Nguyễn Võ Thanh Thảo@Viện Sách - Bookademy
2 năm trước
[Tóm Tắt & Review Sách] “Hy vọng”: Cùng Con Vượt Qua Nỗi Đau Xâm Hại Tình Dục
Trong những điều xảy ra,
bạn không thể chọn quay về quá khứ để thay đổi, chẳng thể nào được. Bạn chỉ có
thể đối mặt với nó, sợ hãi cũng được, hèn nhát cũng được, nhưng nhất định phải
đối mặt. Nếu vượt qua được cửa ải đó, bạn sẽ có thể thay đổi được những điều ở
hiện tại và tương lai, nếu bạn thật sự sẵn sàng. Có rất nhiều điều trong cuộc sống
này vốn dĩ rất bất công, nhưng nếu ông trời đóng lại của chúng ta một cánh cửa,
thì chắc chắn sẽ có một cánh cửa khác mở ra cho bạn bước vào.
“Vậy chúng ta… là thế
nào?”
“Gia đình. Chúng ta là
gia đình đấy!”
Hy vọng là cuốn sách viết
về câu chuyện của cô bé Ji Yoon và hành trình vượt qua nỗi đau, không từ bỏ niềm
hy vọng của cô gái bé nhỏ cũng như nỗ lực của cả gia đình. Câu chuyện là cả một
hành trình xúc động cùng con vượt qua nỗi đau. Truyện được viết dựa trên vụ án
có thật gây rúng động dư luận Hàn Quốc năm 2008 do chính người trong cuộc kể lại.
Tác giả So Jae Won
Sinh năm 1983 tại Iksan
thuộc tỉnh Jeolla Bắc, Hàn Quốc. Anh sớm đăng đàn khi mới chỉ 26 tuổi. Tiểu
thuyết đầu tay 10% của anh vừa mới ra mắt đã liên tục đứng trong danh sách sách
bán chạy và ngay lập tức được chuyển thể thành phim điện ảnh Beastie Boys
(2008). Các tác phẩm tiếp theo của anh không chỉ được đông đảo độc giả đón nhận
mà còn trở thành nguồn tài nguyên phong phú để các đạo diễn điện ảnh khai thác.
Tiêu biểu là hai tiểu thuyết Hy vọng (2013) về đề tài xâm hại trẻ em và Đường hầm
(2016) về thảm họa sập hầm đều đã được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên,
gây tiếng vang lớn cả ở Hàn Quốc và quốc tế.
Tóm tắt sách
Ji Yoon – bé gái tám tuổi
trong sáng, đáng yêu bỗng một ngày phải hứng chịu nỗi bất hạnh khủng khiếp: Em
trở thành nạn nhân của vụ xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng, chịu những tổn
thương không thể xóa nhòa về thể xác lẫn tinh thần. Trước nỗi đau quá lớn, gia
đình Ji Yoon chao đảo bên bờ vực sụp đổ, song bằng tình yêu thương vô bờ bến, họ
vẫn không từ bỏ hy vọng tìm lại hạnh phúc, kiên cường chiến đấu để từng chút một
hàn gắn hàng rào mang tên “gia đình”…
Được viết dựa trên một vụ
án hình sự có thật gây rúng động ở Hàn Quốc năm 2008 (vụ án bé Na Young), Hy vọng
lột tả diễn biến gây phẫn nộ và quá trình phục hồi sau chấn thương bị lạm dụng
tình dục của bé gái 8 tuổi tên Ji Yoon.
Câu chuyện bắt đầu vào một
buổi sáng ngày mưa, cô bé tên Ji Yoon cầm chiếc ô vàng của mình rảo bước đến trường. Nhịp sống tự lập
của em sẽ cứ thế tiếp diễn bình thường nếu như không có một gã đàn ông đột
nhiên xuất hiện chặn đường em giữa con phố vắng người, và sau đó mang đến cho
em cơn ác mộng không bao giờ chấm dứt.
