Thư Phạm@Viện Sách - Bookademy
2 năm trước
[Tóm Tắt & Review Sách] “Hảo Nữ Trung Hoa”: Bản Cáo Trạng Đẫm Lệ
Được mệnh danh như những câu chuyện bắt buộc phải đọc, Hảo nữ Trung Hoa như nhát búa phá vỡ bức màn im lặng suốt nhiều thế kỷ. Suốt thời gian dài lịch sử, đại lục hỗn loạn về mặt chính trị, cộng thêm chuẩn mực “tam tòng tứ đức”, phụ nữ ở đất nước này trở nên dè dặt khi được hỏi về cảm giác của chính mình. Chính Hân Nhiên, cùng lòng chân thành và sự thấu cảm sâu sắc, đã trở thành người phụ nữ đầu tiên lắng nghe câu chuyện mà những người phụ nữ tưởng chừng chỉ có thể chôn sâu tận thẳm sâu trong lòng.
“Cuốn sách là kết quả của quá nhiều điều một khi mất đi sẽ không bao giờ có thể tìm lại. Khi bước vào ký ức của mình, bạn đang mở ra một cánh cửa dẫn tới quá khứ; con đường trong đó có rất nhiều ngã rẽ và mỗi lần đi lại là một lộ trình khác nhau.”
Không phải vô cớ mà câu hỏi cuộc sống của một phụ nữ Trung Quốc có giá trị gì được Hân Nhiên đặt ra ngay những trang đầu tiên. Hầu hết những bức thư cô nhận được từ chuyên mục phát thanh buổi tối của mình đều đến từ phái yếu. Song, hầu hết thường là nặc danh hoặc đề tên giả. Chính sự ám ảnh lặp đi lặp lại từ câu hỏi đó, Hân Nhiên phát hiện chỉ đơn giản thông qua thư từ không cách nào hiểu hết được những người đồng giới với cô đang phải trải qua cuộc sống ra sao.
“Đọc thư của họ, tôi mới nhận ra mình đã lầm tưởng đến mức nào. Những người đồng giới với tôi đang phải sống những cuộc đời và vật lộn với những trắc trở mà tôi chưa từng tưởng tượng ra.”
Đôi điều về tác giả
Hân Nhiên sinh năm 1958 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, họ Tiết. Năm 1980, Hân Nhiên làm việc tại Tân Hoa xã, không lâu sau đã trở thành một nhà báo, phát thanh viên được đánh giá cao. Hơn 15 năm sau, Hân Nhiên chuyển đến sinh sống tại Anh quốc, cuốn sách đầu tiên của bà ra đời, tên The Good Women of China: Hidden Voices (tựa tiếng Việt là Hảo nữ Trung Hoa). Cũng chính từ tác phẩm này, ngọn lửa văn chương trong Hân Nhiên bắt đầu cháy rực. Tác phẩm được dịch ra hơn 30 thứ tiếng và phát hành ở nhiều quốc gia, đồng thời tạo nên tiếng vang trong xã hội ở thập niên đầu năm 2000. Các nhân vật chuyên môn xếp Hân Nhiên vào danh sách các nữ tác giả đạt thành tự trong dòng văn học đương đại Trung Quốc. Đa số tác phẩm của Hân Nhiên đều dấn sâu vào những vấn đề văn hoá, lịch sử, tán dương tình yêu và nhân phẩm, nổi bật hơn cả là sự chia sẻ nhiệt thành với bi thương chiến tranh và số phận con người.
Sau Hảo nữ Trung Hoa, Hân Nhiên tiếp tục ra mắt quý độc giả thêm bốn tác phẩm văn chương nữa. Ngoài là một nhà báo có tiếng, bà hiện đang cùng gia đình định cư tại Anh quốc.
