Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Tóm Tắt & Review Sách] “Những Chàng Trai Xấu Tính”: Nét Tính Cách Của Cô Nàng Thích "Lật Bánh Tráng"

Những chàng trai xấu tính, Câu chuyện xoay quanh thói quen hàng ngày của Biền và Tưởng tại hồ bơi nọ. Họ đến hồ bơi dường như mục đích chính không phải dành cho thể dục thể thao mà là dành cho việc tán gẫu và thể hiện. Họ bơi ở đó sáu ngày trong tuần trừ hôm chủ nhật. So với Biền, lanh lợi và quậy phá thì anh chàng Tưởng lại có nét tính cách hoàn toàn trái ngược, anh có vẻ khù khờ và chậm chạp hơn trong các cuộc vui của hai đứa.

Đôi nét về Nguyễn Nhật Ánh

Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn, nhà thơ, bình luận viên Việt Nam. Ông được biết đến qua nhiều tác phẩm văn học về đề tài tuổi trẻ, các tác phẩm của ông rất được độc giả ưa chuộng và nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim.

Ngay từ nhỏ ông đã thể hiện được năng khiếu thiên bẩm trong nền văn học. Năm 13 tuổi, ông đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên được in thành sách là một tập thơ tên Thành phố tháng tư (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1984, in chung với Lê Thị Kim). Truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm Trước vòng chung kết (Nhà xuất bản Măng Non, 1984).

Một số tác phẩm nổi bật của Nguyễn Nhật Ánh: Nữ sinh, Hạ đỏ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Thằng quỷ nhỏ, Kính vạn hoa, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Bồ câu không đưa thư, Mắt biếc, Phòng trọ ba người.... Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối của ông được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975 – 1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành đoàn TP.HCM và Báo Tuổi trẻ,…

Đi bơi nhưng không bơi

Hôm đó vẫn như thường lệ, Biền và Tưởng vẫn bơi ở đó nhưng có đôi chút khác với ngày thường. Sự xuất hiện của cô nàng xinh đẹp dưới cái dù xanh đã chiếm được sự chú ý của hai thanh niên tinh nghịch. Với lý lẽ vô cùng hợp lý của mình, Biền có thể sẵn sàng rủ rê Tưởng đến làm quen với nó, nhưng có vẻ anh chàng cũng có phần ngại ngùng khi tiếp xúc với phụ nữ. Theo Biền thì để tạo được ấn tượng đầu tiên với phái đẹp thì không chỉ có địa điểm và hoàn cành hợp lý mà ta còn phải chọn được một thời điểm thích hợp.

“Nói cho đúng, Biền không phải là thằng mắt lé. Con nhỏ mà nó chấm xinh đáo để. Theo tôi thì con nhỏ đó có một khuôn mặt hình trái xoan, mặc dù tôi chưa thấy trái xoan lần nào. Tôi không rõ trái xoan có ăn được hay không, chứ mặt con nhỏ đó mà "cắn" một miếng thì ‘đã’ phải biết! Mũi thẳng, cao, mắt to như hai mắt nai, môi hồng nhưng chả thấy cười bao giờ, vì vậy tôi không biết nó có bị sún răng hay không. Nếu hàm răng nó đều đặn như răng... tôi thì nó đúng là một người đẹp toàn diện.”

Tiếp cận với cô nàng, Biền tỏ ra thận trọng như đi săn bắt thú dữ. Từng cử chỉ và hành động dưới sự chỉ đạo của Biền trông hệt như đi đánh trận khiến Tưởng phá lên cười sằng sặc. Tuy vậy dưới ánh nhìn của Tưởng, trông Biền hệt như mấy ông thợ chụp hình không hơn không kém. Mặc cho sự chế nhạo của người bạn đồng hành, Biền vẫn bình tĩnh mà tập trung vào mục tiêu trước mắt. Nhưng hành động dù có đầu tư như thể nào, hai đứa vẫn chỉ dừng lại ở mức nhìn cô nàng từ phía xa cây dù nhiều màu sắc kia.