Mưa vẫn rơi rả rích, đối
lập với sự bận rộn mưu sinh của cha mẹ. Trong một góc nhà hoang, chiếc ô vàng vốn
tượng trưng cho niềm hy vọng, nằm tĩnh lặng và rách nát. Tên thủ phạm kia đã xuống
tay dã man đến mức nào mà khiến cho một đứa bé ngây thơ, trong sáng trở nên bầm
dập, đau đến đến như thế. Cô bé đã phải cắt bỏ cả trực tràng, ruột non và mất một
phần thị giác. Thật đau đớn làm sao! Vụt qua hành lang bệnh viện, tiếng bản tin
thời sự cho biết, kẻ thủ ác chỉ sống cách nhà nạn nhân 1km và hắn đã từng bị bắt
vì tội danh tương tự. Chắc hẳn hắn đã theo dõi Ji Yoon không chỉ một hai ngày,
và đã lựa chọn cô bé làm mục tiêu vì lúc nào cũng cô độc một mình. Dù bị kết án
tù giam nhưng hắn lại thản nhiên, trơ tráo như chưa từng có chuyện gì xảy ra,
thậm chí là phủ nhận hành vi tội ác của mình. Nhiêu đó thôi cũng đủ khiến cho sự
phẫn nộ trong người đọc dâng lên đỉnh điểm rồi. Nhưng không, với tội ác đó của
hắn, hắn chỉ phải lãnh án vỏn vẹn 12 năm trong tù. Hắn được sống an nhàn, ăn
cơm nhà nước trong khi nỗi đau khổ dần gặm nhấm cả gia đình nạn nhân, khiến họ
sụp đổ hoàn toàn. Cả xã hội dường như cũng căm phẫn với bản án đó.
Bộ mặt phũ phàng của một
xã hội vô cảm
Tuy không phải là tất cả,
nhưng cũng có rất nhiều người thờ ơ, lãnh cảm, thậm chí là cười cợt trên nỗi
đau của gia đình cô bé Ji Yoon. Thay vì bảo vệ quyền riêng tư của nạn nhân, dư
luận lại đến tận bệnh viện để chụp hình, phỏng vấn gia đình nạn nhân. Người ta
không thương cảm, không thấu hiểu cho cảm giác của nạn nhân. Khi nhắc về bi kịch
của cô bé, người ta đổ lỗi cho mẹ Ji Yoon vì không đưa đón con cái, họ trách bố
Ji Yoon không bảo vệ được con. Nhưng họ lại chẳng chịu đặt mình vào vị trí của
người cha mẹ, không hiểu được họ đã tuyệt vọng đến mức nào.
Khi Ji Yoon cần chữa trị,
rất nhiều bệnh viện và trung tâm y tế không chịu tiếp nhận cô bé, hoặc nếu có
thì họ chỉ làm một cách hời hợt, qua loa cho xong nghĩa vụ. Khi Ji Yoon mạnh khỏe
hơn và có thể đi học lại, thì những con người ngoài kia lại một lần nữa làm tổn
thương tâm hồn non nớt của ấy bằng cách lên án “sự khác biệt”. Họ không muốn
con của họ học cùng trường với một đứa “bệnh”, họ giữ con cái tránh xa Ji Yoon
và cấm cô bé chơi đùa với con mình. Từng chút, từng chút một, sự lạnh lùng của
lòng người ấy chẳng khác nào một virus truyền nhiễm, dần dần đạp đổ vài hy vọng
nhen nhóm của gia đình nạn nhân, đẩy họ sâu hơn vào cái hố tuyệt vọng.
Họ sợ đủ thứ, nhưng tại
sao họ lại không sợ lời nói của mình gây thêm nhiều nỗi đau cho cô gái bé nhỏ
và gia đình cô bé nhỉ? Thậm chí còn có nhiều người ủng hộ cho tên ác nhân kia.
Cuộc đời này thật quá buồn cười rồi, xã hội cũng ngày càng thối rữa. Thứ cần
che chở, bảo vệ thì người ta lại ngang nhiên đạp nó xuống, để nâng cái xấu xa
lên, thậm chí còn biện minh, ủng hộ cho nó.
