tinleee@Viện Sách - Bookademy
năm ngoái
[Tóm Tắt & Review Sách] “Rèn Luyện Tư Duy Phản Biện”: Kỹ Năng Cần Thiết Trong Thời Đại 4.0
Những năm gần đây, cụm từ “Tư duy phản biện” (Critical Thinking) được nổi lên như một hiện tượng, từ sách báo đến mạng xã hội, đề tài này mang sức hút và nghe có vẻ “tiêu cực”. Nhưng bạn có thật sự hiểu về nó? Nói về sâu xa, người đặt nền móng cho tư duy phản biện là Socrates (470-399 TCN), một trong những nhà triết học vĩ đại nhất của Hy Lạp cổ đại, nổi tiếng với phong cách tư duy phản biện sắc bén và sâu sắc. Nhưng với lối tư duy nghe tên hơi tiêu cực này đã tồn tại hàng nghìn năm không lỗi thời ư? Và tại sao thế kỷ này lại cần? Hãy để tôi giải thích cho bạn lí do vì sao và chào mừng bạn đến với sách Rèn luyện tư duy phản biện
- Albert Rutherford.
Giới thiệu về sách và tác giả
Albert Rutherford là một tác giả của những quyển sách bán chạy trên thế giới. Mong muốn của ông là làm cho việc học trở nên dễ tiếp cận và thú vị, biến những vấn đề nặng nề thành nội dung dễ hiểu đối với tất cả độc giả. Ông nổi bật trong việc phá vỡ rào cản giữa con người và kiến thức mà họ tìm kiếm, khiến cho sách của ông trở thành lựa chọn yêu thích của những người học suốt đời vì tính đơn giản và dễ tiếp thu của nó.
Với nền tảng học thuật vững chắc trong cả khoa học và nhân văn, Albert Rutherford phát triển một phong cách viết đa ngành, độc đáo. Phạm vi chủ đề của ông bao gồm từ tư duy hệ thống và lý thuyết trò chơi đến toán học và tư duy phản biện. Sự đa dạng này trong các chủ đề là nền tảng của sứ mệnh mở rộng tầm nhìn, thách thức quan điểm, và khuyến khích sự phát triển trí tuệ. Các cuốn sách của Rutherford có phong cách đặc biệt, khuyến khích việc tự học.
Rèn luyện tư duy phản biện quyển sách nhỏ gọn chỉ khoảng 200 trang, nhưng thực tế, cô đọng những kiến thức hàn lâm một cách dễ hiểu. Tác giả đã dẫn chứng rất nhiều lý thuyết, nghiên cứu khoa học cũng như những ví dụ thực tế để độc giả dễ hình dung, cấu trúc của sách cũng rất logic rành mạch như tên sách với 6 chương:
- Chương 1: Khoa học thần kinh về niềm tin và sự hoàn hảo
- Chương 2: Ký ức và sự ngộ nhận
- Chương 3: Thực tế
- Chương 4: Những lập luận và những nguỵ biện logic
- Chương 5: Tiếp thị, truyền thông, và những trò chơi trí tuệ khác
- Chương 6: Những thuyết âm mưu được huyền bí hoá
Lướt qua các chương với những tiêu đề nghe rất hàn lâm rối rắm, nhưng tác giả đã diễn giải một cách logic trình tự và không gây chán cho người đọc. Với từng chương chúng ta sẽ hiểu hơn về bộ não cũng như những nguỵ biện có thể chúng ta từng mắc phải trong quá trình tranh luận hoặc tư duy.
Quay trở lại một chút về chủ đề, theo Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economy Forum) đã đánh giá khả năng tư duy phản biện là một trong những kỹ năng cần thiết cho thế kỷ 21, một kỹ năng mà cần thiết của bất kì ai.
