Ngọc Anh@Viện Sách - Bookademy
12 ngày trước
[Tóm Tắt & Review Sách ] "Một Bữa No": Ranh Giới Giữa Nhân Phẩm Và Sự Sống
I.
Tác giả, tác phẩm
Nam
Cao sinh ngày 29/10/1915, trong một gia đình nông dân ở làng Đại Hoàng, tổng
Cao Đà, huyện Nam Sang (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Học
xong bậc Thành chung (Trung học cơ sở), Nam Cao vào Sài Gòn kiếm sống bằng nhiều
thứ nghề. Ba năm sau ông quay về làng vì bệnh, sau ông lại ra Hà Nội dạy trường
tư và viết văn kiếm sống. Năm 1940, Nhật vào Đông Dương. Sự kiếm sống của Nam Cao
ngày một khó khăn. Năm 1943, Nam Cao gia nhập Hội văn hóa cứu quốc, rồi hoạt động
trong phong trào Việt Minh. Sau 19-8-1945, ông lên làm Chủ tịch xã. Ít lâu sau ông
được điều ra Hà Nội làm Thư kí tòa soạn Tạp chí Tiên phong. Năm 1946, Nam Cao theo
đoàn quân Nam tiến vào Nam Trung Bộ, làm công tác văn hóa thông tin ở Hà Nam. Thu
1947, ông được điều lên Việt Bắc làm tờ Cứu Quốc rồi lại trở về công tác ở Hội văn
nghệ Việt Nam. Cuối năm 1951, trên đường đi công tác vào vùng địch hậu Khu Ba,
Nam Cao bị địch phục kích và bắn chết ở Miễu Giáp – Hoàng Đan – Ninh Bình.
Trước
Cách mạng, Nam Cao viết rất đều và nhiều, nhưng cái được in chỉ là dăm ba cái truyện
ngắn đăng tải trên Tiểu thuyết thứ bảy. Còn thì là nằm chờ, là bán đứt bản thảo,
là rơi vãi... Trong bản Tự thuật Nam Cao gửi cho Ban tổ chức Hội Văn nghệ Việt Nam
ngày 10-4-1950 đã có viết:“ Bắt đầu viết từ năm 1940. Ngoài những truyện ngắn đăng
trên tờ Tiểu thuyết thứ bảy và một số sách nhi đồng không xuất bản được tác phẩm
nào đáng kể. Tuy nhiên trong thời kì ấy đã viết một số tiểu thuyết dài nhưng vì
bị kiểm duyệt bỏ hay vì dài quá không in được: Ngày lụt, Cái miếu,... (trừ bản thảo
Sống mòn vẫn còn giữ được, còn lại mất hết vì đã bán cho các nhà xuất bản cả rồi)”
So
với những cây bút đương thời, Nam Cao được xếp vào loại “ít tham vọng” bởi bản tính
rụt rèm ít nói, ít khi nói to, hay đỏ mặt... Dường như suốt cuộc đời mình, ông chưa
từng một lần nào xem bản thân là quan trọng, là xưng lớn. Ông đứng “nép” sau những
bạn bè nhà văn đồng trang lứa khác. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, những tác phẩm
đồ sộ mà Nam Cao đã để lại cho thế hệ độc giả là không thể nào “xem thường”. Tiêu
biểu nhất trong sự nghiệp Nam Cao dường như gắn liên với cái tên Chí Phèo, tác phẩm nhắc
đến thứ hai đó là Sống mòn... nhưng không vì thế mà những tác phẩm khác bị lu mờ.
Chúng vẫn có một sức sống mãnh liệt. Trong đó kể đến Một bữa no.
Tác
phẩm Một bữa no được trích từ Tuyển tập Nam Cao của nhà xuất bản thời đại, được
sáng tác năm 1943. Đây là thời điểm trước cách mạng, đất nước ta gặp rất
nhiều khó khăn, phải đối mặt với giặc đói giặc dốt hoành hành. Đặc biệt là giặc
đói. Và Nam Cao đã lột tả nó trong Một bữa no thông qua hình ảnh bà cụ cái đĩ. Bà
đã phải chết vì trót lỡ ăn quá nhiều – một điều tưởng chừng như phi lí nhưng nó
đã xảy ra. Để rồi người ta ngỡ ngàng, chua xót trước những số phận bé nhỏ bị cái
đói hành hạ đến độ mất hết nhân tính, ăn lấy ăn để và rồi kết thúc một đời người
trong sự tức tưởi, đau thương.
ll/
Nội dung
1. Trước
bữa ăn
“Nhà văn Nam Cao – người được Tô Hoài cho
biết sống sót qua nạn đói nhờ ít gạo trả công dạy học – dường như ám ảnh lớn với
cái đói”. Viết về cái đói, Nam Cao đã gửi mình
cho tác phẩm Một bữa no – tác phẩm làm bất cứ người đọc nào cũng day dứt và
không nguôi ám ảnh về số phận của những người nông dân nghèo khổ lúc bấy giờ.
