Ngọc Minh Nguyễn@Viện Sách - Bookademy
7 tháng trước
[Tóm tắt & Review sách] "Peter Pan" : Mãi Mãi Trẻ Con Hay Chấp Nhận Trưởng Thành?
Peter Pan là
một tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển của nhà văn J.M. Barrie. Hầu như trẻ
em trên thế giới đều biết đến cậu bé Peter Pan. Nhờ cách kết hợp giữa yếu tố kỳ
ảo và thực tế, tạo ra một thế giới vừa quen thuộc vừa đầy mới mẻ, cho đến ngày
nay, cuốn sách này đã chinh phục trái tim của hàng triệu độc giả trên toàn thế
giới. Có lẽ khá nhiều người trong chúng ta biết đến câu chuyện về Peter Pan qua
loạt phim hoạt hình chuyển thể của Walt Disney. Thế nhưng phiên bản tiểu thuyết
gốc của tác phẩm này chắc chắn còn mang đến một chiều sâu và sự phong phú về nội
dung mà bản chuyển thể chỉ khắc họa được một phần.
Giới
thiệu tác giả
J.M. Barrie, tên đầy đủ là Sir James Matthew Barrie (1860
– 1937) là một một tiểu thuyết gia và nhà viết kịch nổi tiếng người Scotland.
Ông sinh ra và lớn lên tại Kirriemuir, Angus, Scotland, sau khi hoàn tất việc học
tại Scotland, ông chuyển đến Luân Đôn để phát triển sự nghiệp văn chương và viết
kịch.
Tại London, J.M. Barrie đã gặt hái thành công lớn với các
tác phẩm của mình, đặc biệt là cuốn sách nổi tiếng Peter Pan. Thành công này đã không chỉ mang lại danh tiếng cho
Barrie mà còn khẳng định ông như một trong những nhà văn và kịch tác gia hàng đầu
của thời đại mình. Bên cạnh Peter Pan,
Barrie còn nổi tiếng với các tác phẩm khác như The Little White Bird và Sentimental
Tommy. Với phong cách viết đầy sáng tạo và khả năng xây dựng những thế giới
tưởng tượng phong phú, các tác phẩm của ông thường chứa đựng yếu tố huyền bí và
lãng mạn, cùng với những nhân vật sống động và câu chuyện đầy cảm xúc hấp dẫn độc
giả.
Năm 1913, J.M. Barrie được hoàng gia Anh phong tước Sir
như một sự công nhận cho những đóng góp xuất sắc của ông trong lĩnh vực văn học.
Vào năm 1929, Barrie đã quyên góp toàn bộ bản quyền của cuốn sách Peter Pan cho Great Ormond Street
Hospital ở London, một bệnh viện nhi nổi tiếng, để thành lập một quỹ hỗ trợ các
bệnh viện nhi và tổ chức từ thiện. Ngoài ra, Peter Pan cũng được chuyển thể thành các phiên bản hoạt hình, phim
live-action,...trỏ thành tuổi thơ của bao thế hệ trẻ.
J.M. Barrie không chỉ nổi bật với tài năng kể chuyện mà
còn thể hiện một cái nhìn sâu sắc về tâm lý và xã hội của thời đại mình. Những
đóng góp của ông không chỉ làm phong phú thêm thế giới văn học mà còn mở ra những
cánh cửa mới cho sự hiểu biết về nhân tính và các vấn đề xã hội, tạo nên những
tác phẩm có sức ảnh hưởng lâu dài và sâu rộng.
