Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Tóm Tắt & Review Sách] “Sài Gòn Một Thuở: Dân Ông Tạ Đó”: Theo Dấu Chân Lịch Sử, Văn Hóa Và Con Người Khu Ông Tạ


“Thuở Ông Tạ ấy… “Mình dân Ông Tạ, thuộc giáo xứ Tân Chí Linh, khu Hải Dương. Hồi đó mình còn nhỏ nhưng cũng đủ để ghi nhớ lại những hình ảnh đẹp của Sài Gòn thu nhỏ này. Ông Tạ có rất nhiều nhà thờ, nhà chùa; dân cư hiền hòa, nhưng không kém phần cứng cỏi khi đứng lên chống tham nhũng trước năm 1975.

Bà con tôi chất phác, làm rất nhiều nghề: đậu hũ miến chiên giòn, bánh bi don don anh Chương, kẹo dừa ngào đường mật ông Tĩnh, quạt tay ông Dụng, bột sắn và cau trầu bà An. giò chả bà Phán, thuốc lào 888 Giang Ký, bún bò bà Ri, bánh ướt ông Thi…

Rồi cũng rất đặc biệt, độ xuân về Tết đến, ngã ba ông Tạ là nơi rất đặc sắc cho nét văn hóa bánh chưng xanh của Bắc Kỳ 54. Phố phường náo nhiệt từ trường Thánh Tâm lên đến ngã tư Bảy Hiền: nào lá dong, lạt luộc, nào dưa hấu, hàng hoa… Những chiếc xe ngựa từ hướng Hóc Môn - Bà Điểm, ngã ba Cây Me (Bà Quẹo) trĩu nặng hàng bông đưa về…

Vô cùng sống động, thanh bình. Tuổi thơ tôi lẽo đẽo theo mẹ là như thế (người mẹ Bắc kỳ 54), tần tảo, chịu thương, chịu khó…” (Trích lời chia sẻ của Đăng Mạnh, cư dân Tân Chí Linh)

Ngày nay, sau nhiều sự kiện lịch sử và những đổi thay trong văn hóa sinh hoạt, chúng ta khó mà nhận ra vùng đất Ông Tạ khi xưa - nơi từng là một vùng đất của những nét văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc, là vùng đất của những con người thảo hiền, của những người tài cống hiến cho quốc gia. Trước những lời chia sẻ của những người đã từng là cư dân khu Ông Tạ, ta cảm tưởng như một bức tranh lịch sử dần hiện ra, gợi nhắc về một vùng đất với những truyền thống, những nét đẹp sinh hoạt đáng quý. Nếu như có cuốn sách nào có thể có những dòng văn khắc họa sinh động về khu Ông Tạ, về Sài Gòn xưa, thì đó gần như chỉ có thể là cuốn sách “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó” của tác giả Cù Mai Công.


Về tác giả:

Tác giả Cù Mai Công là người đã chắp bút cho 2 tập sách “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó”. chính thức làm báo từ năm 1985 và đạt được nhiều thành tích nổi bật trong sự nghiệp của mình. Ông giữ danh hiệu “Gương mặt trẻ TP.HCM” trong 30 năm từ năm 1975 đến năm 2005. Ngoài ra, ông đã đạt huy hiệu TP.HCM năm 2015, huy chương các cuộc thi như “Vì thế hệ trẻ”, “Vì sự nghiệp báo chí”. Tác giả đã đạt các giải thưởng như: Giải A báo chí Quốc gia 2005, 10 giải báo chí A, B, C, KK của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo TP.HCM, Trung ương Đoàn…, giải thưởng Cây bút trẻ - Thành đoàn TP.HCM cùng 4 giải thơ thiếu nhi báo Tin Sáng, Thiếu Niên Tiền Phong… Hiện tác giả đang công tác tại báo Tuổi trẻ. Ngoài 2 tập sách “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó”, tác giả Cù Mai Công còn chắp bút cho các tác phẩm khác như Sài Gòn by night, “Gia Định là nhớ - Sài Gòn là thương”, “Tuổi mực tím Sài Gòn”...