Những người phụ nữ và câu chuyện của họ
“Chủ đề của các bức thư cũng ngày càng trở nên đa dạng. Những câu chuyện thính giả kể cho tôi xảy ra trên khắp đất nước, trong những thời gian khác nhau từ khoảng bảy mươi năm trước hoặc trước đó đến giờ, trong cuộc sống của phụ nữ ở nhiều vị thế xã hội, đặc trưng văn hoá và nghề nghiệp khác nhau.”
Dựa vào cảm hứng từ chương trình phát thanh do mình dẫn dắt, nhiều phụ nữ đã mạnh dạn kể ra những thế giới bị che giấu khỏi tầm hiểu biết của đa số dân chúng. Hơn cả sự xúc động, Hân Nhiên sửng sốt và kinh ngạc về những sự thật và dấu ấn mà câu chuyện được kể qua các bức thư để lại.
Những chuyện kỳ lạ như cô gái trẻ giữ một con ruồi làm vật nuôi trong bệnh viện, bề ngoài có vẻ nhảm nhí, nhưng xoay quanh đó là bạo lực, là biến thái, là bệnh hoạn. Cô gái không thể sinh sống và lớn lên một cách bình thường ngay trong chính gia đình mình. Mối đe dọa thể xác lẫn tinh thần hoàn toàn không đến từ thế lực xa lạ nào bên ngoài, mà trớ trêu lại xuất phát từ người cha nhẫn tâm của mình.
Thử hình một đứa trẻ phải trưởng thành theo phương thức nào mới quyết định chọn một con ruồi đầy mầm bệnh nuôi dưỡng bên cạnh để bầu bạn. Mỗi ngày trôi qua, mỗi khoảnh khắc bị hành hạ, cô gái không có tiếng nói không thể làm gì khác ngoài vật lộn với suy nghĩ và nỗi sợ khổng lồ. Bất hạnh nhất đâu chỉ có thế, người mẹ sau khi biết chuyện cũng chỉ còn cách cắn răng chịu trận, không một phản ứng. Cho đến lúc qua đời, ngoài con ruồi, cô gái chưa từng có tia hy vọng nào để bám lấy.
“Khi hoóc môn của đàn ông trỗi dậy, họ thề thốt một tình yêu vĩnh cửu. Cái đó làm cho những tập thơ ca cứ ngày một dày lên qua bao đời nay: tình yêu sâu tựa biển hay đại loại như thế. Nhưng đàn ông như thế chỉ có trong tiểu thuyết. Đàn ông ngoài đời bào chữa rằng họ chưa gặp một người đàn bà nào xứng đáng với tình cảm đó cả. Đàn ông là chuyên gia về thủ đoạn lợi dụng sự mềm yếu của đàn bà để điều khiển họ.”
Phụ nữ Trung Quốc, từ trước đến giờ, được đánh giá tốt là khi biết cư xử dịu dàng, nhu mì, dù cho trong cuộc sống lao động xã hội hay đời sống tình dục. Với kiểu sinh hoạt, hành xử lúc nào cũng phải có chừng mực và giới hạn như vậy, lại khiến các ông chồng đầy ham muốn ca thán rằng chẳng có được mấy người vợ đủ sức quyến rũ để chồng không đi lăng nhăng. Đáng sợ hơn, chính những điều kiện này, dẫn đến người cảm thấy có lỗi không ai khác ngoài phụ nữ. Nhân vật Kim Soái trong Hảo nữ Trung Hoa đã thẳng tay giật xuống tấm mạn che mặt, để lộ ra trái tim trần trụi đầy thương tích mà phụ nữ phải âm thầm gánh chịu.
Chắc chắn vẫn còn nhiều câu chuyện ấm áp, mối tình chung thuỷ, nhưng một khi chấp nhận nhìn vào mặt còn lại của xã hội, cũng là chấp nhận một thế giới không hoàn hảo. Đàn ông chính là chuyên gia trong lĩnh vực sử dụng lời hay ý đẹp để khiến hạnh phúc phụ nữ, nhờ đầu óc ảo tưởng đó của phụ nữ mà không chỉ một vài, là rất nhiều phụ nữ đã đánh đổi niềm tin để nhận lại khổ đau.