So với Tưởng, Biền có kỹ năng bơi lội tốt và thông thạo nhiều kiểu bơi hơn. Trong khi Tưởng chỉ biết có mỗi trò bơi ếch và bơi ngửa thì Biền có thể bơi được cả hai và trườn sấp. Nhưng Tưởng dù sao cũng đã biết cách bơi, chỉ cần Biền chịu khó dạy cho anh một số động tác quan trọng của bơi sải thì anh có thể học được ngay.

Khi đã thành thục kỹ năng bơi sải mà theo Biền là kiểu bơi giúp cơ thể hoạt động được hiệu quả các nhóm cơ nhất, Tưởng thắc mắc với Biền liệu chỉ có vỏn vẹn ba kiểu bơi. Khi nhìn thấy một anh chàng với tư thế kỳ lạ, không giống với ba kiểu mà tụi nó đã biết thì Biền mới sực nhớ ra rằng vẫn còn một kiểu mà anh quên bén đi mất - bơi bướm.

Rồi hôm đó Tưởng không tin là bạn mình có thể bơi được kiểu bơi quý phái ấy, anh đã kêu Biền bơi thử cho anh xem. Biền vẫn cái tính thích thể hiện, anh ngoi lên ngụp xuống hệt như con ễnh ương, từ xa có tiếng chọc quê kèm theo tiếng cười khúc khích của một cô gái. Cả hai đã say sưa luyện bơi mà quên béng không để ý đến cô nàng xinh đẹp hôm nọ.

Khi quay mặt qua thì Biền mới phát hiện ra cô và ngượng chín mặt với cái tư thế vừa rồi của mình. Và đó cũng là lần đầu tiên cả ba đứa gặp mặt nhau. Ấn tượng đầu tiên Biền tạo ra cho cô gái xinh đẹp quả thực hoành tráng pha một chút hài hước đúng như trong tưởng tượng của Tưởng.

“Biền hét lên tức tối. Và dang hai tay như cánh bướm, nó chúi đầu xuống làn nước xanh. Nhưng Biền chỉ giống bướm được lúc đầu. Nhô lên hụp xuống vài cái, Biền hóa thành con... chuồn chuồn.... Người ta đập tay đập chân trông khí thế, nước văng ầm ầm. Đằng này tay chân nó đuối đơ, lặn hụp cứ như người chết đuối.”

Tuy Biền là đứa có miệng lưỡi chẳng thua kém ai nhưng khi đứng đôi co đối diện với người đẹp vẫn bị cô nàng “nốc ao” ngay từ hiệp đầu tiên. Rồi tức tối, Biến thốt ra ba chữ mà thường xuất hiện trong phim hoạt hình Liên Xô ngày nào: “Hãy đợi đấy!”. Nó không nhận ra rằng khi con sói trong phim thốt lên ba chữ đấy thì nó sắp gặp phải một thất bại mới, còn thê thảm hơn thất bại cũ gấp một trăm lần.

Biền tự hứa rằng rồi những ngày sau sẽ cho con “nha đầu” đó biết thế nào là lễ độ. Tưởng không ngờ rằng con người ta có thể chuyển từ yêu thương sang thù hận nhanh chóng như vậy. Biền và Tưởng cứ thế đi thay đồ, hôm đó hơi đông, cả hai phải xài chung một phòng tắm.

“Hổm rày trời nóng bức nên người đi bơi khá đông. Các phòng thay quần áo đều chật cứng, tôi với Biền phải chung vào một phòng. Nước từ vòi sen mưa xuống mát rượi. So với trong này nước ngoài hồ nóng hơn nhiều. Tôi vừa vò đầu vừa liếc Biền, xem thử những giọt nước mát có làm dịu được chút nào nỗi ấm ức trong lòng nó không. Nhưng mặt Biền vẫn băng như đá cục. Có lẽ nó không ngờ cuộc ‘gặp gỡ’ đầu tiên với nó và người đẹp mà nó định làm quen lại diễn ra ngoài kế hoạch như thế.”