Tóm
tắt tác phẩm
Mở đầu câu chuyện là khung cảnh ấm cúng tại ngôi nhà của
gia đình Darling ở London, là một gia đình kiểu mẫu của Anh. Bố mẹ của Wendy, John, và Michael chuẩn bị đi dự một
bữa tiệc, để lại ba đứa trẻ trong phòng ngủ của mình. Đêm đó, một cuộc gặp gỡ bất
ngờ xảy ra khi Peter Pan, một cậu bé có khả năng bay lượn, bất ngờ xuất hiện
cùng với nàng tiên nhỏ bé Tinker Bell khiến Wendy tỉnh giấc. Cậu kể với cô bé về hòn đảo Neverland, một nơi sống
động nhưng cũng đầy bí ẩn dưới sương mù của trí nhớ và mộng mơ. Ở Neverland, lũ
trẻ đi lạc chung sống với những cô cậu tiên bé xíu, với thổ dân da đỏ, dã thú,
tiên cá và cả hải tặc. Ở đó thời gian dường như đứng im, chỉ có những cuộc rượt
bắt cứ xoay vòng, xoay vòng. Xiêu lòng trước những lời rủ rê của Peter, Wendy
đã dẫn theo hai người em trai, cùng cậu bay đến hòn đảo kì diệu, hăm hở như mọi
đứa trẻ trên đời lần đầu được tận mắt thấy phép màu diễn ra. Hòn
đảo Neverland xinh đẹp, sống động nhưng cũng đầy bí ẩn dưới sương mù của trí nhớ
và mộng mơ, một nơi mà mọi điều kỳ diệu và tưởng tượng có thể xảy ra. Barrie đã
xây dựng Neverland trở thành biểu tượng cho những ước mơ chưa thực hiện và những
khả năng vô tận mà chúng ta có thể đạt được nếu tin vào sức mạnh của trí tưởng
tượng. Để rồi, các bạn nhỏ cùng nhau bước
vào một cuộc phiêu lưu đầy biến cố, và ẩn sâu trong thế giới cổ tích thần tiên
đó là những bài học sâu sắc về tình yêu, tình bạn và sự trưởng thành, đặt ra
cho người đọc nhiều suy ngẫm về cuộc sống.
Peter
Pan – đại diện cho những phần trẻ thơ trong tâm hồn mỗi người
Bất kì ai trong đời cũng có ít nhất một lần mơ ước được hóa thành Peter Pan, vì cậu là tổng hòa của tất cả những mơ ước của tuổi thơ chúng. Trẻ mãi không già, biết bay lượn, là bạn của tiên và các sinh vật cổ tích,... Peter Pan là đại diện hoàn hảo cho khát vọng được thoát khỏi những trách nhiệm của tuổi trưởng thành, giữ mãi tinh thần tự do của tuổi thơ. Tính cách tự do, phóng khoáng của Peter thậm chí còn khiến cho người trưởng thành như thuyền trưởng Hook căm ghét, đúng hơn là ghen tị.
“Đứa
trẻ nào cũng nghệt ra như vậy khi lần đầu bị người ta đối xử bất công. Khi đến
với bạn, ấy là nó cho rằng nó có quyền hơn ai hết yêu cầu công lý. Nếu bạn lại
tỏ ra không công bằng với nó, nó vẫn yêu bạn nhưng đó không phải là đứa trẻ vô tư
như trước nữa. Chẳng ai quên được nỗi bất công đầu tiên, chẳng ai, trừ Peter.
Chú rất hay bị đối xử bất công nhưng lại quên ngay. Tôi cho rằng sự khác biệt chính
giữa Peter và mọi đứa trẻ khác là ở chỗ đó.”
Yếu tố quan trọng nhất mà Peter Pan nói riêng hay những đứa
trẻ nói chung là sự vô tư và suy nghĩ giản đơn. Đối lập với thuyền trưởng Hook luôn xấu xa, toan tính, chúng không bị vướng bận bởi bất
cứ điều gì quá lâu, chỉ chăm chăm đuổi theo những sở thích, đam mê của mình thậm
chí là cả gia đình: “Bọn trẻ là như vậy,
luôn luôn sẵn sàng từ bỏ gia đình thân yêu ngay khi gặp cái gì mới.” Wendy,
John, Michael nghe theo lời mời gọi của Peter, giữa đêm đã lập tức cùng cậu bay
tới hòn đảo Neverland mà không mảy may suy nghĩ cha mẹ sẽ lo lắng thế nào, thậm
chí dần quên đi cả họ tên, dáng vẻ của họ. Peter Pan luôn nhìn mọi thứ qua lăng
kính của sự phiêu lưu, không hề sợ hãi trước bất kì thử thách nào, kể cả tên
thuyền trưởng Hook xấu xa, luôn biến những điều bình thường thành kỳ diệu, thậm
chí cậu còn xem thường cả cái chết.
