Ngọc Anh@Viện Sách - Bookademy
4 tháng trước
[Tóm Tắt & Review Sách] "Hạ Đỏ": Hồi Ức Về Mối Tình Đầu
Phượng nở, hè về, gặp gỡ, chia ly. Đó là những gì đã xảy ra trong kí ức của tôi về mùa hè năm cuối cấp. Cũng là lần đầu tiên tôi tìm đọc Hạ đỏ. Dưới tán phượng đỏ ngay góc sân trường - tôi ngồi đó - cùng những người bạn thân nhất của mình say sưa đọc truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Rất lâu về sau, khi nhìn lại, chúng đều đã trở thành những hồi ức chẳng thể nào quên trong đời của mỗi người chúng tôi.
l. Tác giả, tác phẩm
Nguyễn Nhật Ánh sinh ngày 07/05/1955, là người con của miền đất Quảng thân thương. Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Nguyễn Nhật Ánh đã cho ra mắt bạn đọc những cuốn sách nổi tiếng như Mắt biếc, Kính vạn hoa, Còn chút gì để nhớ, Cô gái đến từ hôm qua và Hạ đỏ - câu chuyện về mối tình đầu dang dở đã trở thành nỗi niềm day dứt hằn sâu trong lòng mỗi bạn đọc.
Hạ đỏ được xuất bản đầu tiên vào năm 1991, đã được xuất bản hơn 100.000 bản và
tái bản 49 lần. Câu chuyện đưa người đọc theo chân Chương - một cậu học sinh chuẩn
bị vào lớp 10. Cậu gầy gò, ốm hẳn đi vì những tháng ngày ôn luyện cuối cấp. Thế
là bố mẹ Chương quyết định cho cậu về quê ngoại chơi, ở với dì Sáu - em ruột của
mẹ với ước mong khi trở về trông cậu sẽ cứng cáp và có da có thịt hơn.
Chính điều đó đã khởi
đầu cho một mùa hè đáng nhớ đi theo Chương đến tận mãi về sau.
Về quê, Chương cùng
hai đứa con của dì sáu là Nhàn và Dế chơi đủ các trò của bọn con nít dưới quê.
Từ bắt dế, tắm sông, lội suối, trèo cây, hái trộm xoài hay thậm chí là kéo Chương
gia nhập vào những “trận chiến” ném đất ngang tài ngang sức với bọn con nít bên
xóm Miễu.
Một lần, Chương cầm chiếc
ná thun và vô tình bắn trúng sau ót của thằng Dư - một đối thủ đáng gờm (thằng lì
đòn nhất bên xóm Miểu), khiến máu nó chảy ra làm đứa nào đứa nấy cũng phát hoảng
và lo lắng rằng cha mẹ nó nhất định sẽ sang mắng vốn. Nhưng thay vào đó lại là sự
xuất hiện của một người con gái dịu dàng, có nụ cười duyên, dắt theo thằng Dư đến
nhà để nhờ dì sáu bôi thuốc cho nó, không hề có ý đả động tới vụ ẩu đả dữ dội
kia. Những điều đó đã khắc sâu vào tâm trí Chương, làm Chương biết rằng hình
như tim mình đã biết xao xuyến vì người con gái ấy – Út Thêm. Rồi Chương dạy
cho chị em Út biết chữ. Trong vai “thầy giáo”, Chương có lí do chính đáng để được
đến nhà Út, được ngắm Út nhiều hơn và sẽ được nghe giọng nói ngọt lịm của Út.
Nhưng rồi một sự thật phũ phàng, đau đớn, cắt ngang những ngày tháng hạnh phúc
của Chương rằng Út Thêm sẽ phải lấy chồng. Người Út Thêm lấy không phải là
Chương mà là anh Thưởng.
Thế là mùa hè trôi
qua. Lạnh lùng. Hệt như sự chấm dứt một cách bẽ bàng của mối tình giữa Chương
và Út Thêm.
ll/ Nội dung:
1. Mối tình mùa “hoa
phượng”
Vì sao Nguyễn Nhật
Ánh lại không chọn những mùa khác mà lại chọn mùa hạ? Thời điểm mà nắng lúc nào
cũng cháy da cháy thịt, da người ta dễ đen sạm đi trông thấy và lúc nào cũng mong ước
có một trận mưa rào đổ xuống để tưới mát vạn vật. Phải chăng vì chính cái sự rực
rỡ của mùa hạ là thứ làm tâm hồn người ta dễ trở nên rung động, xao xuyến nhất.