"Tư duy phản biện là một quá trình có chủ ý và có trật tự nhằm suy nghĩ về những gì chúng ta tin tưởng hoặc những gì chúng ta làm." - John Dewey
Về định nghĩa tư duy phản biện là khả năng suy luận, đánh giá, và phản đối các quan điểm, ý kiến, hoặc lập luận một cách logic và cân nhắc. Nhưng bạn đừng nhầm lẫn giữa người biết nhiều kiến thức, vô cảm, cách nói chuyện như nhà khoa học. Mà theo tác giả nhận định là những người tập trung hơn vào cách họ biết hơn là cái họ biết, họ có thể sử dụng thứ họ biết để giải quyết các vấn đề. Hơn nữa, nhờ có công cụ này chúng ta có thể chỉ ra những lập luận sai của mọi người mà không phải lăng mạ hay sỉ nhục người khác, một lỗi sai cố hữu trong phản biện. Bên cạnh đó bạn có thể xem tư duy phản biện như một la bàn giữa rừng thông tin ở đại thông tin 4.0 này, nơi mà ai cũng có thể đưa ra một thông tin không chính thống nào đó và đừng bất ngờ khi nhiều người tin và hành động như những con rối. “Chiếc la bàn” này sẽ giúp bạn tránh khỏi những quyết định mang tính thiên vị, cảm tính và hướng chúng ta đến một quyết định lý trí được cân nhắc kỹ lưỡng. Biết về cái biết của chúng ta cũng là một nghệ thuật. Nếu bạn đã muốn sở hữu cho riêng mình “chiếc la bàn” hay đơn giản chỉ tò mò về kỹ năng này thì cùng phân tích Rèn luyện tư duy phản biện của Albert Rutherford.
Tóm tắt sách Rèn luyện tư duy phản biện
Chương 1: Khoa học thần kinh về niềm tin và sự hoàn hảo
Giả sử bạn đang muốn nuôi một chú chó, bạn có cảm tình với chú Corgi chẳng hạn và lướt trên những trang web tìm hiểu về những loài chó bạn sẽ tìm hiểu về gì nhỉ? Có thể bạn sẽ kiếm “chó corgi thân thiện”, “chó corgi đáng yêu hoà đồng với trẻ em” và đưa ra một loạt thông tin rất tích cực về loài chân ngắn này. Bên cạnh đó bạn cũng tìm hiểu thử về loài Becgie, bạn sẽ tìm gì “Becgie nguy hiểm không?”, “Chó becgie hung hăng”. Với ví dụ trên có lẽ ai trong chúng ta sẽ chọn loài Corgi và nhìn nhận kết quả của mình là hoàn toàn chính xác. Nhưng khoan đã, có vẻ bạn đã khá thiên vị về loài Becgie chăng, và phải chăng loài Corgi không phù hợp với gia đình bạn? Cũng có thể chứ.
Não chúng ta muốn tin vào những gì nó muốn tin, là những vấn đề liên quan đến cảm xúc khiến chúng ta quyết định nhiều hơn. Những phản ứng đó rất có ích trong thời tiền sử, nơi mà loài người phải đối mặt hàng ngày với loài thú dữ, và nó giúp chúng ta phản ứng nhanh với những cảm xúc đó, nhưng ở thời hiện đại có vẻ nó đã đánh lừa chúng ta.
Nhà khoa học thần kinh Paul MacLean đã đưa ra lý thuyết về bộ não được cấu tạo ở ba cấp độ:
- Bộ “não người” ở vỏ não.
- Bộ “não linh trưởng” ở hệ viền.
- Bộ “não bò sát” ở hạch nền.
