Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Tóm Tắt & Review Sách] "Dám bị ghét": Làm thế nào để con người có thể sống hạnh phúc?

Có bao giờ bạn tự hỏi liệu bạn có đang hạnh phúc? Bạn có hài lòng về những gì mình đang có? Hay bạn đang lạc lõng giữa dòng đời đầy tấp nập mà không biết bản thân mình sẽ làm gì? Bạn đánh mất tự tin và đang trên đường tìm lại chính mình? Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề trên thì “Dám bị ghét” chính là cuốn sách dành cho bạn. “Không phải là chúng ra thiếu năng lực. Chúng ta chỉ thiếu “can đảm” mà thôi. Tất cả đều là vấn đề can đảm” (Trích Dám bị ghét – Kishimi Ichiro & Koga Fumitake).

Giới thiệu đôi nét về tác giả và tác phẩm

Dám bị ghét là cuốn sách được viết bởi hai tác giả người Nhật là Kishimi Ichiro và Koga Fumitake. Kishimi Ichiro là nhà triết học, sinh năm 1956 tại Kyoto. Năm 1989 ông bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu triết học và tâm lý học Adler, từng viết tác phẩm Nhập môn tâm lý học Adler. Cuốn sách Dám bị ghét cũng được dựa trên triết học và tâm lý học Adler này.

Đồng tác giả là Koga Fumitake, một người viết tự do, sinh năm 1973. Sở trường của ông là những tác phẩm đối thoại, vấn đáp. Dựa trên những cuộc đàm đạo với Kishimi Ichiro, ông đã vận dụng thể loại đối thoại trong triết học Hy Lạp cổ điển để viết nên cuốn sách này. Do đó, từ đầu đến cuối cuốn sách là cuộc đối thoại giữa chàng thanh niên và triết gia không tên. Không cần nội dung hấp dẫn, kịch tích, chỉ là cuộc đối thoại giữa hai người có quan điểm sống khác nhau mà đem đến cho độc giả nhiều bài học, triết lý sống bổ ích và cần thiết. Mong rằng những tâm hồn nào chênh vênh sẽ tìm ra chân lý sống cho mình khi thả hồn vào những câu nói của triết gia, vào những cái vỡ lẽ của chàng thanh niên. Ngoài ra, các bạn còn có thể tìm đọc thêm cuốn sách Dám hạnh phúc được viết bởi 2 tác giả trên, tiếp nối cuộc đối thoại giữa chàng thanh niên và triết gia sau 3 năm chàng thanh niên sống theo tâm lý học Adler.

Xuyên suốt cuốn sách Dám bị ghét chỉ là cuộc đối thoại giữa chàng thanh niên và triết gia chỉ trong 5 đêm. Ban đầu, chàng thanh niên tìm đến triết gia với tình trạng đánh mất đi bản thân, thế giới chỉ như một cõi hỗn mang đầy mâu thuẫn, không hề có hạnh phúc. Nhưng sau 5 đêm trò chuyện, chàng thanh niên dần hiểu ra nhiều điều, nhìn nhận lại được giá trị đúng đắn của bản thân, tìm lại được những gì mình đã mất.

Đêm thứ nhất: Hãy phủ nhận sang chấn tâm lý

Tại đêm này, chúng ta sẽ nhận thấy được cách sống không bị quá khứ chi phối, con người chỉ đang nguỵ tạo và tìm nguyên nhân từ những điều khác để biện minh cho những hành động của mình mà quên đi chính bản thân mình. Triết gia chỉ ra rằng, những gì chúng ta thể hiện ra chính là do chúng ta muốn như vậy. Bạn cô đơn, bạn buồn bã, tức giận hay bạn lạc quan, vui vẻ đều là do chính bạn muốn như vậy. Quá khứ không phải là tiêu chuẩn để đánh giá con người của bạn bây giờ. “Con người không được tạo ra bởi trải nghiệm của bản thân trong quá khứ, mà bởi ý nghĩa chúng ta gán cho những trải nghiệm đó”. Giả sử như bạn từng sống trong gia đình nghèo khó, không có đủ tiền cho bạn học hành, nhưng nếu hiện tại bạn vẫn có thể tự lập, tự kiếm ra tiền nuôi sống bản thân và bố mẹ thì bạn sẽ thấy quá khứ chính là những khó khăn mà bạn phải vượt qua, chính hoàn cảnh khốn khó đã khiến bạn mạnh mẽ hơn rất nhiều. Nhưng nếu hiện tại bạn vẫn khổ sở, kiếm không ra tiền thì sao? Bạn sẽ oán trách rằng chính hoàn cảnh sống khốn khó đã kìm hãm bước chân của bạn, rằng bạn đáng ra không nên sinh trong gia đình nghèo khó như thế. “Cuộc đời không phải thứ được kẻ khác định đoạt mà do chính mình lựa chọn, sống như thế nào là do chính bản thân mình”.