“Peter
dĩ nhiên là không giống những cậu bé khác nhưng nỗi sợ hãi cũng ngấm dân lên
chú. Toàn thân chú run lên như một gợn gió lan trên mặt biển tuy rằng trên mặt
biển thì các làn gió nối tiếp nhau hàng ngàn hàng vạn trong khi đó thì Peter chỉ
cảm thấy có một cơn rùng mình duy nhất. Một giây sau, chú đứng thẳng người trên
chơm đá, mỉm cười rạng rỡ và trống ngực đập thình thịch. Tiếng trống ấy nói rằng:
"Cái chết sẽ là một cuộc phiêu lưu lớn đây.”
Trí tưởng tượng của trẻ em thực sự có sức sáng tạo vô tận,
nhưng do sự can thiệp của người lớn, đôi khi, nó bị hạn chế; đây là lý do tại
sao ở Neverland, những đứa trẻ lạc và Peter Pan có một trí tưởng tượng vô cùng
phóng khoáng, bởi vì chúng được tự do sống thật với bản thân không bị kìm kẹp bởi
bất kỳ người lớn nào.
Tuy nhiên, tác giả đã thành công xây dựng một góc nhìn đa
chiều, sự vô tư, trẻ thơ của Peter Pan lại chính là một con dao hai lưỡi. Việc
mãi mãi muốn là trẻ con khiến cậu đi ngược lại với tất cả mọi người xung quanh,
cậu trở nên cô đơn, lạc lõng trong hành trình của mình, ngăn cách cậu với nhiều
cảm xúc đa dạng hơn. Peter có thể không biết sợ hãi, không biết bi quan, nhưng
đồng thời, cậu cũng không hề biết đồng cảm, không biết yêu. Người đọc ai ai
cũng nhận ra tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Tinker Bell dành cho Peter,
hay của Wendy dành cho cậu, thế nhưng sự vô tư và tự cao quá mức đã ngăn cản
Peter cảm nhận được những cảm xúc ấy.
“Thế
là Wendy bèn gắng ra giọng cả quyết hỏi:
-
Peter, tình cảm của cậu đối với tớ như thế nào?
- Tớ
là một đứa con hiếu thảo.
- Biết
ngay mà.
Và
cô ra tận góc phòng đầu kia ngồi.
- Cậu
thật kỳ quặc, Peter hoang mang nói. Thật chẳng khác gì Hoa Huệ Vằn. Cô ta muốn
là gì của tớ, nhưng lại không muốn làm mẹ tố.
- Rõ
là cô ta không muốn rồi, Wendy tuyên bố giọng đầy ý nghĩa.”
Đến đây, ta vừa thấy hài hước và chua xót cho các nhân vật,
Peter hoàn toàn không hiểu những trạng thái cảm xúc phức tạp như tình yêu là
gì, nỗi luyến tiếc là gì, dù chính cậu đang mang nó trong mình, và vì Peter
không chịu lớn, cậu cảm thấy khó chịu trước những điều đó, và hậu quả là cậu đã
vô tình làm tổn thương những người thực sự yêu mình, không dám giữ Wendy ở lại
Neverland với mình.