Và bộ não người tiến hoá muộn nhất và não bò sát tiến hoá sớm nhất và là nơi đưa ra những cảm xúc, trực giác của bạn. Nó đã giúp chúng ta rất nhiều trong giai đoạn đầu tiên của loài người như khi ngửi thấy những hoá chất có mùi khó chịu, bạn đột nhiên sẽ không muốn ăn nó, điều này giúp bạn sống sót và nó nhanh hơn hiệu quả hơn việc đưa ra lý do tại sao bạn không nên hấp thụ những thứ bạn ngửi. Bộ não bò sát phản ứng theo “chiến đấu - thoát thân - đông cứng tạm thời” nghe như loài bò sát thực thụ vậy nhưng điều này đôi khi rất cần thiết như khi bạn có linh cảm về một hiểm hoạ thì bạn sẽ tránh một cách thần kỳ và nghĩ đó là do ơn trên giúp đỡ. Bộ não bò sát theo các nhà khoa học phân tích đó là nơi đưa ra những cảm xúc suy nghĩ nhanh nhất và nhanh hơn cả bộ não con người được phát triển sau này, linh cảm là một trong số đó. Có thể nói linh cảm là một suy nghĩ, cảm xúc mà bộ não người không giải thích được và nó giúp con người tránh được nguy hiểm một cách vô thức, linh cảm về một vấn đề gì đó là khi bộ não bò sát muốn cảnh báo chúng ta về nguy hiểm và cần tránh. Đặc biệt bộ não bò sát thích những điều quen thuộc, và khi đang trạng thái quen thuộc nó sẽ nghỉ ngơi, nhưng với những tình huống mới lạ, nguy hiểm hay vui vẻ bạn sẽ bật trạng thái cảnh giác, ví dụ khi đi vào một con đường lạ bạn sẽ nhạy cảm hơn tập trung hơn so với con đường bạn đi học đi làm đi về hàng nghìn lần.
Não bộ chúng ta được tạo ra để biết tránh những hình phạt và tuyên dương những phần thưởng. Dopamine chất dẫn truyền thần kinh được nhắc tới khá nhiều, nó khiến ta thấy dễ chịu, vui vẻ và gây nghiện nữa. Phản ứng này có mặt trái là chúng ta sẽ gò ép suy nghĩ mình theo hướng chúng ta muốn để tránh bị phạt và thấy dễ chịu từ đó khiến chúng ta lựa chọn Corgi thay vì Becgie như ví dụ trên. Bên cạnh đó con người cũng khao khát có những giải thích đơn giản cho những vấn đề phức tạp vì khiến cho nó dễ hiểu và dễ kiểm soát hơn, nhưng có những việc đơn giản lại bỏ qua tính khách quan và khó khăn trong đánh giá phê bình.
Khả năng chú ý của chúng ta có hạn, khi tập trung vào một vấn đề gì thì chúng ta sẽ bỏ qua những thông tin ngoài lề không quan trọng, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sự thật, vì chúng ta chỉ tập trung vào 1 khía cạnh của sự việc và phớt lờ những mặt khác có thể là nguyên nhân chính của sự việc. Chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều do cách bộ não xử lý thông tin, chúng ta phải nhận thức được điều đó như những người tư duy phản biện.
Chương 2: Ký ức và sự ngộ nhận
Phần này tác giả đề cập nhiều về trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Nghiên cứu chỉ ra rằng ta chỉ có thể ghi nhớ khoảng 7 thứ khi dùng trí nhớ và chỉ tồn tại trong 1 phút sau khi thông tin được xử lý. Và khi chúng ta tập trung vào thông tin này, hoặc thông tin gắn nhiều vào cảm xúc thì chúng ta sẽ nhớ lâu hơn. Những cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người đã từng trải qua sự kiện 9/11 sẽ nhớ rất lâu về thông tin này vì nó gắn với xúc cảm rất mạnh mẽ. Hay những người bị xâm hại thường sẽ nhớ rất lâu mặc dù chuyện đó xảy ra rất lâu, từ đó dẫn đến ám ảnh. Đó được gọi là Kí ức sáng tỏ, được định nghĩa năm 1977, dùng cho những ký ức gắn với sự đau thương (ngày nay thì dùng cho những vấn đề có cảm xúc mạnh, nên chúng ta sẽ nhớ lâu). Những ký ức đau thương khiến chúng ta nhớ dai vì sau này sẽ không lặp lại để có hại bản thân.