Nhưng cứ lần nào bắt gặp cô nàng với nụ cười đẹp như yêu quái động bàn tơ đó, Biền lúc nào cũng quên béng đi ý định phục thù của mình. Không cầm lòng được, Tường nhiều lần cũng định nhe răng cười lại, nhưng dòm sang Biền thấy nó trơ trơ, Tưởng đành ngậm miệng làm mặt cô hồn. Thấy hai đứa không lộ vẻ thân thiện, cô nàng không thèm cười nữa. Cô thu hồi lại hai lúm đồng tiền trên má khiến Tưởng tiếc hùi hụi.

Hôm đó nhờ có lòng tốt và sự nhiệt tình của mình bằng việc chạy tháo chạy để đi mua cọng thun cho cô gái buộc tóc, Biền đã lấy được thiện cảm và hỏi được tên từ cô nàng xinh đẹp, nhỏ tên là Quỳnh Dao. Khi nãy nó dọa dẫm hùng hổ bao nhiêu thì bây giờ nó cam chịu bấy nhiêu. Trước mặc Tưởng thì nó đâm quạu quọ, nhưng trước mặt cô nàng thì lại trông hí ha hí hửng.

“Bữa nay nó làm tao miệng mồm cứ cứng đơ, chẳng nói được câu nào ra hồn!”


Những ngày xen kẽ

Dù đã bước đầu biết được tên mỹ nhân thành công mỹ mãn, cả hai cũng vô tình ngạc nhiên khi ngày hôm sau dường như Quỳnh Dao trở thành một người hoàn toàn khác. Khi Biền tiếp cận thì nó ngó lơ như thể không quen biết. Vì bị Quỳnh Dao quăng cho một cục tức, Biền hét to tên Quỳnh Dao khiến ai nấy cũng quay lại nhìn nhưng cô nàng chỉ đáp lại một bằng một cách thản nhiên rằng cô là Quỳnh Như chứ không phải Quỳnh Dao. Lúc này, Biền mới biết rằng hôm qua anh đã bị lừa cho một vố, vừa đau đớn vừa nhục nhã.

Trước nay Tưởng chuyên đi theo Biền, đóng vai tà-lọt. Biền làm gì nó làm nấy. Biền vui, nó vui ké. Biền buồn, nó buồn theo. Nhưng hễ thương con nhỏ nào, Biền bắt nó đứng xa xa, không được thương giùm. Lần này, nó mặc xác Biền. Chẳng lẽ nó biết thương biết nhớ, còn trái tim nó bằng bê tông cốt thép? Hơn nữa, hôm nay Quỳnh Như đâu có thèm ngó tới mặt Biền. Cô nàng chuyển sang quan tâm đến nó.

Quỳnh Như chủ động đến bắt chuyện với Tưởng làm anh ngượng đỏ chín mặt. Nói xong, Tưởng bỗng giật mình. Anh nhớ ra mồm mép của Quỳnh Như đâu có thua gì Biền, thậm chí còn có phần lấn lướt. Hôm trước chẳng phải nó đã "xực" Biền tối tăm mặt mũi đó sao?

“Nhưng hệt như sao băng, nỗi áy náy chỉ hiện lên có một chút xíu. Rồi tắt phụt. Lòng Tưởng bây giờ tràn ngập ánh trăng rằm rực rỡ của tình yêu. Và dưới ánh sáng dịu dàng đó, Tưởng tha thứ cho Quỳnh Như tất cả. Tôi đóng vai quan tòa kiêm luật sư bào chữa. Và anh tuyên bố nó... trắng án. Thằng Biền sỗ sàng với phụ nữ, đem treo cổ là đáng tội. Quỳnh Như lại khác. Nó là con gái, lại xinh đẹp. Vì vậy nó được quyền... sỗ sàng với đàn ông. Miễn là nó trừ Tưởng ra.”

