[Tóm Tắt & Review Sách] “Người Sót Lại Của Rừng Cười”: Cái Cười Méo Mó Man Dại Của Chiến Tranh
Xantưkôp Sêđrin đã từng nói rằng: “Nếu như văn học chỉ im tiếng trong một phút thôi, thì điều đó cũng sẽ chẳng kém gì cái chết của cả một dân tộc”. Văn học dù bay cao đến đâu vẫn luôn gắn mình với mảnh đất cuộc sống bằng sợi dây hiện thực mỏng manh nhưng bền chắc vô cùng. Hiện thực trong văn chương mô phỏng, phản ánh, kiến tạo thực tại, sao cho nó vừa khít với thực tại khách quan.
Trở lại đặc điểm văn học trước năm 1975, đa phần các văn nghệ sĩ đều lựa chọn hướng ngòi bút của mình để ngợi ca những người anh hùng, từ đó cổ vũ tinh thần cho chiến sĩ Cách Mạng. Ta đốt lửa trong tim, hóa thành Đankô, phơi phới một niềm tin “làm người lính đi đầu”. Trong khi đó, văn học sau năm 1975 có khuynh hướng “thay máu”, chọn điểm nhìn trần thuật để xoáy sâu vào những thương tổn, mất mát của chiến tranh.
Truyện ngắn Người Sót Lại Của Rừng Cười của tác giả Võ Thị Hảo đã kể một câu chuyện cảm động, day dứt về số phận của những người phụ nữ thời chiến và hậu chiến.
Võ Thị Hảo sinh ngày 13 tháng 4 năm 1956 tại nguyên quán Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Chị trở thành sinh viên khoa Văn của trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội năm 1973. Sau khi tốt nghiệp năm 1977, chị tham gia sinh hoạt báo chí với các nhiều vai trò khác nhau như biên tập viên, phóng viên.
Quan điểm nghệ thuật
Nhiều những cây viết cùng thời tìm đến văn chương như một thú vui để giải trí và thỏa mãn những cảm xúc cá nhân, riêng Võ Thị Hảo lại quan niệm, viết là một nhu cầu tự thân, cần được nói ra những điều mình trăn trở và tâm huyết: “Văn chương là nơi thổ lộ những khát vọng, những nỗi đau lớn của kiếp người. Sứ mệnh của nhà văn là chia sẻ niềm vui, nỗi đau và thức tỉnh lương tri”. Ánh nhìn của Võ Thị Hảo đối với văn học, luôn gắn chặt vào cuộc sống trước mắt, luôn suy tư, chiêm nghiệm và cảm thông sâu sắc với đời.
Bản chất của nghệ thuật, bao giờ cũng là tôn trọng sự thật, tôn trọng những sự kiện cốt lõi đang diễn ra trong hiện thực đời sống. Thế giới được khúc xạ thông qua lăng kính của nhà văn, vì vậy mà với Võ Thị Hảo, ấy vừa là đam mê vừa là một phần trách nhiệm cao cả của người cầm bút. Những trang viết của nhà văn vì lẽ đó mà mang nặng hơi thở của hiện thực đời sống, những sự thật đầy chua xót, thấm đẫm nước mắt và đắng lòng, nhất là những trang văn viết về chiến tranh.
Một trong những đặc điểm quan trọng, biểu trưng cho phong cách nghệ thuật Võ Thị Hảo, nằm ở tư duy biểu tượng (hàm chứa những thông điệp, tầng ngầm ý nghĩa). Đây là phương thức biểu đạt hiệu quả, góp phần thể hiện sâu sắc những vấn đề thuộc hiện thực đa chiều của đời sống, con người.
