[ Tóm Tắt & Review Sách] " Không Gục Ngã": Từ Bóng Tối Đến Ánh Sáng - Hành Trình Của Nghị Lực Và Niềm Tin.
“ Chị tin rằng con người có số phận, nhưng chị cũng tin rằng con người có thể quyết định số phận của mình”
Trong cuộc sống này, chúng ta phải đối mặt với những thử thách, khó khăn không thể nào lường trước được sẽ xảy đến với mình. Những thử thách ấy đôi khi lại quá lớn lao, tưởng chừng như chẳng thể nào vượt lên số phận. Chính những lúc ấy, sự kiên trì và bền bỉ mới được thử thách và khẳng định. Và nhà dịch giả Bích Lan chính là minh chứng sống cho điều ấy.
“Trong những lúc đấu tranh cam go nhất để giữ lấy sự sống của mình, tôi phải dựa vào một mệnh lệnh nghiêm khắc và thiết tha nhất từ sâu trong trái tim mình: không được gục ngã!”
Không chấp nhận số phận của mình, Nguyễn Bích Lan đã không ngừng nỗ lực thật nhiều, thật nghiêm khắc với bản thân để thay đổi số phận của mình, để bánh xe cuộc đời cô rẽ vào hướng đi đầy niềm tin và sự hy vọng. Không ai có thể biết được rằng cô đã trải qua những gì và đã chịu đựng những đau khổ ra sao nhưng cô vẫn luôn suy nghĩ tích cực và hướng đến một tương lai tươi sáng. Bây giờ, hãy cùng với Nguyễn Bích Lan đến với cuốn tự truyện “Không gục ngã” để tiếp thêm động lực vượt lên những gian nan, thử thách trong cuộc sống này.
I. Đôi nét về tác giả và tác phẩm:
"Không gục ngã" là cuốn tự truyện của Nguyễn Bích Lan, kể về cuộc đời và hành trình vượt qua bệnh tật của cô. Cuốn sách là một câu chuyện đầy cảm hứng về lòng kiên trì và ý chí mạnh mẽ. Từ những ngày tháng đầu tiên khi biết mình mắc bệnh, Nguyễn Bích Lan đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn và thử thách. Tuy nhiên, cô không bao giờ từ bỏ hy vọng của mình. Với sự nỗ lực và quyết tâm, cô đã vượt qua những rào cản của bản thân để đạt được những thành tựu đáng nể trong lĩnh vực dịch thuật và trở thành một nhà dịch giả nổi tiếng như hiện nay. Cuốn sách này đã để lại trong lòng đọc giả bao nhiêu thương nhớ, lấy đi bao nhiêu nước mắt và làm thức tỉnh ý chí từ sâu thẳm bên trong mỗi con người cho những ai đã đọc cuốn sách.
Nguyễn Bích Lan là một dịch giả và nhà văn nổi tiếng của Việt Nam. Sinh ra tại Thái Bình, cô mắc phải căn bệnh loạn dưỡng cơ từ khi còn nhỏ, một căn bệnh hiếm gặp và không có thuốc chữa khiến cơ bắp dần dần suy yếu. Tuy nhiên, Bích Lan đã không để bệnh tật ngăn cản bản thân mình và cuộc đời của mình. Cô tự học tiếng Anh và trở thành một dịch giả xuất sắc, mang lại nhiều tác phẩm văn học quốc tế đến với độc giả Việt Nam. Nguyễn Bích Lan đã dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng như "Triệu phú khu ổ chuột", “Mạch buồn”,....và rất nhiều cuốn sách nổi tiếng khác. Nguyễn Bích Lan không chỉ là một dịch giả tài năng mà còn là một tác giả xuất sắc với cuốn tự truyện "Không gục ngã". Cuốn tự truyện này là một tác phẩm đầy cảm xúc, kể về cuộc đời đầy nghị lực và lòng kiên trì của cô trong cuộc chiến chống lại căn bệnh loạn dưỡng cơ. Với giọng văn chân thực, giản dị và đầy sâu sắc, Bích Lan đã truyền tải được những khó khăn, nỗi đau, nhưng đồng thời cũng là những khoảnh khắc hạnh phúc và niềm tin vào cuộc sống.
Phong cách viết của Nguyễn Bích Lan trong "Không gục ngã" được đánh giá cao bởi sự tinh tế và sâu lắng. Cô không chỉ kể chuyện mà còn khiến người đọc cảm nhận và đồng cảm với những cảm xúc mà cô đã trải qua. Sự chân thành trong từng câu chữ, sự miêu tả chi tiết những biến cố trong cuộc đời và những suy nghĩ sâu xa về ý nghĩa của cuộc sống đã tạo nên một tác phẩm đầy sức mạnh và cảm hứng. Bích Lan đã khéo léo kết hợp giữa những câu chuyện cá nhân và những bài học cuộc sống, làm cho người đọc không chỉ hiểu hơn về cô mà còn cảm thấy được tiếp thêm động lực để đối mặt với những thử thách trong cuộc sống của chính mình.