Gia đình không phải là điều
hiển nhiên
Tình yêu thương của cha,
sự quan tâm của mẹ, những tiếng gọi thân quen, những bữa cơm gia đình,… mà
chúng ta cho rằng là điều hiển nhiên, và luôn tin rằng điều đó là đúng. Từ lúc
sinh ra, chúng ta đã thuộc về gia đình rồi. Nhưng trong cuốn Hy vọng, mình nhận
ra những điều tưởng chừng đơn giản đó lại chẳng dễ dàng có được. Có đôi khi
chúng ta lại quên mất, sự nỗ lực để hai tiếng “gia đình” thiêng liêng trở nên
đúng với ý nghĩa của nó hoàn toàn chẳng đơn giản.
Đối với một cô bé vừa trải
qua cơn ác mộng kinh hoàng, đó lại là một điều tưởng chừng rất xa vời. Vì sau vụ
việc đáng buồn ấy, Ji Yoon sống khép kín hơn, cô bé sợ tất cả tên đàn ông xung
quanh, kể cả bố cô bé. Cô bé ngây thơ đã từng rất yêu thương bố, nhưng áp lực
tâm lý đè nặng khiến cho em chẳng dám lại gần chính cha đẻ của mình. Thử nghĩ
xem, thật buồn làm sao khi mình lại không thể yêu thương đứa con gái của chính
mình cơ chứ.
“Khi xảy ra chuyện, con
nghĩ bố rất bận” nghe thật đau xót. Lời nói ngây thơ của cô bé như từng nhát
dao đâm vào lòng người làm cha làm mẹ. Giá như bố không quá mải mê với công việc,
giá như mẹ đừng chỉ chăm chăm vào biên lai, hóa đơn mà dành chút thời gian đưa
em đưa học, giá như cha mẹ nhận ra rằng em là điều tuyệt vời nhất mà tạo hóa
ban tặng cho họ, thì có lẽ cuộc đời em sẽ khác. Nhưng tất cả chỉ là “giá như”.
Chúng ta chẳng thể làm gì để thay đổi quá khứ, mà chỉ có thể tiếc nuối khi nghĩ
về nó. Con người là vậy, chúng ta sẽ mãi chẳng thể biết được tầm quan trọng của
một thứ cho đến khi chúng ta thật sự lạc mất nó.
Cả gia đình cùng nhau vượt
qua nỗi đau
Hình ảnh bố Ji Yoon sau vụ
việc đau lòng đó là một người đàn ông say rượu liên miên, luôn mượn rượu để giải
sầu. Trái tim ông như con tàu gặp nạn đang vùng vẫy giữa cơn giông tố. “Thà con
bé chết đi còn hơn. Thà chết rồi quên đi tất cả. Làm sao nó có thể sống với đoạn
ký ức tàn nhẫn đó. Thật tàn nhẫn. Quá sức tàn nhẫn…”
Bố Ji Yoon đã từng có ý định
rút súng bắn chết con quỷ man rợ kia, đòi lại công bằng cho đứa con gái bé bỏng,
tội nghiệp. Ông đau đớn, tủi nhục vì không thể ở cạnh con gái lúc con bé cần nhất,
để ôm con vào lòng và chia sẻ nỗi đau cùng với con. Ông trách mẹ Ji Yoon, trách
tên ác nhân, rồi cuối cùng là tự trách bản thân mình. Người bố nguyền rủa tất cả
mọi thứ. Ông tự lao đầu vào xe oto để tự tử với mong muốn giải thoát khỏi tình
cảnh khốn cùng ấy nhưng chẳng thành. Tuy được cứu sống nhưng trí não của người
bố lại trở lại khoảng thời gian của một đứa trẻ lúc 8 tuổi. Theo như bác sĩ nói
thì do bố Ji Yoon không chấp nhận được thực tại tàn nhẫn nên tâm trí ông muốn
trở về những năm tháng trẻ con ấy để quên đi hiện thực, để tấm lòng người làm bố
thôi giày xé. Sau đó, ông dần hóa thân thành Doraemon bầu bạn cùng Ji Yoon qua
những bức thư tay. Bố sẽ là Doraemon để đọc những bức thư Ji Yoon gửi, viết thư
hồi âm, kể chuyện và san sẻ cùng cô bé. Sau cùng, dù là Doraemon hay bố Ji Yoon
thì tất cả những điều ông làm đều xuất phát từ tình yêu thương vô bờ bến của người
cha dành cho con gái.