Biền không chỉ lảnh phần chanh chua. Lòng nó còn tràn ngập bao cay đắng. Nó tắm dưới hồ nhưng chỉ chìm có nửa người. Cái đầu nó trồi lên khỏi mặt nước, mắt nhìn Tưởng trò chuyện với người mình thầm thương trộm nhớ với vẻ bàng hoàng tức tối. Thiệt tình Biền chưa thấy ai "đổi màu" lẹ như Quỳnh Như. Hôm qua mới nhận dây thun của nó, bữa nay lại hí ha hí hửng nhào vô uống nước của Tưởng.

Hôm sau là thứ Hai, Biền quyết tâm không trò chuyện với “con nha đầu” ấy nữa. Nhưng hôm nay Quỳnh Như lại bắt chuyện trước với “con ễnh ương” của nó. Hai đứa ngơ ngác quay lại. Quỳnh Như đang ngồi cạnh chiếc bàn đá tròn kê dưới hàng cây um tùm. Chỗ nó ngồi nằm ngay khúc ngoặt, lại hơi thụt vào, nên khi đi ngang qua tụi nó không nhìn thấy. Quỳnh Như chống hai tay lên mép ghế, người hơi chồm về phía trước. Nó đang nhịp nhịp chân và mỉm cười nhìn hai đứa, vẻ láu lỉnh.

“Trong lúc đó, Biền cứ ngẩn người ra. Nó hoàn toàn bất ngờ trước tình huống này. Chiều nay, nó đã tự dặn lòng không được dính dáng gì tới Quỳnh Như nữa. Trước khi bước chân vào đây, nó đã khí khái ca bài thôi là hết chia ly từ đây bằng một giọng ngậm ngùi rất đạt và thề sẽ không bao giờ ngó mặt con nhỏ đỏng đảnh kia nữa. Vậy mà bây giờ con nhỏ đó bỗng nhiên ‘ê’ nó, bảo nó không sững sờ sao được!”

Miệng lưỡi con gái đúng là độc hơn rắn rết. Quỳnh Như ra đòn đột ngột khiến Biền tối tăm mặt mũi. Biền không thể nào ngờ sau một buổi chiều u ám như chiều thứ bảy tuần trước, cô nàng lại tiếp tục làm tình làm tội nó một cách không thương tiếc. Lần này, Quỳnh Như lại tự xưng mình là Quỳnh Dao, và cô nàng chỉ tập trung ánh mắt về Biền mà chẳng mấy đếm xỉa đến Tưởng như ngày hôm trước.

“Thoạt đầu, nó còn liếc mắt nhìn tôi được một cái. Nhưng kể từ lúc đó, nó chẳng thèm đếm xỉa gì đến tôi nữa. Mà nào có lâu la gì, chỉ mới cách đây hai ngày nó còn xáp lại bên tôi thầm thì thân mật đến nỗi thằng Biền phát ghen, suýt chút nữa ngạt thở chết đuối dưới hồ. Vậy mà bây giờ nó coi tôi chẳng ra cái cóc khô gì.”

Bị Quỳnh Như bắt bẻ đủ kiểu, Biền không biết làm gì hơn là đưa tay bịt hai tai lại và quay mặt đi chỗ khác. Có vẻ như nó đã sẵn sàng đầu hàng và quyết định không thèm nghe thêm bất cứ một lời châm chọc nào của đối phương. Tưởng ngồi giữa làm khán giả, trước tình hình căng thẳng này chẳng biết phải mở miệng dàn hòa như thế nào, đành giả ngốc ngồi im, trong bụng thầm mong một khi thằng Biền đã "phong tỏa" thính giác của nó rồi, ắt Quỳnh Như sẽ phải quay sang trò chuyện cùng Tưởng và biết đâu nó sẽ được thưởng thức lại cái giọng nói thủ thỉ thân thiết ngày nào.