Mùa hạ ấy trở thành nơi khởi đầu cho biết bao tình bạn, tình yêu ngây ngô và khờ dại
dưới tán phượng đỏ rợp trời.
Mùa hè năm ấy, một cậu
trai ở thành phố trở về quê. Nào ai biết được rằng lần trở về đó đánh dấu cho một
mối tình - thứ mà sẽ đi theo cậu đến hết cuộc đời.
Tình yêu đầu đời
nào cũng ngọt ngào và tha thiết như nhau.
Chương nhận ra mình
đã trót phải lòng Út Thêm sau cái lần cô đến nhà dì Sáu xin dì xức thuốc cho thằng
Dư. Đứng nép bên mé cửa, tim cậu hẫng đi một nhịp khi bắt gặp nụ cười duyên của
Út, cái dáng người mảnh khảnh và giọng nói ngọt lịm đã in sâu vào trong trí óc
của cậu học trò vừa chập chững biết yêu. Từ dạo ấy, Chương chẳng thiết chơi những
trò trẻ con với bọn con nít nữa.
Nằm trên chiếc võng treo
trong vườn, Chương thấy mình đong đưa theo nỗi nhớ về Út Thêm.
“Chỉ đợi vậy, tôi
ngả lưng xuống võng và co chân đạp vào thành giếng cho chiếc võng chao qua chao
lại. Nằm đong đưa một mình, tôi tha hồ thả nỗi nhớ bay xa”
Rồi Chương chợt nhìn thấy Út Thêm hay đi ngang qua ngõ trúc, thế là cậu liền ngồi hàng giờ đồng hồ câu cá bên chiếc cầu tre gần đó chỉ để đợi Út đi chợ về, để được nói chuyện với Út hay việc cậu lén lút tuồn một mảnh giấy (chỉ để hỏi có thể đến nhà Út chơi được không) vào chiếc giỏ đi chợ trên tay Út Thêm. Mảnh giấy nằm ngổn ngang giữa những mớ rau, mớ cá đặt lộn xộn không trật tự. Để đến hôm sau gặp lại, Út trả lời tỉnh bơ mà Chương nghe thấy lòng mình vỡ loạn xạ:
“ Út liệng mất. Tưởng giấy người
ta gói rau”.
Tình yêu làm
con người ta bỗng chốc thẹn thùng một cách khó hiểu.
Sau dạo ấy, Chương lấy hết dũng khí của mình để vượt qua cây cầu tre, rảo bước đi trên con đường nhỏ dẫn về xóm Miễu. Út Thêm thấy Chương liền mời anh vào nhà và xông xáo đi gọt đu đủ ngọt lịm đem ra đãi khách. Từ đây Chương mới biết không phải chỉ riêng Út nghỉ học mà cả em Út - thằng Dư còn chẳng được đi học lấy một ngày. Và một quyết định táo bạo nảy nở trong đầu của Chương về việc sẽ dạy chữ cho chị em Út Thêm. Thế là chiều nào Chương cũng đi qua xóm Miễu, trở thành “thầy giáo” để có thể đường hoàng gặp Út mỗi ngày mà không cần phải viện lí do. Dưới tán phượng đỏ trước sân nhà Út Thêm, có trái tim vẫn ngày ngày thổn thức vì người mình yêu.
Chương đã được tận hưởng những điều ngọt ngào nhất của mùa hè: tình bạn, tình yêu và Út Thêm. Nhưng nào ngờ chính mùa hè đó lại lạnh lùng tước mất đi thứ ngọt ngào nhất mà nó đã trao cho cậu.
Vì chỉ nay mai thôi, Út
Thêm phải đi lấy chồng.
Trong một lần tình cờ
lân la hỏi chuyện với thằng Dư rồi Chương được biết rằng Tết năm sau Út Thêm sẽ
cưới chồng và đau lòng hơn gấp bội khi người mà Út lấy lại là anh Thưởng ( người
mà Chương cực kì kính mến vì anh luôn giúp đỡ Chương, còn dạy cho cậu vài thế
võ phòng thân ). Nguyên nhân là vì lời hứa của người lớn hai bên rằng sẽ cho Út
Thêm và anh Thưởng cưới nhau khi hai đứa đã trưởng thành. Tất cả như một cú
đánh trời giáng khiến Chương rơi từ trên cao xuống đất, đau điếng.
