Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Tóm Tắt & Review Sách] "Letters To A Young Poet": Lời Khuyên Gửi Gắm Tới Những Người Viết

“In the deepest hour of the night, confess to yourself that you would die if you were forbidden to write. And look deep into your heart where it spreads its roots, the answer, and ask yourself, must I write?” (“Trong những giờ phút sâu thẳm nhất của màn đêm, hãy tự thú nhận với bản thân của anh rằng, nếu như cả cuộc đời của anh không còn được cầm lấy cây bút nữa, liệu cuộc đời của anh có tàn lụi đi không? Hãy nhìn vào trong sâu thẳm trái tim của anh tới tận gốc rễ của nó, nơi mà mọi câu trả lời trú ngụ, và tự hỏi rằng, anh có bắt buộc phải viết để sống hay không?”).

Vào những năm của đầu thế kỷ 20, ở một học viện quân sự nọ có trú ngụ một học viên tên là Franz Xaver Kappus - một người tuổi còn chưa được tới đôi mươi nhưng, như bao bạn trẻ khác vào thời điểm hiện tại, trên vai đã phải mang trên mình một gánh nặng gọi là tương lai. Mặc dù anh đang trong quá trình rèn luyện để trở thành một sĩ quan, song anh lại không hề có thiện cảm với con đường sự nghiệp mà anh đang đi. Không chỉ có vậy, anh thậm chí còn cảm thấy nó như trái ngược hoàn toàn với đam mê của bản thân anh, đó là văn học và viết lách.

Thế nhưng, điều khó khăn ở đây là anh lại không có đủ can đảm để theo đuổi thứ đam mê kia tới tận cùng, và do vậy, anh đã quyết định tiếp tục bước đi trên con đường cũ ấy. Mặc dù thế, việc đó không có nghĩa là anh đã hoàn toàn gạt bỏ tình yêu của anhanh đối với những con chữ sang một bên: trong suốt quá trình học tập và rèn luyện tại học viện quân sự kia, anh vẫn liên tục tìm cách củng cố khả năng viết lách của bản thân bằng cách viết những bài thơ, cũng như đọc và học hỏi từ những tác phẩm thuộc về những tác giả nổi danh của thời kỳ ấy. 

Như để đền đáp cho sự cố gắng của anh, anh đã được ban cho một cơ hội mà ít người may mắn có được - chắc hẳn đối với những người ham thích đọc sách như chúng ta, việc có thể được quen biết, được liên lạc với các tác giả viết nên những cuốn sách truyện yêu thích của mình thông qua thư từ cá nhân sẽ là một niềm mơ ước, một món quà trời ban: Kappus là một trong những người hiếm hoi có được vinh dự đó. Vào một ngày cuối thu của năm 1902, khi anh đang ngồi chăm chú đọc một tập thơ ở gốc cây hạt dẻ tại học viện, một tuyên úy đã tới tiếp cận anh và xem xét cuốn sách anh đang cầm trên tay - “Tập thơ bởi Rainer Maria Rilke”, bìa cuốn sách đó ghi vậy. Người tuyên úy ấy sau đó đã hỏi mượn cuốn sách trong một vài giây, lật qua một vài trang, để rồi sau cùng gật đầu và buông ra một câu nhận xét rằng: “Chà, vậy là học viên Rilke của chúng ta đã trở thành một nhà thơ rồi.”

Hóa ra, tác giả của tập thơ mà Kappus đang cầm trên tay lại là học trò cũ của người tuyên úy ấy. Thế là, trong suốt quãng thời gian rảnh còn lại của Kappus vào hôm ấy, Kappus được người tuyên úy ấy kể về quá khứ của Rilke trong thời kỳ Rilke còn ở trong học viện, rằng Rilke đã là một học viên giỏi tới như thế nào, và đã được mọi người nhìn nhận ra làm sao. Dù được nhận định tốt như vậy, bởi thể lực của Rilke không đạt yêu cầu, Rilke đã quyết định từ bỏ việc nhập ngũ và rẽ cuộc đời mình sang một hướng khác. Bởi vì người tuyên úy đã không còn giữ liên lạc với Rilke sau khi Rilke rời đi, chỉ tới ngày hôm ấy ông mới biết rằng Rilke đã theo con đường văn học. 