Ngòi bút tinh tế của Bích Lan thể hiện qua cách cô miêu tả những khoảnh khắc nhỏ nhặt nhưng đầy ý nghĩa, những suy nghĩ, cảm xúc chân thật và cả những ước mơ, khát vọng và cả hoài bão. Những đoạn văn trong cuốn tự truyện của cô không chỉ mang lại cảm giác đồng cảm mà còn khơi dậy sự ngưỡng mộ, lòng kính trọng đối với một người phụ nữ mạnh mẽ, kiên cường không ngừng vươn lên dù cuộc sống có nhiều khó khăn, thử thách.
"Không gục ngã" không chỉ là một câu chuyện cá nhân mà còn là một thông điệp về sự kiên trì, lòng dũng cảm và niềm tin vào tương lai. Qua từng trang sách, Nguyễn Bích Lan đã chứng minh rằng sức mạnh tinh thần có thể vượt qua mọi giới hạn của cơ thể, và rằng bất kỳ ai, dù ở hoàn cảnh nào, cũng có thể tìm thấy ánh sáng và hy vọng trong cuộc sống.
II. Tóm tắt cuốn sách:
1. Ngày thơ ấu: Tuy cùng cực nhưng đầy ắp niềm vui
Bích Lan sinh ra trong một gia đình có ba chị em. Ngày chị cô sinh ra, sau khi lọt lòng mẹ, chị cô lại rơi ngay xuống bậc thềm của trạm xá xã. Nhờ sự giúp đỡ của mọi người, chị cô mới có thể cất tiếng khóc chào đời. Bích Lan nói rằng:
“Cứ như thể muốn mình “an toàn” hơn chị, đến tận 29 Tết, tôi mới giãy đạp quyết liệt đòi ra khỏi bụng mẹ. Năm ấy không có ngày 30 Tết và tính theo dương lịch thì đã là ngày 29/1 của năm kế tiếp. Ngày tôi chào đời, bà tôi nói: “Chỉ hưởng 1 ngày mà nó phải chịu 1 tuổi”
Ngay từ khi sinh ra, Bích Lan đã phải chịu nhiều sự thiệt thòi như lời của bà cô nói. Năm cô sinh ra là năm có nạn đói. Gia đình cô phải đi vay mượn từng hạt gạo để ăn, vì quá đói nên có người mang ra chợ bán những chiếc bánh bằng đất gói trong lá chuối, lừa người khác để có thể cứu lấy bản thân trước cái đói dai dẳng. Sự thiệt thòi thứ hai là vì bố cô cảm thấy thất vọng khi mẹ sinh ra cô vì hy vọng sẽ có một cậu con trai, cũng vì thế mà bố cô chẳng thèm đặt tên cho cô.
“Chẳng lâu sau, mẹ sinh em trai. Bố mãn nguyện vì có đàn con vừa đủ số lượng, vừa đủ “nếp, tẻ”. Riêng tôi vừa phải làm em của một người chị lớn hơn mình chỉ một tuổi, vừa làm chị của đứa em chỉ kém mình 1 tuổi. Chưa biết nể sợ chị thì tôi đã phải học cách nhường nhịn em.”
Thời gian dần trôi, thoắt cái Bích Lan đã vào lớp một. Vào ngày tuyển sinh lớp 1, vì không thấy mình được gọi tên như các bạn khác nên Bích Lan đã chạy từ trường mẫu giáo lên trường tiểu học, và ngồi vào lớp một cách chễm chệ hệt như những đứa bạn cùng tuổi.
Ngày đầu tiên vào lớp một là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của Bích Lan. Với sự háo hức và niềm vui, cô bé Bích Lan bước vào cánh cổng trường làng, bắt đầu một hành trình học tập đầy thử thách nhưng cũng rất đáng nhớ. Những ngày đầu tiên đến lớp, Bích Lan đã gặp gỡ và làm quen với bạn bè mới, cô giáo mới, những con chữ và những bài học đầu tiên trong cuộc đời. Cô say mê với từng con chữ, từng bài toán, luôn nỗ lực để theo kịp các bạn trong lớp và nhờ vậy mà điểm số của cô luôn đứng tốp đầu của lớp. Sự ham học của cô đã thể hiện ngay từ khi cô còn bé. Bích Lan đã kể rằng:
“Tôi rất thích khám phá thế giới chữ. Có lẽ ngay từ khi bắt đầu đi học tôi đã có cảm giác chữ cứ ùa vào tôi như những cơn gió mát rượi giữa trưa hè. Khi biết đọc, tôi đọc ngấu nghiến tất cả những chữ tôi nhìn thấy ở bất cứ đâu. Tôi đọc chữ trên những mẩu báo cũ dùng gói đồ, chữ dập nổi trên những đôi dép lê. Tôi đọc đi đọc lại những chữ in trong các cuốn sách giáo khoa như một thú vui. Nhờ thú vui đó mà tôi thuộc lòng tất cả bài thơ, bài tập đọc trong sách trước khi cô giáo dạy những bài đó cho cả lớp. Bà tôi kể rằng có hôm trống tan trường đã điểm từ lâu mà bà vẫn chưa thấy tôi về nhà. Lo có chuyện không hay xảy ra với tôi, bà liền đi tìm và cuối cùng thấy tôi đang đứng trước bức tường của ủy ban xã, mải mê đánh vần những con chữ trên bảng thông báo của hợp tác xã.”