Nhưng Quỳnh Như là cái con nhỏ vô tâm chính hiệu. Nó chẳng thèm tìm hiểu xem ánh mắt cháy bỏng của Tưởng đang "nói" với nó những gì, cũng chẳng buồn tự hỏi tại sao chốc chốc Tưởng lại nhoẻn miệng cười với nó mà không thèm cười lại lấy một cái. Lúc này, Quỳnh Như chỉ thích “làm khổ” Biền.

“Trước nay, Tưởng cứ nghĩ Biền là thằng thô lỗ cục súc, lúc nào cũng khoái ‘choảng’ nhau với thiên hạ. Tuần trước, lúc mới "đụng độ" với Quỳnh Như, nó đã thề sống thề chết là sẽ ‘nhai xương’ con nha đầu khốn kiếp đó. Nào ngờ chỉ cách có mất ngày mà nó đã ‘trưởng thành’ ghê gớm. Bây giờ nó nhẫn nhục còn hơn Hàn Tín ở Hoài Âm. Nó không thèm rơi vào kế ly gián của Tưởng. Nó biết tỏng Quỳnh Như ‘khoái’ nó. Thế mới khổ cho Tưởng.”

Chiều hôm sau, Biền không thèm đi sớm. Như kẻ đã bỏ sẵn thắng lợi trong túi vì hôm trước Quỳnh Như chỉ để ý đến mỗi nó mà quên bén sự xuất hiện của Tưởng, nó cứ đủng đà đủng đỉnh. Tưởng đã coi mình là kẻ ngoài cuộc nên mặc xác nó, không buồn giục.

“Biền bước qua cổng với dáng điệu của kẻ vô khải hoàn môn. Lưng thật thẳng, nó bước những bước dài, trầm tĩnh và vững chãi.”

Khi nhìn thấy hai đứa, Quỳnh Như kêu lên, giọng mừng rỡ: “Ôi, anh Tưởng! Sao anh còn ngồi đây?”. Trong một thoáng, Tưởng như không tin vào những gì vừa nghe thấy. Thoạt đầu tôi ngỡ Quỳnh Như gọi nhầm. Nhưng không, đôi mắt đẹp nhất trần đi của nàng đang hướng vào nó. Có vẻ như nó không biết Biền là ai.

Tuy vậy nhưng Biền có vẻ rất thản nhiên. Thái độ của Biền khiến Tưởng kinh ngạc. Nhưng rồi anh hiểu ngay. Anh nhớ câu hôm qua Biền nói: “Nếu Quỳnh Như không tình ý gì với tao, không bao giờ nó làm khổ tao như vậy”. Hóa ra Quỳnh Như giả vờ hỏi chuyện anh chỉ để "làm khổ" Biền chơi. Quỳnh Như chỉ coi anh như cái cớ, chỉ là chiếc bàn đạp để nó dậm nhảy, là chiếc đinh gỉ để nó móc áo.

Nhưng không vì vậy mà Biền không để ý đến các cử chỉ thân mật mà Quỳnh Như giành cho Tưởng. Trong một thời gian ngắn, từ một kẻ tình si đầy ắp hoài bão, Biền đã nhanh chóng biến thành một gã chán đời. Bơi lội mới ngày nào còn là một môn thể thao lành mạnh, bây giờ với nó chẳng qua là một trò vô bổ, phù du.

Rồi cứ thế, cứ một ngày Quỳnh Như quan tâm đến Biến, rồi ngày hôm sau lại đến phiên Tưởng. Như thể cô nàng quan tâm đan xen hai anh chàng mỗi ngày khiến họ cứ bị lật như bánh tráng. Rồi hôm nọ, vì không chịu được nữa, Biền liền nghiên cứu về hành vi của Quỳnh Như và nói với Tưởng rằng sự thật đằng sau tính cách thất thường của cô nàng có thể sẽ liên quan mật thiết đến những món ăn mà cô bỏ vào bụng.