“Hãy sống đi. Sống đi nào.
Cho dù có chuyện gì đi nữa cũng phải sống. Nếu bây giờ mình chết đi, xác suất
mong manh có thể nhìn thấy Ji Yoon và mẹ Ji Yoon cũng sẽ biến mất. Dù thế nào cũng
phải sống. Vì mình là bố của Ji Yoon. Vì mình là trụ cột của một gia đình.”
Hết nỗi đau này lại đến nỗi
đau khác. Cuộc sống của mẹ Ji Yoon chưa có giây phút nào thật sự yên bình cả. Người
phụ nữ ấy phải quán xuyến hết tất cả mọi thứ, từ chăm lo cho người chồng bị mất
trí nhớ kèm thiểu năng, đến việc đưa đón Ji Yoon đi học, động viên con vượt lên
trên những lời nói chẳng mấy thiện cảm của những phụ huynh khác. Quả là một người
phụ nữ đáng ngưỡng mộ. Nhưng hẳn là, sâu thẳm trong trái tim bà, mẹ Ji Yoon vẫn
mong có người cùng bà san sẻ gánh nặng hơn, và người đó không ai khác chính là
bố Ji Yoon. Bà là sợi dây kết nối vững chắc giữa hai bố con. Có đôi lúc bà gần
như muốn bỏ cuộc, nhưng nhờ những lá thư từ bố Ji Yoon, người mẹ ấy lại có thêm
niềm tin để tiếp tục cố gắng, vực dậy một cách mạnh mẽ. Có lẽ chính khoảng thời
gian này giúp cho hai người làm bố mẹ xích lại gần nhau hơn, thấu hiểu hơn, cùng
quay lại thời còn trẻ, cùng nhau xem những bộ phim, cùng nhau đi chơi, và cùng
khát khao về một mái ấm trọn vẹn. Họ trải lòng mình qua những bức thư tay, bộc
lộ tất cả cảm xúc mình từng kìm nén. Chưa bao giờ họ cảm thấy thật lòng đến như
thế!
Bé Ji Yoon hay có thói
quen viết thư cho Doraemon, chia sẻ những điều thầm kín mà em chưa từng có đủ
can đảm để nói với bố mẹ. Em xem Doraemon như một người bạn tri kỷ, đặt tất cả
sự tin tưởng cho. Doraemon sẽ bảo vệ em khỏi người xấu, sẽ mua kem cho em ăn, sẽ
cùng em đi đến trường. Nhưng thật sự thì, người em cần nhất chính là bố. Em yêu
bố và muốn ngủ trong vòng tay to lớn của bố. Bố mẹ sẽ bảo vệ em. Em sẽ không còn
cô đơn nữa. Người xấu sẽ chẳng thể làm hại em được. Em có thể yên tâm ngủ và mơ
về công chúa, búp bê hay một mái ấm gia đình.
Trải qua tất cả, họ đã được
đoàn tụ. Gia đình Ji Yoon đã dũng cảm vượt qua tất cả sự kì thị, ánh mắt phán xét,
lời lẽ lăng mạ của xã hội mà vươn lên.
Cuộc hành trình đi đến hồi
kết
Chính vì hai chữ “gia
đình”, động lực khiến cho họ vẫn giữ niềm hy vọng, cố gắng vì một tương lai tốt
hơn, đã thôi thúc Ji Yoon và gia đình cô bé gắn kết lại với nhau. Vì gia đình
là động lực, mỗi người tựa vào nhau để cùng vươn lên, vượt qua nỗi đau ấy.
“Vậy chúng ta… là thế
nào?”
“Gia đình. Chúng ta là
gia đình đấy!”
