Jelly@Viện Sách - Bookademy
năm ngoái
[Tóm Tắt & Review Sách] "Hội Chợ Phù Hoa": Đến nơi nào sẽ có phù hoa
“Ôi! Phù hoa giả dối! Thử ngẫm xem chúng ta trên đời
này ai là người sung sướng? Ai là người đạt được ước vọng của mình?”. Đó là câu hỏi mà một người nghệ sỹ bác ái như William
Makepeace Thackeray luôn trăn trở và đau đáu khôn nguôi. Ở cái thời điểm mà
những thói đời dơ bẩn, xấu xa ngập tràn bao vây lấy những khối óc trí tuệ, nhân
ái ấy, bút pháp châm biếm trở thành vũ khí sắc bén của William Makepeace
Thackeray, giúp ông kể tội những kẻ mang nỗi ám ảnh có tên “mộng phù hoa”.
1.
Đôi nét về tác giả
William
Makepeace Thackeray là một nhà văn Anh nổi tiếng về nghệ thuật châm
biếm, trào phúng. Ông sinh năm 1811
tại Calcutta, Ấn Độ. Ông là con đầu lòng và
cũng là duy nhất của bà Anne Beccher và ông Richmond Thackeray. Vào năm 1816, một năm sau khi cha ông mất, ông cùng mẹ di cư sang London. Ông từng học nhiều trường đại học nhưng đều
bỏ ngang vì không thích lý thuyết sách vở. Ông cũng từng học hội họa nhưng chỉ
vẽ biếm họa cho các tác phẩm của mình. Sau đó, ông tốt nghiệp các trường tại
Southampton, Chiswick và tiếp tục nhập học tại trường
Charterhouse. Vào năm 1836,
ông kết hôn với Isabella Gethin Shawe, họ có ba người con gái. Tuy nhiên,
vào năm 1840, bi kịch ập đến gia đình ông khi người con gái thứ hai qua đời, vợ
của ông vì quá đau lòng nên mắc chứng trầm cảm.
Thackeray
khởi đầu sự nghiệp với các bút danh
Charles James Yellowplush, Michael Angelo Titmarsh, George Savage, Fitz-Boodle. Các tác phẩm của ông phê phán xã hội
thượng lưu, những vinh quang người lính, hôn nhân và thói ngụy quân tử. Một
trong những tác phẩm đầu tay của ông là Timbuctoo ra mắt vào năm 1829 đã thể hiện sự chế nhạo của
ông đối với huy chương thơ ca Cambridge. Ngòi bút trào phúng của ông tiếp tục với hàng
loạt tác phẩm văn xuôi được biết đến như The
Yellowplush Paper, xuất hiện lần đầu trên tạp chí Fraser’s năm 1837. Đến đầu
những năm 40 của thế kỷ XIX, William
Thackeray đã sáng tác thành công hai cuốn du ký, The Paris Sketch Book
và The Irish Sketch Book. Năm 1847, ông cho ra
mắt từng phần của bộ tiểu thuyết Hội Chợ Phù Hoa và dần trở nên nổi tiếng. Bộ tiểu thuyết này đã giúp ông đứng trên đỉnh
cao suốt cả thập kỷ và tiếp tục cho ra đời
những cuốn tiểu thuyết lớn tiêu biểu như: Pendennis, Gia Đình Newcome và Henry Esmod.
Đầu thập niên 60 của thế kỷ XIX, sức khỏe ông ngày
càng xuống dốc, đến cuối năm 1863,
William Thackeray đột quỵ và được tìm thấy đã qua đời vào sáng ngày hôm sau.
2. Tóm tắt
Hội chợ
phù hoa là một tiểu thuyết nói về cuộc sống xã hội thượng lưu của các tầng lớp
quý tộc, câu chuyện xoay quanh về cuộc đời của hai nhân vật là Emmy Sedley (Amelia) và Becky Sharp (Rebecca). Mở đầu tác phẩm
là sự kiện tốt nghiệp của Amelia và Rebecca tại ngôi trường danh giá ở Chiswick
Mall. Hai cô nàng cùng học một ngôi trường, cùng hưởng một sự giáo dục giống
nhau tại viện nữ thục Miss Pinkerton nhưng lại có số phận khác nhau.