Chúng ta tự chọn lối sống của mình ở mọi thời điểm. Sẽ có những lúc chúng ta rơi vào bế tắc, muốn thay đổi bản thân nhưng vẫn không làm được, chúng ta sẽ thường có xu hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh mà chưa thật sự nhìn vào chính mình. Con người không thể thay đổi là vì con người không ngừng quyết tâm không thay đổi lối sống của mình. Bởi chúng ta đã quen với lối sống đó, giống như việc chúng ta quen với việc đang làm ở công ty, dù lương bổng thấp, công việc nhàm chán nhưng lại không dám tìm công việc mới, bởi chúng ta không biết được công việc mới có phù hợp với bản thân hay không, không biết môi trường làm việc có an toàn hay không. Vì chúng ta không biết được những gì sẽ xảy ra trong tương lai, nên chúng ta sẽ thấy hiện tại như thế này là ổn, là an toàn. Do đó, khi muốn thay đổi lối sống, chúng ta cần rất nhiều can đảm.

Đêm thứ hai: Mọi phiền muộn đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người

Trong chương này, triết gia đã chỉ ra cho chúng ta biết về những khái niệm đặc biệt: cảm giác tự ti, phức cảm tự ti, phức cảm tự tôn, nhiệm vụ cuộc đời, lời nói dối cuộc đời. Ví dụ như cảm giác tự ti xuất hiện khi chúng ta quá chú tâm vào những khuyết điểm của bản thân, so sánh giữa mình với người khác để rồi thấy bản thân mình thấp kém hơn. Nhưng thật ra, nỗi tự ti chỉ là những suy diễn mang tính chủ quan. Chúng ta hoàn toàn có thể tự lựa chọn những đặc điểm của bản thân mình là ưu điểm hay nhược điểm. Nếu là nhược điểm, hãy biến chúng thành động lực để phát triển bản thân thành phiên bản tốt hơn, nếu là ưu điểm, hãy tìm ra cách để phát huy nó. Còn phức cảm tự tôn là “hành động như thể mình vượt trội, chìm đắm trong cảm giác tự tôn giả tạo”. Con người không chỉ phô trương về những gì họ có, mà còn phô trương những gì họ không có. Họ luôn cường điệu hoá mọi thứ của họ lên như việc khoe mẽ họ có bao nhiêu tiền, đạt được những thành tựu gì,… kể cả than khóc rằng họ khổ như nào, bất hạnh ra sao,… Mục đích chính là họ muốn họ trở nên đặc biệt, luôn được mọi người chú ý…

Ai cũng đều có nhu cầu muốn thể hiện, đều kỳ vọng vào những gì mình làm, đều muốn đạt được thành quả nào đó trong đời, bởi đây chính là nhu cầu cao nhất trong tháp nhu cầu của Maslow. Chính những nhu cầu đó đã thúc đẩy mỗi người có một lý tưởng, lối đi khác nhau, nhờ đó mà những thành quả họ đạt được cũng khác nhau. Nhưng chúng ta không cần phải cạnh tranh với ai cả, chúng ta chỉ cần không ngừng tiến lên. “Chúng ta không giống nhau nhưng lại bình đẳng với nhau”, vấn đề ở sức mạnh ý chí của chúng ta tới đâu và cách chúng ta đối diện với thực tế xã hội như thế nào.