Truyện kết thúc bằng hình
ảnh một gia đình ba người, Ji Yoon nắm tay bố và nói: “Mình về nhà thôi!”. Quả
là một cảnh tượng tuyệt đẹp về tình yêu thương mãnh liệt. Cuối cùng, họ vẫn là
một gia đình theo đúng nghĩa của nó. Dù cuộc đời có bao nhiêu sóng gió quật ngã
chúng ta, thì chúng ta vẫn còn có một chốn yên bình là nhà để trở về. Và giờ đây,
chẳng có kẻ xấu nào có thể trèo qua hàng rào hay xuyên thủng lá chắn gia đình được,
vì nó được xây nên từ tình yêu thương của họ, thật vững chắc.
Cảm nhận cá nhân
Hẳn là ai đọc xong cuốn sách
này cũng đều thấy phẫn nộ với tên ác nhân đó, và cả với chế độ xử phạt của Hàn
Quốc nữa. Làm sao họ có thể dễ dàng bỏ qua cho tên tội phạm chỉ vì lời biện
minh là hắn không có khả năng khống chế hành vi cơ chứ? Đọc những dòng miêu tả
của tác giả, tôi cảm thấy đau xót thay cho thân thể bé nhỏ ấy. Khi đó Ji Yoon mới
chỉ tám tuổi, với độ tuổi của em khi đó là tuổi chơi tuổi học, thế nhưng lại có
một kí ức đau buồn mà phải chịu nhiều đau đớn. Nhưng việc kết án quá nhẹ nhàng
chẳng mang tính răn đe ấy khiến cho người đọc bức xúc. Lỡ như khi hắn ta ra tù,
hắn không hối hận về những việc mình đã làm mà còn lặp lại một việc xấu như vậy
thì sao? Chẳng lẽ lại có một nạn nhân giống Ji Yoon ? Còn Ji Yoon chỉ vì che ô
cho người khác mà phải chịu nhiều nỗi đau thế ư? Gương mặt của Ji Yoon được miêu
tả khi người ta phát hiện ra em khiến tôi không khỏi đau xót. Cả khuôn mặt của
em đều có những vết thương biến dạng, những vết thương trên cả tay và và chân đều
chằng chịt những mũi khâu đau đớn.
“Đây không phải là câu
chuyện của ai khác mà là câu chuyện của chính chúng ta”. Đúng vậy, đó là vấn đề
không chỉ riêng gia đình nạn nhân mà còn là vấn đề của toàn xã hội. Mọi người hãy
cùng chung tay bảo vệ các nạn nhân bị xâm hại tình dục, chứ không phải dè bỉu,
bàn tán, kì thị họ. Ngoài kia có biết bao người là nạn nhân của nạn xâm hại tình
dục. Họ đã phải chịu nhiều đau đớn về thể xác và tinh thần. Họ không xứng đáng
nhận thêm những “nắm muối” bởi xã hội nữa. Chúng ta chẳng thể biết được rằng liệu
người thân của mình hay chính chúng ta có thể sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo. Vì
vậy, hãy yêu thương họ cũng như yêu thương chính bản thân ta, để những nạn nhân
đáng thương ấy có thêm niềm tin vào cuộc sống, tin vào con người, để họ có đủ
can đảm vượt qua được cơn ác mộng đeo bám dai dẳng kia. Mọi người vì một người,
và một người vì mọi người.
“Đây là việc của tôi. Việc
của gia đình tôi. Việc của con gái tôi. Nó cũng có thể trở thành việc của bạn tôi,
việc của bạn của bạn tôi nữa. Rồi cuối cùng, nó sẽ trở thành việc của chúng ta,
mối quan tâm của chúng ta. Tôi luôn tin rằng bằng một cách nào đó, chúng ta có thể
đứng lên đấu tranh và tạo nên kỳ tích.” – bố Na Young, cô bé bị xâm hại tình dục
gây rúng động xã hội Hàn Quốc.
“Mong bạn sẽ vực dậy sau
nỗi đau và không từ bỏ hy vọng.”
“Nếu là ký ức không thể quên
đi thì phải vượt qua nó.”
Tóm tắt bởi: Thanh Thảo -
Bookademy
Hình ảnh: Thanh Thảo
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của
Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết
thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn
nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn
không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
895 lượt xem