Thông tin tồn tại ở trí nhớ ngắn hạn, nếu thông tin nào quan trọng được chúng ta nhớ về nhiều thì sẽ được chuyển sang trí nhớ dài hạn, tại đây nó được chuyển thành ký ức vĩnh viễn trong ta, thành một phần con người chúng ta. Hãy tưởng tượng trí nhớ của con người như một cuốn phim, nếu muốn ghi nhớ thông tin mới, chúng ta sẽ ghi đè lên ký ức cũ. Trừ những ký ức sáng tỏ, thì đa số các ký ức sẽ dễ dàng bị quên và mất đi nếu không luyện tập ghi nhớ thường xuyên và đôi khi ký ức sẽ trộn lẫn vào nhau gây ra nhiều hiểu lầm. Trong việc quên, các liên kết nơ ron sẽ yếu đi và dành liên kết đó để nhớ những việc khác quan trọng hơn, điều này quan trọng vì não giảm lược những thông tin không cần thiết để tiết kiệm năng lượng, nơ ron thần kinh. Nhưng cũng rất nguy hiểm vì có thể bị tin vào thông tin sai lệch. Một khái niệm gọi là mất thông tin nguồn, khi chúng ta biết một vấn đề nào đó nhưng không nhớ cách mà chúng ta biết được vấn đề. Ví dụ: chúng ta nghe đến thông tin liên quan đến việc bác bỏ vấn đề A nhưng chỉ nhớ loáng thoáng thôi, nên khi nghe những tin tức xoáy vào A mang tiêu cực và lặp lại nhiều lần thì mình dễ tin tưởng và nhầm rằng đó là sự thật.
Biết được những thông tin trên sẽ giúp chúng ta hiểu rõ về bộ não và ký ức, khiến chúng ta bớt tin hơn vào chính kiến thức mà chúng ta có và hoài nghi rằng liệu nó có thật không? Có đúng không? Hãy không ngừng tò mò suy nghĩ và nghi ngờ vì đó là điều cần thiết cho cuộc sống chúng ta.
Chương 3: Thực tế
Chương 3 của sách tác giả nói rõ hơn về Trực giác và những thí nghiệm trong bộ não đã từng có.
Nó có vẻ rất tự phát, nhưng thực chất nó là kết quả của chức năng vô thức của não như xử lý cảm xúc, giải thích các tín hiệu xã hội phi ngôn ngữ và nhận thức của chúng ta về phản ứng của chính mình. Đây là lý do tại sao mọi người thường có cảm giác không tốt về một thứ nguy hiểm họ phải đối mặt, như những kẻ giết người - mặc dù họ không thể chỉ ra cụ thể điều gì không ổn về kẻ xấu đó, những tín hiệu phi ngôn ngữ và trí tuệ cảm xúc đã báo với họ người này là kẻ xấu.
Thật tuyệt vời phải không, nếu nghiên cứu sâu hơn tác giả có giải thích sơ bộ về vấn đề này, bộ não của chúng ta có nhiều điều còn chưa khám phá được hết. Bên cạnh đó tác giả còn nêu về thí nghiệm tách não và hệ quả nghiêm trọng khi não chúng ta trục trặc. Nghe có vẻ loài người sẽ bị chi phối hoàn toàn với những lỗi sai, cũng như những hiểu lầm mà trong quá trình xử lý thông tin của bộ não mắc phải, nhưng chúng ta vẫn có khả năng tự đưa ra quyết định. Nhận ra những lỗi sai, yếu điểm của não sẽ giúp chúng ta dễ dàng đi qua được bằng kỹ năng tư duy phản biện, giúp đưa ra những quyết định một cách logic nhất, phù hợp nhật không bị chi phối bởi yếu tố, tác nhân khác. Những chương tiếp theo tác giả bàn về cách rèn luyện và lỗi tư duy thường mắc phải để chúng ta tránh được
Chương 4: Những lập luận và những nguỵ biện logic
Để đưa ra một quyết định chắc chắn logic thì chúng ta tìm hiểu sơ qua về luận điểm và cách xây dựng nó. Theo logic, luận điểm là một chuỗi những khẳng định bạn dùng để bổ trợ cho kết luận của bạn. Xây dựng được luận điểm chúng ta có thể bắt đầu với những tiền đề, tiền đề có thể là những sự thật hoặc nhận định. Việc sử dụng nhận định trong lập luận có thể được không vấn đề, về bản chất nhận định không phải là sự thật nhưng nếu nhận định của bạn là sai, thì cả lập luận của bạn bị coi là sai. Nếu khi đối mặt với một lập luận sai bạn không nên chỉ trích đối phương mà hãy cùng nhau mổ xẻ vấn đề và chỉ ra điểm không hợp lý trong nhận định của họ.