“Và những ngày này luôn xen kẽ với nhau. Nếu như tao nhớ không lầm thì hai tư sáu là ngày của tao, còn ngày của mày là ba năm bảy. Mày nhớ lại coi, xem tao nói có đúng không!”

Đến đây thì Biền phân tích như một chuyên gia thực phẩm. Rằng hôm nào mà cô nàng ăn thịt thì sẽ quan tâm đến Tưởng, khi nào ăn chuối thì lại thay đổi tính cách muốn được giở trò quậy phá với Biền. Rồi nào là các thuật ngữ như “đồng hồ sinh học”, “chu kỳ” được Biền đưa ra hết sức thuyết phục cũng làm cho Tưởng bán tín bán nghi.

Đến ngày của Tưởng, nó chẳng làm theo kế hoạch vì cũng chưa hẳn tin tưởng mấy đến suy luận của Biền. Nhưng đến ba năm bảy, Biền là đứa nghĩ gì làm nấy, nó nhanh chóng đến rủ Quỳnh Như đi ăn chè chuối theo như đã định. Cả ba đứa chạy vòng vòng Sài Gòn theo sự dẫn đường của chỉ huy Biền khiến ai nấy cũng đâm quạu, nhất là Quỳnh Như. Khi ấy Biền vì chỉ nói rằng đi ăn chè chứ không nói ăn chè gì khiến Quỳnh Như nhiều lần thấy quán chè như Biền không chịu tắp vô. Anh chàng cứ thế lủi thủi đi tìm cho được quán chè chuối như theo kế hoạch.

Khi xơi xong mỗi đứa 2 chén chè, cả ba chia tay nhau. Biền cứ đinh ninh là ngày mai Quỳnh Như sẽ lại vui vẻ với nó như hôm trước. Vì theo nghiên cứu của nó thì trong chuối có chất serotonin. Đó là một kích thích tố giúp con người ta vui vẻ, hoạt bát.

Nhưng mọi chuyện vẫn không theo như dự định của Biền. Hôm sau Quỳnh Như vẫn chỉ trao mỗi ánh mắt cho Tưởng mà không vui vẻ với nó như hôm trước. Không những vậy, Biền còn bị tạt gáo nước lạnh vào mặt khi bỗng gọi tên Quỳnh khiến cô giật mình, cô nàng nhảy tõm xuống hồ, lặn đi mất, bỏ mặc Biền ngồi lại một mình với nỗi trơ trẽn không biết giấu đi đâu.

Hôm trước chính nó khẳng định tình cảm hai mặt của Quỳnh Như là do ăn uống, bây giờ cũng chính nó bảo không phải do ăn uống. Gặp lúc khác, Tưởng không bỏ lỡ cơ hội chọc cho nó đỏ mặt tía tai chơi. Nhưng bữa đó không hiểu sao Tưởng chẳng có hào hứng gì với chuyện đó. Biền Nghĩ cô nàng coi hai đứa như một thứ đồ chơi. Cô đem tình cảm của tụi nó ra tiêu khiển để giết thì giờ, vờn như mèo vờn chuột…


Ngày hai anh chàng tìm ra sự thật

Tuần đó, cả hai vì tò mò xem liệu Quỳnh Như sẽ để ý đến ai hơn mà quyết định phá lệ. Hai người rủ nhau hôm chủ nhật đến hồ bơi gặp Quỳnh Như xem liệu cô nàng sẽ chọn ai để trò chuyện. Tỷ số bây giờ là 3 – 3, hai tư sáu cho Biền và ba năm bảy cho Tưởng. Ngày chủ nhật hôm đó sẽ quyết định xem Quỳnh Như sẽ thật sự thuộc về ai.