“Tôi chẳng còn
hào hứng để bắn chim, tắm sông và chia phe ném đất. Đối với tôi, trong cuộc đời
giờ chỉ còn lại hai "phe": một bên là anh Thoảng, Út Thêm và tất cả
những người còn lại của làng Hà Xuyên mộc mạc, một bên là tôi đang bâng khuâng
ngóng đợi buổi rời làng.”
Tâm hồn thuần khiết của cậu trai mới lớn với thứ tình yêu đầu đời ấy giờ đây lại trở thành một vết nứt trong kỉ niệm của cậu về những tháng ngày ở quê ngoại thân thương. Từ hôm biết tin, Chương chẳng buồn đến nhà Út Thêm để dạy chữ nữa.
“Tôi đã thôi náo nức băng qua trảng cỏ mênh mông cho cỏ may bám đầy gấu quần để tối về ngồi gỡ”.
Và rồi cậu đưa ra một quyết định đầy đau đớn rằng sẽ trở về thành phố sớm hơn dự
kiến trước sự bất ngờ của mọi người. Cả dì sáu, Dế, Nhạn, chị em nhà Út Thêm và
cả Thơm - đứa con gái lúc nào cũng đãi những thức trái cây ngon nhất cho
Chương, đôi mắt sáng lấp lánh khi nghe cậu kể những câu chuyện về thành phố dù
cho tất cả những lời kể đó chỉ là “phịa”. Ai nấy đều nuối tiếc trước quyết định
ra đi của cậu. Không một ai biết lí do là gì. Ngay cả nguyên nhân nỗi đau của Chương
– Út Thêm – còn chẳng hề biết được. Hay Út biết nhưng Út không dám đối mặt với sự
thật phũ phàng đó vì nghĩ rằng bản thân không thể đáp lại tình cảm của Chương.
Trên chuyến xe đò đi
về thành phố hôm ấy, Chương nhìn mọi thứ ở ngôi làng, chúng chẳng có gì thay đổi.
Kể cả căn nhà bên kia, nơi những cánh phượng đỏ rực vẫn đang dang tay như vẫy gọi
Chương... Điều duy nhất thay đổi đó là tình yêu của Chương, chúng đã “chết” khi
còn chưa được bắt đầu.
“Tuổi thơ của những đứa trẻ ở làng Hà Xuyên dường như kéo dài vô tận. Nhạn và Dế thì không nói làm gì. Ngay cả Thể và nhỏ Thơm, tâm hồn của chúng sao mà trong veo như nước suối ban trưa. Út Thêm "của tôi" cũng thế. Tôi tin rằng ngay cả khi đã lấy chồng, tuổi thơ của Út Thêm vẫn chưa hề kết thúc. Tất cả, trừ tôi”
2. Mối tình đầu
Đã có ai từng nói với
bạn rằng dù có trải qua bao nhiêu mối tình đi chăng nữa thì người ta vẫn sẽ
luôn nhớ về mối tình đầu, dù đó là nhớ ít hay nhiều. Tình đầu vẫn sẽ luôn giữ
cho mình một vị trị đặc biệt trong cuộc đời của mỗi người. Có bao nhiêu sự ngô
nghê, thuần khiết, đến những lúc mãnh liệt, dạt dào nhất... người ta đều sẽ
dành cho mối tình đầu. Đó là nguyên nhân vì sao mà dù cho rất nhiều năm về sau,
người ta vẫn sẽ nhớ đến tình đầu như một hồi ức không thể nào quên.
Và trong Hạ đỏ, Út
Thêm là mối tình đầu của Chương.
Ta thấy được sự e thẹn,
ngại ngùng của Chương khi đứng trước người con gái mình yêu. Quên mất những điều
mình định nói khi gặp cô, hay phải viện những lí do “vu vơ” nào đó khi bị Út
Thêm bắt gặp. Hay việc không biết phải ngỏ lời yêu ra làm sao, chỉ có thể nói
bóng nói gió. Mà cái sự “bóng gió” đó của Chương thì Út làm sao hiểu được. Ở
quê người ta nghĩ gì nói đó nào như trên thành phố xa xôi.
Tình đầu thì thường bắt
đầu không lý do
Và kết thúc khi người
ta còn chẳng kịp đề phòng
Tình đầu đến với
chương cứ như một cơn gió: thổn thức, mãnh liệt. Nhưng gió thì làm gì đứng yên.
