Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Tóm Tắt & Review Sách] "Thần Thoại Sisyphus": Sống Để Làm Gì?

Về tác giả ALBERT CAMUS 

Là nhà triết gia và văn học người Pháp, đoạt giải Nobel năm 1957,  theo đuổi trường phái hiện sinh và chủ nghĩa phi lý. Với niềm tin lạc quan rằng con người theo đuổi cuộc sống  và hạnh phúc vì được sống dù biết rằng nó “phi lý” . Những tác phẩm của ông ảnh hưởng nhiều tới giới trẻ nhờ mang một góc nhìn mới thực tế và hiển nhiên là mọi thứ không thể giải thích bằng những quy tắc để được sống hạnh phúc. 


“ Trong Thần Thoại Hy Lạp, Sisyphus bị các vị thần trừng phạt phải suốt đời đẩy một khối đá lớn lên đỉnh núi; khi lên tới đỉnh anh phải đứng nhìn khối đá lăn xuống chân núi, và Sisyphus phải trở xuống đẩy hòn đá lên đỉnh, cứ như vậy. Với Albert Camus, cuộc đời của Sisyphus đại diện cho bi kịch cuộc sống của đa số chúng ta: là con người có ý thức về cơ bản đều muốn sống một cuộc đời tử tế ( cao cả nếu có thể ) nhưng cuối cùng thường bị “trừng phạt” bằng một cuộc đời với những lặp lại vô nghĩa. Càng là anh hùng, càng muốn vươn tới sự cao cả, tử tế, cái bi kịch này dường như càng rõ ràng và càng lớn. Và như thế, Albert Camus hỏi : Sống để làm gì ?” 


Tóm Tắt Nội Dung


Tác phẩm chia thành 4 phần chính, lần lượt đưa ra những ý kiến và lập luận để bàn về chủ đề cuộc sống và khái niệm phản ánh “ phi lý “ của cuộc sống : Một lập luận phi lý, Con người phi lý, Sáng tạo phi lý, Thần thoại Sisyphus. Ở từng phần có giải thích và dẫn dắt suy nghĩ để thực hiện biện chứng cho những lập luận về sự phi lý thông qua hình ảnh và bài học miêu tả cụ thể. “ Phi Lý và Tự Sát “ cần phải nhấn mạnh rằng vào độ tuổi trưởng thành thì sự nghiêm túc khi suy nghĩ để đánh giá xem cuộc sống có đáng sống hay không chính là câu trả lời cho câu hỏi về mục đích sống của con người. Và khẳng định rằng việc tự sát là một hành động bồng bột hay nói cách khác “ Chúng ta hiếm khi quyết định tự sát sau một quá trình suy xét kỹ lưỡng ( tuy nhiên không loại trừ giả định này )”. Con người có thực sự sống hoà thuận với chính mình không. Suy nghĩ đa phần là mâu thuẫn nhưng chúng lý giải về cách thức của cuộc sống hoạt động. Điều đó giúp phần nào hiểu được việc một số người hành động bồng bột là nguyên nhân dẫn đến việc tự sát. Về logic nếu cuộc sống là phi lý thì việc tự sát liệu hẳn đã hợp lý chưa ? Từ đó có thể dễ dàng nhận thấy rằng phần đông chúng ta chấp nhận cuộc sống phi lý, và chỉ số ít còn lại không thể chấp nhận bản tính của tự nhiên vì vậy họ dễ dàng để cho những hành động làm tổn thương bản thân và có nguy cơ tự sát cao xảy đến. Vậy về cơ bản thì chúng ta sẽ không nghĩ đến câu hỏi “ Sống để làm gì ? “ khi chúng ta có một mục đích sống rõ ràng. Và chỉ những ai không hiểu bản thân cần gì mới phải xem xét lại mục đích để sống tiếp. 