Bởi sự trùng hợp tình cờ này, ngay ngày hôm đó, Kappus quyết định sẽ thử gửi thư tới cho Rilke để xin Rilke nhận xét về những vần thơ của anh, cũng như để hỏi lời khuyên về việc liệu anh có nên tiếp tục theo học ở học viện quân sự này hay không, hay là anh nên theo đuổi đam mê viết lách của bản thân mình. Anh nghĩ rằng, bởi sự giống nhau giữa hoàn cảnh sống của cả hai người, Rilke sẽ là tâm hồn mà có thể thấu hiểu được anh nhất. 

Lá thư được gửi đi, và anh đợi.

Vài tháng đã trôi qua và vẫn chưa có phản hồi gì. Có lẽ, Kappus nghĩ rằng, lá thư của anh đã bị phớt lờ hoặc bị lạc trong quá trình gửi.

Và rồi, vào tháng Hai của năm sau đó, Kappus tìm thấy một bức thư được niêm phong bằng một con dấu sáp màu xanh da trời ở trong hòm thư của anh, trên đó ghi tên người gửi -  Rainer Maria Rilke.

Đây chính là điểm khởi đầu của những bức thư mà sau này sẽ làm thay đổi cuộc đời của vô số độc giả khác nhau trên toàn thế giới, những bức thư mà những ai yêu thích văn học cổ điển cũng sẽ đều nhận ra ngay từ những câu chữ đầu tiên. 


Đôi Lời Về Cuốn Sách

Letters To A Young Poet (“Những bức thư gửi tới một nhà thơ trẻ”) là một cuốn sách tập hợp mười bức thư mà Rainer Maria Rilke - một nhà thơ người Áo kiệt suất của thế kỷ 20 - đã gửi tới Franz Xaver Kappus trong khoảng thời gian từ năm 1902 tới năm 1908 để khuyến khích tâm hồn của Kappus phát triển, nhất là về mặt nghệ thuật và sáng tạo. Chính Kappus là người đã gộp những lá thư ấy lại thành cuốn sách này, và đã xuất bản chúng ba năm sau khi Rilke mất. 

Mặc dù khi mới bắt đầu viết những bức thư này, Rilke cũng không hơn tuổi Kappus là bao (Rilke chỉ hơn Kappus tám tuổi, nghĩa là khi viết thư Rilke mới có 27 tuổi), thế nhưng sự khác biệt về trải nghiệm cũng như kỹ năng của hai người là không thể rõ ràng hơn đối với những ai mà đang đọc tác phẩm này. Chứa đựng trong những bức thư đó không chỉ có những lời khuyên mà Rilke dành riêng cho Kappus, mà chúng còn bao gồm gần như là tất cả những sự thông thái của Rilke về không những văn chương mà còn cả về cuộc sống. Những con chữ được in trên từng lá thư ấy sâu sắc và thân mật tới mức, khi bản thân mình đọc chúng, mình có cảm giác như những bức thư ấy thực ra được gửi đích danh tới mình. Điều này có lẽ là do hoàn cảnh của mình hiện tại cũng gần giống như của Kappus thời bấy giờ: mình mới trải qua được 19 mùa xuân, cũng mới bắt đầu vào học đại học về một ngành mình không quá đam mê, và cũng rất yêu thích văn học cũng như việc chơi đùa với từ ngữ.