Đặc biệt tác giả nhấn mạnh, không dùng từ “chính xác” với logic mà sử dụng “hợp lệ” vì nếu tiền đề của bạn sai nhưng logic của bạn đúng thì luận điểm của bạn vẫn hợp lệ. Nếu tiền đề đúng và luận điểm của bạn hợp lệ thì kết luận của bạn đúng. Vẫn có trường hợp luận điểm không hợp lý nó vẫn có thể đúng hoặc sai. Ví dụ: bạn thấy trời hè, kem cây được bán nhiều bên cạnh đó trường hợp đuối nước xảy ra nhiều, vì vậy bạn suy ra là kem bán nhiều gây đuối nước. Nghe có vẻ buồn cười nhưng câu trên đã sai logic, khi việc trời hè kem bán nhiều và đuối nước có thể đúng khi đứng độc lập, nhưng nó không mang ý nghĩa nhân - quả. Có thể do trời nóng nên mọi người có xu hướng ăn kem, cũng do trời nóng mọi người thích tắm sông, biển nên việc đuối nước xảy ra nhiều. Có thể hai mệnh đề đó có tương quan nhưng không có nghĩa là nhân quả của nhau.
Tác giả có nêu một số lỗi sai trong logic có thể kể tên như
Nguỵ biện “Người có thẩm quyền luôn đúng”
Lỗi nguỵ biện này thường gặp phải, người mắc phải thay vì bàn về chủ đề thì sẽ nói về vai vế, kinh nghiệm, tuổi tác,…
Ví dụ: Trong một công ty, giám đốc điều hành quyết định thực hiện một dự án mới mà đa số nhân viên trong công ty không đồng ý với ý kiến của ông. Mặc dù có nhiều phản đối và lo ngại được đưa ra từ nhân viên, giám đốc vẫn bảo đảm rằng ông là người có thẩm quyền và quyền lực cuối cùng, do đó ý kiến của ông là đúng và cần được thực hiện.
Trong trường hợp này, việc xem xét chỉ dựa trên vị trí và quyền lực của giám đốc, mà không xem xét ý kiến và thông tin từ những người khác, là một dạng ngụy biện. Sự thật là, quyết định của giám đốc có thể không phản ánh đúng tình hình hoặc có thể gặp phải những hậu quả không mong muốn, nếu không xem xét được các ý kiến và thông tin từ tất cả các bên liên quan.
Hoặc một người rất giỏi chuyên môn lịch sử, là một giáo sư nhiều năm kinh nghiệm dày dặn lại đi nói về vấn đề sinh học. Nghe có vẻ sai sai nhưng trong thực tế có nhiều vấn đề tương tự như thế xảy ra và nhiều người nghe theo răm rắp. Trong quá khứ chúng ta phải cần một con đầu đàn để lãnh đạo bầy đàn nên việc nghe theo một người có thẩm quyền là việc không tránh khỏi. Cách để nhận ra chúng ta phải xem lời phát ngôn và chuyên môn của người nói có liên quan nhau không, cân nhắc kỷ lưỡng và tham khảo nhiều nguồn của chuyên gia trong ngành.
Nguỵ biện nhân quả
Là một dạng suy luận sai lầm khi người ta kết luận rằng có một mối quan hệ nhân quả giữa hai sự kiện chỉ dựa trên việc chúng xảy ra cùng một thời điểm hoặc theo một trình tự nhất định, mặc dù thực sự không có sự liên kết hợp lý giữa chúng.