 “ Đánh giá xem cuộc sống đáng sống hay không đáng sống cũng chính là trả lời cho câu hỏi có tính nền tảng của triết học. Tất cả những câu hỏi khác - đại loại như có phải thế giới có ba chiều hay không, hay liệu trí tuệ nên được phân thành chín hay mười hai phạm trù - đều xếp sau. Chúng là những trò chơi; muốn tham gia thì người ta cần phải trả lời câu hỏi đầu tiên trước đã. Và nếu quả đúng như tuyên bố của Nietzsche, rằng một nhà triết học phải lấy chính mình làm gương cho điều mình rao giảng thì mới xứng đáng được tôn trọng, thì ta có thể thấy rằng câu trả lời cho câu hỏi đó thật hệ trọng, vì nó sẽ dẫn đến một hành động dứt khoát rõ ràng. Đây là những sự thật mà ta có thể cảm nhận bằng con tim; nhưng chúng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng thêm thì tâm trí của ta mới rõ được. “


“ Chẳng hạn tôi chưa bao giờ thấy ai chết khi đưa ra luận chứng về bản thể cả. Galile thấu hiểu một chân lý vô cùng quan trọng, nhưng ông đã dễ dàng chối bỏ nó ngay khi mạng sống của mình bị đe doạ. Xét theo một nghĩa nào đó, ông đã làm đúng. Chân lý ấy không đáng để ông bị thiêu sống. Cho dù trái đất quay quanh mặt trời hay ngược lại thì cũng chẳng đáng quan tâm. Thành thật mà nói, đó là chuyện phù phiếm. 


“ Vấn đề tự sát chưa bao giờ được xét tới, ngoại trừ với tư cách là một hiện tượng xã hội. Còn ở đây ngay từ đầu chúng ta đã quan tâm đến mối liên quan giữa suy nghĩ của cá nhân và hành động tự sát. Hành động ấy được chuẩn bị lặng thầm giữa cõi lòng, như quá trình tạo tác một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại. Bản thân người (tự sát) không hề ý thức về quá trình đó. Đơn giản là trong là trong một buổi tối nào đó anh ta bóp cò súng hay nhảy lầu. Nhân vụ một người quản lý chung cư tự tử, người ta kể với tôi rằng năm năm trước anh ta đã mất đứa con gái, và kể từ đó anh đã chuyển biến ngày càng tệ hại, và rằng nỗi đau đó đã “gặm mòn” anh ta. Khó có thể tìm ra từ nào chính xác hơn. Quá trình tư duy bắt đầu đồng thời với quá trình tự huỷ hoại. Xã hội bên ngoài hầu như chẳng liên quan gì với những khởi nguồn như thế. Con sâu vốn ẩn trong trái tim con người. Đó là nơi phải tìm kiếm nó. Ta phải lần theo và thấu hiểu trò chơi chết chóc này, từ sự sáng suốt khi đang tồn tại cho đến cuộc thoát ly khỏi ánh sáng dương gian. "


 “ NHỮNG TƯỜNG THÀNH PHI LÝ “ rõ ràng sự phi lý trong cuộc sống xảy ra với bất cứ ai bất cứ nghề nghiệp nào. Và đối với một người diễn viên khi cầm kịch bản và phân tích nhân vật trong tay anh ta sẽ buộc phải hoá thân với diễn xuất trước công chúng ( hoặc đoàn làm phim ), mặc dù vậy việc phân tích tâm lý của diễn viên sẽ được chia làm 2 bước : đặt bản thân mình vào người khác ( ở đây là vai diễn ), thể hiện chính cái vai diễn đó cho người khác thấy. Mặc dù thế giới đang dần bé lại và suy nghĩ của con người cũng vậy, đến mức độ nào đó thì đơn giản việc chấp nhận những vấn đề diễn ra một cách phi lý cũng là bước vào một thế giới rộng hơn đủ cho chúng ta có thể tiếp tục tự do bỏ ngoài những quy tắc và định kiến. Một vế nữa được đưa ra như một quan điểm sống ” một là tất cả, tất cả là một “ cũng đáng được chú ý trong triết học tôn giáo của Phật. 


“ Giống như các tác phẩm lớn, những cảm nhận sâu sắc luôn chứa đựng nhiều tầng nghĩa hơn những lời ta chủ tâm dùng để biểu đạt chúng. Cơn bốc đồng hoặc cảm giác thôi thúc trong tâm hồn thường xuyên trỗi lên trong nếp quen hành động hay suy nghĩ được tái hiện trong những hệ quả mà chính tâm hồn không hề hay biết. Những cảm nhận lớn lao cuốn theo chúng vũ trụ của riêng mình, huy hoàng hay thảm hại. Với sự mãnh liệt của mình, những cảm xúc ấy thắp sáng một cõi riêng biệt có môi trường phù hợp với chúng. Có vũ trụ của lòng ghen tị, vũ trụ của tham vọng, vũ trụ của thói ích kỷ, vũ trụ của lòng quảng đại. Một vũ trụ, nói cách khác là một khái niệm siêu hình, một thái độ tinh thần. Những đặc tính gắn với những cảm nhận đã được định danh, thậm chí còn mạnh mẽ hơn nơi những cảm xúc mà về cơ bản là bất định, vừa mơ hồ vừa “rõ rệt” , vừa xa vời lại vừa rất “hiện thực”; hệt như những cảm giác dễ chịu khi nhìn vẻ đẹp hoặc cảm giác bị kích thích khi vấp phải sự phi lý. 