Rebecca là một cô gái quyến rũ, khôn khéo, nhưng do xuất thân từ tầng lớp bình dân, bố là kẻ nghiện
ngập, mẹ làm vũ công nên cô không nhận được
sự ưu ái mà phải tự lập từ sớm. Lợi dụng những ưu thế mà mình
có sẵn, cô đã lập ra nhiều kế hoạch để tiếp cận với các chàng
trai trong giới thượng lưu và biến họ trở thành
bàn đạp giúp mình đổi đời. Bước đầu tiên của cô là quyến rũ anh trai của
Amelia là Joseph nhân dịp cô bạn thân
Amelia rủ về nhà chơi. Tuy vậy, kế hoạch không
thành công, Rebecca đành làm gia sư kiêm tỳ nữ cho
gia đình quý tộc Crawley. Đây là một gia đình phức tạp và hỗn loạn, với tay hám
gái là cụ Pit, một cậu con trai Rawdon dốt nát, ăn diện và một bà cô già đang sở hữu một khối tài sản kếch xù. Nhờ vào sắc đẹp
cũng như sự mưu tính của mình, Rebecca nhanh chóng quyến
rũ được cậu ấm nhà Crawley và có được cuộc sống quý tộc hàng mơ ước.
Trái ngược với người bạn của mình, Amelia xuất thân
trong một gia đình giàu có, lại xinh đẹp, hiền dịu nên được hưởng mọi sự ưu ái trong trường học và
cả trong cuộc sống, trở thành đối tượng được mọi chàng trai săn đón, trong đó có
George Osborne và William Dobbin. Amelia và George yêu nhau tha thiết và quyết định kết hôn cùng nhau bất chấp sự phản đối
kịch liệt từ người cha của George. Sau hôn lễ,
hai người họ đi hưởng tuần trăng mật, không bao lâu thì George bắt đầu cảm thấy nhàm chán và vụng trộm với Rebecca. Một khoảng thời gian sau, quân Pháp tấn công, cả George và Rawdon đều phải ra trận.
Không may mắn như Rawdon có thể sống sót trờ về với quân hàm đại tá, George đã
hy sinh tại Waterloo.
Ở một
khung cảnh khác, sau khi được phong hàm, Rebecca và Rawdon
đến Paris hưởng thụ một
cuộc sống của giới thượng lưu vô cùng xa hoa,
trụy lạc, tại đây, nàng sinh được một cậu con trai tên là
Rawdy. Thế nhưng, Rebecca không quý trọng cuộc
sống mà mình đang có, cô bỏ mặc chồng con và luôn tìm cách quyến rũ những kẻ quý tộc hám sắc. Sau khi phát giác được sự tình, Rawdon dứt tình với
vợ rồi đến Coventry nhận nhiệm vụ mới của chính phủ. Quay trở lại với Amelia, sau khi chồng mất, cuộc sống của cô lâm vào khó khăn, thiếu thốn, cô đành đưa con trai
về ở với ông nội, mong chờ cậu trở thành người thừa kế. Mãi đến khi ông Osborne qua đời, để lại phân nửa gia sản cho cháu nội Geogry, Amelia
mới có cuộc sống sung túc như trước.
Vốn là người phụ nữ đức hạnh, Amelia khước từ tình cảm
của Dobbin, chọn
cách tiếp tục sống trong cô đơn và tôn thờ người chồng quá cố. Để Amelia đồng ý tái hôn cùng Dobbin, Rebecca đã đưa những bức thư
tình của mình và George cho Amelia xem, khiến cô tuyệt vọng
với người chồng mà mình một mực tin tưởng, yêu
thương.
Quả thật, Amelia đã đồng ý ở bên Dobbin và hai người có được
cuộc sống hạnh phúc, viên mãn. Ở cuối truyện, Rebecca muốn lấy Joesph nhưng thật không may, anh ta qua đời, cuộc sống của Rebecca
không được như ý nguyện nữa, con trai thì
không nhìn mặt mẹ, bạn bè xa lánh, chồng cũ là Rawdon cũng mất tại đảo Coventry
vì bệnh.
3. Những nét đặc sắc trong Hội Chợ Phù Hoa
Hội Chợ
Phù Hoa được coi là một trong
những tác phẩm tiêu biểu của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Anh thế kỷ 19,
xuất bản lần đầu tại Anh vào năm 1847. Ban đầu, tác phẩm có tên là Những Bức
Bý Họa Về Xã Hội Nước Anh (Sketches of English Society), về sau đổi
thành Hội Chợ Phù Hoa (Vanity Fair). Có thể thấy, cái tên sau khi được
thay đổi thích hợp với nội dung tác phẩm hơn vì bao hàm cả thái độ phủ định của
Thackeray đối với xã hội đương thời. Trong bản gốc của tác phẩm, cụm từ “Vanity
Fair” xuất hiện rất nhiều lần trong tác phẩm, và mỗi lần xuất hiện là mỗi lần
Thackeray thể hiện sự căm phẫn, nỗi chán chường cũng như thái độ chê trách,
chán nán và bất lực của mình trước đời sống xã hội nước Anh đương thời.
