Vu Le Thuy@Viện Sách - Bookademy
năm ngoái
[Tóm tắt & Review sách] “Đời Thừa”: Khúc Bi Ca Của Những Người Cùng Khổ
Nhắc đến Nam Cao, người ta thường nhớ đến điều gì đau đớn lắm, những Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc, Lang Rận,... cứ lần lượt xuất hiện dưới ngòi bút của ông, ngòi bút không viết ra thứ “ánh trăng lừa dối” mà chỉ viết vì những kiếp người thấp cổ bé họng bị nỗi đời oan trái vùi dập đến mức chẳng còn quyền được sống cho ra con người. Không chỉ dựng lên bức tranh nông thôn Việt Nam những năm 1940 - 1945 nghèo túng và đầy bế tắc, Nam Cao còn ghi chép lại những hình ảnh chân thật đến đau thương, buồn thảm của tầng lớp trí thức tiểu tư sản, những “vô sản đeo cổ cồn” với những tháng ngày mòn mỏi xám xịt đầy nhức nhối. Và Đời thừa, với vỏn vẹn hơn 10 trang giấy đã cho chúng ta thấy được những bi kịch tinh thần đầy chua chát bóp nghẹt lấy những “kiếp sống muốn bay cao nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất.” (Nam Cao)
1. Nhà văn của những người cùng khổ
Nam Cao là bút danh của nhà văn - nhà báo - liệt sĩ Trần Hữu Tri. Ông sinh ngày 29/10/1915, nguyên quán ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Đây không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn của nhà văn mà còn là nơi ra đời những nguyên mẫu nhân vật nổi tiếng làm nên tên tên tuổi và sự nghiệp văn chương của ông sau này như: Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, Lão Hạc, Lang Rận, Trạch Văn Đoành…
Có lẽ hiếm người biết rằng, Nam Cao bắt đầu sự nghiệp văn chương bằng thơ và truyện ngắn lãng mạn, nhưng phải đến khi Đôi lứa xứng đôi (sau này in lại ông đã đổi thành “Chí Phèo”) ra đời vào năm 1941 thì phong cách nghệ thuật cùng tư duy văn học sắc sảo đậm chất hiện thực của ông mới được khơi dòng. Chính từ tác phẩm này, ngòi bút của Nam Cao đã nhanh chóng bắt được mạch đời, tuôn trào mạnh mẽ và để lại một gia tài đầy giá trị với những truyện ngắn, tiểu thuyết ngồn ngộn chất hiện thực (Chí Phèo, Lão Hạc, Một đám cưới, Một bữa no, Lang Rận, Tư cách mõ, Đời thừa, Sống mòn, Giăng sáng,...) khắc họa từng ngóc ngách sâu hiểm nhất của xã hội thời bấy giờ bằng cả tài năng và tấm lòng nhân hậu của tác giả. Đằng sau giọng văn có phần vô tình, lạnh lùng, dửng dưng, tưởng như châm biếm, cười cợt trên những số phận hẩm hiu, bị người đời xa lánh lại là nỗi lòng cảm thương sâu sắc với “đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than”, là khát khao cứu lấy, giữ lấy cái gọi là ánh sáng lương tri, nhân phẩm con người. Có lẽ vì ngòi bút của Nam Cao đã chạm tới cái cơ bản mà văn chương mọi thời đều hướng tới nên các sáng tác của Nam Cao mới có sức sống lâu bền và ám ảnh trong trái tim và tâm hồn của những người yêu văn nhiều thế hệ.
2. Đời thừa: Khúc bi ca của những người cùng khổ
Đời thừa là truyện về một nhà văn nghèo bất đắc dĩ. Tác phẩm xoay quanh cuộc sống của Hộ - một người luôn hướng tới sự toàn mỹ trong việc sáng tạo nghệ thuật và luôn cố gắng giữ lấy lý tưởng sống của mình. Nhưng Hộ không chỉ có bản thân mình và những con chữ, bằng tấm lòng nghĩa hiệp, hắn đã “cúi xuống nỗi đau khổ” của Từ - một người con gái bị tình nhân bỏ rơi cùng với đứa con mới đẻ. Giữa lúc Từ “đau đớn không bờ bến”, Hộ đứng ra cứu lấy danh dự của nàng, cho nàng một gia đình, mang cho nàng bao nhiêu là ân nghĩa.