-(1).png)
Con người trong sáng tác của Võ Thị Hảo
Con người thế sự, đời tư: Con người tồn tại với những số phận, mảnh đời khác nhau. Đó chính là con người đa diện với cả cái tốt đẹp lẫn cái xấu xa thấp hèn. Nhìn nhận con người dưới góc độ hiện thực, Võ Thị Hảo đã xây dựng lên thế giới nhân vật không thể gọi là người tốt hay kẻ xấu, người cao thượng hay kẻ giả dối, mưu toan. Ranh giới rành mạch của những định kiến về bản chất con người trước đây, dường như được nhà văn mờ hoá, không còn phân định rõ ràng. Vì thế mà khi đọc những sáng tác của Võ Thị Hảo, ta vừa có thể đồng tình, vừa phê phán, vừa có thể căm ghét, nhưng cùng lúc cảm thấy an ủi, đồng cảm và yêu thương.
Con người với đời sống nội tâm phong phú và phức tạp: Vì ánh nhìn của nữ nhà văn với hiện thực xã hội đầy chiêm nghiệm, sâu lắng cùng với sự cộng hưởng của vô thức, tiềm thức và tâm linh mà hình tượng con người trong sáng tác của Võ Thị Hảo rất khác lạ, nhưng đầy mới mẻ và mê hoặc. Bằng cảm thức và những rung cảm tinh tế, người phụ nữ trong trang văn của chị hiện lên đầy khắc khoải, là những kiếp đàn bà bất hạnh và đa đoan.
Con người mang dấu ấn hiện sinh: Nỗi đau lớn nhất của kiếp người là không tìm được tiếng nói chung với đồng loại. Đồng quan niệm với các nhà hiện sinh chủ nghĩa, Võ Thị Hảo đã nhìn nhận và xây dựng một thế giới, mà ở đó những nhân vật hiện lên vô cùng nhỏ bé, tội nghiệp và đáng thương, giữa đời sống xô bồ, hỗn tạp và đầy nhiễu nhương, biến động.
II. Truyện ngắn
Người Sót Lại Của Rừng Cười là một tác phẩm tiêu biểu của văn học thời kỳ sau năm 1975. Vì ký ức về những tháng ngày máu đỏ, bom rơi vẫn đậm nét, song, những nhà văn thời kỳ này có xu hướng đi sâu hơn vào cuộc sống trong chiến tranh lẫn đời thường muôn mặt, miêu tả, đánh giá nó dưới nhiều góc độ, điểm nhìn, sắc cạnh khác nhau. Chiến tranh không chỉ có “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, chiến tranh là máu, nước mắt, là thử thách, hy sinh, là những tổn thất lớn lao trên cả hai khía cạnh: vật chất và tinh thần.
Tóm tắt tác phẩm
Hiểu được lòng người mình yêu và mong muốn giải phóng cho Thành khỏi những ám ảnh cố hữu nên Thảo đã nghĩ ra cách, hàng ngày tự gửi thư cho chính mình với tiêu đề “Thương yêu gửi em Mạc Thị Thảo”. Không chấp nhận được việc người mình yêu lừa gạt, dối trá, cuối cùng họ đã chia tay. Một tháng không lâu sau đó, Thành ngỏ lời yêu với cô bạn cùng lớp, sau hai tháng, họ cưới nhau vào dịp hè. “Đêm tân hôn của Thành, Thảo chong ngọn đèn dầu trên giường nhỏ, cô không dám bật đèn, sợ làm mấy cô gái cùng phòng khó ngủ”. Đau đớn thay, Thảo ra đi vì chính căn bệnh của những người đồng đội ngày xưa từng mắc phải. Cô đã vượt qua được những tháng ngày gian khổ ác liệt ở Trường Sơn nhưng rồi chết dưới những bữa tiệc huyên náo, những ồn ào của thời bình.