Nếu mình có bao giờ được một người khác mà cũng có cùng sở thích viết lách như mình nói riêng và đam mê nghệ thuật nói chung hỏi rằng, họ nên đọc cuốn sách nào để có thể khiến các tác phẩm của họ trở nên đặc sắc hơn, mình sẽ ngay lập tức gợi ý cho họ cuốn sách này. Một cuốn sách về hình thức là ngắn - mình đọc xong nó chỉ trong vòng khoảng hai tiếng đồng hồ - thế nhưng lại không ngắn một chút nào, bởi nó yêu cầu độc giả phải liên tục suy ngẫm về những bài học được gửi gắm trong những bức thư ấy. Có khi, thời gian suy nghĩ còn dài hơn gấp đôi gấp ba thời gian dành để đọc thư. Độc giả phải đọc đi đọc lại nhiều lần từng bức thư để có thể nắm bắt được toàn bộ độ sâu của nó, giống như Kappus đã làm vậy. 

Mình không thể tóm tắt được toàn bộ những bài học mà Rilke đã cho vào trong từng lá thư. Mình chỉ có thể đề cập qua về một số nhỏ của chúng bằng cách dịch một số đoạn trích mà thể hiện tinh thần chủ đạo của các lá thư, bởi nếu cố gắng tóm gọn lại hết thì không khác nào ngồi dịch cả cuốn sách, do mỗi từ ngữ mà Rilke cho vào đều chứa đựng một câu chuyện riêng của nó. Thế nên, để có thể có một trải nghiệm tốt nhất với cuốn sách này, mình vẫn khuyến khích các bạn tự tìm đọc nó nếu như có thể. 


Lời Khuyên Đầu Tiên: Đừng Để Người Ngoài Ảnh Hưởng Tới Bản Thân Chúng Ta


Bởi vì lá thư đầu tiên mà Kappus gửi tới Rilke là để xin nhận xét chuyên môn của Rilke về những vần thơ của Kappus, chủ đề chính của lá thư thứ nhất mà Rilke phản hồi cho Kappus sẽ xoay quanh điều đó. Thế nhưng, khác với những mong đợi của Kappus, trong lá thư phản hồi, Rilke lại từ chối nhận xét chúng và gửi tới anh một lời khuyên chân thành rằng: đừng để những yếu tố bên ngoài, những lời nói từ người khác làm ảnh hưởng tới anh và tác phẩm của anh; thay vào đó, hãy tập trung vào bản thân mình.

“Anh hỏi tôi rằng liệu những vần thơ của anh có tốt hay không. Anh hỏi tôi như vậy. Anh nói rằng anh cũng đã hỏi cả những người khác nữa. Anh gửi chúng tới những tòa soạn. Anh so sánh chúng với những bài thơ khác, và anh cảm thấy lo sợ khi thấy những biên tập viên từ chối xuất bản những vần thơ của anh. Bây giờ (bởi vì anh đã cho phép tôi cho anh lời khuyên), hãy cho phép tôi được nói những lời này: anh hãy ngừng ngay tất cả những điều đó lại. Anh đang tập trung vào những yếu tố bên ngoài và để chúng ảnh hưởng tới anh, và đó không phải là điều mà anh nên làm lúc này. Không ai có thể cho anh lời khuyên về những vần thơ của anh cả, và cũng chẳng có ai có thể giúp anh đâu - không một ai cả. Anh chỉ có duy nhất một lựa chọn: hãy đi vào chính bản thân anh. Hãy xem xét những lý do mà khiến anh phải cầm bút viết; kiểm tra xem liệu rằng những lý do ấy có phải là thật sự đến từ gốc rễ của trái tim của anh hay không.

Trong những giờ phút sâu thẳm nhất của màn đêm, hãy tự thú nhận với bản thân của anh rằng, nếu như cả cuộc đời của anh không còn được cầm lấy cây bút nữa, liệu cuộc đời của anh có tàn lụi đi không? Hãy nhìn vào trong sâu thẳm trái tim của anh, nơi mà mọi câu trả lời trú ngụ, và tự hỏi rằng, anh có bắt buộc phải viết để sống hay không? Hãy đi sâu vào bản thân để tìm kiếm câu trả lời. Nếu như đáp án của anh là một chữ “có” chắc chắn, vậy thì hãy thiết kế và xây dựng cuộc sống của chính anh để sao cho nó thỏa mãn nhu cầu ấy. Cuộc đời của anh, kể cả trong những thời khắc hay giờ phút giản đơn nhất, phải là một nhân chứng cho điều ấy.”