Tác giả
đã tái hiện xã hội Anh đương thời như một “hội chợ” bát nháo và hỗn độn, trong
đó có rất nhiều mặt hàng được bày bán, làm cho chúng ta bị choáng ngợp với vẻ
hào nhoáng và ảo tưởng “phù hoa” của nó. Đó là cái xã hội mà ở đó Thackeray
nhìn thấy “vô khối trò đủ mọi loại”. Thông qua cuộc đời các nhân vật với những
mưu toan và trăn trở, những suy nghĩ, tình cảm và hành động, xã hội Anh hiện
lên với tất cả những nét khái quát nhất nhưng cũng đầy chi tiết. Đó là đời sống
của tầng lớp quý tộc thượng lưu Anh với tiền tài và danh vọng, địa vị và giàu
sang, giai cấp tư sản Anh đang lên với những cuộc làm ăn buôn bán, những tính
toán cạnh tranh, và cả ước mong vươn lên hàng ngũ quý tộc. Bên cạnh đó là đời
sống của tầng lớp thấp như tỳ nữ, xá ích, đầy tớ, làm bếp, những con người cong
lưng hầu hạ tầng lớp quý tộc và bọn tư sản lắm tiền. Thackeray còn chỉ rõ tính
chất phù phiếm, hư ảo của xã hội ngày ấy, nơi mà đằng sau những bộ quần áo đắt
tiền, những cuộc sống phong lưu là tất cả sự giả dối, xấu xa của nó. Trong cái
hội chợ nhộn nhạo ấy, người ta có thể sống thoải mái mà không mất bất cứ một
đồng nào, chỉ dựa vào việc dùng danh tiếng của mình mà ăn trên xương máu của
tầng lớp lao động, còn sự lương
thiện, ngây thơ, tử tế, trở thành món hàng vừa xa xỉ vừa lạc điệu, ngơ ngác đến
tội nghiệp. Đó là nơi cho những người đầy tham vọng thi triển tài năng, trở
thành người giật dây những con rối hợm hĩnh, giàu có nhưng phù phiếm, ngốc
nghếch, dù rằng chính họ cũng chỉ là một con rối mang lại trò vui trong hội
chợ. Hội Chợ Phù Hoa không đơn thuần là bức kí hoạ, mà thực chất là bức
biếm hoạ quá đỗi sinh động về giai tầng quý tộc Anh đương thời, và về thực
trạng tinh thần của xã hội Anh lúc bấy giờ với biết bao những kẻ mang ảo mộng
về một thế giới thượng lưu hào nhoáng. Với đặc điểm thế giới nhân vật như vậy
nên trong đề từ, tác giả giới thiệu đây là một tiểu thuyết không có nhân vật
anh hùng. Tất cả đều là những con người tầm thường với đầy rẫy những thói hư
tật xấu.
Trên cái nền xã hội rối ren mà William Thackeray đã tái hiện trong Hội Chợ Phù Hoa, người nào có tấm áo quý tộc khoác bên ngoài đều phải ăn mặc, nói
năng, hành động theo những chuẩn mực được quy định của giới thượng lưu. Không đợi
đến người đọc, người xem đánh giá, bản thân George cũng tự mình nói rằng: “Gia
đình anh đã quen sống trong một xã hội tiền trao cháo múc, giữa những ông chủ
ngân hàng, những ông tài phiệt. bất cứ họ khi nói chuyện đều xóc xóc cái túi
kêu xủng xoảng”. Ở đó, ngoài tài sản, sự kiểu cách cũng là một thước đo cho
sự giàu sang, họ càng trang nhã, lịch sự, kiểu cách chừng nào thì được kính nể
chừng ấy. Điển hình cho sự kiểu cách đến máy móc ấy là Rawdon Crawley (con trai lớn của ông Pitt Crawley), anh ta chú trọng vẻ hình
thức đến buồn cười, bắt đầy tớ phải đặt thư vào khay rồi mới đưa cho anh ta và
thà chịu chết đói chứ không bao giờ chịu dùng bữa mà thiếu chiếc cà vạt quàng ở
cổ.
Còn đối
với các quý bà, cách ăn mặc đúng quy cách với áo có đuôi dài quét đất, phải đội
mũ có gài một túm lông và phải được đưa vào triều kiến
đức kim thượng thì mới được công nhận là người có địa vị trong xã hội, được
kính nể. Cuộc triều kiến như là con dấu chứng thực một người đàn bà lương thiện,
được phong sắc “tiết hạnh khả phong”, trở nên “trong như ngọc, trắng như ngà”.
Điều đó cho thấy xã hội Anh đương thời chỉ chú trọng tô điểm hình thức bên
ngoài, bằng lời nói, hành động, tình yêu, nhân cách hay bất cứ thứ gì có thể, họ
đều thể hiện một cách tốt nhất theo những quy chuẩn thượng lưu để được trọng vọng
và kính nể. Ngay đến đám tang của tôn ông Pitt Crawley cũng là dịp để gia đình
chứng tỏ sự giàu sang bằng tấm biển treo báo tin cụ tạ thế cũng hết sức sặc sỡ
và lộng lẫy.