Nhà văn Hộ là nhân vật đại diện cho những người trí thức nghèo trong xã hội đương thời, họ đều có khát khao, hoài bão, lý tưởng muốn thực hiện nhưng đều vì chuyện cơm áo gạo tiền mà đánh rơi ước vọng của chính mình, trở thành kiểu người mà bản thân ghét nhất. Ở trong tâm khảm của Hộ hay cũng chính là thế hệ 1930 khi đó đều khắc sâu niềm khao khát được làm đầy trái tim, khao khát được sống mạnh mẽ, sâu sắc, chói sáng, vượt lên trên cái bằng phẳng tầm thường, sự ghê sợ điệu sống mòn mỏi, đơn điệu, vô vị…
Rõ ràng, đề tài về những người “lao động áo trắng” này thực không mới, Nguyễn Tuân, Tản Đà,...đều đã viết về tình cảnh buồn thảm của kẻ cầm bút, hay chính Xuân Diệu đã phải thốt lên: “Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt - Cơm áo không đùa với khách thơ”. Bên cạnh Sống mòn hay Giăng sáng, Đời thừa là những nét bút chân thực và sắc sảo của Nam Cao góp vào bức tranh về tầng lớp trí thức tiểu tư sản thời bấy giờ, làm cho hình ảnh vừa bi vừa hài của lớp người này trở nên đầy ám ảnh. Ông đã không thi vị hoá nỗi buồn của những người tiểu tư sản mà viết chúng bằng máu và nước mắt của một người thấm thía được những trăn trở băn khoăn của nghề viết, hiểu đến sâu sắc sự chua xót và cay nghiệt của cuộc đời với người cầm bút.
3. Đời thừa: bi kịch từ tình thương
Hộ là một kẻ yêu văn. Chính hắn đã chia sẻ cái nỗi lòng ấy cho người vợ của mình:
“Nghĩ cho kỹ, đời tôi không đáng khổ mà hóa khổ, chính tôi làm cái thân tôi khổ, tôi mê văn quá nên mới khổ. Ấy thế, mà tuy khổ thì khổ thật, nhưng thử có người giàu bạc vạn nào thuận đổi lấy cái địa vị của tôi, chưa chắc tôi đã đổi.
Tôi cho rằng: những khi được đọc một đoạn văn như đoạn này, mà lại hiểu được tất cả cái hay, thì dẫu ăn một món ăn ngon đến đâu cũng không thích bằng.”
Là một kẻ say mê con chữ, Hộ “khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất” và “đói rét không có nghĩa lý gì với một gã trẻ tuổi say mê lý tưởng”. Trong mắt hắn, cái khổ không nằm trong sự thiếu thốn về vật chất, cái khổ là khi anh chẳng vun đắp được cho cái tài và hoài bão lớn của mình. Hộ căm ghét lối văn “mì ăn liền” được viết một cách vội vã không chút kỳ công, hắn muốn tác phẩm mình viết ra phải khiến độc giả đi suốt đời cũng không quên được.
Nhưng “hoài bão lớn” ấy của Hộ lại bị chặn đứng bởi cái gọi là “tình thương”, trước số phận đau khổ của Từ, Hộ không thể coi nghệ thuật là tất cả mà đã hành động như một con người chân chính. Từ khi “ghép cuộc đời của Từ vào cuộc đời của hắn, hắn có cả một gia đình phải chăm lo”. Hộ phải ra sức kiếm tiền. Và “những bận rộn tẹp nhẹp, vô nghĩa lí nhưng không thể không nghĩ tới, ngốn một phần lớn thì giờ của hắn”.
Nhưng không phải chỉ thì giờ. Hắn phải kiếm tiền, và với khả năng của hắn, cách kiếm tiền duy nhất là phải sáng tác - Hộ không thể viết văn một cách thận trọng, nghiêm túc được nữa mà phải “cho in những cuốn văn viết vội vàng (...) phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc”. Và đây cũng là lúc tấn bi kịch đầu tiên của Hộ bắt đầu, không phải hắn không được viết mà hắn phải viết ra thứ văn chương mà một kẻ say mê nghệ thuật chân chính và có lương tâm nghề nghiệp như hắn không thể nào chấp nhận được. Hắn đã phản bội lại chính mình. Chính Hộ cũng tự chửi mắng mình là một kẻ bất lương, một tên khốn nạn mỗi khi đọc lại những gì mình viết. Dường như người nghệ sĩ trong Hộ đã chết khi hắn cay đắng nhận ra mình là “một kẻ vô ích, một người thừa” khi “chẳng đem một chút mới lạ gì đến cho văn chương”, khi hắn phải viết “toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn rất bằng phẳng và dễ dãi”.
“Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương. Nhưng cẩu thả trong văn chương, thì thật là đê tiện.”
Đó không phải là bi kịch của một nhà văn không thành công hay là cơn vỡ mộng văn chương của những chàng tỉnh lẻ, đó là nỗi đau siết chặt tâm can của một con người có ý thức sâu sắc về sự sống, muốn vươn tới một cuộc sống có ý nghĩa nhưng lại bị nhấn chìm trong lối sống mà anh ta vẫn luôn khinh ghét. Xoáy sâu vào bi kịch tinh thần này, Nam Cao lên án mạnh mẽ cái hiện thực tàn nhẫn đã tước đi mọi ước mơ, hoài bão của con người, đồng thời bày tỏ sự suy tư, trăn trở về chỗ đứng của người nghệ sĩ giữa cuộc đời: sự giằng co giữa cái đẹp và nỗi lo cơm áo thường ngày tựa như định mệnh ám ảnh, gắn chặt không thể buông với người cầm bút.
4. Đời thừa: bi kịch của một kẻ coi tình thương là đạo lý, nguyên tắc sống nhưng lại vi phạm vào chính đạo lý, nguyên tắc thiêng liêng đó
Hộ có thể từ bỏ vợ con để được giải thoát, để rảnh rang theo đuổi cái mộng văn chương mà hắn vẫn luôn ôm ấp. Nhưng dù nỗi đau đớn vì “đời thừa” có to lớn đến đâu, nỗi mong mỏi được giải thoát có mãnh liệt đến đâu thì Hộ vẫn không thể ác, phải, hắn có thể làm thế lắm chứ, hắn có thể "hi sinh tình yêu, thứ tình yêu vị kỉ đi; nhưng hắn không thể bỏ lòng thương; có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát, tầm thường, nhưng hắn vẫn còn được là người".
Cái gốc nhân đạo sâu vững của Nam Cao nằm ở chỗ ấy, khi người nghệ sĩ đã xác định tình thương là tiêu chuẩn của tư cách làm người, không có tình thương, con người chỉ là “con quái vật bị sai khiến bởi lòng tự ái”. Hộ đã dứt khoát đặt trách nhiệm lên trên tất thảy, hy sinh cái lẽ sống đầu tiên là nghệ thuật cho lẽ sống thứ hai - tình thương, dẫu cho sự hy sinh này quá đỗi đau đớn. Cũng giống như lời phát biểu của Hộ về một tác phẩm thật giá trị, “hoài bão lớn” của hắn không chỉ là nỗi niềm say mê nghệ thuật vị nghệ thuật mà còn là thứ văn chương chân chính, đam mê khẳng định cá nhân gắn liền với trách nhiệm xã hội, hướng theo lý tưởng nhân loại tiến bộ.
“Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn.”
Hộ từ bỏ nghệ thuật không phải từ bỏ một đam mê, sở thích tội lỗi. Nghệ thuật với đời hắn có ý nghĩa cao cả, thiêng liêng hơn nhiều, chính vì vậy, ngay cả khi đã đưa ra lựa chọn hy sinh, tự sâu trong tâm khảm hắn vẫn không thể yên tâm thanh thản mà vẫn nhức nhối đau khổ, lúc ngấm ngầm âm ỉ, lúc lại nhói lên đầy dữ dội - Hộ bị giày vò bởi mặc cảm rằng mình đang sống một cuộc đời thừa thãi, hắn làm sao có thể chịu đựng cái tình cảnh u uất đó? Ấy vậy mà gánh nặng cơm áo chẳng hề nhẹ đi mà cứ ngày càng nặng thêm mãi: “Đứa con này chưa kịp lớn lên, đứa con khác đã vội ra, mà đứa con nào cũng nhiều đẹn, nhiều sài, quấy rức, khóc mếu suốt ngày đêm và quanh năm uống thuốc”. Và chúng chẳng những làm tiêu tan hy vọng về sự nghiệp của Hộ mà còn thường xuyên phá hoại sự yên tĩnh, thư thái của tâm hồn là điều rất quan trọng đối với người trí thức sáng tạo.