Đêm thứ ba: Bỏ qua nhiệm vụ của người khác

Chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác. Nếu chúng ta quá để ý đến sự phán xét hay sự công nhận từ người khác thì chúng ta sẽ không thể nào được sống đúng với chính bản thân mình, nói cách khác là chúng ta đang sống cuộc đời của người khác mà không phải sống vì mình. Suy cho cùng, chúng ta chỉ sống vì chính bản thân mình. Mọi hành động đều do ý muốn của bản thân, nên dù người khác hành động không đúng với ý muốn của mình, thì cũng đừng nên tức giận, vì họ chỉ đang sống theo ý muốn của họ. Đây cũng là một trong những triết lý mà triết gia đề cập đến trong chương này.

Triết gia cũng chỉ ra một khái niệm mới là “phân chia nhiệm vụ”. Mỗi người đều có việc riêng phải làm và chúng ta không can thiệp vào nhiệm vụ của người khác. “Hầu hết những rắc rối trong quan hệ giữa người với người nảy sinh là do can thiệp vào nhiệm vụ của người khác hoặc bị người khác can thiệp vào nhiệm vụ của bản thân”. Ví dụ việc học hành của trẻ con là của trẻ con, cha mẹ không nên bắt ép con cái học hành theo ý thích của mình. Nhưng ở đây không khuyến khích thái độ vô trách nhiệm. Cha mẹ không bắt ép không có nghĩa là cha mẹ không quan tâm đến việc học của con, họ cần phải giải thích cho con biết rằng việc học hành đàng hoàng có ích gì cho con cái, nếu con cái cần gì thì họ sẵn sàng giúp đỡ. Điều này không chỉ giới hạn ở quan hệ cha mẹ và con cái, nó chính là điều tất yếu trong cuộc sống. Bởi dù bạn có can thiệp vào cuộc sống của người khác, người đó cũng chẳng thể thay đổi theo ý định của bạn, chỉ họ mới có thể thay đổi được chính họ.

Do đó, chúng ta cần tách bạch nhiệm vụ của mỗi người, tập trung vào việc phát triển bản thân mình và bỏ qua những nhận xét từ người khác để theo đuổi trọn vẹn cuộc sống của mình. “Không sợ bị ghét mà cứ tiến lên phía trước. Không sống như hòn đá lăn xuống dốc mà gắng leo lên con dốc trước mặt. Đó chính là tự do đối với con người”.

Đêm thứ tư: Trung tâm thế giới nằm ở đâu

Ở chương này, triết gia đã phân tích cho chàng thanh niên sâu hơn về cách xây dựng mối quan hệ giữa người với người theo cách nhìn nhận của tâm lý học Adler. Theo đó, cội nguồn của bất hạnh chính là quan hệ giữa người với người nhưng đây cũng chính là cội nguồn của hạnh phúc. Chúng ta chỉ là một phần cực kỳ nhỏ bé trong thế giới rộng lớn, vì vậy chúng ta không phải là trung tâm của thế giới. Việc tập trung vào bản thân không phải là ích kỷ chỉ nghĩ cho bản thân mà quên đi người khác, thay vì nghĩ “người khác có thể làm gì cho mình” thì chúng ta nên nghĩ rằng “mình có thể làm gì cho họ”. Giống như việc chúng ta giúp đỡ người khác và nhận lại được lời cảm ơn từ họ, điều đó xuất phát từ lòng biết ơn chân thành, và việc chúng ta giúp đỡ người khác xuất phát từ lòng tốt thật sự của chúng ta, chứ không phải chúng ta “tốt” để thể hiện với người khác.

Triết gia cũng nhấn mạnh mối quan hệ giữa người với người là ngang hàng. Chúng ta không thể đánh giá giá trị người khác, mỗi tồn tại của mỗi người điều có ích trong cuộc sống. Khi đặt mọi người xung quanh ở mối quan hệ ngang hàng, chúng ta sẽ biết cách tập trung vào nhiệm vụ của bản thân và sẽ cảm thấy có giá trị hơn trong cộng đồng. Điều này có vẻ khó hiểu nhưng với những thắc mắc, phản bác từ chàng thanh niên và cách giải thích, dẫn dắt của triết gia trong cuốn sách Dám bị ghét sẽ khiến bạn dễ dàng hiểu hơn về điều này.