Câu chuyện mở đầu với hình ảnh bà lão “hờ
con” suốt một đêm. Đứa con trai duy nhất của bà đã chết. Vợ của anh thì vội
vàng đi lấy chồng ngay khi vừa mới xong tang chồng. Chồng chết, vợ đi, để lại đứa
con nhỏ cho bà già đã ngót ngoài bảy mươi chăm nom. Tuổi già sức yếu. Nuôi thân
già còn chưa xong nay còn phải nuôi thêm cháu nhỏ. Bà cắn răng cắn thịt mà
lo cho cái đĩ. Rồi lớn hơn tí bà cho nó đi làm con nuôi nhà bà phó Thụ - thuộc
trong số những nhà giàu có bấy giờ. Bà bán cháu với giá mười đồng. Ở đây ta chợt nhớ
đến chi tiết trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố: khi gia đình chị Dậu phải
chịu đủ sưu cao thuế nặng, bất đắc dĩ chị phải cắn răng bán con của mình là cái
Tí cho cụ Nghị mà lấy tiền nộp sưu chuộc chồng. Ngày ấy, những người nông dân
nghèo khổ phải bán đi hết tất cả những gì mình có chỉ để có thể có cái ăn, cái
mặc sống qua ngày. Tất cả như sự tương phản rõ ràng với nhau: một bên là
những con người đói khổ tột cùng, một bên là những cường hào chánh tổng tiền bạc
sung túc, chẳng bao giờ phải lo nghĩ đến cái ăn cái mặc.
Bà bán cháu, để dành tám đồng cải mả cho bố
nó, còn hai đồng bà dành lấy mà đi buôn xem như có cái ăn sống cho qua tuổi
già. Nhưng trời thì bao giờ cũng lắm thứ oái ăm.
“Năm ngoái đây, ông ấy còn bắt bà ốm một trận thập tử nhất sinh. Có đồng nào vét sạch. Rồi chết thì không chết nhưng bà lại bị mòn thêm rất nhiều sức lực”
Thế rồi bà phải nghỉ đi buôn. Đã nghỉ thì
lại không có tiền, mà con người ta muốn sống lại cần phải ăn.
“ Chao ôi! Nếu người ta không ăn thì đời sẽ
giản dị biết bao? Thức ăn không bao giờ tự nhiên chạy vào mồm. Có làm thì mới
có ăn.”
Bà đã già yếu, lại vừa dính một trận ốm lớn,
sức khoẻ đã chẳng còn nhiều. Việc nặng nhọc bà đã không thể đụng tới. Rồi bà chọn
đi bế em – công việc của đám trẻ mười hai mười ba tuổi ngày ấy vẫn làm. Thoạt đầu
người ta mướn vì nghĩ một bà già chăm em sẽ ít lúng túng hơn so với đám trẻ
con. Vả lại đã già thì sức ăn cũng ít, lại cẩn trọng sạch sẽ. Nhưng khổ nỗi ai
thuê bà xong thì người người đâm ra chán: bà lẩm cẩm, chậm chạp, lúc nào cũng run
run đổ bể, lúc thì rên rỉ than trời, lúc khóc lóc nhớ con. Những lần đầu tiên
đi bế em, người ta trả bà một đồng nhưng dần dần xuống còn năm hào... cứ thế giảm xuống cho đến khi không còn đồng nào, không còn ai thuê. Bà lại còn bị què một
bên tay vì ngã trong một lần đi xách nước. Thế rồi những ba tháng, bà toàn ăn
bánh đúc để sống. Tiền thì cứ một hết nhẵn mà người ta sống thì phải ăn. Ban
đầu người trong chợ còn thương cho ít miếng này ít miếng kia nhưng nhiều lần quá thì thành ra người ta cũng chẳng còn lấy nữa mà cho.
“Ai đâu mà ngày nào cũng cho như vậy? Lòng
thương cũng có hạn”
Đâu ai cứ suốt ngày “rải” lòng thương cho người mãi. Ở đây có một vấn đề rằng bản chất con người dường như lúc nào cũng tốt, nhưng người ta còn phải nghĩ cho bản thân mình nữa. Đặc biệt là vào những năm trước cách mạng, cơm cháo còn khó kiếm để ăn thì lấy gì mà cho người khác mãi. Điều đó khiến những con người đói khổ phải tự sinh tự diệt.
Cuối cùng bà
cũng tìm ra một cách để thoả cơn đói sau khi chân tay đã rã rời và sức lực tuổi
già đã gần như cạn kiệt hết không còn bao nhiêu.
