹ năng quan trọng nhất mà bạn có thể học được để có cả hạnh phúc lẫn thành công.


NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ

1. Hãy liệt kê ba nỗi lo lắng, quan tâm hay sợ hãi lớn nhất của bạn liên quan đến tiền bạc và thành công, rồi tìm cách vượt qua cảm giác đó. Hãy viết ra những việc bạn có thể làm, nếu hoàn cảnh khiến bạn lo sợ xảy ra trên thực tế. Bạn vẫn có thể tồn tại chứ? Liệu bạn có thể làm lại tất cả không? Rất có thể câu trả lời sẽ là có. Vậy thì hãy quẳng gánh lo đi và bắt đầu làm giàu!

2. Tập thoát ra khỏi vùng thoải mái của bạn. Cố tình đưa ra những quyết định không thoải mái đối với bạn, chẳng hạn như trò chuyện với những người bình thường bạn không nói, yêu cầu tăng lương tháng của bạn hay tăng giá trong hoạt động kinh doanh của bạn, dậy sớm hơn một tiếng mỗi ngày, đi dạo trong rừng ban đêm… Hãy tham gia chương trình “Enlightened Warrior Training Camp” (Trại Huấn luyện Chiến binh Khai sáng), bởi chương trình này sẽ rèn luyện bạn trở nên vững vàng và không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào! 

3. Hãy sử dụng năng lực tư duy để quan sát bản thân và cách suy nghĩ của bạn. Chỉ thực hiện những suy nghĩ hỗ trợ cho hạnh phúc và thành công của bạn. Hãy gạt bỏ ý nghĩ “Tôi không thể!”, “Tôi không muốn làm” hay “Tôi không có tâm trạng đó!”. Đừng cho phép tiếng nói sợ hãi hay an phận đó chỉ huy bạn. Bất cứ khi nào tiếng nói tiêu cực ngăn cản bạn làm một việc gì đó hỗ trợ cho thành công của bạn, bạn cũng sẽ không thoái lui bởi bạn chính là chủ nhân cuộc sống của mình. Làm như thế, bạn không chỉ gia tăng sự tự tin, mà tiếng nói đó cũng sẽ im lặng dần vì nó nhận ra nó không có nhiều ảnh hưởng đối với bạn.


TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 17: Người giàu luôn học hỏi và phát triển. Người nghèo nghĩ họ đã biết tất cả.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 41: Bạn có thể đúng hoặc bạn có thể là người giàu, nhưng bạn không thể là cả hai.

    Câu nói yêu thích của diễn giả Jim Rohn hoàn toàn phù hợp với vấn đề mà chúng ta đang bàn luận ở đây: “Nếu cứ tiếp tục làm những việc mà bạn vẫn luôn làm, bạn sẽ nhận được những gì mà trước nay bạn vẫn luôn nhận được”. Bạn đã biết cách “của bạn”, vậy điều bạn cần là học hỏi để biết những cách mới, cách “của người khác”. Đó là lý do tại sao tôi viết cuốn sách này. Mục đích của tôi là cung cấp cho bạn một số hồ sơ tâm thức mới để bổ sung vào những cái bạn đã có. “Hồ sơ mới” ở đây là cách suy nghĩ mới, hành động mới, và nhờ đó sẽ đem lại cho bạn những kết quả mới. Đó là lý do tại sao bạn phải liên tục học hỏi và phát triển bản thân.


Quy Tắc Thịnh Vượng số 42: “Người thầy nào cũng từng có lúc kém cỏi.” – T. Harv Eker

Quy Tắc Thịnh Vượng số 43: Để có thu nhập ở mức cao nhất, bạn phải là người giỏi nhất.

    Một điểm khác biệt lớn nữa giữa người giàu với người nghèo và trung lưu. Đó là người giàu thường là chuyên gia trong lĩnh vực của họ. Những người ở tầng lớp trung lưu hiểu biết khá lơ mơ về lĩnh vực của họ, còn người nghèo thì gần như không có chút khái niệm nào về lĩnh vực mà họ đang hoạt động. Còn bạn, bạn hiểu biết đến mức nào đối với những việc bạn đang làm? Bạn thành thạo công việc của mình đến mức nào? Bạn có muốn biết cách tìm hiểu điều đó một cách khách quan không? Hãy nhìn vào thu nhập của bạn – nó sẽ nói cho bạn tất cả.


NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ 

1. Quyết tâm phát triển bản thân bằng cách mỗi tháng đọc ít nhất một cuốn sách, nghe một băng cát-xét hay đĩa về giáo dục cá nhân, hoặc tham gia một khóa học về tài chính, kinh doanh hay phát triển cá nhân. Kiến thức của bạn sẽ được nâng lên cùng với sự tự tin và thành công của bạn! 

2. Hãy cân nhắc việc thuê một nhà huấn luyện cá nhân để hướng dẫn bạn đi đúng lộ trình. 

3. Hãy tham gia khóa học Tư Duy Triệu Phú. Sự kiện kỳ diệu này đã tác động và làm thay đổi cuộc sống của hàng chục nghìn người, và cũng sẽ thay đổi cuộc sống của bạn!