Ngay từ khi còn nhỏ, Bích Lan đã có niềm đam mê đọc sách. Cô ruột của Bích Lan ở Hà Nội đã gửi sách về biếu ông của cô và lâu dần, chiếc tủ sách đã đầy ắp những cuốn sách dày hay mỏng, mới hay cũ đều có cả. Cô thường dành hàng giờ để chìm đắm trong những trang sách mang theo tri thức. Đối với Bích Lan, mỗi cuốn sách là một cuộc phiêu lưu kỳ thú, đưa cô đi qua những miền đất lạ, gặp gỡ những nhân vật tuyệt vời và học hỏi nhiều điều thú vị.
“Để có truyện đọc quanh năm, tôi lén lấy sách trong tủ của ông đem đi đổi lấy những cuốn truyện khác của bạn học cùng trường và của cả người lớn trong làng. Với các tập của bộ truyện “Tam quốc diễn nghĩa”, tôi có thể đổi được bất cứ cuốn truyện được cất kỹ ở đáy hòm nào trong làng hoặc trong những ngăn tủ nghiêm cẩn bằng hoặc hơn cả ngăn tủ của ông. Chỉ riêng với tội lấy trộm sách đi đổi sách, tôi đã đáng bị ăn đòn rồi.”
Ham học là vậy, nhưng Bích Lan cũng rất mê chơi. Trong ba chị em thì Bích Lan là người mê chơi nhất. Mỗi buổi trưa, cô thường trốn ngủ để chạy đi chơi với đám bạn ở những con ngõ. Nhưng mỗi lúc như thế, ông của cô sẽ hét tên cô như tiếng sấm làm cho cô chẳng thể không về nhà nằm ngủ trưa được. Tuổi thơ của cô đã trải qua những trò chơi thú vị, những bài học đầu đời mà cuộc sống nông thôn đã dạy cho Bích Lan, và đặc biệt hơn cả, tuổi thơ cô có những người thân, thầy cô và bạn bè luôn quan tâm, giúp đỡ. Những kinh nghiệm và bài học ở tuổi thơ không chỉ là những trải nghiệm và kỷ niệm đẹp mà còn là những nguồn động lực mạnh mẽ giúp cô vững bước trên con đường đời. Chính nhờ những điều đó, cô đã vượt qua được bệnh tật và trở thành một người phụ nữ kiên cường, một dịch giả tài năng, truyền cảm hứng cho biết bao người khác trong cuộc sống.
2. Bóng tối dần ập đến - Những đau đớn của cuộc đời
Bước qua tuổi mười hai, Bích Lan đã chạm đến cánh cửa của tuổi thanh xuân, thoáng nhìn thấy bóng dáng mình ở thời thiếu nữ. Đó là một giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời của mỗi cô gái, và đối với Nguyễn Bích Lan, đó là một thời kỳ đầy biến động và sâu sắc. Cánh cửa tuổi thiếu nữ mở ra với Bích Lan không chỉ là sự thay đổi về mặt thể chất mà còn là những thay đổi về mặt tinh thần, cảm xúc và nhận thức về thế giới xung quanh. Tương lai nào đang chờ đợi Bích Lan, cô bé luôn được mọi người khen là xinh xắn đáng yêu lại còn học giỏi. Chắc hẳn đó là một tương lai tươi sáng đang đợi chờ cô ở phía trước.
“Về phần mình, thú thật, ở cái tuổi mười ba ấy, tôi chưa kịp nghĩ gì về tương lai, cũng không hề được chuẩn bị cho bất kỳ biến cố nào. Tôi mải mê học, mải mê đọc, hồn nhiên tận hưởng những niềm vui mà cuộc sống đưa đến tầm tay của mình mà không ngờ rằng đó là những ngày tháng cuối cùng tôi được sống như người bình thường.”
Rồi biến cố ập đến- biến cố lớn nhất của cuộc đời cô đã xảy ra. Cơ thể cô trong vòng chưa đầy ba tháng đã mất đến ⅓ trọng lượng nhưng cô không quan tâm lắm về điều này vì quá mải mê học. Bích Lan vẫn đạp xe đến trường như mọi người, nhưng rồi những biểu hiện bất thường về vận động của cô cũng dần dần xuất hiện. Cơ thể cô cứng nhắc, không thể thực hiện những động tác theo ý muốn và kinh khủng hơn đó là cô không thể chạy được nữa. Rồi những cú ngã ngoài tầm kiểm soát xảy ra rất bất ngờ và khó lường, chỉ mong rằng đó là một trò đùa và cô đợi trò đùa đó kết thúc. Nhưng chẳng có trò đùa nào ở đây cả, những cú ngã liên tiếp cứ ngày càng nhiều hơn. Hầu như ngày nào cô cũng sẽ bị ngã một lần, cô ngã văng ra khỏi xe, ngã lộn từ trên xe xuống đất. Sau những lần ngã quá bất thường như thế, cô rất buồn và âm thầm khóc một mình sau khi về nhà và phải đấu tranh tâm lý rất quyết liệt.