2. Trong
bữa ăn
Bà lọ mọ dò dẫm đi. Cứ đi một chốc lại dừng
nghỉ như người hết hơi. Đến tận trưa bà mới tới được nhà bà phó Thụ nhưng ngặt
nỗi nhà bà ấy thì lắm chó dữ. Nhà càng giàu thì chó càng dữ. Thế nên bà sợ
không dám vào. Chỉ biết ngồi chờ cho ai đi vào thì ghe nhờ thì may ra. Lúc sau,
gặp bà phó Thụ đi về thật, bà liền đon đả
chào hỏi:
“Bẩm bà, con lên chơi với cháu. Lâu lắm,
cháu không được về, con nhớ cháu quá!”
Nhưng đáp lại bà là sự hời hợt cùng ánh nhìn khinh khỉnh của bà phó Thụ:
“Úi dào ôi! Vẽ cái con chuột chết! Nó phải
làm chứ có rỗi đâu mà bà chơi với nó? Nhà tôi không có cơm cho nó ăn để nó cứ nồng
nỗng nó chơi. Bà muốn chơi với nó thì đen ngay nó về nhà tìm cơm cho nó ăn, bà
cháu chơi với nhau vài ba tháng chi thật chán đi, rồi hãy bảo nó lên. Tôi không
giữ. Bà tưởng nó đã làm giàu làm có cho tôi rồi đấy, hẳn?”
Bà bị người ta đay nghiến cũng chỉ biết
ngượng ngùng cúi gằm mặt. Người ta ngoài bảy mươi tuổi được con cháu săn sóc,
chỉ lo ăn lo ngủ hưởng tuổi già. Đằng này bà phải nhịn đói nhịn khát,
con trai thì chết, con dâu thì đi lấy chồng khác, ngay cả cái mong muốn gặp
cháu còn phải xin xỏ khúm núm như ăn xin. Mà người giàu thì bao giờ cũng đầy những
thứ lí lẽ hợp tình hợp lí, đám dân quê có muốn cãi cũng chẳng biết cãi làm sao.
Bất chợt cái đĩ trông thấy bà, nó mừng rối
rít. Sự mừng rỡ của đứa con nít mười ba mười bốn tuổi bao giờ cũng hồn nhiên trước
người thân gia đình.
“Nó cười rồi nó khóc chẳng biết vì sao cả.
Nhưng đôi mắt của bà phó Thụ dội nước vào lòng nó. Nó tự nhiên ngượng nghịu.”
Ngay cả nó cũng hiểu được sức nặng của một
ánh nhìn là đủ răn đe như thế nào. Mười hai tuổi cái đĩ đã phải ăn nằm nhà người
ta, làm lụng đủ thứ vì bà đã bán nó cho bà phó Thụ với giá mười đồng (có thể
to lớn đối với dân nghèo và rẻ mạt đối với những người như bà phó Thụ ). Nó ngượng
nghịu, nó bối rối trước người bà mà nó tự hỏi không biết bà đến làm gì. Thoạt đầu
bà trả lời nó cứ ngỡ như đùa, lại ngẫm như thật: “Bà đến xin bà phó một bữa
cơm ăn đây!”
Cái đĩ nhìn bà nó gầy nhẻm đi, da đen sạm.
Nghe bà kể đã phải nghỉ đi buôn nhịn ăn mấy ngày liền, nó liền len lén lấy trong dải yếm ra một cái túi rút xách ra mấy đồng trinh, rồi nó lấy hai đồng xu đưa cho
bà về mà mua vài cái bánh đúc ăn. Nhưng bà nó lại đi lẽo đẽo theo sau, kết quả
đã vào luôn nhà bà phó Thụ. Bà phó Thụ thì tức lộn ruột lên, xa xả mắng, nói với bà:
“Bà cứ ngồi một chỗ mà ăn cơm. Khiếp thật thôi”.
Người ta nói thế, bà làm thật. Miếng ăn là
miếng nhục. Bà đói đến mức muốn lả đi thì còn hơi đâu mà nghĩ đến cái "sĩ diện”
không bào được ra cơm mà ăn đó. Người ta bưng mâm lên, bà chẳng đợi ai mời, bà ngồi
ngay cạnh cháu mà so so đũa. Rồi bà ăn. Bà ăn như chưa từng được ăn. Trong khi
các cô khác ai nấy ăn rất nhẹ, rất khẽ và xong bữa rất nhanh. Còn bà chỉ
mới ăn có hai lượt thì bà phó Thụ, những người khác đều lần lượt buông đũa.
Nhưng ngay cả thế bà vẫn ăn.