“Chẳng
biết gì về cuộc chiến diễn ra trên mặt đất, sau khi bọn trẻ ra đi, Peter vẫn tiếp
tục vui vẻ thổi cây sáo sày - đó cũng là ý đồ hơi đáng thương của cậu chàng nhằm
tỏ ra ta đây chẳng màng gì chuyện ra đi của các người. Sau đó, chú quyết định
không uống thuốc, coi đó là một hành động chống lại Wendy. Rồi chú nằm dài trên
giường, không thèm đắp chăn, để làm Wendy tức thêm một tí, vì Wendy luôn luôn
dém chăn thật chặt cho tụi trẻ để chúng khỏi bị lạnh trong đêm. Sau đó, chú
suýt khóc nhưng nghĩ lại chắc Wendy sẽ tức ghê lắm nếu thấy chú cười. Thế là
chú bèn cười váng cả nhà và rồi đột nhiên lăn ra ngủ thiếp đi.”
Sự
trưởng thành là điều tất yếu
Câu chuyện về những chuyến phiêu lưu kỳ thú tại
Neverland, một vùng đất thần tiên nơi mọi ước mơ và trí tưởng tượng đều có thể
trở thành hiện thực của cậu bé Peter Pan tinh nghịch mãi mãi không chịu lớn,
cùng những người bạn thân thiết. Trong hành trình ở Neverland, Wendy, John và
Michael trải qua nhiều cuộc phiêu lưu mạo hiểm và hào hứng đã giúp những đứa trẻ
khám phá ra những giá trị quý giá của tình bạn, lòng dũng cảm, và sự trưởng
thành.
Chúng ta có thể thấy Neverland là một nơi bình dị, nơi mọi thứ đều có thể, một nơi đầy phiêu lưu và vui vẻ. Tuy nhiên, đó là một cái bẫy, bởi vì trẻ em không thể lớn lên, không bao giờ đạt đến độ chín hoàn toàn về cảm xúc và nhận thức, do đó, chúng đều có trí nhớ ngắn hạn. Ngay cả Peter Pan thực chất chỉ là một đứa trẻ sợ lớn lên, sợ phải đối mặt với các vấn đề của tuổi trưởng thành. Cậu có thể là thần tượng trong mắt những đứa trẻ, có thể rất dũng cảm, thậm chí kiêu ngạo, coi thường và chế nhạo cả thuyền trưởng Hook, nhưng lại không đủ can đảm để đối mặt với cuộc sống đa màu sắc trong thế giới thực.
“Nếu Peter từng có mẹ, chắc chú đã hết nhớ mẹ, từ lâu rồi. Chú hoàn toàn có thể lờ phát cái bà mẹ đó đi. Tệ hơn nữa là lúc này đây, chú chỉ nghĩ ra toàn những điều xấu về mẹ:
- Không nhé, chú cương quyết bảo Wendy. Chắc rồi bà ấy lại sẽ bảo là tớ đã lớn rồi, còn tớ lại chỉ muốn còn bé và vui chơi mãi thôi.
- Nhưng kìa, Peter...
- Không là không.
...
- Nếu các cậu tìm thấy mẹ các cậu, chú chua xót nói, tớ mong rằng các cậu sẽ được hài lòng về mẹ.”
Cuối cùng, sau những cuộc phiêu lưu đầy màu sắc và bất ngờ,
Wendy, John, và Michael nhận ra rằng dù Neverland là một nơi đầy kỳ diệu, nhưng
gia đình và sự trưởng thành mới là điều thực sự quan trọng. Những người da đỏ
hay trận chiến chống cướp biển không còn đủ hấp dẫn nữa, khi những đứa trẻ nhớ
đến mái ấm và mẹ của chúng.
“Ta
bỏ nhà đi, chẳng đếm xỉa gì đến mọi người khác: tất cả trẻ con đều như vậy,
nhưng chúng cũng đáng yêu biết bao! Và ta cảm thấy một niềm thích thú thực là
ích kỷ; rồi khi ta lại cần tới tình âu yếm, ta lại trở về bên mẹ để đòi hỏi,
lòng biết chắc rằng ta sẽ được ân cần ôm ấp chứ không hề bị hắt hủi.”