Bên cạnh
đó còn có nhiều nhân vật khác phản ánh hình ảnh của tầng lớp thượng lưu. Ví dụ
như nhân vật Frederick – chủ hãng Hãng Hulker và Bullock là một hãng buôn lớn ở
khu City và là con rể của ông Osborne. Anh ta là một quý tộc giàu có và tiếng
tăm nhưng tham lam, tráo trở. Khi cưới Maria Osborne, Frederick khăng khăng đòi
ông bố vợ chia cho Maria một nửa số của cải để mình cũng hưởng được số tiền đó
nếu không sẽ không cưới. Và những người bà con trong họ thì khinh thường
Frederick vì cho rằng anh ta lấy một cô vợ bình dân, không xứng đáng với thân
phận của mình trong khi bọn họ quên rằng bản thân mình cũng từng là một người
thuộc tầng lớp hạ tiện, được nuôi dưỡng ở trại mồ côi nhờ lấy chồng sang mới trở
thành quý tộc, sau khi trở thành quý tộc thì họ quay ra khinh thường những người
giống như họ khi xưa.
Hay
nhân vật phu nhân Southdown - mẹ vợ của Pitt, một
phu nhân thuộc tầng lớp thượng lưu, bà khinh thường Rebecca ra mặt, khi vợ chồng
Pitt viết thư cho Rawdon và Rebecca để thông báo về cái chết của cụ Pitt và gọi
cả hai về dự tang thì bà Southdown phản đối dữ dội vì bà ghét xuất thân thấp
kém của Rebecca, cho rằng cô không xứng đáng. Bà thể hiện thái độ kiên quyết
không cho Rebecca trở về trại Crawley, rằng còn có mặt bà ở đây thì chuyện đó
không thể xảy ra và cấm họ viết thư cho cô. Chính sự khinh miệt, đối xử tệ bạc
của bọn họ đã làm cuộc sống những người trong tầng lớp bình dân trở nên khó
khăn hơn, làm tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội và làm cách biệt thêm
tình cảm giữa người và người trong cuộc sống. Bởi lẽ, đứng trước guồng quay cuộc sống, liệu ai có thể giữ cho mình tâm hồn
trong sạch
Nhưng
sự phù hoa, xa xỉ không phải chỉ có trong xã hội người lớn, trong không gian những
buổi dạ hội, tiếp khách mà nó đã ăn sâu vào tâm thức của những đứa trẻ, bén rể
đến các ngôi trường. Ở đó, cũng như xã hội bên ngoài, có sự phân biệt rõ rệt giữa
những đứa trẻ con nhà dòng dõi và những đứa trẻ xuất thân từ gia đình tầm thường.
Giới quý tộc giàu sang, tiếp xúc với những người thượng lưu đã quen nên khi sa
cơ thất thế, họ không thể chấp nhận cuộc sống thiếu thốn. Đối với họ, địa vị và
danh dự là thứ quý giá nhất, với những gì có được, họ bằng mọi giá phải thể hiện
phong cách thời thượng của mình. trong cái hội chợ náo nhiệt ấy, những người
quý tộc không bỏ sót một cuộc vui chơi nào, săn chuột, chơi quả lăn, giong xe tứ
mã,… người ta đều học đòi tất cả những thứ quý phái ấy ngay khi tuổi còn nhỏ.
Xã hội
trong thế giới phù hoa ấy luôn biến chuyển, được mất chỉ trong cái chớp mắt,
không có địa vị nào là bền vững. Người ta tìm mọi cách để có được tiền bạc, rồi
dùng tiền để mua danh vọng, cấp bậc, địa vị, họ tranh nhau một chỗ đứng trong
xã hội, bày hết cơ mưu này đến thủ đoạn khác để khẳng định, để thăng tiến, để
được kính nể. Ở cái xã hội mà những người quý tộc thì tìm mọi cách giữ gìn và
nâng cao gia thế của mình còn người khác thì tìm mọi cách để chen chân vào tầng
lớp thượng lưu rồi đứng vững. Mọi động cơ cho mọi suy nghĩ, hành động đều hướng
đến mục đích cuối cùng ấy.