Đêm thứ năm: Sống hết mình “ngay tại đây, vào lúc này”

Tại đây, triết gia nhấn mạnh rằng việc tập trung vào bản thân không phải là khẳng định bản thân mà là chấp nhận bản thân. Như đã nói ở chương 2 (Đêm thứ hai), việc chúng ta chấp nhận những nhược điểm của bản thân chính là chấp nhận bản thân mình. Nếu chúng ta bình thường, không có điểm gì nổi bật như thông minh, khéo ăn nói, có tài lẻ, có vẻ ngoài xinh đẹp,… thì hãy chấp nhận là chúng ta bình thường. Bởi chúng ta không thể vứt bỏ bản thân mình, do đó chúng ta cần phải thay đổi cách nhìn về bản thân, nghĩa là thay đổi cách sử dụng nó. Một khi đã chấp nhận bản thân, chúng ta sẽ không cần phải ganh đua với bất kỳ ai và cũng không cần phải sống theo những quy chuẩn từ miệng người khác. Ví dụ như bạn nhận kết quả kiểm tra kém, thì điều đầu tiên bạn phải làm là chấp nhận bản thân mình yếu kém, từ đó đưa ra biện pháp để cải thiện điểm số. Quan trọng là bạn có đủ can đảm để chấp nhận bản thân hay không, bởi đối mặt với chính mình luôn là điều khó khăn nhất.

Thêm vào đó, triết gia còn chỉ ra chúng ta cần tin tưởng người khác, tin tưởng mà không đặt ra điều kiện gì. Việc tin tưởng không điều kiện có thể là hành động ngu ngốc, có thể chúng ta sẽ bị lợi dụng nhưng sự lựa chọn bị lợi dụng không phải do chúng ta, việc chúng ta có thể làm là “mình nên làm gì”. Mục đích của sự tin tưởng là có được mối quan hệ sâu sắc với người khác. “Chỉ khi nào ta can đảm bước vào một mối quan hệ sâu sắc hơn bằng cách “tin tưởng vào người khác” thì khi ấy niềm vui trong mối quan hệ với người khác mới lớn lên và niềm vui trong mối quan hệ với người khác mới lớn lên và niềm vui sống cũng tăng theo”. Bởi ngược lại với tin tưởng là hoài nghi, chúng ta không thể nào yên ổn và an nhiên khi luôn hoài nghi mọi thứ. Kể cả khi ta bị lợi dụng vì lòng tin, ta chỉ cần chấp nhận bản thân, buồn khi cảm thấy buồn vì càng lảng tránh tổn thương, ta càng bị ràng buộc và càng không thể tạo dựng mối quan hệ sâu sắc với bất kỳ ai.

Cuộc đời là những khoảnh khắc tiếp nối”. Từng mùa đến rồi lại đi, ngày lại thay đêm, có nhiều người xuất hiện trong đời chúng ta rồi lại ra đi không câu tạm biệt,… Dù ta có tổn thương, có buồn bã, có hối tiếc đi chăng nữa thì không vì thế mà ta nán lại ở khoảnh khắc đó, chính xác hơn là không thể. Điều chúng ta cần làm là chấp nhận và tiếp tục bước tiếp, còn rất nhiều điều mới mẻ mà ta không biết đang đợi ta ở phía trước. Chúng ta chỉ cần can đảm để bước qua và sống hết mình cho hôm nay. Hãy tập trung vào hiện tại, chúng ta không hình thành bởi những gì xảy ra trong quá khứ, chúng ta sống ở hiện tại, chính hiện tại hình thành nên con người chúng ta trong tương lai.

Tóm lại

Dám bị ghét là cuốn sách triết lý đầy sâu sắc nhằm thức tỉnh bản thân. Mình tin là bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho những rắc rối trong lòng sau khi đọc xong cuốn sách này. Bởi ngay khi bạn lựa chọn đọc Dám bị ghét, bạn đã có thay đổi bản thân. Hãy mở lòng và đón nhận những thông điệp đó. Hãy chấp nhận bản thân, cản đảm để hạnh phúc và can đảm để dám bị ghét. Chỉ khi dám bị người khác ghét bỏ, chúng ta mới có được tự do, có được hạnh phúc.

Tóm tắt bởi: Ngọc Diệp - Bookademy

Hình ảnh: Ngọc Diệp

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

899 lượt xem

lh-fulllh-x