“Vào những năm 1930, khi phụ nữ phương Tây đang đấu tranh đòi bình đẳng giới, phụ nữ Trung Quốc mới chỉ bắt đầu phản đối xã hội phụ quyền, không còn tự nguyện bó chân, hay để cho bề trên sắp đặt chuyện hôn nhân của họ.”
Dù vậy, những hành động yếu ớt không rõ ràng đó cho thấy phụ nữ Trung Quốc lúc bấy giờ vẫn chưa thực sự nắm được quyền lợi hay trách nhiệm của phụ nữ rốt cuộc là gì. Lẽ dĩ nhiên, họ cũng không tài nào biết mình phải làm thế nào để đấu tranh giành lấy sự tự do và không gian riêng.
“Lịch sử Trung Hoa rất dài, nhưng thời điểm người phụ nữ có cơ hội được là chính mình và đàn ông bắt đầu hiểu họ thì lại rất muộn.”
Kinh tởm và nhơ nhớp hơn cả là câu chuyện hai chị em bị bọn đàn ông lợi dụng cách mạng để cưỡng bức tập thể. Chính môi trường đó đã đồng loã, che giấu trong một tập thể đầy rẫy những tên ấu dâm. Đồng thời cũng là nấm mồ chôn vùi không thương tiếc tuổi xuân của hằng hà sa số cô gái, thậm chí là những đứa bé gái chưa hiểu gì về cuộc đời. Lấy những danh nghĩa cao quý để làm những chuyện đồi bại nhất, thời kỳ Cách mạng Văn hoá giống như đưa nữ giới trở về lịch sử đen tối, trong đó Hồng Vệ Binh chính là nỗi khiếp đảm không gì sánh bằng.
Những phụ nữ bạc mệnh dường như ít có ai không khỏi liên quan đến chính sự. Chẳng hạn người phụ nữ được sắp xếp một cuộc hôn nhân với người chồng có vị trí quan trọng trong chính quyền đương thời. Thực tế đau lòng rằng ông ta xem bà như một phế vật, một miếng vải rẻ rúng đến mức không xứng làm tấm trải giường hay miếng rửa bát. Người phụ nữ đó được ông ta giữ bên cạnh cốt yếu chỉ để chứng tỏ với xã hội rằng ông ta có phẩm chất giản dị, cao quý, liêm khiết, mà tất thảy các yếu tố đó sẽ đưa ông ta thăng tiến trong công việc. Đính xác là ông ta chỉ xem bà như cái giẻ lau chân, không mảy may ý nghĩa nhưng không thể không có.
Cả mối tình không trọn vẹn của người đàn bà dành hơn bốn mươi năm cuộc đời chờ đợi người yêu. Cả hai trước kia đều là tri thức bị đấu tố, giam cầm, và sau cùng là chia cách vì loạn lạc.
“Nhiều gia đình Trung Quốc không muốn đối mặt với thời kỳ Cách mạng Văn hoá. Những chương sách đó thấm đẫm nước mắt và không thể mở ra được. Những thế hệ sau này hay người bên ngoài sẽ chỉ thấy phần đầu đề phai mờ.”
Thế nào là hạnh phúc?
Dù cho thời gian có quan đi vĩnh viễn không vãn hồi, dù cho ký ức chỉ là thức phim mờ ảo trong tâm trí, thì tội ác cũng đã xảy ra và người nhận lãnh nỗi đau chỉ có thể kể lại câu chuyện của mình như một lời cảnh tỉnh. Nếu chứng kiến niềm vui của gia đình, bạn bè hay bất kỳ mối quan hệ nào được tái hợp sau nhiều năm, ít ai mường tượng ra những người trong câu chuyện đó đã phải chịu đựng những sóng gió gì, nếm trải cuộc đời nghiệt ngã ra sao hay đương đầu với những cái nhìn lạnh nhạt như thế nào.