Cảm nhận về phi lý có thể ập đến với bất kỳ ai ở bất cứ nơi đâu. Nó hiện ra như là chính nó, trong sự trần trụi đến đau đớn, được soi rọi trong thứ ánh sáng không tô vẽ; thật khó mà nắm bắt nó. Những chính sự khó khăn vô cùng đó đáng cho chúng ta suy nghĩ. Quả là có lẽ ta mãi mãi không hiểu hết một con người, cái cốt lõi tối giản trong anh ta cứ trượt khỏi chúng ta. Nhưng trên thực tế ta có nhận biết được những người khác; ta nhận dạng được họ thông qua cách cư xử, qua toàn bộ những việc họ làm, qua những hệ quả cuộc sống mà họ để lại trong kiếp hiện hữu của họ. Tương tự, mặc dù những cảm nhận bất duy lý nêu trên không cho ta cơ sở nào để phân tích chúng, nhưng trên thực tế ta vẫn có thể định danh chúng, nhận thức được về chúng, bằng cách thu thập mọi kết quả sinh ra từ chúng xét trong bình diện trí tuệ, bằng cách nắm bắt và ghi nhận mọi kết quả từ chúng, và vạch nên đường viền cái vũ trụ bao quanh chúng.”


 “ TỰ SÁT TRIẾT HỌC, TỰ DO PHI LÝ” khái niệm này đi bên cạnh nhau, song song bổ trợ để có thể dễ dàng thấy rằng việc tự do của con người là hoàn toàn dân chủ, và chủ động, nó đòi hỏi người ta phải mạch lạc rõ ràng và không che giấu hay có sự mờ ám nào. Người tự do thì chấp nhận tất cả các mặt của xã hội họ gọi là “ dân chủ ” và hiện nay đó là mục tiêu của rất nhiều quốc gia và dân tộc đang hướng tới. Về mặt tự sát của triết học ở đây ý cần được nhấn mạnh rằng “tự sát “ có thể chỉ là việc hiểu và suy nghĩ đến mà không cần hành động. Vì tự sát thật sự là không suy nghĩ dẫn đến hành động và kết quả là cái chết, vậy nên ta có triết học để nâng đỡ cho suy nghĩ và giải thích quá trình hình thành suy nghĩ dẫn đến tự sát. 

“ Như vậy, có một thực tế rành rành xem ra hoàn toàn phải lẽ; rằng con người luôn luôn là một nạn nhân của những sự thật mình nhận ra. Một khi đã thừa nhận chúng, anh ta không thể tự giải thoát khỏi chúng. Người ta phải trả một cái giá nhất định cho sự thật. Người ta một khi đã ý thức được về sự phi lý thì mãi mãi sẽ bị ràng buộc với nó. Một người không có hy vọng và ý thức được tình trạng đó của mình không còn thuộc về tương lai. Điều đó là tự nhiên. Mà việc anh ta cố thoát khỏi vũ trụ do chính mình tạo dựng cũng tự nhiên không kém. Tất cả những điều trên có ý nghĩa chỉ nhờ nghịch lý này. Một số người, bắt đầu từ việc phê bình chủ nghĩa duy lý, đã thừa nhận xu hướng phi lý. Để thấy rõ vấn đề này, cách hiệu quả nhất là xem kỹ lưỡng cách thức họ xây dựng những kết quả của mình.”