Lời Khuyên Thứ Hai: Đừng Sống Một Cách Vội Vã, Hãy Biết Trải Nghiệm Những Câu Hỏi Mà Cuộc Đời Ném Cho Bạn


Ở lá thư thứ tư mà Rilke gửi tới cho Kappus, Rilke bắt đầu chuyển hướng chủ đề bàn bạc giữa hai người: mặc dù vẫn còn nhắc qua về văn chương, nhưng Rilke ở bức thư này lại tập chung nhiều hơn tới những lời khuyên về cuộc sống nói chung, hay cách mà Rilke nghĩ một người trẻ nên sống nói riêng. Rilke cho rằng, để có thể sống một cách trọn vẹn, chúng ta không nên có một tầm nhìn hẹp - nghĩa là chúng ta không nên chỉ tập trung vào những đáp án mà sẽ giải quyết những khó khăn của chúng ta, mà chúng ta còn nên chú tâm tới chính những khó khăn ấy nữa. 

“Anh thực sự còn rất trẻ, vẫn còn rất nhiều điều đang ở phía trước anh, và chính vì vậy, bằng cả trái tim mình, tôi muốn khuyên anh rằng: hãy kiên nhẫn đối với tất cả mọi ẩn khúc mà còn tồn tại ở trong trái tim của anh, và hãy yêu chúng như thể chúng là những căn phòng bị khóa kín, những cuốn sách được viết ở một thứ tiếng mà anh không thành thạo. Đừng vội vã tìm kiếm câu trả lời cho chúng ngay: những câu trả lời ấy chưa hiện ra trước mắt anh là bởi vì anh chưa sống qua chúng, trải qua chúng. Và điều mà cần thiết nhất là hãy sống và trải nghiệm qua mọi thứ. Bây giờ, hãy tạm thời cứ sống và trải nghiệm những câu hỏi đó, những uẩn khúc đó. Và có lẽ, vào một ngày trong tương lai, một cách từ từ - có khi anh còn chẳng để ý nữa - con đường mà anh đang đi sẽ dần dần rẽ hướng vào câu trả lời cho câu hỏi ấy. [...] Cuộc sống rất khó khăn, đúng, nhưng những điều khó khăn lại là những điều mà chúng ta được sinh ra để thực hiện. Gần như tất cả mọi thứ quan trọng trong cuộc sống đều khó khăn, và tất cả mọi thứ trong cuộc sống đều quan trọng.”


Lời Khuyên Thứ Ba: Nỗi Buồn Là Một Điều Cần Thiết Trong Cuộc Sống, Đừng Lảng Tránh Nó


Ở lá thư thứ tám, Rilke bàn luận về nỗi buồn, một cảm xúc hẳn là không ai muốn trải qua nhưng lại là một thứ cần thiết, một sự khó khăn nhất định phải tồn tại trong cuộc sống của mỗi con người. Ông tin rằng, trong cuộc sống, chúng ta phải cho phép bản thân cảm nhận và trải qua nỗi buồn thay vì chỉ lảng tránh nó và khóa trái tim mình lại, chỉ để cho nó đứng ở đằng sau cánh cửa. Nỗi buồn, những sai lầm, những cơn bão mà chúng ta trải qua trong cuộc sống - Rilke khuyên Kappus không nên suy nghĩ quá nhiều về chúng mà hãy ôm lấy chúng, bởi chúng sẽ là một phần không nhỏ cho sự trưởng thành của anh. 