Gió rồi cũng phải đi. Nó lạnh lùng cuốn theo những gì ngọt ngào nhất của
Chương, để lại lòng Chương là những mớ cảm xúc đầy ngổn ngang.
Là ngày trái đất như
tối sầm đi khi Chương biết Út Thêm sắp sửa phải lấy chồng.
Là ngày Chương nhận
ra rằng mình chẳng còn một cơ hội nào với Út.
Cái viễn cảnh tương
lai đẹp đẽ của tình đầu bỗng chốc trở thành một điều gì đó xa xỉ và cách xa vời
vợi.
3. Hình ảnh “ Hoa cỏ
may”
Một điều đặc biệt
trong tác phẩm Hạ đỏ của Nguyễn Nhật Ánh khi không chỉ xoay quanh hình ảnh
chủ đạo – phượng đỏ mà còn là chi tiết “hoa cỏ may”. Một loài hoa giản dị, đơn
sơ, thường mọc nhiều trên bờ ruộng hay dọc hai bên lối đi.
Trong Hạ đỏ
thì hoa cỏ may mọc khắp trên khắp lối đi đến nhà Út.
Cỏ may mộc mạc, hiền dịu, kết thành từng chùm và nở rộ khi có gió heo may ghé qua. Chúng gắn liền với kí ức tuổi thơ của biết bao đứa trẻ thôn quê. Ngày còn bé, những buổi đi làm đồng về, ngồi nghỉ mát bên bờ sông, tôi thường gỡ những bông cỏ may dính đầy ống quần. Đôi lúc cũng tự hỏi rằng tại sao chúng lại có cái tên đặc biệt như thế. Và có lần tôi còn khó chịu khi lúc nào cũng phải gỡ chúng ra, thật sự là rất rắc rối. Nhưng rồi khi lớn hơn, lên thành phố, tôi không còn được thấy nó nữa, không còn phải ngồi gỡ những “chiếc gai ngọn hoắc” dính lên quần áo thì bỗng dưng thấy nhớ loài hoa dại ấy vô cùng. Và cứ như thế, chúng nhẹ nhàng, chậm rãi đi vào tuổi thơ của tôi, khiến cho tôi rất lâu về sau vẫn một lòng nhớ về nó.
Có lẽ hoa cỏ may cũng đã trở thành miền hồi ức đẹp đẽ của nhà văn Nguyễn Nhật
Ánh, để ông đưa nó vào tác phẩm, khiến nó trở thành minh chứng cho tình yêu thuần
khiết của Chương. Mỗi lần sang xóm Miễu, cỏ may dính đầy lên ống quần của
Chương như thể muốn “níu” cậu lại mà thì thầm to nhỏ những tâm tư thầm kín nào
đó. Cỏ may dính vào thì khó gỡ nhưng lại chẳng thể nào cản được bước chân xông
xáo đến nhà Út của Chương.
“Cỏ may gỡ mãi
cũng ra,
Còn thương nhớ
ấy gỡ ra thế nào?”
Năm ấy, cỏ may trở
thành minh chứng sống cho tình yêu mãnh liệt của Chương và cũng trở thành chi
tiết cuối cùng của tác phẩm, kết thúc cho một tình yêu rồi sẽ trôi vào quên
lãng.
Hôm rời đi, thằng Dư
hớt hải chạy theo chiếc xe đò của Chương rồi đưa cho cậu một mảnh giấy, trong
đó là những dòng chữ được viết nghệch ngoạc bởi Út Thêm “Cảm ơn anh rất nhiều”
kèm với bó cỏ may.
Đến cuối cùng Út vẫn
tin lời của Chương rằng cậu rất thích cỏ may.
Đến cuối cùng Út vẫn chẳng
hiểu được lời nói bóng gió của trai thành phố.
“Tôi thẫn thờ cầm bó cỏ trên tay, lòng rưng rưng xao xuyến. Đã có lần tôi nói với Út Thêm tôi thích nhất cỏ may . Tôi thích cỏ may bởi vì cỏ may mọc đầy trên lối đến nhà Út. Út Thêm không biết con trai thành phố ưa nói xa xôi bóng gió. Nó tưởng tôi thích cỏ may thật. Nên bây giờ ngớ ngẩn gửi cho tôi . Những ngày qua, cỏ may bám đầy gấu quần tôi còn không gỡ hết, nó gửi theo làm gì cho cỏ may đâm nhói trái tim tôi”
4. Bức tranh về một vùng quê bình dị, thân thương
Đọc Hạ đỏ người
ta như được chiêm ngưỡng một vùng quê xa xôi, hẻo lánh nhưng lại thân quen đến đỗi
lạ lùng. Người ta dễ dàng liên tưởng đến chính quê hương mình qua những câu văn
hết sức giản dị của Nguyễn Nhật Ánh. Như việc nhắc đến hoa cỏ may, trái sầu
đông, cây phượng, hoa tim tím, bụi gai mắc cỡ, bụi chuối sau hè, cây đu đủ trĩu
quả,... tất cả gợi cho tâm hồn người ta chút gì đó nhẹ nhàng, bình yên.