Trái ngược với sự giàu sang, xa hoa của giới thượng lưu là
những người có xuất thân bình dân, bị xã hội coi
thường và luôn mong muốn đổi đời, bước chân vào xã hội thượng lưu. Thackeray đã
miêu tả họ qua hình tượng nhân vật Rebecca. Cô xuất thân từ tầng lớp bình dân: “Bố
Rebecca là một họa sĩ dạy vẽ trong trường của bà Pinkerton. Ông ta là một người
thông minh, vui vẻ, một người vô tâm, hay mang công mắc nợ, và rất mê các tửu quán”, còn mẹ Rebecca thì là một vũ nữ, vì thế luôn bị
xem thường và chịu những đối đãi bất công. Chính
vì thế, Rebecca luôn có khao khát đổi đời, ước mong được gia nhập vào tầng lớp
thượng lưu. Bằng những tính toán, thủ đoạn của mình, nhiều khi đánh mất phẩm
giá và nhân cách của mình (quyến rũ Joseph, kết hôn với Rawdon, hẹn hò với chồng
của bạn mình là George, tán tỉnh lão quý tộc già Lord Steyne,…), cô đã dần dần
bước chân vào xã hội thượng lưu quý tộc và sống cuộc sống nhàn nhã, xa hoa. Có
thể nói, tác giả đã xây dựng Rebecca một nhân vật điển hình đại diện cho tầng lớp
bình dân phải chịu nhiều đối đãi bất công trong xã hội, bên cạnh đó là những âm
mưu, toan tính, những khát khao được đặt chân vào giới
thượng lưu trong tác phẩm.
Ngoài
Rebecca thì trong tác phẩm còn nhiều nhân vật thuộc tầng lớp bình dân khác. Như
gia đình bà Briggs, cả nhà bà đều là hạng người tham lam, ích kỷ mà khao khát
được bước chân vào giới thượng lưu. Bà Briggs là người hầu của bà Crawley, bà
luôn vây quay nịnh hót bà Crawley giàu có, nhờ vậy mà được bà Crawley xem như
người hầu thân cận. Vì sống cùng người chủ quý tộc nên bà Briggs cũng quen thói
sống giàu sang. Sau khi chủ mất bà vẫn không có ý định về quê sống cùng với họ
hàng nghèo, bà muốn được sống cùng những người giàu có sang trọng dù cho chỉ được
làm nô lệ của họ. Còn họ hàng của bà Briggs là người bán hàng vặt ở một thị trấn
miền quê, bọn họ giành giật nhau số tiền bốn mươi đồng trợ cấp đồng niên của bà
còn gay go trắng trợn hơn cả nhà Crawley tranh cướp nhau gia tài của bà cô.
Em trai bà Briggs là một bác thợ mũ và bán tạp hoá có tư tưởng tiến bộ, kết án
bà là một mụ quý tộc hợm của chỉ vì bà không chịu cấp cho anh ta một ít tiền để
mở mang cửa hiệu.
Tác giả
cũng thể hiện những nhân vật có xuất thân kém cỏi nhưng có lẽ sống tốt đẹp, như
bà Blenkinsop, - người hầu của nhà Sedley, bà chứng kiến
sự ra đời của Amelia và Joseph. Khi nhà Sedley phá sản thì tất cả người hầu
trong nhà đều bỏ đi, có người còn chửi rủa nhà Sedley, chỉ có bà Blenkinsop
tình nguyện ở lại làm không công giúp cho nhà Sedley, cùng họ dọn đến chỗ ở mới.
Hay ông Clapp - thư ký của ông Sedley, dù nhà Sedley phá sản
thì ông vẫn kính trọng họ như xưa, ông vẫn tôn trọng ông Sedley, ở quán rượu
ông không dám ngồi ngang hàng với người chủ cũ. Nhưng trong cái xã hội hồ nháo ấy, những người không xem
đồng tiền quan trọng hơn tình cảm chỉ là số ít.
Còn có
người nghèo khổ làm nghề buôn bán hay làm thuê mướn và bị bọn nhà giàu chèn ép,
bốc lột. Người đàn bà làm nghề giặt đồ thuê thì chỉ nhận được được giấy biên nhận
chứ không được khách trả công, đầy tớ trong các nhà hàng, bác thợ rèn chữa
khoá, bác thợ kính hàn cửa kính vỡ, lão chủ cho thuê xe ngựa cũng như cậu xà
ích giong xe, anh hàng thịt vẫn bán chịu đùi cừu cũng như bác bán than cung cấp
than để quay đùi cừu, chị bếp hay tất cả các gia nhân khác không một ai được trả
đầy đủ tiền công, vì thế họ buộc lòng vẫn phải ở lại hầu hạ trong nhà, tiếp tục
bị các quý tộc, người giàu bóc lột.
Qua
các nhân vật trên, nhà văn cho thấy sự bất công trong xã hội Anh đương thời,
kèm théo đó là những đặc quyền của giới quý tộc và sự cơ cực của đại đa số người
dân, từ đó làm nổi bật lên tinh thần phản kháng, không chấp nhận số phận của tầng
lớp bình dân. Họ vừa căm ghét xã hội thượng lưu, vừa thèm
thuồng muốn chen chân vào xã hội ấy bằng nhiều thủ đoạn. Dẫu thế, mọi vấn đề đều
có hai mặt, không phải người bình dân nào trong xã hội ấy cũng ham mê vật chất,
vinh hoa, bất chấp thủ đoạn để bước chân vào giới thượng lưu. Chính những con
người ấy đã thắp lên ngọn lửa hy vọng cho nơi đây về một tương lai công bằng và
văn minh hơn. Ngọn lửa ấy dù yếu ớt nhưng vấn đủ để trở thành điểm sáng của
toàn bộ tác phẩm.