Ví dụ: Cô A để ý thấy mỗi lần xem đội tuyển Việt Nam đá bóng là thua thảm hại, nên cô quyết định khi Việt Nam đá thì cô nhất quyết không coi để giúp Việt Nam thắng. Một tinh thần rất yêu nước nhưng cô A đã mắc nguỵ biện nhân quả. Vì có thể nhiều nguyên nhân dẫn đến một đội tuyển thua, như thời tiết, sức khoẻ, tinh thần, chiến thuật … vội vàng kết luận là do mình thì có vẻ hơi tội cô A. Nên lần tới có người bạn nào có biểu hiện như vậy thì nên giải thích cho họ hiểu để họ cổ vũ Việt Nam hết mình nhé.
Nguỵ biện Post hoc
“Post hoc ergo proter hpc” có nghĩa “sau điều đó, vì điều đó” trong tiếng Latin, không phải vì X xảy ra sau Y, thì Y gây ra X. Lỗi này xảy ra khi con người luôn muốn áp dụng “cái gì cũng có nguyên nhân của nó”. Vì vậy những cuộc nghiên cứu khoa học phải được nghiên cứu đầy đủ, tránh những tình huống sai lệch
Ví dụ: Một người cho rằng việc họ tham gia một khóa học trực tuyến về phát triển cá nhân đã làm cho cuộc sống của họ thăng tiến. Họ lập luận rằng vì họ tham gia khóa học và sau đó gặp được nhiều cơ hội mới trong công việc và cuộc sống, nên việc tham gia khóa học đã góp phần vào sự tiến bộ của họ.
Trong trường hợp này, người ta kết luận rằng việc tham gia khóa học đã góp phần vào sự tiến bộ của họ chỉ dựa trên thứ tự thời gian của hai sự kiện mà không có bằng chứng rõ ràng chứng minh một mối quan hệ nhân quả giữa chúng. Sự tiến bộ có thể là do nhiều yếu tố khác nhau như sự nỗ lực, kỹ năng cá nhân, hoặc cơ hội từ môi trường xã hội và công việc.
Nguỵ biện phi thể thức
Khi mọi người thêm lí lẽ sai để bảo vệ những học thuyết, bằng chứng của họ. Sai càng thêm sai.
Ví dụ: Khi một người tin vào UFO và được phản biện và chỉ ra chứng cứ của họ là sai và không có tính thuyết phục, thì họ lại thêm nhận định khác chen vào để bảo vệ bằng chứng, như người ngoài hành tinh đã can thiệp vào và sửa tài liệu đó.
Nguỵ biện tấn công cá nhân
Đây là nguỵ biện chúng ta thường thấy trên mạng xã hội, khi người tranh luận không tập trung vào luận điểm của người nói mà lại chỉ trích cá nhân, chỉ trích nhằm vô hiệu bằng chứng của đối phương.
Ví dụ về một cuộc tranh luận trên không gian mạng, không tập trung vào cuộc tranh luận mà người phản biện lại vào trang cá nhân và lấy hình cũng như thông tin cá nhân đối thủ để nhục mạ, điều này là hoàn toàn sai. Hoặc cú pháp quen thuộc “làm được chưa mà nói ghê vậy”, “Sai chính tả mà bày đặt nói ai”,….
Nguỵ biện bất khả tri
Là khi một người đưa ra một tuyên bố mà không thể bị chứng minh hoặc phủ định, thường là vì tính chất của tuyên bố đó không thể được kiểm chứng hoặc không thể đo lường. Trong ngữ cảnh này, "bất khả tri" có nghĩa là không thể kiểm chứng được hoặc không thể chứng minh.
Ví dụ: Một số người nói rằng tồn tại các vị thần, và không có cách nào chúng ta có thể chứng minh hoặc phủ định điều đó. Không thể có bằng chứng hoặc phản bằng chứng nào có thể được đưa ra để chứng minh hoặc phủ định tính đúng đắn của tuyên bố đó. Điều này làm cho cuộc tranh luận trở nên vô ích vì không có cơ sở cụ thể để thảo luận.