“Hắn còn điên lên vì con khóc, nhà không lúc nào yên tĩnh để cho hắn viết hay đọc sách. Hắn thấy mình khổ quá, bực bội quá. Hắn trở nên cau có và gắt gỏng. Hắn gắt gỏng với con, với vợ, với bất cứ ai, với chính mình. Và nhiều khi, không còn chịu nổi cái không khí bực tức ở trong nhà, hắn đang ngồi bỗng đứng phắt lên, mắt chan chứa nước, mặt hầm hầm, vùng vằng đi ra phố, vừa đi vừa nuốt nghẹn”.
Hắn lao ra phố để quên đi hiện thực tàn nhẫn và ngột ngạt, hắn muốn trò chuyện với một người bạn văn chương nào đó để vơi bớt nỗi lòng, nhưng chẳng đi đâu trốn được bản thân mình, Hộ chỉ càng nung nấu thêm tâm sự và lại tìm đến sự giải sầu giải uất trong men rượu. Nhưng rượu thì chỉ khiến hắn càng thấm thía nỗi khổ sở đắng cay của kiếp đời mòn mỏi, hắn trút nó vào vợ con mà hắn thấy là nguồn gốc trực tiếp của tình cảnh bế tắc của đời mình. Con người giàu tình thương, đã từng hy sinh những gì quý giá, thiêng liêng của mình cho tình thương và trách nhiệm đối với vợ con đó, đã hơn một lần đối xử phũ phàng thô bạo với vợ con mình, như một gã vô học. Hắn đã khiến Từ phải khổ tâm - người vợ rất đáng thương, “rất ngoan, rất phục tùng, rất tận tâm” đối với hắn và cũng khổ sở không kém gì hắn. Hộ đã vi phạm vào nguyên tắc, đạo lý làm người cao nhất của chính mình.
Bi kịch đầu tiên tuy đau đớn đấy, nhưng còn lý do để an ủi: do hoàn cảnh mà Hộ không thể thực hiện được hoài bão. Còn bi kịch thứ hai này lại đau đớn hơn thế, nhưng chẳng còn lý do nào để biện hộ nữa. Tỉnh rượu, nhớ lại hành vi của mình, Hộ hối hận tới đau đớn. Khi rón rén bước lại gần người vợ đang nằm bế con ngủ mệt trên võng, nhận ra từ cái “dáng nằm thật là khó nhọc và khổ não”, “cái tướng vất vả lộ ra cả đến trong giấc ngủ”, từ khuôn mặt xanh xao, có cạnh, có đôi mắt thâm quầng, đến bàn tay “xanh trong xanh lọc”, “lủng củng rặt những xương”…, tất cả đều “lộ một cái gì mềm yếu, một cái gì ẻo lả”, “một vẻ bạc mệnh, một cái gì đau khổ và chật vật”, Hộ đã “khóc nức nở”, nước mắt “bật ra như nước một quả chanh mà người ta bóp mạnh”… Hắn đau đớn vì nghĩ đến lối cư xử tồi tệ của mình đối với người vợ đáng phải được hắn an ủi, che chở đó… Hắn không thể nào tha thứ cho mình.
- Anh… anh… chỉ là… một thằng… khốn nạn!…
- Không!… Anh chỉ là một người khổ sở!… Chính vì em mà anh khổ…
Và như M.Gorki đã viết “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”, có lẽ những giọt nước mắt rơi xuống trong tình cảnh khốn cùng đó giống như những hạt bụi vàng lấp lánh của Đời thừa, đó là khi hai bi kịch lớn nhất của Hộ giao nhau cùng một điểm, hắn không thể từ bỏ nguyên tắc làm người để sống một cuộc đời chân chính, cũng như không thể cân bằng nổi giữa tình thương và cơm áo gạo tiền.