Có thể nói rằng Hội Chợ Phù Hoa là tác phẩm có bút
pháp châm biếm mang đậm màu sắc trí tuệ. Mà chi tiết gây ấn tượng mạnh nhất,
sâu sắc nhất với người đọc là nhan đề tiểu thuyết mang đậm tính triết lý. Như
đã nói, Hội Chợ Phù Hoa là tác phẩm được nhà văn Thackeray sử dụng bút
pháp châm biếm nói chung, bút pháp châm biếm bác học nói riêng một cách hết sức
linh hoạt và uyển chuyển. Mà châm biếm bác học được xem là cội nguồn của văn học
hài hước nước Anh thế kỷ XVIII. Thế nên, Hội Chợ Phù Hoa là một tấn hài
kịch lớn, khung cảnh hội chợ hỗn độn, và mọi thứ đều là món hàng được phô
trương ra để mua bán kể cả nhân cách của một con người. Sau khi bằng mọi giá
đánh đổi mọi thứ hòng dấn thân vào giới thượng lưu thì chỉ nhận lại tất cả là sự
vô nghĩa, sự phản bội, dối trá, sự phù phiếm của cuộc đời con người.
Suy cho cùng, khát vọng hướng về sự giàu sang, giấc mơ về
một cuộc sống xa hoa, hạnh phúc của mỗi một nhân vật là không hề sai nhưng sự lựa
chọn và cách làm của họ thì chưa đúng. Rebecca không hề sai khi một lòng muốn
rũ bỏ xuất thân hèn kém, cái nhìn khinh rẻ của người đời áp đặt lên mình nhưng
sự mê muội của dẫn đến mù quáng, bất chấp luân lý đạo đức, không từ thủ đoạn đã
khiến kết cục của cô là sự đơn độc, ghẻ lạnh thờ ơ của xã hội. Tiếng cười từ “vở
hài kịch lớn” của Thackeray là tiếng cười mỉa mai, là sự châm biếm bác học.
Nhưng tác phẩm rõ ràng không có những nhân vật táng tận lương tâm, không có những
chi tiết tàn nhẫn gây phẫn nộ hoặc xót thương sâu sắc, không có một hiện thực
nghiệt ngã, lạnh lùng như kiểu của Balzac. Hội chợ phù hoa là một tác phẩm vừa
đủ cho độc giả mỉm cười thấu hiểu vào những cái đáng cười, vừa đủ cho độc giả
tâm đắc, cảnh giác và giữ mình vững vàng trước ma lực hấp dẫn của khát vọng
mang tên thượng lưu mà vốn dĩ thời nào cũng hiện hữu.
Bên cạnh đó, để thể hiện thái độ sự phê phán của mình,
Thackeray đã sử dụng giọng điệu châm biến khi nhân vật kể chuyện dẫn dắt câu
chuyện. Mỗi khi nhân vật kể chuyện, dẫn hay bình luận về nhân vật, sự kiện
trong tác phẩm thì nhà văn lại sử dụng một giọng điệu mỉa mai đến chua chát.
Như ở phần mở đầu khi giới thiệu về “vở kịch” kệch cỡm sắp được kể:
“Nhà đạo diễn vở kịch đang ngồi trên sân khấu trước tấm màn;
nhìn xuống đám người hỗn độn chen chúc nhau trong
Hội chợ, tự nhiên hắn cảm thấy một nỗi buồn tê tái xâm chiếm tâm hồn. Thiên hạ đang đua nhau mà
ăn uống, mà chim chuột, rồi bỏ rơi nhau, mà cười mà khóc, rồi hút sách, lừa bịp, nhảy nhót, đấm đá nhau hoặc
la cà đây đó.
Có những tay anh chị húc kẻ nọ đẩy người
kia mà đi; có những cậu công tử bột ra sức liếc tình đàn bà con gái; có những chú đạo chích chuyên rờ túi thiên hạ; có những đội xếp
soi mói nhìn ngó đó đây; này là mấy anh bán thuốc rong (trời đánh thánh vật mấy thằng bán thuốc rong!) đang gân cổ lên mà
quảng cáo thuốc trước quầy hàng của mình; kia là mấy bác nhà quê cứ há
hổc mồm ra mà ngắm các cô vũ nữ mặc áo sặc sỡ và mấy chú làm trò xiếc leo dây đáng thương mặt trát son đỏ bự, trong khi bọn kẻ cắp đứng đằng sau lưng cứ việc lách mấy ngón tay vào túi mà nẫng nhẹ ví mang đi. Thưa vâng, chính là hội chợ phù hoa đấy ạ; không phải là một chỗ đứng đắn và tuy rất ổn ào, nhưng
cũng chẳng phải là một nơi vui vẻ gì đâu”.