Về nội dung của tác phẩm và cảm nhận cá nhân:

Nếu như trong cuốn sách “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó” tập 1, tác giả Cù Mai Công đã phác họa bức tranh toàn cảnh về vùng đất và một số nhân vật đã, đang và từng sống nơi đây, thì ở tập 2 “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó” tác giả lại đi vào cụ thể, chi tiết từng cung đường, con ngõ, con hẻm của Sài Gòn – Gia Định thời xưa, nơi mà ở khu vực trung tâm là ngã ba Ông Tạ, chợ Ông Tạ, cầu Ông Tạ… Đắm mình trong từng dòng văn của cây bút Cù Mai Công trong tác phẩm “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó”, chúng ta lạc vào khu Ông Tạ, lang thang giữa những địa danh, những ngôi nhà, những nếp sống đã phần nào làm nên nét truyền thống Việt Nam. 


Mở đầu tác phẩm là những câu chuyện của tác giả về ngày Tết ở khu Ông Tạ, tiếp nối theo sau là những câu chuyện về địa lý của khu Ông Tạ, những ngả đường, hẻm ngõ, khu xóm, cư xá. Trong ấn tượng của tác giả, khu Ông Tạ giống như một thực thể có linh hồn, có tính cách, không chỉ là chứng nhân lịch sử cho những thay đổi trong xã hội ở Sài Gòn. Khi đọc qua những gì mà tác giả đã viết trong cuốn sách, chúng ta không chỉ có cơ hội được ngắm nhìn khu Ông Tạ - một phần của Sài Gòn xưa, hay nâng cao vốn hiểu biết của mình về lịch sử mà còn có thể cảm nhận những cảm giác nhớ thương, hoài niệm về những kỉ niệm xưa. Khu Ông Tạ hiện lên thật náo nhiệt, nhộn nhịp mỗi khi Tết đến xuân về, là một vùng đất linh kiệt với nhiều nhân tài đất nước, nhiều màu sắc văn hóa. Tác giả nhớ rất kĩ và chi tiết từng tấc đất, từng ngóc ngách của khu Ông Tạ: khu ngã ba trung tâm, ngõ Con Mắt, ngõ Cổng Bom, xóm cần lao, xóm Đại Lợi, những cư xá như Bắc Hải, Tự Do… Khu Ông Tạ không chỉ hiện lên qua con mắt của tác giả mà còn hiện lên qua những con mắt của những cư dân tại đó. Thật lòng mà nói, tác giả đã xây dựng và tái hiện hình ảnh khu Ông Tạ rất “độc nhất vô nhị”, không thể tìm thấy ở một vùng đất hay quốc gia nào khác. 


Qua đôi mắt của tác giả Cù Mai Công, khu Ông Tạ có lẽ không chỉ là một kí ức mà còn là một giấc mơ tuyệt đẹp. Tác giả đắm chìm vào những thước phim của quá khứ, tua lại thời gian để đi vào từng con phố, con ngõ, cảm nhận hơi thở của lịch sử và văn hóa và dẫn người đọc đi cùng với mình trên hành trình tìm về với những góc phố xưa; và cũng chính vì điều này, khi tác giả đặt bút viết cuốn sách này, hẳn cũng là lúc những khung cảnh tươi đẹp ấy đã rời xa, để lại một bầu trời đầy thương nhớ cho tác giả. Phải chăng khu Ông Tạ là một giấc mơ mà tác giả muốn làm sống lại mãi? Chúng ta có thể cảm nhận một cách rõ ràng về tình cảm mà tác giả dành cho vùng đất này, cảm tưởng như ông đã dành từng giây phút trong cuộc sống của mình để ngắm nhìn, tận hưởng, suy ngẫm về khu Ông Tạ, về Sài Gòn - Gia Định, và cả về những con người đã sinh ra, lớn lên, trưởng thành từ vùng đất đặc biệt này. Phải dành hết tâm can để thương, để nhớ, để khắc ghi những gì thuộc về khu Ông Tạ thì mới có thể viết những dòng văn đầy ắp tình cảm thế này dành cho khu Ông Tạ. 


Kết luận:

“Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó” là bức tranh văn học về khu Ông Tạ ngày xưa, về những nét đẹp trong văn hóa, nếp sinh hoạt của con người và đồng thời cũng là những tình cảm thương nhớ, tự hào, tâm huyết của tác giả Cù Mai Công. Đây là một cuốn sách truyền cảm hứng, dạt dào tình cảm và chứa đựng những khía cạnh lịch sử rất hấp dẫn. 



Tóm tắt và Review bởi: Quỳnh Trang - Bookademy

Hình ảnh: Quỳnh Trang

-------------------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

238 lượt xem

lh-turn-offlh-plus