Rừng Cười - hiện thực tàn khốc của chiến tranh
Rừng Cười là cách nói đầy châm biếm của Võ Thị Hảo về hiện thực tàn khốc của chiến tranh. Cái tên bắt nguồn từ căn bệnh Hysteria quái ác - khóc cười rũ rượi và lây lan hàng loạt ở những tập thể đông nữ giới. Những cô gái nhỏ bé nhưng trái tim đầy mạnh mẽ và kiên cường, họ đã chiến đấu tới cùng, không phải với khói lửa, mà với nỗi niềm và sự cô đơn. Hysteria không chỉ dày vò thể xác mà còn chấn áp cả tinh thần của những cô gái trẻ. Rừng cười trong câu chuyện mà Võ Thị Hảo xây dựng, có chăng chỉ là rừng của những con người điên loạn và tàn lụi trong nỗi buồn chiến tranh.
Hình ảnh người phụ nữ trong chiến tranh bao giờ cũng gặm nhấm cảm xúc nhiều hơn. Họ không chỉ thấy hình ảnh đơn thuần của cuộc chiến tàn bạo, mà còn thấy một thế giới những đầy khốn khổ, bi thương. Miêu tả cái chết của bốn cô gái ở rừng Cười, Võ Thị Hảo không ngần ngại mà hướng ngòi bút của mình vào mảnh đất hiện thực khát máu:
“Thắm và ba đồng đội của cô đã chết trong những tư thế rất khác nhau. Một lưỡi lê cay cú đã đâm nát một bên ngực của Thắm (...) Giờ đây Thảo chỉ còn mỗi cách vần các đồng đội của mình xuống huyệt, rải lệ bốn thi thể con gái một thảm lá thật dày, rồi lấp đất. Cô trồng lên mộ bốn cây bằng lăng nhỏ, rồi dốc nốt chỗ nước trong bi đông xuống tưới cho cây. Mặt đất khô khan kêu “xèo” một tiếng, bốc hơi ngùn ngụt quẩn vào chân Thảo.”
Nghĩ thêm, việc chiến tranh lôi những người phụ nữ vào cuộc chiến thật là khủng khiếp. Hiện thực chiến tranh vừa tàn bạo, khốc liệt, vừa ám ảnh, day dứt biết bao nhiêu:
“Sẽ không bao giờ mình quên được những người đã nhìn thấy ở rừng Cười. Có lẽ cảnh chết chóc còn dễ chịu hơn! Ôi! Thế là sau chín năm ở chiến trường, tôi đã nhìn thấy ở Rừng Cười cái cười méo mó man dại của chiến tranh.
Việc chiến tranh lôi những người phụ nữ vào cuộc chiến thật là khủng khiếp. Tôi sẵn sàng chết hai lần cho họ khỏi lâm vào cảnh ấy.
Tôi rùng mình khi nghĩ rằng, người yêu tôi, em gái tôi, cũng đang cười sằng sặc như thế, giữa một khu rừng mênh mông nào đó”
Chiến tranh tàn nhẫn nhưng có biết bao con người dũng cảm vẫn vì nó mà chấp nhận hy sinh. Chiến tranh cướp đi sự hạnh phúc và tước đoạt quyền tự do nhưng nhiều người vẫn chọn lựa những đớn đau, những mất mát. Tất cả vì một lý tưởng cao đẹp hơn - hoà bình.
Nhưng họ - những người phụ nữ đã cống hiến tuổi thanh xuân, còn lại gì?