Nguỵ biện “nhị nguyên luận”
Là một dạng ngụy biện khi một người lập luận rằng chỉ có hai lựa chọn hoặc hai khả năng, mà thực tế có thể có nhiều lựa chọn hoặc khả năng khác. Đây thường là một hình thức giả mạo của việc giả định rằng mọi tình huống hoặc vấn đề phải được giới hạn trong hai phương án duy nhất, loại trừ các lựa chọn khác.
Ví dụ: Nếu chúng ta không giảm số lượng xe hơi trên đường, ô nhiễm không khí sẽ tiếp tục tăng lên. Vậy nên, giải pháp duy nhất là áp dụng phí phạt cao đối với việc sử dụng ô tô cá nhân. Trong trường hợp này, người lập luận giả định rằng chỉ có hai phương án: giảm số lượng xe hơi trên đường hoặc không giảm. Họ bỏ qua các lựa chọn khác như cải thiện hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông thay thế như xe đạp hoặc đi bộ, xây dựng hệ thống đường dành riêng cho xe điện hoặc tăng cường công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm từ các phương tiện.
Đổi mục tiêu
Xảy ra khi các luận cứ để tạo ra một luận điểm bị thay đổi sau khi kết luận được đưa ra mà chẳng vì lý do gì. Người phản biện yêu cầu cung cấp bằng chứng không liên quan và khi người cung cấp không cung cấp được thì bị giảm uy tín, vin vào mà đối đầu người bị phản biện.
Nguỵ biện rơm
Đây là một nguỵ biện khi một người sẽ phản ứng với một phần trong luận điểm của đối thủ mà họ đã thay đổi theo ý mình. Đơn giản là từ A họ chuyển sang B, nơi mà họ có lợi thế, dễ đánh bại, dùng B để phản bác lại nhưng ban đầu là A.
Ví dụ:
A: Nạn tắc đường thường xuyên xảy ra do lượng xe máy lưu thông ngày càng nhiều. Để giải quyết vấn nạn này, chúng ta cần hạn chế xe máy.
B: Không còn xe máy thì xây đường xá để làm gì?
Chương 5 và 6: Tiếp thị, truyền thông và những trò chơi trí tuệ khác / Những thuyết âm mưu được huyền bí hoá
Trong hai chương 5 và 6, tác giả đã chỉ ra về những vấn đề hiện hữu ngày nay ở xã hội. Hiện nay rộ lên những việc lừa đảo về đầu tư tiền 1 lãi 100, làm nhiệm vụ được thưởng,… nhan nhản trên không gian mạng, thực chất chỉ là chiêu cũ và xào đi xào lại nhưng vẫn rất nhiều người mắc phải. Mấu chốt ở đây là phải kiểm tra lại thông tin và luôn phải tự nghi ngờ “họ làm vậy thì có mục đích gì?”, “nếu kiếm được tiền thì ông giữ cho mình đi chỉ tôi làm gì”,… thật vậy, không phải tự nhiên ông bà ta có câu “Thà cho vàng không ai trỏ làng đi buôn” không ai đột nhiên tốt đến mình như vậy trong khi không biết mặt mũi, tuổi tác của mình. Nói vậy không có nghĩa là khi ai đó nói vấn đề gì chúng ta cũng hoài nghi, nhưng hãy nhớ giữ cho mình một đầu óc tỉnh táo và sự hoài nghi đúng vào trường hợp. Ngày nay ngành Marketing phát triển một cách chóng mặt và nếu có cơ hội bạn hãy tìm hiểu về một đề tài rầm rộ trên truyền thông sách báo, thực chất đó chỉ là một câu chuyện được những nhà tiếp thị dựng lên chỉ để bán được hàng.