Sau khi ông cô mất, mọi sự quan tâm đều dồn vào cô. Bố mẹ cô bắt đầu đưa cô đi chữa bệnh, từ đó cuộc sống của Nguyễn Bích Lan và gia đình đã bước vào một giai đoạn mới đầy thử thách và biến động. Hành trình chữa bệnh của Bích Lan bắt đầu, mang theo hy vọng và niềm tin vào những phép màu y học. Bích Lan không chấp nhận đầu hàng trước số phận. Cha mẹ cô đã dành mọi nỗ lực, thời gian và tài chính để tìm kiếm các phương pháp điều trị tốt nhất cho cô con gái của mình. Những ngày tháng rong ruổi trên các chuyến xe đến bệnh viện, những đêm dài lo âu và mệt mỏi trong phòng chờ, những lần gặp bác sĩ và chuyên gia y tế để thảo luận về bệnh tình và phương án điều trị đều trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ.
Bích Lan được đưa đến nhiều bệnh viện lớn trong và ngoài tỉnh để thăm khám và điều trị. Từ những liệu pháp vật lý trị liệu, đến việc sử dụng thuốc men, các biện pháp dinh dưỡng đặc biệt và những bài tập luyện cơ bản – tất cả đều nhằm mục đích làm chậm lại tiến triển của căn bệnh và giúp cô duy trì khả năng vận động.
Gia đình và bạn bè luôn là nguồn động viên tinh thần lớn lao cho Bích Lan. Mẹ cô thường xuyên ở bên cạnh, chăm sóc và động viên từng bước trong quá trình điều trị. Những lời an ủi, những cái nắm tay ấm áp và ánh mắt tràn đầy hy vọng của mẹ đã tiếp thêm sức mạnh cho Bích Lan vượt qua những đau đớn và mệt mỏi. Bạn bè, thầy cô cũng luôn dành cho cô những tình cảm chân thành và sự ủng hộ, giúp cô không cảm thấy cô đơn trên hành trình đầy gian khó này.
“Hành trình đi tìm nguyên nhân căn bệnh cứ kéo dài hết ngày này đến ngày khác. Tôi mệt. Mẹ cũng mệt. Các bác sĩ cũng mệt. Những người thân trông ngóng kết quả khám bệnh của tôi cũng mệt nốt. Có lúc, trong những buổi lê chân đến bệnh viện, trong cảm giác mệt rũ người, giữa mọi sự bất tiện, phiền hà, giữa cái đông đúc, ngột ngạt của thành phố, tôi chỉ mong mỏi một điều duy nhất: về nhà! Tôi mong trong tích tắc được quay về ngôi nhà yên tĩnh giữa làng quê mộc mạc, mong được nằm duỗi chân trên chiếc giường kê bên cửa sổ, mặc kệ mọi việc muốn ra sao thì ra.”
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, niềm đam mê đọc sách và học hỏi cũng là một phần không thể thiếu, nhờ vậy mà Bích Lan luôn giữ vững tinh thần lạc quan. Trong những lúc nghỉ ngơi, cô thường tìm đến sách để giải tỏa căng thẳng và tìm thấy sự an ủi. Những cuốn sách không chỉ mang lại kiến thức mà còn giúp cô có thêm niềm tin vào cuộc sống và hy vọng vào một tương lai tươi sáng.
Sau những lần chữa trị không có kết quả, bố mẹ cô xoay hướng thử chữa trị cho cô theo đông y. Nhưng trái với sự mong đợi của chú cô, mọi thứ lại chẳng có tiến triển gì. Nhờ người quen mách bảo, bố mẹ cô đi xin thuốc bắc từ nhiều ông thầy lang khác nhau và cho cô uống hay cầu xin nơi cửa Phật để mong có một điều kỳ diệu nào đó sẽ đến. Cuối cùng cũng chẳng có điều kỳ diệu nào le lói và mọi thứ dường như chìm trong tuyệt vọng.
“Tuổi mười bốn của tôi trôi qua giữa những bức tường trắng lạnh lẽo của bệnh viện. Tuổi mười lăm của tôi cũng đang trôi đi trong một đường hầm tối tăm, mờ mịt không chút ánh sáng le lói. Năm tháng trước khi bước sang tuổi mười sáu, tôi chạm vào cánh cửa của cõi chết.
Từ khi rời căn phòng tập thể ẩm thấp, chật hẹp của cơ quan bố, tôi ít bị hành hạ bởi những đợt ho. Trước những dấu hiệu ban đầu của một đợt ho, tôi được cho dùng thuốc kháng sinh liều cao, nhờ thế mà hiện tượng khó thở và ho kéo dài được ngăn chặn. Nhưng việc “đánh chặn” bằng kháng sinh như vậy cũng khiến tôi bị nhờn thuốc. Những ngày cuối mùa hè của năm 1990, thời tiết còn khá nóng nực, tôi bị một đợt ho hành hạ. Kháng sinh có vẻ như không phát huy tác dụng. Những cơn ho liên tiếp làm tôi mệt đến mức không thể đứng nổi trên hai chân. Mẹ phải kê gối thành chồng cao để tôi dựa người.
Tôi ho đến ngày thứ hai thì bắt đầu khó thở. Ban đầu tôi còn vật vã. Dần dần mọi cảm giác nhạt dần đi. Tôi chìm trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, mơ thấy những vùng nước mênh mông không rõ là sông hay biển, những vùng nước đục ngầu, cuộn chảy, rất tối, rất dài như mê cung và ông nội tôi đứng trên một hòn đảo trôi giữa vùng nước ấy. Giấc mơ lặp lại đến chóng mặt. Thế rồi tôi nghe thấy nhiều tiếng gọi cùng lúc mà chẳng hiểu rõ ý nghĩa.”