“ Vậy tôi đã rút ra ba kết quả từ sự phi lý, đó là cuộc nổi dậy của tôi, tự do của tôi, và niềm đam mê của tôi. Bằng hoạt động ý thức đơn thuần, tôi biến lời mời tiến vào cõi chết thành quy tắc của sự sống - và tôi khước từ hành vi tự tự sát. Tôi rất biết những phản hồi âm ỉ rung lên trong suốt thời đại này. Nhưng tôi vẫn chỉ nói một lời : như thế là cần thiết. Khi Nietzsche viết: “ Rõ ràng điều cốt yếu trên thiên đàng cũng như địa giới là phải tuân phục trong thời gian dài và chỉ theo một hướng: rồi sau cũng sẽ hình thành nên thứ gì đó đáng để ta sống tiếp, ví như đức hạnh, nghệ thuật, âm nhạc, điệu nhảy, lý trí, tâm trí - những thứ được tôn cao nổi rõ, những thứ tinh tế điên rồ hay thiêng liêng,” ông giải thích rõ quy luật của một chuẩn mực đạo đức thực sự xuất sắc. Đồng thời ông cũng chỉ ra con đường cho con người phi lý. Tuân theo ngọn lửa cuộc sống là điều dễ nhất mà cũng là điều khó nhất. Dù sao, thi thoảng tự phán xét chính mình cũng là điều tốt. Vì chỉ mình ta có thể làm điều đó.”


 Về con người phi lý chỉ cho ta thấy những điều có thể diễn đạt sự phi lý trong suy nghĩ, hành động, trong cuộc sống thông qua những trải nghiệm được chính tâm trí dẫn dắt. Hiểu một cách đơn thuần tâm trí sẽ chỉ dẫn cho ta được gặp gỡ và trao đổi về các hành động diễn ra theo đúng cách cuộc sống sắp đặt mà ta không thể lý giải được. Sự phi lý giải thoát khỏi suy nghĩ trói buộc và tìm cách hiểu vấn để rõ ràng hơn, để giúp chúng ta phân tích tình hình và đưa ra hành động. Cụ thể là hành động của con người được diễn ra dựa trên nguyên tắc sắp xếp của não bộ khi tiếp nhận thông tin từ bên ngoài và những mong muốn bên trong để thể hiện. Với một con người phi lý thì khả năng của anh ta là sẽ hành động dưa trên những yếu tố mang tính bất ngờ, thời điểm không thể đoán định. Và điều kiện duy nhất mà một người bình thường có thể chấp nhận con người phi lý đó là nguyên tắc vô ích của con người phi lý nghĩa là các hành vì mà anh ta đặt ra không vi phạm đạo đức nào. “ Sự phi lý đơn thuần đặt một dấu tương đương giữa hậu quả những hành động đó. Sự phi lý không khuyến khích tội ác, bởi thế chẳng khác nào trò trẻ, nhưng nó cho thấy cái vô ích trong sự ăn năn sau đó.” Với một ví dụ cụ thể về con người phi lý có thể nhắc đến nhân vật Don Juan. “ Nếu chỉ yêu là đủ thì sự đời quá ư đơn giản. Tình yêu càng lớn thì sự phi lý càng tăng.” Đúng thế những giá trị mà con người nhận được trong tình yêu bao hàm cả sự phi lý không thể chối cãi nhưng vẫn cần được chấp nhận. Hình ảnh một con người khi yêu chính là đại diện cho con người phi lý. Cách giải thích đơn giản nhất đối với một người đang yêu, đó là vì cảm xúc của họ tăng lên và rơi vào trạng thái lãng mạn, nguyên nhân chính là do phản ứng về mặt sinh học hormone Oxytocin tăng lên đem lại cảm giác hưng phấn khiến cho họ quên đi những rào cản lập luận thông thường. Hơn cả một người đang yêu thì sự tỉnh thức của con người phi lý càng làm rõ đối tượng nếu đó là đúng người dành cho mình. 

“ Mọi sinh vật khoẻ mạnh đều có xu hướng nhân giống chính mình. Don Juan cũng vậy. Người ta thường u sầu vì hai lý do: hoặc là họ không biết, hoặc là họ ôm hy vọng. Còn Don Juan rất biết và không hy vọng. Anh gợi cho ta nghĩ đến người nghệ sĩ biết đâu là giới hạn của mình và không bao giờ cố vượt qua, và trong quãng đời hữu hạn nơi đặt bệ đỡ tinh thần đó, họ được hưởng sự thanh thản tuyệt diệu của người làm chủ. Như thế là rất khôn ngoan, cái trí tuệ biết được giới hạn của nó. Trước giới hạn là cái chết của thể xác, Don Juan không biết thế nào là u sầu. Anh ngộ ra, và từ đó trở đi chỉ có cười, tiếng cười làm cho người ta tha thứ mọi điều. Anh từng u sầu khi anh hi vọng. Còn bây giờ, từ miệng người phụ nữ đó anh nhận ra vị đắng cay lẫn an ủi của hiểu biết duy nhất. Cay đắng ư? Chẳng đáng gì: sự bất toàn cần thiết đó khiến ta cảm nhận được hạnh phúc!”