Khi ấy Neverland không thể giữ chúng lại và Peter Pan
đành phải nhìn chúng rời đi. Cậu một mình đứng bên ngoài ô cửa sổ, nhìn những đứa
trẻ khác ở trong vòng tay của ông bà Darling bên trong căn nhà ấm áp ánh lửa, rồi
cậu bay đi. Chúng quyết định trở về nhà, mang theo những kỷ niệm tuyệt vời và
bài học quý giá mà chúng đã học được trong chuyến hành trình của mình.
Wendy là nhân vật mà chúng ta thấy cô bé có nhiều nét đối
lập với Peter. Wendy là người trách nhiệm, chu đáo, luôn chăm sóc tận tình em
trai và những đứa trẻ đi lạc, chấp nhận trở thành người mẹ của chúng, điều này
cho thấy Wendy ẩn chứa khao khát trở thành một người phụ nữ trưởng thành, không
muốn bó hẹp mình trong tâm hồn của một đứa trẻ chỉ biết vui chơi. Quyết định trở
về của Wendy không chỉ là một bước đi dũng cảm, dám trở lại với thế giới thực
mà còn là một bài học sâu sắc về giá trị của gia đình và sự trưởng thành. Chúng
từ bỏ thế giới thần tiên mà trước giờ chỉ được nghe qua lời kể, từ bỏ những
chuyến phiêu lưu tự do phóng khoáng, trí tưởng tượng và khả năng bay lượn để trở
về những đứa trẻ bình thường, phải lớn lên, đi học, đi làm với đủ mọi lo toan,
áp lực, nhàm chán.
“-
Thế tại sao bây giờ mẹ lại không biết bay nữa hả mẹ?
- Vì
mẹ thành người lớn rồi, con ạ. Là người lớn rồi thì không còn biết cách bay như
thế nào nữa.
- Tại
sao người lớn lại quên bay?
- Vì
họ không vui nữa, không ngây thơ và vô tâm nữa. Chỉ có những người vui vẻ, ngây
thơ và vô tâm mới bay được thôi.”
Lớn lên mang theo nhiều trách nhiệm nặng nề và đôi khi là đau khổ,
nhưng nó cũng mở ra những cơ hội để học hỏi, yêu thương và hiểu biết sâu sắc
hơn về cuộc sống. Peter từ chối trưởng thành, đi ngược lại với quy luật tự
nhiên, và điều này khiến cậu ấy bị mắc kẹt trong một vòng lặp không đổi – mãi
là một đứa trẻ cô đơn giữa một thế giới không ngừng thay đổi, ngăn cậu tận hưởng
những trải nghiệm trưởng thành, mà quan trọng nhất là tình cảm gia đình. Đứa trẻ
nào trong sâu thẳm cũng khao khát có được tình yêu thương, sự chăm sóc của cha
mẹ, ngay cả những đứa trẻ lạc tại Neverland và cả Peter, biểu hiện ở việc chúng
thích chơi trò chơi gia đình, vui mừng khôn xiết khi Wendy xuất hiện và chấp nhận
trở thành mẹ của chúng, được cô bé chăm sóc, kể chuyện mỗi ngày. Peter phần nào cũng cảm nhận được điều đó, nhưng cậu
quá tự cao để chấp nhận.
“Có
lẽ chẳng thể nào có một cảnh tượng tuyệt vời hơn nhưng có ai để ngắm đâu, ngoại
trừ một cậu bé kỳ dị đang ngó qua cửa sổ. Chú đã có vô số những niềm hứng khởi
mà những đứa trẻ khác có lẽ không khi nào có nhưng giờ lại phải ngắm nhìn qua ô
cửa cái niềm vui mà mãi mãi chú chẳng bao giờ có được.”