Tưởng và Biền hồi hộp tiến về phía cánh cổng màu trắng... tang tóc. Như hai thí sinh lần đầu đi thi đại học, mặt đứa nào đứa nấy căng thẳng đến tội. Tưởng thì nhát cáy, phấp phỏng đã đành. Biền gan lì hơn Tưởng, sao bộ tịch nó chẳng tự tin gì hơn tôi trước giờ thử thách.

Quỳnh Như đứng tựa vai vào bục gỗ trước quầy giải khát, đang nói gì đó với cô gái ngồi phía trong. Trong khi tôi đang nghĩ ngợi vẩn vơ thì Quỳnh Như thình lình quay người lại. Nhác thấy hai đứa tôi, mặt nó lộ vẻ sửng sốt: “Ôi, ễnh ương mà cũng đi bơi ngày chủ nhật! Trời sắp mưa rồi!”

Thế là hết! Tưởng tuyệt vọng nhũ thầm. Cái chữ "ễnh ương" trước đây Quỳnh Như dùng để gọi xách mé Biền sao bây giờ nó cất lên nghe ngân nga và êm tai quá thể. Nếu không nặng tình với Biền, giọng điệu của "con nha đầu" này sẽ không đượm mừng vui đến thế. Thế mà hồi nào đến giờ Tưởng cứ tưởng bở. Nó ngỡ Quỳnh Như chỉ để ý đến nó, còn cô trò chuyện với Biền chẳng qua để... giải lao cho đỡ buồn, thay vì chơi brick game hay hát karaoke như những kẻ ham vui khác.

Rồi cô đơn, sầu muộn, không mục đích, hệt như vua Lia vừa từ bỏ ngai vàng, Tưởng nhắm mắt gieo mình xuống nước... bơi đi. Tôi không quanh quẩn trong hồ như con cá tội nghiệp bị bốn bề giăng lưới, lòng không nguôi thổn thức. Bỗng nó thấy Quỳnh Như đang bơi ngược lại, cô cắc cớ nhắm ngay chỗ Tưởng, lao tới y như thể trêu ngươi.

Giờ đây Tưởng mới nhận ra rằng người trước mặt nó lúc bấy giờ là Quỳnh Như, còn cô gái đang trò chuyện với Biền đăng kia là Quỳnh Dao – chị của Quỳnh Như. Chuyện này tất cả cũng do người chị bay ra để trêu hai đứa nó. Rồi Biền cũng biết chuyện. Từ tỷ số 4 – 3 giờ thành 1 – 1, coi như đứa nào cũng có được một người người bên cạnh, đạt trạng thái win - win.

“Trong một thoáng, tôi tưởng tôi đang nằm mê và có ai đó đang áp cả tảng băng lên sống lưng tôi lạnh toát. Bên quầy giải khát, Biền vẫn đứng nguyên chỗ cũ, tay vung loạn xạ, đang say sưa trò chuyện với... Quỳnh Như.”

Và khi mọi người đã sống tốt đẹp với nhau thì chẳng còn chuyện gì để kể nữa. Nhưng kẹt một nỗi, sau tuần lễ hòa bình đầu tiên được lập lại thì chị em Quỳnh Như đùng một cái kết thúc luôn khóa học tiếng Anh. Kể từ hôm đó, hai chị em dung dăng dung dẻ dắt tay vào hồ bơi mỗi ngày khiến tôi và Biền tha hồ lẫn lộn.