“Đó thường là những đứa trẻ, đặc biệt là con gái, những người phải chịu hậu quả ham muốn tính dục bị cấm cản. Một cô gái lơn lên trong thời kỳ Cách mạng Văn hoá bị vây quanh bởi sự ngu dốt, điên cuồng và truỵ lạc. Trường học và gia đình không thể và cũng bị cấm trang bị cho chúng thậm chí những hiểu biết cơ bản nhất về giới tính.”
Ngạc nhiên gấp bội phần, cụ thể chính nhiều giáo viên và các bà mẹ cũng mù tịt về những vấn đề mà đứa con gái ngây thơ của mình thắc mắc. Cơ thể dậy thì lại vô duyên vô cớ trở thành món mồi ngon của những vụ quấy rối, cưỡng hiếp, ấu dâm. Không một người bình thường nào ở xã hội hiện thời không nhói lòng khi đọc được rằng, thủ phạm đều là giáo viên, cha ruột, anh trai, họ hàng,... Không một niềm hy vọng nào có thể cứu vãn mức độ tổn thương nghiêm trọng mà nạn nhân đã, đang và luôn phải đối diện.
Kể cả khi có trường hợp hiếm hoi người phụ nữ thành công, đa số đều bị gán mác chỉ quan tâm đến tiền bạc mà không hề hình dung trước kia họ cũng từng chịu đựng nỗi đau đầy dã man để leo đến được địa vị như hôm nay.
Hạnh phúc, ngoài là chiến thắng sự ám ảnh, dứt ra được khỏi đau đớn để vươn mình tìm ánh nắng ở chân trời mới, mà còn là nhìn thấy sự hy sinh của mình mang lại hạnh phúc cho người mình yêu thương. Tương tự mẩu chuyện về người đàn bà nhặt rác, xem con là tất cả lẽ sống. Hay người mẹ hứng chịu cơn động đất Đường Sơn (năm 1976), sau đó lại dày công gây dựng cô nhi viện để xoa dịu cảm giác suy sụp trong lòng. Bất kể là sự kiện gì, hễ cơn thú tính nổi lên thì tội ác diễn ra, đồng thời là một nạn nhân vô tội. Một người mẹ trong cô nhi viện có con gái bị bọn đàn ông lợi dụng thảm hoạ ở Đường Sơn năm đó giở trò đồi bại, đến mức đứa trẻ loạn thần, mất trí và trở nên ngớ ngẩn. Tưởng chừng chữa khỏi thì tình trạng sẽ hướng theo chiều tích cực, không ai ngờ một kết thúc bi thương khác lại tìm đến.
Bản cáo trạng đẫm lệ (cảm nhận sau khi đọc)
Trần trụi và đay nghiến! Không tính từ miêu tả sự cực đoan nỗi đau hơn thế nữa. Quá nhiều nỗi đau, quá nhiều mảnh đời khổ sợ, quá nhiều câu chuyện khủng khiếp trong Hảo nữ Trung Hoa. Con số thống kê thực tế được công bố khi hoà bình được thiết lập thậm chí còn vượt xa hơn những bức thư mà Hân Nhiên nhận trong chương trình phát thanh nhiều, cả về số lượng lẫn tính chất.
Sự kiên cường của phụ nữ thể hiện mạnh mẽ nhất ở chỗ tình yêu dành cho những đứa con. Có lẽ vậy, những đứa con may mắn và hạnh phúc vì không phải bất kỳ người mẹ nào cũng dám đứng lên bảo vệ núm ruột của mình. Cách mạng Văn hoá không chỉ là vách ngăn to lớn bao che tội lỗi, mà còn là những bàn tay khổng lồ, không ngừng ném những mảnh đời ngô nghê vô tội vào vũng lầy đầy thống khổ.