Có một số điều để khám phá sự phi lý trong cuộc sống, điều đầu tiên là bạn phải dám đối mặt với một số khái niệm về nhân sinh mà chắc chắn sẽ gặp phải. Làm cách nào bạn có thể xây dựng niềm tin dựa vào các giá trị trong cuộc sống mà bạn nhận được. Chủ nghĩa phi lý đưa ra rằng :


“Trí tuệ, cái trí tuệ không yên đó có lẽ đã dự báo được nhiều điều quan trọng cần ghi nhận. Nhưng thời đại này, những tàn tích của nó, và máu của nó làm ta ngập tràn với vô vàn sự kiện. Những quốc gia cổ đại, và thậm chí cả những quốc gia gần hơn với thời đại kim khí của ta, đã có thể cân lường đức hạnh của xã hội và của cá nhân, để xem cái nào phụng sự cho cái nào.” 

“Ý thức được rằng mình không thể tách rời khỏi thời gian, tôi quyết trở thành một phần của nó. Tôi chú trọng nghiên cứu cá nhân, bởi nó làm tôi sững sờ trước nguyên nhân thất bại: chúng đòi hỏi một linh hồn vô nhiễm, có thể chịu được thất bại cũng như những chiến thắng nhất thời. Những ai cảm thấy mình gắn bó mật thiết với thế giới này, thì hẳn cảm thấy có phần đau đớn trước những xung đột và va chạm trong các nền văn minh. Tôi cũng đón nhận nỗi đau đó khi quyết định dẫn nhập vào thế giới. Giữa lịch sử và sự bất diệt, tôi chọn lịch sử, vì tôi chỉ ưa những gì chắc chắn. Ít nhất, tôi chắc chắn về nó, và làm sao tôi phủ nhận được rằng chính lực lượng này nghiền nát tôi ?”

“ Trong trường hợp nào đi nữa, điều quan trọng là phải đưa thêm cho lập luận phi lý nhiều ví dụ chân thực. Trí tưởng tượng có thể giúp ta thêm vào nhiều người khác, cũng không tách rời khỏi thời gian và lưu đày, những người biết làm sao sống hòa hợp với một vũ trụ không có tương lai và không có sự yếu hèn. Thế giới phi lý, vô thần vô thánh này, khi đó sẽ là nơi cư ngụ với những con người suy nghĩ rõ ràng và không còn bấu víu vào hy vọng. Tôi hãy còn chưa đề cập đến nhân vật phi lý nhất, đó là con người sáng tạo.”


Khi nói về “ SÁNG TẠO PHI LÝ” thì có những ý cần được tôn lên và làm rõ thứ nhất về khởi nguồn của tính sáng tạo là nằm ở sâu trong tầng nhận thức của con người. Con người chia ra làm ba giai đoạn phát triển khi còn bé trong giai đoạn cơ thể phát triển trẻ em là đối tượng có tính sáng tạo cao nhất vì khi đó chưa gặp những bài học về cuộc sống nên suy nghĩ và nhận thức luôn ở mức độ cao. Giai đoạn trưởng thành và trung niên là những tháng năm được tôi luyện và rèn luyện thể chất nên thực tế cho thấy sự sáng tạo sẽ gặp nhiều rào cản và văn hoá khác nhau làm hạn chế các ý tưởng về cuộc sống. Và đây cũng chính là lúc một con người phi lý hình thành, bởi lẽ đó tư duy thường trực sâu sắc là vũ khí và sức mạnh để bộ não và ý thức của con người vượt qua các rào cản về văn hoá, tôn giáo, bài học đã cho thấy. Phải hiểu rằng là tâm trí của chúng ta tiếp thu những bài học về cuộc sống và hình thành nên một vài nguyên tắc cá nhân, nhưng nó có thể thay đổi và chính điều đó khiến chúng ta phải luôn nhắc nhở bản thân rằng không được trốn tránh điều gì. Nếu là một người sống với nhiều trải nghiệm thì bạn sẽ có khả năng chịu đựng sự phi lý của thế giới và cảm thấy rằng đó là một niềm vinh dự siêu hình. 