Năm 16 tuổi, tình trạng sức khỏe của Bích Lan trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Căn bệnh loạn dưỡng cơ không chỉ khiến cơ bắp của cô yếu dần đi mà còn gây ra nhiều biến chứng khác. Một trong những triệu chứng khắc nghiệt nhất mà Bích Lan phải chịu đựng là những đợt ho dai dẳng và không ngừng. Những cơn ho kéo dài khiến cơ thể cô ngày càng kiệt quệ, và nhiều đêm liền, Bích Lan phải đối mặt với sự mệt mỏi và đau đớn tột cùng.
Những đêm ho triền miên khiến cơ thể Bích Lan mệt mỏi tột cùng. Mỗi lần cơn ho ập đến, cả cơ thể cô co thắt, từng hơi thở trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Sự mệt mỏi tích tụ làm cô dần chìm vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Những giấc ngủ chập chờn, không sâu giấc, khiến cô thường xuyên mơ hồ giữa thực và mộng.
Mẹ của Bích Lan luôn ở bên cạnh chăm sóc cô từng chút một. Bà thức trắng nhiều đêm, lo lắng nhìn con gái mình chống chọi với những cơn ho và sự đau đớn. Mỗi lần thấy con ho, bà không khỏi xót xa, nhưng vẫn cố gắng giữ vững tinh thần để động viên và an ủi con gái. Những chén nước ấm, những liều thuốc ho, và sự chăm sóc tận tình của mẹ là nguồn động viên lớn lao giúp Bích Lan vượt qua những đêm dài đáng sợ.
Trận ốm kéo dài đã khiến cơ thể Bích Lan trở nên suy yếu hơn bao giờ hết. Những cơn sốt cao, những đêm ho liên tục và tình trạng mệt mỏi đã làm cô kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Sau khi hồi phục, dù vẫn còn yếu, Bích Lan quyết định không để bệnh tật đánh bại mình. Cô bắt đầu một hành trình mới đầy gian nan: cố gắng tập đi.
“Rồi tôi bắt đầu đặt chân xuống đất tập đi. Mười sáu tuổi, tôi lại tập đi. Run rẩy. Khó nhọc. Những bước đi buồn tủi. Những cú ngã sấp mặt. Những cú ngã xoạc chân. Mỗi lần ngã là một lần gượng dậy. Mỗi ngày mười bước rồi tăng dần lên hai mươi bước. Dần dần tôi vận động được như trước khi rơi vào trận ốm nặng. Tôi bắt đầu hiểu ra rằng nếu tôi không tập vận động thì một ngày nào đó không xa hoặc sau khi tôi bị một trận ốm nặng khác, tôi có thể sẽ bị liệt, không thể đi lại được nữa. Tôi từng nghe kể về những người phải nằm liệt giường nhiều năm. Mọi sinh hoạt, toàn bộ việc vệ sinh cá nhân của họ đều phải nhờ đến người khác. Có người nằm liệt nhiều năm, da thịt bị hoại tử phải cắt bỏ. Tôi sợ khả năng ấy quá chừng và tự nhủ phải tập thể dục hằng ngày để ít nhất duy trì những khả năng vận động còn lại, có thể nhúc nhắc tự đi được bằng đôi chân của mình”
Mỗi lần tập đi, bên cạnh Bích Lan luôn có mẹ, chị gái và em trai luôn thay phiên nhau giúp cô tập đi từng bước một, là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất đối với Bích Lan trên hành trình tìm lại những bước đi của mình. Cô cố gắng suốt một năm ròng rã, không ngại khổ, không sợ mệt, dù căn bệnh không hề khuất phục trước sự kiên trì, mạnh mẽ của Bích Lan nhưng việc tập luyện không hoàn toàn vô ích, nhờ ý chí tập luyện kiên cường của cô làm cho quá trình mất khả năng vận động diễn ra chậm hơn và việc tập thể dục đều đặn mỗi ngày cũng giúp cho cô bớt bị những cơn ho hành hạ.
3.Tìm ánh sáng trong đường hầm tối
Sau những ngày dài đấu tranh với căn bệnh và những cơn đau hành hạ, Nguyễn Bích Lan đã có một quyết định thay đổi cuộc đời mình: cô quyết định học tiếng Anh. Đó không chỉ là một ngôn ngữ mới, mà còn là cánh cửa mở ra thế giới, mang đến cho cô hy vọng và cơ hội mới trong cuộc sống.
Cuộc hành trình của Bích Lan với tiếng Anh bắt đầu vào một buổi sáng mùa thu. Ánh nắng ấm áp chiếu qua khung cửa sổ, lan tỏa khắp căn phòng nhỏ, mang lại cảm giác tươi mới và hy vọng. Sau ngày khai giảng, em trai Bích Lan mang về cuốn sách tiếng Anh và khoe với cả nhà mình sẽ bắt đầu học tiếng Anh. Những lúc em trai không dùng, cô lén lấy sách ra và làm một bản sao chắp vá của cuốn sách tiếng Anh lớp 10. Với cuốn sách tiếng Anh cơ bản trên tay, Bích Lan ngồi bên bàn học, cảm thấy hào hứng và quyết tâm. Dù biết rằng việc học một ngôn ngữ mới khi sức khỏe không tốt là một thử thách lớn, nhưng cô tin rằng mình có thể vượt qua.