Nhà văn Thackeray đã thể hiện thái độ châm biếm có phần gắt
gao đối với xã hội thối nát lúc bấy giờ, châm biếm thói sống xa hoa, vì danh lợi
mà bất chấp đúng sai, không từ thủ đoạn nhưng cũng lắm lúc trào phúng, nhẹ
nhàng đến lạ. Với bút pháp uyển chuyển, tinh tế, lời văn mộc mạc nhưng cũng đầy
đanh thép, đôi lúc có phần sôi nổi nhiệt tình, cũng có khi lạnh lùng khách
quan, lắm lúc thô bạo tàn nhẫn để lên tiếng châm biếm, mỉa mai những “thói đời”
như một tấn hài kịch. Nhà văn không chỉ châm biếm chỉ để người ta thấy được cái
xấu xa, cái nhơ nhuốc của đời của người mà còn để thể hiện được quan điểm, cảm
xúc của mình, thể hiện nhận thức về con người, chiêm nghiệm về sự đời đầy sâu sắc.
Một điểm đáng chú ý ở Hội Chợ Phù Hoa là những lời bình đậm tính triết lý của William Thackeray xen lẫn trong các đoạn trần thuật. Điều đặc biệt là tính triết lý này không quá xa xôi đối với đời sống con người mà nó nằm ngay ở những câu chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống đời thường. Như khi kể lại câu chuyện về thời thơ ấu của Dobbin và George cũng có một lời bình luận được đưa vào giữa câu chuyện ấy:
“Nếu thiên hạ cứ để
mặc trẻ con sống một mình, nếu thầy giáo thôi đừng la rầy chúng, nếu các bậc cha mẹ đừng cứ nhất định đòi uốn nắn sự suy
nghĩ của chúng, và khống chế cả tình cảm của chúng… Nếu cha mẹ và thầy giáo hãy
cứ để mặc trẻ con sống một mình thêm chút ít…thì chắc những chuyện tai hại sẽ bớt
được nhiều, tuy rằng chúng có thể thâu lượm bớt đi đôi chút về mặt kiến thức”.
Đây
không phải là điều gì quá xa vời đối với xã hội đặc biệt là đối với xã hội coi
trọng địa vị và quyền lực như Hội Chợ Phù Hoa. Như vậy,
thông qua việc bình luận đối với nhân vật và câu chuyện ngoài việc để người đọc
hiểu được thái độ và quan niệm của mình mà nhà văn còn đưa ra được những triết
lý về cuộc sống về con người góp phần giúp người đọc hiểu rõ thêm về cuộc sống.
Về sau,
dần dần cho đến khi kết thúc tác phẩm đều không thiếu lời bình của nhà văn. Như
đến đoạn Amelia tạ ơn chúa vì đã để cô gặp lại Rebecca - một
con người hết sức “đáng thương” thì ngay lập tức Thackeray cũng đã thể hiện
thái độ của mình về lời cảm ơn Chúa của Amelia:
“Tôi thắc mắc
không hiểu liệu biết cảm ơn Thượng đế chỉ vì mình may mắn hơn người, có phải là
một thái độ tín ngưỡng hợp lý hay không, mặc dầu người ta đã dạy cho các cô thiếu
nữ biết thành kính như vậy ngay từ hồi còn tí tuổi”.
Có thể thấy, mỗi một lời bình
trong tác phẩm đã được William Thackeray trau chuốt một cách vô cùng tỉ mỉ để
khi xuất hiện, những bình luận này có một sức hấp dẫn khó cưỡng nổi, bởi sự
giàu màu sắc ngôn ngữ, đa sắc thái trong giọng điệu và sâu lắng bởi hàm ý sâu
xa của nó. Giọng triết lý, suy tư hướng nội, có tính tranh biện, thể hiện sự
tâm tình chia sẻ những trải nghiệm cá nhân. Nó cùng với tính chiêm nghiệm, thâm
trầm sâu sắc của trưc tình ngoại đề tạo ra “chất thơ” cho tiểu thuyết. Giống
như khi bạn xem một trận bóng dù các cầu thủ có đá hay đến đâu nhưng lại thiếu
một bình luận viên hiểu biết và khôn khéo thì trận đấu ấy cũng không còn thu
hút người xem nữa.