Bi kịch của con người thời hậu chiến
Có thể, chiến tranh đã đi qua nhưng những vết thương mà nó đem đến luôn hằn sâu mà chẳng thể xóa nhòa hay mai một. Nó tồn tại như vách ngăn vô hình giữa con người và đời sống thường nhật. Mở rộng hơn, những bi kịch cá nhân ấy từng được diễn tả xúc động trong Miền Cháy của tác giả Nguyễn Minh Châu. Người mẹ từng chịu cảnh mất con đang cưu mang con trai của chính kẻ thù. Trên hành trình ấy có những khắc khoải khi đi tìm tình yêu, có cả nỗi cô đơn ắp đầy mộng tưởng. Bi kịch của bà mẹ Êm trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu là diễn biến đầy phức tạp, khổ sở xuất hiện cả những giằng xé trong cuộc giáp mặt éo le - khi người mẹ phát hiện bé Sinh chính là máu mủ của kẻ sát nhân đã giết chết con trai mình trong buổi hoàng hôn cuối cùng. Nhà văn ở giai đoạn này dường như nhạy cảm hơn, xót xa, mủi lòng hơn trước nỗi đau và thương tổn thời hậu chiến của người phụ nữ – những nạn nhân tội nghiệp vô tình bị đưa đẩy vào vòng xoáy của chiến tranh. Thay thế cho âm hưởng sử thi – anh hùng ca là một âm hưởng còn dữ dội và ám ảnh hơn rất nhiều, đó là nỗi day dứt, đau đớn khôn nguôi trước những mất mát, khắc nghiệt của chiến tranh in hằn lên số phận của con người nhỏ bé.
Trở lại với Người Sót Lại Của Rừng Cười, dù đã trải qua vô vàn khổ hạnh, gian truân trên chiến trường nhưng chính Thảo lại chết vì không tìm được cách thoát ra khỏi những gì còn sót lại của chiến tranh. Từ bề ngoài thể xác đến ám ảnh tâm hồn
“Đôi mắt cô như mắt của người đang đi trong một giấc mộng dài. Làn da xanh tái vì những cơn sốt rừng. Khuôn mặt chỉ sinh động lên mỗi khi cô cười, mà những nụ cười thường hiếm hoi. Cô thường xo đôi vai gầy, nép mình trong góc giường tầng để viết nhật ký. Trong những cuộc đối thoại, cô thường lơ đễnh”
[...]
"Thảo thường qua đêm với hai loại giấc mơ: một loại giấc mơ thời thơ bé, cô thấy may mắn nhất là nhặt được cặp ba lá, khá nữa là nhặt được trứng vịt đẻ rơi. Còn trong giấc mơ tuổi thanh xuân, cô chỉ thấy tóc rụng như trút, rụng đầy khuôn ngực đã bị đâm nát của chị Thắm, và từ trong đám tóc rối ấy lẩy ra hai giọt nước mắt trong veo và rắn câng như thủy tinh, đập mãi không vỡ. Đến đây, cô hét lên và tỉnh dậy, nắm chặt lấy hai thành giường lạnh buốt".
Chiến tranh là như vậy, bao nhiêu người chinh phụ chờ đợi trong vô vọng, bao nhiêu cặp vợ chồng chỉ sống với nhau ngắn ngủi vài ngày, bao nhiêu cặp tình nhân không kịp trở về để thực hiện lời ước hẹn và bao nhiêu hạnh phúc dang dở, bao nhiêu mộng tưởng chưa thành. Thảo và Thành đã cùng nhau đi qua giông bão của chiến tranh, nhưng khi hoà bình lặp lại, họ lại mắc kẹt trong những dòng suy nghĩ rối ren, trong những trăn trở, khắc khoải khôn cùng.
"Thành đã giữ lời thề thốt yêu đương ngày trước. Anh săn sóc Thảo chu đáo, ân cần. Nhưng họ ít có chuyện để nói với nhau. Họ thường im lặng đếm bước, nghe rõ cả tiếng của những con chim ăn đêm về tổ muộn hốt hoảng vẫy đôi cánh nhỏ. Thứ bẩy nào Thành cũng chờ Thảo ở hành lang để đưa Thảo đi chơi và về đúng chín giờ. Nhưng mỗi lần gặp nhau, cả hai đều ngượng ngập, như cảm thấy có lỗi, như không còn chuyện gì để nói. Mỗi thứ bẩy, Thảo vừa mong lại sợ. Cô không còn thấy lại ánh mắt long lanh vụt sáng mỗi lần Thành gặp cô như ngày xưa."