Ban đầu, việc học tiếng Anh với Bích Lan không hề dễ dàng. Những từ vựng mới lạ, những cấu trúc ngữ pháp phức tạp, và cách phát âm khó khăn khiến cô cảm thấy choáng ngợp. Nhưng Bích Lan không bỏ cuộc. Cô bắt đầu từ những bài học cơ bản nhất, từ việc ghi nhớ bảng chữ cái, đến việc học các từ vựng đơn giản và câu giao tiếp hàng ngày.
Mỗi ngày, Bích Lan dành vài giờ để học tiếng Anh. Cô kiên trì luyện tập, viết đi viết lại các từ vựng và câu để nhớ lâu hơn. Sau khi quyết định học tiếng Anh, Nguyễn Bích Lan nhận ra rằng để đạt được hiệu quả cao nhất, cô cần phải có một kế hoạch học tập rõ ràng và khoa học. Việc lập thời khóa biểu học tiếng Anh không chỉ giúp cô quản lý thời gian tốt hơn mà còn tạo động lực và kỷ luật trong quá trình học tập. Bích Lan bắt đầu bằng việc ngồi xuống bàn học với một tờ giấy trắng và cây bút. Cô suy nghĩ về những khoảng thời gian trong ngày mà cô có thể dành cho việc học tiếng Anh, và quyết định phải dành 6 tiếng một ngày để học tiếng Anh.
Dù đã lập ra một thời khóa biểu học tiếng Anh chi tiết và hợp lý, Nguyễn Bích Lan vẫn phải đối mặt với một thử thách không nhỏ: duy trì sự tự kỷ luật. Việc giữ vững cam kết với bản thân và không để những cám dỗ xung quanh làm phân tâm là một nhiệm vụ đầy khó khăn. Những ngày đêm đông giá rét, Bích Lan ép bản thân mình ngồi vào bàn học và việc đó quả thật rất khó khăn với cô.
“Trong những đêm đông ấy ông Trời đã thử thách tinh thần kỷ luật của tôi một cách khắt khe. Ngồi ở bàn học, dù luôn nhắc mình phải tập trung hết sức, tôi vẫn không hoàn toàn quên được cái rét. Tôi không quên được những cơn run rẩy bên trong cơ thể. Tôi không quên được cảm giác nặng trĩu trong lồng ngực khi phải hít vào những luồng khí lạnh. Tôi không quên được cảm giác tê buốt vì lạnh ở mười đầu ngón chân. Nhưng chí ít tôi đã quên được cái mong muốn cưỡng lại kỷ luật.”
Những sự cám dỗ không chỉ đến từ sự lười biếng, mà còn từ những hoạt động giải trí xung quanh. Những bộ phim hấp dẫn trên TV, những trò chơi thú vị trên điện thoại hay những cuộc trò chuyện vui vẻ với bạn bè trên mạng xã hội luôn sẵn sàng kéo cô ra khỏi bàn học. Có lúc, Bích Lan cảm thấy chán nản và muốn từ bỏ, nhưng rồi cô nhớ lại lý do mình bắt đầu hành trình này. Và sự lựa chọn nằm trong tay Bích Lan, cuối cùng cô đã chọn từ bỏ tất cả các cám dỗ và quyết tâm học tiếng Anh.
Việc học tiếng Anh không chỉ giúp Nguyễn Bích Lan cải thiện kỹ năng ngôn ngữ mà còn mở ra cho cô nhiều cơ hội mới, trong đó có việc thành lập lớp học tiếng Anh mang tên "Cây Táo". Đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời cô.
Những học trò lớp 8 của mẹ cô thường đến nhà cô chơi vào ngày các em ấy đi lao động hay sinh hoạt Đội. Khi nghe mẹ cô nói rằng cô đang học tiếng Anh thì các em ấy về bảo với ba mẹ nhờ cô dạy tiếng Anh cho các em ấy. Để chuẩn bị cho lớp học, Bích Lan đã dành nhiều thời gian lên kế hoạch chi tiết. Cô tìm hiểu về phương pháp giảng dạy, xây dựng giáo trình phù hợp và tạo ra một môi trường học tập thân thiện và hiệu quả. Với sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè, cô bắt đầu tổ chức các buổi học thử nghiệm để đánh giá và cải thiện phương pháp giảng dạy của mình.
Ban đầu, số lượng học viên đến với lớp học "Cây Táo" còn ít, nhưng với sự nhiệt tình và tận tâm của Bích Lan, tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người biết đến và tham gia hơn. Mỗi người đều mang một câu chuyện riêng, một khát vọng riêng, nhưng tất cả đều tìm thấy ở "Cây Táo" một nơi để chia sẻ và học tập.