Giống như việc chúng ta có chiếc chìa khoá để có thể mở nhiều cánh cửa thế giới khác nhau và thông qua đó việc hàn gắn những mối lo và suy nghĩ về cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Và sáng tạo là sống nhiều gấp hai lần vậy còn chiến tranh có phải là sản phẩm của sáng tạo phi lý không? 


“ Phải sống cùng nó hay chết vì nó. Như vậy sự phi lý ở đây là: phải sống cùng nó để nhận ra những bài học từ nó và giành lại xương thịt con người. Về mặt này, niềm vui phi lý cao nhất là sự sáng tạo. Như Nietzsche nói: “ Nghệ thuật và không có gì ngoài nghệ thuật, chúng ta có nghệ thuật để không phải chết vì sự thật.” 

“ Ở đây nỗ lực kiềm chế là rất đáng kể. Nhưng trí tuệ con người có khả năng vượt cao hơn thế nữa. Nó chỉ rõ khía cạnh tự nguyện của sáng tạo. Tôi từng viết trong một bài khác rằng ý chí con người không có mục đích nào khác hơn là duy trì sự tỉnh thức. Nhưng không thể làm vậy nếu không có kỷ luật. Sáng tạo là trường học rèn tính kiên nhẫn và sự sáng suốt hiệu quả nhất. Nó cũng là bằng chứng đáng ngạc nhiên về phẩm giá duy nhất của con người: chính là cuộc nổi dậy bền bỉ chống lại thân phận của mình, kiên trì theo đuổi một nỗ lực được cho là vô ích. “

“Các vị thần đã phạt Sisyphus không ngừng vần một tảng đá lên đỉnh một ngọn núi, rồi tảng đá lại tự lăn xuống. Họ đã có lý khi cho rằng không có hình phạt nào khủng khiếp hơn lao động hoài công và vô vọng.”

Vì vậy chúng ta nên nhìn nhận rằng “sự phi lý” trong cuộc sống là tác nhân chống đỡ cho mọi giả thiết về tự nhiên một cách mơ hồ và dễ dàng bị sụp đổ. Nó nêu cao giá trị tinh thần của quốc gia dân tộc và lấy đó là nền tảng để xây dựng xã hội phát triển và văn minh. 


Cảm nhận cá nhân


Cuốn sách với gần 200 trang đã thể hiện tư duy triết học của Albert Camus với niềm tin chắc chắn rằng sự phi lý là yếu tố để con người xây dựng nền tảng cho các lập luận tự nhiên và khoa học hiện đại. Và với triết học hiện sinh, con người phi lý đã xây dựng một số những lập luận và nguyên tắc cơ bản về cuộc sống và khái quát sự hình thành trong tư duy của con người. Đề cao tính nghệ thuật và giá trị của những tác phẩm được đóng góp bằng sáng tạo phi lý. Đó chính là câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi triết học rằng con người sống để làm gì ? Tôi đặc biệt yêu thích cuốn sách này vì nó đã nêu rõ và làm sáng tỏ rất nhiều vấn đề tâm lý của những người trẻ đang gặp khủng hoảng hiện sinh. Không thể hàn gắn, không thể chữa lành nỗi đau nếu không vượt qua được những rào cản tâm lý xã hội. Để có thể chạm đến một thế giới hòa bình con người phải học cách chấp nhận nỗi đau và chiến tranh. Có thể khẳng định chiến tranh đối với sự phi lý của thể giới này như là một vở kịch sáng tạo mà các nhà chính trị và độc tài quân sự đang nung nấu kịch bản. Nhưng cá nhân mỗi người thì nên được biết đến chủ nghĩa phi lý để có thể thoát khỏi cái tư duy theo lối mòn và xây dựng một hệ thống tư duy tích cực hơn đóng góp nhiều hơn những niềm vui và hạnh phúc cho xã hội.


Tóm tắt bởi: Souries - Bookademy

Hình ảnh: Souries

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy (*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

519 lượt xem

lh-fulllh-x