Nam Cao thường nhắc nhiều đến “nước mắt” trong tác phẩm của mình. Giống như Điền, Thứ,... Hộ là kiểu nhân vật tiểu tư sản có không ít những tật xấu và lỗi lầm, nhưng chính họ cũng luôn bị giày vò bởi sự hối hận về sai lầm của bản thân. Đó không phải là sự hối hận vờ vịt, ồn ào đủ để xoa dịu cái lương tâm rách nát để rồi vẫn buông mình theo cái xấu, đó phải là sự giằng xé tới máu chảy đầm đìa của những tâm hồn trung thực, luôn khát khao hướng thiện. Dẫu cho bị đẩy vào bước đường cùng, dẫu cho lương tâm bị xã hội và hiện thực tàn nhẫn chà đạp, nhân vật của Nam Cao vẫn luôn vật vã quằn quại hướng về ánh sáng, bởi lẽ đó chính là thiên chức của một nhà văn, phải lên án cái ác và dứt khoát bảo vệ tình thương, bảo vệ cái nhân phẩm, cốt cách làm người.
Suy cho cùng, Hộ đáng thương hay đáng trách? Hay nếu có trách, chỉ trách “Ai làm cho khói lên giời - Cho mưa xuống đất, cho người biệt ly - Ai làm Nam Bắc phân kỳ - Cho hai hàng lệ đầm đìa tấm thân” đã khiến cho người trí thức nghèo rơi vào vòng xoáy không lối thoát, và liệu có con đường nào cho những người nghệ sĩ đi ra khỏi những bi kịch xám xịt, những mảnh đời thừa thãi chẳng giá trị hay không?
5. Đời thừa - một tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn Nam Cao
Bên cạnh việc mô tả trọn vẹn và sâu sắc hình ảnh thê lương, buồn bã của người trí thức tiểu tư sản, Đời Thừa thật sự là một tác phẩm mang tính luận đề và là cái cốt lõi trong tư tưởng văn học của Nam Cao.
Bằng một giọng văn chua chát và buồn bã, tác giả viết về người trí thức bằng nỗi lòng của một người trí thức, hạnh phúc có, đau khổ có, tình yêu có mà đắng cay bế tắc cũng có. Liệu có phải Nam Cao cũng đang đặt bút viết về chính đời mình, chính cái thế hệ tiểu tư sản nghèo của xã hội đương thời, u uất bất mãn với xã hội nhưng không có cách nào để giải thoát cho bản thân. Xây dựng nhân vật Hộ, ông không quan tâm đến việc phải ghi dấu cho đứa con tinh thần một tính cách độc đáo hay khác biệt mà tập trung đi sâu vào diễn biến tâm lý nhân vật và làm nổi bật tấn bi kịch tinh thần của Hộ bằng ngòi bút tinh tế, khéo léo mà không phải tài năng cùng thời nào cũng có được. Ông khai thác từ những thứ tưởng như rất đỗi dung dị, tầm thường, nhưng chính sự tầm thường đó lại là những gông xiềng xiết chặt lấy linh hồn của lớp trí thức tiểu tư sản, trở thành những mê cung không lối thoát cho những số phận bị bào mòn dưới giông tố của xã hội.
Và ta không thể nhắc đến thứ nghệ thuật vị nhân sinh của nhà văn qua những quan điểm, nhận định có giá trị lý luận cao ngay trong chính tác phẩm, thể hiện một tài năng, tư duy văn học sắc bén, sâu sắc và một tấm lòng nhân đạo cao cả, xót thương cho những con người bị xã hội phi nhân tính dồn vào bước đường cùng. Hộ không chỉ là đại diện cho một lớp người mà còn đại diện cho quan điểm, tư cách làm nghề của Nam Cao, đó là thiên chức cao cả của người nghệ sĩ trên con đường sáng tạo nghệ thuật.
Đời Thừa chỉ là một truyện ngắn, nhưng những dư âm mà từng câu từng chữ của tác phẩm lại khiến người đọc phải trăn trở mãi. Đó là những hồi chuông cảnh tỉnh về sự băng hoại giá trị sống trong xã hội trọng vật chất và lời nhắc nhở đầy thấm thía về đạo đức của người cầm bút, đặt ra mối quan hoài sâu sắc và một lời ngỏ cho lịch sử - đến khi nào ta mới có thể giải thoát con người khỏi xiềng xích của sự nghèo đói, để cái đói, cái rét không thể phá huỷ đi tư cách làm người?
Tóm tắt bởi: Quýt Ướp Lạnh - Bookademy
Hình ảnh: Quýt Ướp Lạnh
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
6,254 lượt xem