Những buổi học đầu tiên, nhiều học viên còn rụt rè, ngại ngùng khi phải nói tiếng Anh. Nhưng với sự kiên nhẫn và nhiệt huyết của Bích Lan, từng bước một, cô giúp họ vượt qua sự e ngại. Cô luôn tạo ra một môi trường học tập thoải mái và khuyến khích học viên thực hành giao tiếp thường xuyên. Những lỗi sai không bị trách phạt mà được coi là cơ hội để học hỏi và cải thiện. Trong các buổi học, cô luôn dồn hết sức mình, dồn tất cả lòng nhiệt tình của bản thân để truyền kiến thức cho các học trò của mình. Các học trò của Bích Lan luôn yêu quý và quan tâm, giúp đỡ cô giáo của mình, thường đến thăm cô khi căn bệnh cô lại tái phát. Điều đó giúp tình cảm cô trò thêm gắn bó, sâu sắc hơn.
Thử thách chưa bao giờ ngừng thử thách Bích Lan khi vào một buổi sáng cuối tháng 5, cô được kết luận là bị suy tim độ 2. Những cơn mệt dai dẳng chưa từng thấy, tim đập nhanh và cảm giác như trong ngực có một tảng đá đã khiến tình trạng sức khỏe của cô ngày càng trầm trọng.Và rồi chuyện gì đến cũng sẽ phải đến, vì tình trạng sức khỏe của mình, Bích Lan đành phải đóng cửa toàn bộ lớp “Cây Táo”.
"Cứ nghĩ đến việc phải vĩnh viễn từ bỏ việc dạy học, tôi lại cảm thấy nghẹn ngào trong lòng. Tôi đã phải vất vả biết bao nhiêu, phải miệt mài cặm cụi tự học trong suốt những năm dài mới có được vốn tiếng Anh để mở lớp dạy học. Tôi đã phải vắt óc suy nghĩ để các bài giảng của mình có sức hút, đã dốc bầu nhiệt tình cho từng buổi dạy mới giữ được các học trò ở lại với mình. Tôi đã yêu việc dạy tiếng Anh như yêu cái phần tốt đẹp nhất mình gây dựng được trong cuộc sống, vậy mà tôi sẽ phải từ bỏ nó ư? Những gì bạn có được một cách khó khăn sẽ khiến bạn nuối tiếc và buồn vô kể khi nó rời bỏ bạn. Tôi cũng vậy."
Trong hoàn cảnh bế tắc đó, cô ruột của cô đã gợi ý rằng cô hãy thử dịch sách văn học. Gợi ý đó đã làm thay đổi cuộc đời của Bích Lan. Sau bao nhiêu nỗ lực dịch sách và rút kinh nghiệm, cuối cùng, cuốn sách đầu tay của Bích Lan cũng được xuất bản. Đó là niềm vui lớn đối với Bích Lan. Sau này, cô dịch rất nhiều cuốn sách như: Triệu phú khu ổ chuột, Vũ điệu trái tim, Mạch buồn,…và rất nhiều cuốn sách nổi tiếng trên thế giới khác.
4. Những thành tựu đáng nể
Nguyễn Bích Lan đã xuất bản cuốn tự truyện "Không Gục Ngã", chia sẻ về cuộc đời và hành trình vượt qua bệnh tật để đạt được thành công. Cuốn sách không chỉ nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ độc giả mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến nhiều người, đặc biệt là những ai đang phải đối mặt với khó khăn trong cuộc sống. Sách của cô đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ và lan tỏa rộng rãi, góp phần khẳng định giá trị và tầm ảnh hưởng của cô trong xã hội.
Với những đóng góp xuất sắc cho giáo dục và cộng đồng, Nguyễn Bích Lan đã nhận được nhiều giải thưởng và sự công nhận từ các tổ chức trong và ngoài nước. Những giải thưởng này không chỉ là sự ghi nhận về mặt vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn, khẳng định con đường mà cô đã chọn là đúng đắn và có ý nghĩa. Năm 2010, cô được mời lên chương trình “Người đương thời” của VTV1. Cùng năm đó, cô nhận giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam với cuốn tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột và trở thành hội viên của hội. Ngày 20 tháng 10 năm 2010, cô trở thành một trong tám người phụ nữ đương đại được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tôn vinh tại phần trưng bày mới của bảo tàng. Năm 2020, cô được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng phát triển văn hóa đọc cùng với nhiều người nổi tiếng khác. Những tác phẩm mà cô đã dịch như: Vũ điệu trái tim, Từ sông Nile đến sông Jordan, Mạch buồn, Truyện cổ Andersen,…được đánh giá cao và nhận được nhiều phản ứng tích cực từ các độc giả.
5. Những chiêm nghiệm cuộc sống
Nguyễn Bích Lan, với những trải nghiệm sâu sắc và phong phú từ cuộc sống đầy thử thách của mình, luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm sống quý báu với mọi người. Qua câu chuyện của mình, cô mong muốn truyền đạt những bài học và giá trị sống tích cực, khích lệ mọi người vượt qua khó khăn và hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Những bài học mà Bích Lan chia sẻ là: không đổ lỗi, bắt đầu từ những gì còn lại, cố gắng vươn lên để có cuộc sống tốt hơn, khi buồn hãy nghĩ tới những người còn buồn hơn mình, không ngại gian khó vượt lên nghịch cảnh, bài học sâu sắc về cho và nhận, hãy đọc nhiều sách,... và rất nhiều bài học quý báu khác.