“Đã ăn rình thì ăn ít cũng là ăn. Đằng nào
cũng mang tiếng rồi thì dại gì mà chịu đói? Bà ăn nữa thật”
Bà cứ ăn hết bát này đến bát khác. Đến khi
cơm đã cạn, bà còn vét cơm ở đáy nồi mà ăn nốt. Cái đói làm con người ta dường
như quên mất phép tắc, lịch sự. Ngay như trong tác phẩm Vợ Nhặt của Kim
Lân với hình ảnh cô vợ nhặt ăn một lúc bốn bát bánh đúc, ăn xong còn cầm dọc
đôi đũa quệt ngang miệng…Từ xưa đến nay, ăn uống vẫn luôn được người ta giữ kĩ
phép tắc. Đặc biệt là đàn bà phụ nữ. Bà đã có tuổi, chắc chắn những quy tắc ăn
uống bà phải biết, rành hơn cả con cháu nhưng tất cả dường như chẳng cò lại gì
trước cái bụng đói cồn cào của bà. Bà ăn. Ăn cho thoả cơn đói khát của bà mặc
cho ánh nhìn khinh bỉ của bà phó Thụ, sự ngượng ngùng của cái đĩ khi nhìn bà nó
ăn như “ma đói”. Bà chẳng hề bận tâm gì chuyện đấy. Ngay cái giây phút đấy bà đã
“đánh rơi” đi những phẩm giá của một người đàn bà vốn có, bà để dành chỗ đánh
rơi đấy cho chiếc bụng đói cồn cào và những miếng cơm bà đã vét sạch sành sanh.
3. Sau
bữa ăn
Luôn nửa tháng trời, vì bữa no hôm đấy mà
bà sinh ra tức bụng. Bà hết thổ, lại tả, lại lị. Rồi bà chết. Cái chết không ai
ngờ tới bởi người ta chết vì đói, nay còn có người chết vì no.
“Bà phó Thụ nghe tin ấy bảo: “ Bà chết no
“. Và bà dùng cái chết ấy làm một bài học để dạy lũ con gái, con nuôi: - Chúng
mày xem đấy. Người ta đói đến đâu cũng không thể chết nhưng no một bữa là đủ chết.
Chúng mày cứ liệu hồn đấy mà ăn tộ vào.”
Một cái chết đau đớn, nhục nhã. Nếu lúc đấy
bà không cố vét nốt đám cơm còn sót ở đáy nồi, nếu lúc đầy bà chịu để ý đến ánh
mắt của bà phó Thụ, của đứa cháu gái, nếu lúc đấy bà tự dưng biết “ngại ngùng”
mà ăn vừa đủ thì đã chẳng phải ra đi tức tưởi như thế. Ăn là cái bản tính. Mà
con người được trời cho cái khả năng kiểm soát bản tính vốn có ấy. Nhưng từ bao
đời nay, hễ đụng tới miếng ăn thì người ta liền dè chừng những kẻ muốn động vào
miếng ăn của mình. Nó đặt ra cho con người ta ranh giới giữa một bên là sự thoả
mãn bản tính và giữ gìn nhân phẩm của bản thân. Và bà của cái đĩ đã để quên cái nhân
phẩm cuối cùng của mình ngay giây phút bà ăn ngấu nghiến ở nhà bà phó Thụ. Ở
đây Nam Cao lột tả một cách chua xót số phận của người nông dân đói kém, kiệt
quệ đến mức sẵn sàng từ bỏ tất cả chỉ để có thể lấp đầy cái bụng đói của mình.
Vì khi đói quá người ta thường làm liều. Người ta gạt đi tất cả những nhân phẩm
mình có. Miếng ăn – tưởng chừng bình thường hóa lại có sức mạnh ghê gớm, nó đủ để
khiến cho những người như bà, những người nông dân nghèo khổ thời chấp nhận đánh
đổi tất cả chỉ để có được.
III/ Kết luận:
Ngót hơn tám mươi năm tác phẩm Một bữa no được ra đời. Chỉ thể hiện vỏn vẹn trong vài trang văn nhưng lại chất chứa bao nhiêu nỗi trăn trở, lo âu của một cây bút đương thời. Một con người yêu nghề, say mê vì nghề. Cả một đời lầm lũi trong cái nợ viết lách và chợ văn "hỗn loạn" hồi tiền cách mạng, Nam Cao hẳn chưa lúc nào nghĩ đến danh thơm, đánh bóng tên tuổi. Để rồi lịch sử và độc giả sẽ làm điều đó, làm tên tuổi của Nam Cao sống mãi trong dòng chảy văn học Việt Nam thế kỉ XX.
Tóm tắt bởi : Ngọc Anh - Bookademy
Hình ảnh: Ngọc Anh - Bookademy
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
51 lượt xem