Những
lời bình luận ngoại đề còn xuất phát từ tấm lòng nhân đạo của Thackeray thể hiện
trong những trang viết về sự sống, cái chết. Có lẽ cả cuộc đời con người, sự phát
triển của nhân loại cũng chỉ xoay quanh hai vấn đề nhân sinh ấy. Trong toàn bộ
câu chuyện, Thackeray không quên đưa ra kết cục cái chết của các nhân vật. Nếu
cuộc sống trần thế của những con người trong Hội chợ phù hoa này rực rỡ ánh hào
quang, một thời tung hoành, ghê gớm, nổi tiếng đại tài, người đỉnh cao tiền bạc,
kẻ đứng đầu thiên hạ về danh vọng đến đâu... thì cuối cùng khi đến điểm cuối của
cuộc đời họ cũng trở nên thảm hại, đau khổ và qua đó bộc lộ cái nhìn ái ngại
đáng thương của tác giả. Chết là hết, nhưng với con người tận tình với cuộc sống
như Thackeray thì ông không thể quên giờ khắc cuối cùng ấy, đó là hình ảnh duy nhất
còn lại ghi dấu sự tồn tại chốc lát thoảng qua của con người trên cuộc đời này.
Ngụ ý triết lý Thackeray tâm đắc toát lên trong toàn bộ tiểu thuyết: cái chết
chính là một minh chứng sắc nét để thấy rằng những bon chen danh lợi, những quyền
quý cao sang, những thói lịch sự cao quý hay tiền tài địa vị so với cái chết, sự
sống ngắn ngủi của đời người rồi cũng là phù du mây nổi. Lời đánh giá nhận xét
của người kể chuyện và tác giả thâm nhập sâu vào cấu trúc
truyện kể ở cả bề rộng và bề sâu tạo nên vẻ độc đáo riêng biệt của bình luận ngoại
đề. Nó phá vỡ quan điểm lý thuyết khô cứng về bình luận ngoại đề.
Thông
qua việc sử dụng hình thức nghệ thuật này William Thackeray đã để lại một dấu ấn
sâu sắc trong lòng độc giả. Khi lời bình luận thành công hòa quyện cùng với tác
phẩm cũng là lúc nhà văn thành công thể hiện thái độ, quan niệm và sự chế giễu
của mình đối với hiện thực của xã hội Anh lúc bấy giờ. Qua những lời bình luận
được vận dùng khéo léo có chút hài hước ấy người đọc vừa có cái nhìn sâu sắc
hơn đối với nhân vật cũng như cảm nhận được ý kiến của chính tác giả, người
sáng tác ra tác phẩm. Bên cạnh đó độc giả có thể tự tích luỹ cho mình những câu
triết lý của Thackeray trong kho tàng kinh nghiệm mà đôi lúc ngẫm lại vừa trào
lộng xót xa, vừa có cái tinh tế của một người thấu tình đạt lý.
4. Kết luận
Trong tác phẩm
Hội Chợ Phù Hoa tác giả đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh nhân vật đại diện cho
những con người khác nhau trong xã hội. Rebecca biểu tượng cho những người ước
mơ vươn lên xã hội quý tộc. Mỗi nhân vật là một mảnh ghép tạo thành bức tranh sống
động về xã hội Anh, chính cách xây dựng nhân vật như vậy sẽ cho ta thấy cách
nhìn đa chiều về đời sống. Ngoài phê phán tình trạng thối nát chung của các tầng
lớp thống trị, tính đê tiện, tàn nhẫn của giới tư bản. Tác giả còn ca ngợi những
tình cảm cao quý như tình cha con, tình mẹ con, tình bè bạn, lòng chung thủy...
Đứng trước cảnh đời xấu xa, ông chưa mất hết lòng tin đối với bản chất tốt đẹp
của con người và điều này được chứng minh qua việc xây dựng hai nhân vật Amelia
và Dobbin.
Qua tác phẩm
Hội Chợ Phù Hoa, William Makepeace Thackeray đã vạch trần sự phù phiếm, giả dối của giới
thượng lưu Anh lúc bấy giờ. Họ chạy theo sức mạnh của đồng tiền và rồi bị nó đeo bám, trở thành
những con rối bị đồng tiền giật dây. Thông qua những giá trị đặc sắc trên, William Makepeace Thackeray với Hội Chợ Phù Hoa đã ghi dấu ấn vào kho tàng tinh hoa văn học thế giới. Hội Chợ Phù Hoa trở thành một tác phẩm không thể thiếu đối với nền văn học hiện thực Anh,
nó đánh dấu cuộc cách mạng của tiểu thuyết Anh thế kỷ XIX trong việc rời bỏ
hình thức của tiểu thuyết luận đề để hướng sang tiểu thuyết lấy việc miêu tả xã
hội làm trọng tâm. Và cuối cùng, qua tác phẩm cũng khẳng định tài năng nghệ thuật,
đồng thời đưa vị trí của Thackeray lên cao trong nền văn học Anh nói riêng và thế
giới nói chung.
Tóm tắt bởi:
Jelly - Bookademy
Hình ảnh:
Jelly
--------------------------------------------------
Theo dõi
fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
2,347 lượt xem