Qua những chia sẻ của mình, Nguyễn Bích Lan đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Câu chuyện và kinh nghiệm sống của cô không chỉ là bài học về sự kiên trì và lòng dũng cảm mà còn là nguồn động viên lớn lao cho những ai đang đối mặt với khó khăn. Bằng cách chia sẻ kinh nghiệm của mình, Bích Lan đã lan tỏa tình yêu thương và niềm tin vào cuộc sống, giúp mọi người cùng nhau vươn lên và tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.
III. Cảm nhận cá nhân:
Cuốn tự truyện "Không gục ngã" của Nguyễn Bích Lan là một hành trình cảm xúc đầy mạnh mẽ và sâu lắng, mở ra trước mắt người đọc một thế giới của sự kiên cường và nghị lực phi thường. Ngay từ những trang đầu tiên, tôi đã bị cuốn hút bởi câu chuyện cuộc đời của một người phụ nữ đã không để cho bệnh tật quật ngã, mà trái lại, đã dùng nghị lực và ý chí để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Khi đọc "Không gục ngã", tôi cảm thấy xúc động trước những biến cố và thách thức mà Bích Lan đã phải đối mặt từ khi còn rất nhỏ. Hơn nữa, một trong những điểm mạnh của cuốn sách chính là cách Nguyễn Bích Lan kể lại câu chuyện của mình. Giọng văn chân thực, giản dị nhưng đầy sâu sắc đã giúp tôi cảm nhận rõ ràng từng nỗi đau, niềm vui, sự hy vọng và cả những giọt nước mắt mà cô đã trải qua. Mỗi trang sách là một bài học về sự kiên cường và tinh thần không khuất phục trước số phận. Bích Lan không chỉ kể về những khó khăn mà cô đã trải qua mà còn chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc, những niềm tin vào cuộc sống và tương lai. Điều này đã tạo nên một sự cân bằng tuyệt vời, giúp người đọc không chỉ hiểu hơn về cuộc đời cô mà còn cảm nhận được sự lạc quan và tích cực trong mọi hoàn cảnh.
Một điểm mạnh khác của cuốn sách là cách Bích Lan chia sẻ về quá trình tự học và trở thành một dịch giả. Điều này không chỉ cho thấy sự thông minh và chăm chỉ của cô mà còn là nguồn cảm hứng lớn lao và là động lực tiếp sức cho những ai đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Bích Lan đã chứng minh rằng, dù trong bất kì hoàn cảnh nào, dù có gặp khó khăn, chông gai thì con người cũng có thể “ tự quyết định số phận của mình”, vươn lên và đạt được những điều tốt đẹp nếu có đủ quyết tâm và lòng tin vào bản thân.
Ngoài ra, cuốn sách còn đặc biệt bởi sự chân thành và gần gũi trong từng câu chữ. Không có những từ ngữ hoa mỹ hay những câu chuyện phóng đại, tất cả đều là những trải nghiệm thực tế, những cảm xúc chân thật nhất của tác giả. Chính điều này đã làm cho cuốn sách trở nên đáng tin cậy và dễ dàng chạm đến trái tim người đọc. Tôi cảm thấy như mình đang lắng nghe một người bạn thân thiết kể về cuộc đời mình, về những thử thách và những giấc mơ, về những thất bại và những thành công. Và từ đó, tôi học được nhiều điều quý giá về cuộc sống, về cách đối mặt và vượt qua khó khăn.
"Không gục ngã" không chỉ là một cuốn sách về cuộc đời một người phụ nữ kiên cường mà còn là một thông điệp về sự mạnh mẽ và ý chí không ngừng nghỉ. Đọc cuốn sách này, tôi nhận ra rằng, sức mạnh tinh thần có thể vượt qua mọi giới hạn của cơ thể. Tôi cảm nhận được sự khâm phục và ngưỡng mộ dành cho Nguyễn Bích Lan, một người phụ nữ đã dám ước mơ, dám đấu tranh và dám sống một cuộc đời ý nghĩa. Kết thúc cuốn sách, tôi không chỉ cảm thấy được truyền cảm hứng mà còn nhận ra rằng, cuộc sống là một hành trình dài với nhiều thử thách nhưng cũng đầy ắp những cơ hội để chúng ta khám phá và vượt qua. Nguyễn Bích Lan đã cho tôi thấy rằng, chỉ cần không ngừng cố gắng và không bao giờ từ bỏ, chúng ta sẽ có thể vượt qua mọi khó khăn và đạt được những điều mà mình mong muốn.
Nói tóm lại, "Không gục ngã" là một tác phẩm tuyệt vời về sự kiên trì và lòng dũng cảm. Cuốn sách không chỉ giúp tôi hiểu hơn về cuộc đời của một người phụ nữ phi thường mà còn khơi dậy trong tôi những suy nghĩ tích cực và niềm tin vào cuộc sống. Đây là một cuốn sách nên đọc cho bất kỳ ai muốn tìm kiếm động lực và cảm hứng để vươn lên trong cuộc sống.
Tóm tắt bởi: Yên Thảo - Bookademy.
Hình ảnh: Yên Thảo.
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
1,281 lượt xem