“Con đường nhỏ
dẫn tôi đến một trảng cỏ xanh ngút mắt. Trảng ngập cỏ may . Mới đi một quãng ngắn,
hai ống quần tôi đã ghim đầy những cánh hoa tim tím li ti . Tôi chẳng buồn gỡ,
cứ lầm lũi băng qua lối mòn, hướng về phía tàng phượng đang cháy lập lòe trước
mắt. Trên đường đi, chốc chốc lại bắt gặp những bụi mắc cỡ đầy gai nằm cạnh những
đóa mười giờ say ngủ.”
Hay việc ông nhắc tới
hình ảnh con suối của làng Hà Xuyên, là “người bạn” gắn liền với tuổi thơ của đám
trẻ con dưới quê. Sinh ra ở mảnh đất ấy, được tắm, được đùa chơi dưới làn nước tinh
khiết đó... Dù cho rất nhiều năm về sau, khi nhắc lại, trong lòng ta vẫn sẽ
dâng lên một nỗi bồi hồi, xao xuyến.
Khi lớn hơn, cuồng
quay cuộc sống với đủ thứ lo toan từ cơm áo, gia đình, công việc,... người ta dễ
quên mất những kỉ niệm trong sáng ngày xưa. Những buổi tắm sông với bè bạn, những
hôm lẻn vào vườn nhà ai đó mà hái trộm xoài, những tháng ngày vô lo vô nghĩ hay
chỉ đơn giản là đi học với bạn bè và về nhà thì được ăn cơm mẹ nấu. Người đọc
được theo chân Chương, chơi những trò chơi thú vị cùng Dế và Nhạn, được ngắm những
khung cảnh đồng quê bát ngát và phải lòng một cô bé thôn quê dịu dàng, ý tứ. Những
thứ mà dù Chương có dành cả đời thì cũng chẳng biết kiếm ở bất cứ đâu trên cái
mảnh đất thành phố xô bồ mà cậu đã sống.
Đó cũng chính là nguyên
nhân vì sao mà truyện của Nguyễn Nhật Ánh viết không phải chỉ dành riêng cho trẻ
em mà còn cho người lớn - những người lớn muốn tìm lại mình trong cuộc sống đầy
vội vã.
Người ta đọc một
tác phẩm nào đó để mong được sống lại những khoảnh khắc quý giá nhất đời mình
lll. Kết
Hơn 30 năm ra mắt
nhưng tác phẩm Hạ đỏ vẫn là một câu chuyện được các bạn trẻ yêu quý và
tìm đọc hay thậm chí là đọc đi đọc lại nhiều lần đến độ thuộc từng chi tiết
nhưng vẫn thấy nó hay. Thế là cái đặc biệt trong văn chương Nguyễn Nhật Ánh nằm
ở chỗ đó. Những tác phẩm ra đời rất lâu vẫn được nhiều bạn đọc tìm đến bởi sự mộc
mạc, gần gũi, thấm đẫm nhân văn qua những “đứa con tinh thần” mà ông đã gửi gắm.
Có lẽ nhiều năm về sau, người ta vẫn sẽ nhắc đến Hạ đỏ với cậu học trò ngây
ngô, những đứa nhóc dưới quê tinh nghịch nhưng vẫn rất đáng mến, những loài cây
thân thuộc đã trở thành kỉ niệm và niềm nuối tiếc da diết cho mối tình dở dang
của Chương và cô bạn gái Út Thêm.
Tất cả chúng vẫn sẽ
luôn vương vấn mãi trong lòng mỗi bạn đọc.
“Hạ đỏ có chàng tới hỏi
- Em thơ, chị đẹp em đâu?”
Tình sầu - Huyền Kiêu
Tóm tắt bởi: Ngọc Anh -
Bookademy
Hình ảnh: Long Quân - Bookademy
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
145 lượt xem