Nhìn chung, trẻ con hay trưởng thành đều là những yếu tố cần thiết trong quá trình hoàn thiện con người, mỗi cách sống đều cho ta những trải nghiệm thú vị khác nhau, vậy nên có một sự cân bằng sẽ tốt hơn. Peter Pan và hòn đảo Neverland vẫn sẽ mãi mãi ở đó bất kể thế giới xoay chuyển ra sao, sẵn sàng đưa từng thế hệ trẻ thơ băng qua những chuyến phiêu lưu đầy lí thú, để chúng được sống hết mình với tuổi thơ, nhận được nhiều bài học và trải nghiệm quý giá.
“Đó là hình ảnh cuối cùng về Wendy của chúng ta:nghiêng người trên cửa sổ, cô nhìn theo bọn trẻ đang biến dân trên bầu trời cho tới khi lẫn vào những vì sao. Giờ đây nếu các bạn nhìn kỹ Wendy, các bạn sẽ thấy tóc cô bắt đầu điểm bạc và thân hình dần dần gầy đi, vì tất cả các việc đó xảy ra nay đã lâu rồi. Jane nay cũng đã thành người lớn và có một cô con gái tên là Margaret và mỗi khi đến kỳ quét dọn mùa xuân, trừ phi là chú quên, Peter lại quay về đón Margaret để đưa đến xứ sở Neverland. Nơi đó, Margaret kể cho Peter nghe những chuyện về chính chú còn Peter lắng nghe như nuốt từng lời. Khi nào Margaret lớn lên, cô cũng sẽ có một cô con gái và cô này cũng sẽ trở thành mẹ của Peter. Các thế hệ sẽ còn nối tiếp nhau như thế chừng nào bọn trẻ con vẫn còn ngây thơ, vui tươi và vô tư lự.”
Khi còn là trẻ thơ, việc giữ lại phần “Peter Pan” trong mình giúp ta sống vui vẻ, thỏa sức thể hiện sự sáng tạo và yêu đời của mình, nhưng khi đến đúng thời điểm, ta cũng phải sẵn sàng thay đổi, dám đối mặt với thực tế và đón nhận sự trưởng thành. Vì cuộc sống, dù khó khăn, chính là cách chúng ta khám phá chính mình và thế giới, đón nhận những giá trị mới, hoàn thiện chính bản thân mình.
Cảm
nhận chung
Ra đời cách đây đã hơn một trăm năm, câu chuyện về cậu bé Peter Pan quả cảm, biết bay và không bao giờ chịu lớn đã chinh phục mọi độc giả trẻ thơ và độc giả đã đi qua tuổi thơ, được xếp vào hàng kinh điển của văn học thiếu nhi. Peter Pan không chỉ có những cuộc phiêu lưu kỳ thú mà còn là một tác phẩm chứa đựng nhiều lớp ý nghĩa về cuộc sống. Với sự kết hợp hoàn hảo giữa yếu tố kỳ ảo và hiện thực, mối quan hệ giữa Peter Pan và cô bé Wendy không chỉ là hình mẫu của tình bạn chân thành mà còn phản ánh những bài học quý giá về trách nhiệm và sự trưởng thành. Một câu chuyện lấp lánh phép màu song lại chẳng phải cổ tích, dành cho trẻ em, cho cả những người lớn biết rằng mình đã lớn, ngoái trông lại tuổi thơ với nụ cười tiếc nhớ, bâng khuâng. Thông qua nhân vật, Peter Pan tác giả muốn gửi gắm ước mơ của rất nhiều người lớn đó là mong rằng thời gian có thể quay trở lại để mình quay về tuổi thơ như Peter Pan, được làm những gì mình thích, sống vô tư, không phải lo lắng về cuộc sống, cùng đó là khao khát được sống trọn trong tình yêu và tình cảm gia đình.
Tóm tắt bởi: Ngọc Minh - Bookademy
Hình ảnh: Thanh Thanh
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
422 lượt xem