Cả người viết lẫn người đọc, đều bị chính lời kể của những người phụ nữ trong Hảo nữ Trung Hoa làm thay đổi hoàn toàn nhận thức về đại lục thời kỳ đó. Có thể gấp trang sách cuối cùng lại thì mọi câu từ, chữ nghĩa sẽ nằm yên trong đó. Chỉ có người thực tế kinh qua khó khăn là người vĩnh viễn chịu đựng sự ám ảnh.
Nước mắt hay ngôn từ khinh miệt là quá đỗi bình thường để đáp trả hay miêu tả về diễn biến câu chuyện trong quá khứ đầy tăm tối đó. Bút pháp của Hân Nhiên làm cho người đọc đồng cảm, tức tối và nghẹn ngào vị toàn bộ cái tốt - cái xấu, cái đúng - cái sai trong Hảo nữ Trung Hoa.
Người Trung Quốc nói, trong mỗi gia đình đều có một cuốn sách, và tốt nhất là đừng đọc nó lên thành tiếng. Không ai khác tác giả là người tháo dỡ vách ngăn và huỷ hoại bức màn im lặng ấy. Hân Nhiên thừa nhận, khi chấp bút cuốn sách này, chính bà đã trải nghiệm những cảm xúc đau đớn, tuyệt vọng. Hảo nữ Trung Hoa là kết quả của quá nhiều thứ mà một khi đánh mất sẽ mãi mãi không thể truy cầu lại được.
Hơn 300 trang sách với 15 câu chuyện kể lại những cảnh đời đồng bệnh tương lân, con đường dẫn tới sự thật bị chôn giấu suốt thời gian qua được xây dựng từ nước mắt của các nhân vật và của chính người viết. Hân Nhiên đã hoàn thành tốt vai trò tìm kiếm và phơi bày những điều kinh khủng bị giấu nhẹm trong bóng tối.
Phụ nữ Trung Quốc phía sau tấm mạng che mặt là một phận đời chứa đầy vết sẹo. Thân phận, định mệnh của họ như thể được ấn định phải chông gai và bi thảm ngay từ lúc mới chào đời, trong chính xã hội trước kia là nền văn mình của nhân loại.
Hảo nữ Trung Hoa và cả Hân Nhiên, có lẽ đang mang một sứ mệnh đáng trân quý: phơi bày và lên án. Nếu so với những thước phim về tâm lý tội phạm, bạo lực hay kinh dị, cuốn sách còn đeo bám tâm trí người đọc ngay cả khi gấp sách lại, dai dẳng và bền bỉ hơn bởi tính chân thực và văn phong của Hân Nhiên.
Sự thật vẫn luôn là sự thật, giấy không tài nào giữ yên ngọn lửa mãi mãi. Tờ báo Daily Mail của nước Anh đã nhận xét: “Trang viết của Hân Nhiên tràn đầy sự đồng cảm nhưng không hề cảm tính, khiến những câu chuyện của bà như một cuốn tiểu thuyết đầy xúc động.”
Sau Hảo nữ Trung Hoa, ba câu hỏi mà Kim Soái dành cho Hân Nhiên, phụ nữ có nhân sinh quan không; với phụ nữ thế nào là hạnh phúc; và điều gì làm nên một người phụ nữ tốt, dường như đã có câu trả lời. Cuốn sách là một trang hoàn toàn mới mẻ, một chất liệu chưa từng được ai sử dụng trước đó, thể hiện một màu sắc lạ lẫm và bất ngờ về những người phụ nữ Trung Hoa. Họ đã oằn mình chịu đựng những bất công, những thiên kiến gì về giới và bị chà đạp không chút thương tiếc. Họ thật sự là những “hảo nữ”.
--------------------------------------------------
Tóm tắt bởi: Anh Thư - Bookademy
Hình ảnh: Anh Thư
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
1,153 lượt xem