Tuy vậy chiến tranh có những lý riêng của nó, mỗi người tồn tại trong đời sống, đều có riêng cho mình một cuộc chiến tranh, những người lính dù có cơ may được sống sót trở về, nhưng “thời buổi thiên hạ đang tự thoát xác để lao vào làm ăn, rình rập, cạnh tranh, cuồng nộ, nắm bắt, lao lên, mọp xuống, náo động, âm thầm, bộc trực, độc địa, vấp ngã…” (Ăn Mày Dĩ Vãng - Chu Lai) chỉ khiến họ - những kẻ đã quen với máu đỏ, đạn súng càng thêm vận lộn, khốn khổ và đêm ngày suy nghĩ mà thôi.
Biểu tượng chim yến cuối tác phẩm
Kết thúc câu chuyện là hình ảnh Thành với ánh mắt đăm đắm ngóng ra cổng trường với lời thổn thức tự trong tâm:
“Rừng Cười ơi! Đã no nê máu và nước mắt, lẽ nào ngươi cướp nốt của ta con chim yến nhỏ nhoi!”
Chim yến là sinh vật có vòng sống đẹp nghĩa tình. Điều này thể hiện rõ nhất, khi âm thanh kêu cứu của giống loài vang lên, cả đàn chim từ phương xa sẽ kéo thành bầy, vây kín trên bầu trời, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ lẫn nhau trước kẻ thù nguy hiểm. Hình dung trong đời sống, phẩm chất này gắn với chữ NHÂN, tức nghĩa là người, chim yến biết đặt lợi ích chung lên trên những lợi ích cá nhân. Cũng giống như Thảo, dám vì người mình yêu, vì cảm xúc của Thành mà chấp nhận buông bỏ cho anh đi tìm lấy hạnh phúc thực sự.
Câu thoại cuối vang lên, đọng lại những nỗi niềm, day dứt. Nhìn sâu hơn, trong trái tim của Thành vẫn luôn tồn tại hình bóng của Thảo - một cô gái xinh đẹp, nhanh nhẹn với mái tóc dài thướt tha. Đồng thời, đây cũng là lời khắc khoải, trăn trở về chiến tranh. Cuối cùng, thứ sót lại vẫn chỉ là những trống vánh, dằn vặt.
III. Cảm nhận chung
“Hoà bình chẳng qua là thứ cây mọc lên từ máu thịt bao anh em mình, để chừa lại chút xương” (Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh). Chiến tranh nuốt gọn những con người thiện lương trong guồng quay của những điều phi nghĩa. Khi mùi khói súng hoà lẫn mùi đau thương văng vẳng khắp mọi ngóc ngách cuộc sống, ngòi bút của người nghệ sĩ nhỏ xuống trang giấy những tiếng khóc, tiếng nấc đầy nghẹn ngào. Chiến tranh không phải là đề tài mới mẻ đối với giới mộ điệu văn chương, thế nhưng điểm nhìn và cách tiếp cận của Võ Thị Hảo lại hoàn toàn khác biệt, không đi theo lối mòn, khuôn khổ sẵn có.
Người Sót Lại Của Rừng Cười là một truyện ngắn ám ảnh, day dứt, mang đậm đặc trưng nữ quyền phân tâm học! Đọc những tác phẩm của Võ Thị Hảo, hiểu thêm về hiện thực chiến tranh, những khốc liệt, bạo tàn và những thương tổn còn in hằn trong tiềm thức của những con người thời hậu chiến, càng thêm trân trọng những giá trị cao cả mà họ gánh gồng trên vai, thêm yêu những người phụ nữ vì hai chữ hoà bình mà sẵn sàng hiến dâng tuổi xuân tươi đẹp cho sự nghiệp Tổ quốc.
Tóm tắt bởi: Thuy Huong Tran - Bookademy
Hình ảnh: Thuy Huong Tran
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
22,384 lượt xem