Hai đứa chỉ còn cách dựa vào một cái bớt nhỏ trên phần đùi trong của Quỳnh Như làm dấu hiệu nhận biết. Nhưng Quỳnh Như tỏ ra khó chịu và không đồng tình về cách làm này nên đề xuất một sáng kiến hay hơn. Cô nàng sẽ đeo bông tai để Tưởng có thể phân biết được cô và chị gái Quỳnh Dao của mình. Bông tai cũng không thể phân biệt được vì khi xuống nước tóc ướt sẽ che đi phần tai, cô chuyển sang đeo dây chuyền. Tưởng tạm chấp nhận nhưng cũng không quên dặn cô phải đeo dây chuyền cao lên để tránh việc Biền nhìn ngó lung tung.

“Con gái đúng là thông minh hơn con trai gấp một triệu lần. Cách giải quyết của Quỳnh Như lần này quả là dễ ợt thật. Nhưng trước khi ra về tôi vẫn cẩn thận dặn Quỳnh Như nhớ chọn sợi dây chuyền ngắn ngắn một chút, càng ngắn càng tốt. Để thằng Biền có nhìn thì nhìn vào cổ, thay vì hạ tầm quan sát xuống thấp hơn.”

Chuyện tình của bốn đứa có thể chỉ được xem như mới bắt đầu nhưng câu chuyện chung quanh cái hồ bơi tuyệt diệu này đến đây coi như kết thúc. Nếu có điều gì cần nói thêm thì đó là chuyện riêng của Tưởng và Biền. Từ ngày thượng đế run rủi cho hai đứa tôi gặp phải hai nàng tiên xinh như mộng và giống nhau như đúc này, chúng nó đồng thời nhiễm luôn cái tật hễ ngồi trước mặt phụ nữ là cứ trố mắt nhìn vào đùi họ. Dĩ nhiên đó là một hành động vô thức, do thói quen và mặc dù được Quỳnh Như dùng sợi dây chuyền chỉnh đốn lại tác phong, cái thói quen bất nhã đó quả thật khó dứt bỏ trong một sớm một chiều.

Tất nhiên Quỳnh Như và Quỳnh Dao chẳng bao giờ nghĩ xấu về hai chàng trai của họ. Nhưng để cho thiên hạ đồi đãi như thế xét ra cũng chẳng hay ho gì. Thế là Tưởng quyết bỏ. Và rồi cũng bỏ được, dù cũng hơi tiêng tiếc. Riêng Biền thì Tưởng không rõ nó đã "cai" được cái tật đó chưa. Thỉnh thoảng gặp Tưởng, nó khoe là nó đã thôi được cái của nợ đó rồi nhưng nhìn cặp mắt láo liên như thằng trộm gà của nó, có thánh mới tin nổi.


Lời kết

Khi đọc lên những lần gặp gỡ đầu tiên của ba người, độc giả có thể phần nào nhận ra ngay được Quỳnh Như chắc hẳn sẽ có một người chị em sinh đôi. Chỉ có Biền và Tưởng thì mãi chẳng nghĩ đến trường hợp này nên đã bị hai chị em “hành hạ tâm lý” từ ngày này qua ngày nọ mà không hay không biết. Nét tính cách của cả hai được tác giả miêu tả trái ngược nhau nảy sinh thêm các bất đồng về quan điểm trong cuộc hội thoại giữa hai nhân vật Biền và Tưởng. Từ đó, tác giả đã tạo ra được các tình huống dở khóc dở cười, xen kẽ luân phiên khiến cảm xúc người đọc được thay đổi từ chương này đến chương kia.

Tóm lại, sách của Nguyễn Nhật Ánh đa phần thường đem lại cho độc giả cảm giác chơi vơi, nhưng tác phẩm này của ông có một cái kết thật đẹp cho hai nhân vật chính sau bao nhiêu là ngỡ ngàng. Biến và Tưởng đã đi qua biết bao nhiêu thử thách của hai cô gái xinh đẹp mới đến được kết thúc tốt đẹp của mình.

-----------------------------------------------------------

Tóm tắt bởi: Minh Toàn - Bookademy

Hình ảnh: Minh Toàn

-----------------------------------------------------------

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,404 lượt xem

lh-fulllh-x