Đã bao giờ bạn nghe một thuyết âm mưu nào chưa? Đã bao giờ bạn thật sự tin vào nó hay chỉ nghe cho vui? Và có bao giờ bạn kiểm tra lại những thông tin đó? Con người ta luôn muốn tin vào thuyết âm mưu, theo những lỗi nguỵ biện trên và bên cạnh đó con người ta cũng muốn kiểm soát những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta khi một sự việc không có căn cứ và họ sẽ tin vào giả thuyết nghe huyền bí. Về việc 9/11 là được chính phủ sắp đặt, hay tổng thống Kennedy là do băng đảng Mafia nào đó. Mặt nào đó thuyết âm mưu cũng có mặt tốt, nếu có một sự việc nào đó cần minh bạch rõ ràng để người dân có thể hiểu đúng tránh vẽ chuyện sâu xa. Còn mặt xấu sẽ khiến người dân nghi ngờ về chính phủ hay tập đoàn nào đó, mang tính tiêu cực. Một số người theo thuyết âm mưu, sẽ tự cắt ghép sắp xếp những thông tin không liên quan nhau và tự cho là đúng và tin vào nó, bên cạnh đó khi có ai nói họ chứng minh bằng chứng của mình thì họ lại đổi trách nhiệm yêu cầu mình chứng minh luận điểm bằng chứng của họ là sai.
Cảm nhận cá nhân
Bản thân tôi khi đọc quyển sách thấy rất dễ hiểu và phù hợp cho người mới tìm hiểu chủ đề về tư duy phản biện cũng như về cách hoạt động của bộ não. Tuy nhiên, việc rèn luyện tư duy phản biện chưa được làm rõ trong sách là phải làm như thế nào, như thế nào là đúng như thế nào là sai. Bên cạnh đó có một số thông tin không liên quan lắm đến chủ đề được tác giả nhắc đến rất nhiều và không cần thiết. Tuy nhiên sách cũng có một số điểm mạnh sau:
- Ưu điểm: ngắn, dễ đọc và sau mỗi chương sách có nơi để chúng ta viết suy nghĩ của mình, điều này là cần thiết vì sách viết chủ yếu về vấn đề tư duy nên việc cụ thế hoá dòng suy nghĩ đó cũng rất có ích. Tác giả có trích nguồn đầy đủ, chúng ta có thể xem xét đối chiếu lại.
- Nhược điểm: như đã nói ở trên sách chưa đề cập các kỹ thuật để luyện tập, và nếu bạn muốn đọc sách thì hãy xem đó là quyển nhập môn cơ bản và phải đọc rất nhiều sách khác nhau mới có thể nắm bắt được chủ đề phức tạp này.
Kết luận
Trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay, dòng tin tức và thông tin không ngừng tràn ngập, đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm lựa chọn thông tin nào sẽ được tiếp thu trong tâm trí có hạn chế về khả năng ghi nhớ của mình. Tư duy phản biện được xem như một công cụ lọc thông tin hữu ích để chọn lựa những thông tin mà chúng ta muốn tiếp nhận, và luôn nên cân nhắc đến quan điểm của bản thân trong quá trình đánh giá. Sách là một nguồn kiến thức quý giá dành cho những ai quan tâm đến cách hoạt động của bộ não và các lỗi ngụy biện phổ biến. Trong sách này, người đọc sẽ được tìm hiểu về nguyên nhân và cách khắc phục những lỗi ngụy biện, cũng như các thuyết âm mưu mà chúng ta thường nghe đến. Tuy nhiên, để hiểu sâu hơn, chúng ta cần phải nghiên cứu và đọc nhiều hơn. Hãy luôn nghi ngờ và suy nghĩ kỹ lưỡng về những quyển sách chúng ta chọn đọc, xem xét xem liệu chúng có đúng đắn hay không, hay chỉ là phản ánh suy nghĩ cá nhân của tác giả. Việc tìm kiếm thông tin là điều rất cần thiết, và tôi hy vọng bạn sẽ tìm được những thông tin hữu ích cho bản thân mình.
Lưu ý: Đây là bài viết mang quan điểm cá nhân của tác giả. Để có trải nghiệm chính xác, hãy đọc cuốn sách Rèn luyện tư duy phản biện của tác giả Albert Rutherford.
Tóm tắt bởi: tinleee - Bookademy
Hình ảnh: Long Quân
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
1,504 lượt xem