III, Ứng dụng của cuốn sách


Bây giờ bạn phải làm gì và bạn sẽ bắt đầu từ đâu?

   Trong Phần I của cuốn sách, tôi đã giới thiệu khái niệm về kế hoạch tài chính trong tâm thức của bạn – điều sẽ xác định mục tiêu tài chính của bạn. Bạn hãy thực hiện tất cả các bài tập tôi đề nghị trong phạm vi chương trình định hình tâm thức qua lời nói, bắt chước theo khuôn mẫu, quan sát và chiêm nghiệm những sự kiện cụ thể..., qua đó thay đổi kế hoạch tài chính trong tâm thức của bạn sang hướng hỗ trợ bạn, giúp bạn gặt hái thành công về mặt tài chính. Tôi cũng khuyên bạn đọc những lời tuyên bố ở cuối mỗi chương sách, và bạn phải làm như vậy hàng ngày, mỗi ngày.

   Trong Phần II của cuốn sách, tôi liệt kê 17 điểm khác biệt trong suy nghĩ của người giàu so với người nghèo và giới trung lưu. Bạn hãy học thuộc từng “Quy Tắc Thịnh Vượng” đó bằng cách mỗi ngày đều lặp lại những lời tuyên bố trong đó. Công việc đơn giản đó sẽ gắn chặt những nguyên tắc này vào trí óc bạn. Dần dần, bạn sẽ nhận ra mình đã có cái nhìn khác trước về cuộc sống và nhất là tiền bạc, từ đó có những lựa chọn và quyết định mới, và tạo ra những kết quả mới. Để đẩy nhanh quá trình này, bạn hãy luyện tập như tôi đã hướng dẫn trong phần cuối của mỗi chương.

   Những bài tập đó rất cần thiết. Để có kết quả bền vững, nền tảng cơ bản của mọi hoạt động là não bộ của bạn phải được điều chỉnh lại, nghĩa là bạn phải đem các tài liệu đó vào thực tiễn và biến chúng thành những hành động thực tế. Không chỉ đọc suông, cũng không chỉ bàn luận hay suy ngẫm, bạn phải áp dụng những lý thuyết đó vào thực tế cuộc sống để có thành công thực sự. 

   Hãy tỉnh táo trước tiếng nói nội tâm khi bạn nghe thấy những câu đại loại như: “Bài tập gì chứ? Tôi không cần và cũng chẳng có thời gian đâu”. Để ý xem ai đang nói vậy? Đó là tiềm thức của bạn! Việc của nó là giữ bạn ở đúng chỗ cũ, nơi bạn đang đứng, trong vùng thoải mái của bạn. Bạn đừng nghe theo tiếng nói đó! Hãy kiên trì thực hiện các bài tập hành động, đọc to những lời tuyên bố của bạn, và cuộc sống của bạn sẽ tốt đẹp hơn nhiều!


VI, Tổng kết - Cảm nhận cá nhân về cuốn sách

   Cuốn sách Bí mật tư duy triệu phú của tác giả T. Harv Eker không chỉ là một cuốn sách về tài chính, mà còn là một hành trình ý nghĩa đi vào tâm trí và tư duy của con người. Khi đọc cuốn sách này, bạn không chỉ được học cách làm giàu về mặt vật chất mà còn được khám phá và thay đổi tư duy để đạt được thành công toàn diện trong cuộc sống.

   Một điểm đặc biệt của cuốn sách là cách T. Harv Eker mô tả về mối quan hệ giữa tư duy và thành công tài chính. Ông khẳng định rằng, để trở thành triệu phú, ta cần phải bắt đầu từ bên trong, từ việc thay đổi tư duy và niềm tin của bản thân. Cuốn sách đề cập đến những khía cạnh tâm lý, những niềm tin tiềm ẩn và những mô hình tư duy đã hình thành từ quá khứ, tất cả đều ảnh hưởng đến quan điểm của chúng ta về tiền bạc và thành công.

   Không chỉ dừng lại ở việc phân tích vấn đề, cuốn sách còn đi sâu vào các phương pháp và kỹ thuật cụ thể để thay đổi tư duy và hành động. Từ việc thiết lập mục tiêu đến việc quản lý thời gian và tài chính, từ việc kiểm soát tư duy tiêu cực đến việc tạo ra một môi trường thành công, cuốn sách mang lại cho độc giả những công cụ cần thiết để bắt đầu cuộc hành trình của riêng mình.

   Học tập từ  Bí mật tư duy triệu phú không chỉ là việc học hỏi, mà còn là một trải nghiệm sâu sắc về việc tự nhìn nhận và thay đổi bản thân. Điều quan trọng là, cuốn sách không đơn thuần là một bản hướng dẫn, mà còn là một nguồn động viên mạnh mẽ để bạn hành động và thay đổi cuộc đời của mình.



Tóm tắt bởi: Ngọc Bích/ Jade Xinh - Bookademy

Hình ảnh: Ngọc Bích/ Jade Xinh

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.




----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,670 lượt xem

lh-fulllh-x