“Nhưng tôi muốn anh hãy tự hỏi bản thân anh rằng, những nỗi buồn mà đã hiện hữu trong cuộc đời của anh - chúng có thực sự là đã hoàn toàn biến mất hay chưa, đã đi khỏi anh hoàn toàn hay chưa? Hay là, chúng vẫn còn tồn tại trong anh, chỉ là với một hình hài khác? Liệu có phải, do đã phải trải qua những nỗi buồn đó, anh đã cảm thấy như một phần nào đó của con người anh - dù có nhỏ tới đâu đi chăng nữa - đã được biến đổi? Bản chất của nỗi buồn không phải là một điều gì đó tiêu cực hay có hại cho anh, mà nỗi buồn chỉ có hại khi anh phớt lờ chúng bằng cách cố gắng đánh lạc hướng chính bản thân anh để không phải trải qua chúng, cố gắng làm bản thân phân tâm với những yếu tố bên ngoài. Cũng giống như những chứng bệnh mà chỉ được chữa một cách qua loa và không cẩn thận, nếu như anh tiếp cận nỗi buồn bằng những cách trên, chúng sẽ chỉ được tạm thời làm dịu đi, và sau đó một thời gian, nỗi buồn ấy sẽ trào ra với một lực còn mạnh mẽ hơn trước.

Nỗi buồn ấy sẽ dần dần đọng lại, tích tụ lại trong anh - và nếu như anh không chịu chấp nhận nó mà cứ từ chối nó, anh thậm chí còn có thể mất mạng vì nó. Nếu như loài người chúng ta có thể có một tầm nhìn xa hơn, biết nhiều hơn những gì chúng ta biết bây giờ, vượt ra xa khỏi trực giác của chúng ta một chút, thì có lẽ, chúng ta lúc đó sẽ coi trọng nỗi buồn hơn là niềm vui. Bởi khi chúng ta trải qua một nỗi buồn nào đó, đó cũng chính là lúc mà có một cái gì đó mới đi vào trong con người chúng ta: những cảm xúc của chúng ta - một cách dè dặt - sẽ bỗng trở nên im ắng, mọi thứ khác trong chúng ta cũng sẽ như là thủy triều rút đi, để dành chỗ cho sự tĩnh lặng trong tâm hồn của chúng ta, và ở trung tâm của sự tĩnh lặng đó là sự hiện diện yên tĩnh của thứ mới mẻ và lạ lẫm đó.”


“[...]Chính vì vậy, anh Kappus ạ, anh không nên hoảng hốt khi anh bỗng thấy một nỗi buồn nào đó hiện diện trong anh, cho dù nó có lớn hơn bất kì nỗi buồn nào mà trước đó anh đã từng trải qua; hay là khi anh thấy trong trái tim của anh chợt có một sự bất an mà bao trùm lên tất cả mọi điều anh làm, tựa như những đám mây xám trên trời hay ánh sáng của mặt trời. Thay vào đó, anh phải nhớ rằng cũng cùng lúc đó, có một sự chuyển mình đang xảy ra ở trong con người anh, rằng anh còn chưa bị lãng quên bởi cuộc đời, rằng cuộc đời vẫn còn đang nắm lấy anh; nó sẽ không để anh ngã xuống.”

Và Cùng Với Rất Nhiều Những Lời Khuyên Khác Nữa…


Lời Kết

Mình thường có thói quen dùng bút chì để gạch chân những dòng chữ mà mình thấy hay trong mỗi cuốn sách mà mình đọc, nhưng mà khi mình đọc cuốn này, mình đã bỏ cuộc và quyết định chỉ đọc chứ không đánh dấu bất kì một từ nào. Điều này là bởi, gần như mọi câu chữ được viết ra bởi Rilke đều là một sự kết hợp đẹp đẽ của hai cụm từ “mĩ miều” và “thông thái”. Bằng tất cả trái tim của ông, ngòi bút của Rilke đã chạm tới mọi góc cạnh của văn chương lẫn cuộc sống.


Tóm tắt bởi: Ngân Hà - Bookademy 


--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

266 lượt xem